LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
Tập 3
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 16/04/2001
Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu
Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng, Thâm Quyến, Trung Quốc
Chư vị đồng học, xin chào mọi người!
Phần trước nói đến có cầu ắt ứng, thiền sư Vân Cốc đặc biệt nhấn mạnh ngữ khí, nói vọng ngữ là đại giới của nhà Phật, chư Phật, Bồ-tát sao có thể gạt người được? Những lời này đều giúp Liễu Phàm tăng trưởng tín tâm. Sau khi tiên sinh Liễu Phàm nghe xong.
Tôi hỏi tiếp: “Mạnh Tử nói rằng: “Cầu ắt sẽ được, đó là cầu ở chính mình”. Đạo đức nhân nghĩa là ở nơi chính mình, chỉ cần con cố gắng thì có thể đạt được, nhưng công danh phú quý là vật ngoài thân, vậy làm sao mà cầu được?
Liễu Phàm tiến thêm một bước nữa, thỉnh giáo thiền sư Vân Cốc, Mạnh tử thường nói: Cầu sẽ được, đó là cầu ở chính mình, ông cho rằng đạo đức nhân nghĩa là ở nơi chính mình, những điều này ta có thể cầu được. Công danh phú quý là vật ngoài thân, làm sao có thể cầu được?
Thiền sư Vân Cốc nói: “Mạnh Tử nói không sai, mà do ông hiểu sai. Ông không thấy Lục Tổ dạy rằng: “Hết thảy phước điền không rời tâm địa; từ tâm này mà cầu, tâm chân thành thì không gì không được”. Cầu ở chính mình, không những trong được đạo đức nhân nghĩa, mà ngoài cũng được công danh phú quý. Nội ngoại cùng được, cầu như vậy sẽ có hiệu quả”.
Đoạn này rất quan trọng, Thiền sư Vân Cốc dù sao cũng là một người tu hành lâu năm. Liễu Phàm gặp ngài, Tiên sinh Liễu Phàm 35 tuổi, lúc này thiền sư Vân Cốc 69 tuổi, hơn nữa còn là một người tu hành đắc đạo. Tục ngữ nói, người đắc đạo là người thật sự khai ngộ, thật sự khế nhập vào cảnh giới của chư Phật, Bồ-tát. Cho nên lời Mạnh tử nói không sai, mà ông hiểu sai. Lời Mạnh tử nói không sai chỗ nào, còn ông hiểu sai chỗ nào? Ở đây không nói nhiều. Bài học trước tôi có nói, nếu bạn có thể tỉ mỉ thể hội thì bạn tự nhiên sẽ hiểu rõ hai câu nói của thiền sư Vân Cốc.
Bên dưới ngài dùng lời của Lục Tổ bên Thiền tông để nói, câu này trong Lục Tổ Đàn Kinh. “Hết thảy phước điền, không rời tâm địa”, “phương thốn” là chỉ tâm địa của chúng ta, lành dữ họa phước đều do ý niệm biến hiện ra, không rời khỏi tâm. “Từ tâm này mà cầu, tâm chân thành thì không gì không được”, chúng ta cầu cảm ứng, cầu từ đâu? Cầu từ trong chân tâm. Cho nên cầu giàu sang được giàu sang, cầu con trai con gái được con trai con gái, cầu sống lâu được sống lâu. Bạn phải biết được đạo lý cầu, bạn phải hiểu được phương pháp cầu. Cầu như lý như pháp thì đâu có chuyện không cầu được? Thế xuất thế gian khó nhất là thành Phật, thành Phật còn có thể cầu được, huống gì công danh phú quý của thế gian? Đó quả thật chỉ là chuyện nhỏ nhặt, chẳng đáng là gì, làm gì có đạo lý không cầu được.
Ngày nay chúng ta cầu, quan trọng nhất là thông. Thế nào gọi là thông? Thông nghĩa là thông suốt chiều không gian, tôi nói như thế thì người thời nay dễ lý giải hơn. Dùng phương pháp gì để thông suốt? Dùng tâm chân thành. Thành là gì? Chân là gì? Chân nghĩa là không có vọng, không phải hư vọng, không có chút hư vọng nào. Thành là gì? Cuối thời nhà Thanh, ông Tăng Quốc Phiên nói rất hay, trong “Độc Thư Bút Ký” của ông có định nghĩa về chữ “thành” này: “Một niệm không sanh thì gọi là thành”, định nghĩa này vô cùng chính xác. Trong Phật pháp nói là không khởi một vọng niệm nào, đây gọi là chân thành. Tâm chân thành chính là bản tánh của mình, chính là chân tâm của mình. Tất cả pháp thế xuất, thế gian đều từ trong chân tâm bản tánh biến hiện ra. Bạn tìm được chân tâm bản tánh rồi thì làm gì có đạo lý không cầu được?
Những lý và sự này trong kinh điển Đại thừa, đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói rất nhiều. Người tìm hiểu sơ qua về Đại thừa, đều biết những giáo huấn này của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, người nào được thọ dụng? Người y giáo phụng hành sẽ được thọ dụng, được lợi ích. Nếu quý vị đọc kinh mà chỉ biết đọc, không hiểu được đạo lý trong kinh, không hiểu được ý của kinh điển, không thể áp dụng những phương pháp đạo lý này vào trong việc làm sinh hoạt của chính mình, vậy thì bạn không đạt được lợi ích, bạn vẫn chưa thông. Chưa thông, tuy có cầu nhưng không được cảm ứng.
Trước đây, khoảng 30 năm trước, tôi đưa ra vấn đề này. Tôi giảng kinh Địa Tạng ở chùa Pháp Hoa, Tây Môn Đỉnh Đài Bắc. Tôi nhớ lúc đó tôi giảng kinh, pháp sư Quảng Khâm có đến nghe một lần, ngài ngồi bồ đoàn ở dưới. Một hôm, tôi vừa giảng kinh xong đi xuống, có một vị pháp sư ở Cơ Long nghe tôi nói về vấn đề cảm ứng, sư hỏi tôi: “Thưa pháp sư, thầy nói về cảm ứng này không đáng tin”.
Tôi hỏi: “Vì sao không đáng tin?”
Sư nói: “Tôi ngày nào cũng cầu xin Phật, Bồ-tát một cái tủ lạnh, cầu suốt 3 năm rồi mà vẫn không có”.
Tôi nghe xong mỉm cười hỏi: “Pháp sư, đạo tràng của thầy có bao nhiêu người ở?”
Sư nói: “Chỉ mình tôi ở”.
Tôi nói: “Chỉ mình thầy ở, không cần thiết có tủ lạnh, cho nên thầy cầu không được là phải rồi”.
Tôi nói: “Trong những năm qua tôi có cầu ắt ứng”.
Sư hỏi tôi cầu gì?
Tôi nói: Tôi giảng kinh, cần tài liệu tham khảo, lúc đó ở Đài Loan tìm những kinh sách điển tịch này rất khó khăn. Thật may mắn có người giới thiệu cho tôi pháp sư Trí Khai ở Hồng Kông. Tôi chưa từng gặp pháp sư Trí Khai, tưởng rằng thầy là một pháp sư lớn tuổi, nên mỗi lần viết thư đều cung kính xưng là “lão pháp sư”, về sau gặp mặt, mới biết hai chúng tôi cùng tuổi. Pháp sư Trí Khai giúp đỡ tôi rất nhiều, tất cả những kinh sách mà tôi cần, pháp sư đều dốc sức sưu tập, rồi gởi đến Đài Loan giúp tôi. Khi nào tôi có tiền thì trả cho pháp sư, chưa có tiền thì nợ đó, điều này giúp đỡ cho tôi rất nhiều. Tôi viết danh sách, hầu như những sách mà tôi cần đều là sách cổ, pháp sư đều tìm giúp tôi. Trong đó chỉ có một bộ, thời gian dài nhất là nửa năm, đó là “Trung Quán Luận Sớ”. Bộ sách này, sáu tháng sau pháp sư mới gởi đến cho tôi, không dễ tìm được.
Tôi nói với vị pháp sư ở Cơ Long, tôi có cầu ắt ứng. Những gì tôi cầu là cầu đạo, tôi cầu những thứ cần thiết. Thầy cầu cái tủ lạnh, điều này không cần thiết. Người xuất gia về đời sống vật chất, nên thanh bần một chút, không nên xa hoa. Điều thầy cầu không như pháp, còn điều tôi cầu như pháp, như lý như pháp thật sự là có cầu ắt ứng. Tôi đối với giáo huấn của thầy và những gì kinh điển dạy, tin sâu không nghi. “Từ tâm mà cầu, không gì không được”, tám chữ này chính là lý luận và phương pháp có cầu ắt ứng.
Cầu ở mình, không chỉ có thể đạt được đạo đức nhân nghĩa, mà vật ngoài thân như công danh phú quý cũng có thể đạt được. Nội ngoại đều được, cầu như vậy sẽ có hiệu quả. Chúng ta cần phát tâm cầu điều thiện, đừng cầu điều ác, như vậy mới tốt. Đoạn văn tiếp theo nói:
Nếu không kiểm điểm lại lỗi lầm của bản thân, mà mù quáng hướng ngoại tìm cầu, thì cầu phải có đạo lý, mà được hay không đều do số mạng quyết định. Kết quả là trong ngoài đều mất, cho nên không có lợi ích.
Lời khai thị này của thiền sư, mỗi câu đều rất quan trọng. Chúng ta muốn cầu, bất luận là cầu đức hạnh bên trong, hay là cầu vật chất bên ngoài, tức là những nhu cầu trong đời sống của chúng ta. Nếu bạn không kiểm điểm lại lỗi lầm của bản thân.Việc cầu này là phải quay lại phản tỉnh, quay đầu lại. Nhà Phật thường nói “quay đầu là bờ”, bạn phải hướng vào nội tâm để phản tỉnh. Hướng vào bên trong để cầu thì bạn có thể cầu được. Nếu bạn không thể phản tỉnh, không thể nâng cao đức hạnh của bạn, mà chỉ phan duyên hướng ra bên ngoài. Vậy thì bạn cầu thì phải có đạo, nhưng cầu được hay không đều do số mạng quyết định, “đạo” tức là phương pháp và lý luận mà bạn cầu. Ví dụ như hiện nay, chúng ta thấy rất nhiều tin tức, thấy trong hiệu sách, thế gian có một vài doanh nghiệp lớn thành công, họ viết ra những bài học kinh nghiệm về sự nỗ lực phấn đấu thành công của họ, cung cấp cho người thông thường làm tham khảo. Quý vị dùng phương pháp lý luận của họ để cầu, nếu như cầu được, đạt được thì đó là trong số mạng của bạn có. Còn như số mạng không có thì bạn vẫn không đạt được. Vì sao vậy? Vì bạn không hướng vào chân tâm để cầu, bạn không hướng vào trong tâm tánh để cầu. Phương pháp cầu này tất nhiên là “trong ngoài đều mất, cho nên không có lợi ích”. Chúng ta thấy xã hội ngày nay, hạng người như vậy rất nhiều. Đoạn này là đại sư nhắc nhở chúng ta.
Đoạn tiếp theo là thảo luận về phương pháp thay đổi vận mệnh. Có mấy đoạn kinh văn nhỏ, đoạn đầu tiên là nói quý vị nhất định phải biết sai lầm của chính mình, thực sự phải phản tỉnh, tìm ra căn nguyên này. Ví dụ, số ông không có con trai, không có con trai là do nguyên nhân gì. Thọ mạng ngắn, thọ mạng ngắn là do nguyên nhân gì.
Tiếp theo thiền sư hỏi tôi: “Khổng tiên sinh đoán vận mạng cả đời của ông như thế nào?”
Thiền sư Vân Cốc hỏi Liễu Phàm, Khổng đạo trưởng đoán mệnh cho ông, vận mệnh cả đời của ông như thế nào?
Tôi thật thà trình bày với thiền sư.
Liễu Phàm thật thà trình bày với thiền sư Vân Cốc.
Thiền sư Vân Cốc nói: “Ông hãy xét lại mình xem có đáng đỗ đạt khoa cử không? Có đáng sanh được con trai không?”
Ông tự nghĩ lại xem, ông có đáng thi đậu khoa cử hay không? Đây là nói về công danh. Ông liệu có con trai hay không? Nhất định phải hướng vào nội tâm để phản tỉnh.
Tôi phản tỉnh rất lâu.
Ông nghe thiền sư Vân Cốc nói xong, suy nghĩ rất lâu.
Rồi trả lời: “Không thể”.
Không thể. Liễu Phàm là người đọc sách, là một người thông minh, ông suy nghĩ và nghĩ ra không ít lý do.
Những người đỗ đạt khoa cử đa số đều có tướng phước đức. Con vốn phước mỏng, lại không thể tích công lũy đức, hành thiện để làm nền tảng khiến phước đức sâu dày. Hơn nữa con không thể nhẫn nại làm những việc phiền phức, không thể bao dung người khác, có khi lại cậy vào tài trí của mình để lấn áp người, tính tình bộc trực nghĩ sao nói vậy, tùy tiện nói năng lung tung. Tất cả những điều đó đều là tướng bạc phước, làm sao có thể đỗ đạt khoa cử cho được?
Liễu Phàm vừa quay đầu, vừa phản tỉnh, liền tìm ra được khuyết điểm của mình, điều này rất khó được. Bình thường thiền sư Vân Cốc rất ít nói, ngài không thường nói chuyện với người khác, có khi cả ngày không nói câu nào. Ngài có thể nói với Liễu Phàm nhiều như vậy, thật không đơn giản. Điều này người xưa gọi là thật sự gặp được tri kỷ, cho nên mới nói nhiều như thế. Liễu Phàm nghĩ, tôi không thể, vì sao vậy? “Những người đỗ đạt khoa cử”, chính là người trong chốn quan trường, họ đều có tướng phước đức. Ông nói bản thân mình phước quá mỏng, không có phước, thì làm sao có thể thi đậu công danh cho được? Thêm nữa ông có rất nhiều khuyết điểm, ông không thể “tích lũy công đức, hành thiện để làm nền tảng khiến phước đức sâu dày”. “Cơ” là nền tảng, từ trên nền tảng bồi dưỡng phước đức của mình, ông không làm được, vì sao không làm được? Bên dưới nói, ông “không nhẫn nại để làm những việc phiền phức”, nghĩa là ông không muốn làm những việc quá phiền phức. Lại “không thể bao dung người khác”, tâm nhỏ hẹp, không bao dung được người khác. “Có khi lại cậy vào tài trí của mình để lấn áp người”, “cái” nghĩa là che lấp người khác, lấn áp người khác. Người hiện nay gọi là thích khoe khoang, thích chèn ép người khác. “Tính tình bộc trực, nghĩ sao nói vậy”, trực tâm trực hạnh ở đây nghĩa là trong lòng nghĩ sao nói vậy, chứ không phải trực tâm trực hạnh mà cổ thánh tiên hiền nói trong kinh giáo. Trong kinh Duy Ma nói: “Trực tâm là đạo tràng”, trực tâm trực hạnh đó không có vọng tâm, không có phân biệt, không có chấp trước. Còn đây là vọng tưởng phân biệt chấp trước, đây là khuyết điểm tập khí. “Tùy tiện nói năng lung tung”, nói không biết suy nghĩ, nói một cách tùy tiện. Giống như những điều này thì đều là “tướng bạc phước”. Bản thân ông hiểu rõ, mình có một đống tật xấu như vậy, ngày ngày đang tạo nghiệp, đương nhiên không có cách gì để thi đậu công danh. Thời xưa, khoa cử đều là tham gia kỳ thi của quốc gia, đạt được học vị, người hiện nay chúng ta gọi là học vị. Thời xưa cũng có ba học vị là tú tài, cử nhân và tiến sĩ, tương đương với ba học vị trong trường học hiện nay của chúng ta là đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Điều này nói rõ nguyên nhân ông không thể thi đậu công danh, vì ông không có phước. Sau đó nói tiếp, ông cũng không thể có con trai.
Chỗ đất bẩn hay nhiều sinh vật, chỗ nước trong thường không có cá.
Trước tiên là nói hai câu thành ngữ. Đất, chúng ta thấy đất rất dơ bẩn, dơ bẩn thì nó sẽ sanh ra rất nhiều thứ, đất đai màu mỡ. Nước trong thì không có cá.
Con ưa thích sạch sẽ.
Ông thích sạch sẽ.
Đây là lý do thứ nhất con không thể có con trai.
Thích sạch sẽ biến thành bệnh sạch sẽ, như vậy thì làm sao có con trai được? Đây là nguyên nhân thứ nhất không có con trai, không thể sinh con trai.
Hòa khí có thể sanh trưởng vạn vật, mà con thường hay nổi nóng, đây là lý do thứ hai không thể có con trai.
Hòa khí rất quan trọng, ngạn ngữ thường nói: “Gia hòa vạn sự hưng”. Một đất nước, trên dưới đều có thể chung sống hòa thuận thì đất nước này làm gì có đạo lý không cường thịnh cho được? Nếu không hòa, đó chính là xuất hiện điềm báo suy bại rồi, cho nên hòa quan trọng hơn tất cả. Ông không có hòa khí, thường hay nổi giận. Hay nói cách khác, chúng ta gọi đây chính là cống cao ngã mạn, cuồng vọng tự đại, không coi người khác ra gì. Liễu Phàm là một người như vậy, cho nên nghĩ lại cảm thấy không thể có con trai. Thứ ba:
Từ ái là cội nguồn của sự sinh sôi bất tận, nhẫn tâm là gốc của sự không sinh trưởng. Con chỉ biết quý trọng danh tiết của chính mình, thường không thể xả mình để cứu người. Đây là lý do thứ ba con không thể có con trai.
Đây là điều thứ ba không thể có con. “Ái”, từ ái là gốc của sự sống, ông không có tâm thương yêu, tâm địa rất tàn nhẫn. “Nhẫn” là tàn nhẫn, tàn nhẫn là gốc của sự tàn lụi không sanh trưởng. Ông nói tôi rất quý trọng danh tiết của bản thân, bởi vì quý trọng danh tiết của mình nên không thể xả mình cứu người. Đây là nguyên nhân thứ ba không thể sinh con trai. Ông nói tiếp:
Nói nhiều tổn khí, đây là lý do thứ tư không thể có con trai.
Ông thích nói chuyện, thích bực tức, thích chế nhạo người khác, hiện nay gọi là thích bới móc chuyện của người khác. Thường làm người khác mất thể diện trước đám đông, cũng chính là thích trêu đùa người khác. Đây là nhân tố thứ tư không thể có con trai.
Thích uống rượu làm tổn hại tinh thần, đây là lý do thứ năm không thể có con trai.
Hỷ ẩm nghĩa là thích uống rượu, thường uống say, tổn thương tinh thần thể lực của mình. Đây cũng là nguyên nhân không thể sinh con trai.
Thích ngồi tĩnh tọa suốt đêm mà không biết giữ gìn nguyên khí, bảo dưỡng tinh thần, đây là lý do thứ sáu không thể có con trai.
Thích ngồi thâu đêm, buổi tối không ngủ, không biết bảo dưỡng nguyên khí tinh thần, đây đều là những nguyên nhân không thể có con trai. Cho dù sanh con, thì đứa con đó cũng chết yểu.
Ngoài ra còn rất nhiều những lỗi lầm xấu ác nữa không thể kể ra hết được.
Phản tỉnh lại khuyết điểm của mình, quả thật là quá nhiều.
Nói đến “ngồi thâu đêm”, nhà Phật có “bất đảo đơn”, tức là dùng cách ngồi thiền thay cho ngủ nghỉ. Tôi nói như vậy là có khuyết điểm, quý vị phải hiểu điều này. Ngồi thiền ở trong định là rất tỉnh táo, không phải ngủ, nếu dùng ngồi thiền thay cho ngủ, thì chi bằng nằm xuống ngủ thoải mái hơn, ngồi ngủ khó chịu biết bao. Nhất định phải hiểu đạo lý này. Khi tôi mới học Phật, rất ngưỡng mộ người học được bất đảo đơn tốt biết mấy, không cần đến giường nệm, cuộc sống càng đơn giản càng tự tại. Tôi từng nói với thầy Lý, tôi hỏi thầy rằng, tôi có thể học phương pháp này được không? Vì tôi ở Đài Trung học cách ngày ăn một bữa, tôi có thời gian 5 năm mỗi ngày ăn một bữa, sáng và tối đều không ăn, tinh thần và thể lực đều rất tốt. Thầy cũng rất hoan hỷ, rất tán thán, vì bản thân thầy cũng ngày ăn một bữa, thầy ăn như vậy đã bốn đến năm mươi năm rồi. Tôi ở Đài Trung học theo thầy ăn ngày một bữa, tiến thêm bước nữa tôi muốn học bất đảo đơn, học ngồi thiền. Thầy mỉm cười nói: “Nằm ngủ thoải mái hơn ngồi ngủ”. Sau đó đành thôi, tôi không học nữa. Vì sao vậy? Thầy rất hiểu tôi, tôi không thể nào nhập định, chẳng qua là ngồi đó ngủ mà thôi. Nếu ngồi đó ngủ, vậy thì sai rồi, chi bằng nằm ngủ hay hơn. Chúng tôi đích thực cũng nhìn thấy, có một số người bất đảo đơn, tôi tỉ mỉ quan sát thấy họ ngồi ở đó ngủ, ngồi ở đó ngáy, ngủ rất say. Cho nên, họ không phải nhập định, không phải như lão hòa thượng Hư Vân, lão hòa thượng Hư Vân thật sự nhập định, ngài không phải ngủ.
Người đại tu hành thật sự, họ đã đoạn tận ý niệm tự tư tự lợi rồi, đối với ngũ dục lục trần của thế gian quả thật không động tâm nữa. Lúc này tâm cảnh của họ trống rỗng sáng suốt, họ không có âm khí, cho nên thường ở trong định. Trí tuệ quang minh, niệm niệm đang tăng trưởng. Họ đoạn tận hiện tượng ngủ nghỉ, ngủ nghỉ có thể đoạn dứt. Nhưng cần có công phu, tâm địa phải thanh tịnh, thanh tịnh đến trình độ nhất định thì có thể không cần ngủ nghỉ. Vì tài, sắc, danh, thực, thùy, đây gọi là ngũ dục. Dục giới có, sắc giới và vô sắc giới đều không có. Từ đó cho thấy, có thể đoạn dứt những thứ này. Nhưng nếu tập khí phiền não của bạn chưa đoạn mà bạn muốn miễn cưỡng ngồi đó ngủ, thì nhất định có hại cho thân thể của bạn. Đây là cuộc sống không lành mạnh, chúng ta cần phải biết điều này. Cho nên trong việc tu hành, tuyệt đối đừng vì sĩ diện, muốn hơn người, háo thắng. Bản thân không làm được mà cứ miễn cưỡng làm, sau cùng hủy hoại thân thể chính mình, đây là điều ngu si.
Sau khi tiên sinh Liễu Phàm phản tỉnh như thế xong.
Thiền sư Vân Cốc nói: “Đâu chỉ có vấn đề khoa cử như ông nói. Ở thế gian, người hưởng tài sản ngàn vàng thì nhất định là người có phước báo ngàn vàng, người hưởng tài sản trăm lượng thì nhất định là người có phước báo trăm lượng, người bị chết đói thì nhất định là người phải nhận báo ứng chịu chết đói. Ông trời chẳng qua là tùy theo nghiệp báo của mỗi người mà một mực thi hành đó thôi, chứ đâu có thêm tơ hào ý niệm nào ở trong đó”.
Đoạn này là danh ngôn chí lý, chúng ta phải tỉ mỉ mà nghiền ngẫm. Thiền sư Vân Cốc dạy Liễu Phàm, ngài nói, há chỉ có thi công danh thôi ư! Người đại phú, đại quý trong thế gian, người trong gia đình có tài sản ngàn vạn, thì nhất định là người có phước báo ngàn vàng. Hay nói cách khác, họ phải có phước phần này mới được. Trong đời quá khứ họ không tu phước thì làm sao họ có thể được phước báo? Trong đời quá khứ tu tích sâu dày thì đời này được phước báo lớn. Đời trước tích lũy mỏng manh thì họ sẽ được phước báo nhỏ. Đoạn này nghĩa là như vậy. Không tu phước, phải bị chết đói, cũng là do đời quá khứ tạo tội nghiệp sâu nặng. Báo ứng này là tự làm tự chịu, không hề liên quan đến trời, quỷ thần hay Phật, Bồ-tát. Cho nên sau cùng ngài nói: “Ông trời chẳng qua là tùy theo nghiệp báo của mỗi người mà một mực thi hành đó thôi, chứ đâu có thêm tơ hào ý niệm nào ở trong đó”. Nói cách khác, ông trời đối với tất cả chúng sanh quả thật rất công bằng. Ông trời ở đây, thực tế mà nói chính là quả báo tự nhiên, đích thực không thêm chút thành kiến nào, không thêm chút riêng tư nào ở trong đó. Bên dưới ngài nói với ông tầm quan trọng của việc tích lũy công đức, ngài đưa ra ví dụ rằng:
Lấy việc sanh con để nói, người có âm đức trăm đời thì nhất định sẽ có con cháu trăm đời đến giữ gìn phước của họ. Người có âm đức mười đời thì nhất định sẽ có con cháu mười đời đến giữ gìn phước của họ. Người có âm đức ba đời, hai đời thì nhất định có con cháu ba đời, hai đời đến để giữ gìn phước của họ. Còn những người tuyệt hậu không con nối dõi là do âm đức của họ quá mỏng.
Đây là thiền sư Vân Cốc mượn tri kiến của người thông thường, để khuyên tiên sinh Liễu Phàm phải tích lũy công đức. “Âm đức trăm đời”, như các bậc cổ thánh tiên vương thời xưa, trong lịch sử chúng ta thấy, như Vũ vương, Hạ, Thương, Chu. Nhà Hạ tại vị 400 năm, nhà Thương tại vị 600 năm, nhà Chu tại vị 800 năm, đây là thời kỳ dài nhất trong lịch sử, tổ tông có đức. Thời nhà Chu có thể tại vị lâu như vậy, là do công đức mà Văn vương, Vũ vương, Chu Công tích lũy được là đức trăm đời, nhất định có con cháu trăm đời đến giữ gìn công đức ấy, đây là nói theo nhãn quan của thế tục. Người không ở vương vị, như Khổng tử của Trung Quốc, Khổng tử là dạy học, dùng lòng đại công vô tư, chân thành yêu thương, dạy dỗ bất kỳ thành phần nào, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, nên ông tích được công đức rất lớn. Hiện nay, chúng ta thấy con cháu của ngài, đại khái truyền hơn 70 đời rồi. Không những ở Trung Quốc được người Trung Quốc tôn kính, ông Khổng Đức Thành đến Mỹ, ở San Francisco được nhân sĩ xã hội của Mỹ rất tôn trọng ông. Mọi người vừa nghe nói là hậu duệ của Khổng Phu tử thì đối đãi với ông đặc biệt trọng hậu, chính là nói đến điều này.
Âm đức mười đời, như đế vương của các triều đại. Hôm nay, chúng ta nói đến tiên sinh Liễu Phàm, ông là người thời nhà Minh. Thái Tổ thời nhà Minh cho đến tổ tiên của ông, đã tích lũy được công đức to lớn, cho nên có thể truyền đến 17 đời, có thể tại vị hơn 270 năm. Chúng ta xem lại người thế gian, người giàu có thông thường truyền được ba đời, truyền được hai đời, trong xã hội hiện nay không còn nhiều nữa, nhưng vẫn còn có thể thấy được. Truyền một đời là hết rồi, thậm chí đối với chính mình, đến lúc về già còn không giữ được. Lúc trung niên rất phát đạt, nhưng lúc về già thì phá sản, chúng ta thường thấy tình trạng này. Tình trạng này là gì vậy? Phước đức quá mỏng, họ không tích lũy công đức. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều là tự tư tự lợi. Mặc dù làm một chút việc tốt, nhưng cũng không từ bỏ danh văn lợi dưỡng. Họ làm việc tốt, nhưng việc tốt không có điều kiện thì họ sẽ không làm. Những việc tốt mà họ làm, họ làm một chút việc từ thiện trong xã hội, họ cần có cái giá của nó, là phải được đại chúng khen ngợi, chính phủ khen thưởng, như vậy họ mới chịu làm. Họ làm là vì điều này, không phải là chân tâm. Đây là giả thiện, không phải chân thiện, đây là phước đức quá mỏng.
Thiền sư đưa ra những ví dụ này để nói với Liễu Phàm, sau đó dạy ông nhắm vào những khuyết điểm của mình để thay đổi làm mới triệt để, như vậy thì ông mới được cứu.
Nay ông đã biết mình sai ở đâu.
Hôm nay, ông đã biết được lỗi lầm của mình.
Ông phải sửa đổi triệt để những lỗi lầm từ trước đến nay khiến ông không thi đậu khoa cử và không thể sanh con nối dõi.
Thay đổi vận mệnh bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ tập khí lỗi lầm của chính mình. Ông tự nghĩ xem, bây giờ ông đã nói nhiều như vậy, ông rất rõ ràng rồi, vì sao không thi đậu công danh? Ông nên sửa đổi tất cả những lỗi lầm khiến mình không thi đậu công danh. Vì sao ông không có con trai? Bây giờ ông đã phản tỉnh, ông cũng biết là mình phải sửa đổi tất cả những lỗi lầm này. “Sửa đổi triệt để”, loát là rửa sạch, cải là sửa đổi, sau đó dạy ông phải tu thiện.
Nhất định phải tích âm đức.
Điều cần thiết là nhất định phải tích đức. Trong quá khứ ông làm quá nhiều việc thất đức rồi, cống cao ngã mạn, thường dùng tài trí của mình để chèn ép người khác. Ở nơi đâu cũng muốn hơn người, háo thắng, không thể bao dung người khác, đây đều là thiếu đức, phải thay đổi.
Nhất định phải bao dung người khác.
“Bao hoang” là mở rộng tâm lượng. Tâm lượng của ông quá nhỏ hẹp, phải có thể bao dung tất cả. Sở dĩ Phật, Bồ-tát vĩ đại như thế, chính là nhờ tâm lượng lớn, “tâm bao thái hư lượng chu sa giới”. Hôm nay tôi có nói chuyện với mấy người bạn, tôi nói đến thổ dân Úc châu, họ tự xưng là “chân nhân” sống trên sa mạc hoang dã. Chính phủ cấp nhà cho họ, họ không ở, đem nhà làm thành kho chứa đồ, mỗi tối họ vẫn muốn ngủ ở ngoài trời, nơi hoang dã, đây là có đạo lý! Tâm của họ rộng rãi biết bao. Bạn tôi nói, ông bảo: “Quả thật người Mông Cổ, Tây Tạng, Thanh Hải, Tân Cương, những dân tộc du mục này, họ đều ở nơi hoang dã. Tiếng ca của họ rất phóng khoáng, tâm lượng rộng rãi”. Chúng ta hiện tại rất đáng thương, sống ở chung cư như trong lồng bồ câu vậy, tâm lượng này quá nhỏ hẹp! Sao có thể sánh với người ta được? Nhất định phải mở rộng tâm lượng, người tâm lượng rộng lớn có phước báo.
Nhất định phải hòa ái.
Nhất định phải hòa ái. Tiên sinh Liễu Phàm thiếu hòa khí, thiếu lòng yêu thương nên nhất định phải tu dưỡng.
Nhất định phải quý trọng tinh thần.
Thích uống rượu, thích thức đêm, đây đều là không biết quý trọng tinh thần của mình, không biết quý trọng thân thể mình. Thiền sư Vân Cốc đưa ra mấy trọng điểm này để dạy ông sửa đổi khuyết điểm, phải siêng năng tu học, tu thiện tích đức.
Hết thảy những việc trước đây xem như đã chết từ hôm qua.
Chuyện trước đây đã qua rồi, đừng nghĩ đến nó nữa.
Hết thảy những việc sau này xem như mới được sanh ra từ ngày hôm nay. Cái thân tái sanh này là con người nhân nghĩa đạo đức hoàn toàn mới.
Lời này nói rất hay, con người chỉ cần biết sửa đổi làm mới thì có thể vượt ra khỏi số mệnh, số mệnh không trói buộc họ được. Trong Phật pháp, đức Phật thường khuyên hàng đệ tử phải phát nguyện. Phát nguyện trong nhà Phật, người thế tục gọi là lập chí, là cùng một ý nghĩa. Nhưng đức Phật dạy người phát nguyện phục vụ chúng sanh, nếu muốn phục vụ chúng sanh thì bạn phải có năng lực phục vụ. Hay nói cách khác, bạn phải có đạo đức, có học vấn, có năng lực thì bạn mới có điều kiện để phục vụ cho xã hội, cho đại chúng. Do đó sau khi bạn phát tâm này, thì bạn cần phải tu dưỡng những điều kiện đó. Tu dưỡng phẩm đức thì bạn nhất định phải sửa đổi tập khí phiền não của mình. Thành tựu học vấn, thành tựu đức hạnh thì bạn nhất định phải tu thiện, tích lũy công đức, như vậy bạn mới có năng lực thực hiện nguyện vọng của mình. Ta giúp xã hội này, giúp những chúng sanh khổ nạn này, nếu bản thân không đầy đủ những điều kiện này thì quý vị phát nguyện này là nguyện suông, là hư nguyện, vĩnh viễn không thể thực hiện được. Nguyện giả, không phải thật. Nếu phát nguyện là hư giả, như vậy sẽ có tội, tội gì vậy? Tội gạt Phật, Bồ-tát, gạt chúng sanh, bởi vậy phát nguyện hư giả là có tội, không có công đức.
Đức Phật dạy hàng đệ tử, nguyện phổ biến nhất là tứ hoằng thệ nguyện. “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, nói như hiện nay, “độ” là giúp đỡ, hiệp trợ. Chúng sanh vô lượng vô biên, chúng ta phải phát tâm đi giúp đỡ họ, hiệp trợ họ. Giúp họ lìa khổ được vui, giúp họ phá mê khai ngộ, bản thân ta phải có năng lực mới được. Ba điều tiếp theo ở phía sau, thứ nhất là đoạn phiền não, thứ hai là học pháp môn. Đoạn phiền não là thành tựu đức hạnh của mình, học pháp môn là thành tựu học vấn của mình, sau đó thành Phật đạo là viên mãn công đức của mình. Nguyện này của quý vị là chân thật, không phải hư giả. Nếu nguyện lực này rất mạnh, rất lớn, vượt qua nghiệp lực, đây chính là nhà Phật gọi là “thừa nguyện tái lai”. Vận mệnh của bạn đã thay đổi 180 độ rồi, nguyện lực lớn hơn nghiệp lực thì sẽ thành công.
Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến chỗ này.
☆ Xem thêm: