LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
Tập 18
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 16/04/2001
Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu
Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng, Thâm Quyến, Trung Quốc
Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Chúng ta xem tiếp đoạn “phương pháp tích thiện”. “Cho nên, việc tốt thường dễ thất bại, còn người tốt thường bị hủy báng”. Chúng ta đọc đến hai câu này có cảm xúc rất sâu sắc.
Lúc ấy, chỉ có những bậc nhân đức hơn người mới đứng ra đính chính lại và giúp đỡ họ, công đức ấy hết sức lớn lao.
Trong tình hình này chỉ có dựa vào những bậc trưởng bối có đức hạnh, họ đứng ra sửa lại những sai trái xấu ác đó, dạy họ cải tà quy chánh, bảo hộ và giúp đỡ người thiện, giúp họ đứng vững, vậy thì công đức này là lớn nhất. Bên dưới đoạn thứ tư nói.
Thế nào là khuyên người làm thiện? Đã sinh ra làm người, ai cũng có lương tâm. Nhưng đường đời bôn ba xuôi ngược nên rất dễ đắm chìm sa đọa. Do đó, hễ giao tiếp với người khác, ta nên khéo léo phương tiện nhắc nhở, giúp họ trừ bỏ những sai lầm mê muội. Ví như, vì người đang say trong giấc mộng đêm dài mà giúp họ tỉnh mộng.
Như thế nào gọi là “khuyên người làm thiện”? Tiên sinh Liễu Phàm nói, một người sanh ra ở thế gian này làm sao không có lương tâm cho được? Thực tế “lương tâm” chính là câu mở đầu nói Tam Tự Kinh: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, “tánh bổn thiện” chính là hành xử theo lẽ trời. Nhưng “đường đời bôn ba xuôi ngược”, “dịch dịch” là hình dung thế gian này, vô cùng bận rộn vất vả, “rất dễ đắm chìm sa đọa”, đặc biệt là xã hội hiện đại, sức mê hoặc quá lớn. Tâm thiện lương vốn có của con người đã bị những thứ này dụ dỗ, mê hoặc.
Trước đây khi tôi ở Đài Loan, có một lần ở nhà thầy Phương Đông Mỹ, gặp được mấy vị quan chức trong bộ giáo dục. Họ đến thỉnh giáo thầy Phương về vấn đề làm thế nào để phục hưng nền văn hóa xưa, họ nói rất nhiều, tôi cũng ở bên cạnh nghe. Trong đó có một vị đưa ra một vấn đề khác: “Nước Mỹ hiện nay là quốc gia mạnh nhất trên thế giới. Nhìn từ kinh nghiệm lịch sử thì quốc gia mạnh đến mấy cũng có ngày diệt vong. Nhà Chu của Trung Quốc 800 năm cũng bị diệt vong, La Mã của phương Tây 1.000 năm cũng diệt vong”. Họ hỏi: “Tương lai nước Mỹ diệt vong, nhân tố đầu tiên là gì?” Thầy Phương rất nghiêm túc, trầm mặc khoảng 5 phút, sau đó nói hai chữ “truyền hình”. Thầy nói tương lai nguyên nhân nước Mỹ mất nước, nhân tố đầu tiên chính là truyền hình. Truyền hình là một loại công cụ, không có thiện ác, vậy sao có thể khiến đất nước diệt vong? Nội dung trong truyền hình phát sóng là gì? Toàn là sát, đạo, dâm, vọng. Bất luận là người lớn hay trẻ con, mỗi ngày đều đối diện với những hình ảnh này, đây là “rất dễ đắm chìm sa đọa”, bị nó ô nhiễm quá nghiêm trọng. Cho nên thầy Phương nói: “Nước Mỹ diệt vong không phải do nguyên nhân nước khác. Không có ai xâm lược hay đánh nước Mỹ, mà chính nước Mỹ tự diệt vong”. Lúc đó, thầy cũng đưa ra lời cảnh báo: “Đài Loan tuyệt đối phải chú ý, nếu như không kiểm soát tốt chương trình truyền hình, hướng tới tự do mở cửa như nước Mỹ thì tương lai xã hội của Đài Loan không thể cứu vãn”. Hầu như lời thầy Phương nói đều đã đúng. Hiện nay, ngoài truyền hình ra còn có mạng Internet, điều này rất đáng sợ!
Xem tiếp đoạn văn bên dưới: “Hễ giao tiếp với người khác, ta nên khéo léo phương tiện nhắc nhở, giúp họ trừ bỏ những sai lầm mê muội”. Chúng ta chung sống, qua lại với người, phải giữ tâm nhân từ, tâm yêu thương, phải thời thời khắc khắc giúp đỡ người khác, nhắc nhở người khác, để họ phá mê khai ngộ, quay đầu là bờ. “Ví như, vì người đang say trong giấc mộng đêm dài mà giúp họ tỉnh mộng”, họ đang chìm trong giấc mộng lớn, chúng ta nghĩ đủ mọi cách hy vọng họ tỉnh lại.
Ví như, vì người bị vây hãm trong phiền lão đã lâu mà cứu lấy tâm an ổn cho họ. Ân huệ đó lớn lao không gì bằng.
“Phổ” là rộng lớn. Ví dụ người này bị chìm đắm trong phiền não lâu ngày, điều này trong xã hội hiện nay dường như rất phổ biến, chúng ta làm sao đem đến cho họ một thang thuốc thanh tịnh, ân huệ như vậy là lớn nhất.
Hàn Dũ nói: “Khuyên người trong nhất thời thì dùng lời nói, khuyên người đến trăm đời thì viết thành sách”. Nếu so với việc cùng người làm thiện ở trên, tuy là có hình thức, nhưng phải tùy bệnh cho thuốc thì mới có hiệu quả rõ rệt, nên không thể [nản lòng] mà bỏ dở. Còn như, không nên nói mà lại nói, không nên dạy mà lại dạy, thì phải tự xét lại trí tuệ của chính mình.
“Hàn Dũ” là người thời nhà Tống, khi trực tiếp khuyên người, việc này là dùng lời nói. Nếu muốn khuyên dạy xã hội đại chúng một cách rộng rãi, thì chỉ có viết sách mới có thể làm được. Cho nên, “nếu so với việc cùng người làm thiện ở trên, tuy là có hình thức” nhưng nhất định phải biết “tùy bệnh cho thuốc” thì mới đạt được hiệu quả tốt. Xã hội hiện nay thường mắc bệnh gì? Người thiện giống như vị thầy thuốc giỏi, nhất định phải hiểu rõ nguồn gốc của bệnh, [biết được] làm sao để trị liệu, vậy công đức này rất lớn. “Thất ngôn” là điều không nên nói, nhưng bạn lại nói ra đây gọi là “thất ngôn”. “Thất nhân” là người không nên dạy, nhưng bạn lại đi dạy họ. Ví dụ có rất nhiều pháp sư giảng kinh, tôi từng nghe nói, cũng từng nghe họ giảng. Những gì họ giảng đều là chú giải của các bậc cổ đức thời Đường và Tống, giảng điều này cho mọi người nghe gọi là “thất nhân”. Những người này đều là người hiện đại, bệnh họ mắc phải không giống với bệnh của người thời nhà Đường, nhà Tống. Đem phương thuốc thời Đường, Tống cho người hiện nay uống thì không có hiệu quả. Đây là người giảng kinh “không nên nói mà lại nói”, còn đối tượng là “không nên dạy mà lại dạy”.
Hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển, không cần viết sách cũng được, ngày nay viết sách dường như hiệu quả không lớn lắm. Ngày nay hiệu quả lớn nhất, không gì bằng truyền bá qua truyền hình vệ tinh, truyền bá qua mạng Internet, hiệu quả này rất lớn. Cho nên, chúng ta không thể không hiểu, không thể không biết cách vận dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật cao này để truyền bá. Dùng nó để khuyên tất cả đại chúng trong thế gian, có thể không cần ấn tống sách, chúng ta đem những hình ảnh này, đem những bài giảng này làm thành đĩa CD, lưu thông rộng rãi lợi ích quần chúng, đây là việc tốt! Đoạn bên dưới, “thế nào là cứu người lúc nguy cấp”. Chúng ta xem đoạn văn này.
Thế nào là cứu người lúc nguy cấp? Người đời ai cũng có lúc nguy cấp hoạn nạn. Nếu gặp những trường hợp ấy, ta nên xem như trên thân của mình mọc mụn độc, phải nhanh chóng giải cứu.
Con người ở thế gian rất khó tránh khỏi hoạn nạn khốn khó, đặc biệt là sống trong thời đại này. Mỗi ngày chúng ta đều nhận được tin tức từ báo chí và truyền thông, thiên tai ngày càng nhiều, mỗi lần càng nghiêm trọng hơn, đây đều là điềm báo rất hung dữ, không phải là việc tốt! Năm trước, có một vị đồng tu ở Mỹ gởi cho tôi một tài liệu, là con số do nước Mỹ thống kê. Mỗi ngày tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội có đến 69 triệu vụ án, đây là có báo án, còn chưa báo án thì không biết là bao nhiêu. Tôi từng đem vấn đề này thỉnh giáo Tổng Thanh tra ở khu vực Los Angeles, tôi hỏi: “Việc này có thật không?” Ông nói: “Là thật”. Tôi hỏi: “Hiện nay tình hình như thế nào”? Ông nói: “Hiện nay vẫn đang tăng trưởng, chưa có cách nào khống chế nó”. Việc này đã xảy ra 2 năm rồi. Tôi suy đoán, hiện nay tỉ lệ thanh thiếu niên phạm tội ở Mỹ nhất định vượt qua 70 triệu vụ án, đây là một ngày! Bạn nói như vậy thì làm sao chịu nổi! Điều này quá đáng sợ! Quả thật “như trên thân của mình mọc mụn độc”, “đồng quan” là mụn độc, trên thân người mọc mụn độc, bạn biết sẽ đau đớn cỡ nào. Làm sao để giúp họ giải thoát? Đây là dùng ví dụ để nói.
Hoặc dùng lời nói làm sáng tỏ nỗi oan ức của họ.
Người này bị oan ức, chúng ta giúp đỡ họ, có thể nói ra một lời thay họ minh oan.
Hoặc tìm mọi cách để giúp họ thoát khỏi nỗi khốn khổ.
Cuộc sống lưu lạc gian nan, rất khổ! Chúng ta từ trên nhiều phương diện nghĩ cách cứu tế, giúp đỡ họ.
Thôi tử nói: “Ân huệ không phải ở chỗ nhiều ít, mà giúp người lúc nguy cấp mới đáng quý”. Quả thật là lời nhân hậu biết bao!
Ân huệ không phải ở chỗ nhiều hay ít, mà quan trọng là cứu giúp lúc nguy cấp, người gặp lúc nguy nan, như gặp lúc mưa, phải nhanh chóng đi giúp đỡ họ. Việc nguy cấp trước mắt, tôi nghĩ việc cấp bách nhất, cấp nạn nghiêm trọng nhất không gì hơn nguy cơ về tư tưởng. Nguy cơ này đã phổ biến trên toàn thế giới, bất kỳ quốc gia khu vực nào. Chúng ta hãy tỉ mỉ nghe thử người xung quanh nói chuyện, họ nói những gì? Từ trong lời nói của họ, chúng ta sẽ biết được họ đang nghĩ gì, họ nói gì, họ làm gì. Mọi việc làm sai trái đều sinh ra từ tư tưởng không tốt, cho nên nguy cơ về tư tưởng mới là nguồn gốc! Vì sao sinh ra nguy cơ này? Do đã hoàn toàn đánh mất giáo huấn đạo đức của thánh hiền, không còn ai đề xướng nữa. Nói đến giáo hóa chúng sanh, giáo hóa chúng sanh trên toàn thế giới, việc làm có hiệu quả nhất chính là truyền bá qua truyền hình vệ tinh và mạng Internet. Chúng ta xem nội dung trên truyền hình là gì, nội dung trên mạng Internet là gì thì biết ngay. Truyền hình và mạng không có giáo học về đạo đức, nhân nghĩa, chỉ có sát, đạo, dâm, vọng, chỉ có tranh danh đoạt lợi. Dạy người cạnh tranh như thế nào, đấu tranh như thế nào, sau cùng là chiến tranh như thế nào. Phát triển đến mức chiến tranh, thì đó chính là toàn thế giới bị hủy diệt. Cho nên ngày nay, toàn bộ xu hướng là như vậy, đây là nạn lớn của nhân gian. Chỉ có bậc nhân nghĩa đạo đức mới có thể cứu vãn được kiếp vận của thế giới, đó là những người nào? Là những người hiện nay có quyền lực thao túng phương tiện truyền bá. Họ có năng lực hủy diệt thế giới này, họ cũng có năng lực cứu vãn thế giới này. Rốt cuộc thế giới này sẽ đi đến con đường hủy diệt, hay được cứu vãn? Điều này chỉ trong một niệm của họ. Đoạn bên dưới nói:
Thế nào là xây dựng những công trình lợi ích lớn cho cộng đồng? Nhỏ thì trong một thôn làng, lớn thì trong một thành thị.
“Thành thị” là thành phố.
Phàm có lợi ích cho đại chúng thì đều nên khởi công xây dựng.
Đây là ngày xưa vào thời nhà Minh, trong tình trạng xã hội lúc đó.
Hoặc là đào mương dẫn nước.
Các công trình thủy lợi, như khai thông sông ngòi để dẫn nước vào.
Hoặc đắp đê ngăn lũ, hoặc tu sửa cầu đường để mọi người qua lại thuận tiện, hoặc cung cấp cơm ăn, nước uống để cứu giúp người lúc đói khát. [Đối với những việc ấy] nên tùy duyên khuyến dụ mọi người cùng nhau góp sức xây dựng. Khi đã làm thì đừng sợ bị kẻ khác hiềm nghi, đừng nề hà gian khó.
Chúng ta thấy, người xưa họ làm những việc phúc lợi xã hội. Việc này, ngày nay chúng ta gọi là đề xướng sự nghiệp phúc lợi xã hội. Đây là việc cần phải nỗ lực đi làm, nhưng phải xem nhu cầu của xã hội hiện thời. Ngày nay, lợi ích lớn nhất trong xã hội là dạy về luân lý đạo đức. Điều này nói khó cũng không khó, vào thời xưa đích thực là khó khăn. Nếu xã hội diễn biến thành hiện tượng như hiện nay, quả thật chư Phật, Bồ-tát hay thần tiên gì cũng không thể cứu nổi, không có khả năng. Ngày nay ai có năng lực để cứu vãn? Như tôi vừa mới nói, người có quyền thao túng vệ tinh, mạng Internet, những người này có quyền lực. Nếu họ sử dụng quyền lực của mình, mỗi ngày có thể dùng một đến hai tiếng đồng hồ đề xướng nhân nghĩa đạo đức, đề xướng giáo huấn của thánh hiền. Tôi tin rằng thế giới này chưa đến một năm, chỉ nửa năm thôi thì sẽ thay đổi được phong khí. Tại sao vậy? Vì con người đều có lương tâm, đáng tiếc là không có người thức tỉnh. Chỉ cần có người thức tỉnh, hằng ngày ở đây nói thì lương tâm của họ sẽ được phát khởi. Lương tâm phát khởi, quay đầu là bờ, đây là lợi ích lớn nhất trước mắt, không có lợi ích nào lớn hơn việc này. Đoạn thứ bảy:
Thế nào gọi là bỏ tiền của ra làm phước? Hàng vạn thiện hạnh của nhà Phật thì lấy bố thí làm đầu. Nói đến hạnh bố thí, kỳ thực chỉ là một chữ “xả” mà thôi.
“Thích môn” là nói nhà Phật. Nhà Phật nói “Bồ-tát hạnh”, phương pháp và cách làm vô lượng vô biên, nhưng quy nạp lại không ngoài “bố thí”. Cho nên sáu nguyên tắc chung của Bồ-tát hạnh, điều đầu tiên là bố thí. Thế nào gọi là bố thí? “Bố thí” chính là xả, quên mình vì người.
Bậc đạt đạo thì trong tâm buông xả sáu căn, bên ngoài buông xả sáu trần; cho đến hết thảy những vật sở hữu, không có gì là không buông xả.
Đây không phải là người bình thường, “đạt giả”, đạt là thông đạt, ai là người thông đạt? Trong nhà Phật nói, pháp thân Bồ-tát mới thật sự là người thông đạt, vì sao vậy? Vì họ đã thật sự hoàn toàn xả bỏ, những lời này là sự thật, không phải hư cấu, nhưng phàm phu không làm được. Phàm phu có thể xả tài, có thể xả vật ngoài thân đã là không tệ rồi. Nếu bảo họ nội ngoại đều xả, tất cả mọi thứ thảy đều xả bỏ thì điều này họ không làm được. Bên dưới nói:
Nếu không làm được như vậy.
Nếu không làm được, lục đạo phàm phu không làm được.
Thì trước tiên làm từ bố thí tài vật.
Chúng ta bắt tay làm từ đây trước.
Người đời nhờ vào cơm ăn áo mặc mà duy trì mạng sống, cho nên tiền tài là quan trọng nhất. Nếu chúng ta từ chỗ này mà buông xả thì bên trong trừ được tâm keo kiệt của mình, bên ngoài lại giúp được nguy cấp của người. Mới đầu làm thường sẽ miễn cưỡng, nhưng lâu dần sẽ thành tự nhiên. Bố thí là phương pháp hay nhất để dứt sạch ý niệm vì mình, trừ đi sự bám chấp tham tiếc.
Cho nên, Phật dạy người bắt đầu tu hành từ đâu? Từ bố thí. Tôi học Phật, người xuất gia tôi gặp lần đầu tiên là đại sư Chương Gia. Câu đầu tiên tôi thỉnh giáo ngài, tôi nói: “Con biết Phật pháp rất hay, con rất muốn học, có phương pháp nào khiến con nhanh chóng khế nhập được không?” Đại sư Chương Gia nói với tôi: “Có! Nhìn thấu buông xuống”. Tôi tiếp tục thỉnh giáo ngài: “Phải bắt đầu từ đâu?” Ngài nói với tôi: “Từ bố thí”, khuyên tôi học bố thí. Tôi rất nghe lời, trở về là bắt đầu thật làm, bởi vậy thầy rất thương tôi. Những gì thầy dạy, tôi đều thực hành, thực hành xong quả nhiên có hiệu quả. Trước tiên, bắt đầu từ tài bố thí, hiệu quả này là gì? Giảm nhẹ tâm tham lam, keo kiệt trước đây của chúng ta, đoạn đương nhiên không dễ, chỉ giảm nhẹ mà thôi. Nghĩa là tham lam, keo kiệt không còn nghiêm trọng như trước nữa. Đối với bên ngoài lại có thể giúp đỡ người khác, đây là bố thí ân huệ. Cho nên, khi mới bố thí sẽ miễn cưỡng, về sau làm sẽ rất tự nhiên. Việc miễn cưỡng bố thí, bản thân tôi có 10 năm kinh nghiệm; 10 năm đầu đều rất miễn cưỡng, 10 năm sau dần dần trở thành thói quen, đến nay hầu như dấu vết cũng không còn nữa, cho nên tâm địa thanh tịnh. Đem tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn đều bố thí hết. Xem tiếp đoạn thứ tám bên dưới:
Thế nào là hộ trì chánh pháp.
