Kinh Vô Lượng Thọ (Phúc Giảng Lần Thứ 2) – tập 34

 

KINH VÔ LƯỢNG THỌ

(PHÚC GIẢNG LẦN 2)

Tập 34

Chủ giảng: Cư sĩ Lưu Tố Vân

Thời gian: 07/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

 

          Quý vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật.

          Nguyện thứ 18: nguyện mười niệm ắt sanh. Nguyện văn như sau:

          Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh Giác. Duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp.

          Đây là đại nguyện mười niệm ắt được sanh. Nguyện này là đoạn trọng tâm nhất của toàn bộ kinh văn. Một nguyện vô cùng thù thắng trong 48 nguyện chính là nguyện này: nguyện mười niệm ắt sanh, là trọng tâm của trọng tâm trong đại nguyện Di-đà. Đại ý của lời nguyện này là: khi tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới nghe đến danh hiệu của tôi thì phát khởi tâm tín thọ chí thành vô thượng và tâm hoan hỷ mong muốn vãng sanh, vì vậy đem tất cả căn lành mà chính mình gieo trồng, dùng tâm thanh tịnh thành khẩn niệm niệm không gián đoạn mà hồi hướng vãng sanh cõi nước Cực Lạc. Niệm Phật hiệu thậm chí ít nhất chỉ 10 niệm lúc lâm chung, bao gồm cả pháp thập niệm thông thường thì đều có thể vãng sanh. Nếu nguyện này không thành tựu thì tôi không thành Phật, nguyện này loại trừ duy nhất là người phạm trọng tội thập ác lại thêm phỉ báng chánh pháp.

          Hoàng Niệm lão nói: Tịnh độ tông của Nhật Bản kế thừa di giáo của đại sư Thiện Đạo, đối với kinh này và nguyện thứ mười tám của kinh có thể hội rất sâu sắc. Những lời tán thán của chư cổ Đức Nhật Bản khiến tín đồ Phật giáo Hoa Hạ hết sức kinh ngạc. Ví dụ nói đến Kinh Hoa Nghiêm là Viên Giáo, vượt hơn tất cả kinh luận của các giáo. Nếu so sánh [các kinh luận] với Hoa Nghiêm thì chỉ có Hoa Nghiêm là chân thật nhất. Nhưng nếu so Hoa Nghiêm với kinh này thì kinh này chân thật hơn. Từ việc chúng sanh được lợi ích mà nói, tuy ở thời Mạt pháp nhưng vẫn thường nghe thấy có người niệm Phật vãng sanh. Kinh này nếu so với 48 nguyện thì 48 nguyện là chân thật. So sánh các nguyện trong đại nguyện với nhau thì nguyện thứ 18 là chân thật nhất, cho nên nguyện thứ 18 là chân thật trong chân thật trong một đời truyền giáo của Thích-ca Mâu-ni Phật. Đây là Tịnh Tông Nhật Bản kế thừa lời bình luận của đại sư Thiện Đạo, điều này khế hợp với cách nói của đại sư Ngẫu Ích nước ta. Mật tạng và tinh tủy của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đều ở trong pháp môn Tịnh độ niệm Phật.

          Chí tâm tín nhạo, chí tâm là tâm chí thành, tâm thành khẩn đến mức không hơn được nữa, đã đến cùng cực. Kinh Kim Quang Minh có câu: chí tâm là thông suốt đến tận nguồn tâm, tận tâm thực tế, nên gọi là chí tâm. Ví dụ thật sự tìm được chỗ bắt nguồn của sông Hoàng Hà thì gọi là thông suốt đến tận nguồn. Hoàn toàn hiển bày thực tế của bổn tâm thì mới gọi là tận tâm thực tế. Có thể thấy chí tâm rất sâu, nói một cách sơ bộ thì chính là tâm thanh tịnh vô nhiễm, thuần chánh vô nhiễm tự nhiên lưu xuất từ ngọn nguồn của tự tâm. Chí tâm tín nhạo, nói một cách thiển cận chính là tâm rất chân, rất thật, rất thành, rất thuần, tâm rất tín thọ, rất hài lòng, rất ưa thích, rất hoan hỷ vui mừng. Chúng ta có thể nghe được pháp này thì rất vui sướng, như vậy mà tin tưởng mà vui mừng thì chính là chí tâm tín nhạo.

          Tâm tâm hồi hướng, tâm tâm là tâm không có ô nhiễm xen tạp, chân tâm thuần chánh, thanh tịnh bổn nhiên, tâm tâm tương tục, tịnh niệm không gián đoạn. Hồi là hồi chuyển, hướng là hướng đến, đem công đức chính mình tu được hướng về chỗ kỳ vọng của bản thân thì gọi là hồi hướng. Vãng Sanh Luận chú thích rằng hồi hướng là hồi hướng công đức của chính mình tặng đều cho chúng sanh để cùng thấy A-di-đà Như Lai, sanh nước An Lạc. Cùng các chúng sanh đồng thấy A-di-đà Phật, vãng sanh Cực Lạc là kỳ vọng của bản thân, dùng tất cả công đức của chính mình để cầu đạt được mục đích này thì chính là hồi hướng. Những lời trong Vãng Sanh Luận nói đều khế hợp với kinh này.

