LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
Tập 13
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 16/04/2001
Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu
Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng, Thâm Quyến, Trung Quốc
Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu về nhà họ Lâm ở Bồ Điền, đây là trường hợp thứ tư về quả báo hiếu thiện tích đức. Gia đình họ Lâm ở Bồ Điền, trước đây có một bà cụ thích hành thiện thích bố thí, thường làm bánh bố thí cho người nghèo. Quanh năm suốt tháng nhưng bà không hề chán mỏi, hoan hỷ giúp đỡ những người nghèo khổ.
Có một vị tiên hóa thành Đạo sĩ.
Tiên nhân hóa thành đạo sĩ. Chúng ta không cần suy đoán về ông, chúng ta chỉ biết là có một đạo sĩ nghèo.
Mỗi ngày ông đều đến đây xin sáu, bảy cái bánh.
Ngày nào ông cũng đến.
Bà lão ngày nào cũng cho ông.
Ông xin rất nhiều, người khác chỉ xin một hai cái, nhưng ông mỗi ngày lấy sáu, bảy cái.
Ba năm như một ngày, tiên nhân biết bà làm thiện bằng tấm lòng chân thành.
Ông ngày nào cũng xin như vậy, xin suốt ba năm, bà cụ này đều hoan hỷ cho ông. Từ đây biết được bà cụ bố thí cứu người là xuất phát từ lòng chân thành.
Do đó Đạo sĩ nói với bà lão rằng.
Hôm đó đạo trưởng nói với bà cụ rằng:
Tôi ăn bánh của bà suốt ba năm, biết lấy gì để báo đáp đây?
Tôi ăn bánh của bà suốt ba năm, mỗi ngày ăn sáu, bảy cái, ăn hết ba năm, tôi lấy gì để báo đáp bà đây?
Sau nhà bà có một mảnh đất, nếu an táng ở nơi đó.
Nhà bà có một mảnh đất quý, ông nói sau này bà mất hãy mai táng ở đó.
Tương lai con cháu của bà được làm quan nhiều như số hạt mè trong một thăng vậy.
Tương lai số con cháu của bà được làm quan nhiều như một thăng hạt mè vậy. Đây là nhờ thành tâm cứu người!
Con trai bà mai táng mẹ ở chỗ đạo sĩ chỉ điểm, ngay đời đầu tiên đã có 9 người thi đậu tiến sĩ, đời đời quan tước cực thịnh, ở Phúc Kiến có câu: “Khoa bảng đề danh nhất định có người nhà họ Lâm”.
Lời nói này là thật, trước đây tôi từng sáu năm ở Kiến Âu, Phúc Kiến; cho đến thời kỳ kháng chiến, gia đình họ đời đời vẫn có hiền nhân. Con cháu của bà nghe theo lời chỉ điểm của đạo trưởng, đem mai táng bà ở đó. Quả nhiên sau khi mai táng, đời thứ nhất con cháu của bà có chín người thi đậu tiến sĩ, cho nên ở Phúc Kiến có câu: “Khoa bảng đề danh nhất định có người nhà họ Lâm”. Mỗi lần có khoa cử, thi đậu cử nhân, đậu tiến sĩ, người nhà họ Lâm chiếm đa số. Đây là tổ tông của họ, bà cụ này thành tâm bố thí cứu người, quanh năm không thấy mỏi mệt.“Lũy đại” là đời này qua đời khác,“trâm anh” là nói cái mũ thời xưa người làm quan thường đội. Cái đai trên mũ gọi là “anh”, sợi dây để thắt mũ gọi là anh, trâm cài ở hai bên gọi là “trâm”. Điều này chứng tỏ họ làm quan rất lớn, gia tộc này vô cùng hưng thịnh, tất cả đều nhờ tổ tông tích đức. Con cháu cũng không ngừng hành thiện tích đức, duy trì gia phong, đời đời không suy yếu.
Trong lịch sử có rất nhiều trường hợp như vậy, nổi tiếng nhất là Phạm Trọng Yêm. Trong văn cổ chúng ta đọc Nghĩa Điền Ký, biết Phạm Trọng Yêm từ nhỏ đã có chí lớn cứu người cứu đời, suốt đời tích lũy công đức không biết mệt mỏi. Đầu năm dân quốc, đại sư Ấn Quang khen ngợi, tổ tông tích được đức lớn ở Trung Quốc có ba người, con cháu đời đời đều được hưởng âm phước của họ. Có ba người, thứ nhất là Khổng tử, hơn 2.500 năm gia đạo không suy, đế vương các triều đại đều tôn kính Khổng Phu tử. Ngày nay vào thời đại Dân Quốc, hậu duệ của Khổng tử ở nước ngoài đều được người nước ngoài tôn kính, đây là dư phước của Khổng tử. Vị thứ hai là Phạm Trọng Yêm, đến đầu năm Dân Quốc, 800 năm không suy yếu, ông là người thời nhà Tống. Vị thứ ba là Diệp Trạng nguyên, từ đầu nhà Thanh cho đến cuối nhà Thanh, 300 năm không suy yếu. Đại sư Ấn Quang lấy trường hợp của ba người này, tổ tông tích đức sâu dày. Xem tiếp người thứ năm:
Cha của Thái sử Phùng Trác Am, lúc làm tú tài học ở trường huyện.
“Ấp” là huyện, tại trường huyện, “tường” là trường học, cũng coi như trường công lập. Khi làm học sinh trường huyện, “tường sanh” thông thường gọi là tú tài.
Vào một buổi sáng mùa đông rét buốt, dậy sớm đến trường học.
Vào mùa đông ông dậy sớm đến học đường.
Trên đường gặp một người bị ngã nằm trong tuyết, sờ thử thì đã lạnh cóng gần chết rồi.
Ông thấy trên đường có một người té ngã nằm trong đống tuyết, ông đến sờ xem thấy chưa chết, nhưng cũng sắp đông cứng rồi.
Ông liền cởi áo khoác của mình ra đắp cho người đó.
Trên người ông đang mặc áo bông hoặc áo da, ông lập tức cởi áo khoác ngoài ra đắp cho người này.
Rồi đưa về nhà cứu sống.
Ông dìu người này về nhà cứu sống, đây là cứu một mạng người. Nhà Phật thường nói: “Cứu một mạng người hơn xây tháp bảy tầng”. Ý câu này rất thâm sâu. người thông thường chỉ biết xây chùa miếu, “phù đồ” là bảo tháp, “thất cấp” là bảo tháp bảy tầng, xây tháp bảy tầng công đức rất lớn. Hiện nay lại thịnh hành việc tạo tượng Phật lớn, đại khái tạc tượng Phật lớn công đức lớn hơn xây bảo tháp. Tôi suy nghĩ mãi câu nói này của cổ nhân, cứu một mạng người còn hơn tạo tượng Phật, Bồ-tát 100 mét, không chỉ là bảo tháp bảy tầng. Quý vị tạo tượng Phật, Bồ-tát lớn như vậy có tác dụng gì? Thế gian hiện nay người khổ nạn quá nhiều, biết bao nhiêu người đang chịu đói khát. Không có cái ăn, không có cái mặc, bệnh không có thuốc men, đáng thương biết bao! Đắp một tượng Phật lớn, xây một bảo tháp phải cần bao nhiêu tiền. Nếu bạn đem số tiền này đi cứu tế nhân dân gặp khó khăn, những người đang chịu đói khát này, tôi tin rằng công đức này là vô lượng vô biên. Cứu một mạng người quả báo không thể nghĩ bàn, được phước báo rất lớn. Nếu bạn có thể cứu ngàn vạn sinh mạng, tôi tin rằng con cháu của bạn đều làm quan rất nhiều, như ở trước vị đạo trưởng nói, số người cũng nhiều như một thăng hạt mè vậy, vì sao không làm? Chúng ta phải tư duy thật nhiều, thế nào là công đức chân thật, thế nào là công đức giả. Trong này có một tiêu chuẩn, phàm là thật sự khiến cho tất cả chúng sanh khổ nạn có được chỗ tốt, đạt được lợi ích, thì công đức này là thật. Nếu khiến tất cả chúng sanh không đạt được lợi ích thực sự thì công đức này là giả.
Cho nên, tôi không tán thành việc tạo tượng Phật lớn, có người nói tượng Phật lớn này ngồi ở nơi đó thì người ở đây đều được bình an. Chưa chắc, đây là thuộc về mê tín. Vừa được phước, vừa bình an thì phải dựa vào điều gì? Dựa vào việc giáo hóa, dựa vào việc thay đổi nhân tâm. Nhân tâm trong thế gian hiện nay, toàn thế giới hầu như đều không ngoại lệ, tự tư tự lợi ngày càng tăng trưởng, tham sân si mạn ngày càng tăng trưởng, đây là căn nguyên của thiên tai. Tạc một tượng Phật lớn có thể trấn áp được thiên tai, làm gì có đạo lý này! Có thể hóa giải kiếp nạn, phải đề xướng giáo dục, giáo dục Phật giáo. Giáo dục Phật giáo là giáo dục của trí tuệ, là giáo dục của từ bi, là giáo dục của lòng yêu thương. Dạy mọi người buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, hy sinh phụng hiến vô điều kiện, giúp đỡ xã hội này, giúp đỡ tất cả nhân dân khổ nạn, đức Phật dạy chúng ta như vậy. Chúng ta hiểu rõ, thật sự chịu y giáo phụng hành thì bản thân chúng ta được độ, cũng thật sự có thể tạo phước cho xã hội, tạo phước cho nhân dân, đây là lời dạy bảo của Phật.
Giả như nói xây bảo tháp, tạo tượng Phật công đức lớn như vậy. Vậy năm xưa khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế, vì sao không tạo tượng Phật lớn? Vì sao không xây đại bảo tháp? Chúng ta xem truyện ký của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, lúc ngài tại thế, cả đời giảng kinh thuyết pháp suốt 49 năm. Ngoài giảng kinh thuyết pháp, dạy học ra, ngài không làm việc gì khác. Ngài cũng chưa từng tổ chức những pháp hội thủy lục gì hết, cũng chưa từng bái sám. Thậm chí bây giờ nói tổ chức Phật thất, tổ chức thiền thất, trong kinh điển chúng ta đều không tìm thấy. Toàn là do người đời sau làm ra, Phật, Bồ-tát không làm những việc này. Chúng ta học Phật nhất định phải học theo Phật, Bồ-tát. Phật, Bồ-tát ở đâu? Ở trong kinh điển, chúng ta nhất định phải tu hành theo lý luận và phương pháp trong kinh điển. Noi theo chư Phật, Bồ-tát, học theo chư Phật, Bồ-tát, đây mới là học trò chân thật của Thích-ca Mâu-ni Phật. Ở đây chúng ta thấy Phùng Trác Am cứu một mạng người, ông đạt được cảm ứng:
Mộng thấy có vị thần nói với ông rằng.
Đây là buổi tối nằm mộng, thấy một vị thiên thần đến nói với ông.
Ông đã dùng tâm chí thành để cứu một mạng người, nay ta sẽ sai Hàn Kỳ đến làm con trai của ông.
Đây là nói về luân hồi. “Hàn Kỳ” là người thời nhà Tống, thời vua Anh Tông và Thần Tông. Ông từng làm Tể tướng 10 năm, cũng từng làm nguyên soái, là một vĩ nhân tài giỏi, văn võ song toàn. Chúng ta đọc lịch sử thấy được, ông rất được người đương thời và hậu thế tôn kính. Thời đó ông và Phạm Trọng Yêm nổi tiếng như nhau, cả hai người đều là văn võ song toàn. Phụ thân của Phùng Trác Am làm việc tốt này, thần nhân nói: “Ta phái Hàn Kỳ làm con trai ông”.
Sau đó sanh ra Trác Am, bèn đặt tên là Kỳ.
Trác Am là tự của ông, tên gọi là Phùng Kỳ. Phụ thân ông lấy tên này, chính là do mộng thấy sự việc như vậy. Quả nhiên ông làm quan đến Thái sử, Thái sử chính là Hàn lâm thời xưa. Xem tiếp ví dụ thứ sáu:
Quan Thượng thư họ Ứng người Đài Châu.
Ở Đài Châu, tỉnh Triết Giang có một quan Thượng thư tên là Ứng Đại Do. “Thượng thư” chính là Bộ trưởng hiện nay, ông làm quan đến chức Bộ trưởng.
Thuở còn trẻ học tập ở trên núi.
“Tập nghiệp” là đi học, học tập ở trên núi. Ngày xưa, người đọc sách đa phần đều sống nhờ ở trong chùa, tự viện quả thật cung cấp môi trường học tập tốt nhất cho người đọc sách. Thời xưa không có nhiều trường học, thông thường một huyện chỉ có một trường, gọi là học huyện, cho nên rất khó tìm môi trường đọc sách. Ngoài chùa ra thì chỉ có những nhà giàu có, trong các gia đình giàu có cất giữ một số kinh sách, mời thầy giáo đến nhà dạy cho con cháu mình, đây gọi là tư thục. Số lượng kinh sách họ cất giữ không nhiều lắm, cho nên tàng thư có quy mô lớn đều ở Tàng Kinh Các trong các tự viện, Tàng Kinh Các giống như thư viện ngày nay vậy. Tàng Kinh Các của tự viện không chỉ cất giữ kinh Phật. Ở Trung Quốc, các điển tịch của nhà Nho, nhà Đạo, Bách Gia Chư Tử hầu như toàn bộ đều được cất giữ ở đây. Người xuất gia thật sự có học vấn, thật sự tu dưỡng thân tâm và đức hạnh của mình, cho nên họ đều là những người thầy rất tuyệt vời. Người đọc sách, tú tài thời xưa thông thường đều thích đến chùa thân cận người xuất gia. Tự viện có kinh sách phong phú, nếu có điều gì không hiểu đều có thể thỉnh giáo người xuất gia, mà người xuất gia hướng dẫn họ đều là nghĩa vụ. Đây là tu tích công đức, tích lũy thiện hạnh trong nhà Phật. Nhưng tự viện Phật giáo hiện nay đã biến chất rồi, hoàn toàn khác với thời xưa. Ngày xưa tự viện là nơi dạy học, hiện nay biến thành nơi tổ chức kinh sám Phật sự, nơi giao lưu với ma quỷ rồi, chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng. Ông học tập ở trên núi, trên núi nhất định là ở trong tự viện.
Ban đêm có rất nhiều ma quỷ tụ tập kêu gào.
Những nơi này buổi tối có rất nhiều ma.
Thường làm người khác kinh sợ, nhưng riêng ông không sợ sệt chút nào.
Nơi hoang dã thật sự có yêu ma, người nhát gan đều không dám ở. Ưng tiên sinh rất gan dạ, tâm địa chánh trực không sợ tà ma quỷ quái. Cho nên ông không sợ, vẫn đọc sách ở trên núi.
Một buổi tối ông nghe thấy quỷ nói.
Có một buổi tối nghe quỷ nói chuyện, nói nhà nào đó.
Có một phụ nữ, chồng đi xa đã lâu chưa về, cha mẹ chồng [cho rằng con trai đã chết] nên ép con dâu tái giá, nhưng con dâu không chịu, nên đêm mai sẽ treo cổ tự vẫn ở đây. Vậy là ta có người thế thân rồi.
Đây là quỷ đang nói chuyện, họ nói có một người, người phụ nữ này vì chồng của cô rời quê hương đã rất lâu mà chưa về. Cha mẹ chồng cô cho rằng con trai mình đã chết, nên ép người con dâu này cải giá. Con dâu không bằng lòng cho nên khởi lên ý niệm ngày mai đến đây thắt cổ tự tự. Chúng ta biết, con quỷ này là do thắt cổ chết, quỷ thắt cổ muốn tìm thế thân, nếu họ không tìm được thế thân thì không thể đầu thai. Điều này trong Phật pháp nói không nhiều, nhưng trong Đạo giáo nói đến rất nhiều, nói rất nhiều về vấn đề này. Phàm những người đột tử, tự sát đều phải tìm thế thân. Bởi vậy tự sát rất thống khổ, tuyệt đối không được làm điều này! Đạo giáo nói với chúng ta, người tự sát cứ bảy ngày họ phải diễn lại một lần, cho nên khổ vô cùng. Thắt cổ tự tử, cứ bảy ngày họ phải thắt cổ một lần như vậy, khi nào tìm được thế thân thì họ mới được thoát khỏi. Nhảy lầu chết, bảy ngày họ phải nhảy một lần, quý vị nói như vậy có đáng thương hay không? Cho nên, con người dù bất đắc dĩ đến đâu cũng không được có ý niệm tự sát, đây chắc chắn là hành vi sai lầm, tuyệt đối không được! Đến khi bạn tìm được người thế thân, bạn đi đầu thai thì vẫn là tùy nghiệp lưu chuyển, khổ không thể tả! Con quỷ thắt cổ chết này cũng rất khó được, ngày mai có người đến thắt cổ, họ có thể tìm được người thế thân, có thể đi đầu thai rồi. “Vậy là ta có người thế thân rồi”, họ có người thay thế rồi.
Ứng Thượng thư nghe biết liền âm thầm bán mảnh ruộng của mình được 4 lạng bạc, rồi viết một bức thư giả làm thư của người chồng gửi về nhà, kèm theo bốn lạng bạc.
Ứng thượng thư nghe được quỷ nói chuyện ở đó, trong lòng ông liền có chủ ý. Sáng sớm hôm sau lập tức về nhà bán ruộng, bán mấy mẫu ruộng được 4 lạng bạc. Viết thêm một lá thư, giả làm con trai của họ viết một lá thư, lập tức gởi về gia đình này cùng với 4 lạng bạc. Cha mẹ ông ta vừa nhìn thấy, con trai gởi thư về, tức là chưa chết.
Cha mẹ chồng xem thư, thấy bút tích không giống con mình nên hoài nghi.
Thấy nét bút không đúng nên hoài nghi.
Nhưng sau đó lại nghĩ, thư có thể giả nhưng bạc làm sao có thể giả được. Vì vậy, họ nghĩ con mình vẫn bình an và cũng không ép con dâu tái giá nữa. Sau đó người con này trở về, vợ chồng lại được đoàn tụ như xưa.
Ứng Thượng thư đã cứu được một mạng người, cha mẹ chồng thấy có người gửi thư về nhà, lại gửi cả bạc về. Tuy nét bút này không giống, nhưng lại nghĩ bạc là thật, chẳng ai vô duyên vô cớ gửi tiền về cho mình được. Nghĩ lại nhất định là con trai bình an vô sự, nên không còn ép con dâu tái giá nữa, cứu được mạng cô con dâu, Ứng thượng thư đã cứu được một mạng người. Chẳng những cứu được một mạng, mà còn thành tựu cho hai vợ chồng này, bảo toàn không đến nỗi bị chia ly. Sau đó con trai họ quả nhiên quay về. Ứng tiên sinh đã làm được một việc âm đức, ông làm việc này không có người biết. Sau khi làm việc này:
Ứng Thượng thư lại nghe quỷ nói, ta sắp có người thế thân nhưng lại bị gã tú tài đó làm hỏng chuyện.
Quỷ vốn đã tìm được thế thân, ai ngờ bị vị tú tài này phá hoại, tú tài này là chỉ tiên sinh Ứng Đại Do, bị ông phá hoại.
Con Quỷ bên cạnh nói rằng: “Sao mày không hại ông ta”.
Con quỷ bên cạnh nói: Vì sao mày không hại ông ta?
Quỷ kia đáp rằng: “Thượng đế thấy người này tâm địa thiện lương nên hạ lệnh ghi âm đức cho ông ta làm Thượng thư, ta làm sao có thể hại ông ta được?”
Con quỷ treo cổ chết này nói: Ông trời biết tâm người này rất tốt, nên đã hạ lệnh cho ông làm âm đức thượng thư, tôi làm sao có thể hại ông ta được?
Ứng Thượng thư nghe vậy ngày càng nỗ lực làm nhiều việc thiện hơn, phước đức ngày càng sâu dày hơn.
Ứng Đại Do nghe thấy quỷ nói chuyện như vậy, bản thân càng nỗ lực hơn, biết việc này mình làm là đúng. Thượng đế hạ lệnh cho ông làm âm đức thượng thư, bản thân ông đâu biết được. Hay nói cách khác, tương lai ông có số làm Bộ trưởng. Đây là quỷ cho ông biết tin tức này, cho nên ông càng không ngừng nỗ lực đoạn ác tu thiện, vì vậy thiện ngày ngày tăng trưởng, đức ngày ngày thêm dày.
Gặp năm mất mùa đói kém, ông liền mang gạo đi cứu tế dân đói. Gặp người thân thích có việc nguy cấp, ông luôn uyển chuyển nghĩ cách giúp họ vượt qua khó khăn. Gặp phải nghịch cảnh, ông luôn quay lại phản tỉnh tự trách mình, rồi đều an nhiên vui vẻ chấp nhận.
Đây đều là biết quay đầu hướng thiện, biết phải làm việc tốt như thế nào. Gặp năm mất mùa, lúc đói kém, ông quyên góp lương thực đi cứu tế, cứu người. Gặp người thân thích có việc cấp bách ông luôn “ủy khúc”, “ủy khúc” là uyển chuyển giúp người khác, giải quyết khó khăn cho người khác. Gặp phải sự ngang ngược, người ta sỉ nhục mình, hủy báng mình, gặp những chuyện như thế ông đều có thể quay lại phản tỉnh, tự trách chính mình. Đây là học Đại Vũ, tuyệt đối không trách người khác. Do tôi làm chưa tốt, không thể khiến người khác sanh tâm hoan hỷ. Lỗi lầm không phải do người mà đều là tại mình, như vậy bản thân mới có thể tu thiện, mới có thể tăng trưởng đức hạnh của mình. Cho nên, những việc vô lý như vậy ông đều có thể “an nhiên vui vẻ chấp nhận”, “di nhiên” là hoan hỷ, nhẫn nhục chịu đựng. Đây đều là sự thật về tu thiện tích đức, về sau ông làm Thượng thư, làm đến Bộ trưởng.
Con cháu của ông thi đậu tiến sĩ đến nay vẫn rất nhiều.
Con cháu của ông, “đăng khoa đệ” là thi đậu tiến sĩ, rất nhiều! Con cháu đời sau đều tốt. Trường hợp thứ bảy là phụ thân của Từ Phụng Trúc.
“Thường Thục”, đây là huyện Thường Thục tỉnh Giang Tô, có một người tên là Từ Phụng Trúc.
Có người tên là Từ Thức, hiệu Phụng Trúc. Cha ông vốn là người giàu có, gặp năm mất mùa đói kém, ông là người đầu tiên trong toàn huyện miễn tô thuế cho dân, lại phân phát lương thực cứu tế người nghèo đói.
Đây là một bậc thiện nhân, gia đình ông rất giàu có. Ngẫu nhiên gặp năm mất mùa, hoặc là hạn hán hay lũ lụt, thu hoạch không tốt, trước tiên ông quyên góp tất cả số tiền thuế ruộng mà ông cần phải thu. Ngày xưa, gia đình giàu có thường có quan niệm mua hằng sản, ngày nay chúng ta gọi là bất động sản. Bất động sản tương đối đáng tin hơn, nhưng bây giờ không có nhiều người quan niệm như vậy. Thời xưa có tiền họ đều mua đất, mua núi, đây gọi là hằng sản. Bất luận gặp thiên tai như thế nào, ruộng đất của họ vẫn còn, sản nghiệp của họ không mất. Không như hiện nay, công thương nghiệp hiện nay rất mong manh, vừa gặp phải thời kỳ khủng hoảng kinh tế thì tổn thất vô cùng nghiêm trọng. Cho nên, chúng ta nghĩ lại thấy quan điểm của cổ nhân thời xưa rất chính xác.
Năm ngoái tôi đến Malaysia, ở tại sơn trang của cư sĩ Lý Kim Hữu, Lý cư sĩ còn giữ được quan niệm truyền thống xưa, ông mua đất ở khắp nơi. Ông nói với tôi ông không tích tiền, tuyệt đối không để tiền trong ngân hàng. Ông nói để tiền trong ngân hàng là chuyện ngu ngốc, tiền của mình để trong ngân hàng, để họ kiếm tiền thì tôi chỉ được chút ít tiền lãi, ông không làm như thế. Tôi hỏi: “Vậy ông làm sao?” Ông nói: “Tôi mua đất, mua đất ở khắp nơi”. Cho nên ở Kuala Lumpur ông mở một khách sạn 6 sao, diện tích mảnh đất đó là 3.000 mẫu Anh. Một mẫu của phương Tây bằng 6 mẫu của Trung quốc, 3.000 mẫu Anh là 3 nhân 6 bằng 18.000 ngàn, là 18.000 mẫu Trung quốc, một mảnh đất lớn như thế. Ở Cổ Tấn ông mua một quả đồi, diện tích bao nhiêu? Năm ngàn mẫu Anh, 5 nhân 6 bằng 3 vạn, là 30.000 mẫu Trung quốc, đều rất lớn, quản lý rất tốt. Ông nói với tôi, ở Úc châu ông cũng mua mấy mảnh đất, tôi hỏi lớn bao nhiêu? Ông nói lớn khoảng bằng Singapore, tôi hỏi ông phát triển nó như thế nào? Ông nói: Hiện nay vẫn chưa triển khai. Lần này tôi đến, ông nói với tôi mảnh đất này tổng cộng là 8 vạn mẫu Anh. 8 vạn nhân 6, điều này không cách gì tưởng tượng được! Đây là mảnh đất lớn nhất. Còn có hai mảnh nhỏ hơn là một vạn mẫu Anh. Có một mảnh nhỏ nhất, ở đó phong cảnh rất đẹp, ông chuẩn bị ưu tiên phát triển trước, có hơn 2.000 mẫu Anh. Tôi nghe xong rất hoan hỷ, tôi nói: Ông đến Úc châu phát triển, tôi sẽ đến xem thử. Ngày xưa cổ nhân mua đồi, mua đất làm bất động sản, đây là một quan niệm rất đúng đắn.
Quý vị có nhiều đất như thế, nhất định là cho nông dân thuê để trồng trọt. Nông dân không có đất đai, họ thuê đất của địa chủ. Mỗi năm trồng trọt nộp thuế, sau khi thu hoạch xong, thu hoạch ngũ cốc xong thì chia cho địa chủ một phần, địa chủ thu tiền thuê. Phụ thân của Từ Phụng Trúc là một địa chủ, gặp năm mất mùa, ông liền đem phần thuế đó, hoặc là miễn giảm, hoặc là quyên góp tất cả để đề xướng cứu giúp thiên tai. “Lại phân phát lương thực cứu tế người nghèo đói”, ông đem lúa gạo trong kho của gia đình ra để cứu tế cho người bần cùng, ông thường làm những việc thiện này.
Ban đêm nghe quỷ hát ở trước cửa nhà.
Ban đêm lại nghe quỷ hát ở trước cửa nhà ông, hát gì vậy?
Ngàn lần không sai, vạn lần không sai, tú tài nhà họ Từ sẽ thi đậu cử nhân. Mấy đêm liên tục đều nghe quỷ hát như vậy.
Quỷ ở trước cửa hát, Tú tài nhà họ Từ lúc đó chính là Từ Phụng Trúc, Từ Phụng Trúc là tú tài. Tức là nói phụ thân ông làm những việc thiện này, nên ông hưởng được quả báo, ông đi thi nhất định sẽ đậu cử nhân.
Năm đó Từ Phụng Trúc dự kỳ thi Hương, quả nhiên đậu cử nhân.
Quả nhiên năm đó Phụng Trúc đi thi đậu cử nhân.
Cha ông nhân đó ngày càng nỗ lực làm thiện cần mẫn không giải đãi, tu sửa cầu đường, cúng dường trai tăng, cứu tế người nghèo đói, tất cả những việc có lợi ích ông đều gắng sức để làm.
Phụ thân ông nghe quỷ hát, quả nhiên con trai đã thi đậu cử nhân, đúng là rất hiệu nghiệm, cho nên ông ra sức nỗ lực hành thiện. “Ích” là tăng trưởng, đặc biệt nỗ lực làm việc thiện, chăm chỉ không ngừng.“Tu sửa cầu đường”, đây là đưa ra mấy ví dụ, làm lợi ích thuận tiện cho người đi đường. “Cúng dường trai Tăng, cứu tế người nghèo đói”, “trai tăng” là mời người xuất gia dùng cơm, “tiếp chúng” là tiếp tế dân chúng.
Ở đây nói đến “trai tăng”, lợi ích của trai tăng là gì? Vì sao phải làm những việc này? Vào thời nhà Minh và thời nhà Thanh, phong khí này rất thịnh hành, hiện nay ở Trung quốc hay ở nước ngoài vẫn rất thịnh hành. Cư sĩ tại gia lấy tài vật cúng tăng, mong cầu tu phước. Mà những người xuất gia tiếp nhận cúng dường phải nói pháp cho họ nghe. Hay nói cách khác là phải dạy dỗ họ. Người tại gia bố thí tài cho người xuất gia, người xuất gia bố thí pháp cho người tại gia, trai tăng là cầu pháp. Trong kinh Lăng Nghiêm chúng ta thấy đức Phật Thích-ca Mâu-ni tiếp nhận quốc gia, đại thần cúng trai. Thông thường sau khi thọ trai xong nhất định phải giảng kinh thuyết pháp. Ngày hôm đó, đức Phật sau khi tiếp nhận cúng trai xong không có thuyết pháp, đứng dậy ra về. Những vị trai chủ này cứ đi theo đức Phật Thích-ca Mâu-ni, ngài chưa nói pháp cho con nghe, nên con đi theo ngài. Thì ra đức Thế Tôn phải đi giải quyết công việc, công việc gì vậy? Tôn giả A-nan gặp nạn nên đi cứu ngài trước, pháp hội Lăng Nghiêm do đây mà có. Những người cúng trai đều tham gia pháp hội Lăng Nghiêm này. Đây là công đức chân thật, lợi ích chân thật của việc trai tăng. Những người xuất gia này có đạo đức, có học vấn, có tu dưỡng, là đạo sư của xã hội đại chúng. Nói như hiện nay là thầy giáo đa nguyên văn hóa, họ thật sự làm được hy sinh phụng hiến một cách triệt để. Vì cầu học vấn, vì giáo hóa chúng sanh, phụng hiến suốt cuộc đời.
“Tiếp chúng” là gặp người khốn khó. Tiếp là tiếp tế, họ nghèo khó, hoặc là thất nghiệp. Họ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu dùng. Phụ thân của Phụng Trúc, gia đình họ giàu có, chỉ cần gặp được thì đều vui vẻ giúp đỡ. “Phàm là những việc có lợi ích ông đều gắng sức để làm”, chỉ cần là việc đem lại lợi ích cho xã hội, có lợi ích cho đại chúng ông đều tận tâm tận lực để làm. Số mệnh có của cải, cần phải làm người như thế mới đúng. Của cải không phải cung cấp cho một người hưởng thụ, tuyệt đối không phải cung cấp cho một gia đình hưởng thụ. Số mệnh bạn có của cải, cần phải biết bạn có sứ mạng, có chức trách giúp đỡ tất cả những người nghèo khổ trong thế gian, như vậy của cải của bạn đời đời kiếp kiếp hưởng không hết! Của cải từ đâu mà có? Của cải do bố thí mà có, càng thí càng nhiều. Ông làm như thế, sau đó lại nghe quỷ hát trước cửa nhà mình, hát rằng:
Ngàn lần không sai, vạn lần không sai, cử nhân nhà họ Từ sẽ làm đến chức Đô đường.
Chức quan ngày càng cao.
Quả nhiên Phụng Trúc làm quan đến chức Tuần phủ Lưỡng Chiết.
“Tuần phủ” là tỉnh trưởng hiện nay, làm đến chức tỉnh trưởng của Triết Giang. Cho thấy tổ tiên tích lũy công đức được quả báo vô cùng thù thắng. Chúng ta thấy con cháu của ông đều được hưởng phước báo lớn như vậy, vậy bản thân ông thì sao? Bản thân phước báo nhất định càng lớn hơn, nhưng bản thân ông không còn ở đời nữa, vậy thì quả báo của ông là ở đời sau. Phàm những người tích lũy công đức như thế, nếu họ ở thế gian thì phước báo đó của họ ở đời sau quả thật không thể nghĩ bàn. Nếu đời sau không ở thế gian, thì nhất định sanh lên cõi trời hưởng phước trời. Còn phước báo mà con cháu đời sau của họ hưởng, đây gọi là dư phước. Chư vị nhất định phải hiểu ý này. “Gia đình tích thiện, ắt thừa niềm vui”, đó là dư phước cho con cháu. Phước báu của mình so với phước mà con cháu hưởng thụ nhất định vượt hơn rất nhiều lần, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Thiện không thể không tu, không thể không tích, tích thiện chắc chắn có quả báo tốt.
Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.
☆ Xem thêm: