KINH VÔ LƯỢNG THỌ
(PHÚC GIẢNG LẦN 2)
Tập 28
Chủ giảng: Cư sĩ Lưu Tố Vân
Thời gian: 04/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Mời xem phần kinh văn tiếp theo:
Nguyện đương an trụ tam-ma-địa
Hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết
Cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư
Thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân
Luân hồi chư thú chúng sanh loại
Tốc sanh ngã sát thọ an lạc
Thường vận từ tâm bạt hữu tình
Độ tận vô biên khổ chúng sanh.
Tám câu này là Tỳ-kheo Pháp Tạng phát đại nguyện cầu thành Phật. Tám câu này là tổng kết của hết thảy những lời nguyện trên cũng là cốt lõi của bốn mươi tám nguyện của A-di-đà Phật.
“Nguyện đương an trụ tam-ma-địa
Hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết”.
Tam-ma-địa chính là niệm Phật tam-muội, chính là Chánh Định. Lúc an trụ trong Chánh Định, không ngừng phóng hào quang rộng lớn chiếu khắp hết thảy. An trụ trong Chánh Định là Tịch, là Thể; phóng hào quang chiếu khắp hết thảy là Chiếu, là Dụng. Có Thể sẽ có Dụng, Thể Dụng luôn gắn liền nhau.
Hai câu này cũng chứng tỏ định tuệ đẳng trì. An trụ tam-ma-địa là định, luôn phóng hào quang là tuệ. Cho nên tu trì phải giống như chim có hai cánh, xe có hai bánh, vận dụng cùng lúc, định tuệ phải đẳng trì. Luôn trụ tam-ma-địa lại phóng hào quang chiếu khắp, Tịch và Chiếu cũng đồng thời. Có người sau khi nhập định thì không thể chiếu; có người vừa chiếu, tâm có nơi trụ, thậm chí còn tán loạn, không thể đồng thời. Trong giáo có một bài kệ nổi tiếng:
“Cảnh vi diệu giả quán vi không,
Năng sở lưỡng vong tức thị trung,
Vong chiếu hà thường hữu tiên hậu,
Nhất tâm dung tuyệt mẫn vô tung”.
Cũng là Vong Chiếu đồng thời. Người thật sự tu hành có thể bắt đầu từ chỗ này, từ Vong Chiếu đồng thời khế nhập Tịch Chiếu đồng thời. Tịch là Thể, Chiếu là Dụng, cũng tức là Thể Dụng không hai.
Lý Thể và Sự Dụng không phải là hai, chính là lý sự vô ngại trong kinh Hoa Nghiêm. Lý, tịch nhiên bất động; Sự, cảm nhi toại thông, thông là thông đạt, chính là có sự thay đổi. Bất động và thông đạt, ở thân phận chúng sanh chính là mâu thuẫn, có chướng ngại; chỉ có người đạt được Vong Chiếu đồng thời mới thật sự thể hội được cảnh giới lý sự vô ngại.
“Cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư
Thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân”.
“Cảm” là cảm ứng, “cư” là cõi nước. Pháp Tạng Bồ-tát khẩn cầu: nguyện đem công đức Tịch Chiếu đồng thời, Lý Sự vô ngại, định tuệ đẳng trì v.v… của chính mình cảm được gia trì, có được cõi nước rộng lớn thanh tịnh. Thế giới Cực Lạc không có biên giới, đúng là “rộng lớn”. Vãng Sanh Luận Chú nói: “Cõi Phật trang nghiêm vào trong một câu thanh tịnh”. Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ lại nói: “Chẳng còn hết thảy sầu khổ nơi thân tâm, chỉ có vô lượng thanh tịnh hỷ lạc, vì vậy gọi là thế giới Cực Lạc”. Đúng như tâm nguyện của Pháp Tạng Bồ-tát, Cực Lạc là một cõi nước thanh tịnh.
Cõi nước mà Pháp Tạng Bồ-tát khẩn cầu không chỉ rộng lớn thanh tịnh, mà còn “thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân”. “Vô đẳng luân”, không gì có thể tương đồng, sánh bằng. “Thù thắng” là vi diệu đẹp đẽ, cũng có nghĩa là siêu tuyệt.
Gia Tường Sớ ghi: “Tu đạo nhanh chóng thành Phật nên gọi là siêu tuyệt”. Cho nên thù thắng không những chứng tỏ cảnh sắc ở cõi nước đẹp đẽ không gì sánh bằng, mà còn hiển bày sự diệu dụng đã bao hàm lợi ích chúng sanh. Vì vậy, nước, chim, cây cối đều đang diễn diệu pháp, tùy theo nhận biết của họ mà ban cho pháp tương ứng. “Trang nghiêm” có hai hàm nghĩa là cụ đức và nghiêm tịnh hoa lệ. Nguyện cõi nước thù thắng trang nghiêm, vượt khỏi mười phương, không gì có thể sánh bằng.
“Luân hồi chư thú chúng sanh loại
Tốc sanh ngã sát thọ an lạc”.
Hai câu này nói rõ cho chúng ta biết, đối tượng tiếp dẫn, đối tượng thành tựu của ngài là chúng sanh lục đạo, là câu “luân hồi chư thú chúng sanh loại”. Chúng sanh trong lục đạo là khổ nhất, càng là chúng sanh khổ nạn, thì càng được xếp hàng đầu trong thứ tự độ thoát, như vậy mới thật sự là đại từ đại bi.
Tập Chú của Niệm Lão nói rất hay: “Chỗ thù thắng siêu tuyệt của Tịnh tông, đầu tiên là mau chóng thành Phật, phàm phu vãng sanh lên thẳng ngôi Bất Thoái, Bất Thoái mới có thể mau chóng thành Phật”. “Nên phổ nguyện các loài chúng sanh luân hồi trong các nẻo, mau sanh đến cõi ta hưởng an vui”. Những câu này rất quan trọng, giúp chúng ta kiên định tín tâm, giúp chúng ta kiên cố hoằng nguyện, kiên định chẳng rời cầu sanh Tịnh độ.
Bất kỳ pháp môn nào cũng không nhanh bằng pháp môn này. Điều đáng tiếc là rất nhiều chúng sanh không tin tưởng, không tiếp nhận. Tuyệt đối không phải A-di-đà Phật không tới tiếp dẫn bạn, Phật mong muốn chúng sanh mau chóng tới thế giới Cực Lạc hưởng an vui.
“Thường vận từ tâm bạt hữu tình,
Độ tận vô biên khổ chúng sanh”.
Hai câu này biểu thị hoằng thệ đại từ đại bi của Pháp Tạng Bồ-tát. “Thường” là chỉ thời gian không bị gián đoạn, “vô biên” là nói về không gian. A-di-đà Phật độ chúng sanh vào mọi lúc ở mọi nơi chưa từng gián đoạn. Sự từ bi này sanh ra từ thanh tịnh, bình đẳng sanh ra, là hiển lộ của tự tánh. Nên nói tám câu kệ tụng này là cốt lõi của bốn mươi tám nguyện.
Mời xem kinh văn tiếp theo:
Ngã hạnh quyết định kiên cố lực
Duy Phật thánh trí năng chứng tri
Túng sử thân chỉ chư khổ trung
Như thị nguyện tâm vĩnh bất thoái.
Bốn câu kệ tụng này thể hiện quyết tâm kiên cố của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Đại nguyện mà ngài đã phát ra thì nhất định phải làm được, cầu Phật chứng minh cho ngài.
“Ngã hạnh quyết định kiên cố lực”.
Pháp Tạng Bồ-tát phát nguyện, mở đầu dùng chữ nguyện, “nguyện ngã đắc Phật thanh tịnh thanh”, nhưng mà phần kết thúc không nói tới ngã nguyện, mà nói ngã hạnh, “ngã hạnh quyết định kiên cố lực”, đủ thấy nguyện của ngài Pháp Tạng đã trở thành hành động, nên nói nguyện để bắt đầu hạnh, hơn nữa những gì ngài làm kiên quyết không thể thay đổi, kiên cố không thể thay đổi. Sức mạnh vững chắc kiên cố này, chỉ có thánh trí của Phật mới có thể chứng minh và hiểu rõ. Chỉ có Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai có Tam Giác viên mãn, ngũ nhãn sáng tỏ, trí tuệ vô Ngại, chỉ có Phật mới có thể hiểu ngài, có thể làm chứng cho ngài. Bởi vì Hạ Địa Bồ-tát không biết được chỗ nhấc chân đặt chân của Thượng Địa Bồ-tát, nên không thể hiểu được.
Hai câu sau cùng là
“Túng sử thân chỉ chư khổ trung
Như thị nguyện tâm vĩnh bất thoái”.
Nói rõ nguyện tâm của Tỳ-kheo Pháp Tạng kiên cố, cho dù đọa địa ngục thì hạnh này nguyện này cũng chắc chắn không thoái chuyển. Nếu chỉ có nguyện, không có hạnh, đó là nguyện giả; chỉ có hạnh, không có nguyện, đó là làm bừa. Cho nên nguyện hạnh phải bổ trợ lẫn nhau, nguyện để khởi hạnh, hạnh để chứng nguyện mới có thể viên mãn thành tựu đại nguyện.
Đối chiếu với chính bản thân chúng ta một chút, học Phật nhiều năm như vậy, bạn có thệ nguyện chưa? Thệ nguyện của bạn có kiên định không? Bạn đã thực hiện thệ nguyện của mình như thế nào?
Để tôi nói một chút trải nghiệm và cảm nhận của chính tôi trong 20 năm thọ trì bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ.
Năm 2000, tôi mới nghe được Phật pháp, sự tiếp xúc đầu tiên chính là bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ và đĩa giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ ba của lão pháp sư, nghe được đọc được, nhận được lợi ích rồi. Từ thời điểm đó đến nay đã 20 năm rồi, tôi chưa từng thay đổi đề mục, chưa từng chuyển hướng. 20 năm học Phật, tôi trải qua vô số phong ba bão táp, vô duyên vô cớ bị phê bình, phê phán, mắng nhiếc, hủy báng. Tôi không biết tại sao? Tôi không biết tôi đã làm sai điều gì?
Đặc biệt là 10 năm gần đây, tôi vượt qua áp lực từ nhiều phía, tôi đường đường chính chính, quang minh chính đại mà bước qua. Bởi vì hết thảy lời nói và hành vi của tôi đều công khai, rõ ràng, tôi không trốn trong bóng tối làm những chuyện mất mặt. Đời này, tôi chỉ muốn làm một người quang minh chính đại.
Bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ bị phê bình phê phán, hai mươi năm chưa từng gián đoạn, có lúc xôn xao náo động, điều này chưa từng có trong lịch sử Phật giáo, vậy mà thế hệ chúng ta gặp được, cũng coi như “may mắn” và “thu hoạch tốt nhất” của thế hệ chúng ta.
Cảnh ngộ và trải nghiệm của bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã đích thân trải nghiệm. Tôi tận mắt nhìn thấy, đây cũng là một gia tài bất ngờ trong đời này của tôi.
Đối với người thọ trì bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, hai mươi năm nay, tôi nhìn thấy năm hạng người này:
Hạng người thứ nhất: chuyển qua tu tôn giáo khác.
Tại sao vậy? Họ không hiểu được tại sao bên ngoài không ngừng phê bình, phê phán, mắng nhiếc bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ. Sao cửa Phật lại như vậy, không phải phê bình cái này thì là mắng nhiếc cái kia, học Phật sao lại phiền phức như thế? Dứt khoát không học Phật nữa, học tôn giáo khác thôi. Một người bạn tốt của tôi, cả nhà họ học Phật, sau đó bởi vì tôi bị phê bình bị mắng nhiếc, họ không hiểu được, cả nhà họ bèn chuyển sang học Cơ Đốc giáo.
Hạng người thứ hai: không chịu được áp lực quá lớn từ bên ngoài, đánh mất tín tâm đối với bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ.
Số người này cũng không ít, trạng thái tâm lý của rất nhiều người là không muốn chuốc phiền phức, học cái nào chắc chắn vậy. Nên có người chuyển sang tu bản dịch của Khang Tăng Khải, có người chuyển sang tu kinh Phật Thuyết A-di-đà. Những người này có một đặc điểm chung, mặc dù họ từ bỏ bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, nhưng không từ bỏ pháp môn niệm Phật Tịnh độ và năm kinh một luận của Tịnh độ. Những người này, chúng ta không có gì đáng trách, nhân duyên khác nhau mà, ai cũng có quyền tự do chọn lựa.
Hạng người thứ ba: từ bỏ, hủy báng bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ. Tôi từng gặp qua người như vậy. Một người trí thức lớn tuổi, tu học Phật pháp nhiều năm, thọ trì bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, theo lời ông ấy nói, đã tụng hơn bốn ngàn biến kinh Vô Lượng Thọ.
Có một hôm, đột nhiên ông nói với tôi, ông không đọc kinh Vô Lượng Thọ nữa, tôi nghe xong rất kinh ngạc, nhưng tôi không ngăn cản ông, tôi biết tính tình của ông ấy, ngăn cản cũng vô dụng.
Tôi nói với ông: “Ông từ bỏ cũng được, nhưng nhất định không được hủy báng”. Ông ấy đồng ý với tôi. Nhưng trên thực tế, ông ấy đã hủy báng, ông ấy nói ông tìm ra hơn 100 chỗ sai trong bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ.
Không tới một năm thì ông qua đời, qua đời rất thảm. Nằm trong bệnh viện, vợ của ông gọi điện thoại cho tôi, kêu tôi tới tiễn ông ấy, tôi đã đến đó rồi. Bởi vì ông từng nói với tôi, hy vọng lúc ông vãng sanh tôi sẽ tới tiễn, tôi đã đồng ý với ông, tôi phải giữ lời. Lần đó chỉ có một mình tôi tới tiễn ông vãng sanh, như vậy thật khó! Cả người ông cắm đầy ống dẫn, đôi mắt mở thật to, miệng còn đeo máy thở, hơi thở hổn hển, lồng ngực phập phồng kịch liệt, thật sự là thê thảm không nỡ nhìn.