          “Nguyện sanh ngã quốc” chính là kỳ vọng của việc hồi hướng, chính là mỗi ngày thường niệm đồng sanh nước Cực Lạc. “Nãi chí thập niệm”, tôn chỉ của Tịnh Tông là tín nguyện trì danh: Chí tâm tín nhạo, chủ yếu là tín; Nguyện sanh ngã quốc là nguyện; Nãi chí thập niệm là trì danh. Nãi chí thập niệm, tuy niệm không nhiều, thậm chí chỉ niệm mười niệm cũng có thể vãng sanh. Niệm nhiều thì càng tốt, thập niệm chính là liên tục niệm 10 câu Nam-mô A-di-đà Phật. Hoặc có người hỏi, trong kinh chỉ nói mười niệm, không nói trì danh. Niệm Phật có bốn loại: trì danh, quán tưởng, quán tượng và thật tướng. Trong kinh chỉ nói mười niệm, sao lại là trì danh? Việc mười niệm chỉ cho trì danh có 3 chứng cứ trong các kinh dưới đây, xác thật không nghi ngờ. Thứ nhất là bản dịch thời Tống: tất cả chúng sanh, cầu sanh nước tôi, niệm danh hiệu tôi, phát tâm chí thành, kiên cố bất thoái, đến lúc lâm chung, tôi khiến cho vô số tỳ kheo vây quanh trước mặt, đến nghênh đón họ, trong khoảnh khắc được sanh về nước tôi. “Niệm danh hiệu tôi” chỉ có thể là niệm Nam-mô A-di-đà Phật, không thể giải thích cách nào khác được. Thứ hai, trong Kinh Bát Chu còn nói, lời của A-di-đà Phật là lời của Bồ-tát, người muốn sanh về nước tôi, thường niệm tôi nhiều lần, thường gìn giữ niệm ấy, không để cho gián đoạn, như vậy nên được sanh về nước tôi. Thứ ba, Quán Kinh nói về người hạ phẩm hạ sanh đến lúc lâm chung do có ác nghiệp, lửa lớn của địa ngục nhất thời hiện tiền, may gặp được thiện tri thức nói cho diệu pháp, dạy người đó niệm Phật, người đó bị khổ bức bách không thể quán tưởng, nên dạy họ trì danh niệm Phật. Nếu như chí tâm, khiến âm thanh không gián đoạn, đầy đủ 10 niệm xưng Nam-mô A-di-đà Phật, do xưng danh hiệu Phật, trong mỗi niệm tiêu trừ tội trong 80 ức kiếp sanh tử, được vãng sanh đến thế giới Cực Lạc. Vì vậy việc này có thể chứng minh, 10 niệm nói ở đây chúng ta có thể hoàn toàn không nghi ngờ chính là niệm danh hiệu A-di-đà Phật.

          Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ kể một chuyện có thật như sau, ngài có một người bạn lớn tuổi là thầy thuốc Đông Y nổi tiếng ở Giang Tô, cũng là một tín đồ Phật giáo kiền thành. Em trai của thầy thuốc Đông Y ấy là Khoát công tử, sống phóng đãng nên tuổi trẻ mắc bệnh, trước lúc lâm chung tướng địa ngục hiện ra, vô cùng sợ hãi, cầu xin anh trai cứu giúp. Anh trai nói, hãy mau niệm Phật và mời nhiều người cùng trợ niệm, bản thân người bệnh cũng niệm. Lúc mẹ qua đời anh ta đã từng niệm Phật, lúc này nhìn thấy địa ngục mà vẫn nói không tin thì trong nháy mắt chính mình nằm trong vạc dầu rồi, có muốn tránh khỏi hay không, cho nên niệm Phật lúc này là chân thành. Người em niệm được một lúc rồi nói, tốt rồi, không còn địa ngục nữa, Phật đã đến tiếp dẫn, rồi ra đi, đây là chuyện có thật.

