THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Tập 4
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore
Thời gian: Ngày 22 tháng 05 năm 1999
Chư vị đồng học, chào mọi người! “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, đây là từ xưa đến nay ở Trung Quốc, thông thường đại chúng trong xã hội đều rất xem trọng, người y theo phương pháp này tu học rất nhiều, đạt được cảm ứng cũng không thể nghĩ bàn. Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, chính là hội tập rất nhiều sự tích của cảm ứng, hiệu quả vô cùng rõ rệt. Cổ nhân khuyên dạy chúng ta, tâm địa con người phải hậu đạo. Lần này tôi đến châu Úc, tuy thời gian chỉ có bốn ngày, các đồng tu cũng không bỏ lỡ, muốn tôi dùng thời gian bốn ngày này, đem đại ý của Liễu Phàm Tứ Huấn giới thiệu cho mọi người. Đạo lý của cảm ứng, phần khai tông minh nghĩa nói được rất rõ ràng, trong kinh Dịch nói: “Nhà tích điều thiện ắt thừa niềm vui, nhà tích điều bất thiện ắt thừa tai ương.” Giữ tâm hậu đạo thì nhất định có phước về sau; giữ tâm khắc nghiệt, cho dù hoàn cảnh trước mắt rất thịnh vượng, thế nhưng không bao lâu ắt sẽ suy thoái. Lý luận và sự thật này, xưa nay trong và ngoài nước, chỉ cần chúng ta tỉ mỉ quan sát thì đều có thể nhìn thấy, hơn nữa thấy được rất rõ ràng. Cho nên bất luận là cá nhân, bất luận là gia đình, đoàn thể, hoặc là quốc gia, phải biết được sự hưng thịnh đều ở giữ tâm hậu đạo, đoạn ác tu thiện.
Cổ nhân nói, phàm là người rõ ràng đạo lý này thì phải đem bài văn này lưu thông rộng khắp. Chúng ta phải nên học tập Ấn Tổ, cả cuộc đời của đại sư Ấn Quang là toàn tâm toàn lực lưu thông bộ sách này, ngoài ra còn có Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư. Ba bộ sách này, có số lượng lưu thông vượt xa kinh luận Phật pháp, Đại sư Ấn Quang làm như vậy là có dụng ý gì? Không gì ngoài việc cứu vãn kiếp nạn của thế gian hiện nay. Kiếp nạn này rất nghiêm trọng, chúng ta phải nhận thức rõ ràng. Kiếp nạn từ đâu mà tạo thành? Từ nhân tâm, nhân hạnh mà tạo thành, tâm hạnh bất thiện liền tạo thành kiếp nạn. Nhà Phật thường nói: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”, y báo là hoàn cảnh của chúng ta, chánh báo là lòng người, là hành vi. Lòng người thiện thì hoàn cảnh đời sống chúng ta liền tốt; lòng người bất thiện thì hoàn cảnh liền xấu đi. Cho nên quyển sách này nhất định phải đọc thuộc nghĩ sâu, nỗ lực phụng hành, ở trong đời sống thường ngày khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, nghĩ xem có tương ưng với giáo huấn của Cảm Ứng Thiên hay không? Nếu tương ưng thì chúng ta có thể nghĩ, có thể nói, có thể làm; không tương ưng thì không thể được. Cho nên nhất định phải đọc thuộc trước, phải thường xuyên tư duy nghĩa lý ở bên trong, đọc thuộc nghĩ sâu, nỗ lực phụng hành thì tiền đồ của bạn xán lạn vô cùng.
Chính tôi học Phật, tôi năm 26 tuổi tiếp xúc với Phật pháp, rất nhiều đồng tu đều biết, tôi không có phước báo, cũng không sống thọ. Không chỉ có một người xem tướng đoán mệnh cho tôi, mà có rất nhiều người đều nói tôi không qua khỏi 45 tuổi, tôi tin tưởng, vì rất nhiều thế hệ trong nhà tôi đều không qua 45 tuổi, cho nên tôi có thể tiếp nhận. Tôi không có phước báo là do trong đời quá khứ không tu phước, may mắn là tôi vẫn còn một chút thiện căn, vẫn còn một chút thông minh trí tuệ, đủ để tiếp nhận thiện pháp. Năm đó lão cư sĩ Chu Kính Trụ đem quyển Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên giới thiệu cho tôi, sau khi đọc xong tôi rất cảm động, biết được khuyết điểm của mình, liền sửa đổi lỗi lầm, thay đổi bản thân, học nhẫn nhục, học nhẫn nhường. Hiện nay vẫn còn một chút thọ mạng như vậy, dường như vẫn còn một chút phước báo như vậy, đây không phải đời trước tu, mà do những gì đời này tu được, nói thật ra là đắc lực nhờ lời dạy của Ấn Tổ. Ba loại sách này tôi đều đã giảng qua vài lần, lần này các đồng tu thỉnh tôi giảng lại lần nữa, tôi nói tốt, cũng đúng lúc. Mọi người học Phật công phu không đắc lực, niệm Phật không thể được công phu thành phiến, tham thiền không thể đắc thiền định, nghiên giáo không thể viên giải, nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Chúng ta phải tìm cho ra nguyên nhân này, tiêu trừ nhân tố này thì bất luận tu học pháp môn nào, công phu sẽ đắc lực.
Đặc biệt là thế gian hiện nay, thế giới này, mỗi một khu vực đều liên tục xảy ra tai nạn, năm sau nhiều hơn năm trước, lần sau nghiêm trọng hơn lần trước, chúng ta phải có tâm cảnh giác. Tháng trước, có một vị đồng tu ở châu Úc gửi đến ba quyển sách lớn là “Dự ngôn cổ xưa của phương Tây”, tôi đã dùng thời gian hai tuần để đọc hết, tôi mới thật sự hiểu rõ. Trước đây chúng tôi cũng xem qua một số quyển trích lục, nhưng trích lục không hoàn chỉnh nên không rõ, cũng là do chính mình tu dưỡng không đủ. Bây giờ xem thấy nguyên văn, đọc được toàn văn tôi mới hiểu được, toàn thế giới đều biết, Nostradamus là nhà tiên tri nổi tiếng của phương Tây, con người này thực tế mà nói, cùng với Khổng tiên sinh được nói tới trong Liễu Phàm Tứ Huấn là nhân vật giống nhau. Ông đối với sự thay đổi của xã hội tương lai, tình hình thịnh trị hay động loạn đều đoán được rất chính xác, thế nhưng không có cách gì hóa giải. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn, Khổng tiên sinh đoán được rất chuẩn xác vận mệnh của Viên Liễu Phàm nhưng cũng không có cách gì sửa đổi. Tiên sinh Viên Liễu Phàm rất may mắn, gặp được thiền sư Vân Cốc, dạy ông mệnh là do mình tạo, đương nhiên mình có thể sửa, cải tạo vận mệnh, ông đã sửa thành công. Trong các triều đại của Trung Quốc, người giống như tiên sinh Liễu Phàm nhiều không tính kể. Bạn hiểu được đạo lý, hiểu được phương pháp thì bạn liền có thể cải tạo vận mệnh, sáng tạo vận mệnh, tiền đồ là một mảng xán lạn. Hiểu được đạo lý này rất khó, không phải là việc dễ, thấu triệt hiểu rõ phương pháp cũng không phải dễ dàng. Cho nên, chúng ta nhất định phải hết lòng nỗ lực học tập, đạo lý này rất sâu.
Chúng tôi ở Singapore, nếu có cơ hội, có thời gian dài giảng tường tận Đại kinh thì những đạo lý này đều có thể nói rõ cùng các vị. Thế nhưng nghe một lần, hai lần, ba lần, bạn thật sự có thể hiểu rõ hay không? Điều này chưa hẳn. Một lần, hai lần, ba lần là nghe nói qua mà thôi, tín tâm của bạn còn chưa thể xây dựng, huống hồ là hiểu rõ? May mà phân lượng của bộ kinh Hoa Nghiêm lớn, trước mắt với tiến độ này của chúng ta, tôi dự tính phải giảng mười lăm năm. Nếu như có được duyên phận này, trong mười lăm năm huân tập, tôi tin rằng người khai ngộ sẽ rất nhiều, không có thời gian dài như vậy thì làm không được. Không thể trực tiếp ở tại đây nghe giảng kinh thì bất đắc dĩ phải tìm cách khác, bạn có thể nghe băng ghi âm, xem băng ghi hình, hoặc là mở xem ở trên mạng Internet, đây là bất đắc dĩ phải tìm cách khác. Quả thực mỗi ngày huân tập không gián đoạn, muốn xây dựng lòng tin, cũng cần phải có công phu từ ba đến năm năm thì bạn mới có thể làm được. Người thời nay so với người thời xưa không giống nhau, tâm người thời xưa là định, tâm người thời xưa rất hậu đạo. Tâm người thời nay khắc nghiệt, nông nổi, nếu không có thời gian từ ba đến năm năm thì lòng tin không thể xây dựng, có khi phải tám năm, mười năm thì bạn mới thật sự có thể khai giải, mới thật sự có thể khế nhập. Chính tôi là một thí dụ rất tốt, cả đời này của tôi tâm địa bình lặng, điểm này so với người khác thì tôi mạnh hơn một chút. Tôi không có dục vọng, không tranh với người, không cầu nơi đời, cho nên tâm địa tương đối bình lặng, điều này đối với tu học có sự trợ giúp rất lớn. Nếu như tâm bạn không bình, tâm của bạn nông nổi, dục vọng của bạn rất nhiều, muốn tranh lấy danh văn lợi dưỡng, tham muốn ngũ dục lục trần, đây là chướng ngại lớn nhất của tu đạo, những thứ này chỉ tạo tội nghiệp. Nên công phu của bạn không đắc lực, đạo lý là ở chỗ này.
Một người tu hành, một người được phước; một nhà tu hành, một nhà được phước; một khu vực tu hành thì khu vực đó tránh khỏi được tất cả tai nạn. Singapore, khu vực này không lớn, chúng tôi ở nơi này giảng kinh, trước sau cũng đã mười hai năm. Vì sao các nơi khác, cũng dùng thời gian mười mấy năm mà công phu không có hiệu quả? Nơi này chúng ta thấy được một số hiệu quả, nguyên nhân là sự giáo dục con người của Singapore không giống giáo dục của những nơi khác, con người nơi đây thật thà, giữ phép tắc, rất quy củ. Sau khi nghe Phật pháp rồi, họ nghiêm túc suy nghĩ, họ biết đi làm, họ cảm thấy đây là việc tốt nên họ nghiêm túc đi làm, khi nhiều người làm thì sẽ hình thành một phong khí. Một quốc gia nhỏ như vậy, một quốc gia đô thị mà có thể nhận được sự tôn kính của người toàn thế giới, tự nhiên có đạo lý của nó. Có thể thấy được đạo lý vẫn đều phải quy kết ở giáo dục. Tôi nghe người khác nói, tiên sinh Lý Quang Diệu đã từng nói, ông là tiếp nhận qua giáo dục Anh ngữ, nếu như ông được tiếp nhận giáo dục Hoa ngữ thì việc quản lý của Singapore so với bây giờ phải tốt hơn rất nhiều lần. Đây là trí tuệ chân thật, quả là người từng trải! Giáo dục Hoa ngữ dạy người điều gì, chúng ta phải hiểu rõ, Trung Quốc từ ba đời Hạ, Thương, Chu đến nay, mãi đến cuối đời nhà Thanh, tông chỉ giáo dục không hề thay đổi. Tông chỉ là gồm có ba việc: thứ nhất, dạy bạn hiểu rõ quan hệ giữa người với người, bạn phải nên làm người như thế nào; thứ hai, dạy bạn quan hệ giữa con người với hoàn cảnh tự nhiên; thứ ba, dạy bạn quan hệ giữa con người với thiên địa quỷ thần, bạn có thể thông đạt tường tận thì bạn chính là thánh nhân.
Giáo dục của nhà Phật cũng là ba sự việc này, nhà Phật cho dù là Tiểu thừa hay Đại thừa, cho dù là tông phái nào, tông chỉ của giáo dục cũng là ba điều. Điều thứ nhất là chuyển ác thành thiện, trong ngũ thừa Phật pháp là nhân thiên Phật pháp, bạn sẽ không bị đọa ba đường ác. Điều thứ hai là chuyển mê thành ngộ, bạn liền có thể siêu việt lục đạo luân hồi, siêu việt ngoài tam giới, làm La-hán, làm Bích-chi Phật, làm Bồ-tát, làm Phật. Mục tiêu của điều thứ ba là chuyển phàm thành thánh, đó chính là siêu việt thập pháp giới, trong kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp thân Đại sĩ. Nếu như chúng ta không nắm được cương lĩnh của giáo học, vậy bạn học là học những gì? Chúng ta thật sự rõ ràng, thật sự hiểu rõ thì mới biết tri ân báo ân. Người thế gian không biết ân thì họ báo ân gì? Tri ân báo ân, ở trong Phật pháp Đại thừa là khóa trình mà Nhị địa Bồ-tát cần phải tu. Các vị thử nghĩ xem, địa vị này cao bao nhiêu! Nhị địa Bồ-tát tu học tổng cộng có tám khoa mục, đây là một trong số đó. Niệm niệm không quên “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”, hai câu này là căn bản, sau đó từ chỗ này mà phát dương quang đại, hiếu thuận tất cả chúng sanh, phụng sự tất cả chúng sanh. Những gì trong kinh Phạm Võng nói, đây là Giới kinh: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”, đây là đem tâm báo ân phát huy đến cực điểm.
Chúng ta ngày nay tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo khác nhau, tiếp xúc với rất nhiều chủng tộc khác nhau, dùng tâm yêu thương chân thành, bố thí cúng dường vô tư vô điều kiện, có rất nhiều người cảm thấy rất kỳ lạ họ đến hỏi tôi: “Thưa pháp sư, vì sao ngài phải làm như vậy?” Tôi nói: “Đây là chúng tôi thực tiễn lời dạy bảo trong kinh Hoa Nghiêm. Chúng tôi hiểu rõ đạo lý này, hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới chính là pháp thân thanh tịnh của chính mình, vậy làm sao có thể không yêu thương bảo vệ, làm sao không chăm lo, làm sao không cúng dường?” Nếu mọi người đều hiểu rõ đạo lý này, đều biết cách làm như vậy thì thiên tai nhân họa liền không còn nữa, đây chính là Phật pháp. Phật pháp ở thế gian, chân thật có mấy người hiểu được Phật pháp? Chúng ta học được những lời dạy bảo này, nhất định phải đem nó biến thành đời sống của chúng ta, biến thành tư tưởng của chúng ta, biến thành hành vi của chúng ta, vậy chúng ta mới có thể đạt được thọ dụng chân thật. Cho nên Cảm Ứng Thiên không thể không học, không thể không nghiêm túc nỗ lực tu học. Trong Vựng Biên, những câu chuyện nhân duyên thu thập được rất phong phú, tôi không thể giới thiệu từng việc, từng việc được, như vậy thì thời gian sẽ rất dài. Tôi ở chỗ này chỉ là nhắc nhở các đồng tu, phải hết lòng nỗ lực đọc tụng, thọ trì, tự cầu đa phước. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến chỗ này. Vậy là còn chưa giảng đến kinh văn, ngày mai chúng ta sẽ giảng đến kinh văn.
☆ Xem thêm:
➢ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 1
➢ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 2
➢ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 3
➢ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 5
➢ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 6