Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 7)

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 7

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 16/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng, Thâm Quyến, Trung Quốc

 

           Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem Liễu Phàm Tứ Huấn, phần thứ hai: “Phương pháp sửa lỗi”, chúng ta bắt đầu xem từ đoạn thứ hai.

 

           Nhưng muốn sửa lỗi, thứ nhất là phải phát tâm hổ thẹn. Hãy nghĩ các vị thánh hiền thời xưa đều là đại trượng phu như ta, nhưng các ngài có thể làm bậc thầy của muôn đời, còn ta vì sao cả đời chỉ như gạch vụn vô dụng, mê đắm trần tình, lén lút làm những việc bất nghĩa, còn cho rằng không ai biết, ngạo mạn không chút hổ thẹn, ngày càng trầm luân vào đường cầm thú mà không hề hay biết. Trên thế gian không có việc gì đáng nhục nhã hổ thẹn bằng việc này. Mạnh Tử nói: Việc quan trọng nhất của một người là biết hổ thẹn. Biết hổ thẹn sửa lỗi thì sẽ trở thành thánh hiền, còn không biết hổ thẹn sửa lỗi thì chẳng khác gì cầm thú. Đây là chỗ then chốt của việc sửa lỗi.

           Nói đến sửa đổi lỗi lầm, tiên sinh Liễu Phàm đưa ra ba điểm. Thứ nhất chính là tâm hổ thẹn, gọi là biết hổ thẹn là gần với dũng vậy, dũng là mạnh dạn sửa lỗi làm mới. Cho nên, ở đây câu đầu tiên ông nói: “Nhưng muốn sửa lỗi”, phương pháp sửa lỗi, thứ nhất là “phải phát tâm hổ thẹn”. Người biết hổ thẹn thì họ tuyệt đối không khởi lên một vọng tâm, không động một ác niệm. Phải thường nghĩ đến các bậc đại thánh đại hiền thời xưa, chúng ta đều là người như vậy. Trong kinh điển đức Phật thường nói với chúng ta, chúng ta và chư Phật Như Lai vốn đều là phàm phu như nhau, nhưng vì sao các ngài có thể thành Phật, thành Bồ-tát, thành thánh, thành hiền, còn ta tại sao lại không thể chứ? Lấy tiêu chuẩn này để quan sát, thì tâm hổ thẹn của chúng ta liền sanh khởi. Bởi vậy các ngài đích thực làm bậc thầy của muôn đời. Khổng Phu tử truyền đến nay đã hơn 2.500 năm, đức Phật Thích-ca Mâu-ni truyền đến nay cũng gần 3.000 năm. Vì sao ở thế gian này [giáo huấn của các ngài có thể] không phân quốc gia, không phân chủng tộc, thậm chí không phân biệt tôn giáo. Lưu truyền đến ngày nay, trên thế gian vẫn còn rất nhiều người tôn kính các ngài, tiếp thu giáo huấn của các ngài, học tập theo các ngài? Đây gọi là đại trượng phu. Các ngài có thể làm được, vì sao ta lại không làm được? Nếu con người thường có tư duy này thì nhất định có thể nỗ lực vươn lên.

           Tiếp theo nói, đây là nói khuyết điểm của chính chúng ta: “Còn ta vì sao cả đời chỉ như gạch vụn vô dụng”, “ngõa liệt” là giống như gạch ngói vụn vậy, không đáng một xu! Bệnh của chúng ta là “mê đắm trần tình”, “đam” là vui sướng thái quá, “nhiễm” là ô nhiễm. Người thế gian đắm nhiễm trong thất tình ngũ dục, không biết dục vọng đó không phải là thật. Trong này có vui, không sai, thánh nhân cũng không phản đối, nhưng cái giá bạn phải trả quá lớn. Hay nói cách khác, cái được không bủ nổi cái mất. Cái giá quá lớn này, nếu không phải đức Phật nói với chúng ta rất tường tận trong kinh điển thì chúng ta có nghĩ thế nào cũng nghĩ không ra, cái giá chúng ta phải trả quá lớn, cái giá này chính là lục đạo sanh tử luân hồi. Nếu thật sự hiểu rõ ràng sáng tỏ rồi thì mới biết rất đáng sợ. Thế xuất thế gian không có gì đáng sợ hơn điều này. Từ đó thấy được, các bậc thánh hiền ở thế gian này cũng không lìa khỏi thất tình ngũ dục, nhưng họ rất xem nhẹ tình cảm và dục vọng. Hành vi của họ hợp lễ, hợp pháp, “lễ” là nhất định phải có tiết độ. Nói cách khác, hành vi không được quá đáng, cũng không được bất cập. Bất cập là không hợp lễ, quá đáng cũng không hợp lễ. Cho nên nói “lễ” là nói đến “tiết”, tiết là tiết độ. Trong giáo dục của cổ thánh tiên hiền, trong gia đình kết hôn sanh con, vợ chồng kính trọng nhau như khách. Họ đều có chừng mực, tuyệt đối không phóng túng, đắm nhiễm dục vọng, tuyệt đối không như vậy, không giống như xã hội hiện nay! cho nên gia đình họ hòa thuận, gia đình có trật tự. Đặt câu này ở trước có dụng ý rất sâu sắc, nói ra gốc bệnh của phàm phu chúng ta. Vì sao phàm phu không thể thành thánh, gốc bệnh là ở đây.

           Bây giờ chúng ta nói đến chỗ thô thiển nhất, con người thích hưởng thụ thất tình ngũ dục, nhưng con người càng quý trọng sinh mạng của mình hơn. Đến lúc phải xả bỏ, đại khái họ cũng có thể xả bỏ thất tình ngũ dục, nhưng không muốn xả bỏ thân mạng của mình; không những thế, còn hy vọng mình được trường thọ, đây đều là thường tình của con người. Nếu bạn muốn bản thân được trường thọ, vậy thì trong các phương diện cuộc sống bạn phải biết cách tiết chế. Lời người xưa nói không sai: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Bạn muốn tránh xa tai họa, thì ngôn ngữ nhất định phải cẩn trọng, thái độ nhất định phải cẩn thận. Nếu bạn muốn thân thể mạnh khỏe, thì bạn nhất định phải cẩn thận trong việc ăn uống sinh hoạt. Ngày nay rất nhiều người hy vọng mạnh khỏe trường thọ, nhưng họ không hiểu đạo lý này. Cho nên từ tuổi trung niên trở về sau, thân thể đã bị suy nhược, không hiểu đạo dưỡng sinh!

           Tôi tiếp xúc Phật pháp, lúc đó tôi 26 tuổi. Tôi tiếp xúc nửa năm, hiểu được lợi ích của việc ăn chay, có lợi cho sức khỏe thân thể, tôi liền quyết định ăn chay trường. Tôi học Phật nửa năm là ăn chay trường, từ 26 tuổi đến nay là tròn 50 năm rồi. Lúc đó, một số cấp trên, đồng học, bạn bè của tôi đều nói tôi mê muội, khuyên tôi không nên làm như vậy. Tuổi tác còn trẻ, có thể học Phật, nhưng Phật giáo có rất nhiều việc không thể làm! Tôi nói với họ, tôi biết Phật giáo quá trễ, thời xưa rất nhiều người mười mấy tuổi đã biết, đã tiếp xúc, tôi đến 26 tuổi mới được nghe, quá trễ rồi! Nhưng đến khi lớn tuổi, lúc 56 tuổi, những người bạn này nhìn thấy tôi, thái độ trước đây hoàn toàn thay đổi, họ thấy tôi đều nói: “Con đường thầy đi là đúng”. Bây giờ, hai mươi mấy năm sau gặp lại tôi, ai cũng đều ngưỡng mộ tôi!

           Trước tiên ngưỡng mộ điều gì? Ngưỡng mộ tướng mạo của tôi thay đổi, thể chất của tôi thay đổi. Năm nay tôi 75 tuổi nhưng chưa từng sanh bệnh, thân thể tôi rất mạnh khỏe. Năm ngoái chính phủ Úc cho tôi lưu trú vĩnh viễn, theo quy định thì phải đi kiểm tra sức khỏe. Sau khi kiểm tra xong bác sĩ nói với tôi: “Pháp sư, thầy đến kiểm tra là thừa”. Tôi nói: “Thừa cũng phải kiểm tra”, đây là gì? Đây là đạt được lợi ích đầu tiên trong việc tu học Phật pháp. Mọi người đều có thể thấy được rõ ràng. Thể lực của tôi hiện nay, có lẽ vẫn có thể thi với người ba, bốn mươi tuổi. Ông hỏi tôi: “Rốt cuộc thầy ăn gì vậy? Dùng loại dinh dưỡng nào?” Tôi nói: “Tất cả các thứ dinh dưỡng tôi đều không đụng đến”, vì sao vậy? Vì những thứ đó đều có tác dụng phụ, sống càng đơn giản càng tốt, chỉ có rau xanh và đậu hũ. Tôi uống nước trắng, không uống những đồ uống khác. Trong đồ uống, nói thật ra thì người bây giờ gọi là vệ sinh, trong những đồ uống đó không hề vệ sinh, trong đó có rất nhiều loại hóa chất. Đến trà lá, trừ những trường hợp xã giao, người ta chuẩn bị sẵn nước trà, vì tôn trọng người ta nên chúng tôi cũng uống trà. Bản thân tôi không uống trà, chỉ uống nước trắng. Ăn rất ít, tuyệt đối không ăn vặt. Mỗi ngày thời gian tôi đọc sách rất nhiều, buổi tối đều đọc đến khoảng 12 giờ mới đi ngủ, buổi sáng khoảng hơn 6 giờ thức dậy. Không có công việc gì thì sau khi ăn cơm trưa xong nghỉ ngơi một lát, có việc thì có thể không cần nghỉ. Tinh thần sung mãn, công việc bình thường. Quý vị có thể nói ăn chay không có dinh dưỡng hay sao? Tôi có thể làm chứng minh cho quý vị. Bạn xem có rất nhiều người xuất gia, sức khỏe đều rất tốt, cũng rất mập mạp, họ không hề ăn thịt!

           Nhân tố mạnh khỏe thật sự là tâm địa thanh tịnh, không có vọng tưởng, không có tạp niệm. Tiếp theo là ăn uống ngủ nghỉ như pháp, có quy củ, có tiết chế, tuyệt đối không tiêm nhiễm ngũ dục lục trần, như vậy tâm của bạn mới thanh tịnh. Nhất định phải buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ tham sân si mạn, tâm địa thanh tịnh là nguyên nhân chính để được mạnh khỏe. Tất cả tùy duyên mà không phan duyên, đây là ngoại duyên để được mạnh khỏe. Có nguyên nhân chính và có ngoại duyên thì quả báo mạnh khỏe tự nhiên hiện tiền. Mê đắm trần tình”, “trần” chính là ngũ dục lục trần. Ngũ dục là: tài, sắc, danh, thực, thùy; lục trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, những thứ này nhất định phải có tiết chế. Nếu không có tiết chế, mặc sức phóng túng thì hậu quả không thể tưởng tượng được, bạn nhất định sẽ phá hoại cơ thể mình.

           “Lén lút làm những việc bất nghĩa”, bất nghĩa là những việc không nên làm, bất luận là đối người, đối sự hay đối vật nhất định phải nghĩ, ta có nên làm hay không? Nói chuyện, phải nghĩ lời này ta có nên nói không? Người thật sự chú ý đến tu dưỡng, họ hiểu được nên rất cẩn thận. “Lén lút làm những việc bất nghĩa, còn cho rằng không ai biết”, tưởng rằng người khác không biết, vậy là sai rồi. Người xưa nói: “Nếu muốn người không biết, trừ khi bản thân đừng làm”, dù che giấu kỹ đến đâu, cuối cùng cũng có ngày bại lộ, làm gì có chuyện người khác không biết cho được?

           “Ngạo mạn không chút hổ thẹn”, “ngạo” là ngạo mạn, “vô quý” là không có tâm hổ thẹn. “Tàm” chính là lương tâm bị cắn rứt, “quý” là ngăn chặn dư luận. Người bên ngoài phê bình bạn, nhưng bạn không quan tâm. “Vô quý” tức là không quan tâm để ý, ngày nay chúng ta gọi là mặt dày. Hành vi như vậy, “ngày càng trầm luân vào đường cầm thú mà không hề hay biết”. Câu nói này, chúng ta phải tỉ mỉ mà quan sát, “cầm thú” là ba đường ác, ý nói là bạn nhất định sẽ trôi lăn trong ba đường ác, nhưng bản thân bạn vẫn không cảm nhận được. Trong kinh đức Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta mất thân người rồi, đời sau lại được thân người, trường hợp này rất ít, đa phần đều không thể được lại thân người. Điều kiện được thân người là gì? Không chỉ là Phật pháp, các bậc cổ thánh tiên hiền đều nói với chúng ta. Như trong kinh Phật nói về ngũ giới thập thiện, nhà Nho nói về luân thường đạo đức, ngũ luân thập nghĩa. Bạn có thể làm đầy đủ không thiếu sót thì đời sau nhất định được thân người. Đời này chúng ta có thể được thân người là do trong đời quá khứ chúng ta tu ngũ giới thập thiện cũng không tệ, cho nên đời này được quả báo như vậy. Nhưng đời này chúng ta không tiếp tục tu hành nữa thì sao? Như vậy phải hỏi lại chính mình.

           “Trên thế gian không có việc gì đáng nhục nhã hổ thẹn bằng việc này”, Câu này nghĩa là nói, các bậc thánh hiền đó vốn giống như ta, ngày nay các ngài làm thánh, làm hiền, làm Bồ-tát, làm Phật, sanh lên cõi trời, còn chúng ta ngày nay tư tưởng, kiến giải, ngôn hành đều bất thiện, tiền đồ của chúng ta là tương lai làm ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, quả báo thật khác biệt quá lớn. Chúng ta thấy các ngài, quả thật là đáng xấu hổ! Có người hỏi tôi, thưa pháp sư, vì sao thầy học Phật? Tôi trả lời rất đơn giản, học Phật nghĩa là học thánh nhân, học làm một người hiểu biết, chỉ có hiểu biết mới có thể nâng cao cảnh giới của chính mình. Hiện tại sống cuộc sống như chư Phật, Bồ-tát, tương lai nhập vào cảnh giới của chư Phật, Bồ-tát. Chúng ta học Phật, mục đích thật sự là ở đây. Thân thể này hiện nay vẫn còn, vẫn chưa rời bỏ nó, chúng ta phải coi thân thể này như một công cụ, làm một số việc tốt cho xã hội, cho chúng sanh. Người hiện nay nói, vì nhân dân phục vụ, vì quốc gia phục vụ, vì chúng sanh phục vụ. Thân thể này là một công cụ. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói, chính là sửa lỗi tu thiện, tích lũy công đức, làm mô phạm cho đại chúng. Làm mô phạm không thể không có công cụ, đây chính là một công cụ tốt, mà không chút liên quan gì đến chính mình, chúng ta phải hiểu đạo lý này.

           “Mạnh Tử nói: Việc quan trọng nhất của một người là biết hổ thẹn. Biết hổ thẹn sửa lỗi thì sẽ trở thành thánh hiền, còn không biết hổ thẹn sửa lỗi thì chẳng khác gì cầm thú. Đây là chỗ then chốt của việc sửa lỗi”. Nhà Nho nói: “Biết hổ thẹn là gần với dũng”. Nếu bạn có thể làm được thì có thể thành thánh, thành hiền. Nếu bạn không làm được, không biết hổ thẹn thì bạn đọa lạc vào đường cầm thú, ngạ quỷ, địa ngục. Biết hổ thẹn là bí quyết quan trọng để sửa lỗi, chúng ta không thể không chú ý. Có một năm tôi giảng kinh tại Houston nước Mỹ, gặp một vị đồng tu, ông làm giáo sư của trường học bên đó. Khi chúng tôi ăn cơm, ông nói với tôi về vấn đề này. Xã hội ngày nay động loạn bất an, phải bắt đầu từ đâu để giúp đại chúng quay đầu? Ông nghĩ đến một vấn đề, chính là nhắc đến hai chữ “biết sỉ” này. Ông nói sở dĩ người bây giờ dám tạo nghiệp ác, gây ra động loạn bất an cho xã hội. Truy cứu nguyên nhân căn bản của nó, chính là không biết hổ thẹn, cho nên hiện nay cần phải đề xướng biết hổ thẹn. Tôi nghe xong, đồng ý với cách nói của ông. Lúc đó ông nghĩ ra một cách, ông nói: “Chúng ta tổ chức một học xã biết hổ thẹn”. Tôi nói: “Rất tốt, ông cứ soạn chương trình, tôi sẽ hưởng ứng”. Sau đó tôi rời Mỹ, vấn đề này đại khái cũng dần bị lãng quên. Cho nên bất kỳ một việc tốt nào, nhất định phải có người nhiệt tâm đứng ra thúc đẩy. Có thể tìm kiếm trong xã hội những người còn có khái niệm về truyền thống luân lý đạo đức, những người nghe đến còn có thể sanh tâm hoan hỷ. Tập hợp những người này lại, thành lập một đoàn thể, bản thân chúng ta siêng năng nỗ lực tu học, ra sức thúc đẩy hoằng dương, đây là một việc rất tốt. Vị giáo sư này họ Thái, cư sĩ Thái. Chúng ta xem tiếp điều thứ hai.

 

           Thứ hai là phải phát tâm kính sợ.

           Biết sợ hãi, biết sợ mới có thể sanh tâm thành kính.

 

           Trời đất ở trên soi thấu, khó lừa dối được quỷ thần. Dù người đời không thấy tội lỗi của chúng ta nhưng thiên địa quỷ thần lại thấy tường tận rõ ràng. Tội nặng sẽ rước lấy mọi tai họa, tội nhẹ thì bị tổn giảm phước phần hiện có, ta làm sao không lo sợ cho được?

           “Úy” là sợ, sợ hãi, trong này cũng bao hàm ý nghĩa cung kính. “Úy” thường dùng kèm với “kính”, là “kính sợ”. Thời xưa con em đối với cha mẹ tôn trưởng, học trò đối với thầy đều có tâm kính sợ, vừa yêu kính vừa sợ hãi. Nếu không có tâm sợ hãi, lại không biết hổ thẹn, chư vị thử nghĩ xem, họ còn việc xấu gì mà không dám làm? Trong xã hội hiện nay, người biết hổ thẹn rất ít, người biết yêu kính, sợ hãi cũng rất ít, nguyên nhân là gì? Nguyên nhân là do không được dạy dỗ tốt. Con người không phải thánh hiền, không phải Phật, Bồ-tát tái lai, vì thế giáo dục quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Hiểu được đạo lý này, hiểu được phương pháp này, đích thực chỉ có các bậc cổ thánh tiên hiền. Trong Lễ Ký, Học Ký chúng ta đọc có câu: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Lại xem trong lịch sử, từ xưa đến nay khi thành lập một chính quyền, hình thành một triều đại, không quá 5 năm thì quốc gia nhất định sẽ chế định lễ nhạc, như vậy công tác giáo hóa nhân dân đã hoàn thành rồi. Cho nên, thời gian loạn lạc thay đổi triều đại rất ngắn, họ phải nhanh chóng khôi phục lại trật tự. Chỉ có thời đại này của chúng ta, người thời đại này rất đáng thương, rất khổ! Sau khi Mãn Thanh diệt vong cho đến nay đều không chế định lễ nhạc. Lễ nhạc chưa hề được ban bố, lịch sử trong tương lai gọi thời đại này là “thời loạn”, đây là một thời kỳ có thời gian động loạn dài nhất trong lịch sử. Con người không biết làm thế nào để sinh sống, để qua lại với nhau.

           Trước đây tôi ở Đài Loan, có người hỏi tôi, thông thường ở Đài Loan khi cha mẹ qua đời, trong tang lễ con cái có mặc hiếu phục, có người mặc đồ tang bằng vải gai, có người mặc đồ Tây màu đen. Các vị đồng tu thấy vậy đến hỏi tôi, họ nói: “Điều này có hợp lễ hay không?” Tôi nói: Từ khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập đến nay chưa có ban bố lễ nhạc, họ mặc đồ tang bằng vải gai là dùng lễ thời nhà Thanh, còn họ mặc y phục màu đen là dùng lễ của người nước ngoài. Tôi gật đầu, đều có thể dùng, vì quốc gia không có lễ, nên người ta dùng phương thức nào cũng được. Không có lễ mà, không giống như thời xưa. Trước đây, thời đại đế vương rất coi trọng lễ nhạc, y phục không được mặc tùy tiện. Bạn có thân phận như thế nào thì mặc y phục như thế đó, sĩ, nông, công, thương đều có phân biệt. Mọi người vừa nhìn thấy liền biết bạn làm ngành nghề gì, trong xã hội bạn thuộc địa vị nào. Địa vị thấp hơn bạn, thì nhất định phải tôn trọng bạn, thuận tiện cho việc hành lễ. Bây giờ không còn nữa, bây giờ quý vị xem ở Đài Loan, tổng thống và nhân dân đều mặc đồ Tây, ở cùng một chỗ không thể phân biệt. Không có lễ, thiên hạ đại loạn, trật tự xã hội không còn nữa, điều này trước đây tuyệt đối không thể được. Nhưng chúng ta sanh vào thời đại này, chúng ta hướng đến xã hội thời xưa, nhưng chúng ta cũng không thể lơ là hiện thực của thời đại ngày nay. Tuy mọi người không nói, nhưng trong lòng chúng ta phải hiểu.

           Có trời đất quỷ thần không? Nhất định có. Vậy ở đâu? Mắt chúng ta không nhìn thấy, tai không nghe thấy, thân thể không tiếp xúc được. Không thể nói chúng ta không tiếp xúc thì họ không tồn tại, thứ không tiếp xúc được quá nhiều, không thể nói họ không tồn tại. Huống gì những cảm ứng của quỷ thần, không những trong lịch sử ghi chép rất nhiều, mà hiện tại trên tin tức, báo chí, tạp chí chúng ta cũng thường thấy những báo cáo này, những báo cáo này đương nhiên đều là sự thật. Nhưng vẫn có rất nhiều người không tin tưởng, điều này cũng khó trách, nếu không đích thân chứng kiến thì người khác nói gì cũng đều không tin. Đến lúc nào đó bạn có phước phần, có nhân duyên thấy được quỷ thần, như vậy bạn mới tin.

           Năm hai mươi mấy tuổi, khi tôi mới học Phật, lão cư sĩ Chu Kính Trụ, ông là một vị trưởng bối rất thương yêu và quan tâm tôi. Ông có rất nhiều chuyện, đều là chính mình trải qua, thường kể cho tôi nghe, chúng tôi cũng rất thích nghe kể chuyện. Bởi vì những chuyện này đều là ông đích thân trải qua, cho nên chuyện đó là thật không phải giả, không phải ông dựng chuyện để gạt chúng tôi. Chúng tôi hỏi ông nhân duyên học Phật. Bởi vì ông học tài chính, thời kỳ kháng chiến ông làm Cục trưởng thuế vụ ở Tứ Xuyên, quản lý thuế. Sau khi kháng chiến thắng lợi, ông là người Triết Giang, ông làm trưởng phòng tài chính tỉnh Triết Giang. Trước kháng chiến, ông từng làm Tổng giám đốc ngân hàng tại Tô Châu. Tôi thỉnh giáo ông nhân duyên học Phật, ông nói với tôi, nhân duyên học Phật là vào thời kỳ kháng chiến. Ông ở tại Trùng Khánh, một hôm cùng mấy người bạn đánh mạt chược, đây là chuyện bình thường, thường thì hơn 2 giờ khuya mới giải tán, ai về nhà người nấy. Lúc đó, tuy địa vị ông rất cao nhưng vẫn không có phương tiện giao thông, ông là đi bộ về nhà. Không như bây giờ đều có xe hơi, lúc đó đều đi bộ, hơn nữa đèn trên đường rất tối. Điều này người thời nay rất khó thể hội được, phải tầm tuổi như tôi thì khi nói đến điều này bạn mới có thể cảm nhận được. Trên đường đi rất xa mới có một bóng đèn, mà ánh sáng bóng đèn chừng bằng ánh sáng của 40 cây nến, treo rất cao, khoảng cách rất xa, thật sự là rất tối. Trở về lúc đêm khuya, ông trở về cũng phải đi bộ rất xa, đại khái phải đi bộ bốn đến năm mươi phút mới về đến nhà. Khi đi trên đường, ông thấy phía trước có người, lúc đó người ấy cũng đi cùng đường, ở phía trước ông, ông cũng không chú ý đến. Đi khoảng gần nửa tiếng đột nhiên ông nghĩ, nhìn thấy ở phía trước là một người phụ nữ. Tự hỏi: “Tại sao người phụ nữ này lại đi một mình trong đêm muộn đến như vậy nhỉ?” Ông bảo, vừa nghĩ đến đây thì dựng cả tóc gáy. Nhìn kỹ người đi ở trước, cô ta có thân trên không có thân dưới, ông vô cùng sợ hãi, vừa giật mình thì người ở trước liền biến mất, không còn nữa. Ông cùng đi với người này suốt nửa tiếng đồng hồ, tuyệt đối không phải hoa mắt, ông thấy ma thật. Ông bảo, bắt đầu từ hôm đó ông mới thật sự tin Phật.

           Sau khi học Phật, ông rất cảm kích con ma đó, ông nói nếu không đích thân chứng kiến thì cả đời ông mãi mãi không thể tin tưởng. Cha vợ ông là Chương Thái Viêm, rất có địa vị trong giới học thuật. Cha vợ ông là Phật tử kiền thành, cũng có rất nhiều chuyện thường kể cho ông nghe. Sau khi ông nghe xong thì bán tín bán nghi, đến khi chính mình gặp phải chuyện này thì ông mới tin, điều này là có thật. Chuyện của ông rất nhiều, nếu kể ra thì phải mất vài tiếng đồng hồ, rất thú vị, tuyệt đối không phải giả.

           Bản thân tôi đời này tuy chưa từng thấy ma quỷ, nhưng tôi đã từng gặp hồ ly tinh như trong tiểu thuyết Liêu Trai. Lúc đó tôi khoảng 15, 16 tuổi, tôi quả thật đã gặp hồ ly tinh. Cho nên tôi tin đó là thật, không phải giả. Tôi gặp con hồ ly tinh này, nó đã biến thành hình người, nhưng là người nam không phải người nữ. Rất nhiều người đã từng gặp, ở Hằng Sơn, Hồ Nam. Sau khi kháng chiến thành công tôi trở về quê nhà, ở quê nhà có một người thân gặp chuyện rất kỳ lạ. Quê chúng tôi là sản xuất gạo, gạo thu gom được đều chuyển đến bán ở Vu Hồ, Nam Kinh. Người bà con này của tôi có một thuyền gạo, gạo được đóng vào bao xong xuôi, sau đó đưa lên thuyền. Khi xếp lên thuyền  thì nhìn thấy một con chồn từ ván cầu chạy lên thuyền, mọi người trên thuyền liền đi tìm, tìm mãi nhưng tìm không thấy. Không tìm thấy, mọi người cho rằng người nhìn thấy ấy bị hoa mắt nên thôi. Khi chở thuyền gạo này đến Nam Kinh, sau khi đến Nam Kinh, lúc đưa hàng xuống, đột nhiên trong bao không còn một hạt gạo nào, cả một thuyền gạo không thấy nữa. Mọi người mới biết, đều do con chồn đó gây ra, họ thấy con chồn đó là thật không phải giả, tất cả gạo trong thuyền không còn nữa. Cho nên ở lại Nam Kinh mấy ngày rồi quay về, khi về đến nhà thì thấy gạo của ông ấy vẫn còn nguyên ở trong kho. Không biết đã đắc tội gì với con chồn này mà nó lại trêu đùa ông như vậy. Không có tổn thất gì, nhưng nó đã chuyển cả thuyền gạo trở về nhà, đây hoàn toàn là sự thật. Cho nên, thế gian rộng lớn đủ chuyện kỳ lạ, không thể nói mình không tận mắt thấy thì không tin, những việc chúng ta tận mắt chứng kiến quá ít. Những chuyện này ở Hồng Kông cũng rất nhiều, ở Đại Lục lại càng nhiều, ở nước ngoài cũng rất nhiều. Tôi gặp rất nhiều người, vì giảng kinh có nhiều thính chúng, họ thường kể lại những chuyện họ đích thân gặp phải cho tôi nghe. Cho nên, khó lừa gạt trời đất quỷ thần, chúng ta lừa người thì dễ, nhưng gạt trời đất quỷ thần thì rất khó.

 

           Dù người đời không thấy tội lỗi của chúng ta.

           Chúng ta che giấu lỗi lầm rất kín đáo, vô cùng vi tế, người khác không cảm nhận được.

 

           Nhưng thiên địa quỷ thần lại thấy rõ ràng tường tận.

           “Giám” là tấm gương, giống như tấm gương soi rất sáng tỏ, chiếu thấy hết.

 

           Tội nặng sẽ rước lấy mọi tai họa.

           Nếu bạn tạo ác nghiệp nặng thì nhất định gặp phải những tai họa không ngờ được.

 

           Tội nhẹ thì bị tổn giảm phước phần hiện có.

           Nhẹ thì phước báo hiện nay bị tổn giảm. Nếu bạn hiểu được đạo lý này, nếu bạn thấu triệt được chân tướng sự thật này thì làm sao không sợ hãi cho được? Xem tiếp kinh văn bên dưới:

 

           Không chỉ như vậy.

           Không những chỉ có vậy.

 

           Dù ở trong phòng tối, nhưng hành vi của ta đều bị thần minh dùng mắt nhìn, dùng tay chỉ. Dù cố che giấu thật kín đáo, cố che đậy thật khéo léo, nhưng ý muốn và mong cầu trong lòng sớm đã lộ ra ngoài rồi, cuối cùng cũng khó dối lòng mình. Một khi bị người phát hiện thì chẳng đáng một xu. Làm sao có thể không cung kính dè dặt cho được?

           Ở phần trước nói trời đất quỷ thần nhìn thấy chúng ta rất rõ ràng, đoạn này nói với chúng ta về hoàn cảnh cư trú hiện tại, gọi là: “Mười con mắt nhìn, mười ngón tay chỉ”, đặc biệt là xã hội đô thị hiện nay, dân số đông đúc, nhất cử nhất động của chúng ta đều có rất nhiều người nhìn thấy, dù chúng ta che đậy kỹ đến mấy. Cố che đậy thật khéo léo”, “văn” là che đậy, quý vị che giấu khéo léo đến mấy thì “ý muốn và mong cầu trong lòng sớm đã lộ ra ngoài rồi, cuối cùng cũng khó dối lòng mình”. Ở trước đã nói với quý vị, người có học vấn, có đạo đức, họ vừa nhìn là biết ngay. Bị người khác nhìn thấu, vậy thì không đáng một xu. Nghĩ đến những điều này, làm sao không sợ hãi cho được? “Lẫm lẫm” là dáng vẻ lo sợ, sợ hãi. Đây nghĩa là con người khởi tâm động niệm, lời nói việc làm  phải dựa vào lương tâm, thiện lương, phải biết sợ chế tài của dư luận. Chúng ta làm việc thiện, không muốn để mọi người biết. Chúng ta làm việc ác, hy vọng mọi người đều biết. Người khác chỉ trích thì việc ác của chúng ta được báo hết, đây là việc tốt. Họ chỉ ra mà mình thật sự có sai lầm, thì ta phải tiếp thu, phải hối cải. Họ chỉ ra nhưng ta không có lỗi lầm này, ta cũng rất hoan hỷ, ta bị oan uổng, bị oan uổng là phương pháp tiêu tai tiêu nghiệp chướng thù thắng nhất.

           Cho nên, bất luận bị người chỉ trích đúng hay không, chúng ta đều phải giữ tâm cảm ơn. Cổ nhân nói rất hay: “Có lỗi thì sửa, không có cố gắng hơn”. Người khác phê bình chúng ta, đặc biệt là phê bình ác ý. Nếu có thì phải lập tức sửa đổi làm mới, còn không có thì ta càng phải cố gắng hơn, tuyệt đối không phạm lỗi đó, thành tựu đức hạnh của chính mình. Cho nên,  người thật sự biết tu dưỡng, người thật sự biết đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, quả thật không giống người thông thường. Trong mỗi niệm của họ đều nghĩ đến điểm tốt của người khác, tuyệt đối không để điều bất thiện của người khác ở trong lòng, đó là việc không đáng nhất. Vì sao vậy? Vì tâm của chúng ta là thuần thiện, để việc xấu của người khác ở trong tâm mình, khiến thiện tâm của mình bị phá hoại mất, quý vị nói như vậy oan uổng biết bao? Chúng ta thấy trong xã hội, người ngu si như thế không ít. Người ta khen ngợi chúng ta, nịnh bợ chúng ta, chúng ta cũng phải bình tĩnh mà suy xét. Họ nịnh bợ mình, khen ngợi mình, mình thật sự có đức hạnh này không? Mình đã thật sự làm việc tốt này chưa? Dù có thật thì chúng ta cũng phải khiêm tốn, chúng ta càng phải nỗ lực hơn. Nếu lời tán thán của họ vượt quá sự thật  thì chúng ta phải sanh tâm hổ thẹn, nhất định phải xin lỗi họ: “Tôi không có nhiều ưu điểm như vậy đâu, bạn nói quá lời rồi, bản thân tôi cần phải nỗ lực khuyến khích chính mình, hy vọng không phụ lòng khen ngợi của bạn”. Tu dưỡng bản thân như vậy mới có thể thành tựu được đức hạnh của mình. Về phương diện quả báo, mới có thể tránh được tai họa, thiện phước mới có thể hiện tiền, đây là đạo lý nhất định. Chúng ta phải hiểu, phải siêng năng nỗ lực tu học. Phải có tâm hổ thẹn, phải chăm chỉ nỗ lực.

           Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.

 

 

 Xem thêm:

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 4)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 5)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 6)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 8)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 9)

Tin liên quan