Sau khi ông qua đời, một mình tôi lạy Phật niệm Phật cho ông mười hai tiếng đồng hồ, đầu gối và khuỷu tay đều bị thương, nhưng cũng không thể giúp được ông, trơ mắt nhìn thân thể ông cứng đờ, khuôn mặt hung dữ đáng sợ, theo nghiệp lưu chuyển rồi.
Quý vị đồng tu, tuyệt đối đừng hủy báng Phật, Pháp, Tăng! Đây không phải là trò đùa, đằng sau còn có nhân quả theo ta. Phải nghe lời khuyên! Không nghe lời khuyên, ác quả hiện tiền, hối hận cũng không còn kịp nữa, ai cũng không cứu được bạn, bạn tự làm tự chịu thôi!
Hạng người thứ tư: sáng suốt giữ mình, không dám công khai thọ trì bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ.
Người như vậy trong chúng tại gia, chúng xuất gia đều có. [đây cũng là] chuyện thường tình của con người, có thể tha thứ được, có ai không muốn chính mình bình an vô sự?
Hạng người này luôn nhìn trước ngó sau, nhìn gió bẻ lái. Gió lớn thì ngừng lại; gió nhẹ lại tiến lên.
Tương lai hoàn cảnh được cải thiện thì sẽ xuất hiện một nhóm phần tử tích cực học tập bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ. Thậm chí có người có thể giảng kinh thuyết pháp, hoằng dương bộ kinh này.
Tương lai hoàn cảnh chuyển biến xấu đi, những người này liền mai danh ẩn tích, họ rất giỏi tự bảo vệ mình, nơi đầu sóng ngọn gió chắc chắn không nhìn thấy bóng dáng của họ.
Tôi nói lời thật lòng, sẽ đắc tội người khác. Đắc tội người khác cũng phải nói: “Người như vậy chắc chắn không phải là bậc pháp khí cửa Phật, cũng tuyệt đối không phải là trụ cột nơi cửa Phật”.
Hạng người thứ năm: tín nguyện kiên cố, vĩnh viễn không thoái tâm.
Hai câu kinh văn “dẫu thân tôi ở trong các khổ, nguyện tâm như thế mãi chẳng thoái” là miêu tả chân thực về hạng người thứ năm. Ai là tấm gương? Lão pháp sư! Một đời này của lão pháp sư trải qua nhiều lần trắc trở, rất nhiều khó khăn, nơi ở không cố định, ngao du một đời, chính những trắc trở và sự tôi luyện này đã thành tựu Thánh Tăng một thời.
Năm 2010, tôi mới gặp lão pháp sư ở Hồng Kông mà như đã quen thân, giống như tìm thấy người thân thất lạc đã lâu, cũng tìm thấy tình cha đã mất đi từ lâu. Năm 1986, người cha thương yêu tôi đã qua đời, tình thương của cha trở thành một chỗ trống, sau khi gặp được sư phụ, tình thương của cha đã được lấp đầy chỗ trống ấy, tình cha ngày xưa đã trở lại.
Mấy hôm trước, có người đề nghị, thỉnh sư phụ trụ thế, tôi cũng viết một đoạn, không dám đưa ra ngoài, bản thân tôi cảm thấy, đoạn văn thỉnh sư phụ trụ thế của tôi viết khác với mọi người, phong cách khác người, có chút khác người. Hôm nay can đảm lấy ra cúng dường cho quý vị đồng tu, tiếp nhận phê bình phê phán của mọi người. Tôi là người hồn nhiên trẻ thơ, văn viết ra cũng phong cách hồn nhiên trẻ thơ:
Sư phụ sư phụ con nghe lời
Ngài nhất định đừng bỏ con đi
Con vẫn còn chưa trưởng thành
Trưởng thành cùng sư phụ về nhà
Sư phụ sư phụ hãy đợi con
Nhất định đừng bỏ con ở lại
Sư phụ không dắt con về nhà
Con sẽ lớn tiếng khóc hu hu
Từ phụ nào không thương con mình
Sao nỡ để con mình khóc thương
Con biết rằng sư phụ từ bi
Nhất định sẽ dắt con về nhà.
Nghe “văn thỉnh sư phụ trụ thế” mà tôi viết, mọi người có cảm nhận gì không? Nghe xong quý vị khóc hay là cười? Khóc hay cười đều tốt, đều là sự lưu lộ của tự tánh.
Kinh văn phẩm thứ tư “Pháp Tạng nhân địa đệ tứ” đã giảng xong, kinh văn phẩm này tổng cộng giảng hết năm tập, từ tập 24 đến tập 28. Chúng ta tổng kết lại một chút trọng tâm của kinh văn phẩm thứ tư, tổng cộng có bốn trọng tâm.
Trọng tâm thứ nhất: sơ phát tâm của Tỳ-kheo Pháp Tạng ở nhân địa là gì? Sơ phát tâm của ngài có gì khác với mọi người? Hạnh của ngài sau khi phát tâm là gì?
Sơ phát tâm của ngài là “phát vô thượng chân chánh đạo ý, tức thị phát tâm vô thượng Bồ-đề dã”. Tâm này là tâm thành Phật. Tỳ-kheo Pháp Tạng lúc còn ở nhân địa đã phát tâm thành Phật.
Sơ phát tâm của ngài hướng thẳng đến Nhất Thừa, chẳng rơi vào Quyền, Tiểu, “tu Bồ-tát đạo” trong kinh văn đã biểu đạt điều này. Ngài không bắt đầu tu từ Thanh văn, Duyên giác mà trực tiếp tu Bồ-tát đạo, trực tiếp tu Đại thừa.
Hạnh của ngài sau khi phát tâm là “bỏ nước bỏ ngôi vua, trở thành Sa-môn”. Hạnh của ngài là thị hiện “buông xuống” cho chúng ta thấy. Sau khi phát tâm, ngài thật sự tu hành.
Trọng tâm thứ hai: hạnh nguyện thù thắng của Tỳ-kheo Pháp Tạng là gì? Tại sao ngài được tôn xưng là Đại Nguyện Vương?
Tỳ-kheo Pháp Tạng phát tâm Bồ-đề là nguyện, tu tâm Bồ-đề là hạnh, hạnh nguyện của ngài là bốn mươi tám đại nguyện. Do đức Di-đà phát thệ nguyện rộng lớn như biển nên gọi là Đại Nguyện Vương. Để chứng biển nguyện này, Tỳ-kheo Pháp Tạng tích lũy công đức trong vô lượng kiếp, một lòng trang nghiêm Cực Lạc Tịnh Độ. Do đại nguyện sanh ra đại lực, sanh ra đại hạnh, thành tựu vô số y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc và pháp môn Tịnh độ phổ độ chúng sanh, mấu chốt trong đó là “Nguyện”.
Trọng tâm thứ ba: học tập sự phát nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng.
Nguyện âm thanh giống như Phật; nguyện trí tuệ giống như Phật; nguyên đức giác tha giống như Phật; nguyện cầu thành Phật, phổ độ chúng sanh.
Trọng tâm thứ tư: kết hợp kinh nghiệm học Phật nhiều năm của chính mình, sau khi học kinh văn phẩm này, bạn có cảm ngộ gì? Bạn học được điều gì từ Tỳ-kheo Pháp Tạng?
Trọng tâm của kinh văn phẩm thứ tư đã nói xong, cúng dường cho mọi người tham khảo.
Chúng ta vẫn còn chút thời gian, để tôi nói một chút về thể hội tu học của chính mình cúng dường cho mọi người.
Học Phật 20 năm rồi, thời gian này nói dài không dài, nói ngắn cũng không ngắn, nếu tính theo 80 tuổi, vậy thì chiếm một phần tư đời người.
Có lúc tôi đang nghĩ một vấn đề, chú ý! Đây là tôi đang suy ngẫm, đang nghĩ. Đây không phải là tự tánh lưu lộ, tôi không có cảnh giới cao như vậy, nhưng mà tôi muốn nỗ lực hướng tới cảnh giới đó.
Tôi đang nghĩ vấn đề này: bộ kinh Vô Lượng Thọ thỏa bổn hoài của Phật rốt cuộc đang giảng điều gì? Hết thảy pháp mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã thuyết trong 49 năm, tam tạng thập nhị bộ rốt cuộc đang giảng điều gì?
Tôi là phàm phu, tôi dùng tâm phàm phu để hỏi vấn đề này, lại dùng tâm phàm phu để suy nghĩ và trả lời vấn đề này, dường như có chút buồn cười, cho dù như vậy, tôi vẫn muốn trao đổi với mọi người, không trao đổi thì làm sao nâng cao được chứ?
Phật đang giảng “tâm”.
Dạy chúng ta đổi vọng tâm xao động bất an thành chân tâm tịch nhiên bất động, chân tâm đó chính là tự tánh.
Tôi nhớ hai ngày trước khi lão Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh, chị nói với tôi và các đồng tu, phải đổi tâm, nói xong chị còn che miệng cười.
Đổi tâm gì? Đổi tâm phàm phu thành tâm Bồ-tát, đổi thành tâm Phật.
Tâm không có tốt xấu, tâm là trung tính. Nhưng dụng tâm khác nhau thì có phân biệt. Thể là một, Dụng thì phong phú đa dạng. Ví dụ như có người dụng tâm hiểm ác, có người chân tâm diệu hữu. Tâm này giống như chiếc thuyền, phải xem người lái thuyền theo hướng nào?