          Có người hoài nghi, trong bổn nguyện nói “chí tâm tín nhạo, nãi chí thập nguyện”, Quán Kinh cũng nói “như thị chí tâm, linh thanh bất tuyệt, cụ túc thập niệm”. Chí tâm ở đây rốt cuộc là chỉ cho tâm gì? Mười niệm rốt cuộc niệm như thế nào? Đối với vấn đề này, xin dẫn chứng lời của đại sư Cưu-ma-la-thập là thích hợp nhất. Đại sư nêu một ví dụ, ví như có người ở nơi hoang vu, không có người để cầu cứu, gặp phải kẻ cướp cầm súng cầm dao muốn đến giết, người đó cố sức chạy, chạy bán sống bán chết, nhưng nhìn thấy trước mặt có con sông chắn ngang, buộc phải qua sông, rắc rối rồi! Phía sau có kẻ truy đuổi, phía trước có sông chắn đường, có mất mạng cũng phải qua sông. Khi qua sông, nếu mặc luôn quần áo mà qua thì bơi không tiện, cởi quần áo ra để qua thì e không còn kịp, chúng đuổi đến thì biết làm sao. Lúc ấy tâm người đó nghĩ chính là việc này: làm sao qua sông? Cởi quần áo hay là không cởi quần áo, không có suy nghĩ nào khác. Người ấy cũng không nghĩ mình còn món nợ 20.000 đồng người khác vẫn chưa trả, làm thế nào để tìm họ đòi nợ, không nghĩ vậy đâu, chẳng nghĩ việc gì cả. Lúc đó chỉ nghĩ đến việc qua sông, chỉ có một ý niệm qua sông, không có ý niệm nào khác. Nếu lúc niệm Phật [chúng ta] cũng giống như người này, trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu, không có bấy kỳ tạp niệm nào khác thì đúng rồi, chính là chí tâm. Niệm Phật như vậy liên tục 10 câu, đó là “vô sở trụ”, còn câu Phật hiệu trong tâm của mình thể gồm đủ vạn đức rõ ràng rành rẽ liên tục không dứt, đó chính là “sanh kỳ tâm”. Vì vậy diệu đế “vô trụ sanh tâm” trong Kinh Kim Cang ngay trong thời khắc niệm Phật liền thầm hợp đạo mầu, tự nhiên đạt được. Công đức “vô trụ sanh tâm” không thể nghĩ bàn, chỉ cần niệm thật thà miên mật thì tự nhiên thầm hợp đạo mầu, trong mỗi niệm của bạn đã vô niệm rồi, niệm mà không niệm. Cho nên dùng tâm phàm phu nhập vào thật tướng các pháp thì chỉ có trì danh và trì chú là dễ dàng nhất, đó là thầm hợp đạo mầu, khéo nhập vô sanh. Vì vậy đại sư Liên Trì nói, người ngũ nghịch thập ác lâm chung niệm mười niệm nói trong Quán Kinh thì mỗi niệm là lý nhất tâm, nên mỗi niệm đều có thể tiêu trừ trọng tội trong 80 ức kiếp sanh tử. Bạn hãy nghĩ xem, 80 ức kiếp là thời gian dài biết bao, trọng tội sanh tử là tội như thế nào? 80 ức kiếp thời gian dài như thế, tất cả trọng tội sanh tử đã phạm niệm một câu đã tiêu trừ rồi, đây là diệu dụng thật không thể nghĩ bàn. Cho nên đại sư Liên Trì được xưng là hóa thân của Di-đà, chỉ rõ các loại nguyên nhân.

          Thập niệm mà Quán Kinh nói, niệm niệm đều là lý nhất tâm, đạt được lý nhất tâm tự nhiên phá vô minh, hiện pháp thân, công đức không thể nghĩ bàn. Pháp môn Tịnh độ thật thà bình thường, trong Tịnh Ngữ của lão cư sĩ Hạ Liên Cư có hai câu như sau: Đạo ở chỗ bình thường, tiếc rằng ông chưa hiểu. Đại đạo chính là ở trong bình thường, đáng tiếc người đời không biết, thường ưa huyền thích diệu, không biết càng cầu huyền diệu thì cách đạo càng xa. Thật thà niệm Phật thì thầm hợp đạo mầu, rất tự nhiên từ sự trì đạt đến lý trì thì tâm phàm thành tâm Phật. “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang Bát-nhã và thập niệm ẩn mật trong Kinh Di-lặc Phát Vấn chỉ có Bồ-tát Sơ Địa trở lên mới có thể đầy đủ. Cho đến Thiền, Mật, Giới Định, công đức thù thắng vô biên đều ở trong một tiếng Phật hiệu, dùng tâm sanh diệt của phàm phu nhập vào thật tướng của các pháp, duy chỉ trì danh và trì chú là dễ dàng nhất. [Câu] A-di-đà Phật là vua trong các chú, niệm A-di-đà Phật là vừa trì danh lẫn trì chú, nhất cử lưỡng tiện, tốt đẹp thế sao lại không làm. Niệm Phật vì sao có công đức thù thắng như vậy? Bởi vì niệm Phật thầm hợp với thật tướng.

          Chỉ trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp. Trong Quán Kinh, ngũ nghịch cũng có thể vãng sanh. Nhưng kinh này lại thêm một câu “phỉ báng chánh pháp” thì không được vãng sanh. Phỉ báng chính là nói quá tình hình thực tế tội ác của người khác, đây gọi là báng. Phỉ và báng ý nghĩa như nhau, nói xấu người khác, thêm cành thêm lá, nói quá sự thật thì thành báng. Nếu bạn báng Phật pháp, báng chư Đại đức thì tội của bạn cực lớn. Cho nên ngũ nghịch có thể vãng sanh, nhưng nếu thêm tội báng chánh pháp thì không thể vãng sanh. Lại có người hỏi rằng, ngũ nghịch nhưng không báng chánh pháp thì có thể vãng sanh, chỉ báng chánh pháp nhưng không ngũ nghịch thì có thể vãng sanh không? Người thông thường nghĩ đây chỉ là nói mà thôi, viết văn mà thôi, không phạm những tội nặng như giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán v.v. nên có thể vãng sanh. Bạn đã nghĩ sai mất rồi, không được. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với chúng ta, nhị tổ Đàm Loan nói, ngài nói tiếp, ngũ nghịch thập ác đọa địa ngục A-tỳ, khi thế giới này hủy diệt, một trận nổ lớn thì địa ngục trống không, như vậy tội nhân trong địa ngục cũng được giải phóng rồi. Tuy nhiên người báng pháp gặp tình hình này vẫn không được giải phóng, phải chuyển đến địa ngục ở thế giới khác thọ tội. Tôi xin nói rõ ý phía trên để các đồng tu dễ hiểu và nắm bắt, có thể chia thành bốn mức độ như sau:

          Thứ nhất, đã không phạm tội ngũ nghịch lại không phỉ báng chánh pháp thì có thể vãng sanh.

          Thứ hai, phạm tội ngũ nghịch nhưng không phỉ báng chánh pháp thì có thể vãng sanh.

          Thứ ba, không phạm tội ngũ nghịch nhưng báng chánh pháp thì không thể vãng sanh.

          Thứ tư, phạm tội ngũ nghịch và cũng phỉ báng chánh pháp thì không thể vãng sanh.

          Nói cụ thể hơn, phàm người phỉ báng chánh pháp, phỉ báng cao tăng đại đức hoằng dương chánh pháp, người như vậy không thể vãng sanh. Họ đã tạo tội địa ngục A-tỳ, người tạo tội nghiệp này có thể nói là không có ngày ngóc đầu lên nổi. Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn đang khuyên nhủ những người ngông cuồng thích thể hiện phải khéo giữ ba nghiệp thân khẩu ý, đặc biệt là khéo giữ khẩu nghiệp. Không được hôm nay phê bình người này, ngày mai mắng người khác, bạn cho rằng bạn phê bình người, mắng người rất vui, bạn có biết hậu quả đó đáng sợ biết bao không? Chúng ta là người học Phật đều hiểu nhân quả, nhân quả phải tự mình gánh lấy, nhân quả nhân quả, gieo nhân thì phải nếm quả. Hôm nay nghe hiểu rõ rồi vẫn còn dám tạo nhân đó sao? Vì sao tội phỉ báng chánh pháp nặng như vậy? Đại sư Đàm Loan khai thị rất hay: người tạo tội ngũ nghịch vì sao phạm ngũ nghịch? Bởi vì họ không biết chánh pháp, nếu biết nhân quả báo ứng, làm thiện được phước, làm ác thọ báo, nên cầu giải thoát, giải trừ tham sân si, họ nghe được chánh pháp này rồi sẽ không phạm tội ngũ nghịch. Cho nên căn nguyên của tội ngũ nghịch là do không có chánh pháp. Thế nên bạn báng chánh pháp thì tội ấy nặng hơn tội ngũ nghịch.

          Đại sư Thiện Đạo từ trong 48 nguyện chọn ra 5 nguyện, trong 5 nguyện lại chọn nguyện thứ 18 là trọng tâm của trọng tâm. Thế nên trong Sự Tán nói, mỗi một lời nguyện đều dẫn từ nguyện thứ 18, có nghĩa là mỗi một nguyện đều là mở rộng của nguyện thứ 18. Sách Chân Giải, Kế Thừa đại sư cũng nói như vậy, 48 nguyện tuy rộng nhưng đều quy về nguyện thứ 18. Lại nói, do có nguyện này nên khiến cho chúng sanh sanh đến cõi nước không có ba đường ác, không vào đường ác nữa, có tướng hảo, hiện thần thông mà được diệt độ, nhập vào biển quang thọ, thế nên nguyện này đặc biệt tối thắng. Bởi vì nguyện này chính là nhiếp thọ chúng sanh đều có thể vãng sanh, đều có thể chứng nhập đại nguyện vô thượng của biển thệ nguyện vô lượng quang thọ, hiển rõ ra phương tiện cứu cánh của Di-đà là nhất thừa nguyện hải. Sáu chữ hồng danh khiến khắp tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Nguyện thứ mười tám chủ trương tín nguyện trì danh. Danh hiệu là gì? Danh hiệu chính là thật đức mà Phật chứng, đại sư Ngẫu Ích nói: một câu Nam-mô A-di-đà Phật chính là pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề mà Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật chứng được trong ngũ trược ác thế. Nói theo Mật giáo thì âm thanh tên gọi đều là thật tướng. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói tất cả được rốt ráo kiên cố, cho nên âm thanh tên gọi đều là thật tướng, vì vậy danh hiệu chính là Phật đức. Thế nên công đức của nguyện mười niệm ắt sanh không thể nghĩ bàn. Đại sư Thiện Đạo dạy chúng ta, “Bốn mươi tám môn hoằng thệ nguyện, đều nêu niệm Phật gần gũi nhất, người nào nhớ Phật thì Phật nhớ, chuyên tâm tưởng Phật, Phật biết ngay, chỉ có niệm Phật được quang nhiếp, mới hay nguyện này thù thắng thay”.

          Nguyện thứ 19: nguyện nghe danh phát tâm. Nguyện văn như sau:

          Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, phát Bồ-đề tâm, tu chư công đức, phụng hành lục Ba-la-mật, kiên cố bất thoái, phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc.

          Đại ý của lời nguyện là khi tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới nghe được danh hiệu tôi thì phát tâm Bồ-đề thù thắng, đã phát đại tâm, ắt có đại hạnh, thế nên siêng tu đủ mọi công đức, y lời Phật dạy kiên cố tiến tu Lục Độ, không sợ bất kỳ cản trở và ngăn ngại nào, tự tâm kiên cố, tuyệt không thoái chuyển, còn dùng tất cả thiện căn tu được hồi hướng Tịnh độ, nguyện sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.

          Trọng điểm của nguyện này ở việc phát tâm, phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm là cương lĩnh của kinh này, trong kinh nhiều lần nhắc đến. Nhằm giúp mọi người có thể thâm nhập hiểu rõ, cho nên lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ mỗi chỗ đều thâu thập những khai thị thù thắng của Đại đức xưa và khai thị trong các kinh luận để làm chú thích. Lão pháp sư vô cùng tán thán việc này. Ví như Lô Sơn, nhìn ngang thành dãy, nhìn nghiêng thành ngọn, xa gần cao thấp, chỗ thấy chẳng đồng, thế nên ngài trích dẫn rộng khắp lời nói của mọi nhà chỉ nhằm giới thiệu Lô Sơn hoàn chỉnh. Tuy nhiên ý nghĩa thù thắng của tâm Bồ-đề cũng không có ngôn từ nào có thể diễn bày hết được. Trong chú thích dùng đủ mọi cách nói chỉ nhằm chỉ ra mục đích mà thôi, đây là lời khiêm tốn của Hoàng Niệm lão. Tâm Bồ-đề là tâm đại bi, đại nguyện, đại trí tuệ kết hợp thành một thể, là cầu chân đạo tâm, là cầu chánh giác tâm. Ví như đèn dầu phải có tim đèn, dầu và ánh sáng mới là ngọn đèn sáng. Công đức phát tâm Bồ-đề không thể nghĩ bàn. Kinh nói rằng: vừa mới phát tâm thì thành Chánh Giác, ví như chim non Ca Lăng Tần Già vẫn chưa ra khỏi vỏ, nhưng âm thanh của nó phát ra đã vượt hơn tất cả loài chim khác. Chúng sanh mười phương vừa nghe danh hiệu Di-đà thì phát khởi tâm Bồ-đề, đây quả thật là ân đức vô thượng, từ lực vô thượng của A-di-đà Phật.

          Phát tâm Bồ-đề, hiện tại dẫn chứng văn tự của sách Tông Yếu do đại đức Tịnh Tông, sư Nguyên Hiểu nước Triều Tiên đời Đường trước tác, ngài nói có hai loại tâm Bồ-đề. Thứ nhất là tùy sự phát tâm, còn gọi là Duyên Sự tâm Bồ-đề, Mật Tông gọi là Hạnh Nguyện tâm Bồ-đề. Thứ hai là thuận lý phát tâm, cũng chính là Duyên Lý tâm Bồ-đề, cũng chính là Thắng Nghĩa tâm Bồ-đề của Mật Tông. Thắng Nghĩa tức là chỉ cho đệ nhất nghĩa đế, thắng nghĩa đế.

          Loại thứ nhất là tùy sự phát tâm cùng với tứ hoằng thệ nguyện là như nhau. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn là Đoạn Đức Chánh Nhân của Như Lai. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học là Trí Đức Chánh Nhân của Như Lai. Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ là Ân Đức Chánh Nhân của Như Lai. Vì vậy, Đoạn Đức, Trí Đức, Ân Đức hợp lại với nhau chính là quả vô thượng Bồ-đề: Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. Ba tâm đoạn đức, trí đức và ân đức ở trên chính là nhân của vô thượng Bồ-đề. Từ hoa diệu nhân mà kết thành diệu quả vô thượng Bồ-đề của Như Lai. Đài sen trong hoa sen cùng với đài sen già khi hoa đã rụng, tuy chỉ là hạt sen nhưng nó vẫn có sự khác biệt cực lớn giữa sơ sanh và già. Tuy những thứ có trong đài sen già đều là từ hạt non sơ sanh mà có, nhưng những gì hàm chứa khi già cũng chính là những gì hàm chứa khi sơ sanh. Thế nên trong kinh nói rằng phát tâm tuy hai nhưng không khác biệt. Bên dưới còn có ba câu: Hai tâm như vậy, tâm đầu khó phát hơn, bản thân chưa độ mà độ người, nên tôi cung kính người sơ phát tâm. Mọi người phải biết, hai loại tâm trên, người sơ phát tâm bản thân vẫn chưa được độ, thế nhưng trước tiên đi độ thoát người khác chứ không phải chính mình. Bản thân vẫn còn trong biển khổ, nhưng cứu giúp người khác trước, cho nên nói sơ phát tâm khó hơn. Trong phiền não ác trược như thế có thể phát tâm Bồ-đề thì giống như hoa sen mọc lên từ lửa đỏ, cho nên tôi cung kính người sơ phát tâm.

          Loại thứ hai là thuận lý phát tâm, sách Tông Yếu nói: tin hiểu các pháp đều như huyễn mộng. Trước tiên phải tin tưởng và hiểu rằng tất cả các pháp đều giống như hiện ra từ ảo thuật, giống như cảnh thấy trong mộng. Kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng ảo bọt bóng”, phải chân thật tin tưởng các pháp đều như huyễn mộng, chẳng có chẳng không. Người thông thường nếu không chấp có thì sẽ chấp không. Nên biết Phật nói các pháp đều không là do trừ chấp có. Nếu lại chấp vào không thì chư Phật không thể độ. Phật sở dĩ nói các pháp đều là không là bởi vì chúng sanh chấp vào có, nên ngài mới nói không. Nếu bạn vì thế mà chấp vào không thì chư Phật cũng không có cách nào độ bạn được. Vì vậy cho nên chẳng có cũng chẳng không, không rơi vào hai bên có-không thì mới là Tâm Kinh. Ý nghĩa sâu xa của câu “sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc” là không chấp vào hai bên thì chân đế mới hiển hiện. Chân đế là gì? Đó chính là lìa lời nói, đoạn suy tư, cần phải lìa khỏi tướng ngôn thuyết, đoạn tuyệt suy nghĩ, thế nên cần phải trừ hết tâm có sở đắc thì mới có thể đạt được chỗ bất khả đắc. Chỗ bất khả đắc là chỉ cho nơi tâm hành của chúng sanh không thể chạm đến được, thường gọi nơi tuyệt lộ của tâm hành, cũng là đồng một nghĩa. Hành xứ của tâm chỉ cho chỗ tư duy suy nghĩ có thể chạm đến, con người làm thế nào có thể đạt đến chỗ bất khả đắc? Vậy thì bạn buộc phải đoạn trừ hết tâm có sở đắc của mình. Thế nên Tâm Kinh nói: “Vì không có chỗ chứng đắc nên viễn ly điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết-bàn”. Trước tiên phải chứng được vô sở đắc thì mới có thể xa lìa hết thảy mộng tưởng điên đảo, chứng Niết-bàn rốt ráo, thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đây là sự thật!

          Tu hành thông thường thì hay có cầu có đắc, cầu vợ cầu con, cầu phú cầu quý, cầu cát tường, cầu trường thọ, khá hơn một chút thì mong đắc định, muốn đắc thần thông, muốn có trí tuệ, muốn hoằng pháp lợi sanh, muốn khai ngộ, trở thành như thế nào đó. Tóm lại đều là tâm có sở đắc, đều ở trong tư duy suy nghĩ, lại thêm vào việc chỉ ưa thích bàn cao luận rộng, có hay đến đâu cũng chỉ là tương tự Bát-nhã mà thôi. Thế nên Kinh nói, người tu hành trong thời Mạt pháp [nhiều] như lông bò, người đắc đạo chỉ như sừng lân. Cho nên cần phải lìa lời nói, đoạn suy tư. Y theo đây mà tín giải, phát tâm rộng lớn, tuy không thấy có phiền não và thiện pháp, chẳng phải không có mà là không thấy. Không thấy điều gì? Không thấy sự phân biệt của người khác nên không bác không, có thể đoạn, có thể tu. Bác không nghĩa là bài trừ. Không thấy có phiền não hay thiện pháp, nhưng cũng không bài trừ việc có phiền não để đoạn, có thiện pháp để tu, như vậy sẽ khế hợp với trung đạo. Có thiện pháp để tu, có phiền não để trừ thì đã chấp vào có rồi. Ngược lại, không có gì để đoạn, chẳng có gì để tu thì chấp vào không rồi. Tuy không thấy phiền não và thiện pháp, Nhưng cũng không bác việc có phiền não để đoạn, có thiện pháp để tu, việc này khế hợp với diệu nghĩa “chẳng có chúng sanh nào để độ mà cả ngày đều độ chúng sanh” của kinh Kim Cang. Tuy nguyện đều đoạn đều tu nhưng không trái ngược với vô nguyện Tam-muội. Tuy nguyện độ hết vô lượng hữu tình mà không có người độ và kẻ được độ, thế nên có thể tùy thuận không, vô tướng. Đây chính là nói, tuy vẫn mong đoạn hết phiền não, tu hết thảy thiện pháp nhưng vẫn không trái với vô nguyện Tam-muội. Tuy nguyện độ tận hết thảy chúng sanh mà trong tâm không có cái ngã độ người và người được độ, như vậy mới không rơi vào hai bên, tùy thuận với Không Tam-muội, tùy thuận với Vô Tướng Tam-muội. Không, vô tướng, vô nguyện được gọi là Tam-muội, cũng gọi là ba cửa giải thoát. Thế nhưng thông thường đều thể hội lệch không và vô tướng, hiểu thành ngoan không. Xem chữ “vô” trong vô tướng thành không có, xem thành lông rùa sừng thỏ, rơi vào đoạn diệt kiến. Kinh Kim Cang nói: diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh như vậy nhưng thật không có chúng sanh nào được diệt độ. Tâm như vậy không thể nghĩ bàn, công đức phát khởi tâm này cũng không thể nghĩ bàn, đây chính là thuận lý mà pháp tâm Bồ-đề.

          Người tùy sự mà phát tâm nếu gặp duyên thì có thể thoái thất bổn nguyện, đây là khuyết điểm. Ví dụ ngài Xá-lợi-phất tu tâm Bồ-tát đã tu đến Lục Trụ, tiến thêm một bước tu đến Thất Trụ thì không thoái đọa. Thế nhưng khi gặp người xin ngài con mắt để phối thuốc trị bệnh, ngài khoét một con cho người đó, nào ngờ người đó nói con mắt ấy không đúng, không thể phối thuốc được. Vì vậy ngài nhẫn chịu khoét con thứ hai, người ấy nhận con mắt rồi, dùng mũi ngửi thử rồi nói con mắt này hôi, ném xuống đất còn dùng chân dẫm lên. Xá-lợi-phất tự nghĩ, hành trì theo Đại thừa như vậy ta làm không nổi, thôi bỏ đi, ta không độ người nữa, vẫn là tự độ thôi. Ngài đã thoái tâm rồi. Cho nên nương sự mà phát tâm thì sẽ thoái thất. Xá-lợi-phất là một ví dụ rất hay. Còn thuận lý mà phát tâm thì không thoái chuyển, bởi vì thuận theo lý nên không có nhân thoái chuyển. Người tánh Bồ-tát, người quyết định thành Bồ-tát thì có tánh Bồ-tát, mới có thể phát tâm. Phát tâm như vậy công đức vô biên, chư Phật vô số kiếp đến nay nói công đức của việc phát tâm này cũng nói không hết. Văn khuyên phát tâm Bồ-đề nói rằng: phát tâm Bồ-đề là vua trong các điều thiện. Lại dẫn lời trong kinh Hoa Nghiêm: Quên mất tâm Bồ-đề mà tu các thiện pháp thì gọi là ma nghiệp. Bạn quên mất tâm Bồ-đề mà tu đủ loại thiện pháp thì đó là làm sự nghiệp của ma. Khởi Tín Luận của kinh Vô Lượng Thọ nói, nên biết tâm Bồ-đề là cội nguồn của chư Phật. Tâm Bồ-đề chính là tâm giác ngộ. Phật là gì? Phật là giác. Đạt được ba sự giác ngộ viên mãn thì chính là Phật, vô lượng quang thọ là bổn giác của chính mình, chúng sanh do vọng chấp nên trở thành bất giác. Trái nghịch lìa khỏi sáu trần, chỉ hợp với bổn giác, gọi là thủy giác. Chẳng lìa khỏi gốc ban đầu, thẳng hướng đến chỗ cứu cánh, đại giác viên mãn, chính là thành Phật. Thế nên tâm Bồ-đề là cội nguồn của chư Phật, huệ mạng của chúng sanh, chúng ta nên biết, huệ mạng còn quan trọng ức vạn lần so với sanh mạng. Bạn có sanh mạng, đây là thọ mạng của thân người, nhưng chưa chắc có huệ mạng. Lấy trí tuệ thâm sâu rộng lớn làm sanh mạng thì gọi là huệ mạng, lại lấy pháp thân của chư Phật làm trí tuệ, làm thọ mạng nên gọi là huệ mạng. Tứ Giáo Nghi nói rằng phàm phu thời Mạt pháp ở trong Phật pháp khởi lên đoạn diệt kiến, làm hại huệ mạng, quên mất pháp thân. Có người giữ gìn sanh mạng nhưng lại đoạn huệ mạng của chính mình, đây gọi là được nhỏ mất lớn. Tâm Bồ-đề là huệ mạng của chúng sanh, quên mất tâm Bồ-đề chính là quên mất huệ mạng, quên mất pháp thân. Cho nên trong Phật giáo, ân thầy còn nặng hơn ân cha mẹ. Cha mẹ cho chúng ta thân thể và sanh mạng, còn thiện tri thức cho chúng ta huệ mạng. Bởi vì tâm Bồ-đề là nguồn gốc của Phật và huệ mạng của chúng sanh, cho nên vừa mới phát tâm này thì đã thành Phật đạo. Phát tâm là nhân, thành Phật là quả, diệu pháp của Viên Giáo thì nhân quả đồng thời. Vì vậy lúc vừa mới phát tâm liền thành Chánh Giác, công đức của tâm Bồ-đề không thể nghĩ bàn. Kinh này nói ba bậc vãng sanh đều là phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm. Có thể thấy phát tâm Bồ-đề là việc rất quan trọng.

          Tu chư công đức, trú dạ bất đoạn. Đã phát đại tâm tự nhiên sẽ sanh khởi đại hạnh, nếu không tu đại hạnh thì chứng tỏ tâm đã phát chỉ là tâm cuồng vọng. Chúng ta nên tu tập những công đức nào? Xin nêu vài loại để tham khảo:

          Thứ nhất là “phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc”, dùng đủ loại thiện căn của việc tu tập lục độ vạn hạnh hồi hướng cầu sanh thế giới Cực Lạc.

          Thứ hai là “nhất tâm niệm ngã”, thứ nhất ở đây chỉ cho tín tâm thuần nhất kiên định, tâm này không bị xoay chuyển bởi tâm khác, không bị tâm khác như tâm tham cầu, tâm oán giận, tâm ngu si, tâm dâm dục xâm phạm chiếm đoạt tín niệm của bạn. Giáo Hành Tín Chứng nói rằng tín tâm là nhất tâm, bởi vì tín tâm chính là tâm thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh chính là nhất tâm, cho nên nhất tâm chính là tín tâm chân thật thanh tịnh thuần nhất, “nhất tâm niệm ngã”. Sách Chỉ Quán nói khi tu pháp này thì nhất tâm chuyên chí, tâm chẳng theo gì khác. Nhất tâm niệm Phật chính là lúc niệm thì trong tâm chuyên nhất, chỉ có câu Phật hiệu, lúc niệm thì buông xuống vạn duyên, hết thảy đều chẳng nghĩ, trong tâm không có bất kỳ ý niệm nào khác, chính là tâm chẳng theo gì khác, niệm này chính là niệm nhất tâm. Cho nên trong lời nguyện, ý nghĩa của “nhất tâm niệm ngã” giống như đại sư Thiện Đạo đã nói: Nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Di-đà, đi đứng nằm ngồi, bất kể thời gian dài ngắn, niệm niệm chẳng xả, chuyên niệm như vậy, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm, nằm cũng niệm, bất kể thời gian bao lâu, trong mỗi niệm đều không rời khỏi câu Phật hiệu. Năm đó ngài ở Trường An dạy mọi người niệm Phật, trên đường phố Trường An không ai mà không niệm Phật. Đại sư Thiện Đạo niệm Phật, mỗi lần niệm một câu Phật hiệu thì trong miệng phóng ra một tia sáng.

          Thứ ba là “trú dạ bất đoạn”, Tịnh Tu Tiệp Yếu nói: không lìa gốc ban đầu, thẳng tiến trên đường giác, nếu tạm thời trái nghịch liền rơi vào vô minh. Tịnh Ngữ lại nói: niệm Phật chính là tự tâm hiện, niệm Phật là trực tiếp đi tới con đường đại giác, thế nhưng nếu trong khoảnh khắc đánh mất câu Phật hiệu bèn lập tức rơi vào vô minh. Cho nên trong lời nguyện chỉ rõ, cần phải niệm niệm tiếp nối, ngày đêm đều không gián đoạn. Mọi người cần chú ý, trì danh vãng sanh chính là đạo dễ hành, so với bất kỳ pháp môn nào khác dễ hơn ức vạn lần, nhưng chẳng phải vì thế mà lơ là qua loa mà thành công được. Nguyện này một mạch quán thông, chân thật phát tâm Bồ-đề thì phải đi trên đường nhất tâm chuyên niệm không để gián đoạn, nếu không chịu làm như vậy thì chứng tỏ bạn vẫn chưa thật sự phát tâm Bồ-đề. “Nguyện mười niệm ắt sanh, nguyện này chân thật nhất, phải nắm cho thật chắc, thành Phật quyết chẳng khó. Phát đại tâm Bồ-đề, thành thật mà niệm Phật, mỗi niệm niệm Di-đà, tâm thanh tịnh tự hiện”.

          Tiết học này xin giao lưu đến đây, cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

Tin liên quan