Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 1

 

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Tập 1

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

Thời gian: Ngày 11 tháng 05 năm 1999

 

         Chư vị đồng học, chào mọi người! Gần đây có một số đồng tu mong muốn tôi giảng lại Thái Thượng Cảm Ứng Thiên một lần nữa, hy vọng được đưa đến đài truyền hình để phát sóng, đây là một việc tốt. Thế nhưng thời gian giảng lại một lần cũng tương đối dài, gần đây chúng tôi ở nơi đây bắt đầu giảng kinh Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Địa Tạng, cùng lúc giảng ba bộ kinh này đã đủ nhiều rồi, nay lại thêm một loại nữa, cảm thấy phân lượng quá nặng. Cho nên nghĩ đi nghĩ lại, tôi tranh thủ thời gian nửa tiếng đồng hồ vào mỗi buổi sáng, chúng tôi dự định từ hai đến ba tháng sẽ giảng viên mãn khóa trình này.

         Khóa trình này, thật ra mà nói là vô cùng quan trọng, cuối triều Thanh, đầu thời Dân Quốc, đại sư Ấn Quang đặc biệt đề xướng pháp môn này. Vào năm cuối triều Thanh, đại sư Ấn Quang đang ở núi Phổ Đà, bấy giờ tri huyện Định Hải, triều Thanh gọi là tri huyện, đã lên núi lễ thỉnh đại sư Ấn Quang đến huyện Định Hải giảng kinh hoằng pháp. Bởi vì giọng địa phương của đại sư rất nặng, ngài là người Sơn Tây, cho nên có trở ngại về mặt ngôn ngữ, ngài liền cử một vị pháp sư đến huyện Định Hải để giảng kinh. Pháp sư ấy giảng kinh gì vậy? Dường như là giảng Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn. Chúng tôi từ trong tài liệu lịch sử xem thấy thông tin này thì hết sức kinh ngạc, quan đứng đầu địa phương thỉnh pháp sư đến giảng kinh, nhưng pháp sư không giảng kinh Phật mà giảng kinh điển của Đạo giáo. Đặc biệt là cả đời Ấn Tổ cực lực đề xướng những loại thư tịch như Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên. Thế nên bị người đương thời cũng như đời sau phê bình Ấn Tổ rất nhiều, đây đều là tri kiến của phàm phu. Trong Phật pháp, tôi nghĩ rất nhiều đồng tu đều biết có một câu nói như thế này: “Người viên thuyết pháp, không pháp nào không viên”; có lẽ cũng có người nghe qua câu khác: “Pháp nào không phải là Phật pháp?” Chúng ta nghĩ thử xem, hai câu này nghĩa là gì? Thật ra mà nói, cái gọi là thế pháp và Phật pháp là từ đâu mà phân ra vậy? Từ trong tâm bạn phân ra. Còn trong pháp thì không có pháp thế gian hay pháp xuất thế gian gì hết, không có phân hai, từ trong tâm phân ra. Nếu như tâm của bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì đó gọi là pháp thế gian, cho dù bạn học kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm thì cũng là pháp thế gian, tại sao vậy? Vì không ra khỏi tam giới. Nếu như rời khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì nói cho quý vị biết, hết thảy pháp đều có thể liễu sanh tử, xuất tam giới, cho nên có pháp nào không phải là Phật pháp đâu! Chúng ta cần phải rõ ràng đạo lý này.

         Hôm qua chúng tôi đi thăm Thiên Chúa giáo, có một vị tiên sinh hỏi tôi một vấn đề: “Trong Thiên Chúa giáo gọi là linh hồn, cùng với pháp tánh mà Phật giáo nói, khác biệt ở chỗ nào?” Tôi nói rất đơn giản với ông ấy: “Có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là linh hồn, không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là pháp tánh”. Ông ấy lập tức hiểu được, ông thể hội được. Có phải là một việc hay không? Là một việc. Thế nhưng trong một cái có phân biệt chấp trước, còn cái kia thì rời khỏi phân biệt chấp trước, có phân biệt chấp trước thì mọi pháp đều có chướng ngại; rời phân biệt chấp trước thì vạn pháp viên dung. Cho nên phải biết được hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới là một pháp tánh, trong Hoa Nghiêm nói là một pháp thân: “Mười phương ba đời chư Phật cùng đồng một pháp thân”, câu nói này quý vị nghe cũng đã quen tai. Đã cùng đồng một pháp thân, bạn nghĩ thử xem, có pháp nào không phải là Phật pháp! Vậy Cảm Ứng Thiên sao có thể ngoại lệ? Cũng là Phật pháp. Huống hồ Cảm Ứng Thiên và Âm Chất Văn từ đầu đến cuối mỗi câu, mỗi chữ đều là trình bày về ngũ giới thập thiện. Ngũ giới thập thiện trong nhà Phật là pháp căn bản, rời khỏi ngũ giới thập thiện thì người này đang hành tà đạo. Bất luận là bạn tu học pháp môn nào, bất luận bạn là sơ học, hay là La-hán, hay là Đẳng giác Bồ-tát, nếu bạn rời khỏi ngũ giới thập thiện thì bạn là tà đạo, vậy sao gọi là Phật pháp cho được? Muốn giảng ngũ giới thập thiện được viên mãn, giảng được thực tế thì Cảm Ứng Thiên và Âm Chất Văn là giáo trình tốt. Nhất là ở giai đoạn hiện nay của chúng ta, đại sư Ấn Quang đã thấy rất rõ ràng, thế gian này có động loạn, có tai nạn, nếu muốn cứu vãn tai nạn này chỉ có một phương pháp, đó là thức tỉnh hết thảy chúng sanh chân thật giác ngộ, đoạn ác tu thiện. Tai nạn này cho dù không thể hoàn toàn hóa giải nhưng cũng làm cho những tai nạn này giảm nhẹ, thời gian của tai nạn được rút ngắn, đây là khẳng định có thể làm được.

         Đồng tu ở Đài Loan đến hỏi tôi, ở trong đại kiếp nạn, Đài Loan có thể tránh được không? Tôi nói với họ, khẳng định là được. Người Đài Loan tạo tội nghiệp rất nặng, thế nhưng bạn nghĩ xem, người Đài Loan bắt đầu tạo tội nghiệp từ khi nào vậy? Chẳng qua là 20 năm gần đây mà thôi! Các bạn nghĩ thử xem 20 năm trước ở Đài Loan, người Đài Loan rất quy củ, rất tuân thủ phép tắc. Nếu như lại lùi về 30 năm trước thì phong khí của Đài Loan có thể nói là tốt nhất Đông Nam Á, nhân tâm thuần hậu thiện lương. Người Đài Loan tạo tội nghiệp là trong vòng 20 năm gần đây, phong khí xã hội đã hoàn toàn thay đổi. Cho dù là tạo tội nghiệp nhưng người tạo tội nghiệp kể ra không quá nhiều, thời gian cũng không quá dài. Huống hồ ở Đài Loan người niệm Phật rất nhiều, người tâm thiện cũng rất nhiều, cho nên dù có kiếp nạn cũng sẽ không lớn lắm. Người Nhật Bản tạo tội nghiệp thì nặng, có thể nói là nặng vô cùng, tương lai khi họ ở trong đại nạn, quả báo mà họ nhận lấy vượt hơn Đài Loan gấp mười lần cũng không hết. Đây là chúng ta nói từ trong đạo lý của cảm ứng, trồng nhân thiện được quả thiện, tạo nhân ác nhất định bị ác báo, đây là chân lý của cảm ứng. Cho nên Ấn Tổ cực lực đề xướng ba quyển sách này, đây là trí tuệ chân thật, cứu vãn kiếp nạn của thế giới. Lão nhân gia ngài cả đời đề xướng, người thật sự hiểu được thì không nhiều, Ấn Tổ đã vãng sanh, người có thể tiếp tục phát dương quang đại thì lại càng ít.

         Năm 1977, lần đầu tiên tôi tiếp nhận lời mời của đồng tu Hồng Kông, đến bên ấy giảng kinh Lăng Nghiêm. Lần đó tôi ở lại Hồng Kông thời gian tương đối dài, đã ở bốn tháng. Hai tháng đầu, tôi ở thư viện Phật giáo Trung Hoa của lão pháp sư Đàm Hư, khu vực Cửu Long; hai tháng sau thì ở đạo tràng của lão hòa thượng Thọ Dã, là giảng đường Quang Minh của Lam Đường đạo. Tôi ở thư viện thấy được một số thư tịch do Hoằng Hóa Xã của đại sư Ấn Quang xuất bản, nơi đó họ thu thập được rất nhiều. Tôi có quan hệ rất mật thiết với Ấn Tổ, chúng tôi có quan hệ sư thừa, thầy tôi lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là học trò của Ấn Tổ. Do đó, tôi đối với giáo huấn của Ấn Tổ, cũng như sách của Hoằng Hóa Xã xuất bản liền tự nhiên có cảm tình rất sâu đậm. Những sách của Hoằng Hóa Xã được cất giữ trong thư viện nhỏ này, toàn bộ tôi đều xem qua. Đã phát hiện ba loại sách này, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, An Sĩ Toàn Thư, Liễu Phàm Tứ Huấn được Hoằng Hoá Xã in rất nhiều, sách cũng in được rất tốt. Thư viện Phật giáo Trung Hoa cất giữ số lượng sách này cũng không ít, tôi liền lấy một chút, mỗi loại lấy một quyển mang về Đài Loan. Tôi xem thấy trang bản quyền cuối sách, mỗi một bản in của ba loại sách này số lượng ít nhất là 10.000 quyển, số lượng nhiều là 50.000 quyển. Vậy đã tái bản bao nhiêu lần? Mấy chục lần. Tôi thống kê sơ lược thì thấy số lượng của ba loại sách này vượt hơn ba triệu quyển, việc này khiến cho tôi vô cùng kinh ngạc! Những thư tịch khác mà Hoằng Hóa Xã in, mỗi bản in chỉ có một ngàn, hai ngàn quyển, vì sao ba loại sách này được in nhiều đến như vậy? Điều này đã dẫn khởi sự chú ý của tôi. Tôi bình lặng tỉ mỉ suy nghĩ, Ấn Tổ khổ tâm muốn cứu tai nạn này, cứu kiếp nạn này, ba loại sách này rất tốt.

         Hiện nay, các vị đồng học ở rất nhiều hiệu sách khắp nơi đều có thể xem thấy lời tiên đoán xưa của phương Tây, hơn nữa chủng loại rất nhiều. Tôi xem qua thì thấy có mười mấy loại, đều nói năm 1999 là ngày tận thế, đại tai nạn có tính hủy diệt, hơn nữa thời gian tai nạn này rất dài, đại khái là kéo dài hơn hai mươi năm. Hơn hai mươi năm này bắt đầu từ năm 1990, đại khái phải đến năm hai ngàn mười mấy thì tai nạn này mới được xem là có thể trôi qua. Thế nhưng những sách đó của phương Tây chỉ nói có những tai nạn này là do chúng sanh tạo ác nghiệp, Thượng đế tức giận nên trừng phạt người thế gian, muốn đem thế giới này cải tạo lại từ đầu, đây là quan niệm về số mệnh. Cái này còn kém xa Liễu Phàm Tứ Huấn và Cảm Ứng Thiên, vì những thư tịch này, những sách này mới có phương pháp cứu vãn. Còn họ thì chỉ nói đến kiếp nạn mà không có cách gì cứu vãn. Trong tiên đoán của phương Tây, có một loại gọi là Mật Mã Kinh Thánh, cái này so với lời tiên đoán còn cao minh hơn, trong kết luận cuối cùng của Mật Mã Kinh Thánh nói là do lòng người, nếu như lòng người có thể quay đầu, lòng người có thể hướng thiện thì kiếp nạn này có thể hóa giải. Thế nhưng chỉ nói một câu chung chung như vậy, còn làm thế nào quay đầu, làm thế nào đoạn ác tu thiện thì không nói cụ thể.  Vẫn còn kém xa ba loại sách này, ba loại này nói được thấu triệt, bất luận nói về lý, bất luận nói về sự đều nói được rất thấu triệt.

         Nói thật ra chúng ta giác ngộ quá chậm, cũng là vì phước báo của chúng sanh thế giới này kém một chút. Vì sao nói chúng ta giác ngộ quá chậm vậy? Vì không đem mấy loại sách này dịch ra văn tự nước ngoài để lưu thông toàn thế giới, chúng ta không hiểu được tính quan trọng này. Nếu như ba loại sách này có thể được dịch thành nhiều văn tự, lưu thông toàn thế giới với số lượng lớn thì sẽ có sự giúp đỡ rất lớn đối với cả thế giới. Đây là chúng ta chưa có giác ngộ đến, hiện nay mới biết, hiện nay khi biết được thì chân thật đã không còn kịp nữa. Thế nhưng mất bò mới lo làm chuồng, chúng ta vẫn phải làm, hy vọng mọi người phát tâm, chúng tôi dẫn đầu đi làm, tận khả năng đem nó dịch thành văn tự nước ngoài để lưu thông đến toàn thế giới, ai có duyên đọc được quyển sách này là người có phước. Hơn nữa chúng ta có trách nhiệm, có sứ mệnh khuyên bảo mọi người đọc tụng thọ trì, y giáo phụng hành, không những có thể chuyển biến nghiệp báo của chính mình mà còn có thể an định xã hội, giúp đỡ tất cả chúng sanh thế gian này tiêu tai miễn nạn. Thế nên năm đó, sau khi tôi từ Hồng Kông trở về, tôi liền đề xướng ở Đài Loan, đây là quyển Cảm Ứng Thiên Vựng Biên in lần đầu tiên, tổng cộng đã in rất nhiều lần, đến nay có lẽ đã in tổng cộng khoảng 100.000 quyển, năng lực của chúng ta rất có hạn. Đây là Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, An Sĩ Toàn Thư và Liễu Phàm Tứ Huấn, ở Đài Loan tôi đã đề xướng dịch ra và in ấn lưu thông, hơn nữa ba loại sách này cũng đều đã giảng qua, cũng giảng qua mấy lần, bao nhiêu lần tôi không nhớ rõ.

         Lúc đó tôi giảng Cảm Ứng Thiên là dùng quyển này, cho nên trong đây có ghi chú, ghi một số chữ ở mép sách, chỗ quan trọng đều được đánh dấu. Mấy ngày trước có đồng tu mong muốn tôi giảng, tôi liền tìm cho ra quyển này, tìm được thì ít tốn công, bởi vì khi giảng giải tôi không cần phải chuẩn bị nữa. Cho nên hy vọng các đồng tu xem trọng vấn đề này, chân thật phải đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện. Ấn Tổ dùng ba loại này để bù đắp giới hạnh thiếu sót của chúng ta. Pháp môn niệm Phật, tổ sư đại đức thường dạy bảo chúng ta trì giới niệm Phật, niệm Phật mà không trì giới, không hành thiện thì không thể vãng sanh, như những gì cổ nhân nói: “Miệng niệm Di-đà tâm tán loạn, hét bể cổ họng cũng uổng công”. Cho nên quan trọng nhất là tâm thiện, lời thiện, hạnh thiện, đây cũng là kết luận sau cùng của Cảm Ứng Thiên, cũng là kết luận đến chỗ này. Tâm của bạn thiện, lời thiện, hạnh thiện, trong Cảm Ứng Thiên nói bạn được thiện thần bảo hộ, còn trong Tịnh độ nói bạn niệm Phật mới nhất định được vãng sanh. Thế gian hiện nay tai nạn rất nhiều, nếu chúng ta gặp phải tai nạn thì không cần phải hoảng sợ.

         Ngày hôm qua chúng tôi đi thăm viện dưỡng lão, chúng tôi thấy có hai mươi mấy vị lớn tuổi bị bệnh ung thư thời kỳ cuối. Tôi nói với các nữ tu ở đây, đối với những người già này cần phải mang hy vọng đến cho họ, đừng mang bi thương đến cho họ, phải lấy giáo dục tôn giáo để dẫn dắt họ. Con người không có “chết”, sanh tử là việc bình thường, chúng ta chỉ là chuyển đổi đến một hoàn cảnh khác, giúp quan niệm này của họ chuyển trở lại thì họ đối với việc sanh tử này sẽ xem nhẹ, tâm sẽ bình tịnh lại. Đây là một bước ngoặt, chúng ta sẽ chuyển đến một hoàn cảnh tốt hơn, chúng ta sẽ đạt được đời sống tốt hơn. Cho nên giáo dục tôn giáo vô cùng quan trọng. Họ còn chăm sóc cả trẻ nhỏ, bạn xem những trẻ khuyết tật này đều được hướng dẫn riêng biệt, đối với người già cũng phải hướng dẫn riêng biệt, làm sao có thể lơ là được? Người già cần phải được khai thị riêng, phải thường thăm hỏi an ủi họ, so với việc dạy bảo trẻ nhỏ cũng quan trọng như nhau. Phải thường có người thường xuyên nói chuyện với những người già này, thường có người nói cho họ những đại đạo lý này, giúp họ thoát khỏi sự đau khổ sanh tử. Nếu họ học Phật thì chúng ta nhất định phải khuyên họ cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc; nếu là Thiên Chúa giáo, Kitô giáo thì bạn cũng khuyên họ nhất định phải cầu sanh thiên đường, cõi trời thù thắng hơn rất nhiều so với cõi người.

         Đây là giáo dục, không chỉ là giúp đỡ trên đời sống vật chất, trên đời sống tinh thần nhất định không thể thiếu sót, phương diện giải trí cũng phải tăng cường. Ngày hôm qua những vị nữ tu đó nói với tôi, về mặt giải trí thì cũng có một số thanh thiếu niên đến bên đây ca hát, đến biểu diễn cho các cụ xem, vị nữ tu nói người già không thích nghe. Tôi nói đương nhiên, người già nghe loại âm nhạc thời nay thì chán ghét, họ làm sao có thể nghe lọt tai được? Tôi nói bạn cần phải hiểu được tâm tình của người già, bạn phải mở những âm nhạc từ ba mươi năm trước, vậy thì họ sẽ thích nghe. Những ca khúc xưa của bốn mươi năm trước, sau khi nghe rồi, họ liền nhớ lại là hồi trẻ họ đã từng hát, trong lòng họ sẽ cảm động, sự việc không giống nhau. Tôi nói xong thì họ mới nghĩ đến, tôi nói bạn phải tìm những thứ này, người già không thích xem những biểu diễn ca múa thời nay, cho họ xem kịch Triều Châu, cho họ xem kịch xưa, khi bạn đem những thứ này đến thì họ liền hoan hỷ. Họ là người của thời đại nào, bạn phải dùng những thứ của thời đại đó thì họ liền thích ứng. Cho nên đây là việc mà chúng ta đều phải nghĩ đến, phải thường nói chuyện với người già để biết họ thích gì, họ mong muốn điều gì, vậy thì chúng ta chuẩn bị giúp họ, đây mới thật sự là chăm sóc người già, để người già vui lòng, để người già sống được tự tại, vậy thì các bạn mới tận hết trách nhiệm. Tối hôm qua, tôi đã nói những việc này với cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Cư sĩ Lý nói, chúng ta sẽ tận lực đi tìm những bài hát xưa, tìm những tuồng kịch xưa, tìm những băng đĩa này, chúng ta tìm được rồi thì tặng ngay cho họ,  trong số họ người Trung Quốc rất nhiều. Những cách làm này có thể nói đều là thực hiện đoạn ác tu thiện.

         Hôm nay tôi thấy quyển sách nhỏ này của chúng ta rất nhiều, mọi người chúng ta đều dùng quyển sách nhỏ này rất tốt, dùng quyển sách nhỏ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên này. Quyển sách nhỏ này, tôi vừa mới xem qua, họ chỉ in 1.000 quyển, in ít quá. Quyển sách nhỏ này đọc tụng rất tốt, mang theo rất thuận tiện để thường xuyên đọc, phía sau còn có Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, điều này rất tốt. Vậy là chúng ta trong hai, ba tháng này dùng nửa tiếng đồng hồ buổi cơm sáng cùng mọi người nghiên cứu quyển sách nhỏ này. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.

 

 

 Xem thêm:

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 2

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 3

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 4

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 5

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 6

Tin liên quan