Đơn giản mà nói, đó là “công” tâm và “tư” tâm. Công tâm là tâm phục vụ cho chúng sanh, tư tâm là tâm mưu cầu lợi ích cho chính mình. Có một số chuyện bây giờ nghĩ lại cảm thấy khá thú vị, có chuyện cũng khá trêu người. Để tôi kể một câu chuyện có thật cho mọi người nghe:
Khoảng năm chín mấy, trong cơ quan được tăng lương, đảng ủy của tôi có hơn 100 người nhưng chỉ có hai vị trí. Tôi nhớ lần đó đánh dấu phiếu bầu chọn, tôi đã được chọn, một người khác là anh Mã sở trưởng sở giao thông.
Sau khi mọi việc xong xuôi, có đồng nghiệp cũ hỏi tôi: “Tố Vân à, lần này cô được tăng lương có người không phục, nói Tố Vân khờ khạo vậy, sao hai vị trí đó lại đến phiên cô ta chứ?” Qua mấy hôm sau, người nói tôi khờ khạo lại hỏi tôi: “Tố Vân, sao lần này cô lại được tăng lương vậy?”, tôi nói “do được bầu chọn”. Cô ấy lại hỏi: “Cô tìm vị lãnh đạo nào vậy?”. Tôi nói: “Không tìm vị lãnh đạo nào cả”. Nhìn vẻ mặt cô ấy dường như không tin tưởng lắm. Nhưng mà lời tôi nói là thật. Hai hôm nay tôi viết bản thảo, tôi nhớ ra chuyện này, tôi tìm ra câu trả lời tại sao tôi lại được tăng lương rồi, bởi vì tôi khờ khạo, ha ha, người khờ có số khờ!
Tôi kể tiếp cho mọi người nghe một câu chuyện có thật: Năm đó, cũng vào khoảng năm chín mấy, tôi được đề bạt làm chánh văn phòng. Có đồng nghiệp cũ tìm tôi hỏi tôi: “Tố Vân, chị lớn tuổi hơn em, được đề bạt làm phó phòng sớm hơn em sáu năm, bây giờ em được đề bạt làm chánh văn phòng, còn là chức vụ thực, chị vẫn làm phó phòng. Lần này em có thể nhường cho chị được không, sau này em vẫn còn cơ hội”. Tôi nói “được, vậy em tìm ai để nói?”. Chị ấy nói “em tìm chủ nhiệm đó nói đi, là lãnh đạo đảng ủy chúng ta”.
Tôi thật sự đi tìm chủ nhiệm nói chuyện nhường lại vị trí cho người khác, sau khi nghe xong chủ nhiệm nói: “Phó phòng cũ chèn ép con 6 năm không được đề bạt, sao chị ta không đứng ra nói lời nào cho con? Đề bạt là chuyện của đảng ủy, không phải chuyện cá nhân của mọi người, quay về đi”. Tôi hỏi chủ nhiệm: “Vậy con trả lời chị ấy thế nào?” Chủ nhiệm nói: “Bảo cô ta tới tìm chú”.
Tôi trở về văn phòng, đồng nghiệp cũ đang đợi tôi trả lời, tôi đem nguyên văn lời của chủ nhiệm nói với chị ấy, chị ấy không nói lời nào, đứng dậy bỏ đi, từ đó về sau không còn nhắc lại chuyện đó nữa. Tôi thật lòng muốn nhường cho chị ấy, nhưng lời tôi nói không được tính.
Làm việc chung trong thời gian dài, đồng nghiệp đánh giá tôi như sau: Tính tình Tố Vân bướng bỉnh một chút, nhưng tâm tốt, không làm khó ai. Có lẽ là tâm tôi tốt, vận khí của tôi cũng tốt. Ví dụ như lãnh đạo gặp được đều đối xử với tôi rất tốt, bao dung tính cách bướng bỉnh của tôi. Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng vô cùng biết ơn.
Tôi muốn nhân cơ hội này giới thiệu một vài người tốt, một vài vị lãnh đạo tốt mà tôi gặp được.
-
-
- Vị đầu tiên là hiệu trưởng Vương Trị Quốc.
-
Năm 1964 tôi tốt nghiệp trung học phổ thông, tới trường Bảo Quốc Tứ làm giáo viên dạy thay, năm đó tôi 19 tuổi.
Lãnh đạo nhà trường thường tới các lớp nghe giảng, hướng dẫn cách dạy học. Hiệu trưởng tới nghe, chủ nhiệm giáo vụ cũng tới nghe. Chủ nhiệm giáo vụ tới nghe thì tôi không hồi hộp, bởi vì cô Triệu Ái Hoa là cô chủ nhiệm tiểu học của tôi; hiệu trưởng tới nghe thì tôi hồi hộp, thầy ấy là nam, ngoại hình có chút già trước tuổi, nhìn không ra tuổi thật của thầy, khóe mắt của thầy kéo hơi dài xuống dưới, nhìn có vẻ nghiêm khắc.
Có một lần hiệu trưởng tới nghe tôi giảng bài, đứng trước cửa phòng học, tôi nói với hiệu trưởng: “Hiệu trưởng, thầy tới nghe giảng con rất hồi hộp”. Hiệu trưởng nói: “Đừng hồi hộp, thầy tới nghe chỉ là hình thức thôi, con vừa giảng thì thầy ngủ rồi”. Nghe thầy nói xong, tôi yên tâm hơn một chút. Một lát sau, tôi thấy thầy hiệu trưởng thật sự ngủ, tôi hoàn toàn yên tâm rồi, tôi tự do rồi! Tốt lắm, tiết học 45 phút giảng vô cùng náo nhiệt, chơi cũng vô cùng náo nhiệt, lúc đó tôi dạy lớp 1 tiểu học.
Tôi nhớ tiết học đó giảng nội dung “động vật trong rừng làm sao để chung sống hòa thuận với nhau”. Các em có chuẩn bị, đã chuẩn bị một số đạo cụ, em thích con vật nào trong rừng thì sẽ đóng vai con vật đó, dùng giấy vẽ rồi đeo trên đầu. Tiết học hôm đó giảng đề tài này và chơi trò này. Tôi nhìn thấy hiệu trưởng ngủ rồi, chơi thôi! Mặc kệ thầy ấy! Sau đó các em được chơi rất vui vẻ. Có một em nhỏ khóc, hóa ra em ấy không chuẩn bị đạo cụ, nhìn thấy mọi người đều có, chỉ mình không có nên em ấy khóc. Tôi nói: “đừng khóc nữa, cô đưa cho em cái của cô, cái của cô lớn, cô là vua sư tử”.
Khi đạo cụ của tôi đeo đạo cụ lên đầu em ấy, em ấy lại cười, nước mắt còn chưa khô. Chúng tôi cứ như vậy chơi hết một tiết học, tiếng chuông báo hiệu hết giờ vang lên, hiệu trưởng cũng tỉnh dậy.
Buổi chiều, chủ nhiệm giáo vụ nói với tôi: “Hiệu trưởng Vương tìm con trao đổi ý kiến nghe giảng”. Tôi nói: “Hiệu trưởng ngủ nên không nghe thấy gì”. Cô Triệu Ái Hoa mỉm cười với tôi rồi nói: “Đứa trẻ ngốc này”.
Hiệu trưởng Vương vừa mở miệng, tôi liền ngây người ra, không phải thầy ngủ sao, sao đều nghe hết vậy? Hiệu trưởng Vương cười nói: “Thầy không ngủ, không phải con sẽ hồi hộp sao? Mắt thầy nhắm lại nhưng tai thầy vẫn nghe! Hơn nữa tiết học đó con giảng náo nhiệt như vậy, thầy có thể ngủ sao?”. Tôi nghe xong, gừng càng già càng cay, hóa ra thầy ấy giả vờ ngủ.
Tôi đã học chiêu này của hiệu trưởng Vương, sau khi tôi làm hiệu trưởng cũng nghe giảng như vậy, hiệu quả rất tốt.
-
-
- Vị thứ hai là: Tổng bí thư Lưu Khôn.
-
Năm 1984, tôi được điều đến chính quyền tỉnh làm việc, cơ quan làm việc cụ thể là Phòng công tác cơ sở ủy ban kinh tế tỉnh, chủ quản lãnh đạo của chúng tôi là tổng bí thư Lưu Khôn, tổng bí thư là cán bộ lâu năm có tính cách cương trực, nói chuyện thẳng thắn, vô cùng yêu nghề.
Nhà tôi ở Bình Phòng, là khu vực ngoại thành của Cáp Nhĩ Tân, cách nội thành Cáp Nhĩ Tân hơn một giờ lái xe. Tôi ăn mặc rất quê mùa, có người gọi tôi là “đồ cổ được khai quật”, thậm chí có người còn hỏi trưởng phòng chỗ tôi, chỗ các anh đào được đồ cổ này ở đâu vậy?
Lúc tôi được điều đến làm việc ở chính quyền tỉnh, không có cấp bậc gì, tôi là một nhân viên bình thường của ban tuyên giáo đảng ủy nhà máy Đông An, gọi là trợ lý. Năm 1985, đúng lúc đảng ủy chúng tôi đề bạt cán bộ, lúc đó tôi làm việc ở đảng ủy chưa đủ hai năm, tôi 39 tuổi. Lần đề bạt cán bộ đó, tôi được thăng hai cấp, vượt qua phó ban, trực tiếp được thăng lên làm chánh ban, chuyện này đã gây ra sự náo động lớn trong đảng ủy, nghe nói chưa từng có tiền lệ như vậy. Có người bắt đầu tìm hiểu bối cảnh của tôi, đáng tiếc là không thể tìm ra.
Từ đó trở đi, tôi được để ý gấp bội, một “đồ cổ được khai quật” không có chút bối cảnh nào, dựa vào gì mà được thăng liền hai cấp? Tôi bị người ta nhìn chằm chằm. Nói thật là tôi cũng muốn biết tại sao mình được thăng hai cấp? Mấy năm sau, trưởng phòng cũ của tôi, trưởng phòng Mậu, trước khi nghỉ hưu ông ấy nói với tôi, là do tổng bí thư Lưu Khôn hết lòng tiến cử tôi trong lúc họp nhóm đảng. Tôi hỏi trưởng phòng Mậu, tôi và tổng bí thư không hề qua lại, tại sao ông ấy lại hết lòng đề cử tôi? Trưởng phòng Mậu nói, tổng bí thư Lưu Khôn là người yêu quý nhân tài. Haiz, tôi là nhân tài gì chứ? Đến báo cáo khảo sát còn viết không xong. Vậy để tôi kể cho mọi người nghe chuyện viết báo cáo khảo sát của tôi.
Lần đầu tiên làm khảo sát nghiên cứu doanh nghiệp, tổng bí thư dẫn theo hai trưởng phòng, còn có tôi, bốn người chúng tôi tới nhà máy sản xuất xe ở Tề Tề Cáp Nhĩ để khảo sát nghiên cứu, đề tài là “quản lý theo mục tiêu”. Tôi thấy ba vị lãnh đạo mang theo một tên lính như tôi, chắc chắn là không có việc của tôi, tôi cũng không nghiêm túc nghe, không nghiêm túc ghi chép, nói thật là tôi nghe cũng không hiểu.
Không ngờ lúc ngồi trên xe đi về, tổng bí thư nói, báo cáo khảo sát nghiên cứu này do tiểu Lưu viết bản thảo đầu tiên. Lúc đó tôi ngây người, tôi không nghiêm túc nghe, cũng không nghiêm túc ghi chép lại, trở về tôi biết viết gì đây? Tổng bí thư nói, trở về ngồi suy nghĩ kỹ lại rồi viết bản thảo đầu tiên, bảy ngày sau nộp.
Tôi trở về nhà bức bối mất bảy ngày, dù thế nào cũng phải viết được gì đó, bảy ngày sau đi nộp. Tổng bí thư nhìn tới nhìn lui, sau đó nói một câu: “Chú nói này tiểu Lưu, bản thảo con viết không phải là báo cáo khảo sát, sao lại giống như báo cáo văn học vậy?”. Trong lòng tôi nghĩ, dù gì cũng có hai chữ “báo cáo” mà. Hai vị trưởng phòng muốn cười nhưng không dám cười, tổng bí thư nói với hai vị trưởng phòng, hai người đem ghi chép của mình đưa cho tiểu Lưu, trở về viết bản thảo thứ hai, bảy ngày sau nộp.
Tôi trở về nhà lại bức bối tiếp bảy ngày, dựa vào ghi chép của hai vị trưởng phòng viết bản thảo thứ hai. Sau khi cầm bản thảo thứ hai, tổng bí thư nói một câu, tiểu Lưu hoàn thành nhiệm vụ rồi, bản thảo thứ ba cho trưởng phòng Liễu viết. Tôi thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng tôi cũng được tự do rồi.
Hai vị trưởng phòng nói với tôi, tổng bí thư đang huấn luyện cô đó, làm việc ở chính quyền tỉnh mà không biết viết báo cáo sẽ bị thiệt thòi đó. Tổng bí thư nói với hai vị trưởng phòng, sau này nếu ra ngoài khảo sát nghiên cứu, nhất định phải dẫn tiểu Lưu theo, để cô ấy mau qua được cửa ải viết tài liệu, phải chỉ dạy cho tốt, tiểu Lưu là một nhân tài. Chú ấy không phê bình tôi câu nào, nhưng tôi có thể không nỗ lực sao? Có lẽ là thấy tôi tiến bộ rất nhanh, cho nên trong lúc họp nhóm đảng mới hết lòng tiến cử tôi thăng liền hai cấp. Chưa thông qua sự kiểm chứng, không biết tôi nghĩ có đúng hay không?
Hai mươi năm nay không nghe được tin tức gì của tổng bí thư, năm nay chắc chú ấy cũng gần 90 tuổi rồi! Tổng bí thư à, tiểu Lưu năm đó không biết viết báo cáo khảo sát nghiên cứu vĩnh viễn biết ơn chú!
Cảm ân lãnh đạo xưa
Dạy con viết bản thảo
Ân đức lớn của người
Con nhớ mãi trong lòng.
Tiết học hôm nay giao lưu tới đây. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!