Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 17)

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 17

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 16/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng, Thâm Quyến, Trung Quốc

 

           Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem tiếp đoạn sau cùng là phương pháp tích thiện.

 

           Việc tùy duyên cứu người có rất nhiều loại, nhưng quy nạp lại để nói thì có thể phân ra mười loại.

           Đây là tiên sinh Liễu Phàm dạy chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày phải biết tùy duyên, tận lực đi hành thiện. Thế nào là việc thiện? Ông đưa ra mười ví dụ.

 

           Thứ nhất là cùng người làm việc thiện. Thứ hai là giữ lòng yêu kính. Thứ ba là thành toàn việc thiện của người. Thứ tư là khuyên người làm việc thiện. Thứ năm là cứu người lúc nguy cấp. Thứ sáu là khởi xướng xây dựng những công trình mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng. Thứ bảy là bỏ tiền của ra làm phước. Thứ tám là hộ trì chánh pháp. Thứ chín là kính trọng bậc trưởng bối. Thứ mười là yêu thương, quý tiếc sinh mạng.

           Sau khi chúng ta đọc mười điều này, suy nghĩ tường tận quả thật rất cần thiết. Mười điều này trong xã hội hiện nay, có thể nói là thiếu sót rất nghiêm trọng, vì thế xã hội động loạn bất an, nhân tâm hoang mang, quả thật có đạo lý. Mười điều này giúp ích rất lớn cho chúng ta. Bên dưới tiên sinh Liễu Phàm nói rõ từng điều cho chúng ta, trước tiên là nói “cùng người làm việc thiện”:

 

           Thế nào gọi là cùng người làm việc thiện.

           Ông đưa ra một ví dụ thời xưa.

 

           Trước đây, vua Thuấn ở Lôi Trạch, thấy những người đánh cá đều tranh chỗ nước sâu nhiều cá, còn người già yếu đành phải bắt cá ở những chỗ nước nông, chảy xiết. Vua thuấn động lòng thương xót, bèn tới nơi ấy cùng mọi người đánh cá.

           Đây là nói Vua Thuấn, Đại Thuấn lúc còn trẻ. “Lôi Trạch” là tên hồ ở Sơn Đông. Bên bờ hồ, đương nhiên có rất nhiều người đánh cá. “Ngư giả” chính là người đánh cá, những người trẻ tuổi khỏe mạnh này đều chọn những nơi tốt để bắt cá, còn những người già yếu không cách gì tranh với họ, chỉ đành phải đến những chỗ nước nông, nước chảy xiết để đánh cá, đây là những chỗ không tốt, cũng không dễ gì bắt được cá. Thuấn thấy vậy sanh tâm thương xót, đây là người trẻ tuổi hiếp đáp người già, có lỗi với người lớn tuổi, ông làm như thế nào? Ông cũng đi bắt cá, ông cùng đi. Lấy thân mình làm gương, làm tấm gương cho người khác noi theo.

 

           Gặp người tranh giành, ngài che giấu việc ấy, không nói gì đến. Còn gặp những người biết nhường nhịn thì ngài hết lòng khen ngợi, và cũng học theo họ.

           Phương pháp này rất hay! Thấy mọi người lúc bắt cá tranh giành, không nhường nhau. Ông không nói lời nào, không nói lỗi lầm của họ. Đôi lúc thấy có người nhường nhịn lẫn nhau, ông liền hết lời khen ngợi.

 

           Một năm sau.

           Qua một năm.

 

           Mọi người đều biết nhường nhau những chỗ nước sâu nhiều cá.

           Một năm sau, do Thuấn cảm hóa, mọi người đều có thể nhường nhịn lẫn nhau.

 

           Người thông minh sáng suốt như vua Thuấn, nào có khó gì việc nói ra một lời dạy dỗ mọi người! Thế mà ngài không dùng lời dạy dỗ, lại dùng chính việc làm của bản thân để chuyển hóa mọi người; quả thật là khéo dụng tâm, mà lại siêng năng cần mẫn vậy!

