Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 4

 

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Tập 4

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 24 tháng 04 năm 2000

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

 

         Mời chư vị mở kinh văn, chúng ta xem tiếp “Thượng Dụ” của Hoàng đế Ung Chính, tờ thứ nhất, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, xem từ nửa đoạn sau. Tôi đọc mấy câu kinh văn, đối chiếu ở chỗ này: 

         Ngũ giới thập thiện của nhà Phật dẫn người hướng thiện. Ngũ thường bách hạnh của nhà Nho ta, chẳng có điều nào không dìu dắt, khuyến khích dẫn người làm thiện cả.

         Chúng ta xem từ đoạn này. Đoạn phía trước nói cho chúng ta tông chỉ của Tam giáo. Tông chỉ, nguồn gốc của nó, đây cũng chính là khế cơ khế lý mà nhà Phật nói. Về lý thì cùng xuất phát từ một nguồn, về cơ thì không như nhau, cho nên mới có ba loại phương pháp giáo học này để tiếp dẫn ba loại căn tánh khác nhau. Điều này hoàn toàn tương ưng với nguyên lý nguyên tắc giáo học của Phật pháp Đại thừa. Phương pháp, hình thức tuy là khác nhau, nhưng phương hướng mục tiêu của nó đều như nhau, đó chính là đồng quy về thiện. Tiêu chuẩn của thiện là phải tương ưng với tâm tánh, tương ưng với tánh đức, đây là nguyên tắc bất biến. Thế nhưng mức độ tương ưng với tâm tánh đích thực có cạn sâu, rộng hẹp khác nhau. Chúng ta biết pháp thân là thanh tịnh nhất, Pháp thân Đại sĩ. Tứ thánh pháp giới hơi kém hơn một chút so với Pháp thân Đại sĩ, cõi trời lại kém xa hơn một chút, cõi người thì còn xa hơn, ba đường ác thì hoàn toàn trái với tánh đức. Giáo giới của Phật, Phật chế định cho chúng ta một số quy luật, nhà Phật thường gọi là giới luật, đều là dựa vào nguyên tắc này mà nói ra. Việc này chúng ta phải hiểu rõ, sau đó mới có thể lĩnh hội được trí tuệ chân thật, lòng từ bi vô tận, phương tiện khéo léo của chư Phật, Bồ-tát. 

         Đặc biệt là người chân thật có trí tuệ thì đối với hình thức tuyệt đối không để ở trong tâm, chỉ trọng thực chất. Hình thức thì then chốt ở khế cơ, thực chất là khế lý, quả nhiên khế lý. Căn tánh của chúng sanh vô lượng vô biên, chúng ta không cách gì hiểu rõ. Chúng ta xem trong kinh Hoa Nghiêm, Phật, Bồ-tát vẫn có thể dùng tham sân si để tiếp dẫn một loại chúng sanh nào đó. Việc này chúng ta xem thấy dường như là trái ngược với tánh đức, nhưng kỳ thật các ngài không trái ngược, chúng ta đi làm thì trái ngược, các ngài đi làm thì không trái ngược, nguyên nhân do đâu? Là do tâm địa của các ngài thanh tịnh, các ngài không nhiễm trước, hòa quang đồng trần. Vì sao chúng ta không thể làm? Chúng ta nhiễm trước, hay nói cách khác, chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sẽ khởi lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Các ngài là Pháp thân Đại sĩ, khi tiếp xúc với cảnh giới các ngài không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cao là cao ở chỗ này. Rời khỏi tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tương ưng với pháp tánh; nhiễm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì trái ngược, đó là tạo nghiệp! Thế nên Phật chế định giới hạnh cho chúng ta, chúng ta là sơ cấp nhất, cho nên nhất định phải hiểu rõ, cần phải khẳng định rằng chúng ta ngày nay là sơ cấp nhất, Phật dạy chúng ta điều gì? Thập Thiện Nghiệp Đạo, đây là sơ cấp nhất, là lớp mầm non của Phật giáo, chúng ta có thể làm được hay không? Nếu không thể làm được, vậy tư cách lớp mầm non của Phật giáo cũng không có. Việc này bản thân chúng ta cần phải phản tỉnh. Chúng ta học Phật rốt cuộc là ở giai đoạn nào, cấp bậc nào, chính mình phải thật rõ ràng, thật tường tận. Gần đây pháp sư Thái Hư có giảng nhân thừa của “ngũ thừa Phật pháp”. Ngũ giới thập thiện thuộc về nhân thừa; thiên thừa thì cần phải thêm “tứ vô lượng tâm”, ít nhiều đều có chút định tuệ thì mới có thể từ đây mà nâng lên cao.

         Hôm nay chúng ta xem tiếp: “Phù, ngũ giới thập thiện của nhà Phật.” Chữ “phù” này không có ý nghĩa, chỉ là trợ từ. Nhà Phật nói ra ngũ giới thập thiện, đây là nền tảng của Phật pháp, là đại căn đại bổn của Phật pháp. “Dẫn người hướng thiện.” “Dẫn” là dẫn dắt, hướng dẫn người hướng thiện. Học Phật phải từ chỗ này mà học, người khác không làm nhưng chúng ta nhất định phải làm, nhất định phải tuân thủ. Giới và thiện ở trên hình thức là như nhau, nhưng ở trên quả đức thì không như nhau, việc này chúng ta cần phải biết, cho nên thọ giới và hành thiện là không như nhau. Ngũ giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu; trong thập thiện cũng là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, xem ra thì dường như là giống nhau, thế nhưng quả báo của họ không như nhau. “Giới” là bạn chính thức tiếp nhận giáo huấn của đức Phật, chính bạn phát nguyện, cũng giống như người thế gian gọi là phát ra lời thề, bạn đã từng phát thệ nguyện muốn học. Thập thiện thì không như vậy, đối với thập thiện bạn không phát ra loại tâm này. Về quả báo thì thập thiện là mong cầu phước báo, ngũ giới không phải phước báo, chỗ này không như nhau. Ngũ giới là cầu điều gì? Cầu tâm thanh tịnh, “do giới được định, do định khai tuệ”. Bạn xem trên hình thức là như nhau nhưng mục đích phương hướng thì không như nhau, một cái là mong cầu phước báo, một cái là mong cầu định tuệ, đây là giới và thiện có khác biệt. Nhất định phải thọ ngũ giới ở trước mặt Phật, Bồ-tát, thập thiện thì không cần, cho nên cùng tu học các khoa mục như nhau nhưng dụng ý ở chỗ nào? Mục đích ở chỗ nào? chính mình phải thật rõ ràng, thật tường tận. Trong Phật pháp, tâm thanh tịnh quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Giới có thể đoạn “tham, sân, si, mạn, nghi”, thiện không có loại năng lực này, dụng ý của tu thiện cũng không ở chỗ này, cho nên đây là thứ căn bản nhất dẫn dắt người hướng thiện.

         “Ngũ thường bách hạnh của nhà Nho ta.” Từ chỗ này chúng ta thấy, hoàng đế Ung Chính ông xưng là “nhà Nho ta”, ông dùng những chữ này. Ông là người Trung Quốc, ông nhận mình là người Trung Quốc, không phải là người nước ngoài, Mãn Thanh vào làm chủ Trung Quốc thì cùng Trung Quốc đồng một quốc gia, đồng một dân tộc, “nhà Nho ta”, nhà Nho chúng ta, bạn xem thấy được ý nghĩa này. “Ngũ thường” mà nhà Nho nói cùng “ngũ giới” mà nhà Phật nói là hết sức tương đồng. Ngũ thường là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Nhân thì không sát sanh, sát sanh thì bất nhân, nghĩa là không trộm cắp, lễ là không tà dâm, trí là không uống rượu, tín là không nói dối, cùng tương đồng với ngũ giới của nhà Phật. Người có thể giữ được ngũ giới thì đời sau nhất định được thân người. Chúng ta có thể được thân người là do trong đời quá khứ đã giữ ngũ giới, chỗ này trong pháp đại thừa gọi là dẫn nghiệp, dẫn bạn đến cõi người để thọ sanh. Chúng ta đều được thân người là cùng đồng một dẫn nghiệp, thế nhưng diện mạo của mỗi một người không giống nhau, hoàn cảnh đời sống không như nhau, giàu sang nghèo hèn không như nhau, đây là một sức mạnh khác, sức mạnh này gọi là mãn nghiệp. Mãn nghiệp là gì? Là nghiệp thiện ác. Trong đời quá khứ ta tu thiện nghiệp nhiều thì trong đời này ta được giàu sang, tu thiện nghiệp ít thì đời này tương đối nghèo khổ. Hai loại sức mạnh này chúng ta chính mình phải rõ ràng, phải tường tận thì sau đó sẽ không oán trời trách người, cho dù sống trong nghịch cảnh chúng ta cũng sẽ không oán trời trách người, vì sao vậy? Vì trong đời quá khứ đã tạo nhân bất thiện thì đời này bị quả báo như vậy, chính mình đương nhiên có thể vui vẻ mà tiếp nhận, người này mới có thể tu đạo, mới có thể hành đạo. Nếu như chúng ta oán trời trách người thì ý niệm này tạo tội nghiệp.

         Ngũ thường là quy tắc thông thường trong việc đối nhân xử thế tiếp vật mà tổ tiên mấy ngàn năm của Trung Quốc dạy bảo con em. “Thường” chính là không được gián đoạn. Người Trung Quốc đã tiếp nhận giáo dục này mấy ngàn năm, tuy là thời cận đại bị mất đi, mọi người không nói đến nhưng cái gốc đó luôn tồn tại, cho nên ngày nay chúng ta nói nhân nghĩa đạo đức, nói Phật pháp Đại thừa thì người Trung Quốc dễ dàng tiếp nhận, đây là nguyên nhân gì? Vì cái gốc đó vẫn còn. Chúng ta từ giáo dục ngũ giới, ngũ thường mà quan sát thì người Trung Quốc xem tất cả mọi người, xem tất cả mọi vật đều là thiện, tất cả mọi người đều là người tốt, “nhân giả vô địch”. Trong ngũ thường, điều thứ nhất chính là nhân. Người nhân từ không có đối địch, nếu như đối địch với ta thì người này không nhân từ. Người khác có thể đối địch với ta, ta quyết không đối địch với người. Bảo người khác không đối địch với ta thì thật khó, đây không phải là giáo huấn của thánh hiền. Thánh hiền nhân dạy chính mình không thể đối lập với người khác, người khác đối lập với ta là việc của họ, họ xem thường ta, chúng ta không dám xem thường họ; họ hủy báng ta, chúng ta không được hủy báng họ; họ nhục mạ ta, hãm hại ta, chúng ta quyết không được dùng tâm lý báo thù để đối đãi với họ, đây là học thánh, học hiền. Thánh hiền nhân và phàm phu khác biệt chính ngay chỗ này. Phàm phu tạo nghiệp, thánh hiền nhân tu công tích đức, không như nhau! Bằng không mà nói, chúng ta đọc sách thánh hiền, học lời dạy của thánh hiền nào có học được đến đâu. Những khoa mục này cần phải ghi nhớ thật kỹ, từng giây từng phút đều không thể trái ngược, đó gọi là tu hành. 

         Nếu như tư tưởng kiến giải hành vi của chúng ta trái với ngũ giới ngũ thường thì bạn sai rồi. Biết sai rồi thì chúng ta phải mau sửa đổi lại, đây là tiêu chuẩn thiện ác của đại thánh đại hiền thế xuất thế gian, đây gọi là thiện. Phù hợp với tiêu chuẩn này mới gọi là thiện, không phù hợp với tiêu chuẩn này thì là bất thiện. Người khác bất thiện, chúng ta không được làm việc bất thiện theo họ, chúng ta phải hành thiện để cảm hóa họ. Chúng sanh vì sao tạo tác bất thiện? Vì phiền não tập khí quá nặng, không có người dạy họ. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói được rất hay: “Đời trước không tốt, không biết đạo đức, không có người dạy, tuyệt không trách họ.” Có thể lượng thứ cho họ, cha mẹ của họ không dạy bảo họ, thầy của họ không dạy bảo họ, trưởng bối của họ không dạy bảo họ thì họ làm sao biết được? Không có người dạy mà họ biết được thì đó là Phật, Bồ-tát tái lai, đó là bậc thánh hiền, không phải là phàm phu. Người phàm nếu không có người dạy bảo thì phiền não tập khí làm sao mà không hiện hành cho được! Cho nên chúng ta phải hiểu rõ, chỗ này tuy là nói Tam giáo Nho Thích Đạo nhưng trên thực tế nội dung chỉ nói đến Phật và Nho. “Bách hạnh”, hạnh là hành vi, bách là hình dung số nhiều, tuyệt đối không phải là nói 100 điều. “Ngũ thường”, ngũ này đích thực là con số, bách hạnh thì không phải là một con số thật sự, là hình dung từ, nhà Nho gọi là “ba ngàn oai nghi”, điều này trong phần Nghi Lễ có nói. Bách hạnh chính là chỉ những việc này, đều là “dìu dắt, khuyến khích dẫn người làm thiện”.

         Phía sau, hoàng đế Ung Chính có nêu lên một đoạn công án, đoạn công án này là mẩu chuyện vào thời nhà Tống: 

         Xưa, Tống Văn Đế hỏi quan Thị trung Hà Thượng Chi rằng: Lục kinh vốn là tế tục.

         “Lục kinh” là của nhà Nho. Toàn bộ điển tịch của nhà Nho mọi người đều biết “Thập Tam kinh”, tổng cộng có mười ba bộ. Lục kinh, trên thực tế cũng là chỉ Thập Tam kinh, tông chỉ của nó, tông chỉ của giáo học là “tế tục”, hay nói cách khác là đoan chánh phong khí xã hội, mục đích của nó chính ngay chỗ này.

         Còn chỗ trọng yếu thật sự của tánh linh thì phải lấy kinh Phật làm chỉ nam.

         Nói đến học vấn tâm tánh, thì kinh Phật là đệ nhất, cũng chính là nói kinh Phật nói rất thấu triệt về chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Nội dung của kinh Phật, dùng khoa mục của giới học thuật ngày nay mà nói thì bao gồm tất cả, chân thật là đại viên mãn mà trong kinh điển thường hay nói. Tống Văn Đế hiểu điều này.

         Nếu dân toàn quốc đều thật thà tiếp nhận giáo hóa này thì ta ngồi an hưởng thái bình vậy!

         Ông tôn sùng Phật giáo, “dân toàn quốc”, dùng lời hiện nay mà nói là nhân dân cả nước, nhân dân toàn quốc đều có thể học tập Phật pháp, đều có thể tiếp nhận giáo dục của đức Phật. “Thật thà” là tâm chân thành, “giáo hóa này” chính là nói Phật giáo, đều có thể dùng tâm thuần phác, tâm chân thành tiếp nhận lời dạy của đức Phật, Tống Văn Đế nói: “Vậy thì ta ngồi an hưởng thái bình”, thiên hạ vô sự, làm thái bình thiên tử, không phải lo lắng bất kỳ việc gì. 

         Đây là sự nhận thức của người lãnh đạo quốc gia trước đây đối với Tam giáo. Ung Chính có thể nêu ra những câu nói này, đương nhiên ông nhận biết, ông tán đồng cách nói này, ông tán thưởng cách nói này. Chúng ta cũng hiểu rằng, ông đương nhiên học tập cách làm này, còn việc ông làm được bao nhiêu thì liên quan đến sự lĩnh ngộ của ông. Phần ông không làm được thì có liên quan đến tập nhiễm của ông. Tập nhiễm là phiền não tập khí, công phu càng sâu thì phiền não tập khí sẽ càng tan nhạt, nếu chân thật khế nhập cảnh giới, thì ông đã không làm Hoàng đế. Hoàng đế Thuận Trị triều nhà Thanh đã xuất gia. Thích-ca Mâu-ni Phật đã hiểu rõ việc này rồi, không cần ngôi vua nữa, một lòng một dạ theo đuổi công tác giáo học. Việc này còn vui hơn làm Hoàng đế, đây là niềm vui lớn, so với làm Hoàng đế còn phú quý hơn. Việc này phải là người chân thật thông đạt mới được, không hoàn toàn thông đạt thì không được! Ung Chính được xem là rất cừ khôi, Ung Chính là vì con trai của ông mà xây dựng nền tảng, cho nên Càn Long là thời đại thịnh nhất của triều Thanh, ông xây dựng nền tảng này. Chúng ta biết được Khang Hi, Ung Chính, Càn Long, ba triều đại này trong cung đình ngày ngày đọc kinh Vô Lượng Thọ, giảng kinh Vô Lượng Thọ, đây là lý niệm của họ, dùng kinh Vô Lượng Thọ để trị quốc, họ có nhận thức chung này. 

         Phía sau là phần trả lời của Hà Thượng Chi. Hôm nay đã hết thời gian, chúng ta giảng đến đây thôi. Phần trả lời của Hà Thượng Chi cho chúng ta khải thị rất lớn. Các vị nếu như tường tận rồi thì ngày nay thế giới tuy là loạn, chúng ta chăm chỉ nỗ lực tu học thì bạn sẽ có tín tâm giúp đỡ xã hội, giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Đừng cho rằng lực tu trì của cá nhân chúng ta quá nhỏ bé, vậy thì chúng ta đã không hiểu rõ chân tướng. Hiểu rõ chân tướng sự thật thì bạn không có loại phân biệt chấp trước này. Mỗi người chúng ta nỗ lực tu hành, cho dù một chút thành tựu cũng không có, thế nhưng có sự âm thầm chuyển hóa. Sức mạnh này vẫn là không thể nghĩ bàn, sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh bạn, sẽ ảnh hưởng thế giới, sẽ ảnh hưởng đến đời sau. Sự tu trì của một người có công đức rất to lớn, nếu chúng ta không thâm nhập kinh tạng thì không cách gì hiểu rõ. Ta luôn cho rằng, một người tu hành thì có gì cừ khôi đâu? Một người tạo tội nghiệp thì có gì ghê gớm đâu? Một người tạo tội nghiệp thì sẽ liên lụy đến xã hội, liên lụy đến đời sau, lỗi lầm cũng không cách gì nói hết được. Chúng ta phải đem những lý và sự này làm cho rõ ràng, “đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ”.

 

 

 Xem thêm:

Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 2

Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 3

Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 5

Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 6

Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – tập 7

Tin liên quan