Chúng ta nói đến đây, đặc biệt hiện nay ở Trung Quốc, điều này rất quan trọng! Xã hội Trung Quốc, hiện nay bị một số tà tri tà kiến tà giáo nhiễu loạn khiến mọi người vô cùng nghi hoặc. Làm sao để phá trừ tà tri tà kiến? Làm sao để ngăn chặn tà giáo? Duy nhất chỉ có hộ trì chánh pháp, cổ nhân nói: “Phá tà hiển chánh”. Phá tà là mục đích, làm sao để đạt được mục đích phá tà? Hiển chánh là chính xác, hiển chánh mới có thể phá tà, nếu như chánh không thể hiển thì tà chắc chắn không thể phá!
Chánh pháp là con mắt sáng của chúng sanh muôn đời. Không có chánh pháp thì làm sao con người có thể tham gia giúp đỡ trời đất, làm sao có thể trợ giúp thành tựu vạn vật? Làm sao có thể thoát khỏi sự trói buộc? Làm sao có thể xây dựng thế gian, thoát khỏi sinh tử.
Đây là đem lợi ích của chánh pháp, nói sơ lược thành bốn điểm. “Chánh pháp”, giáo huấn của Phật, Bồ-tát là chánh pháp, giáo huấn của Nho giáo là chánh pháp, giáo huấn của Đạo giáo là chánh pháp. Trên thế giới còn có rất nhiều tôn giáo cũng là chánh pháp. Chánh pháp của các tôn giáo đó đã lưu truyền trên thế giới này hàng ngàn năm rồi. Ấn Độ giáo lưu truyền đến nay, người thế gian công nhận nó có lịch sử 8.500 năm. Đạo Do Thái có 4.000 năm lịch sử. Đạo thờ thần lửa, hình như cũng có người viết trong cuốn tiểu thuyết gọi là Minh Giáo, nhưng thông thường chúng ta gọi là Đạo thờ thần lửa, đạo này cũng có khoảng hơn 3.500 năm, đều sớm hơn Phật giáo. Phật giáo, theo ghi chép của lịch sử Trung quốc, năm nay là ba ngàn không trăm hai mươi mấy năm. Hiện nay, người nước ngoài thừa nhận là hơn 2.500 năm. Tiếp tục mở rộng ra, Đạo Thiên Chúa, Đạo Ki-tô, ngày nay chúng ta dùng Tây lịch là năm 2001. Công nguyên chính là của Đạo Ki-tô và Đạo Thiên Chúa. Hồi giáo có hơn 1.700 năm lịch sử, Đạo Sikh cũng có 6 đến 7 trăm năm lịch sử. Ngắn nhất như Đạo Baha’i, cũng có hơn 150 năm lịch sử.
Chúng ta tỉ mỉ mà xem, lịch sử càng lâu dài thì pháp của nó càng chánh. Truyền qua nhiều năm như vậy, nhưng rất nhiều người trên thế giới này vẫn xem nó là chân lý, học tập theo nó, y giáo phụng hành, đây là chánh pháp. Nếu không có những chánh pháp này thì “làm sao có thể tham gia giúp đỡ trời đất”, “tham” là tham dự, “tán” là giúp đỡ, ngày nay gọi là đại tự nhiên. Chúng ta làm sao để tham gia giúp đỡ đại tự nhiên này? “Làm sao có thể trợ giúp thành tựu vạn vật”, giúp đỡ hết thảy vạn vật. Đây đều là nói văn minh vật chất, hai câu bên dưới là nói về văn minh tinh thần. “Làm sao có thể thoát khỏi sự trói buộc”, siêu phàm nhập thánh, đây là cuộc sống tinh thần. “Làm sao có thể xây dựng thế gian, thoát khỏi sinh tử”, xây dựng pháp thế gian và xuất thế gian.
Cho nên, hễ gặp chùa miếu thờ kính các thánh hiền.
Chùa miếu là nơi thánh hiền hoằng pháp lợi sanh, chúng ta gặp hay nhìn thấy đạo tràng, nhìn thấy hình tượng của thánh hiền,
Kinh sách, điển tịch.
Đây chúng ta gọi là Pháp bảo.
Thì đều phải kính trọng, nếu có hư hoại thì phải tu sửa lại.
Chúng ta phải tôn trọng kinh sách, phải coi trọng kinh sách, có hư hoại thì phải nhanh chóng sửa chữa lại.
Đến như việc hoằng dương chánh pháp, báo đáp ân sâu của Phật thì càng phải hết lòng dốc sức.
Đây là việc chúng ta phải làm. Tổng kết lại ý nghĩa ở đoạn này, thứ nhất chúng ta nhất định phải tôn trọng đạo đức. Đạo là con đường lớn quang minh chính đại mà đời người cần phải đi. “Đại đạo” là gì? Ngày nay chúng ta gọi là “trật tự”, trật tự xã hội, trật tự gia đình. Giữa vũ trụ, chúng ta biết rất nhiều tinh cầu trong hư không, trái đất của chúng ta quay quanh mặt trời là có trật tự, không lộn xộn. Mặt trời chạy có trật tự quanh hệ ngân hà, đây là trật tự tự nhiên, là thiên đạo. Nếu nhân đạo và thiên đạo có thể hợp nhất. Nhân đạo là gì? Nho giáo gọi là luân thường, luân thường là nhân đạo, cùng với thiên đạo hợp nhất. Vợ chồng, cha con, anh em, vua tôi, bạn bè có trật tự, một chút cũng không loạn. Quan hệ giữa người và người có trật tự, không loạn, thế nên thiên hạ thái bình, xã hội an định. Nếu cha không ra cha, con không ra con, vua không ra vua, bề tôi không ra bề tôi thì đạo của chúng ta đã mất rồi. Đạo mất thì xã hội sẽ động loạn, thiên hạ không được thái bình. Giáo huấn của thánh nhân là dạy chúng ta những đạo lý này. Nếu chúng ta có thể xử lý tốt mối quan hệ giữa người với người, xử lý tốt mối quan hệ giữa người với trời đất quỷ thần, xử lý tốt mối quan hệ giữa người và trời đất vạn vật. “Tham gia giúp đỡ trời đất, trợ giúp thành tựu vạn vật”, chính là xử lý tốt những mối quan hệ này. Xử lý tốt những quan hệ đó thì chính là thánh hiền. Nơi dạy học của thánh hiền, kinh điển dạy học của thánh hiền, chúng ta nhất định phải tôn trọng, chúng ta phải biết tôn trọng đạo đức. Phải xem trọng việc hành thiện, phải thực hành nhân nghĩa, phải coi trọng giáo dục của thánh hiền, phải coi trọng giáo dục chánh pháp. Sau cùng nói “càng phải hết lòng dốc sức”, đặc biệt là trong xã hội hiện tại này của chúng ta. Đoạn thứ chín:
Thế nào gọi là kính trọng bậc trưởng bối.
Đây là nói về luân lý.
Phạm vi gia đình thì có cha mẹ, quốc gia thì có người lãnh đạo, cho đến hết thảy những người lớn tuổi, người đức độ, người có địa vị cao hoặc người có hiểu biết sâu rộng, chúng ta đều phải đặc biệt lưu tâm, cung kính phụng sự.
Người xưa thường nói: “Trung hiếu truyền gia”. Đức hạnh của chúng ta biểu hiện ở đâu? Biểu hiện ở chỗ biết tôn trọng người lớn. Trong gia đình, cha anh là tôn trưởng của chúng ta, phải tôn trọng. Người lãnh đạo của quốc gia, nhất định phải tôn trọng. Trong kinh Phạm Võng, đây là giới kinh của Bồ-tát Đại thừa, trong này Phật dạy chúng ta. Điều thứ nhất là “không làm quốc tặc”, tuyệt đối không được làm việc tổn hại đến xã hội quốc gia. Điều thứ hai là “không báng quốc chủ”, tuyệt đối không được hủy báng người lãnh đạo quốc gia. Trong kinh Anh Lạc Bồ-tát Giới dạy chúng ta “không trốn quốc thuế”, nhân dân có nghĩa vụ nộp thuế, tuyệt đối không được trộm thuế, trốn thuế. Điều thứ tư là “không phạm quốc chế”, quốc chế là pháp luật của quốc gia, tuyệt đối không được trái phạm pháp luật nhà nước. Quý vị xem bốn điều này quan trọng biết bao, thực hành được bốn điều này chính là kính trọng tôn trưởng, kính trọng xã hội, kính trọng quốc gia.
Khi ở nhà phụng sự cha mẹ, phải luôn giữ lòng yêu kính, dáng vẻ phải vui tươi, nói năng phải ôn hòa, từ tốn. Tập lâu ngày sẽ thành tính cách tốt, ấy là hòa khí căn bản để cảm động lòng trời.
Hiện nay gia đình không còn dạy những điều này nữa, vì vậy trẻ em không hiểu những đạo lý này. Rất nhiều người nói: “Con cái không nghe lời, dạy bảo không nghe”. Bạn không được dạy mà, bạn làm sao có thể dạy chúng đây? Không những bạn không được dạy, [mà từ nhỏ] cha mẹ bạn cũng không dạy bạn. Cho nên trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật nói rất hay: “Đời trước không tốt, không biết đạo đức, không có người dạy, đâu có gì lạ!” Tuy câu này nói rất nhu hòa, nhưng chúng ta nghe xong rất khó chịu, rất đau lòng. Dạy con cái bắt đầu dạy từ đâu? Thời xưa bắt đầu dạy từ Đệ Tử Quy, bắt đầu dạy từ việc vẩy nước quét sân, ứng đối, bây giờ ai biết điều này? Đài Loan vẫn còn mấy vị chí sĩ đầy lòng nhân ái đang đề xướng đọc kinh, giúp những học sinh tiểu học và trung học đọc sách xưa của Trung Quốc, rất khó được, vô cùng hiếm có! Hy vọng việc đề xướng này có hiệu quả. Hiện nay ở Úc, chúng tôi kiến lập một đạo tràng nhỏ, yêu cầu tất cả người xuất gia học Đệ Tử Quy, đem nó làm thành thời khóa đầu tiên của chúng ta. Phải thuộc, phải giảng được, phải làm được, bắt đầu từ học cách làm người. Làm người chưa tốt thì sao có thể làm Phật? Những lời này của tiên sinh Liễu Phàm đều ở trong Đệ Tử Quy.
Khi ra ngoài phụng sự cấp trên, cho dù làm công việc gì cũng đừng cho rằng cấp trên không biết mà tự ý làm bậy.
Hiện nay chúng ta gọi “quân” là lãnh đạo. Bất luận bạn ở trong đơn vị nào, người lãnh đạo đơn vị chính là quân, là cấp trên. Chúng ta làm việc gì, muôn vàn không thể cho rằng vì lãnh đạo không biết nên có thể tự ý làm xằng làm bậy, vậy là sai rồi.
Khi xét xử người khác, đừng cho rằng cấp trên không biết mà ra oai ức hiếp.
Nếu chúng ta trừng phạt một người, tuyệt đối đừng tưởng rằng người lãnh đạo không biết, nên ta có thể tùy ý bắt nạt người, đàn áp người, như vậy là sai rồi.
Phụng sự cấp trên như thờ kính trời đất, đây là châm ngôn của người xưa, chỗ này có liên quan rất lớn tới âm đức. Thử nhìn những gia đình có lòng trung hiếu, ắt không nhà nào là không có con cháu hưng thịnh lâu dài, cho nên nhất định phải thận trọng.
Dạy chúng ta làm việc phải cẩn thận, chỗ này liên quan rất lớn tới âm đức. bạn làm việc tốt người khác không biết, đây là tích âm đức. Người lãnh đạo không biết bạn ở đó tác oai tác quái, điều này làm tổn giảm âm đức của bạn, không được làm điều này, quả báo rất đáng sợ! Xem tiếp đoạn sau cùng:
Thế nào gọi là yêu thương, quý tiếc sinh mạng.
Đây là vun bồi lòng nhân từ.
Sở dĩ, con người được gọi là người, chẳng qua là do có lòng trắc ẩn mà thôi.
“Trắc ẩn” là tâm thương xót, tâm đồng cảm. Con người được gọi là người, thật ra mà nói chính là ở điểm này.
Người muốn có lòng nhân thì phải có lòng trắc ẩn, người muốn tích đức thì phải tích lòng trắc ẩn.
Tất cả đều là tăng trưởng lòng trắc ẩn của chúng ta, đây chính là người nhân từ, đây chính là tích đức.
Chu Lễ nói: “Tháng đầu xuân, vật tế không được dùng con vật cái”.
“Chu Lễ” là do Chu Công đặt ra, “tháng đầu xuân” là tháng Giêng. Tháng Giêng nếu tế lễ, tế lễ đều giết động vật để tế thần minh, không được dùng con vật cái. Vì sao vậy? Vì đây là lúc nó mang thai, phải thương xót chúng.
Mạnh tử nói: “Người quân tử tránh xa nhà bếp”. Những việc này đều nhằm giữ gìn lòng trắc ẩn của mình.
“Nghe tiếng chúng kêu gào, không nỡ ăn thịt chúng”, Nho giáo nói như thế. Nhà Phật tuy không cấm ăn thịt, nhưng đức Phật khuyên đệ tử nên ăn “tam tịnh nhục”. “Tam tịnh nhục” là gì? “Không thấy giết”, khi giết chúng ta không thấy. “Không nghe giết”, khi giết chúng ta nghe tiếng kêu. “Không vì mình giết”, là không phải vì mình mà giết. Đều là bảo toàn “lòng trắc ẩn” mà thôi. Phật giáo truyền vào Trung quốc, mãi đến thời Lương Võ Đế, Lương Võ Đế đọc kinh Lăng Già, chân thật ông bị chấn động mạnh lòng trắc ẩn, ông đã từ bỏ ăn thịt. Chư vị phải biết, việc Phật giáo ăn chay, không ăn thịt; ăn chay là do Lương Võ Đế đề xướng, không phải là giáo nghĩa vốn có của Phật giáo. Lương Võ Đế là hộ pháp của nhà Phật, ông dùng sự tôn quý của Quốc vương để đề xướng việc ăn chay, đã hình thành phong trào ăn chay. Lúc đó, tất cả người xuất gia đều hưởng ứng, truyền mãi đến nay cư sĩ tại gia cũng hưởng ứng, đây là việc tốt, ăn chay chắc chắn tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là thịt ngày nay, thịt hiện nay có chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, rất nghiêm trọng, “bệnh từ miệng vào”.
Nếu chúng ta cho rằng ăn chay không có sức khỏe, ăn thịt mới có sức khỏe, tôi có thể làm chứng cho quý vị. Tôi ăn chay đã được 50 năm rồi, cả đời tôi chưa từng sanh bệnh, sao có thể nói ăn chay không có sức khỏe cho được? Cư sĩ Hứa Triết ở Singapore năm nay đã 102 tuổi, bà ăn chay từ trong bụng mẹ. Bà vừa ra đời là không ăn được đồ có mùi tanh, ăn đồ có mùi tanh là buồn nôn, bà ăn chay được 102 năm rồi. Thân thể mạnh khỏe, không hề có chút bệnh tật nào, cho nên ở Singapore mọi người đều biết “người thanh niên 102 tuổi”, sao có thể nói ăn chay không có sức khỏe? Đây đều là quan niệm sai lầm đang quấy phá. Bên dưới nói:
Cho nên, người xưa có bốn loại thịt tránh không ăn, đó là: nghe tiếng kêu bị giết không ăn, thấy bị giết không ăn, vật mình nuôi không ăn, cố ý vì mình mà giết không ăn.
Ở đây nói nhiều hơn đức Phật Thích-ca Mâu-ni một điều, thêm một điều là “vật mình nuôi”.
Người học đạo nếu chưa thể dứt bỏ việc ăn thịt thì cũng nên tránh ăn những loại thịt trên.
Đây là việc tốt. Do đó, nếu chúng ta muốn chăm sóc thân thể khỏe mạnh thì không thể không chú ý điều này. Sau cùng, tiên sinh Liễu Phàm tổng kết:
Dần dần nâng cao lên thì tâm từ bi ngày càng tăng trưởng, lúc ấy không những giữ được giới không giết hại, [mà sẽ nhận thức được] các loài sâu bọ, côn trùng đều có sanh mạng. Muốn lấy tơ phải luộc kén, cuốc đất sẽ làm chết côn trùng; phải nhớ rằng, quần áo, thức ăn là từ đây mà có, đều là giết hại các loài khác để mình được sống.
Thường nghĩ đến điều này, trong lòng chúng ta rất khó chịu, vì cuộc sống không thể không sát sanh. Biết được đạo lý này, người có tâm từ bi khẩn thiết, họ không mặc đồ tơ lụa, vì sao vậy? Nhìn thấy đau lòng, một chiếc áo tơ lụa không biết có bao nhiêu sinh mạng ở trong đó, làm sao có thể nhẫn tâm? Mặc áo da đều là sát sanh, phải lấy da của chúng, không nhẫn tâm! Làm ruộng, trồng trọt, rất nhiều côn trùng trong đất đều bị chết thì chúng ta mới có được một ít lương thực. Gần đây, tôi có tham quan một nông trường ở Sydney, do người xuất gia làm, họ trồng rau xanh trong giỏ nhựa. Tôi hỏi họ: “Vì sao không trồng trên đất?” Họ bảo: “Trồng trên đất, khi canh tác sẽ giết chết rất nhiều côn trùng nhỏ. Chúng tôi trồng vào trong giỏ, chi phí canh tác lớn hơn rất nhiều, nhưng không sát sanh”. Tôi nghe xong rất cảm động, rất khó được, việc này đáng được đề xướng. Họ vẫn là dùng đất để trồng, nhưng lấy đất bỏ vào trong giỏ nhựa, giỏ lớn, tránh việc sát sanh.
Cho nên, tội hủy hoại, lãng phí lương thực, đồ vật.
Chúng ta ăn thức ăn mà biết không quý tiếc, thức ăn thừa liền vứt bỏ. Đây là tạo tội, tội này rất nặng!
Tương đương với tội sát sanh.
Tội nghiệp này không khác gì với sát sanh.
Cho đến những việc lỡ tay làm hại, giẫm chân làm chết côn trùng, thật không biết số bao nhiêu mà kể, cho nên phải hết sức cảnh giác.
Chúng ta cần phải luôn cảnh giác.
Cổ thi có câu: “Lưu hạt cơm thừa thương chuột đói, giữ mạng thiêu thân chẳng đốt đèn”, thật nhân từ biết bao! Hành thiện có nhiều cách vô cùng, không thể kể hết ra được”.
Nói không cùng tận.
Từ mười điều vừa nói trên đây mà suy rộng ra, thì muôn vàn thiện hạnh đều có thể đầy đủ cả.
Ở đây tiên sinh Liễu Phàm đưa ra mười trường hợp, hy vọng chúng ta từ mười trường hợp này suy rộng ra, siêng năng nỗ lực tu học, thì tự nhiên thiện hạnh có thể viên mãn.
Tốt rồi, hôn nay chúng ta giảng tới đây.
☆ Xem thêm: