KINH VÔ LƯỢNG THỌ
(PHÚC GIẢNG LẦN 2)
Tập 37
Chủ giảng: Cư sĩ Lưu Tố Vân
Thời gian: 09/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người. A-di-đà Phật!
Nguyện thứ 39: nguyện trang nghiêm vô tận. Nguyện văn như sau:
Ngã tác Phật thời, quốc trung vạn vật, nghiêm tịnh, quang lệ, hình sắc thù đặc, cùng vi cực diệu, vô năng xưng lượng, kỳ chư chúng sanh, tuy cụ thiên nhãn, hữu năng biện kỳ hình sắc, quang tướng, danh số, cập tổng tuyên thuyết giả, bất thủ Chánh Giác.
Đại ý của lời nguyện là, tất cả vạn vật trong nước đều trang nghiêm, thanh tịnh, quang minh, mỹ lệ, hình và sắc đều kỳ diệu thù thắng. Hình là hình dạng chỉ cho lớn nhỏ, vuông tròn, dài ngắn v.v. Sắc là màu sắc, chỉ xanh vàng đỏ trắng tím đen v.v. Tất cả đều vô cùng tươi đẹp và kỳ diệu, không còn gì hơn.
Cho nên nói hình sắc thù đặc. “Vi” là tinh diệu, vi diệu là tinh diệu đến cực điểm. “Cùng” là cùng tận, cùng vi là trọn phần xinh đẹp, vi diệu tột cùng, không có khiếm khuyết, không có thiếu sót. “Cực diệu” chính là tuyệt diệu, thần diệu. Đối với sự vi diệu của cõi nước Cực Lạc, không có người nào có thể ngợi khen tán thán, suy tính đo lường, cho nên gọi là “vô năng xưng lượng”. Giải thích của Hội Sớ rất hay, mở rộng ra ý nghĩa mà giải thích như sau, trong một hạt cực nhỏ, ví dụ như hạt neutrino cũng bao gồm toàn bộ lý thể mà thành, tất cả sự tướng làm thể, hoàn toàn là tướng do diệu lý hiện ra, cho nên tướng mà vô tướng, là tướng vô lậu, là tướng của thật tướng. Hết thảy hình tướng đều là tâm thanh tịnh của đức Di-đà. Trong chỗ cực vi, hoàn toàn là tướng do diệu thể hiện ra, đều là thật tướng, thế nên gọi là “cùng vi cực diệu”. Do vì thế giới Cực Lạc hoàn toàn hiển hiện pháp giới sự sự vô ngại, một hàm chứa nhiều, nhiều có thể dung nhập vào một, nhỏ có thể chứa lớn, dung nhiếp lẫn nhau, trùng trùng vô tận. Ví như đem hai tấm gương chiếu đối diện nhau, bạn sẽ nhìn thấy được vô cùng vô tận lớp lớp tấm gương ở bên trong. Cho nên không thể nói, không thể đo lường được, cách thức ở thế gian đều không thể làm được. Cực Lạc Tịnh Độ chỉ có Phật và Phật mới có thể rốt ráo, nên ngoài Phật ra thì tất cả chúng sanh trong chín pháp giới đều không thể phân biệt hình sắc của vạn vật ở Cực Lạc, bao gồm hình dạng, màu sắc, quang tướng tức tướng hảo của quang minh, danh số tức số mục của danh tự, huống hồ có thể nêu lên được tổng quát tổng cộng là bao nhiêu, tổng thể là như thế nào, đều không thể làm được. Cho nên nói, nếu có thể phân biệt được hình sắc, quang tướng, danh số, cho đến nêu ra được tổng thể thì đức Di-đà không thành Phật.
Nguyện thứ 40: nguyện vô lượng sắc thụ. Nguyện văn như sau:
Ngã tác Phật thời, quốc trung vô lượng sắc thụ, cao hoặc bá thiên do-tuần, đạo tràng thụ cao tứ bá vạn lý. Chư Bồ-tát trung, tuy hữu thiện căn liệt giả, diệc năng liễu tri.
Đại ý của lời nguyện là: trong nước có vô lượng sắc thụ. Sắc thụ là tất cả các cây báu trong nước đều do bảy báu hợp thành, màu sắc sáng rỡ, sắc đẹp mỹ lệ, độ cao hoặc mấy trăm do-tuần, mấy ngàn do-tuần. Một do-tuần có người nói là 40 dặm, có người nói là 60 dặm, có người nói là 80 dặm, đây là đơn vị khoảng cách, nhưng không quá chặt chẽ. Do lộ trình hành quân trong một ngày của đế vương thời xưa là một do-tuần, nên có sự chênh lệch lớn. Nếu chúng ta lấy con số lớn nhất là 80 dặm thì cây cao chín ngàn do-tuần sẽ là 720.000 dặm, bạn có thể tưởng tượng ra không? Một cây cao đến 720.000 dặm thì như thế nào vậy? Thù thắng hơn nữa là đạo tràng thụ, đạo tràng thụ chính là cây Bồ-đề. Từ phía Tây Nam núi Chánh Giác ở Ấn Độ, đi thêm 14-15 dặm có một cây Tất-bát-la, Phật ngồi ở dưới cội cây này thành Phật, cho nên cây này được gọi là cây Bồ-đề. Kinh Duy-ma-cật của ngài Tăng Triệu chú giải, cây này phóng quang thì không có nơi nào không thể chiếu tới, hương thơm có thể xông khắp mọi nơi, hình sắc vi diệu đến cực điểm, tùy theo ý thích trong tâm của người nhìn, bạn thích cái gì thì nó hiện ra cái ấy. Cây không những có ánh sáng, hương thơm mà còn thuyết pháp. Người ở thế giới Cực Lạc thích nghe điều gì thì nghe điều đó. Chúng sanh nếu có thể thấy được cây Bồ-đề thì tự nhiên ngộ nhập đạo Bồ-đề. Trong nước Cực Lạc có rất nhiều cây Bồ-đề, đều có công đức không thể nghĩ bàn như vậy. Cây Bồ-đề so với tất cả các cây báu thì cao gấp nhiều lần, độ cao là 400 vạn dặm. Trong số nhân dân ở cõi Cực Lạc tuy là người thiện căn kém cỏi cũng có thể biết được, cũng có thể đạt được lợi ích chân thật từ cây.
Nguyện thứ 41: nguyện cây hiện cõi Phật. Nguyện văn như sau:
Dục kiến chư Phật tịnh quốc trang nghiêm, tất ư bảo thụ gian kiến, do như minh kính, đổ kỳ diện tượng, nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Đại ý của lời nguyện là: Người ở thế giới Cực Lạc muốn thấy sự thanh tịnh trang nghiêm trong các cõi nước của mười phương chư Phật thì không cần rời khỏi nước mình, mà ở nơi cây có thể nhìn thấy rõ ràng, giống như từ trong tấm gương trong sáng nhìn thấy khuôn mặt của chính mình vậy. Cõi Phật mười phương rộng lớn vô số, nhưng có thể từ nơi cây nhỏ hẹp mà hiện ra toàn bộ. Nhỏ có thể chứa lớn, từ nơi cây nhỏ hẹp có thể hiện ra rất nhiều cõi nước rộng lớn trong mười phương, đây là cảnh giới Hoa Nghiêm, đạo lý Thập Huyền của Hoa Nghiêm thảy đều được phản chiếu ra từ nơi kinh Vô Lượng Thọ.
Nguyện thứ 42: nguyện triệt chiếu mười phương. Nguyện văn như sau:
Ngã tác Phật thời, sở cư Phật sát, quảng bác nghiêm tịnh, quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật thế giới. Chúng sanh đổ giả, sanh hy hữu tâm, nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Đại ý của lời nguyện là: Khi tôi thành Phật, cõi nước Phật của tôi quảng bác nghiêm tịnh, quảng là rộng rãi, bác là rộng lớn, nghiêm là trang nghiêm, tịnh là thanh tịnh. Đồng thời cõi nước “quang oánh như kính”, quang là quang minh, oánh là lóng lánh, quang minh thanh khiết sáng trong như gương vậy. Triệt chiếu thập phương, có thể chiếu đến hết thảy vật vi tế trong mười phương cho đến nơi cực xa, vô lượng vô số thế giới chư Phật chẳng thể nghĩ bàn. Kinh Hoa Nghiêm nói: Trong tấm gương ấy thấy vô lượng cõi, hết thảy núi sông, hết thảy chúng sanh, địa ngục ngạ quỷ, hoặc tốt hoặc xấu, hình loại thế nào thảy đều hiện rõ. Tấm gương trong Kinh Hoa Nghiêm tương đồng với tấm gương sáng nói trong lời nguyện này. Tất cả chúng sanh đến thế giới Cực Lạc và chúng sanh trong tất cả mười phương thế giới nếu nhìn thấy được tướng công đức không thể nghĩ bàn của thế giới Cực Lạc soi chiếu tất cả cõi nước mười phương thì đều sẽ sanh khởi tâm hy hữu khó có được. Kinh Niết-bàn nói: Ví như trong nước mọc lên hoa sen thì không xem là hiếm có, từ trong lửa đỏ mà sanh hoa sen mới xem là hy hữu. Kinh Niết-bàn chỉ ra tâm hy hữu là nói tâm hiếm có, như hoa sen sanh ra từ trong lửa, không bao lâu thì có thể thành tựu Chánh Giác.
Nguyện thứ 43: nguyện hương báu xông khắp. Nguyện văn như sau:
Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới, chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh, nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Đại ý của lời nguyện là: Khi tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, thông trên suốt dưới, hết thảy những kiến trúc trong đó như: cung điện, lâu quán, quán là lâu đài, đài tạ, ao báu tuôn nước, mọi loại cây báu cho đến hết thảy vạn vật khác đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Cho nên một bông hoa, một chiếc lá, một giọt nước ở thế giới Cực Lạc đều là ức ức vạn vạn, không thể nói rõ là bao nhiêu chủng loại hương báu hợp thành, đây là đạo lý tất cả trong một của kinh Hoa Nghiêm. Cho nên bên trong một giọt nước suối, một cánh hoa rơi trong đó đều bao gồm vô lượng vô biên hương báu, đây chính là đạo lý một là tất cả của Hoa Nghiêm. Đồng thời mỗi một mùi hương đều là bảo hương, hương thơm thế tục tuyệt không thể sánh, lại còn do vô lượng bảo hương hợp thành, cho nên hương thơm này rất thù thắng. Hương xông khắp mười phương thế giới, mười phương thế giới đều có thể ngửi được. Tất cả chúng sanh chỉ cần ngửi được diệu hương của Cực Lạc tự nhiên thân tâm thanh tịnh, tu tập tất cả hạnh thù thắng mà Phật đã dạy, thế nên lại hiển hiện ra cảnh giới huyền diệu của Hoa Nghiêm. Vô lượng bảo hương gom vào bên trong một mùi hương, hương là hương trần, một hạt hương trần có thể xông khắp mười phương thế giới, một này chính là trọn khắp mười phương, một trùm hết thảy, một chính là nhiều, chính là tất cả, đều là không thể nghĩ bàn. Hương vốn là bụi trần, hương ở Cực Lạc có thể tạo công đức, điều này giống như Hương Tích Như Lai của nước Chúng Hương trong Kinh Duy-ma-cật phái các Bồ-tát ở cõi Chúng Hương đến gặp ngài Duy-ma-cật. Ngài Duy-ma-cật hỏi: Đức Hương Tích Như Lai của các ngài thuyết pháp thế nào? Chúng Hương Bồ-tát trả lời: Đức Như Lai ở cõi nước tôi không dùng văn tự để thuyết pháp. Đức Hương Tích Như Lai không dùng văn tự nói pháp mà chỉ dùng các loại hương thơm khiến chư Thiên nhân có thể hợp với giới luật. Mỗi vị Bồ-tát đều ngồi dưới cây hương, ngửi diệu hương ấy liền có thể đạt được Nhất Thiết Đức Tạng Tam-muội. Cho nên hương của thế giới Cực Lạc cũng như vậy, chúng sanh ngửi hương đều tu Phật hạnh, có thể thấy thế giới Cực Lạc nhiếp trọn hết thảy chỗ thù thắng trong 21 câu-chi cõi Phật. Công đức mà Hương Tích Như Lai dùng hương để làm Phật sự thì ở thế giới Cực Lạc cũng đều thu nhiếp được.
Nguyện thứ 44: nguyện được Phổ Đẳng Tam-muội. Nguyện văn như sau:
Ngã tác Phật thời, thập phương Phật sát chư Bồ-tát chúng, văn ngã danh dĩ, giai tất đãi đắc thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng tam-muội. Chư thâm tổng trì, trụ Tam Ma Địa, chí ư thành Phật.
Từ nguyện này trở đi cho đến nguyện sau cùng, tức từ nguyện thứ 44 đến nguyện thứ 48, 5 nguyện này đều chỉ cho trường hợp nghe danh được lợi ích ở thế giới phương khác. Những người trong cõi Tịnh độ đều là đại tâm hành giả đã đoạn kiến tư hoặc, phát Bồ-đề tâm, đều là Bồ-tát, không có phàm phu. Thế nên lời nguyện gọi thẳng họ là chư Bồ-tát ở mười phương cõi Phật, chỉ cần vừa nghe được danh hiệu Di-đà thì “giai tất đãi đắc”, “đãi” nghĩa là theo kịp, đạt tới, cũng chính là theo đó mà đạt được, đạt được ba loại tam-muội là: thanh tịnh, giải thoát và phổ đẳng. Bản dịch thời Tống nói là: “Ứng thời chứng đắc”, đồng nghĩa với “giai tất đãi đắc”. Thanh tịnh có nghĩa là gì? Không có hoài nghi, cấu uế, nhiễm trước. A-di-đà Phật còn có tên là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật, trong kinh này, hành nhân nếu có thể làm được “nhất niệm tịnh tâm, nhất niệm tịnh tín” cầu sanh Cực Lạc Tịnh Độ thì đều được như nguyện. Có thể thấy thanh tịnh vô cùng quan trọng. Chánh định trong thanh tịnh thì gọi là thanh tịnh tam-muội. Hiện nay rất nhiều người khi nhập định thì có một chút tịnh cảnh, đạt được một chút khinh an thì liền vui thích, đó chính là nhiễm trước, sắp sa vào con đường sai lầm. Người có dụng công một chút đều biết niềm vui ở thế gian chẳng đáng gì cả, so với pháp lạc thì không thể so sánh. Phải biết thanh tịnh tam-muội là vô nhiễm vô trước tam-muội. Giải thoát tam-muội là tam-muội lìa khỏi tất cả ràng buộc, tự do tự tại. Nghe một câu nói không vừa tai liền tức giận thì bạn rất bị tác động, bạn bị trói chặt rồi, họ vừa lôi kéo thì bạn chạy theo rồi, làm gì có tự do tự tại. Đạt được giải thoát tam-muội thì bạn không còn bị trói buộc nữa. Thế nên thế nào gọi là thiện tri thức? Thiện tri thức chỉ giúp cho người cởi bỏ ràng buộc, nơi nào dính chấp thì sẽ kéo ra, nơi nào ràng buộc thì sẽ cởi trói, cho nên Thiền Tông nói: Trong Thiền môn thật không có một pháp nào để cho người cả. Phổ đẳng tam-muội, phổ là phổ biến, đẳng là bình đẳng, đừng xem thường bốn chữ “phổ biến bình đẳng” này. Tất cả mọi thứ đều có thể phổ biến bình đẳng rồi thì sẽ là cảnh giới gì vậy? Là đã đạt được pháp môn Bất Nhị. Không bình đẳng chính là hai thứ, tà và chánh là hai thứ, thiện và ác là hai thứ, Phật và ma là hai thứ, nhiều loại phân hai thứ. Thế gian phân thành hai thứ thì còn nhiều hơn nữa, nam và nữ là hai rồi, nếu tất cả đều không có sai biệt thì mới là bình đẳng, phổ biến mà không có sai biệt thì là phổ đẳng. Phổ đẳng tam-muội là tam-muội rất sâu.
“Chư thâm tổng trì”, tổng trì chính là Đà-la-ni. “Trụ Tam Ma Địa” chính là an trụ ở chánh định, chánh thọ. Hiện nay rất nhiều người luyện công không phải là chánh định, từ tà định mà phát ra tà thông, đi vào đường tà, sau cùng đọa lạc, cho nên muốn lên mà lại rớt xuống, càng luyện càng không tốt. Do nghe danh mà được phổ đẳng tam-muội là ý chính của nguyện này, do đó tự nhiên đạt được nhiều loại tổng trì thâm sâu, an trụ vào chánh định, sau cùng công viên quả mãn, đạt được thành Phật.
Vừa rồi nói có người luyện công lạc vào tà đạo, đắc được ma thông, việc này thật có, 20-30 năm trước đã có, những năm này hưng khởi lên một phong trào, người luyện khí công rất nhiều, theo thời cơ mà phát sinh ra đủ hình đủ loại thầy khí công, lại còn là cấp bậc đại sư, những đại sư này đều là vị thần ngồi trên tòa cao. Còn nhớ năm đó có biết bao người đối với các thần này đảnh lễ cúng bái, thậm chí đến mức cuồng tín. Bây giờ nghĩ lại thật sự không thể nghĩ bàn, những người này lúc đó bị sao vậy? Dây thần kinh nào của họ đã đi sai đường vậy? Còn nhớ năm đó ở một nơi nọ có một bậc thầy khí công lớn, danh tiếng nổi như cồn, chấn động một thời, không ai chẳng biết, không ai chẳng hay, được tung hô lên đến tận mây xanh, kiểu cách đó của bà ấy đã vượt trên cả mọi người, về sau không biết vì nguyên nhân gì mà biệt tăm biệt tích. Tình hình hiện nay của chúng ta so với thời đó vừa có điểm tương đồng vừa có điểm khác biệt, hiện nay người luyện khí công ít rồi, người luyện những loại công khác thì vẫn còn nhiều, chẳng phải nói luyện công không tốt, ý tôi là bạn luyện công gì thì cũng phải lựa chọn cẩn thận, đừng lạc vào ma đạo, đừng đắc thần thông của ma.
Những năm đó người học Mật càng ngày càng nhiều, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ từ bi đến cùng cực, ngài là Kim Cang Thượng Sư của Mật Tông, đó là vị Kim Cang Thượng Sư thật sự có sư thừa. Ngài đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta, ngài nói với chúng ta, vì sao nhiều người học Mật đến như vậy?
Thứ nhất là do tâm hiếu kỳ, những thứ này đều nhìn quen rồi, không còn kỳ lạ nữa, nhìn đến Mật Tông thấy những tướng này rất lạ kỳ, tướng uy mãnh, tướng song thân, đều xuất phát từ tâm hiếu kỳ, vậy không được rồi.
Thứ hai là mong nhanh chóng, nói Mật Tông thành tựu nhanh chóng, họ có thái độ gấp gáp, muốn bản thân mau chóng thành tựu, vì cá nhân mà tính toán, đây đều là tế bào ung thư.
Thứ ba là muốn tìm đường tắt, muốn không tốn sức mà tìm được lối tắt để vào, lắc mình một cái thì biến thành Phật, vậy thì bản thân đã có tà kiến rồi.
Thứ tư là muốn đắc thần thông, trong Mật pháp có thần thông, họ ưa thích thần thông, truy cầu thần thông, đặc biệt là rất thích lối tu song thân, rất nhiều người muốn học điều này, để đáp ứng nhu cầu này thì có đủ loại chiêu bài được bày ra, nào là Phật sống, Pháp Vương, Pháp Vương của các Pháp Vương.
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ từ bi, ngài nói với chúng ta làm thế nào để phân biệt sư phụ, hãy nhớ kỹ tám chữ, phàm là người bàn đến thần thông huyền diệu, đề xướng lối tu song thân thì nhất định phải tránh xa, bất kể họ có bản lĩnh đến đâu thì người thầy như vậy rất nguy hiểm, nếu như họ còn tham tiền tài thì càng phải tránh xa hơn.
Ba loại tam-muội trong lời nguyện, sách Hội Sớ nói: thanh tịnh tam-muội, giải thoát tam-muội, phổ đẳng tam-muội đều là niệm Phật tam-muội, vì niệm Phật tam-muội được gọi là bảo vương tam-muội. Bảo vương tam-muội là quý nhất trong tất cả tam-muội, là vua trong tất cả tam-muội, có đủ công đức của tất cả tam-muội. Đã có đủ công đức của tất cả tam-muội, đương nhiên cũng có đủ danh hiệu của tất cả tam-muội. Niệm Phật tam-muội có thanh tịnh tam-muội, giải thoát tam-muội, phổ đẳng tam-muội và các loại danh xưng tam-muội khác. Cho nên sau cùng, Bồ-tát của các cõi Phật khác vừa nghe danh hiệu Phật thì được tam-muội thù thắng cho đến thành Phật. Lợi ích của việc nghe danh hiệu Phật vượt hơn các nguyện trước đó, đây là vì người nghe danh hiệu là Bồ-tát, đã đoạn kiến tư hoặc, hiện đang đoạn trừ trần sa và vô minh, hoặc chướng đã nhẹ, dễ tương ưng với Bồ-đề, giống như tấm kính dơ đã được đánh bóng, tự nhiên dễ dàng hiện ra hình ảnh soi chiếu. Một câu Phật hiệu, nhân quả đồng thời, có hết thảy công đức của Bảo Vương tam-muội, cũng chính là công đức của tất cả tam-muội. Bồ-tát phương khác nghe danh tương ứng, đồng khế nhập Bảo Vương tam-muội, phổ đẳng tam-muội, tất cả tam-muội, đồng thời có hết thảy công đức tam-muội.
Nguyện thứ 45: nguyện trong định cúng Phật, nguyện văn như sau:
Định trung thường cúng vô lượng vô biên nhất thiết chư Phật, bất thất định ý, nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Đại ý của lời nguyện là: Bồ-tát phương khác do nghe danh mà trụ vào chánh định, trong định thường cúng dường tất cả chư Phật, nói cúng dường rộng khắp chính là ngay ở chỗ dụng công hối hả nhưng không hề mất định ý. Cho nên nguyện này gọi là trong định cúng Phật. Đây là cảnh giới thậm thâm của Bồ-tát Địa Thượng. Hội Sớ cho rằng: Những Bồ-tát sơ phát tâm ở phương khác do nghe được danh hiệu Phật, nhanh chóng đăng Địa Thượng, được các lực tam-muội, nên mới có thể cúng Phật trong định. Luận Chú nói: Bồ-tát bát địa trở lên thường ở trong tam-muội, dùng sức tam-muội, thân không rời bổn xứ mà có thể đi khắp mười phương cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sanh. Nghe danh nhanh chóng đăng Địa Thượng, nên công đức câu Phật hiệu không thể nghĩ bàn, nguyện lực của đức Di-đà không thể nghĩ bàn.
Nguyện thứ 46: nguyện đắc Đà-la-ni. Nguyện văn như sau:
Ngã tác Phật thời, tha phương thế giới chư Bồ-tát chúng, văn ngã danh giả, chứng ly sanh pháp, hoạch Đà-la-ni.
Đại ý của lời nguyện là, chư Bồ-tát ở thế giới phương khác, nghe được danh hiệu của tôi liền chứng nhập ly sanh pháp. Ly sanh chính là lìa khỏi sanh tử, hành nhân Tam Thừa đoạn kiến hoặc, tư hoặc, lìa khỏi sanh tử trong ba cõi, chứng ly sanh pháp. Bồ-tát đoạn hoặc, đoạn kiến tư hoặc là bước đầu tiên, còn có trần sa, vô minh hoặc, tổng cộng ba hoặc. Nghe danh không những lìa sanh tử, mà quan trọng hơn là đắc được Đà-la-ni.
Đà-la-ni có 4 ý nghĩa. Thứ nhất, pháp Đà-la-ni, đối với tất cả giáo pháp của Thế Tôn có thể nghe, có thể trì, vĩnh viễn không quên mất. Thứ hai là nghĩa Đà-la-ni, đối với nghĩa chân thật của tất cả pháp đều tổng trì không quên. Thứ ba là chú Đà-la-ni, chú còn gọi là minh và chân ngôn, đối với tất cả chú đã từng nghe đều không quên. Thứ tư là nhẫn Đà-la-ni, an trụ trong thật tướng của các pháp, gọi là nhẫn Đà-la-ni, cũng chính là an trụ trong cảnh giới thật tướng, an trụ trong cảnh giới pháp thân. Trong Thiền Tông gọi là phá trùng quan, phá thêm một cửa nữa thì kiến giải đồng như Phật, gọi là pháp thân mộc mạc, so với pháp thân của chư Phật chỉ là trong vạn đức còn chưa viên mãn, thiếu sự trang nghiêm, nên gọi là pháp thân mộc mạc. Bồ-tát mười phương nghe được danh hiệu Phật liền an trụ trong thật tướng các pháp, thật là vô thượng thù thắng.
Nguyện thứ 47: nguyện nghe danh đắc nhẫn. Nguyện văn như sau:
Thanh tịnh hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ, tu Bồ-tát hạnh, cụ túc đức bổn, ứng thời bất hoạch nhất nhị tam nhẫn, ư chư Phật pháp bất năng hiện chứng bất thoái chuyển giả, bất thủ Chánh Giác.
Đại ý của lời nguyện là: Thanh tịnh nghĩa là vốn không nhiễm trước. Hoan hỷ là trong tâm hỷ duyệt, lấy tịch diệt làm vui. Bình đẳng, Kinh Kim Cang nói: pháp ấy bình đẳng không có cao thấp. An trụ trong pháp bình đẳng, ba thứ: tâm, Phật, chúng sanh đều không có sai biệt, chính là bình đẳng trụ. Pháp môn Tịnh độ dùng bình đẳng để phổ độ, tự giác, giác tha, đều ban cho lợi ích chân thật, đó là tu Bồ-tát hạnh. Tu hành như vậy tự nhiên đầy đủ tất cả gốc công đức của quả vị Phật, đây gọi là “cụ túc đức bổn”. “Ứng thời” chính là ngay tức thì, lập tức. “Nhất nhị tam nhẫn” là đệ nhất nhẫn, đệ nhị nhẫn, đệ tam nhẫn. Bản dịch thời Ngụy nói: Sau khi tôi thành Phật, chúng sanh mười phương nghe đến tên tôi, nếu không đắc được vô sanh pháp nhẫn của Bồ-tát, trụ sâu tổng trì thì không ở ngôi Chánh Giác. Bản dịch thời Tống nói: Người nghe tên tôi lập tức đắc được sơ nhẫn, nhị nhẫn, cho đến vô sanh pháp nhẫn, thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho nên đệ tam nhẫn chính là vô sanh pháp nhẫn, chính là trí tuệ chân thật, an trụ vào lý thể thật tướng không sanh không diệt mà chẳng động thì gọi là vô sanh pháp nhẫn, cũng chính là như như bất động địa, an trụ vào trí tuệ của lý thể thật tướng vốn không sanh không diệt, gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đại Trí Độ Luận nói: Vô sanh pháp nhẫn là ở trong thật tướng không sanh không diệt của các pháp có thể tín thọ thông đạt, vô ngại, bất thoái, thì gọi là vô sanh nhẫn. Đại Trí Độ Luận nói rằng: Đối với thật tướng của các pháp vốn là không có sanh diệt có thể tín thọ, nghe rồi thì sanh lòng tin, y giáo phụng hành, thông đạt là dung thông hiểu rõ, vô ngại là không có mâu thuẫn chướng ngại, bất thoái là tiến lên phía trước không thoái chuyển, thì đây gọi là vô sanh pháp nhẫn. Căn cứ vào hai bản dịch thời Ngụy và thời Tống thì đệ tam nhẫn chính là vô sanh pháp nhẫn, chớ nên sanh nghi ngờ. Phẩm thứ 15 của kinh này có câu “kiến Bồ-đề thụ cập tam chủng nhẫn”. Thứ nhất là âm hưởng nhẫn, do âm hưởng mà ngộ ra chân lý. Thứ hai là nhu thuận nhẫn, huệ tâm nhu nhuyễn, có thể tùy thuận chân lý. Thứ ba là vô sanh pháp nhẫn, ba nhẫn này chính là ba thứ nhẫn trong nguyện thứ 47 này. Bồ-tát Long Thọ nói: Sơ địa Bồ-tát trở lên cũng có thể được vô sanh nhẫn, nhưng căn cứ theo Kinh Nhân Vương và Địa Kinh thì vô sanh pháp nhẫn là địa vị của thất địa Bồ-tát, bát địa Bồ-tát, cửu địa Bồ-tát. Thế nên thường nói là bát địa Bồ-tát và Bồ-tát từ bát địa trở lên mới thật sự chứng đắc vô sanh pháp nhẫn. Có thể thấy cõi Phật phương khác, vãng sanh đến cõi Phật khác ngoài thế giới Cực Lạc, trong đó sơ phát tâm Bồ-tát vừa nghe danh hiệu Di-đà thì lập tức chứng vô sanh pháp nhẫn, trở thành Địa Thượng Bồ-tát, công đức nghe danh không thể nghĩ bàn.
Nguyện thứ 48: nguyện hiện chứng bất thoái. Nguyện văn như sau:
Ư chư Phật pháp, bất năng hiện chứng bất thoái chuyển giả, bất thủ Chánh Giác.
Đại ý của lời nguyện như sau: Tất cả Bồ-tát của cõi Phật phương khác vừa nghe đến danh hiệu A-di-đà Phật liền chứng bất thoái chuyển, trở thành A-bệ-bạt-trí. Kinh Nhân Vương nói: Bồ-tát Tín Vị của Biệt Giáo được gọi là Thanh Mao Bồ-tát, giống như sợi lông chim trong gió, theo gió lên xuống không định, chạy đông chạy tây. Kinh Niết-bàn lại nói: Cá con, Am La Hoa, Bồ-tát sơ phát tâm, ba việc có nhân nhiều. Nghĩa là gì vậy? Cá con trong bụng cá mẹ rất nhiều, nhưng số cá con chào đời rất ít. Am La Hoa nở hoa rất nhiều, kết quả rất ít. Bồ-tát sơ phát tâm rất nhiều, có thể thành Phật rất ít, cho nên nói ba việc có nhân nhiều. Kinh Thập Trụ Bồ-tát Đoạn Kiết lại nói: Xá-lợi-phất trong 60 kiếp đầu lên xuống giữa địa vị sơ trụ và lục trụ, không đạt được bất thoái chuyển. Ngày nay nhờ sức thệ nguyện lớn như biển của đức Di-đà, Bồ-tát phương khác vừa nghe đến danh hiệu Phật liền chứng bất thoái chuyển, quả thật là Nhất Thừa nguyện hải, diệu dụng phương tiện rốt ráo không thể nghĩ bàn.
Bất thoái ở đây cùng với vô sanh pháp nhẫn là như nhau, có thể chứng minh đó là niệm bất thoái trong bất thoái, niệm niệm lưu nhập biển Tát-bà-nhã của Như Lai. Công đức, nguyện lực của A-di-đà Nguyện Vương không thể nghĩ bàn. Do pháp môn này vô cùng thù thắng, nên chúng sanh thời Mạt pháp quả thật khó sanh tín tâm, phải nên nghĩ rằng Như Lai là bậc chân ngữ, thật ngữ, đâu cần lừa gạt chúng ta làm gì, Ngài gạt chúng ta làm gì chứ? Ngài muốn làm quốc vương ư? Ngài từ bỏ vương vị, trước khi thành Phật ngài tu khổ hạnh, sau khi thành Phật vẫn đi khất thực, ăn gió nằm sương, uống ăn trong gió đất, trú ngụ dưới vòm trời, đến bất cứ nơi nào chẳng những không có máy bay, cũng không có ô-tô mà là đi bộ, thường thường dẫn đệ tử đi hàng dài xin ăn, từ nơi này sang nơi khác. Một vị thái tử từ bỏ tất cả là vì sao? Chỉ là vì độ chúng ta, ngài gạt chúng ta để làm gì chứ? Cho nên đối với pháp môn này chúng ta phải sanh lòng tin chân thật.
Đại nguyện vương của A-di-đà Phật, 48 lời nguyện thù thắng chính là sự lưu lộ của bổn tâm vạn đức viên minh của đức Di-đà, mỗi một nguyện đều siêu tình ly kiến, chẳng phải vọng tâm suy nghĩ, tính toán của chúng sanh, đây là phương tiện thù thắng triệt để, không có nguyện nào chẳng phải vì lợi ích chân thật thù thắng vĩnh hằng của tất cả chúng sanh. Cổ Đức nói: Mỗi lời nguyện đều vì làm lợi ích cho chúng hữu tình, mỗi lời nguyện đều mong muốn cùng chúng sanh rốt ráo thành Phật. Hai câu này chỉ rõ thánh tâm của đức Di-đà.
Đại nguyện của đức Di-đà nếu phân biệt nêu rõ thì là 48 nguyện thành tựu, nếu nói chi tiết hơn thì có thể là 480 nguyện, cho đến 48.000 nguyện v.v. hợp lại chính là biển đại thệ nguyện của đức Di-đà, còn gọi là Nhất Thừa nguyện hải. Nhất thừa nguyện hải chính là báu trong các báu, vua trong các vua, tâm của tâm, diệu của diệu trong pháp môn Tịnh độ, cho dù có trăm ngàn cái miệng, trăm ngàn cái lưỡi cũng không thể nói hết những lời tán thán. Toàn bộ đại nguyện ví như một tấm vải gấm rực rỡ tươi sáng tinh xảo tuyệt luân, mỗi lời nguyện chính là mỗi một hình vẽ hoa văn trên tấm vải gấm ấy, ví dụ như trái bàn đào, bàn tay Phật, hoa sen, mẫu đơn, hạc tiên, khổng tước, đều hết sức xinh đẹp, tuy mỗi hình mỗi vẻ nhưng đều nhất tề quy ngưỡng, phối hợp tạo thành bức tranh xinh đẹp hoàn chỉnh. Toàn bộ tấm vải gấm chỉ là hai sợi chỉ chạy song song, một sợi thì trọn khắp mười phương hư không, tận vị lai kiếp số, tất cả cõi nước, tất cả chúng sanh không phân tộc loại, chẳng tính thiện ác trí ngu, cho dù là chúng sanh ác đạo thảy đều bình đẳng nhiếp thọ, giáo hóa, gia trì, tiếp dẫn, khiến lìa đường ác, chỉ thọ niềm vui. Một sợi kia thì nguyện tất cả chúng sanh mảy trần chẳng nhiễm, chẳng lập một pháp, viễn ly vọng tưởng chấp trước, khôi phục Như Lai bổn tánh, sanh diệt chóng trừ, tịch diệt là niềm vui, chứng đại Niết-bàn, rốt ráo thành Phật. Phàm phu ở thế giới Cực Lạc chính là A-bệ-bạt-trí. Vô tình thuyết pháp, ao sen, cây báu tuyên diễn pháp âm, hương thơm quang minh tỏa khắp mười phương, lợi ích rộng khắp hết thảy chúng sanh, thảy đều là việc siêu tình ly kiến, hết sức hy hữu, tất cả chỉnh thể đều không thể nghĩ bàn. Toàn bộ đều là cảnh giới Hoa Nghiêm, mỗi sợi lông, mảy trần trong nước Cực Lạc đều tròn sáng đầy đủ công đức, viên mãn đầy đủ, viên dung vô ngại, thanh tịnh quang minh, chiếu trọn mười phương, hết thảy diệu đức đều có đủ.
Như Vãng Sanh Luận nói: Phật, Bồ-tát, cõi nước ở nước Cực Lạc, ba loại trang nghiêm đều nhập vào nhất pháp cú, nhất pháp cú là thanh tịnh cú, thanh tịnh cú là trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi. Đây chính là nói rõ hết thảy mọi thứ trong nước thảy đều là trí tuệ và pháp thân của đức Di-đà, cho nên không có thứ nào mà không tròn sáng đầy đủ công đức, tuyệt diệu đặc biệt cả, có thể ban lợi ích chân thật cho tất cả chúng sanh. Ba thứ chân thật của kinh này cùng với lời khai thị của Thiên Thân Bồ-tát tương hợp với nhau, cùng nhau hô ứng. Bồ-tát Pháp Tạng trụ chân thật huệ, nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ, tương hợp với cách nói ba loại trang nghiêm của Thiên Thân Đại Sĩ nhập vào trí tuệ chân thật. Chỗ khai hóa hiển thị của kinh này là chân thật chi tế, tương đồng với pháp thân vô vi của Thiên Thân Đại Sĩ. Cho nên Cực Lạc vi diệu cùng cực, vượt hơn mười phương, ban cho tất cả chúng sanh lợi ích chân thật, khiến cho tất cả đều trụ chánh định tụ, chứng bất thoái chuyển, khế ngộ vô sanh, nhất định thành Phật.
Đại nguyện của đức Di-đà hiển bày sâu sắc cảnh giới lý sự vô ngại của Phật pháp Đại thừa, bản thể của Cực Lạc là pháp thân vô vi, thế nhưng vạn vật trong nước đều vi diệu đẹp lạ, trang nghiêm vô tận, đồng thời khiến cho ai nhìn thấy, nghe thấy đều tăng tiến. Lý thể của pháp thân vô vi hiển hiện vô lượng trang nghiêm, vô biên diệu dụng, đây chính là lý không chướng ngại sự. Thêm nữa, nhân dân trong nước cúng dường rộng khắp đến chư Phật trong mười phương mà không hề mất định ý, rộng làm Phật sự nhưng vẫn ở trong định, đây là sự không chướng ngại lý. Lý thể và sự tướng, các diệu cảnh không chướng ngại lẫn nhau trọn khắp trong toàn thể lời nguyện của kinh. Mỗi một đóa hoa, hương thơm, mảy trần, sợi lông ở Cực Lạc đều là viên minh cụ đức, cũng đều là nét đặc trưng của Nhất Chân pháp giới trong Hoa Nghiêm, cũng chính là tự tâm của đức Di-đà và hành giả tu tập. Vì vậy cảnh giới Cực Lạc không thể nghĩ bàn, có đủ thập huyền của Hoa Nghiêm, một tức là nhiều, lớn nhỏ dung hợp nhau, rộng hẹp tự tại, co duỗi đồng thời, đều hiện ra rất rõ ràng trong lời nguyện.
Ví dụ, do các báu hợp thành một vật là nhiều gom vào một. Hương thơm của vật ấy tỏa ra, chỉ là một bụi hương nhưng đầy khắp mười phương thế giới, đây là một hòa vào trong nhiều. Một có thể nhập vào nhiều, nhiều có thể gom vào một, đây chính là một và nhiều không hai. Nước Cực Lạc như tấm gương có thể soi chiếu vô lượng vô số thế giới chư Phật không thể nghĩ bàn trong mười phương, đó là nhỏ có thể chứa lớn. Cõi nước Tịnh độ trang nghiêm của chư Phật tuy là rộng nhưng đều có thể được nhìn thấy trong cây báu, cây báu là hẹp, đây là rộng hẹp tự tại. Trong một niệm, trong một sát na khởi ý niệm có thể hoàn thành việc đi khắp ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật để cúng dường chư Phật. Việc này cần thời gian dài nhiều kiếp mới có thể viên mãn Phật sự, cho nên đây là co duỗi tương đồng, đã đột phá được thời gian. Thế giới Cực Lạc sâu xa huyền diệu, nhưng cũng có thể liệt kê sự việc để làm ví dụ minh họa. Ví như làn sóng trong ao, trái phải trước sau của làn sóng ấy đều có sóng, nhưng bạn làm thế nào để vẽ rõ ranh giới của làn sóng ở giữa với sóng ở bốn bề đây? Việc này không thể rồi. Bản thể của mỗi làn sóng chỉ là nước, nước chính là nước trong toàn bộ tổng thể ao, cho nên tất cả sóng đều ở trong bản thể của một làn sóng, thế nên nói một làn sóng hàm chứa tất cả sóng, một là tất cả, tất cả là một. Chính bởi vì một là tất cả nên một câu Phật hiệu gồm đủ tất cả công đức, tất cả diệu dụng của vô biên pháp môn như Hiển, Mật, Thiền, Tịnh. Thế nên phàm phu bị trói buộc chỉ cần tín nguyện trì danh thì lâm chung tự nhiên được chư Phật tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh. Sanh về nước kia rồi tuy vẫn còn là phàm phu nhưng đã chứng địa vị bất thoái. Tuy các tội chưa tiêu nhưng nhất định không đọa ba đường ác. Hoa khai kiến Phật, đốn ngộ vô sanh, nhất định thành Phật trong cõi Thường Tịch Quang. Đây đều là nhờ sáu chữ hồng danh viên minh cụ đức, Nhất Thừa nguyện hải viên minh cụ đức. Đại sư Ngẫu Ích nói: Thật tướng không hai, cũng chẳng phải không hai, cho nên nêu lên bản thể để tác y, tác chánh, tác pháp, tác báo, tác tự, tác tha, cho đến năng thuyết sở thuyết, năng độ sở độ, năng tín sở tín, năng nguyện sở nguyện, năng trì sở trì, năng sanh sở sanh, năng tán sở tán, không có cái nào chẳng phải là ấn chứng chân chánh của thật tướng cả. Cho nên hễ bước vào cửa Tịnh Nghiệp thì thân đã ở trong biển lớn thật tướng. Bất luận là bạn bơi sấp, hay bơi ngửa, bơi tự do, bơi bướm hay lặn sâu, bất luận bơi đông bơi tây, hoặc chìm hoặc nổi thì đều không rời khỏi biển lớn thật tướng này, cũng chính là biển công đức đại thệ nguyện của đức Di-đà, cũng chính là biển đại trí tuệ Tát-bà-nhã. Chỉ cần tin sâu nguyện thiết bèn nhập vào biển này, tức là nhập vào biển trí tuệ công đức của A-di-đà, siêu tình ly kiến, ngôn ngữ thế gian không cách nào nói tột, vọng tâm của chúng sanh không thể suy lường nổi. Thế nhưng Di-đà Thế Tôn đại ân đại đức đặc biệt ban cho phương tiện cứu độ rộng khắp nên mở ra pháp môn vi diệu này, hết thảy chúng sanh nghe danh hiệu Phật, lòng tin nhận sâu, thật thà niệm Phật, nguyện cùng chúng sanh cùng sanh Cực Lạc. Chỉ cần tâm này chân thật thì người này tuy thân còn tại Ta-bà nhưng đã được Di-đà nhiếp thọ, không còn thoái chuyển nữa. Đúng như Kinh A-di-đà nói: Nếu có người đã phát nguyện, nay phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh cõi nước của A-di-đà Phật, thì những người ấy đều được không thoái chuyển nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Phẩm kinh văn thứ sáu: phát đại thệ nguyện đệ lục, chúng tôi đã dùng thời gian 5 giờ để giảng hết. Chúng ta phải biết rằng, người phát đại thệ nguyện là Tỳ kheo Pháp Tạng, cũng chính là A-di-đà Phật. Bốn mươi tám nguyện là A-di-đà Phật nói, là Thích-ca Mâu-ni Phật trong hội Vô Lượng Thọ trần thuật lại cho chúng ta. Hai vị đạo sư của hai cõi, một vị đích thân nói ra, một vị trần thuật nguyên văn lời nguyện cho chúng ta, có thể thấy được ý nghĩa quan trọng của 48 nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, đây chính là nét bút điểm tròng con mắt của toàn bộ kinh.
Tiết học này xin giao lưu đến đây, cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật!