Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh – Tập 4

PHẬT THUYẾT BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC KINH

Tập 4

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Hội quán Hòa Thuận, viện Tri Ân Nhật Bản

Thời gian: Ngày 03 tháng 11 năm 2002

 

         Chư vị đồng học, mời xem giác tri thứ tư:

         Đệ tứ giác tri, giải đãi trụy lạc, thường hành tinh tấn, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất âm giới ngục.

         第四覺知。懈怠墜落。常行精進。破煩惱惡。摧伏四魔。出陰界獄。

         Giác ngộ thứ tư: lười biếng đọa lạc, thường tu tinh tấn, phá phiền não ác, hàng phục tứ ma, thoát ngục âm giới.

         Thế Tôn ở chỗ này nhắc nhở chúng ta: “Giải đãi trụy lạc.” Câu nói này chúng ta nhất định phải ghi nhớ thật kỹ. Cái nhân tố đứng đầu của đọa lạc chính là giải đãi, cho nên ở trong kinh luận, Phật nói thiện căn với chúng ta, trong pháp thế gian thiện căn có ba điều, gọi là tam thiện căn: không tham, không sân, không si. Tất cả mọi thiện pháp trên thế gian đều được sinh ra từ ba cái gốc này. Xuất thế gian thiện căn của Bồ-tát chỉ có một cái, đó là tinh tấn. Tinh tấn là thiện căn duy nhất của Bồ-tát. Hay nói cách khác, giải đãi đúng là mặt trái của tinh tấn, giải đãi thì đọa lạc, tinh tấn thì được đi lên, đây là đạo lý nhất định. Giải đãi và tinh tấn đều có hai mặt trái ngược nhau, trong Phật pháp chúng ta nói về hai mặt thiện ác. Người thế gian, chúng sanh ở trong lục đạo, đặc biệt là chúng sanh trong tam đồ, họ vô cùng tinh tấn đối với pháp ác, chân thật là một chút cũng không giải đãi, thế nhưng đối với pháp thiện thì họ hoàn toàn lơ là, giải đãi. Cho nên Phật Bồ-tát, các bậc thánh hiền dạy chúng ta, bảo chúng ta phải tinh tấn đối với tất cả pháp thiện và chúng ta phải giải đãi đối với tất cả pháp ác. Pháp thiện là gì vậy? Đạo đức, nhân nghĩa, chúng ta nhất định phải dũng mãnh tinh tấn mà làm.

         Đạo là gì vậy? Đạo là pháp tắc tự nhiên, là nguyên lý, nguyên tắc tự nhiên. Phàm là tùy thuận theo quy luật tự nhiên, đây gọi là hành đạo. Thực tiễn ở trong đời sống thường ngày của chúng ta, nhà Nho nói luân thường đại đạo, hoàn toàn là tùy thuận theo quy luật tự nhiên. Cái thứ nhất là vợ chồng. Chúng ta thử xem hiện thực ở thế gian này, đạo vợ chồng không còn nữa. Bạn thử xem, mỗi địa phương tỉ lệ ly hôn rất cao! Giữa vợ chồng với nhau có mâu thuẫn nghiêm trọng, thường thấy nhất đó là tài sản. Tài sản của chồng vợ không biết, giấu không cho vợ biết, tài sản của vợ giấu không cho chồng biết, mỗi người đều có quyền riêng tư. Có quyền riêng tư thì luân thường đại đạo bị phá hoại ngay! Cái riêng tư này chính là xung đột, giữa người và người với nhau dù là vợ chồng, cha con đều không thể đối diện chân thành, đều là dùng tâm giả dối, tâm che đậy, tâm lừa gạt. Bạn nói xem cái thế gian này làm sao không gặp kiếp nạn cho được! Kiếp nạn từ đâu mà có vậy? Là từ đây mà ra. Hôm nay chúng ta rất may mắn nghe được Phật pháp. Phật dạy chúng ta, chúng ta không những thành thật đối với người thân của mình, mà chúng ta đối với mọi người, mọi chúng sanh đều phải dùng trái tim chân thành để đối đãi với nhau. Tâm chân thành tùy thuận pháp tánh, tùy thuận tánh đức, đây là đi con đường của Phật, đi con đường của Bồ-tát. Nếu như vứt bỏ chân thành, dùng tâm giả dối để đối diện với tất cả người sự và vật, đây là tà đạo, đây là ác đạo, đây chắc chắn trụy lạc, chúng ta không thể không biết. Thế nào gọi là đạo, thế nào gọi là đức, chúng ta nhất định phải thật rõ ràng, thật sáng tỏ.

         “Đạo”, tôi bổ sung thêm mấy câu, vợ chồng, cha con, anh em, vua tôi, bạn bè chính là quan hệ giữa người với người, đây là quan hệ bình thường, đây là đại đạo. Biết được những quan hệ này thì biết được mình cần phải tận hết nghĩa vụ. Tâm mà chúng ta giữ là chân tâm, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Nghĩa vụ của chúng ta nhất định phải tận sức, về phương diện này phải “thường hành tinh tấn.” Nghĩa vụ đó chính là đức. Trung hiếu, nhân nghĩa không thể không chú trọng, không thể không hết lòng nỗ lực làm ra tấm gương tốt cho đại chúng xã hội thấy. Làm người không thể không có ân, không có nghĩa, không có trung. Sao gọi là trung vậy? Văn tự của Trung Quốc, trung là trung tâm. Tâm không có lệch, không có tà gọi là trung. Nếu như bạn có tâm thiên lệch, bạn có tà niệm thì cái trung này không còn nữa. Trung là tánh đức. Hiếu thì đã nói rất nhiều. Hiếu là vũ trụ, nhân sinh, cõi nước, chúng sanh là một thể, đây là hiếu. Nếu như bạn còn có đối lập, tôi đối lập với người, tôi đối lập với sự, tôi đối lập với vật, đối lập thì hiếu không còn nữa, đức liền mất hết!

         Tu dưỡng đạo đức, lễ nghĩa liêm sĩ đều phải làm từ bản thân chính mình, không nên soi xét người khác. Tại sao vậy? Người ta đã mê mất tự tánh, giống như bản thân chúng ta trước đây vậy, khi chưa gặp được Phật pháp, chưa gần gũi thiện tri thức, chúng ta mê mất tự tánh, chúng ta đích thực là bất trung bất hiếu, bất nhân bất nghĩa, vô lễ vô tín, vô liêm vô sĩ, chúng ta đích thực là người như vậy. Sau khi gặp được Phật pháp, gặp được thiện tri thức, vậy mới sáng tỏ trở lại, giác ngộ trở lại, làm lại cuộc đời. Chỉ một niệm quay đầu này liền được chư Phật hộ niệm, liền được thiên long thiện thần ủng hộ. Quả báo trước mắt là phiền não nhẹ, trí tuệ tăng, đây là quả báo ngay trong chính bản thân mình, bên ngoài có thể được rất nhiều người trên thế gian kính yêu, giúp đỡ, đến đâu cũng được mọi người hoan nghênh, đây là quả báo bên ngoài. Quả báo trong ngoài sẽ tăng tiến theo đạo đức của chính chúng ta, quả báo càng ngày càng thù thắng, chính bạn có thể cảm nhận được. Nếu như bạn vẫn là tiếp tục giải đãi trụy lạc, trong danh văn lợi dưỡng, trong ngũ dục lục trần thì tinh tấn, đạo đức nhân nghĩa hoàn toàn giải đãi trụy lạc, dù trước mắt bạn có được một chút xíu hưởng thụ, hưởng thụ vật chất, nhưng quả báo về sau không thể tưởng tượng nổi. Sự việc này chúng ta phải suy nghĩ nhiều, không thể không giác ngộ.

         Kinh văn nửa đoạn sau: “Thường hành tinh tấn.” Bốn câu phía sau là hiệu quả của tinh tấn, lợi ích của tinh tấn. Tinh tấn có thể “phá phiền não ác”, tinh tấn có thể “tồi phục tứ ma”, tinh tấn có thể thoát khỏi tam giới lục đạo luân hồi. Cái gì là phiền não vậy? Chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Ở trong kinh Phật dạy chúng ta, phiền não là nhiễu loạn thân tâm chúng ta, khiến cho thân tâm của mình không được yên ổn, không được bình tĩnh. Phiền não tổng cộng có ba loại lớn. Loại thứ nhất là kiến tư phiền não. Tại sao gọi là kiến tư vậy? Kiến là kiến giải, tư là tư tưởng. Tư tưởng kiến giải của bạn đã sai lầm, từ cách nghĩ, cách nhìn sai lầm đó sanh ra tất cả bất thiện, đều gọi đó là kiến tư phiền não, cho nên phạm vi của nó là vô cùng lớn.

         Kiến giải sai lầm, cái thứ nhất là “thân kiến”. Thân kiến, chúng ta nói rõ hơn một chút, nói thô một chút chính là tự tư tự lợi, tự tư tự lợi là thân kiến. Loại kiến giải sai lầm thứ hai gọi là “biên kiến”. Biên kiến dùng cách nói hiện nay chính là đối lập, đối lập nhau, ta đối lập với người, thiện đối lập với ác, chân đối lập với vọng, thậm chí là lớn đối lập với nhỏ, lợi đối lập với hại, dài đối lập với ngắn, tất cả mọi kiến giải đối lập chính là thuộc về loại này, cho nên gọi là biên kiến. Loại kiến giải sai lầm thứ ba gọi là “kiến thủ kiến”, loại thứ tư gọi là “giới thủ kiến”, hai loại này chúng ta có thể gộp lại để nói, chính là thành kiến mà người Trung Quốc nói đến. “Người nào đó thành kiến rất sâu.” Trong thành kiến chia thành hai loại, một loại là thành kiến trên nhân, một loại là thành kiến trên quả. Kiến thủ kiến là thuộc về thành kiến trên quả, là trên quả báo, giới thủ kiến là thành kiến trên nhân. Những thành kiến trên nhân và trên quả này đều là sai lầm, đều không chính xác, cho nên gọi nó là kiến phiền não. Tất cả mọi kiến giải sai lầm không thuộc vào bốn điều phía trước, quy nạp thành một loại gọi là “tà kiến”, cách nhìn của bạn là sai lầm, là không chính xác.

         Sai lầm trên tư tưởng cũng có năm loại lớn. Năm loại lớn này chính là tham, sân, si, mạn, nghi. Nghi là đối với lời giáo huấn của các bậc thánh hiền họ hoài nghi, họ không thể tin, không thể tiếp nhận. Cho nên sai lầm trên tư tưởng có năm loại là tham sân si mạn nghi. Sai lầm trên kiến giải có thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Tổng cộng mười điều này ở trong Phật pháp gọi là kiến tư phiền não. Chỉ cần mười loại phiền não lớn này bạn chưa đoạn sạch sẽ thì bạn không có cách gì thoát khỏi lục đạo luân hồi. Tại sao vậy? Lục đạo luân hồi chính là do kiến tư phiền não biến hiện ra. Nếu như kiến tư phiền não đoạn rồi, mười loại phiền não lớn này bạn không còn nữa thì hiện tượng lục đạo luân hồi cũng liền biến mất. Nhân đã không còn thì đương nhiên quả sẽ không còn. Lúc này ở trong Phật pháp gọi là bạn chứng được quả A-la-hán, quả Bích-chi Phật, bạn đã vượt qua, không còn ở trong lục đạo, trong Phật pháp gọi là chúng sanh của tứ thánh pháp giới. Tứ thánh chính là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật. Bạn bước vào cấp bậc này đều phải dựa vào tinh tấn, đều phải dựa vào đoạn phiền não.

         “Tồi phục tứ ma”, ma thì nhiều, quá nhiều, quá nhiều, vô lượng vô biên, nó có thể chia thành bốn loại lớn. Loại thứ nhất gọi là “ngũ ấm ma”. Ngũ ấm không ở bên ngoài, là bản thân chúng ta. Ngũ ấm nói rõ ra là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. “Sắc” là vật chất, nhục thân của chúng ta, đây là sắc thân, cái thân này chính là ma chướng. Bạn thử xem, hơi không cẩn thận một chút liền nhiễm phong hàn, liền bị bệnh, bạn liền phải bị cái khổ giày vò. Ở trong kinh, Phật nói với chúng ta “ngũ ấm xí thạnh”. Thọ là cảm thọ của bạn, bạn có thọ của khổ, vui, lo, thích, xả. “Tưởng” là bạn có vọng tưởng, có vọng niệm, ngày đêm sát-na đều không dừng, đây là vọng tưởng. Ở trong đại kinh, Phật thường hay nói với chúng ta: “Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh”, tưởng này là vọng tưởng. Hết thảy pháp này là hết thảy pháp trong lục đạo luân hồi, hết thảy pháp trong chín pháp giới là do bạn vọng tưởng nghĩ ra, biến hiện ra vậy, nó vốn dĩ không có. “Hành” là sắc, thọ, tưởng trước mắt bạn sát-na không ngừng, cái này gọi là hành. “Thức” là trong a-lại-da thức, tạo tác của bạn sẽ biến thành hạt giống, hạt giống gặp duyên sẽ khởi hiện hành. Đây chính là nói rõ nhân quả chuyển biến, nhân quả tiếp nối, nhân quả tuần hoàn, đây là ma, nó giày vò thân tâm của bạn, vĩnh viễn không thể được thanh tịnh, vĩnh viễn không thể được an lạc. Loại ma thứ nhất cần phải nhận biết là ngay chính mình.

         Loại thứ hai là “phiền não”. Phía trước đã nói với quý vị phiền não có kiến tư phiền não, có trần sa phiền não, có vô minh phiền não. Ba loại phiền não lớn này, chúng ta hiện nay thảy đều đủ cả, hơn nữa là đủ 100%. Phiền não ma, kiến tư phiền não đoạn rồi thì bạn vượt qua lục đạo luân hồi. Bạn có được tự tại hay không? Đương nhiên so với người trong lục đạo mà nói thì bạn được đại tự tại, nhưng so với Phật Bồ-tát thì bạn vẫn còn không tự tại. Tại sao vậy? Bạn còn trần sa phiền não, trần sa phiền não chưa đoạn, cho nên so với Phật Bồ-tát bạn vẫn là đang bị khổ bị nạn, bạn vẫn còn bị ma khống chế chặt. Trần sa phiền não đoạn rồi thì vượt qua thập pháp giới, vãng sanh đến nhất chân pháp giới, chính là thế giới Cực lạc, thế giới Hoa Tạng. Còn có phiền não không vậy? Còn, còn có vô minh phiền não chưa đoạn. Vô minh phiền não là cái nhẹ nhất, cái khó đoạn nhất. Cho nên ở trong nhất chân pháp giới còn có 41 cấp bậc. Bốn mươi mốt cấp bậc này là do đâu mà có vậy? Chính là từ 41 phẩm vô minh mà có. Phá một phẩm vô minh thì địa vị của bạn liền thăng lên một bậc.

         Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo phá một phẩm vô minh, Bồ-tát Nhị trụ phá hai phẩm, Bồ-tát Tam trụ phá ba phẩm, Bồ-tát Thập trụ phá mười phẩm. Thập trụ hướng lên trên là Thập hạnh, Thập hồi hướng. Thập hồi hướng thứ mười phá ba mươi phẩm. Hướng lên trên nữa là Đăng địa. Bồ-tát Sơ địa đến Bồ-tát Thập địa, Thập địa (Pháp vân địa) phá 40 phẩm vô minh, còn có một phẩm, một phẩm đó là Bồ-tát Đẳng giác. Bồ-tát Đẳng giác còn có một phẩm sanh tướng vô minh. Một phẩm vô minh này phá hết rồi thì chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn. Hay nói cách khác, phiền não đoạn hết thì thành người gì? Phật đã đoạn hết. Bồ-tát chưa đoạn hết, Bồ-tát Đẳng giác còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa đoạn. Cái sự lý này chúng ta đều phải hiểu rõ. Học Phật, học cái gì vậy? Đoạn phiền não, rời xa ma chướng, “tồi phục tứ ma”. Cho nên, chúng ta từ rời xa kiến tư, trần sa, vô minh, đây là có thứ tự, có thứ lớp vậy, từng bước từng bước làm theo. Đây là ma phiền não.

         Loại ma thứ ba là “tử ma”. Tử là ma chướng. Chúng ta muốn tu hành, đạo nghiệp chưa thành tựu thì thọ mạng hết rồi, sau khi chết thì bạn không có cách gì tinh tấn được, bạn đầu thai lại, dù cho thiện căn của bạn sâu dày, bạn lại được thân người, bạn có thể tiếp tục nỗ lực tu học trở lại, chí ít phải trễ mất 20 năm. Hay nói cách khác, công phu tu hành của bạn bị gián đoạn 20 năm, đây là sự giày vò. Chúng ta thử nghĩ 20 năm được lại thân người, có thể gặp được Phật pháp hay không? Có thể gặp được thiện tri thức hay không? Có thể thật sự tiếp nối đời trước, tiếp tục không ngừng nỗ lực tu học hay không? Khó, quá khó, quá khó! Có một số người vừa để lỡ, tuy là được thân người, họ không nghe được Phật pháp, không có cách gì tinh tấn, thường hay bị gián đoạn, gián đoạn cả mấy đời, cả mấy kiếp, thậm chí gián đoạn như trong kinh Phật nói là rất nhiều kiếp. Kệ khai kinh nói rất hay: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”, bạn trong đời này bỏ lỡ cơ hội này, lần sau khi gặp lại là trăm ngàn muôn kiếp. Đây là thuộc về tử ma.

         Ba loại ma này đều là thuộc về bản thân, đều không phải thuộc về bên ngoài. Bên ngoài chỉ có một loại là “thiên ma”. Thiên ma là gì? Là sự dụ dỗ của ngũ dục lục trần bên ngoài, đó là thuộc về thiên ma. Ngày nay thế lực của thiên ma vô cùng lớn, sức mê hoặc mạnh. Tại sao vậy? Không có ai ngăn cấm. Vào thời xưa, thời đại của vua chúa, vua chúa có sứ mệnh, có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn thân tâm cho tất cả chúng sanh, cho nên những thứ mê hoặc bất lợi kia thảy đều ngăn cấm. Hiện nay dân chủ tự do mở cửa, cám dỗ của tài sắc danh thực đang tiêm nhiễm khắp nơi. Trẻ con từ lúc sinh ra, vừa mới mở mắt, nhìn thấy tivi thì liền bị thiên ma mê hoặc, chúng làm sao có thể bảo hộ được tánh đức của mình? Cho nên tánh đức hoàn toàn không còn nữa, nó chạy theo sự mê hoặc bên ngoài, chính cái này mới tạo nên tai nạn lớn cho thế giới, mới tạo nên ngày tận thế, mới tạo nên tam tai bát nạn như trong Phật pháp nói. Cho nên, chúng ta nhất định phải giác tri, nhất định phải giác ngộ, phải thật sự tinh tấn trên đạo nghiệp, trên Phật pháp, phải phá phiền não, phải tồi phục tứ ma. Chân thật có năng lực này thì sẽ không bị cảnh giới bên ngoài mê hoặc. Phương pháp duy nhất là hằng ngày phải thân cận Phật Bồ-tát, một bước cũng không được rời khỏi. Phật Bồ-tát ở đâu vậy? Là kinh giáo. Hằng ngày đọc tụng, tư duy, nghiên cứu, áp dụng vào trong đời sống của mình, áp dụng vào trong công việc của mình, áp dụng vào trong xử sự, đối người, tiếp vật của mình; như vậy mới gọi là tinh tấn thật sự, bạn mới có năng lực đoạn phiền não, có năng lực rời xa mê hoặc, thoát khỏi lục đạo luân hồi, cầu sanh Tịnh độ.

         Cầu sanh Tịnh độ chắc chắn không phải là việc dễ dàng. Điều kiện của vãng sanh Tịnh độ là “tín, nguyện, hạnh”, bạn làm được điều nào? Thật sự tin Phật rồi thì trong tâm bạn sẽ không sanh khởi một niệm ác nào cả. Bạn còn có niệm ác tức là không tin Phật. Thật sự nguyện thì nguyện đồng với nguyện của Phật, 48 nguyện của A-di-đà Phật, đâu có nguyện nào là hại người? Đâu có nguyện nào khi làm ra là bất lợi cho người? Không có. Nguyện của chúng ta có phải giống với nguyện của A-di-đà Phật hay không? Còn hạnh, 48 nguyện của A-di-đà Phật là phổ độ chúng sanh, đó là hạnh. Ba nghiệp thân ngữ ý đều phải làm ra tấm gương tốt nhất, tấm gương chánh giác để giáo hóa chúng sanh, đây là hạnh. Ba chữ này chúng ta làm được chữ nào rồi? Ba chữ này nếu như không có, bạn hằng ngày niệm A-di-đà Phật, người xưa nói: mỗi ngày niệm 200 ngàn tiếng Phật hiệu vẫn là “hét bể cổ họng cũng uổng công”. Nếu như tín nguyện hạnh đầy đủ thì bạn đời này niệm một câu A-di-đà Phật cũng đủ rồi. Đây là nói lời chân thật với bạn. Điều kiện vãng sanh Tây Phương là ba chữ “tín nguyện hạnh”. Đầy đủ tín nguyện hạnh, người này chính là hóa thân của A-di-đà Phật, chính là hình mẫu của A-di-đà Phật, họ làm sao mà không vãng sanh? Vô cùng đáng tiếc, những đạo lý chân tướng sự thật, phương pháp, cảnh giới này không có ai giảng rõ ràng cho bạn. Ở trong chú sớ của đại đức xưa giảng được rất tường tận, bạn đọc không hiểu, bạn thể hội không tới, đó là do nghiệp chướng của bạn quá nặng, bạn niệm niệm đều tùy thuận ác nghiệp. Cho nên đời này tu hành, kết quả vẫn là không có cách gì thoát khỏi tam đồ lục đạo. Nguyên nhân là ở chỗ này. Mời xem đoạn kinh văn tiếp theo:

         Đệ ngũ giác ngộ, ngu si sanh tử, Bồ-tát thường niệm, quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết, tất dĩ đại lạc.

         第五覺悟。愚痴生死。菩薩常念。廣學多聞。增長智慧。成就辯才。教化一切。悉以大樂。

         Giác ngộ thứ năm: ngu si sanh tử, Bồ-tát thường nhớ, học rộng nghe nhiều, thành tựu biện tài, giáo hóa tất cả, thảy được vui lớn.

         “Sanh tử” có hai loại. Một loại gọi là “phần đoạn sanh tử”, nói thật ra chúng ta dùng danh từ sanh diệt này thì quý vị dễ hiểu hơn, dễ sáng tỏ hơn. Hiện tượng sanh diệt, nó là từng đoạn từng đoạn. Thí dụ lấy con người chúng ta làm ví dụ để nói, con người từ khi sinh ra đến khi chết đi, chúng ta gọi đó là một đời, trong Phật pháp gọi cái này là một giai đoạn. Loại sanh tử này gọi là phần đoạn sanh tử. Thật ra mà nói, phần đoạn này là nói cái tướng rất thô, mọi người dễ lý giải. Nếu như nói kỹ thì mỗi ngày đích thực là phần đoạn sanh tử, mỗi ngày không giống nhau. Tối đến đi ngủ, con người xem như đã chết rồi, sáng ngày hôm sau thức dậy, đây là một đoạn, lại sống dậy trở lại. Hôm nay chắc chắn không phải là ngày mai. Điều này nếu như quý vị tỉ mỉ mà tư duy thì sẽ không khó hiểu. Hơn nữa, trong Phật pháp nói được điều vi tế nhất gọi là sát-na sanh diệt. Vậy thì người thông thường quả thật rất không dễ thể hội được, đây là “ngu si”. Cho nên hiện tượng của sanh diệt, sanh tử, từ đâu mà có vậy? Từ ngu si mà ra! Loại thứ hai Phật nói với chúng ta về hiện tượng của sanh diệt, đây là ngoài phần đoạn ra nó còn biến dịch. “Biến dịch” cũng là một loại hiện tượng sanh tử. Biến dịch chính là cảnh giới của bạn nâng cao, giống như chúng ta làm học trò học trong trường học. Chúng ta học lớp một, học xong lớp một rồi, sang năm lên lớp hai. Lên lớp hai chính là lớp một đã chết, lớp hai đã sanh ra. Cái này thuộc về biến dịch, bạn tạo ra biến hóa rồi.

         Ở trong Phật pháp, phàm phu lục đạo thì hai loại sanh tử này đều có. Sau khi vượt qua lục đạo thì phần đoạn sanh tử không còn nữa, chỉ còn biến dịch sanh tử. Cũng chính là nói sau khi chứng được quả A-la-hán thì không còn phần đoạn sanh tử, chỉ còn biến dịch sanh tử, họ tu hành tiếp tục không ngừng nâng cao lên. Hiện tượng này là thuộc về biến dịch sanh tử. Thí như dùng cảnh giới của 41 giai vị Bồ-tát trong kinh Hoa Nghiêm để nói, thì Bồ-tát Sơ trụ họ có năng lực phá thêm một phẩm vô minh, họ liền thăng lên Nhị trụ. Thăng lên Nhị trụ, từ Sơ trụ biến thành Nhị trụ, đây gọi là biến dịch. Nhị trụ biến đến Tam trụ, 41 giai vị này đều là thuộc về biến dịch, không còn phần đoạn sanh tử. Những hiện tượng này đều không rời khỏi ngu si. Ngu si là vô minh phiền não. Cho nên ở trong nhất chân pháp giới, 41 giai vị Bồ-tát, cái ngu si này của họ chưa đoạn, cho nên họ còn biến dịch sanh tử. Ở trong chín pháp giới, đặc biệt là ở trong lục đạo thì ngu si nặng. Không những có ngu si, từ trong ngu si sanh ra trần sa phiền não, sanh ra kiến tư phiền não, cho nên không những có biến dịch sanh tử, mà còn có phần đoạn sanh tử. Đây là điều mà chúng ta không thể không biết. Chư Phật Bồ-tát xuất hiện ở thế gian, đại từ đại bi giúp đỡ tất cả chúng sanh. Các ngài giúp cái gì vậy? Không gì ngoài việc giúp chúng sanh giải quyết vấn đề sanh tử mà thôi. Sanh tử là nỗi khổ lớn. Phật Bồ-tát thoát khỏi sanh tử, không những các ngài không còn phần đoạn sanh tử nữa, mà biến dịch sanh tử cũng không còn. Sau khi chính mình thành tựu mới có thể thành tựu tất cả chúng sanh. Phật Bồ-tát thị hiện cho chúng ta, chỉ dạy cho chúng ta.

         “Bồ-tát thường niệm, quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài.” Đây là Phật chỉ dạy chúng ta làm thế nào phá trừ ngu si? Bốn câu này là vô cùng quan trọng. “Quảng học đa văn”, tu học phải có phương pháp. Phương pháp này nói ra, dường như là hoàn toàn trái ngược với “quảng học đa văn”, kỳ thực không phải như vậy, nó thực sự bổ trợ thành tựu cho nhau, nó không trái ngược nhau. Học tập nhất định là “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, đây là trong Phật pháp nói. Giáo học của nhà Nho Trung Quốc, bạn xem thử trẻ thơ, tài liệu mà lần đầu tiên tiếp xúc là Tam Tự kinh. Trong Tam Tự kinh đã đem phương pháp học tập nói ra rồi, là “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”. Các bạn nghĩ thử xem chữ chuyên đó, chuyên chính là “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu” mà trong Phật pháp đã nói. Cho nên phải cắm rễ từ chỗ này. Phương pháp học tập của người hiện nay là hoàn toàn trái ngược với nguyên lý này, trái ngược nhau 180 độ. Họ mới bắt đầu học thì cái gì cũng muốn học, quả thật là học rộng nghe nhiều. Kết quả học đến cuối cùng thì cái gì họ cũng không biết!

         Cách nghĩ, cách nhìn của người hiện nay và người xưa thật sự không giống nhau. Người xưa dạy học giống như trồng cây vậy, cắm rễ trước, sau khi cắm rễ xuống rồi thì tương lai tự nhiên sẽ nảy mầm, khỏe mạnh, ra hoa kết trái, cành lá xanh tươi. Đó chính là quảng học đa văn, nó có rễ, nó có gốc. Người hiện nay tu học, mới vào liền muốn học rộng nghe nhiều, liền muốn đẹp đẽ, kết quả học vấn của họ là không có rễ, không có gốc. Cho nên tôi thường hay dùng hoa ở trong chậu để làm thí dụ. Nhìn rất đẹp nhưng chết ngay, mấy ngày liền khô héo, không còn nữa. Nó không giống như phương pháp dạy học thời xưa của Trung Quốc, nó là sống. Bạn phải bắt đầu từ căn bản, thật sự công phu đến mức có độ sâu nhất định, sau đó tự nhiên sẽ đụng vào một cái thông khắp mọi cái. Vừa tiếp xúc thì họ liền hiểu rõ, đó là quảng học đa văn. Cho nên, Phật pháp dạy người sơ học nhất môn thâm nhập, người hiện nay không chịu học, không thể tiếp nhận, cho nên thế hệ hiện đại này của chúng ta, trong Phật pháp không có nhân tài. Không phải thiên tư của chúng ta không bằng người xưa, mà thiên tư của chúng ta chí ít so với người xưa là như nhau, không có gì khác. Thành tựu của chúng ta không bằng người xưa là do phương pháp học tập của chúng ta sai lầm. Cái đạo lý này phải hiểu. Cổ nhân học cái gì cũng đều là nhất môn thâm nhập.

         Tôi năm xưa học giáo lý với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, lão cư sĩ Lý đặc biệt nhấn mạnh điểm này. Nếu như chúng tôi không chịu tiếp nhận thì thầy liền nói: “Anh đến nơi khác học đi, anh đừng đến chỗ tôi học. Nếu anh đến chỗ này của tôi thì anh nhất định phải nghe theo sự chỉ dạy của tôi, phải tuân thủ theo phương pháp của tôi”. Khi chúng tôi vừa vào cửa Phật lễ bái thầy thì điều kiện được thỏa thuận ổn thỏa. Nhất định phải phục tùng 100%, bằng mặt mà không bằng lòng là chắc chắn không cho phép. Đây là cắm rễ. Bạn thật sự nghe lời, thật sự chịu tiếp nhận thì thầy thật sự chịu trách nhiệm, thật sự dạy bạn. Đến khi nào mới quảng học đa văn vậy? Đến khi bạn khai ngộ. Cho nên thầy chỉ dạy bạn, điều đầu tiên là đức hạnh, trì giới, tu định. Nhất môn thâm nhập, chỉ học một môn mà tam học giới định tuệ đều có ở trong một môn đó. Y theo phương pháp của thầy chỉ dạy là trì giới. Toàn bộ tinh thần, thời gian, sức lực đều dùng vào trong một bộ kinh này, đây là tu định. Nhất môn thâm nhập là tu định. Bạn có giới, có định thì tự nhiên sẽ khai ngộ. Khai ngộ là trí tuệ, bạn có thể ngộ nhập. Rồi sau đó đem tam học giới định tuệ thực tiễn vào trong đời sống thường ngày của bạn, bạn liền được thọ dụng. Kiểu học vấn này gọi là thực học, học vấn chân thật, thật sự có lợi ích, thật sự có thọ dụng. Đến khi nào được đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, lúc này thì mới quảng học đa văn. Lục căn của bạn tiếp xúc với cảnh giới chính là quảng học. Vừa tiếp xúc liền thông đạt, không có gì không thông đạt.

         Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa còn tại thế, giảng kinh thuyết pháp 49 năm. Người đời sau kết tập thành kinh điển, lưu truyền đến Trung Quốc chỉ là phần nhỏ. Vào lúc đó giao thông bất tiện, cho nên tuyển chọn rất kỹ lưỡng, chọn những kinh điển hay này mang đến Trung Quốc, cái kém hơn, cái kém hơn nữa thì không cách gì, mang không nổi, chỉ có bỏ đi. Chúng ta ngày nay xem thấy Đại tạng kinh số lượng có nhiều như vậy là được chọn lọc kỹ lưỡng. Nếu như đem tất cả những điều mà Thế Tôn năm xưa đã nói suốt 49 năm kết tập toàn bộ thành kinh tạng, chúng tôi tính toán khiêm tốn nhất cũng phải nhiều gấp mười lần so với Đại tạng kinh hiện nay của chúng ta, đây là tính toán khiêm tốn nhất. Số lượng lớn như vậy mà Bồ-tát Long Thọ chỉ trong ba tháng liền học xong, đó gọi là quảng học đa văn. Sức lực cả đời chúng ta, thời gian 100 năm cũng học không xong, người ta chỉ ba tháng là học xong. Nguyên nhân là gì vậy? Họ có gốc rễ. Chân thật là “nghe một biết mười, một nghe ngàn ngộ”, cho nên chỉ ba tháng là tốt nghiệp rồi. Bồ-tát Long Thọ chỉ trong ba tháng có thể học xong toàn bộ Đại tạng kinh, chúng ta ba tháng cũng có thể học xong toàn bộ Đại tạng kinh, đây là nói thật với quý vị, một chút cũng không giả. Phải làm sao vậy? Nhập cảnh giới Phật, thế thì mọi thứ của Phật chẳng phải bạn đã thông hiểu toàn bộ rồi sao? Quan trọng là nhập cảnh giới Phật. Tâm của bạn giống như tâm của Phật, nguyện của bạn giống như nguyện của Phật, hạnh của bạn giống như hạnh của Phật, ngôn ngữ của bạn không khác gì so với ngôn ngữ của Phật. Một thông tất cả đều thông, pháp thế gian hay xuất thế gian không có gì không thông. Phương pháp này tuyệt diệu!

         Chư Phật Bồ-tát đem phương pháp, kinh nghiệm tích lũy từ ngàn vạn ức kiếp này truyền trao cho chúng ta, chúng ta vẫn cứ đi theo vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình, không thể tiếp nhận, không thể tin tưởng thì cái trách nhiệm này phải tự mình gánh, tuyệt đối không phải Phật Bồ-tát không từ bi, không phải thiện tri thức keo pháp. Thiện tri thức chân thật, người giác ngộ chân thật thì đối với tất cả chúng sanh bình đẳng, gọi là “bưng ra cả mâm”, tôi có bao nhiêu thảy đều bưng ra cho bạn, bạn không thể tiếp nhận, vậy thì không còn cách gì. Cho nên tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc là: “Do giới được định, do định khai tuệ.” Nếu bạn không tuân thủ pháp tắc, tuân thủ pháp tắc chính là trì giới, bạn không tuân thủ nguyên tắc này, bạn không tu chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, cái này thảy đều thuộc về định tuệ, vậy bạn làm sao khai ngộ được, bạn làm sao có thể tăng trưởng trí tuệ? Trí tuệ tăng trưởng, biện tài liền thành tựu. Biện tài tuyệt đối không phải tự lợi, mà là lợi tha. Tự lợi chính là quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, là hai câu này. Quảng học đa văn nhất định phải từ giới định tuệ. Rời xa giới định tuệ thì đó không phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp giác ngộ, không phải Phật pháp thì đó chính là pháp mê hoặc điên đảo, chứ không phải pháp giác ngộ. Đạo lý này phải hiểu.

         Cho nên tôi thường hay khích lệ đồng tu, đồng tu học Phật tại gia, nếu như bạn thập thiện, ngũ giới không làm được thì bạn không phải là đệ tử Phật chân thật, bạn là giả. Đệ tử Phật xuất gia, nếu như ngay cả “Sa-di Luật Nghi”, 10 giới, 24 oai nghi không làm được thì bạn không phải là người xuất gia chân thật. Không phải người xuất gia chân thật thì bạn liền phá hoại hình tượng Phật giáo. Đệ tử Phật tại gia cũng giống như vậy, bạn thập thiện, ngũ giới mà không làm được thì bạn không phải là đệ tử Phật tại gia, bạn phá hoại hình tượng của đệ tử Phật tại gia. Trước đây tôi ở Đài Trung, thầy Lý thường nói, tôi đã sống ở nơi đó 10 năm, chí ít cũng nghe thầy nói một hai trăm lần, ấn tượng rất sâu. Lão nhân gia ngài nói lời chân thật, không nói lời khách sáo. Thầy nói người học Phật niệm Phật thật sự tương lai có thể vãng sanh, trong một vạn người chỉ có hai, ba người. Đại đức thời xưa nói pháp môn này là “vạn tu vạn người đi”, tại sao một vạn người mà vãng sanh chỉ có hai, ba người vậy? Hai, ba người đó là tín nguyện hạnh thảy đều đầy đủ. Tâm là tâm Phật, nguyện là nguyện Phật, hạnh là hạnh Phật, họ được vãng sanh. Hơn 9990 người còn lại đó, tâm không phải tâm Phật, vẫn là tập khí phiền não. Nguyện không phải nguyện của Phật, vẫn cứ làm chuyện tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn. Hạnh không phải hạnh của Phật. Cho nên hằng ngày niệm Phật, quả thật là như cổ đức đã nói: “Hét bể cổ họng cũng uổng công.”

         Chúng ta hôm nay hiểu rõ hiện tượng trước mắt của cái xã hội này thì phải yêu cầu chính mình, không yêu cầu người khác. Yêu cầu ở người khác là chắn chắn sai lầm. Nhất định phải quay trở lại yêu cầu chính mình, thành tựu bản thân. Bản thân đã thành tựu rồi thì tất cả chúng sanh đều thành tựu. Bản thân được độ thì tất cả chúng sanh đương nhiên được độ. Cho nên Bồ-tát thành Phật, các ngài thấy tất cả chúng sanh khắp đại địa “đồng thành Phật đạo”. Câu nói này, bạn không nhập cảnh giới thì bạn rất khó lí giải, nhập cảnh giới bạn liền hiểu rõ ngay. Mạnh phu tử nói rất hay: “Phản cầu chư kỷ”, lời của các bậc thánh hiền nói không sai. Bất luận là thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên. Lục căn chúng ta tiếp xúc thì quay trở lại phản tỉnh chính mình. Thiện pháp thì phải nỗ lực học tập, gìn giữ; ác pháp thì phải đoạn tuyệt, phải sửa đổi. Thành tựu đức hạnh của mình, giới luật là đức hạnh, thành tựu định công của mình, thành tựu trí tuệ của mình, rồi sau đó rất tự nhiên liền có thể giáo hóa tất cả chúng sanh.

         Câu cuối cùng [của đoạn này], “giáo hóa nhất thiết, tất dĩ đại lạc”. Chữ “nhất thiết” này, thông thường chúng ta đều là nói về chúng sanh trong chín pháp giới, không chỉ là nói riêng cõi người, mà chín pháp giới cũng bao gồm ở trong đó, chỉ cần bạn có trí tuệ, bạn có biện tài. Phật Bồ-tát lấy việc độ hóa tất cả chúng sanh làm sự nghiệp. Giáo hóa thì trước tiên phải thành tựu bản thân. Thích-ca Mâu-ni Phật đã làm ra tấm gương cho chúng ta. Bản thân ngài tu hành, thành đạo, chứng quả, sau đó mới ra dạy học. Chúng tôi thường nói trước tiên tự mình làm được, rồi sau đó mới dạy người khác, đây là thánh nhân. Ngài đã làm được, ngài đã thành tựu. Học trò của Phật cũng không ngoại lệ. Nếu như không có chứng được quả vị của Bồ-tát chân thật, Bồ-tát có hai loại, một loại là quyền giáo Bồ-tát, một loại là thật giáo Bồ-tát, chính là chân thật. Thật giáo Bồ-tát là phá một phẩm vô minh thấy một phần chân tánh. Lúc này có thể rời khỏi thầy đi giáo hóa một phương. Nếu như vẫn chưa minh tâm kiến tánh thì họ chỉ có thể ở bên cạnh thầy, tiếp nhận lời giáo huấn của thầy, cũng tức là giống như học trò ở trường vậy, họ chưa tốt nghiệp. Trong Phật pháp, Bồ-tát tốt nghiệp rồi là minh tâm kiến tánh. Chưa minh tâm kiến tánh thì họ chưa tốt nghiệp, thế thì chỉ có đi theo thầy thì bạn mới không đi sai đường. Nếu như không đi theo thầy, cũng muốn học Bồ-tát đi giáo hóa chúng sanh, đó là con đường vô cùng nguy hiểm. Tại sao vậy? Bạn tự mình tạo nghiệp thọ báo, vậy thì không còn gì để nói, bạn tự làm tự chịu! Nếu như bạn đem người khác cũng hướng dẫn đi vào con đường sai lầm, tạo tác tội nghiệp, tội lỗi này không thể nói hết. Trong Phật pháp thường nói: lấy mù dẫn mù, dắt nhau vào hầm lửa. Bản thân bạn không có đạo nhãn, chưa giác ngộ, bạn lại hướng dẫn một loạt chúng sanh cùng đọa lạc theo bạn, cái quả báo này nghiêm trọng. Bản thân đọa lạc, quả báo không nghiêm trọng. Bạn dẫn người khác đi sai đường, cái quả báo này nghiêm trọng không gì bằng.

         Cổ đức thường nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”, tăng đạo đó bao gồm cả đệ tử Phật tại gia. Bạn không dẫn dắt người khác thì bạn không có cái lỗi này. Bạn dẫn dắt người ta thì bạn phải gánh vác cái trách nhiệm nhân quả này. Cho nên nhất định phải chính mình thành tựu rồi mới có thể ra dạy học. Tôi năm xưa ở Đài Trung, thầy Lý có hạn định chưa đủ 40 tuổi thì không thể ra giáo hóa chúng sanh. Đây là nói điều gì vậy? Trong mắt của thầy thì sự học tập của bạn đã có một chút thành tựu rồi. Hiện nay tiêu chuẩn thành tựu đã hạ thấp, không giống trước đây. Trước đây là minh tâm kiến tánh, tiêu chuẩn hiện nay là bạn có năng lực phân biệt đúng sai, tà chánh, chân vọng. Có năng lực phân biệt những thứ này thì bạn có thể rời khỏi thầy, bạn không đến nỗi đi sai đường. Không có năng lực phân biệt tà chánh, không có năng lực phân biệt đúng sai, chân vọng, thì bạn nhất định không được rời khỏi thầy, rời khỏi thầy chắc chắn đọa lạc. Đạo lý này chúng ta không thể không biết. “Đại lạc” chính là phá mê khai ngộ, lìa phiền não, lìa sanh tử, lìa luân hồi. Nói cụ thể ra là chân thật được sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, đây là “đại lạc” chân thật. “Tất” là bình đẳng, ở trong đây chắc chắn không có làm việc theo cảm tình, đối đãi với tất cả chúng sanh dùng tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh, giúp đỡ chúng sanh lìa khổ được vui.

 

 

 Xem thêm:

Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh (tập 1)

Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh (tập 2)

Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh (tập 3)

Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh (tập 5)

Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh (tập 6)

Tin liên quan