           Thuấn quả thật có đại trí tuệ, vì sao ông không dùng ngôn giáo để dạy đại chúng, mà phải dùng việc làm của bản thân để làm gương cho mọi người? Đạo lý trong này chúng ta phải suy nghĩ thật nhiều. Ngôn giáo không bằng thân giáo, nếu bạn dạy người khác làm mà bản thân không làm được thì không ai tin tưởng. Đặc biệt là trong xã hội hiện nay, thông thường tập khí tham, sân, si của đại chúng  ô nhiễm hơn so với người xưa không biết là nhiều gấp bao nhiêu lần, 10 lần, 100 lần cũng không hết. Vào thời đại đó, chúng ta có thể nói là nếp sống của nhân dân khá thuần phác. Phương pháp của vua Thuấn sau 1 năm có thể nhận được hiệu quả. Ngày nay, chúng ta muốn học theo tinh thần của Đại Thuấn, muốn áp dụng phương pháp “lấy thân làm gương” của Đại Thuấn thì 1 năm sẽ không thu được hiệu quả, ít nhất phải 10 năm. Nếu 10 năm có thể thu được hiệu quả, vậy thì vô cùng may mắn; 10 không có hiệu quả thì 20 năm, 30 năm, 40 năm, kiên nhẫn bền bỉ, nhất định có thể cảm hóa được chúng sanh. Đây là lấy tâm từ bi của vua Thuấn, dùng phương tiện thiện xảo của vua Thuấn để làm ví dụ. Bên dưới nói:

 

           Chúng ta sống trong thời mạt pháp.

           “Mạt thế”, trong Phật pháp gọi là thời kỳ mạt pháp. Chúng ta thấy trong kinh điển nói, pháp vận của đức Phật Thích-ca Mâu-ni là 12.000 năm; 1.000 năm đầu tiên gọi là thời kỳ chánh pháp, 1.000 năm thứ hai gọi là thời kỳ tượng pháp, tượng pháp là tương tự, tức là đã biến chất rồi, 10.000 năm về sau đều gọi là thời kỳ mạt pháp, hiện nay thời kỳ mạt pháp đã qua 1.000 năm rồi. Tiên sinh Liễu Phàm là người thời nhà Minh, nhà Minh đã là thời kỳ mạt pháp. Lúc này nhân tâm đã dần dần bạc bẽo, không còn thuần hậu như trước nữa. Đây là đặc biệt nêu ra, thế hệ chúng ta hiện nay đang sống trong thời mạt pháp.

 

           Đừng lấy sở trường của mình mà lấn áp người khác. Đừng lấy chỗ tốt đẹp của mình mà so sánh với người khác. Đừng cậy mình tài giỏi mà gây khó dễ cho người khác.

           Đây là tiên sinh Liễu Phàm khuyên chúng ta, trong thời mạt pháp nhất định đừng lấy sở trường của mình đi chèn ép người khác. Người khác có điều bất thiện, trong xã hội hiện nay người làm điều bất thiện rất nhiều. Bản thân chúng ta tuy hành thiện, tuyệt đối không được dùng việc thiện đó để so sánh, tính toán với họ, không thể được. Năng lực của người khác không bằng tôi, không được đem năng lực của mình đi làm khó người khác.

           Đạo tràng của chúng tôi có một vị pháp sư tên là Ngộ Thiên, người này rất có năng lực. Trước đây khi Hàn quán trưởng còn tại thế thường nói với tôi, một mình Ngộ Thiên có thể làm việc bằng năm người. Nhưng không thể chung sống với người khác, sống với ai cũng không tốt. Tôi cũng giúp cô ấy tìm vài chỗ ở, nhưng đều không ở được, không thể chung sống với người khác. Sau cùng tôi đưa cô ấy đến núi Toowoomba để cô ấy đến chăm nom bên đó. Tôi đổi tên cho cô ấy, Quán Trưởng đặt tên cho cô ấy là Ngộ Thiên, chữ thiên trong “đại thiên thế giới”. Hình dáng của chữ thiên đó giống như một thanh bảo kiếm vậy, luôn đâm người khác bị thương. Cho nên tôi nghĩ cái tên này không hay, tôi đổi tên của cô ấy thành “khiêm” của khiêm tốn, để cô ấy học khiêm tốn, học nhẫn nhường. Cô ấy ở trên núi hơn 1 năm, không tệ, quả thật ngày ngày đều tự kiểm điểm. Sau cùng cô hiểu rõ, biết vì sao mình không chung sống hòa thuận được với người khác. Chính là tốc độ làm việc của cô ấy quá nhanh, siêng năng có trách nhiệm, nhìn thấy người khác đều không vừa mắt. Đây chính là “cậy mình tài giỏi mà gây khó dễ cho người khác”, cho nên người khác đều không thích cô. Khi cô biết quay đầu thì mọi người đều thích, đều khen ngợi cô ấy, đều thích chung sống với cô ấy. Con người quý ở chỗ tự biết mình, nhất định phải biết khuyết điểm của mình ở đâu, sau đó sửa đổi khuyết điểm của mình là được, đó mới là người thiện thật sự.

