Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 19)

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 19

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 20/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng, Thâm Quyến, Trung Quốc

 

           Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem Liễu Phàm Tứ Huấn, chương thứ tư: “Hiệu quả đức khiêm”. Ở trước đều nói đến sửa lỗi tích thiện, có thể sửa lỗi tích thiện đương nhiên là rất tốt, nhưng người sống trong xã hội không thể không quan hệ qua lại với đại chúng, do đó làm người quan trọng nhất là khiêm tốn. Nếu có tâm ngạo mạn thì rất khó làm được. Cho nên tiên sinh Liễu Phàm đem “đức khiêm” đặt ở phần sau cùng trong bốn bài văn, giống như phần lưu thông trong kinh Phật vậy, ý nghĩa rất quan trọng. Mời xem nguyên văn:

 

           Kinh Dịch dạy: Đạo của trời là hao tổn kẻ tự mãn mà lợi ích người khiêm hạ, đạo của đất là trở ngại kẻ tự mãn mà trợ giúp người khiêm hạ.  Quỷ thần thường gây họa kẻ ngạo mạn mà ban phước người khiêm tốn; con người thường chán ghét kẻ ngạo mạn mà ưa thích người khiêm tốn”.

           Đây là những câu trong Kinh Dịch.

 

           Do vậy chỉ có quẻ khiêm là sáu hào đều cát tường.

           Chúng ta xem, 64 quẻ trong Kinh Dịch, mỗi hào đều cát tường tốt đẹp mà không có tướng xấu thì chỉ duy nhất quẻ khiêm, chỉ có quẻ này.

 

           Kinh Thư nói: Ngạo mạn sẽ bị tổn hại, còn khiêm tốn sẽ được lợi ích”.

           Hai câu này được nói trong Kinh Thư.

 

           Nhiều lần tôi cùng bạn học đi thi, mỗi lần gặp những thư sinh nghèo sắp đỗ đạt, đều thấy họ nhất định có dáng vẻ khiêm hạ lộ rõ.

           Ở sau tiên sinh Liễu Phàm nói, rất nhiều lần ông cùng các bạn học tham gia các kỳ thi, thường gặp các học trò nghèo khó. Lúc sắp phát đạt, cũng chính là lúc họ sắp thi đỗ, trước đó họ có điềm báo, nhất định là họ rất khiêm tốn. Cho nên, xử sự đối nhân tiếp vật, quan trọng nhất là phải hết mực khiêm tốn. Có thể tiếp nhận người khác, có thể thành tựu người khác.

           Bốn câu này trong Kinh Dịch, chúng ta nói sơ lược một chút. “Khuy” là tổn thất, “doanh” là ngạo mạn, “thiên đạo” cũng chính là đạo lý tự nhiên. Phàm là người tự mãn thì luôn gặp một số chuyện tổn thất, chuyện thiếu hụt. Người có thể khiêm tốn thì nhất định đạt được lợi ích, đây là thiên đạo. “Đạo của đất là trở ngại kẻ tự mãn mà trợ giúp người khiêm hạ”. “Địa” là rộng lớn, “biến” là biến động, “lưu” nghĩa là tụ tập tại một nơi. Giống như dòng nước, nước thường chảy đến nơi trũng thấp, không chảy đến nơi cao. Cho nên “trở ngại kẻ tự mãn mà trợ giúp người khiêm hạ”. Như nước, chỗ cao là đầy, tự mãn, cống cao ngã mạn thì không đạt được lợi ích, không được thấm nhuần, được thấm nhuần luôn là chỗ thấp. “Quỷ thần thường gây họa kẻ ngạo mạn”, đối với người tự mãn, người ngạo mạn, quỷ thần luôn gây phiền phức cho họ, trêu đùa họ. Còn đối với người khiêm tốn thì quỷ thần tôn kính, quỷ thần giúp đỡ, cõi người làm sao có thể ngoại lệ được! Con người thường chán ghét kẻ ngạo mạn mà ưa thích người khiêm tốn”. Đối với người tự mãn, người tự đại, người kiêu ngạo thì mọi người thường chán ghét họ, đối với người khiêm tốn thì thường yêu thích họ. Cho nên quẻ khiêm này, chỉ có kiết tường, thuận lợi mà không có hung dữ. Đây là nguyên tắc làm người quan trọng. Bên dưới, tiên sinh Liễu Phàm đưa ra 5 người làm thí dụ, chúng ta quan sát từ chỗ này, cách nhìn của ông quả thực không sai, quan sát rất chuẩn xác. Thí dụ thứ nhất:

 

           Vào năm Tân Mùi, trong số cử nhân về kinh đô dự thi, thì nhóm đồng hương Gia Thiện chúng tôi có 10 người. Đinh Kính Vũ là người nhỏ tuổi nhất, tính tình hết sức khiêm hạ. Tôi nói với Phí Cẩm Pha rằng: Anh này năm nay nhất định sẽ thi đỗ. Họ Phí hỏi lại: Làm sao biết được? Tôi nói: Chỉ có người khiêm tốn mới được phước. Anh xem trong số 10 người chúng ta, có ai thành thật trung thực, không dám vượt trước người như Kính Vũ không? Có ai cung kính thuận theo, thận trọng khiêm hạ như Kính Vũ không? Có ai bị sỉ nhục mà không đáp trả, bị hủy báng mà không biện bạch như Kính Vũ không? Người như vậy ắt được trời đất quỷ thần thường trợ giúp, làm gì có đạo lý không phát đạt cho được? Đến khi yết bảng, quả nhiên Kính Vũ trúng tuyển.

           Năm đó tiên sinh Liễu Phàm 37 tuổi, ông đi thi tiến sĩ cùng với mười người bạn, huyện Gia Thiện tất cả có 10 người. Trong 10 người này ông nhận ra Đinh Kính Vũ, Kính Vũ là tự của ông, tên của ông là Đinh Tân. Trong số 10 người thì người này trẻ tuổi nhất, “nhỏ tuổi nhất”, vô cùng khiêm tốn. Liễu Phàm nói với một người bạn khác là Phí Cẩm Pha cũng tham gia kỳ thi lần này; nói với ông, Liễu Phàm nói Đinh Kính Vũ năm nay nhất định sẽ thi đỗ, thi đỗ tiến sĩ. Họ Phí nói: Làm sao ông biết? Tiên sinh Liễu Phàm nói: Chỉ có người khiêm tốn mới được phước, câu này là định luận từ trong Kinh Dịch. “Anh xem trong số 10 người”, anh xem trong số 10 người chúng ta có ai khiêm tốn như Đinh Kinh Vũ không? “Tuần tuần khoản khoản” là nói giữ chữ tín, trung hậu, thành thật. Không dám vượt trước người”, luôn đứng sau người khác. Điều này rất hiếm có, không dám đứng trước người khác. “Cung kính thuận theo, thận trọng khiêm hạ”, đối với mỗi người đều có thể cung kính thuận theo. Hay nói cách khác, trong đại chúng ông không cố chấp thành kiến của riêng mình, có thể tùy thuận người khác, rất khó được! “Bị sỉ nhục mà không đáp trả”, ông bị người khác sỉ nhục cũng không nói câu nào, nghe người khác hủy báng ông cũng không biện bạch. Đinh Kính Vũ đều làm được, bản thân ông như vậy nên trời đất quỷ thần đều sẽ giúp đỡ ông, làm gì có chuyện không thi đỗ cho được? Khi yết bảng, ông quả nhiên trúng tuyển, tiên sinh Liễu Phàm không đỗ. Liễu Phàm thi tiến sĩ ba lần, hai lần trước đều không đỗ, đây là lần đầu tiên, năm 37 tuổi ông đi thi, không thi đỗ. Vị thứ hai, ông đưa ra là Phùng Khai Chi, năm đó tiên sinh Liễu Phàm 43 tuổi.

 

           Năm Đinh Sửu tôi ở kinh thành.

           Năm Đinh sửu là công nguyên năm 1577. Chúng ta dùng công nguyên để tính thì chúng ta sẽ dễ tưởng tượng hơn. Năm đó ông lại đi thi tiến sĩ, đây là lần thứ hai đi thi. Lần thứ nhất là năm 37 tuổi, lần thứ hai là năm 43 tuổi, đây là lần thứ hai đi thi.

 

           Ở cùng một nơi với Phùng Khai Chi.

           Phùng Khai Chi cùng đi thi với ông, cũng là người Triết Giang, là đồng hương với nhau.

 

           Thấy ông này hết sức khiêm hạ, nét mặt nghiêm trang, những tập khí hồi nhỏ hoàn toàn không còn.

           Tập khí của ông khi còn trẻ hoàn toàn không còn nữa, lần này Phùng Khai Chi đi thi đã đỗ trạng nguyên, đây là bậc cao nhất của tiến sĩ.

 

           Lý Tế Nham là người bạn tốt, tính tình thẳng thắn, thường phê bình lỗi lầm ngay trước ông Phùng, nhưng chỉ thấy ông bình thản tiếp nhận, chưa từng có một lời biện bạch.

           Lúc đó có một người tên là Lý Tế Nham, đây là người bạn rất thẳng thắn, thấy người khác có lỗi lầm ông liền phê bình ngay trước mặt. Ông thấy Phùng Khai Chi, cũng phê bình không hề khách sáo, nhưng Phùng Khai Chi “bình thản tiếp nhận”, ông nghe xong trong lòng rất bình tĩnh, hoàn toàn tiếp thu chưa từng có một lời biện bạch”. “Tương báo” chính là biện bạch, không hề biện bạch một câu, hoàn toàn tiếp thu những gì người khác chỉ trích.

 

           Tôi nói với ông Phùng rằng.

           Ông nói với Phùng tiên sinh.

 

           Phước có điềm báo của phước, họa có điềm báo của họa.

           Họa phước đều có điềm báo, “thỉ” và “tiên” là nói dự báo.

 

           Tâm ông khiêm hạ như vậy.

           Ông khiêm tốn không phải giả, là thật, xuất phát từ tâm chân thành. Người khiêm tốn như thế: 

 

           Trời nhất định sẽ giúp đỡ ông.

           “Tương” là tương trợ, ông trời cũng sẽ giúp đỡ ông.

 

           Năm nay ông nhất định sẽ thi đỗ.

           Ông phán đoán, năm nay người này chắc chắn thi đỗ.

 

           Không lâu sau quả nhiên ông đã trúng cử.

           Không những ông thi đỗ, mà còn đứng đầu bảng. Về sau làm quan đến chức Biên tu của Viện hàn lâm. Đây là lần thứ hai tiên sinh Liễu Phàm tham gia thi tiến sĩ, gặp người đồng hương là Phùng tiên sinh. Trường hợp thứ ba:

 

           Ông Triệu Dụ Phong, tên Quang Viễn, người huyện Quán, tỉnh Sơn Đông, chưa đầy 20 tuổi mà đã thi đỗ cử nhân trong kỳ thi Hương, nhưng sau thi Hội nhiều lần chẳng đỗ.

           “Đồng niên” là chưa đầy 20 tuổi, 20 tuổi gọi là “nhược quan”, 19 tuổi trở xuống gọi là đồng niên, cho thấy người này rất thông minh. Tuổi còn trẻ mà ông đã thi đỗ cử nhân, thi đỗ cử nhân, về sau thi tiến sĩ thì mãi không đỗ, thi rất nhiều lần đều không đỗ.

 

           Cha ông được bổ chức Tam doãn ở huyện Gia Thiện.

           Phụ thân ông làm Tam doãn của huyện Gia Thiện, địa vị của Tam doãn là đứng thứ ba trong huyện. Thông thường chúng ta gọi đại doãn, đại doãn là huyện trưởng. Đại khái nói như hiện nay  thì nhị doãn tương đương với bí thư trưởng, bí thư chủ nhiệm. Tam doãn đại khái là huyện trưởng, đây là tổ chức của chính quyền huyện.

 

           Ông theo cha đi nhậm chức.

           Ông đi theo cha đến Gia Thiện nhậm chức, cha ông tương đương với chức huyện trưởng của chính quyền huyện.

 

           Vì ngưỡng mộ [học vấn] của Tiền Minh Ngô.

           Tiền Minh Ngô là một vị học giả đương thời, là một lão tiên sinh rất có học vấn và đức hạnh.

 

           Nên ông đem bài văn của mình đến thỉnh giáo Tiền tiên sinh.

           Ông tự viết văn, đem bài văn của mình viết cho Tiền tiên sinh xem.

 

           Minh Ngô xem xong, thảy đều gạch bỏ bài văn của ông.

           Tiền tiên sinh phê bình, chỉnh sửa gần hết bài văn của ông, rất nhiều chỗ đều bị gạch bỏ.

 

           Họ Triệu chẳng những không giận mà còn hết lòng khâm phục, nhanh chóng sửa đổi.

           Thông thường tập khí của văn nhân là luôn thấy văn của mình hay. Người khác sửa văn chương của mình thì trong lòng luôn thấy không phục. Nhưng Triệu Dụ Phong không như vậy, Tiền tiên sinh sửa văn của ông, chẳng những ông không hề tỏ vẻ nổi giận mà trong tâm còn thật sự bội phục, tâm phục khẩu phục, đích thực có thể sửa đổi.

 

           Năm sau ông đã thi đỗ tiến sĩ.

           Sang năm sau, ông lại tham gia thi tiến sĩ, ông đã thi đỗ. Khiêm tốn rất quan trọng! Vị thứ tư là Hạ Kiến Sở.

 

           Năm Nhâm Thìn, tôi vào kinh thành triều kiến, gặp Hạ Kiến Sở.

           Năm đó tiên sinh Liễu Phàm 58 tuổi, “triều kiến” là gặp hoàng đế, ở kinh thành gặp được Hạ Kiến Sở.

 

           Thấy người này khoan thư nhún nhường, nét mặt lộ rõ vẻ khiêm hạ.

           Rất khiêm tốn, thật sự làm được hạ mình mà tôn người.

 

           Trở về nhà tôi nói với bạn bè rằng.

           Ông trở về nói với những người bạn của mình.

 

           Hễ trời sắp giúp người nào hưng khởi, khi chưa được phước báo thì trước tiên sẽ khai mở trí tuệ cho họ. Khi trí tuệ được khai mở thì người hư dối tự nhiên sẽ trở nên chân thành, người phóng túng tự nhiên sẽ biết kiềm chế. Hạ Kiến Sở ôn hòa, hiền lành như vậy, ấy là được trời khai mở. Đến khi yết bảng, quả nhiên ông thi đỗ tiến sĩ.

           Năm Nhâm thìn ông gặp Hạ Kiến Sở, ông quan sát rất chính xác. “Hễ trời sắp giúp người nào hưng khởi”, câu này nghĩa là nói, người này trước khi sắp phát đạt, phước báo vẫn chưa xuất hiện nhưng trí tuệ đã hiển lộ. Sau khi trí tuệ hiển lộ “thì người hư dối tự nhiên sẽ trở nên chân thành”, “phù” là tùy tiện, tự nhiên họ rất chân thật, tính phóng túng của họ tự nhiên biến mất. “Hạ Kiến Sở ôn hòa, hiền lành như vậy, ấy là được trời khai mở”, đây là ông trời khai mở cho ông, trí tuệ của ông được khai mở rồi. Khi treo bảng kỳ thi lần này, quả nhiên ông đã đỗ. Vị thứ năm là Trương Úy Nham, đây là một trường hợp ngược lại.

 

           Trương Úy Nham người Giang Âm, học thức uyên bác, có danh tiếng trong giới văn chương.

           Ông học giỏi, viết văn hay, nói như hiện nay là ông rất có danh tiếng trong giới học thuật, mọi người đều rất tán thán ông.

 

           Năm Giáp Ngọ, ông về Nam Kinh thi Hương.

           “Thi Hương” là thi cử nhân, Trương Úy Nham là một vị tú tài đi thi cử nhân. 

 

           Ở trọ trong một ngôi chùa.

           Ông ở trong một ngôi chùa nọ.

 

           Đến khi yết bảng không thấy tên mình trúng tuyển, ông lớn tiếng chửi mắng quan chủ khảo là có mắt không tròng.

           Sau khi thi xong, khi công bố kết quả ông không đỗ. Thi không đỗ nên ông mắng quan chủ khảo, tôi viết văn hay như thế, vì sao không được chọn? Trong lòng rất bất bình.

 

           Lúc đó, có một vị đạo trưởng ở bên cạnh bật cười.

           “Đạo giả” là một vị đạo trưởng. Vị đạo trưởng ở bên cạnh, nghe ông chửi mắng quan chủ khảo, trong tâm bất bình, oán hận! Vị đạo trưởng này ở bên cạnh bật cười.

 

           Họ Trương liền quay sang nổi giận với đạo trưởng.

           Trương Úy Nham mắng quan chủ khảo, đạo trưởng ở bên cạnh cười nhạo, ông liền quay sang mắng vị đạo trưởng này.

 

           Đạo trưởng nói: Văn của ông chắc chắn không hay rồi”.

           Đạo trưởng bảo: Tiên sinh, văn của ông chắc chắn không hay!

 

           Họ Trương càng giận dữ hơn nói.

           Trương càng nổi giận hơn.

 

           Ông chưa từng đọc văn của tôi, làm sao biết không hay.

           Ông không thấy văn tôi viết, làm sao ông biết không hay?

 

           Đạo trưởng nói: Tôi nghe nói khi viết văn, quý ở chỗ tâm bình khí hòa. Nay nghe ông chửi mắng, tâm hết sức bất bình như thế, vậy thì văn làm sao hay được?”

           Vị đạo trưởng này nói rất có đạo lý, viết văn nhất định phải tâm bình khí hòa, tâm bình khí hòa mới có thể viết văn hay. Bây giờ nghe ông mắng quan chủ khảo, tâm ông rất bất bình, như vậy làm sao viết văn hay được. Trương Úy Nham cũng là một người rất khó được, ông nghe đạo trưởng nói rất có đạo lý.

 

           Họ Trương nghe xong đột nhiên khâm phục, bèn thỉnh giáo đạo trưởng.

           Ông không giận dữ nữa, ngược lại còn thỉnh giáo đạo trưởng. Hành động này rất hiếm có, thật không đơn giản!

 

           Đạo trưởng nói: Thi đỗ hay không đều do số mạng. Nếu số mạng không thi đỗ thì dù văn hay cũng chẳng ích gì. Phải tự thay đổi chính mình mới được”.

           Vị đạo trưởng này nói với Trương Úy Nham, thi có đỗ hay không đó là số mệnh, nếu số mệnh không thi đỗ, thì văn của ông viết hay đến đâu cũng vô ích. Cho nên thời xưa thi cử, không ai không xem trọng âm đức. Trên là tổ tông tích đức, dưới là bản thân phải có âm đức. Tích âm đức, làm những việc thiện không để người khác biết, vậy quỷ thần sẽ luôn âm thầm gia hộ, bạn tham gia thi cử cơ hội sẽ đỗ rất cao. Cho nên đạo trưởng nói với ông, bản thân ông phải tự làm một sự chuyển biến, giống như tiên sinh Liễu Phàm gặp thiền sư Vân Cốc vậy.

 

           Họ Trương nói.

           Trương Úy Nham nói.

 

           Nếu đã là số mệnh định sẵn thì làm sao thay đổi.

           Trong số mệnh đã không thi đỗ thì tôi làm cách nào để thay đổi đây?

 

           Đạo trưởng nói: Tạo mệnh do trời, nhưng lập mệnh do ta. Chỉ cần nỗ lực làm thiện, rộng tích âm đức thì có phước gì mà không thể cầu được”.

           Vị đạo trưởng này nói, tạo mệnh tuy là do ông trời, nhưng lập mệnh là do ta. Ý của ông hoàn toàn giống với cách nói của thiền sư Vân Cốc. Khuyên ông “nỗ lực làm thiện, rộng tích âm đức” thì có cầu ắt ứng!

 

           Trương nói: Tôi là thư sinh nghèo, sao có thể làm việc thiện?”

           Tôi là một người đọc sách nghèo, ông khuyên tôi đi làm việc thiện nhưng tôi không có điều kiện đó. Mặc dù trong tâm muốn làm, gọi là lực bất tòng tâm, tâm có thừa mà sức không đủ.

 

           Đạo trưởng nói: Làm việc thiện, tích âm đức đều do tâm tạo, thường giữ tâm thiện thì công đức vô lượng. Chẳng hạn như việc giữ tâm khiêm tốn nào có tốn kém tiền bạc gì, sao ông không biết tự xét lại mình, mà còn chửi mắng quan chủ khảo”.

           Dạy ông phương pháp tu thiện tích đức, việc thiện âm đức đều do tâm tạo. Phải thường giữ thiện tâm, phải thường giữ tâm giúp đỡ người khác, như vậy thì công đức vô lượng. Đây là đưa ra trường hợp hiện tại, sự khiêm tốn này không cần tốn tiền, ông có thể làm được. Vì sao ông không tự phản tỉnh mà lại đi mắng quan coi thi, đây là lỗi lầm của ông.

 

           Họ Trương từ đó nhún nhường, thường giữ đức khiêm hạ.

           Trương Úy Nham từ đó về sau dần dần sửa đổi hết tập khí ngạo mạn.

 

           Tâm thiện ngày càng tăng trưởng, đức hạnh ngày một sâu dày.

           Ông thật thà đoạn ác tu thiện, ngày ngày tự kiểm điểm bản thân, cho nên thiện đức của ông ngày ngày tiến bộ.

 

           Năm Đinh Dậu, ông mơ thấy đi đến một căn nhà cao lớn, nhìn thấy một cuốn sổ ghi tên người thi đỗ, trong đó có nhiều hàng bỏ trống, bèn hỏi người bên cạnh, người đó nói: Đây là danh sách người trúng tuyển khoa thi này. Ông hỏi: Vậy tại sao khuyết nhiều tên như thế?”

           Năm Đinh dậu, có một hôm ông nằm mơ, thấy mình đến một ngôi nhà rất lớn. Ngôi nhà lớn này, nhất định là cơ cấu làm việc của chính phủ, không phải là ngôi nhà của người bình dân, xây dựng rất cao lớn. Trong này, ông thấy một cuốn danh sách, trong danh sách này có rất nhiều ô để trống. Ông rất hiếu kỳ hỏi người bên cạnh, đây là gì? Người đó nói với ông, đây là danh sách tên những người năm nay thi đỗ. Ông lại hỏi, vì sao trong danh sách có rất nhiều ô thiếu tên như vậy?

 

           Người ấy đáp: Việc đỗ đạt, ở cõi âm cứ 3 năm lại có một lần tra xét”.

           Tức là nói cứ 3 năm thẩm tra lại môt lần.

 

           Phải là người tích âm đức, không phạm lỗi lầm thì mới có tên.

           Người vốn có tên trong danh sách, nếu trong 3 năm này họ tích đức, không có lỗi lầm thì tên của họ mới được giữ lại.

 

           Những tên bị khuyết ở phía trước.

           Ông thấy những ô trống ở đây.

 

           Vốn là những người lẽ ra được thi đỗ.

           Họ vốn dĩ lần này được thi đỗ.

 

           Nhưng do gần đây phẩm hạnh không tốt nên bị gạch tên.

           Vì trong 3 năm này họ tạo tác ác nghiệp nên bị xóa tên.

 

           Sau đó, người đó chỉ vào một hàng nói: Trong 3 năm qua.

           Ông 3 năm trở lại đây.

 

           Ông luôn biết giữ mình thận trọng, có thể được ghi tên vào trong đây, mong ông tự biết lo liệu.

           Người đó nói, 3 năm lại đây ông có thể bỏ tâm cao ngạo, học đức khiêm hạ, mỗi ngày tu thiện tích đức, có lẽ sẽ được bổ sung vào chỗ còn khuyết này, hy vọng ông biết lo cho mình.

 

           Khoa thi năm ấy quả nhiên Trương Quý Nham thi đỗ, hạng thứ 105.

           Lần đó ông tham gia thi cử, chính là tham gia kỳ thi năm Đinh Dậu, quả nhiên ông thi đỗ, đứng thứ 105. Sửa đổi lỗi lầm đích thực có hiệu nghiệm.

           Bên dưới là đoạn thứ hai, đây là tổng kết. “Khiêm tốn, khắc phục bản thân là nền tảng được phước”.

 

           Từ đây có thể biết, ngẩng đầu ba thước nhất định có thần minh.

           Con người chúng ta làm sao để chung sống với trời đất quỷ thần? Trong thế gian hiện nay, người thông thường không tin tưởng, không tin có quỷ thần, hoàn toàn phớt lờ đối với vấn đề quỷ thần này. Có quỷ thần hay không? Có quỷ thần, quỷ thần có giúp đỡ chúng ta không? Đã không còn giúp đỡ nữa, tuy có quỷ thần nhưng họ đều đã rời xa. Con người không tin Phật, Bồ-tát, không tin trời đất quỷ thần. Trời đất quỷ thần chỉ đành đứng một bên yên lặng quan sát, xem bạn tạo tội, xem bạn thọ chịu ác báo. Khi nào bạn quay đầu, hồi tâm chuyển ý, biết sám hối thì trời đất quỷ thần vẫn đến chăm sóc bạn. Người đồng tâm này, tâm đồng lý này, quỷ thần cũng không ngoại lệ.

 

           Việc lành dữ, tốt xấu chắc chắn là do chính mình.

           Bản thân nhất định phải tạo nhân, điều này quỷ thần không thể giúp chúng ta được.

 

           Cần phải thường giữ tâm hiền thiện, kiểm soát hành vi, không được có chút đắc tội với trời đất quỷ thần, hơn nữa phải khiêm tốn nhún nhường, khiến cho trời đất quỷ thần lúc nào cũng yêu mến ta, như vậy mới có nền tảng được phước.

           Mấy câu này rất quan trọng, chúng ta nhất định phải giữ thiện tâm, nhất định phải kiểm soát được hành vi không chánh đáng của mình. Trời đất quỷ thần rất lương thiện, chúng ta làm điều bất thiện thì đắc tội với họ rồi. Chúng ta tu thiện tích đức là đồng tâm, đồng nguyện với trời đất quỷ thần, sở thích giống nhau. “Khiêm tốn nhún nhường”, “khuất” là phải hạ mình, phải uyển chuyển bản thân, chúng ta thường gọi là uyển chuyển cầu toàn, như vậy trời đất quỷ thần tự nhiên bảo hộ cho bạn. Bất luận ở đâu, bất luận đối với ai, bản thân có thể chuyển biến một chút, uyển chuyển một chút, rất tốt! Đây mới là “nền tảng được phước”, cơ là  nền tảng.

 

           Những người tính khí cao ngạo, nhất định không có lòng độ lượng lớn.

           Người này ỷ thế lấn át người, cống cao ngã mạn, nên tiền đồ của họ không cao xa được. “Nhất định không có lòng độ lượng lớn”, “khí” chính là lòng độ lượng, lòng độ lượng có lớn nhỏ. Lòng độ lượng của người này không lớn, lòng độ lượng không lớn nên thành tựu cũng không lớn.

 

           Dù có phát đạt thì cũng không thể thọ hưởng lâu dài.

           Cũng chính là nói, người như vậy dù phát đạt cũng không thể hưởng được phước báo lâu dài.

 

           Cho nên, người có chút hiểu biết chắc chắn sẽ không ai chịu để tâm lượng của mình hẹp hòi, rồi tự đánh mất đi phước báo như thế.

           Đây là nói người có một chút kiến thức, nhất định không nhẫn tâm khiến tâm lượng của mình trở thành nhỏ hẹp như thế, bản thân rời xa phước báo của mình. Nhưng trong xã hội hiện nay, chúng ta thấy không ít người như vậy.

 

           Huống hồ khiêm cung ắt sẽ được nhiều người chỉ dạy, sẽ học hỏi được vô số điều tốt. Đặc biệt là người theo đường học vấn, nhất định không thể thiếu sự khiêm hạ.

           Câu này rất quan trọng, huống hồ một người có thể khiêm tốn thì họ có thể tiếp thu lời dạy bảo của người khác. Nếu như bạn cống cao ngạo mạn thì ai chịu dạy bạn chứ. Nếu bạn có thể hết mực khiêm tốn, những bậc có học vấn, có đạo đức gặp bạn đều hoan hỷ dạy bạn, đều hoan hỷ giúp đỡ bạn, đều hoan hỷ thành tựu bạn, bạn sẽ học hỏi được vô số điều tốt! Đặc biệt là người tu nghiệp, người đọc sách, người theo đường học vấn “nhất định không thể thiếu sự khiêm hạ”. Xem tiếp bên dưới:

 

           Lời xưa có câu: Có chí ở công danh ắt được công danh, có chí ở phú quý ắt được phú quý. Người có chí như cây có gốc. Kiên định chí nguyện rồi thì phải luôn nhớ khiêm hạ, vận dụng vô số phương tiện để làm việc thiện, tự nhiên sẽ cảm động trời đất. Thế nên tạo phước là do chính mình.

           Đây là tiên sinh Liễu Phàm mượn lời cổ nhân để nói, có chí cầu công danh, có cầu ắt ứng. Mạnh tử nói nhất định được công danh. Có chí cầu phú quý ắt được phú quý. Trong việc cầu này phải có đạo, vì sao tôi phải cầu công danh? Chư vị phải biết, công danh đây là thời xưa người muốn thi đỗ cử nhân, thi đỗ tiến sĩ, mục đích là để làm quan, mục đích làm quan là vì nhân dân phục vụ. Nói cách khác là hy vọng tìm được cơ hội phục vụ cho nhân dân, mục đích là như vậy, tuyệt đối không phải lợi ích chính mình. Nếu vì vinh hoa phú quý của mình, vậy cái bạn cầu không phải là đạo. Trong số mệnh bạn có công danh, có phú quý là do đời trước tu được. Trong đời này số mệnh không có công danh, không có phú quý, ta cầu công danh, cầu phú quý không phải cầu cho mình. Cầu cho riêng mình thì không cầu được. Vì sao họ muốn cầu? Cầu là vì xã hội, vì chúng sanh, hy vọng tôi cầu chức vị này để có thể phục vụ nhân dân. Tâm này, nguyện này trời đất quỷ thần đều tán thán, cho nên trời đất quỷ thần sẽ giúp bạn.

           Ngày xưa đọc sách và hiện nay đọc sách quả thật không giống nhau. Người đọc sách hiện nay, học đại học, học ở viện nghiên cứu, bạn hỏi họ vì sao đi học, vì sao muốn lấy học vị này? Đều là vì bản thân, vì danh văn lợi dưỡng của mình, vì hưởng thụ ngũ dục lục trần của bản thân, điều này hoàn toàn không giống trước đây. Cho nên, chúng ta đọc cuốn sách này, có trời đất quỷ thần không? Tôi nói cho các đồng học biết, nhất định có. Giống như xã hội này của chúng ta, tuy xã hội này của chúng ta người ác rất nhiều nhưng vẫn có người thiện. Người thiện ví như trời đất quỷ thần, người ác giống như yêu ma quỷ quái. Trong xã hội hiện nay yêu ma quỷ quái không ít. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói với chúng ta, nói thời kỳ mạt pháp, cũng chính là nói xã hội hiện nay: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, tà sư chính là chỉ yêu ma quỷ quái. Điểm khác nhau giữa yêu ma quỷ quái và Phật, Bồ-tát là gì? Chư Phật, Bồ-tát dạy người chánh pháp, dạy người đoạn ác tu thiện. Yêu ma quỷ quái dạy người tà pháp, dạy người tăng trưởng tham, sân, si, mạn, điều họ dạy không giống nhau. Chúng ta thử nghĩ xem, người thế gian hiện nay, vì sao rất nhiều người tin theo tà giáo, tiếp nhận tà pháp? Rất đơn giản, họ dạy bạn tham, sân, si, mạn, dạy bạn hưởng thụ ngũ dục lục trần, dạy bạn không từ thủ đoạn, nó hợp với mong cầu của mình  nên tự nhiên đi theo. Cho nên, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng, sức mạnh của tà ác lan tràn khắp xã hội. Chánh pháp, chánh pháp chỉ còn cách ẩn mình lại, hy vọng chánh pháp không bị tà pháp tiêu diệt hoàn toàn, vậy thì chỉ còn cách thu mình lại để cầu sinh tồn. Đây gọi là “pháp nhược ma cường”, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Trong hoàn cảnh này, chúng ta nhất tâm hướng thiện, tự nhiên được chư Phật, Bồ-tát, thiện thần gia hộ. Không nên nhìn thấy hiện tượng xã hội hiện nay, khắp nơi đều khiến chúng ta nản lòng. Nếu chúng ta thật sự nản lòng tiêu cực, không chỉ bất lợi cho chính mình, bản thân không thể phấn đấu hướng thượng, không thể nâng cao cảnh giới của mình. Đã không thể nâng cao thì nhất định đọa lạc. Chúng ta cũng có lỗi với các vị thánh hiền, có lỗi với lịch đại tổ sư truyền thừa chánh pháp, chúng ta phải hiểu đạo lý này.

           Cho nên, mặc dù sống trong xã hội ngày nay, chúng ta vẫn phải lập chí, chúng ta vẫn phải hướng thượng, chúng ta phải làm tấm gương tốt cho mọi người noi theo. Gian nan và khốn khó là điều tất nhiên, sức mạnh này chắc chắn rất lớn, chúng ta phải có thể đột phá. Khi sức mạnh tà ma bên ngoài quá lớn mạnh thì chúng ta phải biết tránh né. Phương pháp của cổ đức là ẩn cư, ẩn cư trong rừng sâu, tuyệt đối không sinh xung đột lợi hại với họ, như vậy chánh pháp vẫn có thể kéo dài. Các bậc đại đức xưa nay gặp phải kiếp nạn như vậy thường ẩn cư trong núi sâu, dạy một hai người đệ tử, vậy thì pháp mạch vĩnh viễn không bị đoạn tuyệt. Đến khi chúng sanh có phước báo, những truyền nhân này truyền đến đời sau chắc chắn sẽ khai hoa kết trái. Ví dụ như Thiền tông là một trường hợp rất hay, tổ sư Đạt-ma đến Trung Quốc truyền pháp, không ai biết đến ngài. Khi ngài gặp Lương Võ Đế, trong lúc nói chuyện đã khiến Lương Võ Đế không vui, Lương Võ Đế không hộ trì ngài. Ngài đành phải đến Thiếu Lâm Tự quay mặt vào vách, suốt đời chỉ truyền được một người, đó là ngài Huệ Khả. Suốt đời ngài Huệ Khả cũng chỉ truyền một người, truyền cho ngài Tăng Xán. Chỉ cần truyền cho một người là được, như vậy pháp này sẽ không bị đoạn diệt. Đến đời thứ 6, nhân duyên của đại sư Huệ Năng đã chín muồi. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền pháp cho ngài Huệ Năng, cả đời ngài Huệ Năng chẳng những truyền cho hơn 40 người, mà còn đem Thiền tông truyền khắp Trung Hoa. Trong Phật pháp gọi đây là “thời tiết nhân duyên”, nhân duyên không chín muồi thì không thể miễn cưỡng, miễn cưỡng chắc chắn không được lợi, mà ngược lại còn bị nó hại.

 

           Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.

 

 

 Xem thêm:

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 15)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 16)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 17)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 18)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 20)

Tin liên quan