Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 9)

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 9

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 16/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng, Thâm Quyến, Trung Quốc

 

           Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem tiếp đoạn văn bên dưới:

           Lại nghĩ, phàm là những loài có khí huyết thì đều có tánh linh, mà đã có tánh linh thì đều cùng một thể với ta. Nay ta chưa thể tu tới mức đạo đức cao thượng, khiến chúng tôn kính ta, gần gũi ta, vậy thì làm sao có thể hằng ngày sát hại chúng, khiến chúng mãi mãi oán hận, căm thù ta? Vừa nghĩ như vậy thì ắt sẽ sanh lòng thương xót những loài vật đó, chẳng thể nuốt trôi qua cổ.

 

           Đoạn này nói rất hay! Chúng ta phải thường nghĩ đến, tất cả những động vật có máu huyết, có hơi thở. “Phàm những loài có khí huyết”, đều là nói về động vật, động vật đều có linh tri, đều có tri giác. “Mà đã có tánh linh thì đều cùng một thể với ta”, chúng ta biết vật chất có giới hạn, còn linh tri thì không có giới hạn, không có giới hạn thì mới biết nó là một thể. Cho nên đức Phật nói, hư không pháp giới là hiện tướng của tâm chúng ta, là một thể với tâm chúng ta. Cũng chính là hình dáng mà tâm hiển hiện ra, là hư không pháp giới. Những hình dáng mà vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta biến hiện ra chính là chúng sanh, cõi nước, bao gồm cả hiện tượng tự nhiên như người hiện nay nói. Phàm phu tâm ý thô thiển, rất khó cảm nhận được hư không pháp giới với mình là một thể. Vì nó vốn là một thể, cho nên hết thảy chúng sanh, giữa người với người đều có cảm ứng. Mức độ nhanh nhạy của cảm ứng tương ưng với tâm thanh tịnh hay ô nhiễm của chúng sanh, có thể nói là một tỷ lệ thuận. Tâm càng thanh tịnh thì mức độ nhanh nhạy của cảm ứng càng mạnh. Cho nên, trong cảnh giới của chư Phật và đại Bồ-tát thì tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới đều khởi tác dụng cảm ứng đạo giao với các ngài. Giống như máy thu sóng của các ngài rất nhanh nhạy, dao động sóng cực kỳ vi tế các ngài đều có thể nhận được. Còn năng lực thu sóng của hàng phàm phu chúng ta rất kém. Thực tế năng lực thu của chúng ta vốn dĩ giống như các ngài, hiện nay tại sao lại thua kém nhiều đến như vậy? Máy thu sóng của các ngài được giữ gìn rất hoàn chỉnh, giống như mới vậy. Máy thu sóng của chúng ta không biết bảo quản, bị ô nhiễm, rất nhiều bụi bẩn, vô cùng dơ bẩn, lộn xộn, cho nên năng lực thu sóng kém. Chỉ có sóng mạnh thì chúng ta mới có thể cảm nhận được, sóng vi tế thì hoàn toàn không nhận được. Tương tự giống như ví dụ này, nếu chúng ta thật sự có công phu tu dưỡng. Công phu tu dưỡng chính là rửa sạch cấu uế trong tâm chúng ta, khôi phục được bản năng của chúng ta, vậy thì năng lực tiếp thu của chúng ta không khác gì với chư Phật Như Lai. Hư không pháp giới, quá khứ, vị lai, tất cả mọi hiện tượng cực kỳ vi tế, chúng ta đều rõ ràng sáng tỏ.

           Công cụ tiếp thu này không cần máy móc, không cần thân xác này. Chư vị phải biết rằng, năng lực tiếp thu không phải thân xác thịt, mà là linh tri. Linh tri có tướng không? Người thông thường chúng ta nói linh tri không có tướng, trong kinh đức Phật cũng nói như thế. Cách nói này là nói với phàm phu, phàm phu có thể lý giải được. Tức là nói theo trình độ của họ, thường thức của họ không phải chư Phật Bồ-tát tự nói. Còn đối với chư Phật Bồ-tát thì linh tri có tướng. Sắc này chính là sắc tướng, sắc tướng này gọi là vô biểu sắc. Hay nói cách khác, mắt, tai, mũi, lưỡi của chúng ta, cho đến ý đều không cách gì cảm nhận được, cho nên gọi là vô sắc. Thật ra vô sắc vẫn có sắc, chúng ta không nhìn thấy sắc này, Phật Bồ-tát có thể thấy được. Lời này rất khó hiểu, chúng ta dùng một ví dụ để nói. Ví dụ con người đều nằm mộng, tôi hỏi bạn trong mộng có sắc tướng hay không? Chúng ta tỉ mỉ nghĩ thử xem, không thể nói không có sắc tướng. Vì sao vậy? Vì sau khi tôi tỉnh mộng, nhớ lại cảnh giới trong mộng này rất rõ ràng. Tôi mộng thấy những người nào, mộng thấy họ đang làm những gì, mộng thấy tình hình sinh hoạt trong cuộc sống, giống như thật vậy, làm sao không có sắc tướng cho được? Đã có sắc tướng, vậy khi bạn nằm mộng, người bên cạnh vì sao không nhìn thấy? Do đó, chúng ta có thể hiểu được vô sắc giới mà Phật nói, vô sắc giới giống như cảnh giới trong mộng, cảnh giới trong định vậy. Bản thân rất rõ ràng tường tận, nhưng người ngoài không cảm nhận được. Người khác ở cùng với chúng ta, bất luận họ thức hay cùng ngủ với chúng ta, họ không có cách nào đi vào trong giấc mộng của ta, họ không thấy được cảnh giới trong mộng của ta, đạo lý chính là như vậy. Nhưng nếu người có công phu, cũng tức là nói người tâm địa thanh tịnh, thanh tịnh đến một mức độ nhất định, bạn nằm mộng, họ ở bên cạnh có thể thấy được. Trong truyện ký hay tiểu thuyết chúng ta xem thấy có, những lời này là thật không phải giả.

           Mọi người đọc sách, có thể đều đã đọc tiểu thuyết truyền kỳ Hoàng Lương Mộng. Lão đạo sĩ này là một người tu hành, có định công, lúc ông nhắm mắt tĩnh tọa ở chỗ đó, vị tú tài ở bên cạnh đang ngủ say nằm mộng. Sau khi tỉnh mộng, lão đạo sĩ này nói với anh, trong mộng anh đã làm gì ông hoàn toàn biết rõ, làm sao biết được? Ông nhìn thấy. Cảnh giới trong mộng đó là tâm biến hiện ra, ông nhìn thấy. Từ những chỗ này chúng ta có thể thể hội được, sắc có sắc thô, có sắc hiển, rất rõ ràng, có sắc cực kỳ vi tế. Phàm phu chúng ta không cách gì thấy được, không cách gì thể hội được. Như vậy chúng ta mới có thể tin được thiền định thâm sâu của Phật, Bồ-tát. Tâm thanh tịnh của họ, mức độ thuần khiết thanh tịnh đó chúng ta không thể tưởng tượng được. Trong cảnh giới đó của các ngài, ý niệm cực kỳ vi tế, hiện tượng cực kỳ vi tế của tất cả chúng sanh, các ngài vừa nhìn liền sáng tỏ ngay, rất rõ ràng tường tận. Cho nên, biết linh tri và ta là một thể, linh tri đã là một thể, sắc tướng cũng là một thể.

           “Nay ta chưa thể tu tới mức đạo đức cao thượng”, bản thân chúng ta không thể khiến trình độ đạo đức của mình tu đến cứu cánh viên mãn, vì sao vậy? Vì khi đạo đức thật sự đạt đến trình độ này thì những động vật nhỏ ấy đều tôn kính bạn, đều yêu thương bạn. “Gần gũi ta” chính là yêu thương, tuyệt đối không đến quấy nhiễu ta, chúng ta phải có đức hạnh để cảm hóa chúng. Sau khi đại sư Ấn Quang 70 tuổi, những loài động vật nhỏ trong phòng đều không còn nữa, muỗi, kiến, gián, côn trùng không tìm thấy con nào. Năm 70 tuổi, đạo đức tu dưỡng [của ngài] đạt đến trình độ này, nên những loài động vật này đều rất kính ngưỡng đại sư. Chúng đều đến bảo hộ ngài, vậy làm sao có thể quấy nhiễu ngài cho được? Chúng ta thấy được, chúng ta nghe được rồi thì bản thân cũng phải nỗ lực tu đức. Hiện nay, bản thân chúng ta tu vẫn chưa đủ tốt, vì sao vậy? Vì trong môi trường sống của chúng ta vẫn còn những động vật nhỏ này. Nhưng bản thân cũng có thể nghiệm, cũng có thể chứng minh những gì người xưa nói là sự thật. Vì chính mình đoạn ác tu thiện, tâm địa ngày càng lương thiện hơn, ngày càng thành khẩn hơn, ngày càng thanh tịnh hơn, ngày càng từ bi hơn. Chúng ta làm một cách rất nghiêm túc, rất nỗ lực. Nhìn từ đâu vậy? Nhìn từ các loại động vật nhỏ trong môi trường sống, chúng đến làm phiền chúng ta ít hơn, số lượng ít, số lần ít. Điều này đúng là một niềm an ủi đối với chúng ta, chứng tỏ thiện đức của mình đang tăng trưởng, nhưng vẫn chưa đủ, vì sao vậy? Vì chưa đoạn dứt. Nhưng chúng ta có niềm tin, hai đến ba năm sau đại khái môi trường sống của chúng ta có thể sẽ không còn những động vật nhỏ này nữa. Chúng ta tuyệt đối không được khởi ý niệm đuổi chúng đi, đương nhiên càng không có ý niệm giết hại chúng, chúng ta yêu thương động vật. Mỗi ngày chúng ta tụng kinh niệm Phật, tu tích công đức đều hồi hướng cho chúng, chúng ta xem chúng giống như anh chị em của mình vậy. Chúng ta quan tâm chúng, chúng cũng sẽ quan tâm chúng ta, đều có cảm ứng rất rõ ràng. Chúng ta tôn trọng chúng, chúng cũng tôn trọng chúng ta. Chúng ta kính yêu chúng, chúng cũng kính yêu chúng ta.

           Không chỉ là động vật, mà ngay đến thực vật như cây cỏ, hoa lá đều có cảm ứng. Chúng ta yêu thương chăm sóc chúng, chúng sinh trưởng rất tốt, hoa nở rất đẹp và thơm, chúng dùng cách hồi báo này để cúng dường chúng ta. Rau và hoa quả chúng ta trồng, khi cần chúng ta có thể hái dùng, đó là gì vậy? Đó là chúng cam tâm tình nguyện cúng dường. Chúng ta đối với chúng thật sự có tâm thương yêu. Hiện nay chúng ta phát hiện, người phương Tây thường nói, thực vật thích âm nhạc, đúng là như vậy. Cho nên, trong vườn rau chúng tôi mở âm nhạc, âm nhạc là để cúng dường cho những thực vật này. Bây giờ chúng tôi chuyển từ mở nhạc sang mở Phật hiệu, mở băng giảng kinh, chúng cũng biết nghe. Trên núi Toowoomba, chúng tôi tự trồng mướp, đại khái trồng cũng không ít, pháp sư Ngộ Khiêm chăm sóc chúng. Có một tối, mướp báo mộng cho sư nói: “Mướp đã to, đã già lắm rồi mà sao thầy còn chưa đến hái”. Đến ngày hôm sau thầy đi tìm, quả nhiên tìm thấy một trái mướp rất lớn, thật sự nó đã quá già rồi. Sau khi hái xuống, chỉ còn cách để lại làm giống. Mướp cũng có thể báo mộng cho Ngộ Khiêm, kêu thầy ấy đi hái bởi nó đã quá già rồi. Thực vật đều có linh tánh, huống hồ động vật?

           Cho nên, chúng ta nhất định phải hiểu, nhất định phải sống trong thế giới thương yêu, phải sống trong thế giới biết ơn, phải sống trong thế giới hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, vậy thì cuộc sống này tốt đẹp biết bao! Chân – thiện – mỹ – tuệ không phải là khẩu hiệu, chúng ta có thể thực hiện được, chúng ta có thể khế nhập vào cảnh giới này, vui sướng như thế tại sao lại không làm? Vì sao hằng ngày cứ phải sát hại sinh mạng để nuôi dưỡng chính mình? Những động vật này không phải chúng cam tâm tình nguyện để cho bạn ăn. Bạn sát hại chúng, chúng hận bạn, bạn kết oán thù với chúng, mối oán thù này đời đời kiếp kiếp không bao giờ dứt. Trong kinh, đức Phật thường nhắc nhở chúng ta, ăn nó nửa cân thì đời sau phải trả nó tám lạng, người chết làm dê, dê chết làm người, đời đời kiếp kiếp đòi trả lẫn nhau, điều này đáng sợ biết bao! Đây là ngu si đến tột cùng. Cho nên một người tu hành, trên đường bồ đề có rất nhiều chướng ngại. Chướng ngại từ đâu mà có? Đều là từ vô lượng kiếp đến nay, và ngay trong đời này đã kết rất nhiều oán thù, oán hận với những loài hữu tình và vô tình, tạo thành rất nhiều chướng ngại. Ngày nay chúng ta may mắn, đọc được sách thánh hiền, nghe được giáo huấn của thánh hiền. May mắn vẫn còn một chút thiện căn phước đức, sau khi nghe xong, đọc xong, tin sâu không nghi, y giáo phụng hành, thật thà nghiêm túc nỗ lực thực hành, mới chứng minh được lời giáo huấn của người xưa là chân thật bất hư. Đức Phật dạy chúng ta tín – giả – hành – chứng, sau cùng nhất định phải chứng thật, có vậy thì chân tướng sự thật mới được sáng tỏ. Cho nên, chúng ta có thể thường nghĩ đến điều này, đặc biệt là lúc ăn uống, bạn thường nghĩ đến thì sẽ không nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh nữa, đây là đạo lý nhất định. Tiếp theo Liễu Phàm tiên sinh lại nói:

 

           Ví dụ trước đây hay nổi nóng, thì nên nghĩ rằng: Ai cũng có khuyết điểm, xét về tình thì ta nên thương xót họ mới đúng. Nếu họ vô lý mạo phạm ta là lỗi của họ, liên quan gì đến ta? Cho nên, không có gì đáng để nổi giận hết.

           Điều này phải thật sự thông suốt tường tận, vì sao bạn hay nổi giận? Đương nhiên khi thấy người khác làm việc sai, đắc tội với mình thì mình mới nổi giận. Vì sao họ làm việc sai? Vì sao đắc tội với ta? Phải thường suy nghĩ vấn đề này, người này hủy báng ta, sỉ nhục ta, tổn hại ta, ta nên suy nghĩ xem vì sao họ có những hành vi này? Vì họ không hiểu ta, hiểu lầm ta, giữa chúng ta không có sự câu thông trao đổi tốt đẹp cho nên mới xảy ra vấn đề như vậy. Điều này không thể trách họ, chính mình cũng có chỗ không phải. Cho dù mình không có lỗi, lỗi đều do họ, vậy có liên quan gì đến ta? Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật nói rất hay, đặc biệt là chúng ta sống trong xã hội hiện nay, thấy rất nhiều người làm việc sai quấy, khiến bản thân chúng ta đôi khi cảm thấy không chịu đựng được. Trong kinh đức Phật dạy chúng ta, vì sao những người này có hành vi như thế? “Người đời trước không thiện, không biết đạo đức, không ai chỉ bảo, không thể trách họ”, đức Phật nói lời này ôn hòa biết bao! Cha mẹ, trưởng bối của những người này không hiểu nhân nghĩa đạo đức, không dạy dỗ họ tốt. Bởi vậy, họ mới phạm lỗi lầm, mới làm những việc trái với kỷ cương pháp luật. Chúng ta nhìn thấy, nghe thấy cần phải tha thứ cho họ, đừng trách cứ họ. Tâm như thế ôn hòa biết bao, tâm lượng này vĩ đại biết bao! Chúng ta cần phải học tập, không được trách cứ họ. Cho dù đã dạy nhưng họ vẫn phạm lỗi, chúng ta cũng phải quay lại tự kiểm điểm. Ta dạy vẫn chưa tốt, ta dạy vẫn chưa viên mãn, ta dạy họ vì sao họ vẫn chưa làm được? Đừng đem hết lỗi lầm đẩy cho người khác, cần phải quay lại nghiêm túc kiểm điểm lại chính mình.

           Như hiện nay, có rất nhiều bậc làm cha mẹ gặp tôi đều nói: “Pháp sư à, bây giờ con cái không nghe lời!” Rất nhiều thầy cô giáo đến nói với tôi: “Thưa pháp sư, học sinh bây giờ không chịu nghe lời dạy bảo”. Tôi bảo rằng: “Con cái và học trò của các bạn không có lỗi, do bạn chưa dạy tốt mà, làm sao có thể trách chúng được?” Không sai, hoàn cảnh xã hội hiện nay vô cùng xấu ác, tà tri tà kiến dẫn đến tà hạnh tràn ngập khắp thế gian, làm gì có chuyện lớp trẻ không bị ô nhiễm cho được? Đây là nhân tố bên ngoài khiến lớp trẻ hiện nay khó dạy, nhưng nhân tố bên ngoài này chúng ta làm sao dùng tâm chân thành ở bên trong để khắc phục nó. Người xưa nói không sai: “Chân thành đến cực điểm thì vàng đá cũng cảm động”. Chúng ta suy xét tỉ mỉ sẽ thấy, ngay đến những động vật nhỏ như muỗi, gián đều có thể cảm động, cây cỏ hoa lá cũng có thể cảm động, chẳng lẽ con người không thể cảm động hay sao? Không thể cảm động là tâm chân thành của chúng ta chưa đến cực điểm. Nếu chúng ta có thể tự kiểm điểm như vậy thì rất tốt, nhất định có thể nâng cao đức hạnh của mình. Chỉ có nâng cao đạo đức của mình thì mới có thể cảm hóa lớp trẻ thời nay. Chúng ta không có đạo đức thanh cao, mà cứ một mực trách cứ họ, trừng phạt họ, đây không phải là phương pháp. Trong các phương pháp giáo dục, trừng phạt không phải là phương pháp tốt nhất, cách tốt nhất là cảm hóa. Đó là chính mình phải dùng lòng yêu thương chân thành, lòng yêu thương thanh tịnh, bình đẳng để cảm hóa tất cả chúng sanh. Phật Bồ-tát đều có thể cảm hóa súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, đều có thể dẫn dắt họ quay đầu là bờ, huống gì chúng sanh hữu tình trên thế gian! Chúng ta phải nghĩ, phải trách công phu và đức hạnh của mình chưa đủ, tuyệt đối không được trách người khác không tiếp nhận cảm hóa. Như vậy mới có thể thành tựu chính mình, thành tựu người khác. Trong kinh đức Phật nói: “Chưa độ được mình mà đi độ người là điều không thể”, câu nói này rất hay. Cho nên, nếu bạn muốn hóa độ người khác thì nhất định phải thành tựu đức năng của chính mình. Chỉ có đức năng của chính mình mới có thể cảm hóa người khác, mới có thể hóa độ chúng sanh. Trong kinh điển, đức Phật nói viên mãn như thế, rốt ráo như thế, người đọc tụng kinh điển như chúng ta không được lơ là. Chúng ta không thể thành tựu, đúng như lời tiên sinh Liễu Phàm nói ở đây, “qua loa đại khái”, “tâm ý thô thiển”. Tiến thêm bước nữa ông dạy chúng ta:

 

           Lại nghĩ rằng, trong thiên hạ chẳng ai dám tự cho mình là bậc hào kiệt, cũng không có học vấn nào dạy ta oán trách người khác. Sự việc không thành đều là do đức hạnh của ta chưa tu dưỡng tốt, nên không cảm động được người khác.

           Đây đều là những lời tôi vừa nói. Thiên hạ không có ai tự cho mình là hào kiệt, phàm những ai tự cho mình là đúng, bảo thủ cố chấp, thì người này tuyệt đối không phải anh hùng hào kiệt. Khen họ là anh hùng hào kiệt, đó chỉ là khen ngợi mà thôi, hữu danh vô thực. Anh hùng hào kiệt thật sự, tuyệt đối không tự cho mình là đúng. Chúng ta gọi Phật là đại anh hùng, bạn xem trong chùa, nơi đại điện thờ Phật gọi là Đại Hùng Bảo Điện, chúng ta gọi ngài là đại anh hùng. Phật có tự cho mình là đúng hay không? Không có. Ngài giảng kinh thuyết pháp cho chúng sanh, nhưng ngài nói bản thân ngài không hề nói một lời nào. Không nói một lời nào mà nói suốt 49 năm, đây là nguyên nhân gì vậy? Những gì ngài nói đều không phải của ngài, là của ai vậy? Của cổ Phật nói. Khổng Lão phu tử cả đời dạy học, cũng nói đó đều không phải ý của ngài. Suốt đời ngài chỉ là “thuật lại chứ không sáng tác”, những gì ngài nói đều là giáo huấn của cổ thánh tiên vương. Bạn xem, các ngài đều khiêm tốn như vậy! Tuyệt đối không tự cho mình là đúng, tuyệt đối không thêm ý của mình vào trong đó, đây mới thật sự là anh hùng hào kiệt.

           “Cũng không có học vấn nào dạy ta oán trách người khác”, “vưu” nghĩa là oán hận. Học vấn của các bậc thánh hiền tuyệt đối không khởi phát tâm tự tư tự lợi của con người, tuyệt đối không khởi phát tâm tham sân si mạn của con người, tuyệt đối không dạy bạn hại người khác để lợi bản thân, học vấn của thánh hiền không có những điều này. Một cái nói từ “con người”, một cái nói từ “học vấn”. Chúng ta quay lại phản tỉnh chính mình, sự việc không thành đều là do đức hạnh của ta chưa tu dưỡng tốt”. Cho nên, chúng ta phải quay lại phản tỉnh chính mình, đích thực bản thân chúng ta chưa tu dưỡng đạo đức, chúng ta không đủ tâm chân thành, cho nên chúng ta không cảm hóa được.

 

           Ta phải quay lại phản tỉnh chính mình.

           Chúng ta phải nghiêm túc kiểm điểm lại những điều này. Cho nên muốn giúp xã hội, giúp người khác, giúp xã hội an định hòa bình, giúp tất cả chúng sanh hạnh phúc mỹ mãn. Bắt đầu làm từ đâu? Bắt đầu làm từ việc tu dưỡng đức hạnh của chính mình. Bản thân bạn không có đức học thật sự thì làm sao có thể cảm hóa chúng sanh? Bản thân vẫn còn một chút ý niệm tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng chưa buông bỏ, thì làm sao có thể cảm động chúng sanh? Làm sao có thể hành Bồ-tát đạo? Những lời này, mỗi câu đều là chân thật, lời nói chân thật. Cho nên, chúng ta muốn giúp thế gian này giảm nhẹ tai nạn, hiện nay mọi người đều biết thế gian có không ít người tin tưởng những lời dự ngôn cổ xưa. Tôi nghe rất nhiều đồng tu từ châu Âu trở về nói, người châu Âu đều rất tôn kính, tin tưởng nhà tiên tri Nostradamus ở thế kỷ thứ 16. Họ đều xem nhà tiên tri này như thánh nhân. Ông dự đoán rằng thế kỷ này của chúng ta có tai nạn lớn. Trong kinh Thánh của đạo Kitô gọi là ngày tận thế, trong kinh Cô-ran của đạo Hồi cũng nói là ngày tận thế, đại khái đều ở trong giai đoạn này. Chúng ta xem những cuốn sách này, nghe những lời này cũng lo âu bất an! Chúng ta làm sao có thể may mắn vượt qua thảm họa này, làm sao có thể giúp người thế gian vượt qua cửa ải khó khăn này, có khả năng này hay không? Hôm nay, chúng ta đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, biết rằng đáp án là khẳng định, có thể. Bản thân chúng ta tu dưỡng đạo đức thì chúng ta sẽ vượt qua. Nhà Phật nói: “Trong cộng nghiệp có biệt nghiệp”, bản thân chúng ta có thể vượt qua. Bản thân chúng ta có năng lực vượt qua thì phải biết giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này. Giúp họ như thế nào? Nhất định phải lấy đức hạnh, phải lấy học vấn để cảm hóa họ, giúp họ giác ngộ, giúp họ hiểu rõ, giúp họ sám hối, họ cũng có thể đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, vậy thì có thể hóa giải tai nạn này. Mặc dù không thể hóa giải hoàn toàn nhưng cũng có thể giảm nhẹ mức độ thiên tai, rút ngắn thời gian của thiên tai. Hiệu quả này là công đức rất lớn, chúng ta cần phải siêng năng nỗ lực thực hành. Làm sao tu dưỡng đức hạnh của mình, trong sách này đưa ra rất nhiều ví dụ. Chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội, suy nghĩ kỹ càng. Ở dưới ông lại đưa ra một ví dụ:

 

           Khi gặp phải sự hủy báng, đều xem như cơ hội để mài dũa ta thành ngọc quý, nên ta phải hoan hỷ đón nhận, làm sao có thể sân giận ?

           Điều này mỗi người chúng ta từng giây từng phút đều gặp phải, chúng ta có thể làm được hay không? Người khác ác ý hủy báng ta, sau khi nghe xong ta có thể không sanh khởi một chút tâm oán hận nào hay không? Đây là công phu.

           Có người ở bên ngoài đặt điều sinh sự hủy báng tôi, có đồng tu đến nói với tôi, người đó nói xấu thầy, hủy báng thầy. Họ vừa mở lời, tôi liền ngăn họ lại đừng nói thêm nữa, họ cảm thấy rất ngạc nhiên! Họ hỏi, vì sao vậy? Tôi nói với họ, tôi hy vọng trong tâm tôi luôn giữ được ấn tượng tốt nhất đối với người đó. Tôi không mong muốn đem điều bất thiện và những ngôn hạnh của họ để vào trong tâm mình, tôi không muốn như vậy, tôi vĩnh viễn nhớ điểm tốt của người khác, nhớ điều thiện của người khác. Mắt tôi nhìn thiên hạ đều là người thiện, đều là người tốt. Tuyệt đối không để điều bất thiện của người khác vào trong tâm mình, biến tâm mình thành bất thiện, tổn thất này quá lớn. Người nói xấu tôi, người phá hoại tôi, trước đây đối với tôi rất tốt, tôi luôn cảm ân đội đức đối với họ. Về sau, có nhiều chuyện không tốt xảy ra, đó là có nguyên nhân khác, trong nguyên nhân này đa phần đều là hiểu lầm. Vì sao trước đây họ tốt với tôi, bây giờ lại không tốt với tôi nữa? Vì trước đây tôi có lợi ích với họ, bây giờ dường như tôi không có lợi ích với họ nữa. Do lợi và hại nên khiến tâm lý, thái độ, ngôn hành đều thay đổi, sự thay đổi này tôi biết rõ. Trước đây tôi tốt với họ, bây giờ đối với họ càng tốt hơn, là do họ không hiểu mà thôi. Vì sao vậy? Vì trong tâm họ chỉ có lợi hại của danh văn lợi dưỡng. Hôm nay tôi đã tiến thêm một bước, bây giờ tôi hoàn toàn nói về đức hạnh. Tôi nâng cao mặt đạo đức và buông bỏ mặt danh lợi. Tôi đối tốt với họ nhưng họ không hiểu nên sinh ra hiểu lầm, tôi cần phải tha thứ cho họ. Nói tha thứ cho họ thì tâm lượng của tôi đã rất nhỏ rồi, đã sai rồi, [trong tâm phải] hoàn toàn không có việc đó. Những nơi khác việc này có thể có, còn trong tâm tôi vĩnh viễn chưa từng xảy ra. Như vậy thì chúng ta mới có thể trở về với tự nhiên, trở về với thiên tánh.

           Vì sao cư sĩ Hứa Triết sống đến 102 tuổi mà vẫn trẻ như vậy, vẫn khỏe mạnh như vậy, suốt đời không sanh bệnh, còn có thể phục vụ cho chúng sanh khổ nạn trong xã hội. Bà phục vụ những người già, thật ra những người già đó còn ít tuổi hơn bà rất nhiều. Người già bảy tám mươi tuổi, còn bà hơn 100 tuổi mà vẫn phục vụ cho họ, nguyên nhân là gì? Vì trong tâm bà không xen tạp chút ý niệm bất thiện nào, tuyệt đối không cho phép có chút bất thiện nào chạy vào trong tâm ta, ta cần phải phòng ngừa. Trong tâm ta chỉ tiếp nhận tâm thiện, hành thiện, đức thiện của hết thảy chúng sanh, đây mới là tu dưỡng đạo đức của chính mình. Cho nên, chúng tôi gặp người hủy báng, sỉ nhục, hãm hại mình, tôi cảm kích, vì sao vậy? Vì từ trong cảnh giới này, khảo nghiệm xem công phu của mình rốt cuộc đã đạt đến trình độ nào. Nếu như tâm tôi vẫn còn một niệm xấu ác, còn một niệm không vui, thì bản thân phải lập tức quay đầu sám hối, đức hạnh của mình chưa đủ, vì sao không vượt qua được thử thách. Cho nên chắc chắn là “phải hoan hỷ đón nhận, làm sao có thể sân giận?” Người ta đối với tôi không tốt, nhưng tôi vẫn dùng thái độ tốt đối với họ, dần dần truyền đến tai đối phương, đối phương sẽ cảm kích, sẽ quay đầu hướng thiện. Ta tự cứu mình, cũng cứu người khác. Nếu ta vừa nghe thấy người khác hủy báng liền nổi nóng, liền có tâm báo thù, thì oan oan tương báo biết bao giờ ngừng dứt, hại mình hại người. Đạo lý này không khó hiểu, lợi hại được mất trong việc này cũng không khó hiểu lắm. Nếu suy nghĩ, tư duy nhiều một chút thì chúng ta có thể cứu mình cứu người, tự độ độ tha, như vậy còn có gì vui hơn mà không làm?

           Cho nên, một người ở thế gian, hy vọng suốt đời đều có thể giữ được tâm chân thành, đều có thể luôn giữ được tâm yêu thương, yêu thương tất cả chúng sanh. Người yêu thương mình, mình yêu thương họ thì không khó. Người hận mình, mình yêu thương họ, đây mới gọi là công phu thật sự, đức hạnh thật sự, học vấn thật sự. Chúng sanh tạo tội thập ác ngũ nghịch, ta vẫn dùng tâm chân thành bình đẳng để yêu thương họ, vì ta biết họ có Phật tánh. Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, ta biết tánh của họ vốn thiện, chân tâm chân tánh của họ vốn là thiện. Ta tôn kính họ, yêu thương họ. Họ nhiễm phải những tập khí bất thiện, đó không phải là thật, điều đó có thể sửa đổi. Cho nên, chỉ cần một niệm hồi đầu thì họ chính là người thiện, sẽ khôi phục được bổn lai của họ. Những đạo lý và chân tướng sự thật này không thể không biết. Tiên sinh Liễu Phàm nói tiếp:

 

           Lại nữa, nếu ta nghe lời phỉ báng mà không nổi giận.

           Giống như không có việc gì xảy ra vậy.

 

           Dù lời phỉ báng có ngang ngược ngất trời thì cũng chỉ như châm lửa đốt hư không mà thôi, cuối cùng lửa sẽ tự tắt.

           Lúc tôi còn trẻ đã học được điều này, tôi hiểu rõ ràng tường tận. Hình như là năm ngoái, pháp sư Ngộ Đạo gửi cho tôi một số báo và tạp chí của Đài Loan, đồng thời viết cho tôi một lá thư. Đó đều là một số người xuất gia ở Đài Loan, chỉ thẳng tên tôi, hủy báng tôi, nhục mạ tôi. Nói tôi đề xướng bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ là tội rất lớn, hướng dẫn sai rất nhiều người niệm Phật, họ viết một bài văn rất dài. Pháp sư Ngộ Đạo muốn tìm một nhóm đồng học viết bài phản bác lại, tôi lập tức gọi điện nói với thầy ấy, mặc kệ họ chửi mắng, chúng ta một câu cũng đừng nói, vì sao vậy? Vì họ chửi mệt rồi thì sẽ không chửi nữa, không liên quan đến tôi! Họ viết bài thì cứ mặc cho họ viết, họ viết rồi cũng có lúc mệt, chúng ta không có chút phản ứng nào. Thầy Ngộ Đạo cũng nhẫn nhịn, rất tốt, nghe lời, chúng ta cứ mặc kệ họ, bây giờ chẳng phải không có chuyện gì nữa sao? Phải biết việc mắng người, thì hai người càng mắng càng hăng, nếu một người mắng còn một người không lên tiếng. Đến sau cùng mắng mệt rồi thì tự nhiên họ sẽ không mắng nữa, còn người kia ngồi đó rất thoải mái, ở đó làm gì? Ngồi nghe nhạc. Người nào cao, người nào thấp? Người bên ngoài nói, người đó có tu dưỡng, người kia kém phong độ, cứ để người khác phê bình, chúng ta cần gì phải nói? Huống gì mắng người rất mệt, nổi giận sẽ tổn thương thân thể rất nghiêm trọng. Cư sĩ Hứa Triết nói, một lần nổi giận ba ngày sau vẫn chưa hồi phục được, vậy tại sao bạn phải nổi giận? Họ mắng bạn, bạn cảm thấy rất khó chịu, vậy họ mắng người khác tại sao bạn không thấy khó chịu? Họ mắng tôi, Tịnh Không tôi, Tịnh Không là giả danh, rất nhiều người đều có thể tên là Tịnh Không, tôi hà tất phải nhận? Người ta mắng bạn, bạn liền tiếp nhận, vậy là bạn dại, bạn ngu si rồi! Nếu bạn nghe xong, giống như họ mắng người khác vậy, không liên quan gì đến mình, tâm bình khí hòa. Mối oán thù này liền được hóa giải, sự hiểu lầm đối với ta cũng được hóa giải, không cần để ý đến họ. Đánh nhau cũng như vậy, hai người càng đánh càng hăng. Nếu một người đánh còn người kia không đánh trả, người kia đánh mấy cái cảm thấy rất ngượng ngùng. Đánh tiếp mà người ta không đánh trả, còn không đánh nữa thì cũng cảm thấy xấu hổ. Phương pháp này rất có hiệu quả đối với người thích đánh nhau, tôi từng dùng rồi. Lúc trẻ tôi gặp một vài người bạn hay nổi giận, họ đánh tôi nhưng tôi không đánh trả. Họ đẩy tôi ngã, tôi liền nằm xuống đất không đứng lên. Người xung quanh nhìn thấy, họ ở đó rất xấu hổ, rất ngượng ngùng, muốn đánh cũng không đánh tiếp được, còn không đánh dường như cũng không biết làm sao để rút lui. Chiêu này của tôi rất cao minh, không cần tranh với người khác, nhất định duy trì tốt tình hữu nghị. Hy vọng thời gian của những sai trái, hiểu lầm này sẽ được rút ngắn lại, còn tình hữu nghị thì được vĩnh viễn dài lâu. Đây là đạo lý làm người, giúp chính mình, thành tựu người khác. Cho nên, tất cả những lời xằng bậy sẽ tự tan biến, không cần chúng ta biện minh. Càng biện luận càng rắc rối, không biện minh thì tự nhiên sẽ được hóa giải, cách này rất hay!

           Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây thôi.

 

 

 Xem thêm:

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 7)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 8)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 10)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 11)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 12)

Tin liên quan