PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Tập 7
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 20 tháng 05 năm 2000
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Chư vị đồng học, chào mọi người!
Lần này chín tôn giáo lớn của Singapore tổ chức đoàn tham quan, tiếp nhận lời mời của cục trưởng Diệp thuộc Cục tôn giáo Quốc gia Trung Quốc, chính thức viếng thăm 16 ngày, trong đó bao gồm ba ngày tại Hồng Kông. Lần viếng thăm này rất thành công, chín tôn giáo lớn, trong đó có rất nhiều đại biểu tôn giáo đều là lần đầu tiên viếng thăm Trung Quốc. Lúc chúng tôi đi, đúng lúc vào dịp Trung Quốc nghỉ lễ dài ngày, ngày 2 tháng 5 chúng tôi đến Bắc Kinh, họ nghỉ lễ từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 7 tháng 5, không có người đi làm, đương nhiên cũng không có người tiếp đãi chúng tôi. Cho nên cục Tôn giáo đã đặc biệt sắp xếp cho chúng tôi đi du lịch. Ngày 3, cục trưởng Diệp mở tiệc chiêu đãi đoàn chúng tôi, ngày 4 chúng tôi bay đến Nghi Xương, được giám đốc sở ngoại vụ của Cục tôn giáo quốc gia và một vị trưởng phòng tháp tùng chúng tôi, họ tháp tùng toàn bộ chuyến đi. Đến Nghi Xương, chúng tôi lên thuyền, từ Nghi Xương đến Trùng Khánh đi tham quan ngược dòng Tam Hiệp – Trường Giang.
Những thôn trang mà chúng tôi nhìn thấy ven đường, vào thời kháng chiến, ở nông thôn có nhà lợp bằng cỏ tranh, hiện nay không còn nhà nào nữa, đều không nhìn thấy nữa. Những thứ hiện nay nhìn thấy đều là kiến trúc sắt thép, xi măng, gạch đá, hơn nữa nhà lầu 3 – 4 tầng rất phổ biến. Điều này nói rõ mức sống của người dân đã nâng cao, so với mười năm trước hoàn toàn không giống nhau. Mười năm trước khi tôi đi, ven đường vẫn còn nhìn thấy nhà tranh, lần này tôi nhìn kỹ nhưng nhìn không thấy. Phong cảnh của Tam Hiệp vẫn như cũ, điều đáng tiếc là không còn rừng rậm nữa. Dòng sông như vậy, hai bên bờ nhất định là rừng rậm nguyên thủy, sau khi rừng rậm bị chặt đi nên mới có nạn nước lũ ngập lụt. Hiện nay chính phủ Trung Quốc cực lực đề xướng trồng rừng, hiện nay là quyết định không được chặt cây, khuyến khích mọi người trồng cây. Chúng ta nhìn thấy công trình thủy lợi Tam Hiệp, công trình đập nước lớn, đây là một sự việc không hề dễ dàng, đem toàn bộ Trường Giang xây thành đập nước lớn, chặn dòng chảy của nước. Kỹ sư, chuyên gia thủy lợi nước ngoài đều không dễ làm được, hiện nay Trung Quốc làm thành công rồi.
Chúng tôi sau khi nhìn thấy, đối với khoa học kỹ thuật của Trung Quốc trong việc xây cầu làm đường, chúng tôi có đầy đủ niềm tin. Đường cao tốc của họ hiện nay, ngạn ngữ có câu “hậu sinh khả úy”, xác thực họ làm tốt hơn đường cao tốc của Mỹ, hậu sinh khả úy. Hơn nữa, quốc lộ khá phổ biến, chúng tôi đáp xe từ Trùng Khánh đến Thành Đô, đi đường cao tốc. Ở Thành Đô hai ngày, chúng tôi tham quan núi Nga Mi, tôi đến điện Vạn Niên để lễ bái Phổ Hiền Bồ-tát, đây là nguyện vọng bao nhiêu năm qua, vô tình Cục tôn giáo đã sắp xếp cho chúng tôi, chúng tôi vô cùng cảm kích. Bởi vì hiện nay chúng tôi đang giảng kinh Hoa Nghiêm, ở Hồng Kông giảng 53 lần tham vấn, có liên quan hết sức mật thiết đến Phổ Hiền Bồ-tát. Các đại biểu của chín tôn giáo chúng ta, trong lần du lịch này có rất nhiều thu hoạch, mọi người đều cảm thán rằng “trăm nghe không bằng một thấy”. Chúng tôi tận mắt nhìn thấy sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc thật sự là khiến người ta vô cùng kinh ngạc. Trong 10 năm qua đã vượt sức tưởng tượng của chúng tôi. Sân bay Bắc Kinh đều là xây mới, Cấu trúc của nó giống với sân bay Đại Tự Sơn ở Hồng Kông.
Lần trước chúng tôi đến Kuala Lumpur, nhìn thấy sân bay ở thủ đô Malaysia, xây đẹp vô cùng, khiến người ta không ngớt tán thán. Ở Trung Quốc, mỗi một nơi mà chúng tôi đến, đều viếng thăm đạo tràng tôn giáo của nơi đó. Ở Trùng Khánh, Thành Đô, chúng tôi viếng thăm Hồi giáo, Kitô giáo, Thiên Chúa giáo, Đạo giáo, ở Trung Quốc chỉ có 5 tôn giáo. Trùng Khánh hiện nay là thành phố riêng biệt, là thành phố riêng biệt tách ra từ Tứ Xuyên. Phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên tiếp kiến chúng tôi, ông nói tỉnh Tứ Xuyên ban đầu là tỉnh có nhân khẩu nhiều nhất Trung Quốc, có 110 triệu người, hiện nay Trùng Khánh tách ra thành thành phố riêng biệt, nhân khẩu của thành phố riêng biệt này có hơn 30 triệu người, còn Tứ Xuyên hiện nay có hơn 80 triệu nhân khẩu, sản vật cũng rất phong phú. Người xưa thường gọi là “thiên phủ chi quốc”, có nhiều di tích cổ, khiến chúng ta tán thán đến cực điểm.
Thời gian của chúng tôi quá ngắn, không thể nào đi tham quan thưởng thức kỹ. Từ Thành Đô bay về Bắc Kinh là ngày 10, các cơ quan chính phủ của họ đều đã đi làm, nên sắp xếp đón tiếp chúng tôi. Chúng tôi thăm Bạch Vân Quán ở Bắc Kinh, là đạo tràng của Đạo giáo, hiện tại đang hồi phục, xem thấy đạo tràng của Thiên Chúa giáo, nhà thờ của Hồi giáo, các kiến trúc của đạo tràng đều là trên 100 năm, hiện tại đang được khôi phục. Chúng tôi quan sát kỹ thì thấy trên các tấm bia và bức hoành đều là Sắc kiến, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Ngày trước, chỉ có chùa miếu của Phật giáo mới là Sắc kiến. Sắc kiến là do Hoàng đế ra lệnh xây dựng, cho nên ở nơi đó, tôi nhìn thấy giáo đường của Thiên Chúa giáo cũng là Hoàng đế ra lệnh xây dựng, nhà thờ Hồi giáo cũng là Hoàng đế sắc kiến, chúng tôi xem thấy rất hoan hỷ. Có thể khẳng định rằng, chính sách quốc gia của thời đại đế vương ngày trước đều đối đãi bình đẳng với rất nhiều tôn giáo, ngay đây hiện rõ nền giáo dục xã hội đa nguyên văn hoá. Chúng tôi tỉ mỉ ngắm nhìn và cùng nói chuyện với các tôn giáo.
Ở Bắc Kinh, chúng tôi còn đặc biệt tổ chức một buổi tọa đàm với chín tôn giáo của Singapore chúng ta cùng năm tôn giáo lớn của Trung Quốc đại lục. Chúng tôi nói chuyện rất là hoan hỷ và cũng rất có thọ dụng. Ngày mười bốn chúng tôi rời khỏi Bắc Kinh. Một ngày trước khi rời khỏi, ngày 13, người lãnh đạo quốc gia, ông Tư Mã Nghĩa đã tiếp kiến đoàn viếng thăm tôn giáo của chúng tôi ở Trung Nam Hải, đây là sự tiếp đãi long trọng đối với chúng tôi. Ngày mười bốn, chúng tôi đến Hồng Kông. Hồng Kông có sáu tôn giáo, tôi cảm thấy kỳ lạ, vì sao có sáu tôn giáo? Sau khi nghe ngóng, thì ra là Khổng giáo, nhà Nho cũng biến thành tôn giáo, việc này lần đầu tôi nghe được. Họ tham gia liên kết hữu nghị tôn giáo của Hồng Kông, chúng tôi cũng đặc biệt viếng thăm sáu tôn giáo này của Hồng Kông. Chúng tôi truyền bá đoàn kết tôn giáo ở Singapore, tôn giáo hòa thuận, tôi đem tin tức này truyền đạt cho họ. Chúng tôi rất hoan hỷ khi được biết dưới sự khởi xướng của chính phủ Trung Quốc, tôn giáo cũng là một phương thức đoàn kết quan hệ hữu nghị, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong công tác thúc đẩy việc truyền đạo, điều này chúng tôi rất ít thấy ở các khu vực xã hội khác.
Thế nhưng sự giao lưu giữa các tôn giáo không tập trung mật thiết như ở Singapore, các lãnh đạo đại diện cho chín tôn giáo Singapore của chúng tôi thường qua lại với nhau gần như mỗi tuần một lần, còn họ thì mấy tháng mới có một lần, chúng tôi thì mỗi tuần đều giao lưu. Chúng tôi quay về cũng vừa đúng lúc tổ chức lễ Vesak. Trước lễ Vesak một ngày, Cư Sĩ Lâm cử hành đại hội truyền đăng. Chúng tôi vừa xuống máy bay thì đến tham gia ngay, chín tôn giáo cũng tham gia. Phật giáo mừng ngày Phật Đản, các tôn giáo khác đều đến tham gia, đều đến chúc phúc, họ cũng như chúng tôi cầm đèn hoa sen, cùng niệm “Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật”, đây là lần đầu tiên diễn ra sự việc rất hy hữu này. Cho nên các hoạt động quan trọng của mỗi tôn giáo khác chúng tôi đều tham gia, chân thật làm được không phân ta người. Nhất là chuyến tham quan lần này, chúng tôi có 16 ngày cùng sống chung với nhau, cho nên thời gian chúng tôi nói chuyện giao lưu với nhau rất nhiều. Hai bên trao đổi ý kiến, chính là mỗi ngày cùng sống chung với nhau, cùng nhau lên lớp học. Tôi nói với họ: “Phật pháp, hoặc là nói Phật giáo là nền giáo dục xã hội đa nguyên văn hoá. Vậy mỗi một tôn giáo khác lẽ nào không phải như vậy sao?” Theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật, địa cầu thu nhỏ lại, truyền thông hiện nay khiến bất cứ ở ngóc ngách nào trên thế giới xảy ra bất kỳ việc gì, chúng ta lập tức biết ngay. Giao thông thuận tiện, nhanh chóng. Ngày trước nếu từ Bắc Kinh đến Singapore, ngồi thuyền phải đi mấy tháng mới có thể đến, ngày nay ngồi máy bay chỉ hơn 5 giờ đồng hồ, không đến sáu giờ, cho nên địa cầu thu nhỏ lại, quan hệ qua lại giữa người với người càng ngày càng mật thiết, so với thời đại trước đây không như nhau.
Ngày nay vấn đề quan trọng nhất của chúng ta là làm thế nào cùng với các quốc gia khác, trong kinh Phật gọi là quốc độ, cõi nước khác nhau, chủng tộc khác nhau, văn hoá khác nhau, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau có thể chung sống hòa thuận, đối đãi bình đẳng, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, khiến xã hội an định, phồn vinh, hưng vượng, người người đều có thể trải qua đời sống hạnh phúc mỹ mãn. Đây là nguyện vọng chung của tất cả mọi người. Làm thế nào thực hiện nguyện vọng này? Chúng ta cần phải biết rõ, chính trị không làm được! Ngày nay nhất định không có một quốc gia nào có thể dùng vũ lực để thống trị toàn thế giới, không làm được, chính trị không thể làm được, vũ lực cũng không làm được, kinh tế, khoa học kỹ thuật cũng không thể làm được, chỉ có giáo dục tôn giáo có thể làm được. Cho nên, tôi khuyên người lãnh đạo và nhà truyền giáo của tất cả các tôn giáo, chúng ta phải xây dựng nhận thức chung, phải có một mục tiêu phương hướng truyền đạo, tuyên giáo chung, đó chính là mong cầu toàn thế giới có được “xã hội an định, thế giới hòa bình, nhân dân hạnh phúc”. Chúng ta dùng mười hai chữ này làm thành mục tiêu phương hướng tuyên giáo, truyền đạo của chúng ta. Giữa tôn giáo với tôn giáo có thể dung hợp hay không? Tuyệt đối có thể dung hợp! Tôi giảng giải cho họ, nêu lên một thí dụ, năm tôn giáo phương Đông giống như năm ngón tay của tay phải, năm tôn giáo phương Tây như năm ngón tay của tay trái, mỗi ngón tay tuy không giống nhau nhưng khi vào lòng bàn tay thì đều là từ một tay mà sanh ra. Người phương Đông gọi là tâm tánh, người phương Tây gọi là thượng đế. Kitô giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo đều đồng một thượng đế. Phương Đông, phương Tây hai bên tuy khác nhau nhưng nếu nhìn sâu hơn thì hai bàn tay đều từ một thân thể sanh ra, vẫn là một nhà, cho nên chúng ta phải từ nơi sâu như vậy mà hạ công phu.
Ngày nay, chúng ta không thể chung sống hòa hợp với nhau là vì chúng ta chưa thể thâm nhập được sâu, độ sâu chưa đủ. Nếu chân thật vào được sâu thì chúng ta sẽ hiểu được hư không pháp giới là một nhà. Cho nên, trong lúc truyền đăng, tôi nói rõ lại ý nghĩa biểu pháp của chiếc y ca-sa chúng ta. Ở Trung Quốc tôi đã nói với họ, ở Hồng Kông tôi cũng đã nói với sáu tôn giáo của Hồng Kông, nhà Phật gọi là pháp thân, pháp thân chính là bản thể, trong triết học gọi là bản thể, chính là chân tướng vũ trụ nhân sanh. Trên kinh Đại thừa thường nói: “Ba đời hết thảy Phật, cùng chung một pháp thân.” Pháp thân là gốc, là rễ, là năng sanh. Tất cả vạn pháp trong vũ trụ là sở sanh, cho dù đối tượng được sanh ra có khác biệt nhiều đến đâu nhưng chúng đều cùng một gốc, vậy có lý nào mà không dung hợp cho được? Cho nên đại đức xưa của Trung Quốc thường nói: “Người viên thuyết pháp, không pháp nào không viên.” “Pháp” đó tuyệt nhiên không giới hạn ở Phật pháp, ngày nay chúng ta có thể lĩnh hội được, tất cả những học thuyết khác nhau, tất cả các tôn giáo khác nhau, người chân thật đạt được triệt để khai ngộ thì thấy được cội nguồn, Tông môn thường gọi là “triệt để nguồn pháp”, họ đến giảng thì không pháp nào là không viên dung, pháp pháp đều viên. Chúng ta không thể viên dung là vì chưa thấy được cội gốc, chưa thấy được gốc rễ, đây mới là mọi thứ đều chẳng khớp. Thấy được gốc rễ rồi thì hiểu rằng không có pháp nào là không viên dung, mười pháp giới đều viên dung! “Bách giới thiên như” mà đại sư Thiên Thai nói, hiển thị ra các pháp đều viên dung.
Cho nên chúng ta tu học, bất luận từ một pháp môn nào, bao gồm các tôn giáo khác, vấn đề là bạn phải thâm nhập. Bạn thâm nhập càng sâu thì đối với “pháp pháp viên dung” bạn càng có thể khẳng định, bạn mới có thể hoan hỷ tiếp nhận, mới có thể giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ 21, mới có thể chân thật giúp được nhu cầu của tất cả chúng sanh, vậy thì chúng ta tu học sẽ có ý nghĩa, có giá trị. Chúng ta cũng chân thật có thể, trong Phật pháp gọi là “độ chính mình, độ chúng sanh, giúp đỡ chính mình, thành tựu chính mình, giúp đỡ chúng sanh, thành tựu chúng sanh”. Cho nên, chúng tôi cảm thấy chuyến tham quan rất tốt, cùng nhau tham quan chân thật là cùng nhau học tập, cùng nhau lên lớp. Thông thường chúng tôi rất hiếm có được thời gian dài như vậy để có thể hội họp các tôn giáo lại với nhau. Tham quan là một phương pháp vô cùng tốt, việc này rất đáng được đề xướng. Tham quan chính là lên lớp học, chính là học tập, cho nên mỗi người chúng tôi đều rất hoan hỷ, đây xác thực là có tiến bộ rất lớn!
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh.
Trước tiên, chúng tôi báo cáo đơn giản về đề kinh. Đề kinh của kinh này tổng cộng có bảy chữ. “Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo” gọi là biệt đề, chữ “kinh” phía sau gọi là thông đề, các đồng tu đều có thể biết rõ. Gọi là biệt đề là vì không giống với những tên kinh khác, có khác biệt, chuyên chỉ cho bộ kinh này. Chữ “kinh” sau cùng là thông đề, thông với tất cả kinh, phàm là những gì do Phật nói ra thì đều gọi là “kinh”. Trong sáu chữ của biệt đề, theo bảy nguyên tắc lập đề kinh thì đây là nhân pháp. Trong đề mục có người, có pháp, là nhân pháp lập đề. “Phật” là người, “Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo” là pháp.
Chúng ta phải đặc biệt lưu ý, chữ “Phật thuyết” ở đây cùng với ba kinh của Tịnh tông là “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”, đây là Phật Thuyết, và Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, cùng với tiểu bổn Phật Thuyết A-di-đà Kinh mà đại sư La-thập phiên dịch, trên tựa đề của ba kinh Tịnh tông này đều gắn lên chữ “Phật thuyết”. Chữ “Phật thuyết” của bộ kinh này cùng với “Phật thuyết” của ba kinh Tịnh độ ý nghĩa là như nhau, đó chính là không chỉ Thích-ca Mâu-ni Phật nói, phải đặc biệt chú ý điểm này, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật đều nói. Khác biệt chính ngay chỗ này! Các kinh điển khác, tất cả chư Phật trong mười phương thế giới chưa hẳn là đều nói, chỉ riêng ba kinh Tịnh độ cùng với bộ kinh này thì Phật nhất định phải nói. Do đây có thể biết tầm quan trọng của bộ kinh này.
Trước tiên, xin nói rõ với qúy vị chữ “Phật” này. Xã hội hiện nay có rất nhiều người hiểu lầm chữ này, nói Phật giáo là mê tín thì đó là không hiểu rõ chữ “Phật” này. Nguồn gốc của chữ này là “Phật-đà-da”, được dịch âm từ Phạn văn của Ấn Độ xưa, người Trung Quốc thích đơn giản nên bỏ đi âm đuôi, chỉ gọi ngắn gọn là “Phật”. Vào thời xưa không có chữ “Phật”, chữ này là từ mới được tạo ra khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc. Trong chữ xưa của Trung Quốc có âm “phất”, là chữ “phất” không có chữ “nhân” kế bên, trong chữ xưa của Trung Quốc có. Thế nhưng, chữ “Phật” truyền từ Ấn Độ đến lại là người, cho nên đã thêm vào chữ “nhân” kế bên, chữ này là từ mới, được tạo ra từ việc phiên dịch kinh văn, vào thời xưa không có, mượn âm của chữ “phất”.
Người này là người nào vậy? Hiện nay mọi người đều biết đó là Thích-ca Mâu-ni, chúng ta đều gọi Thích-ca Mâu-ni là Phật, người Ấn Độ gọi ngài là Phật-đà, chúng ta gọi đơn giản là Phật. Ý nghĩa của chữ “Phật” này rất gần giống với chữ “thánh” mà người Trung Quốc gọi. Người Trung Quốc gọi là thánh nhân, người Trung Quốc gọi là thần, ý nghĩa cũng gần giống. Thần, thánh, Phật đều dùng để gọi người thông đạt tường tận đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh, đều có ý nghĩa này. Thế nhưng ở trên mức độ mà nói, có thể có một số ý nghĩa khác nhau. Người Trung Quốc chúng ta gọi là “thần thánh” thì ý này tương đối chung chung, còn chữ Phật-đà của Ấn Độ thì ý nghĩa rất rõ ràng, rất cụ thể: Đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh, sự lý, tánh tướng, nhân quả đều triệt để thông đạt tường tận mà không có chút hiểu lầm nào, người như vậy mới được gọi là Phật. Ai làm đến được công phu này thì người đó được gọi là Phật! Cho nên hai chữ “Phật-đà” ở trong giáo học của Phật, đích thực là danh xưng của học vị. Ngài không phải là thần, cũng không phải là tiên, mà là người, cho nên chữ này bên cạnh thêm vào chữ “nhân”, điều này chúng ta phải nhận thức rõ ràng.
Chữ “thánh” mà người Trung Quốc gọi cũng có ý nghĩa này, nhưng tuyệt nhiên không nói là người đó đã triệt để thông đạt tường tận nhân quả, tánh tướng, sự lý của vũ trụ nhân sanh, không có cách nói này, mà chỉ nói thông đạt tường tận. Thông đạt đến mức độ nào vậy? Tầng thứ không như nhau! Trong Phật pháp, chúng ta thấy trong kinh Đại thừa, nhất là trong kinh Hoa Nghiêm có nói về 41 giai vị Pháp thân Đại sĩ, 41 cấp bậc này đều gọi là Phật. Qúy vị xem trong Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông sẽ thấy Pháp thân Đại sĩ đều được gọi là Phật. Các ngài đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh, tánh tướng, sự lý, nhân quả đều thông đạt, thế nhưng tầng thứ thông đạt thì không như nhau, cho nên có 51 cấp bậc. Ở đây, “Phật” là cấp bậc cao nhất, thông thường chúng ta gọi là cứu cánh viên mãn, không gì cao hơn, ngài đã đến đỉnh điểm, đây gọi là Phật. Trong Phật giáo, theo Viên giáo thì gọi là Phật cứu cánh viên mãn.
Người này chính là Thích-ca Mâu-ni, Thích-ca Mâu-ni Phật nói ra bộ kinh này. Người xưa giảng giải chữ “thuyết” này là sanh tâm hoan hỷ, vì chúng sanh nói pháp. Tâm hoan hỷ từ đâu mà ra? Ngài xem thấy duyên của tất cả chúng sanh đã chín muồi, có thể tiếp nhận pháp môn này, có thể tiếp nhận lời giáo huấn này, dùng lời hiện nay mà nói là có thể tiếp nhận khóa trình này, nên Phật rất hoan hỷ đến giảng dạy cho mọi người, hướng dẫn mọi người, khuyến hóa mọi người, trong đó sanh vô lượng hoan hỷ. Nhìn thấy chúng sanh có thể chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh, Phật nhìn thấy rất hoan hỷ, giúp đỡ tất cả chúng sanh ngay một đời này thành tựu.
Pháp môn Tịnh tông là mục tiêu thuyết pháp cuối cùng của tất cả chư Phật, còn Thập Thiện Nghiệp Đạo là phương thức quan trọng nhất mà tất cả chư Phật nói ra nhằm giúp đỡ chúng sanh thành tựu ngay trong một đời, việc này chúng ta không thể không biết. Phật nói điều gì? Nói mười nghiệp thiện, mười điều mà những gì trong kinh nói, “mười” này không phải là con số, nếu chúng ta xem nó thành chữ số thì sai rồi, “mười” cùng ý nghĩa biểu pháp trong kinh Hoa Nghiêm hoàn toàn giống nhau, nó biểu thị cho đại viên mãn, thiện pháp đại viên mãn, quy nạp thành mười cương lĩnh. Trong mỗi cương lĩnh, cảnh giới sâu rộng của nó đều không có ngằn mé, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa này.
“Thập thiện”, ở đây Phật chỉ cho chúng ta tiêu chuẩn của thiện và ác. Cái gì là thiện, cái gì là ác? Chúng ta đọc bộ kinh này phải tỉ mỉ thể hội: Nếu như không có nền tảng của mười nghiệp thiện thì niệm Phật không thể vãng sanh! Vì sao thấy được? Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Phật nói với chúng ta, trước khi tu tịnh nghiệp phải tu tam phước! Tam phước là nền tảng của Phật pháp Đại thừa, ví như chúng ta xây nhà lầu vậy, đây là xây nền móng. Thập Thiện Nghiệp Đạo là nền móng! Nếu không có nền móng này thì bất luận tu học pháp môn nào cũng không thể thành tựu, cho nên đây là nền tảng chung.
Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, Phật nói lời tổng kết sau cùng rất hay, ba điều này là “chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật”. Hai câu nói này chúng ta phải ghi nhớ thật kỹ. Ba đời là quá khứ, hiện tại và vị lai, tất cả chư Phật đương nhiên tu hành thành Phật không phải từ một pháp môn, mà là vô lượng pháp môn, thế nhưng cho dù là pháp môn nào thì đều phải lấy tam phước làm nền tảng. Giống như xây nhà vậy, bất kể bạn xây cao bao nhiêu, cho dù là xây hình thức nào thì nền móng của bạn nhất định là giống nhau, nền móng xây được chắc chắn thì kiến trúc của bạn mới kiên cố.
Điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”. Tôi đã giảng cho mọi người rất nhiều lần, ba câu phía trước là nguyện, câu sau cùng là hành, nếu như không có hành thì ba nguyện phía trước sẽ là trống không. Bạn dùng cái gì để hiếu dưỡng cha mẹ? Dùng cái gì để phụng sự sư trưởng? Dùng cái gì để từ tâm không giết? Chính là mười nghiệp thiện! Nên kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trong nhà Phật chúng ta thường nói, kinh điển có bốn loại lớn là giáo – lý – hành – quả, bộ kinh này thuộc về hành, chú trọng ở hành môn. Chúng ta phải thật thà mà làm, chân thật làm được rồi thì các nguyện phía trước đều viên mãn, hiếu dưỡng cha mẹ viên mãn, phụng sự sư trưởng cũng viên mãn, từ tâm không giết cũng được viên mãn, đây hoàn toàn phải nhờ vào tu mười nghiệp thiện.
Như thế nào gọi là “nghiệp”? Dùng lời hiện nay mà nói, chính là ở trong cuộc sống thường ngày, mỗi ngày làm việc đối nhân xử thế tiếp vật, bao gồm tất cả hành vi, khi đang làm thì chúng ta gọi là “việc”, “bạn đang làm việc gì vậy?” Sau khi làm xong việc rồi, kết quả của nó thì gọi là “nghiệp”, cho nên nếu bạn làm việc tốt thì gọi là nghiệp thiện, làm việc không tốt thì gọi là nghiệp ác, nghiệp là kết quả của việc làm. Chúng ta đi học ở trường học, bài khóa gọi là tác nghiệp, khi học xong khóa trình thì gọi là tốt nghiệp, trường học quy định cho chúng ta, tất cả khóa trình đều phải học hoàn tất thì gọi là tốt nghiệp.
Nghiệp ở chỗ nào vậy? Chúng ta không nhìn thấy, không nghe được, cũng không sờ được. Phật nói với chúng ta, nghiệp ở ngay trong a-lại-da thức. Lời nói này người thông thường không dễ hiểu, cái gì gọi là a-lại-da thức? Chúng ta dùng lời hiện nay mà nói, nghiệp ở ngay trong ấn tượng của bạn, thí dụ tất cả nghiệp thiện ác mà trước đây bạn đã làm, hiện tại bạn vừa nghĩ lại thì có thể nhớ ra được. Vì sao bạn có thể nhớ đến sự việc của ngày hôm qua, sự việc của ngày hôm kia, sự việc của năm trước, thậm chí sự việc của mấy mươi năm trước, vì sao bạn có thể nhớ ra được? Chắc chắn có một nơi giúp bạn lưu giữ những hồ sơ đó, nơi lưu giữ những hồ sơ này trong nhà Phật gọi là a-lại-da thức.
A-lại-da là tiếng Ấn Độ, dịch sang Trung văn nghĩa là tàng thức, kho tàng, kho tư liệu. Từng li từng tí của bạn, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều được cất chứa trong kho tư liệu này, sẽ không để sót mất. Con người chúng ta chết rồi không mang theo bất cứ thứ gì, nhưng sẽ mang theo nghiệp, vì sao vậy? Thứ hữu hình thì không thể mang đi nhưng nghiệp là vô hình, nó sẽ đi theo bạn. Chúng ta nghĩ đến sự việc này thì thật là đáng sợ, thế gian không có thứ gì đáng sợ, chỉ có việc này chân thật đáng để chúng ta sợ hãi! Khi tư tưởng của chúng ta bất thiện, lời nói bất thiện, hành vi bất thiện thì trong a-lại-da thức vĩnh viễn sẽ không mất đi, bạn nói xem thứ này có phiền phức hay không? Sau khi hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta nhất định không tạo nghiệp ác.
Cũng như trong bộ kinh này, phần khai thị rất quan trọng của Phật dành cho chúng ta, đây là khai thị cương lĩnh. Chúng tôi trích ra những câu kinh văn này rồi viết ở phía trước quyển kinh, đây là những câu nói quan trọng nhất của kinh này. Chúng ta đoạn ác phải đoạn ác cho sạch sẽ, chúng ta tu thiện phải tu thiện hạnh cho viên mãn. Đây là việc của chính mình, không liên quan tới người khác. Cho dù người khác dùng bất kỳ phương thức gì đối với ta, họ đối với ta tốt thì ta cảm kích họ, họ đối với ta không tốt thì nhất định không được để ở trong lòng, để ở trong lòng thì thế nào? Thì bạn tự mình chướng ngại chính mình. Cho nên ở trong kinh này, Phật dạy chúng ta “ngày đêm thường niệm thiện pháp” là tâm của bạn thiện, “tư duy thiện pháp” là tư tưởng của bạn thiện, “quán sát thiện pháp” là hành vi của bạn thiện, “chẳng để mảy may bất thiện xen tạp” thì ác của bạn mới đoạn được sạch sẽ, thiện của bạn mới tu được viên mãn. Người khác đắc tội với chúng ta, hủy báng chúng ta, nhục mạ chúng ta, hãm hại chúng ta, tất cả đều là giả, “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, hà tất bạn phải đem nó để vào trong kho tư liệu làm hồ sơ? Chúng ta phải học Phật và Pháp thân Đại sĩ, mở kho tư liệu ra chỉ toàn là thiện, không có một chút bất thiện nào ở trong đó, người này đã thành Phật! Tu Thập Thiện Nghiệp Đạo viên mãn chính là Vô thượng Bồ-đề, chính là Phật quả viên mãn.
Chúng ta thường thấy trên đỉnh hào quang của hình Phật có ba chữ, trên hình vẽ Phật đều làm như vậy, viết bằng chữ Phạn, cũng viết bằng chữ Hoa, cũng viết bằng chữ Tây Tạng. Ba chữ “án a hồng”, ba chữ này nghĩa là gì? Khi mới học Phật thì tôi không biết, nên thỉnh giáo với đại sư Chương Gia. Lúc đó tôi xin chữ thư pháp của ngài, ngài liền viết cho tôi ba chữ “án a hồng”, tặng cho tôi, ngài viết bằng chữ Tây Tạng. Ba chữ này nghĩa là gì? Ngài nói với tôi là “mười thiện viên mãn”, “án” là thân thiện viên mãn, “a” là ngữ thiện viên mãn, “hồng” là ý thiện viên mãn. Bạn xem, Thập Thiện Nghiệp Đạo là từ khi bạn mới bắt đầu học Phật cho đến khi học viên mãn thì thành Phật. So với ngũ giới thì Thập Thiện Nghiệp Đạo còn sâu hơn, rộng hơn, bởi vì người khi chưa vào cửa Phật, khi vẫn chưa thọ giới, trước tiên tu mười thiện. Ngũ giới là Phật truyền cho các đệ tử, thập thiện là Phật khuyến hóa đối với tất cả chúng sanh, bạn xem ý này sâu rộng biết bao. Đây là dạy chúng ta ở trong cuộc sống thường ngày, trong công việc, đối nhân xử thế tiếp vật, đều phải tuân thủ nguyên tắc này. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây. Ý nghĩa của đề kinh vẫn chưa giảng xong, ngày mai chúng ta giảng tiếp.
☆ Xem thêm:
➢ Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 5
➢ Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 6
➢ Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 8