Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 5

 

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Tập 5

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 25 tháng 04 năm 2000

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

 

         Các vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ hai bài Thượng Dụ của hoàng đế Ung Chính, tờ thứ hai bài Thượng Dụ của hoàng đế Ung Chính, bắt đầu xem từ câu sau cùng của hàng thứ nhất: 

         Hà Thượng Chi đáp rằng: “Làng có trăm nhà, nếu có mười người giữ ngũ giới thì mười người thuần hậu, cẩn thận. Ấp có ngàn nhà, nếu có trăm người giữ thập thiện thì trăm người hòa mục. Giữ được phong khí giáo hóa này trong khắp cả nước thì trong ngàn ức hộ sẽ có trăm vạn người nhân đức. Hơn nữa, có thể làm một việc thiện thì bỏ được một việc ác, bỏ được một việc ác thì dừng được một hình phạt. Một nhà dừng được một hình phạt thì cả nước dừng được vạn hình phạt. Tin chắc rằng có thể thõng tay ngồi hưởng thái bình rồi!” 

         Chúng ta xem đoạn này. Đoạn này là hoàng đế Ung Chính trích dẫn một đoạn đối thoại giữa Tống Văn Đế và Hà Thượng Chi trước đây. Những người này đều hiểu rất rõ thành quả giáo dục của ba nhà Nho Thích Đạo vào thời đó, nó có sự cống hiến tích cực đối với sự an định xã hội, củng cố chính quyền, hòa bình và an lạc của nhân dân, cho nên Văn Đế nói: “Lục kinh vốn là để chỉnh đốn phong khí.” “Lục kinh” là chỉ cho giáo dục của nhà Nho. Còn như nói đến “chỗ trọng yếu thật sự của tánh linh” thì nhà Phật nói được rất rõ ràng. Nếu như nhân dân cả nước đều có thể tiếp nhận lời giáo huấn của Nho và Phật thì ta có thể ngồi hưởng thái bình rồi, đây chính là thái bình thiên tử.

         Tiếp theo, Hà Thượng Chi có đoạn đối thoại rất quan trọng, mang lại tín tâm rất lớn cho chúng ta. “Làng có trăm nhà”, một trăm gia đình, khi đó chúng ta dùng phép tính sơ lược, một nhà có bốn người, một trăm nhà là bốn trăm người. Trong hơn bốn trăm người này, ông nói chỉ cần có mười người giữ ngũ giới, mười người này thuần hậu, cẩn phác là cẩn thận, chất phác thì họ có thể cảm hóa được một trăm nhà này. Chúng ta thử nghĩ, đây là con số 1%, 1 đến 2%. Trong một trăm người có một, hai người thật sự tiếp nhận nền giáo dục của hai nhà Nho và Phật, thật sự có thể hiểu rõ, y giáo phụng hành thì có thể tạo nên hiệu quả lớn như vậy đối với phong tục xã hội. “Ấp có ngàn nhà.” “Ấp” là một đô thị, một thành phố, thành phố này có một ngàn hộ, trong thành phố này nếu có một trăm người giữ thập thiện, thật sự có thể tu học theo thập thiện nghiệp đạo, thì một trăm người này hòa thuận, họ có thể cảm hóa thành phố này. 

         Vì vậy dứt khoát không được cho rằng thế giới này đã loạn, lòng người hư rồi, cảm thấy thất vọng vô phương, quan niệm này là sai lầm! Bản thân chúng ta phải cố gắng nỗ lực tu học. Họ làm điều bất thiện thì chúng ta hành thiện. Nếu như chúng ta nhẫn nại thì thời gian lâu chắc chắn có thể cảm hóa được những người này. Chúng ta thấy thời kỳ thượng cổ, trong lịch sử Trung Quốc có ghi chép về vua Thuấn. Cha mẹ và anh em của ông đều rất xấu ác, họ luôn muốn đưa ông vào chỗ chết, thế nhưng ông vẫn có thể tận hiếu. Thật sự giống như điều mà Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “không thấy lỗi thế gian”, chỉ nhìn thấy cái tốt của người khác chứ không nhìn thấy khuyết điểm của họ. Cha mẹ đối với ta không tốt, ông luôn luôn phản tỉnh, mình đã làm không như pháp, mình làm không tốt nên mới khiến họ tức giận. Ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày sửa lỗi, như vậy chừng ba đến năm năm thì cảm động được cả nhà. Sau khi cả nhà hòa thuận thì cảm động đến hàng xóm láng giềng của ông, cuối cùng cảm động đến quốc vương là vua Nghiêu. Vua Nghiêu nghe được sự việc này đặc biệt đến thăm ông, cho nên Trung Quốc nói đến hiếu thì vua Thuấn xếp hàng đầu. Vua Nghiêu đem hai người con gái gả cho ông, đem ngôi vua nhường cho ông. Hiếu cảm thiên địa! Một người tích hạnh, dùng tâm chân thành tích lũy tất cả thiện hạnh thì có thể cảm động một nhà, cảm động một làng, cảm động một nước. Điều này trong Phật pháp gọi là phát tâm Bồ-đề, hành đạo Bồ-tát. Vì vậy, chúng ta không được nhìn thấy phong khí xã hội không tốt thì chính mình liền thoái tâm, liền thoái chuyển, vậy là sai lầm. Càng phải tích cực xả mình vì người, làm tấm gương tốt cho đại chúng, cho xã hội. 

         Nền giáo dục của nhà Phật, gốc của nó cùng với những gì nhà Nho nói là hoàn toàn như nhau. “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết”, ba câu này được thực hiện trong thập thiện nghiệp đạo. Nếu không có thập thiện thì ba câu này chỉ là khẩu hiệu, là nói suông, phải dùng thập thiện để thực hiện “hiếu thân tôn sư”. Trong nhà Phật nói về ý này sâu hơn, rộng hơn: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.” “Hiếu thuận” trong nhà Phật nói là hiếu thuận tất cả chúng sanh, ai đã làm được vậy? Trong lịch sử Trung Quốc, vua Thuấn đã làm được. Việc này chúng ta phải học tập, không phải không có người làm được, không phải không có hiệu quả. Phật Bồ-tát làm được rồi, trong kinh điển ghi chép thảy đều là người nước ngoài. Vua Thuấn làm được rồi, Vua Thuấn là người Trung Quốc, trong lịch sử Trung Quốc có ghi chép rõ ràng. Người như vậy thời nào cũng có, nếu như qúy vị đọc “Nhị thập ngũ sử” thì quý vị sẽ thấy. Hiện nay tại Singapore, chúng tôi thường hay nhắc đến cư sĩ Hứa Triết đã làm được rồi. Bạn thấy một mình bà không chỉ ảnh hưởng cả Singapore, sau khi tin tức truyền đi đã ảnh hưởng cả khu vực Đông Nam Á. Đáng tiếc là người có thể làm được như vậy quá ít. 

         Tuy chúng ta ngày nay học Phật nhưng chưa làm được ngũ giới thập thiện, phải thật làm, một người làm thì có thể tạo nên hiệu quả lớn như thế. Vì vậy chúng ta tin lời của Hà Thượng Chi, nếu như khu vực này có mười vị Hứa Triết thì Singapore không phải như thế này. Chính mắt chúng ta đã nhìn thấy, chúng ta phải phát tâm học tập, xả mình vì người, vì toàn xã hội, vì tất cả chúng sanh. Chúng ta ngày nay giữ ngũ giới, học thập thiện không phải chỉ vì bản thân, nếu chỉ vì bản thân thì tâm lượng này quá nhỏ bé, hy vọng đời sau được phước báo, đời này có thể cải thiện hoàn cảnh sống của mình, ý nghĩa này quá nhỏ. Ta giữ ngũ giới, ta tu thập thiện là vì tất cả chúng sanh. Vì vậy Phật Bồ-tát có tâm lượng lớn, các ngài là vì tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới. Chúng ta ngày nay chỉ cần đem tâm lượng mở rộng đến khắp địa cầu, ta ngày nay tu hành là vì họ mà tu, là vì họ làm nên tấm gương tốt, hy vọng họ từ tự tư tự lợi mà quay đầu lại. Hết thảy có thể vì tất cả chúng sanh, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là vì chúng sanh mà tạo phước. 

         Thân thể này của chúng ta, tôi thường nói rất nhiều lần, thân thể ở thế gian là một công cụ vì tất cả chúng sanh mà phục vụ, không phải vì ta. Tất cả vì ta là sai rồi, thế giới này không có tiền đồ, là một màu đen tối! Hãy vì tất cả chúng sanh, dứt khoát không vì chính mình! Hãy chuyển ý niệm lại, tất cả chúng sanh là chủ nhân, ta là người hầu, ta hầu hạ chủ nhân, đây là Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian là phục vụ cho tất cả chúng sanh, làm tấm gương tốt, đây chính là cứu độ tất cả chúng sanh. Người như vậy ở Trung Quốc rất nhiều, chúng ta thường nghe nói, nhưng họ chưa được phát hiện, vì không có người tuyên dương, nếu tuyên dương thì mới có thể sinh ra hiệu quả. Cho nên, tôi muốn tìm một chuyên gia nhiếp ảnh ghi hình bộ phim tài liệu về cư sĩ Hứa Triết để lưu thông khắp thế giới. Tuy bà chưa từng đọc qua kinh Phật, chưa từng tiếp xúc với Phật pháp, nhưng những điều trong kinh Phật nói bà đều làm được cả. Bà 101 tuổi mới phát tâm quy y. Khi bà quy y tại giảng đường của chúng tôi, ngay cả chứng điệp ngũ giới tôi đều tặng cho bà, vì bà đã làm được cả rồi. Nếu như cho điểm thông thường thì bà lấy trọn 100 điểm, đây là tấm gương tốt của chúng ta.

         Loại “phong giáo” này, “phong” là phong khí, “giáo” là giáo hóa, phong khí giáo hóa tốt đẹp như vậy. “Trong khắp cả nước”, “cả nước” là nói toàn bộ quốc gia. “Thì trong ngàn ức hộ sẽ có trăm vạn người nhân đức”, “người nhân đức” ở đây chính là người có thể giữ ngũ giới, giữ thập thiện. Chỉ cần có một triệu người có thể làm được, thì phong khí cả nước sẽ thay đổi, sẽ có thể chuyển đổi trở lại. Tiếp theo có nêu ví dụ để nói, người có thể làm một việc thiện thì họ trừ được một việc ác. Ví dụ nói người có thể giữ không sát sanh thì họ không làm việc ác sát sanh, có thể giữ không trộm cắp, thì loại ý nghĩ hành vi trộm cắp họ đã dứt hết rồi. “Bỏ được một điều ác thì dừng được một hình phạt.” Hình phạt của quốc gia là để chế tài những người phạm pháp, mọi người đều tuân thủ pháp luật thì hình phạt cũng bỏ, không có chỗ dùng nữa. “Một nhà dừng được một hình phạt thì cả nước dừng được vạn hình phạt.” Cho nên con người, đặc biệt là đệ tử Phật nhất định phải làm tấm gương tốt nhất cho xã hội. Làm thế nào giúp đỡ tất cả chúng sanh đoạn ác tu thiện? Trước tiên phải bắt đầu làm từ bản thân, tiêu chuẩn của thiện ác chính là ở trong cuốn sách nhỏ này, cuốn Thập Thiện Nghiệp Đạo này. Kinh điển nhà Phật chia làm bốn loại lớn: Giáo, lý, hành, quả. Đây là thuộc về hành kinh, là dạy chúng ta phải lấy hành vi mà thực hiện, cái này không phải để nghiên cứu thảo luận, mà phải thiết thực làm cho được. 

         Phật Bồ-tát là tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh trong chín pháp giới, chúng ta ngày nay gọi là mô phạm, mẫu mực. “Học vi nhân sư”, sư là mẫu mực; “hành vi thế phạm”, hành vi của họ là mô phạm, mẫu mực cho tất cả chúng sanh. Thế nên chúng ta cần phải nghĩ đến, chúng ta khởi tâm động niệm có nghĩ đến hay không? Ý niệm này của ta có thể làm tấm gương tốt cho xã hội đại chúng hay không? Nếu như không thể làm tấm gương tốt thì không được khởi ý niệm này. Lời nói của ta có lợi ích tích cực đối với xã hội đại chúng hay không? Nếu không lợi ích thì lời này không nên nói. Hành vi và tất cả việc làm của ta đều phải lợi ích cho xã hội đại chúng. Việc không lợi ích cho xã hội đại chúng thì không những không được làm mà ý niệm cũng không được khởi, vậy mới là đệ tử Phật, vậy mới là tiếp nhận lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền. Nếu không thì chúng ta đọc sách để làm gì? Rốt cuộc chúng ta đang học cái gì?

         Hoàng đế Ung Chính dùng đoạn đối thoại này, hay nói cách khác, ông khẳng định, thời xưa xã hội Trung Quốc tiếp nhận giáo dục của ba nhà Nho Thích Đạo nên họ có trí tuệ, họ thấy rõ ràng. Tuy cách thức, phương pháp giáo dục của ba nhà không hoàn toàn như nhau, nhưng về căn bản thì giống nhau, hôm nay chúng ta đem ý này triển khai ra. Chín tôn giáo lớn của Singapore, về mặt hình thức thì chín tôn giáo không như nhau, phương thức giáo hóa chúng sanh có sai biệt nhưng về lý niệm là giống nhau, cho nên chín tôn giáo lớn có thể đoàn kết, có thể hợp tác. Chỗ khác nhau là cành lá, còn gốc rễ thì giống nhau, đâu có lý nào không thể chung sống hòa mục được? Hai năm nay, chúng tôi thử thí nghiệm, thành quả vượt ngoài dự tính của chúng tôi, chín tôn giáo của Singapore giống như anh chị em một nhà vậy, qua lại thân thiết vô cùng, xác thật đạt đến tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác. Tuy đạo khác nhau nhưng không mâu thuẫn, đây là điều chúng tôi tận mắt chứng kiến tại nơi này. Việc này đã làm nên một tấm gương tốt cho toàn thế giới, là một mở đầu tốt. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên, tôi khen ngợi ông, ông là Bồ-tát, ông đích thực là Bồ-tát. Những người lãnh đạo, những thầy truyền giáo của chín tôn giáo lớn này cũng đích thực đều là Bồ-tát. Họ vì khu vực này, vì người trên toàn thế giới làm ra tấm gương tốt, đây chính là cống hiến, hy vọng vĩnh viễn hóa giải sự xung đột về chủng tộc và chiến tranh tôn giáo. Bạn nói xem, công đức này bao lớn.

         Câu sau cùng nói: “Tin chắc rằng có thể thõng tay ngồi hưởng thái bình rồi!” “Tin chắc rằng” có nghĩa là tin sâu, tôi tin tưởng rất sâu, đây là quốc vương và đại thần đang thảo luận. Tống Văn Đế tin, Hà Thượng Chi cũng tin sâu không nghi, có thể thõng tay ngồi hưởng thái bình. Chỉ cần đem ba nền giáo dục Nho Thích Đạo này cố gắng phổ biến cho tốt. Các đời đế vương Trung Quốc, thời đó trường học không phổ cập, làm thế nào để giáo hóa chúng sanh? Đây là việc lớn hàng đầu để trị quốc bình thiên hạ! Giống như một gia đình, gia đình của bạn, nếu bạn muốn gia đình của bạn hưng vượng thì bậc làm cha mẹ nhất định phải hiểu được con trẻ, con cái của bạn mỗi ngày chúng nghĩ gì, chúng nói gì, chúng làm gì? Bạn phải cố gắng khuyên dạy chúng! Phải dạy bảo chúng bỏ ác làm thiện, phá mê khai ngộ thì gia đình bạn sao mà không hưng vượng cho được? Muốn quốc gia hưng vượng cũng là đạo lý này. Những người lãnh đạo quốc gia, đế vương, đại thần phải hiểu được nhân dân đang nghĩ gì, đang nói gì, đang làm gì? Nếu như họ không hiểu được điều này, không có biện pháp dẫn dắt, khuyên bảo, giáo hóa nhân dân thì xã hội quốc gia này làm sao an định cho được?

         Dùng phương pháp gì dạy họ đây? Giáo dục đạo đức. Nho Thích Đạo đều là giáo dục nhân văn, ngày nay gọi là giáo dục nhân văn, người Trung Quốc xưa gọi là giáo dục đức hạnh, dạy bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, đây là giáo dục đời sống, quan hệ giữa con người với trời đất quỷ thần. Trời đất quỷ thần là gì vậy? Chính là với tất cả tôn giáo trên thế gian, không có gì khác! Khi nói “trời đất quỷ thần” tức là chúng ta phải hiểu được có rất nhiều tôn giáo đang tồn tại ở thế gian, vậy quan hệ giữa họ với chúng ta là gì, làm sao chung sống với họ? Là nói về sự việc này, đều là hiện thực, đều là không thể tách rời, xa rời đời sống của chúng ta. Chỉ cần bạn xử lý tốt ba mối quan hệ này thì bạn sẽ đích thực sống đời hạnh phúc mỹ mãn, xã hội yên ổn, thế giới hòa bình, nhân dân hạnh phúc, điều này có thể làm được. Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc đã vì chúng ta nói ra lời giáo huấn quý báu này. Học Ký của Lễ Ký là triết học giáo dục Trung Quốc, là triết học giáo dục cổ xưa nhất. Trong đó có hai câu danh ngôn: “Dựng nước quản dân, giáo dục làm đầu.” Ý nghĩa này, nói theo thời nay là xây dựng một chính quyền lãnh đạo nhân dân cả nước thì điều gì là quan trọng nhất? Đó là giáo dục! Hiện nay gọi là xây dựng nhận thức chung, người hiện nay gọi là giáo dục tư tưởng, dạy bạn nghĩ thế nào? Chỉ nên nghĩ thiện, không nên nghĩ ác. 

         Trong kinh này Thích-ca Mâu-ni Phật nói rất hay, chúng tôi đem đoạn quan trọng nhất này viết ra, để lên phía trước của bản kinh này, đặt ở mặt đầu tiên, vì đây là điều quan trọng nhất, đây có thể nói là tổng cương lĩnh của giáo dục Phật pháp. Dạy chúng ta điều gì vậy? “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, ngày đêm tư duy thiện pháp, ngày đêm quán sát thiện pháp.” Thiện pháp này là lấy thập thiện làm tiêu chuẩn, thường niệm thiện pháp là tâm thiện, tư duy thiện pháp là ý nghĩ thiện, quán sát thiện pháp là hành vi thiện; thiện pháp này niệm niệm tăng trưởng, không để mảy may bất thiện xen tạp. Nếu ai tu được như vậy thì họ làm sao không thành Phật? làm sao họ không thành thánh được? Đại sư Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay: “Nếu người chân tu đạo, không thấy lỗi thế gian.” Chữ “không thấy” này là tuyệt đối không đem tất cả lỗi lầm bất thiện của thế gian để vào trong tâm, không được vậy, mà để cho tâm bạn thuần thiện, ý nghĩ của bạn thuần thiện, hành vi thuần thiện thì tiền đồ của bạn sáng sủa, đời sống của bạn tự tại an lạc. Cho dù sống đời sống vật chất nghèo nàn nhất cũng vui sướng vô cùng, giống như Khổng tử tán thán Nhan Hồi vậy. Đời sống vật chất của Nhan Hồi thiếu thốn đến cùng cực, thế mà Nhan Hồi mỗi ngày vui sướng vô cùng, vì sao ông vui? Ông hiểu rõ “đạo”, tức là tâm thiện, ý nghĩ thiện, hành vi thiện, không màng đến đời sống vật chất, cho nên xã hội mới có thể yên ổn, hòa bình lâu dài, không còn tranh lợi. Tranh danh trục lợi, sự việc này họ dứt khoát không làm. Câu kế tiếp, chúng ta cùng đọc câu kế tiếp:

         Lời này dùng để khuyến thiện, chính là đạo trọng yếu để trị thiên hạ vậy!

         Đến đây là một đoạn lớn, đây là tổng kết của đoạn này. Đoạn này là do hoàng đế Ung Chính nói. “Lời này” là chỉ cho lời đối thoại giữa Tống Văn Đế và Hà Thượng Chi ở phía trước. Lời đối thoại này là khuyến thiện, có thể khuyên nhân dân cả nước hành thiện, đây là đạo trọng yếu để bình trị thiên hạ. Các vua khai quốc thời kỳ đầu triều Thanh đều rất thông minh, đều rất có trí tuệ, họ đã thúc đẩy giáo dục tôn giáo. Vào thời đó Phật giáo vẫn là giáo dục, Phật giáo biến thành tôn giáo đại khái là từ sau năm Gia Khánh. Vào thời Càn Long, Phật giáo vẫn chưa phải là tôn giáo, vẫn thuộc về giáo dục. Thế nên Phật giáo biến thành tôn giáo là điều vô cùng bất hạnh! Thời gian Phật giáo trở thành tôn giáo cũng chỉ hơn 200 năm mà thôi, điều này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải sáng tỏ. Chúng ta học là học giáo dục của Thích-ca Mâu-ni Phật, tuyệt đối không phải là mê tín. Mê tín thì chúng ta không thể đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp, chỉ có giáo dục thì chúng ta mới có thể đạt được lợi ích thật sự.

 

 

 Xem thêm:

Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 3

Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 4

Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 6

Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 7

Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 8

Tin liên quan