 

           Phải biết ẩn giấu tài trí của mình, xem nó như không có, xem như không thật. Thấy người khác có lỗi lầm, hãy bao dung mà che đậy giúp họ, một mặt là để họ có thể sửa đổi, một mặt lại khiến họ có sự kiêng dè mà không dám phóng túng.

           Đây là dạy chúng ta về thái độ xử sự, đối nhân, tiếp vật lúc thường ngày. Bản thân có tài trí, nhất định phải biết ẩn giấu đi, phải biết giấu tài. Có tài phải thường nghĩ mình không có tài, đây là thật. Mặc dù chúng ta có tài trí, nhưng so với cổ thánh tiên hiền thì chúng ta thua xa, căn bản không so sánh được. Chút tài trí nhỏ nhoi này có đáng là gì? Người bây giờ hơi có một chút năng lực liền cảm thấy “đáng được kiêu ngạo”, như vậy là sai rồi. Khởi lên ý niệm “đáng được kiêu ngạo” thì đức hạnh của mình hoàn toàn bị hủy hoại hết rồi, đây là lỗi lầm rất lớn. Nhất định phải ẩn giấu, phải hết mực khiêm tốn. Thấy lỗi lầm của người khác nhất định phải bao dung, phải che đậy, gọi là “ẩn ác dương thiện”. Giáo huấn của cổ nhân là chân lý, chúng ta đối với người như vậy là “một mặt là để họ có thể sửa đổi”, khiến họ dần dần giác ngộ, dần dần quay đầu, cho họ cơ hội sửa lỗi. Một mặt để họ biết kiêng dè, họ làm ác không phải người khác không biết. Người ta biết nhưng không nói ra, hơn nữa còn bao dung họ, dễ khiến họ sanh tâm hổ thẹn, không dám phóng túng nữa. Đây là thái độ đối nhân xử thế tốt đẹp.

 

           Thấy người khác có chút ưu điểm nhỏ có thể dùng, hoặc việc thiện nhỏ có thể chọn lấy, thì phải nhanh chóng bỏ đi quan điểm của mình mà thuận theo họ.

           Đây là bí quyết tùy duyên độ chúng, người ta có sở trường rất nhỏ, việc thiện rất nhỏ. Chúng ta thấy được, có thể bỏ đi lập trường của mình, toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ, vậy thì việc thiện của mình còn lớn hơn họ, làm còn tốt hơn họ. Ta tạm thời buông xuống, tùy thuận theo họ, khiến họ sanh tâm hoan hỷ, giúp đỡ họ, thành tựu họ, như vậy mới thật sự là cùng người làm thiện.

 

           Lại nên hết lời khen ngợi và truyền rộng khắp sự tốt đẹp ấy.

           “Diễm xưng” là khen ngợi, tán thán, khiến điều thiện của họ ngày càng tăng trưởng.

 

           Trong cuộc sống thường ngày, mỗi một lời nói, mỗi một việc làm đều không hề nghĩ cho bản thân, mà hoàn toàn là làm ra tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh.

           Như thế nào gọi là “vị vật lập tắc”? Nếu chúng ta chỉ nói “người”, phạm vi của người có giới hạn. “Vật”, vật có thể bao gồm cả người, ngày nay chúng ta nói “động vật”, động vật có thể bao gồm cả con người, nhưng nói “người” thì không bao gồm động vật. Cho nên nghĩa của “vật” rộng hơn rất nhiều so với nghĩa của “người”, không những là làm mô phạm cho tất cả mọi người. “Tắc” nghĩa là mô phạm, nghĩa là tấm gương, làm một tấm gương tốt, phải làm gương tốt cho tất cả chúng sanh. “Tất cả chúng sanh”, phạm vi bao gồm rất rộng.

 

           Đó chính là chỗ độ lượng của bậc đại nhân, luôn vì thiên hạ chung vậy!

           Ngày nay chúng ta muốn sửa đổi, nói tu thiện, nói tích thiện, nhất định phải hiểu đạo lý này, phải bắt đầu từ chỗ mở rộng tâm lượng. Khởi tâm động niệm đừng vì mình, hãy vì thiên hạ, vì thế giới, vì xã hội, vì chúng sanh, tuyệt đối không có ý niệm vì mình. Người này được gọi là “đại nhân”, đây thật sự là “vì thiên hạ chung”. Đoạn thứ hai nói:

 

           Thế nào là giữ lòng yêu kính.

           Điều này rất quan trọng! Xã hội hiện nay của chúng ta, nói thật chính là thiếu lòng yêu thương, người bây giờ hầu như đều quên mất thế nào gọi là lòng yêu thương rồi, điều này rất đáng sợ. Trong Phật pháp nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, từ bi nghĩa là lòng yêu thương. Năm nay là 2001, năm mới chúng tôi ở Singapore; theo thường lệ,  chúng tôi tổ chức buổi tiệc tối ấm áp năm Thiên Hy. Tôi nghĩ buổi tiệc năm nay tôi sẽ tặng quà gì cho mọi người? Tôi nghĩ trong xã hội hiện giờ, khắp nơi đều không có lòng yêu thương, tôi liền viết một chữ “ái”(愛), photo ra 20.000 tờ, tặng lòng yêu thương đến toàn thế giới. Trang gốc tặng cho thủ tướng Ngô Tác Đông của Singapore, tặng lòng yêu thương đến khắp nơi trên toàn thế giới. Có đồng tu đem chữ này tặng khắp nơi, tôi nghe xong rất hoan hỷ. Tôi biết đã tặng cho ba vị tổng thống, tổng thống Nathan của Singapore, tặng cho tổng thống Wahid của Indonesia, cũng tặng một bức cho tổng thống Bush của nước Mỹ. Tặng lòng yêu thương khắp nơi, nhắc nhở mọi người rằng lòng yêu thương rất quan trọng. Chỉ có chân thành yêu thương người khác, yêu thương tất cả chúng sanh thì thế giới này của chúng ta mới có thể an định, mới có thể hòa bình, nhân dân mới có thể sống đời sống hạnh phúc mỹ mãn. Chúng ta xem đoạn văn bên dưới:

 

           Quân tử và tiểu nhân nếu nhìn bề ngoài thì rất dễ nhầm lẫn.

           Thế gian này thế nào gọi là quân tử? Thế nào gọi là tiểu nhân? Nếu xem từ hình tướng thì rất khó nhận ra.

 

           Chỉ duy nhất khi xét đến chỗ giữ tâm thì thiện và ác thật sự khác nhau, phân biệt rõ ràng như trắng với đen, hoàn toàn tương phản.

           Nếu từ trên phương diện giữ tâm mà nói, thì quân tử và tiểu nhân hoàn toàn khác nhau. Về hình tướng rất khó phân biệt, nhưng chỗ giữ tâm thì rõ ràng sáng tỏ, giống như trắng với đen vậy, tuyệt đối không lẫn lộn.

 

           Cho nên nói, quân tử sở dĩ khác với người bình thường là ở chỗ giữ tâm của họ.

           Họ giữ tâm không giống nhau.

 

           Những gì tâm người quân tử giữ, chỉ là tâm thương yêu và kính trọng người khác.

           Điều này chúng ta cần phải biết, đại thánh đại hiền, chư Phật Bồ-tát có gì khác với chúng ta? Nếu nhìn từ bề ngoài, nhìn từ công việc trong đời sống hằng ngày thì thực tế không có gì khác nhau, chỉ là giữ tâm khác nhau mà thôi. Chư Phật Bồ-tát, đại thánh đại hiền, các ngài giữ tâm yêu kính, yêu kính chân thành, yêu kính bình đẳng. Lòng yêu thương của Phật Bồ-tát là trọn khắp hư không pháp giới. Đoạn văn bên dưới nói:

 

           Nói chung, trong muôn người ắt có người thân thích – kẻ sơ giao, người quý hiển – kẻ hèn kém, người trí tuệ – kẻ ngu si, người hiền lương – kẻ xấu xa, muôn hình vạn trạng không ai giống ai, nhưng đều là đồng bào của ta, cùng là một thể với ta.

           Ai có thể hiểu được đạo lý này? Vì sao nhân gian “muôn hình vạn trạng không ai giống ai?” Đây là tập khí ô nhiễm bất đồng, tập tánh không giống nhau. Tập tánh từ đâu mà có? Do tâm hạnh thiện ác từ vô lượng kiếp biến hiện ra, Phật pháp gọi là “nghiệp lực”, nghiệp lực không giống nhau, cho nên mới có người hiền lương và kẻ ngu si, xấu xa. Nhưng phải biết, những người này cùng một thể với chúng ta. “Đều là đồng bào của ta”, điều này nếu như không phải đại thánh nhân dạy bảo chúng ta  thì chúng ta không thể nào thể hội được. Trong Hệ Từ Truyện của Kinh Dịch, Khổng tử nói: “Vật tụ theo loài, người phân theo nhóm”. Lại nói với chúng ta “tinh khí vi vật, du hồn vi biến”. Những câu này đều nói rõ với chúng ta về nguồn gốc của vạn vật, nguồn gốc của sanh mạng, cho đến nguồn gốc của tộc loại, đây là Nho giáo nói. Đạo giáo cũng nói: “Thiên địa với ta cùng gốc, vạn vật với ta là một thể”. Cách nói và ngôn từ không giống nhau, nhưng ý nghĩa tương đồng. Nhà Phật nói: “Do tâm hiện ra, do thức biến hóa”. Cho nên, bạn xem cách nói của ba nhà Nho, Thích, Đạo đã nói ra nguồn gốc của vũ trụ, nguồn gốc của sinh mạng, vạn vật chủng loại bất đồng khác nhau, chúng hình thành như thế nào, những câu này đều nói rất rõ ràng tường tận.

           Tôi học Phật nhiều năm như vậy, tôi đem giáo huấn của Phật, Bồ-tát, thánh hiền quy nạp thành hai câu: “Tâm tánh biến hóa ra hư không pháp giới”, hư không pháp giới từ đâu đến? Do tâm tánh biến hóa, trong kinh Kim Cang nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng”; “thân này ảnh hiện chúng sanh và cõi nước”. Thân thể, cõi nước này của chúng ta, ngày nay gọi là tinh hệ trong vũ trụ, cho đến tất cả chúng sanh cùng thân thể của chúng ta là một không phải hai. Cho nên, tâm tánh và hư không pháp giới là một; sắc thân, cõi nước, chúng sanh không phải hai. Do đó, kính yêu vạn vật là thật sự biết thương mình, hai chữ “thương mình” ngày nay có mấy người hiểu được? Con người phải biết yêu thương mình, muốn yêu thương mình thì phải yêu thương tất cả chúng sanh. Cho nên, thực sự hiểu được “muôn hình vạn trạng không ai giống ai, nhưng đều là đồng bào của ta, cùng là một thể với ta”, câu này rất quan trọng!

 

           Nên ta phải yêu thương, kính trọng tất cả mọi người.

           Có người nào mà không phải là đối tượng mà chúng ta kính yêu?

 

           Yêu kính mọi người chính là yêu kính thánh hiền, có thể thông hiểu được chí hướng của mọi người chính là thông hiểu được chí hướng của thánh hiền. Vì sao vậy? Vì chí hướng của thánh hiền là mong muốn mọi người trên thế gian này đều đạt được những gì mình mong muốn.

           Từ những chỗ này chúng ta thể hội được đạo lớn của thánh hiền. Có thể “yêu kính chúng sanh”, tiên sinh Liễu Phàm nói chính là “yêu kính thánh hiền”, chính là yêu kính Phật Bồ-tát, tôi nói một cách thân thiết hơn, chính là “biết thương mình”. Có thể hiểu rõ được chí hướng của thánh hiền, “thông” là hiểu rõ, thông đạt thấu triệt. “Có thể thông hiểu được chí hướng của mọi người” thì có thể “thông hiểu được chí hướng của thánh hiền”. Chí hướng của mọi người là gì? Là đều hy vọng có được cuộc sống hạnh phúc viên mãn, bất luận là người thời xưa hay người hiện nay, người Trung Quốc hay người ngoại quốc. Quả thực là không phân quốc gia, không phân dân tộc, không phân tôn giáo, có ai không hy vọng mình được hạnh phúc mỹ mãn? Tâm nguyện của thánh hiền cũng như vậy, các bậc đại thánh hiền chỉ có một nguyện vọng, đó chính là hy vọng con người trên thế giới này đều đạt được những gì mình mong muốn. Cổ thánh tiên hiền, chúng ta xem giáo huấn của Phật, Bồ-tát, lại tỉ mỉ quan sát kinh điển của các tôn giáo trong thế gian. Tôi xem qua rất nhiều, thần thánh mà họ sùng bái, giáo chủ sáng lập tôn giáo, không ai mà không mong muốn giúp đỡ chúng sanh trong thế gian này, đều trải qua đời sống hạnh phúc mỹ mãn. Chẳng những đời này được lợi ích, mà đời sau càng được lợi ích thù thắng hơn. Trong các tôn giáo khác, đời sau được sanh lên cõi trời, Phật giáo thì khuyên người vãng sanh về Cực Lạc. Đây là chí nguyện của thánh hiền.

 

           Lòng ta hợp với lòng yêu kính của thánh hiền, giúp cho muôn người đều được an ổn. Đây chính là vì thánh hiền mà mang lại sự an ổn cho mọi người.

           Câu này nói rất hay, chí hướng của thánh hiền cần chúng ta đi thúc đẩy, cần chúng ta đi thực tiễn. Chúng ta nhất định phải hiểu “hợp với lòng yêu kính”, hợp với ai? Hợp với lòng yêu kính của chư Phật, Bồ-tát, hợp với lòng yêu kính của cổ thánh tiên hiền, hợp với lòng yêu kính của các vị thần minh trong các tôn giáo, để “giúp cho muôn người đều được an ổn”. Người trong thế gian hiện nay, chúng ta toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ, đây chính là vì thánh hiền mà mang lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi người. Những năm gần đây tôi tiếp xúc với rất nhiều nhà lãnh tụ tôn giáo trên thế giới, tôi thảo luận với họ về chủ đề “thần yêu thương người thế gian”, điều này trong các tôn giáo thường nói đến. Thần ở đâu? Thần yêu con người như thế nào? Người thế gian hiện nay khổ như vậy, nghĩ đi nghĩ lại thì thấy câu này quá trống rỗng, quá trừu tượng. Chúng ta phải phản tỉnh, thần yêu thương con người như thế nào? Tôi là tín đồ tôn giáo, tôi nhận tình yêu thương của thần, thần yêu thương tôi. Tôi phải đem tình yêu thương của thần đối với tôi, từ trong tâm tôi tiếp tục mở rộng ra để yêu thương mọi người. Tôi đại biểu cho thần yêu thương mọi người, vậy thì “thần yêu thương người thế gian” mới có thể thực tiễn được. Nếu tôi không phát tâm đại biểu cho thần yêu thương người thế gian, thì thần yêu thương người thế gian vĩnh viễn là nói suông, vĩnh viễn là một danh từ trừu tượng. Họ nghe cách nói của tôi cũng gật đầu đồng ý.

           Tôi nói Phật là đại từ đại bi, đại từ đại bi của Phật ở đâu? Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã rời xa thế gian này của chúng ta 3.000 năm rồi. Nếu bạn nói, năm xưa lúc ngài còn tại thế rất đại từ đại bi thì chúng ta còn có thể nói được thông. Nhưng hiện nay ngài không còn tại thế, vậy đại từ đại bi của ngài ở đâu? Cho nên là học trò của Phật, đệ tử của Phật, chúng ta tiếp nhận lòng từ bi của Phật, chúng ta tiếp nhận bằng cách nào? Tiếp nhận từ trong kinh điển, mỗi ngày đọc kinh, nghiên cứu kinh điển, y giáo phụng hành, chúng ta được lòng từ bi của Phật gia hộ, gia trì bảo hộ. Chúng ta đạt được rồi thì nên từ nội tâm của mình, đem tâm từ bi của Phật biến thành tâm từ bi của mình, để đối đãi với tất cả chúng sanh, thực tiễn đại từ đại bi của Phật, Bồ-tát, cần chúng ta đi làm! Chúng ta thấy Quán Thế Âm Bồ-tát, tuyệt đối không phải khẩn cầu Quán Thế Âm Bồ-tát từ bi với con, đây là điều không thể. Tượng Bồ-tát nặn bằng đất, khắc bằng gỗ, vẽ bằng tranh làm sao gia hộ cho bạn được? Có câu “Bồ-tát bằng đất qua sông, bản thân còn khó giữ”. Chúng ta phải phát dương quang đại tâm hạnh cứu khổ cứu nạn, đại từ đại bi của Quán Thế Âm Bồ-tát. Thấy Quán Thế Âm Bồ-tát liền nghĩ mình chính là Quán Thế Âm Bồ-tát, tôi học tập Quán Thế Âm Bồ-tát, tôi noi gương Quán Thế Âm Bồ-tát, ý nghĩa chính là như vậy. Đây là chân lý dạy học của Phật pháp, cần phải hiểu. Bản thân không làm Quán Thế Âm Bồ-tát, chỉ tạo một tượng Quán Thế Âm Bồ-tát, rồi cho rằng như vậy là đúng, đây là hoàn toàn sai lầm!

           Cho nên, ở đây nói về 10 loại thiện, giữ tâm yêu kính là nền tảng. Không giữ tâm yêu kính thì 9 điều còn lại đều không làm được. Bạn làm 9 điều đó đều là thiện giả, không phải thiện thật. Ở phần trước, tiên sinh Liễu Phàm nói với chúng ta 8 điều: đó là giả không phải thật, đó là lệch không phải thẳng, đó là một phần không phải viên mãn, đó là nhỏ không phải lớn. Cho nên, mấu chốt là ở giữ tâm, giữ tâm nhất định phải là vô tư vô ngã, chân thành, bình đẳng yêu kính tất cả chúng sanh. Đạo lớn của chư Phật Bồ-tát, đại thánh đại hiền, chúng ta được chân truyền. Chân truyền chính là lòng yêu thương chân thành. Đoạn thứ ba.

 

           Thế nào là thành toàn việc thiện của người.

           Trước tiên, ông đưa ra một ví dụ.

 

           Ngọc ở trong đá.

           “Ngọc” là thứ mà người thế gian đều rất trân quý. Chúng ta thích ngọc, người nước ngoài thích kim cương. Ngọc và kim cương khi chưa khai thác.

 

           Nếu vất bỏ bừa bãi thì chẳng khác gì gạch vụn.

           Đó là một hòn đá, không khác gì viên gạch ngói vụn, chẳng đáng một xu.

 

           Nhưng nếu được mài giũa ắt sẽ thành ngọc khuê, ngọc chương quý giá.

           Trải qua sự mài giũa nó sẽ biến thành bảo vật. “Khuê và chương” là đồ bằng ngọc, mọi người đều yêu thích.

 

           Cho nên, hễ thấy người nào làm được một việc thiện, hoặc người có chí hướng tốt đẹp, tư chất hướng thiện thì đều nên dìu dắt, giúp đỡ họ thành tựu.

           Chúng ta thấy một người làm việc thiện, việc thiện này đáng làm. Nhìn thấy người này rất có chí hướng, thiên bẩm rất tốt, khiêm tốn, cung kính, có thể tiếp thu giáo huấn của người khác, người như vậy chính là nhân tài. Chúng ta phải nhận biết nhân tài, phải thương yêu nhân tài, phải quý trọng nhân tài, phải thành tựu nhân tài. Đây là việc thiện lớn nhất trong các việc thiện, công đức lớn nhất trong việc tích lũy công đức, chúng ta phải hiểu điều này. Chí hướng của người này đáng khen, tố chất rất đáng quý, chúng ta cần phải giúp họ. “Dụ dịch” là giúp đỡ họ, khuyến khích họ, nâng đỡ họ.

 

           Hoặc là khen ngợi, khích lệ họ; hoặc là che chở, trợ giúp họ. Nếu họ bị vu khống, thì nên vì họ làm rõ, hoặc cùng chia sẻ nhận lấy những sự hủy báng, cần giúp sức cho đến khi họ thành tựu mới thôi.

           Người thiện ở trong xã hội này thật không dễ gì sinh tồn! Vì sao vậy? Vì người thiện nhất định đối lập với người bất thiện, không phải người thiện muốn đối lập với người bất thiện, không phải vậy. Người thiện có thể bao dung người bất thiện, nhưng người bất thiện không thể bao dung người thiện, cho nên người bất thiện đối lập với người thiện. Sự đối lập này đương nhiên không tránh khỏi sự hiểu lầm, hủy báng, thậm chí là hãm hại, khiến người thiện không có chỗ đứng trong xã hội. Điều này rất đáng buồn! Chúng ta phải biết, nếu phát hiện có những điều này, “họ bị vu khống, thì nên vì họ làm rõ”, chúng ta phải nghĩ cách giúp họ, thậm chí là thay họ chịu những sự hủy báng này, nhằm giảm nhẹ sự hủy báng của người khác đối với họ. Người xưa gọi là “chia sẻ hủy báng”, “chia sẻ với họ sự hủy báng”, điều này bậc chí sĩ có lòng nhân đức mới có thể làm được, người bình thường không làm được. Cần phải giúp họ, để họ có thể lập thân đứng vững trong xã hội, có thể phát triển rộng lớn thiện nghiệp của họ mới thôi, “giúp sức cho đến khi họ thành tựu mới thôi”, vậy chúng ta mới được xem là tận tâm tận lực. Tiếp theo nói với chúng ta:

 

           Nói chung người đời thường chán ghét những ai khác biệt với mình. Người tốt trong thôn xóm thì ít, mà kẻ xấu lại nhiều. Cho nên, người tốt ở đời thường rất khó tự mình đứng vững.

           Tình hình này từ xưa đến nay đều là như vậy. Tôi nghe thấy có một vài vị đồng tu nói cho tôi biết, hiện nay học sinh ở trường thường bắt nạt những học sinh mới đến, bắt nạt những học sinh khác chủng tộc. Đều là phạm tật xấu này, tâm lượng quá nhỏ hẹp. Ví dụ, nếu phát hiện bạn học này rất có đức hạnh, có trí tuệ, cũng rất có tài năng; họ bị người bài xích, thì chúng ta cần phải giúp họ. Trong số đồng học, có những người hiểu biết, chúng ta thường gọi là bênh vực kẻ yếu. Những người này đứng ra làm việc trượng nghĩa, giúp họ chia sẻ sự hủy báng này, chia sẻ những áp lực mà người khác gây cho họ, khiến họ yên tâm ở trong trường học tập, hoàn tất khóa học, đây là một trường hợp. Bên dưới nói:

 

           Hơn nữa, bậc hào kiệt tính thường thẳng thắn, không quá chú trọng dáng vẻ bên ngoài, nên dễ bị người đời chỉ trích.

           Đúng là như vậy, người thật sự có trí tuệ lớn thường không câu nệ hình thức, đối với sự giao tiếp, qua lại giữa người với người có phần tùy tiện, trong trường hợp này dễ bị người khác chỉ trích. Người chỉ trích như vậy thường gọi là “tìm xương trong trứng gà”. Quý vị không có sai lầm, người ta vẫn đặt điều cho bạn. Có một số dáng vẻ bề ngoài không đoan chánh liền bị người ta nắm chỗ sơ hở, mượn điều này để hủy báng bạn, sỉ nhục bạn, tổn thương bạn. Những điều này từ xưa đến nay chúng ta thường gặp, thường nghe thấy.

 

           Cho nên, việc tốt thường dễ thất bại.

           Bạn muốn làm một việc tốt, nhưng việc tốt gặp nhiều khó khăn, rất nhiều người trở ngại bạn. Ở Singapore, chúng tôi hy vọng thành lập một thôn Di-đà để chăm sóc những người già, giúp đỡ những người già này mỗi ngày có cơ hội nghe kinh, có cơ hội niệm Phật. Ba, bốn năm nay đi khắp nơi tìm địa điểm, nhưng sau cùng đều bị người phá hỏng, quả thật là việc tốt thường dễ thất bại.

 

           Còn người tốt thường bị hủy báng.

           Người tốt thường gặp người hủy báng. Cuộc đời của tôi trưởng thành trong sự hủy báng, mấy mươi năm nay chưa từng rời khỏi sự hủy báng của người khác. Tuy nhiên, tôi đối với những người hủy báng đó đều rất tôn kính họ, tôi tuyệt đối không biện bạch, vì họ không trở ngại việc giảng kinh thuyết pháp mỗi ngày của tôi. Thông thường, đồng tu nghe thấy những lời hủy báng này, họ không đến nghe giảng nữa, đó là việc của họ. Ở đạo tràng này là “người đến không cự tuyệt, người đi không lưu giữ”, cho nên mỗi người đều có nhân duyên. Đọc đoạn văn này tôi có thể hội rất sâu sắc.

 

           Tốt rồi, hôm nay giảng tới đây thôi.

 

 

 

 Xem thêm:

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 14)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 15)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 16)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 18)

Liễu Phàm Tứ Huấn (tập 19)

Tin liên quan