KINH VÔ LƯỢNG THỌ
(PHÚC GIẢNG LẦN 2)
Tập 21
Chủ giảng: Cư sĩ Lưu Tố Vân
Thời gian: 01/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Mời xem câu kinh tiếp theo:
“Khứ lai hiện tại Phật Phật tương niệm. Vi niệm quá khứ vị lai chư Phật da. Vi niệm hiện tại tha phương chư Phật da? Hà cố oai thần hiển diệu. Quang thụy thù diệu nãi nhĩ”.
Những câu kinh văn này biểu đạt những ý nghĩa sau đây, cũng chính là những chuyện mà A-nan suy nghĩ đến:
Một, tôn giả A-nan nhìn thấy Thế Tôn phóng quang hiện tướng lành, lần phóng quang này là A-nan làm thị giả nhiều năm cũng chưa từng thấy. Quang minh này từ đâu mà có?
Hai, lần này Phật phóng quang hiếm có, thù thắng, đặc biệt như vậy, hiển bày diệu pháp vô cùng thù thắng trong pháp hội giảng kinh Vô Lượng Thọ lần này.
Ba, phóng quang thù thắng như vậy, giảng diệu pháp vô thượng như thế, nhất định là Thế Tôn đang niệm Phật, nhất định giống như ba đời chư Phật Như Lai, chư Phật, Phật Phật niệm nhau. Chư Phật hào quang soi chiếu lẫn nhau, chư Phật tâm tâm ấn chứng cho nhau.
Bốn, “Phật Phật tương niệm”, nhưng không biết hôm nay Thế Tôn niệm vị Phật nào? Là niệm vị Phật quá khứ, niệm vị Phật hiện tại, hay là niệm vị Phật tương lai?
Năm, nếu không phải Phật đang niệm Phật, tại sao oai thần hiện tại của Phật lại chói ngời rực rỡ như vậy, ánh sáng Phật phóng ra lại thanh khiết, tốt lành, thù thắng, vi diệu như vậy?
Sáu, A-nan thỉnh cầu Thế Tôn từ bi “xin vì chúng sanh mà tuyên thuyết”.
Mọi người thử nghĩ xem, những vấn đề mà A-nan suy nghĩ đến, có phải cũng là những điều mà chúng ta cần biết không? Những vấn đề mà A-nan suy tư, thỉnh hỏi, là thật sự không biết sao? Chúng ta nhất định không được hiểu lầm, A-nan thị hiện là sơ quả La-hán, nhưng ngài tuyệt đối không phải là sơ quả La-hán, ngài là Phật Bồ-tát tái lai, giúp Phật hoằng pháp giáo hóa chúng sanh. Điều gì ngài cũng biết rõ, chuyện gì cũng thấu suốt, ngài biết rõ nhưng vẫn hỏi, ngài thay mặt chúng sanh thỉnh pháp.
Tôi nói tới đây, có phải các đồng tu bỗng nhiên đại ngộ không: Ồ! Hóa ra là như vậy! Pháp hội đặc biệt, Phật tuyên giảng diệu pháp đặc biệt. Hiện nay chúng ta gặp được bộ kinh này, pháp môn này, phải cảm ân tôn giả A-nan! Thế Tôn biểu diễn một pháp cho chúng ta thấy, là pháp gì? Pháp “Phật Phật tương niệm”. Phật Phật đạo đồng, Phật Phật tương niệm, Phật Phật xưng tán nhau. Thế Tôn mở pháp hội giảng diệu pháp, cũng cần có Phật lực gia trì. Thật sự là Thế Tôn đang niệm Phật, niệm mười phương chư Phật, hi vọng được Phật lực của mười phương chư Phật gia trì. Phật thuyết pháp cũng không ngoại lệ. Thế Tôn khiêm tốn, làm ra tấm gương tốt cho chúng ta, cũng thỉnh cầu mười phương chư Phật Bồ-tát từ bi gia trì, giúp ngài giảng diệu pháp này rõ ràng hơn, thấu triệt hơn, để thính chúng nghe được rõ ràng, nghe được rành rẽ, đây là gia trì.
Lần này mọi người nghe hiểu rồi chứ? Tại sao lần này Thế Tôn phóng quang hiện tướng lành lại thù thắng như vậy? Hào quang của mười phương chư Phật hội tụ lại, hội tụ với ánh sáng của Thế Tôn thành một hào quang, vậy thì quá tuyệt rồi! Đây là ánh sáng của A-di-đà Phật. Trong Phật giáo Đại thừa thường nói, hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh. Thế Tôn mở pháp hội này, pháp hội là để dạy học, muốn giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc cho chúng ta, trong tâm ngài đang nghĩ gì? Chắc chắn là nghĩ tới A-di-đà Phật. A-di-đà Phật là “ánh sáng tôn quý nhất”, ánh sáng của A-di-đà Phật gia trì cho Thích-ca Mâu-ni Phật, ánh sáng này không phải là thù thắng hiếm có sao?
Trong tâm Thích-ca Mâu-ni Phật có A-di-đà Phật, trong tâm A-di-đà Phật có Thích-ca Mâu-ni Phật, hào quang chiếu soi lẫn nhau, trí huệ chiếu soi lẫn nhau, tâm tâm tương ưng liền thông. Đây chính là gia trì. Tại sao trước đây Phật chưa từng phóng quang như vậy? Bình thường Thích-ca Mâu-ni Phật không phóng quang như vậy, nhưng vì phát tâm giảng bộ kinh này, cảm động chư Phật Như Lai, cảm động chư thiên, thiên nhân, cảm động tổ tiên từ vô lượng kiếp đến nay, thật quá tuyệt vời! Hiện tại, trước khi Thích-ca Mâu-ni Phật tuyên giảng bộ đại kinh này đã phóng quang hiện tướng lành, cho thấy ngài đạt được sự gia trì của chư Phật Như Lai. Phật gia trì Phật, giúp cho tướng lành của ngài vô cùng thù thắng, trước nay chưa từng có. Đại chúng tham gia pháp hội thấy được, tín tâm tràn đầy, lại không có chút hoài nghi, đây là tác dụng của việc phóng quang hiện tướng lành, giúp cho đại chúng sanh khởi tín tâm. Sự phóng quang hiện tướng lành này, hiển hiện tuyệt diệu huyền môn Hoa Nghiêm không thể nghĩ bàn, quang minh tướng lành hiện ra vô cùng thù thắng vi diệu. Mọi người phải hiểu rõ, việc này chỉ có Phật mới làm được, Bồ-tát không làm được. Thời đại hiện nay, người giảng bộ kinh này không nhiều, người giảng bản hội tập lại càng ít hơn. Nghe bộ kinh này, người thật sự nghe hiểu cũng không nhiều. Nguyên nhân gì vậy? Người hiện nay thích hoài nghi, không thành thật, luôn muốn tìm ra một chút sai sót trong kinh văn. Bới lông tìm vết, tâm lý của họ bất thường, cho nên khó mà nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa. Họ không biết hết thảy chúng sanh và Phật vốn là một thể, đồng tâm, đồng đức, đồng nguyện, đồng hạnh, họ không biết nên lợi ích nhận được không nhiều.
A-di-đà Phật niệm A-di-đà Phật, mười phương chư Phật niệm A-di-đà Phật. Chúng ta niệm A-di-đà Phật liền được oai thần của A-di-đà Phật gia trì, chúng ta học bộ kinh này sẽ dễ dàng hiểu được, dễ dàng khế nhập cảnh giới. Phật muốn giảng bộ kinh này, hoặc nếu chúng ta phát tâm giảng bộ kinh này cho đại chúng, bạn phải niệm A-di-đà Phật, được A-di-đà Phật gia trì. Bạn xem Thích-ca Mâu-ni Phật giảng bộ kinh này, niệm A-di-đà Phật, phóng quang hiện tướng lành, ngài mới giảng được hay như vậy. Không có Phật lực gia trì thì không được. Phải khiêm tốn, phải cung kính. Cống cao ngã mạn, Phật lực không thể gia trì được. Mời xem câu kinh tiếp theo:
“Ư thị Thế Tôn cáo A-nan ngôn: Thiện tai, thiện tai! Nhữ vị ai mẫn lợi lạc chư chúng sanh cố, năng vấn như thị vi diệu chi nghĩa. Nhữ kim tư vấn, thắng ư cúng dường nhất thiên hạ A-la-hán, Bích-chi Phật, bố thí lũy kiếp chư thiên nhân dân, quyên phi nhuyễn động chi loại, công đức bá thiên vạn bội. Hà dĩ cố? Đương lai chư thiên nhân dân, nhất thiết hàm linh, giai nhân nhữ vấn nhi đắc độ thoát cố”.
Đoạn kinh này có những ý nghĩa như sau:
Ý nghĩa thứ nhất: Thích-ca Mâu-ni Phật trả lời câu hỏi của tôn giả A-nan, tán thán sự thưa thỉnh của tôn giả A-nan. Phật vô cùng hoan hỉ, lành thay! lành thay! Lặp lại câu lành thay hai lần, đây là lời khen ngợi xuất phát từ sự hoan hỷ trong tâm: con hỏi hay lắm, con hỏi hay lắm!
Ý nghĩa thứ hai: Phật hoan hỷ đến tột cùng mới nói ra lời tán thán từ trong thâm tâm như vậy. Khi nhân duyên chín muồi mới có người hỏi vấn đề này. Phật đợi người hỏi vấn đề này, đã đợi vô lượng kiếp rồi, hôm nay cuối cùng cũng có người hỏi, duyên này cuối cùng cũng chín muồi, sao Phật lại không hoan hỷ? Duyên gì đã chín muồi? Cơ duyên thành Phật của chúng sanh chín muồi, cơ duyên Phật thuyết đại pháp vô thượng này đã chín muồi. Nếu như trong số đại chúng tham gia pháp hội không ai có cơ duyên thành Phật chín muồi thì Phật sẽ không nói ra. Tại sao vậy? Nói ra cũng vô dụng. Chỉ một người có cơ duyên thành Phật chín muồi, Phật cũng nhất định sẽ nói. Tại sao vậy? Trong cửa Phật không bỏ một ai, một người, Phật phải thuyết pháp cho người đó, người đó có thể nghe hiểu, có thể được độ, có thể thành Phật, những người khác chỉ là dự thính mà thôi.
Ý nghĩa thứ ba: Thế nào là chúng sanh căn cơ chín muồi? Kinh Di-đà nói rất hay: “Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh vào cõi ấy”, duyên chính là nói điều này. Trong pháp hội có người thiện căn chín muồi, có người phước đức chín muồi, có người nhân duyên chín muồi. Nhân duyên là Phật thuyết kinh, Phật muốn trao tặng nhân duyên cho người có thiện căn phước đức. Họ nghe xong có thể y giáo phụng hành. Phương pháp thực hành vô cùng đơn giản, “phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm” liền thành công, kinh Vô Lượng Thọ đã nói tám chữ. Trong Di-đà Yếu Giải, đại sư Ngẫu Ích đã nói bốn chữ: “Tín, nguyện, trì danh”. Tín nguyện là phát tâm Bồ-đề, trì danh là nhất hướng chuyên niệm. Bốn chữ này, một đời này chắc chắn vãng sanh Tịnh độ. Vãng sanh Tịnh độ tương đương với thành Phật, cho nên gọi là căn cơ thành Phật chín muồi. Căn cơ thành Phật chín muồi, Phật đương nhiên sẽ giảng bộ kinh này, giới thiệu chúng ta vãng sanh thế giới Cực Lạc. Cho nên Phật hoan hỷ tột cùng, lành thay! lành thay!
Ý nghĩa thứ tư: Điều mà A-nan thỉnh hỏi, thứ nhất là “xứng cơ”, thứ hai là “đương pháp”, thứ ba là “hợp thời”. Lời này do pháp sư Huệ Viễn thời nhà Tùy nói. A-nan thỉnh pháp đúng vào lúc này, cho nên Thích-ca Mâu-ni Phật tán thán ngài, con hỏi hay lắm. Sách Chân Giải nói, “vì câu hỏi đó hợp với tâm Phật”, câu hỏi mà hôm nay A-nan hỏi, thỏa bổn hoài của Phật, tâm của Phật hi vọng hết thảy chúng sanh mau chóng thành Phật, càng sớm thì Phật càng hoan hỷ, đây là tâm của Phật. Phật hi vọng bạn sớm ngày rời khỏi biển khổ, thế giới này là biển khổ, biển khổ vô biên. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, pháp môn nào cũng là pháp môn thành Phật, nhưng những pháp môn khác phải đoạn trừ phiền não, phải phá vô minh mới có thể thành tựu, thời gian rất dài. Pháp môn này chỉ cần đầy đủ thiện căn phước đức, thì một đời chắc chắn thành tựu.
Ý nghĩa thứ năm: Tại sao đức Phật lại hoan hỉ tán thán việc thỉnh pháp của A-nan như vậy? Là do “con vì thương xót và lợi lạc cho các chúng sanh nên hỏi ra nghĩa vi diệu như vậy”. Thế giới hiện nay hỗn loạn đến cùng cực, trái đất thay đổi đột ngột càng ngày càng nhiều, sống trong thời đại này, chúng sanh khổ không kể xiết. Làm sao lìa khổ? Làm sao được vui? Kinh Vô Lượng Thọ là phương pháp lìa khổ được vui mà Thích-ca Mâu-ni Phật dạy chúng ta, phương pháp này vô cùng hiệu quả, nếu bạn thật sự tin, thật sự nguyện vãng sanh, thì bạn nhất định được thành tựu. Đại sư Thiện Đạo tán thán pháp môn này, vạn người tu vạn người vãng sanh, không bỏ sót một ai. Nhưng mà tình trạng thực tế hiện nay là người niệm Phật rất nhiều, người vãng sanh rất ít. Nguyên nhân là gì? Không thật sự buông xuống phiền não, không thật sự phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm, hoài nghi bộ kinh này, lưu luyến thế giới này. Sai rồi! Nhất định phải buông xuống vạn duyên, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật! Thoát khỏi lục đạo luân hồi là lìa khổ, mà còn lìa nỗi khổ cứu cánh; vãng sanh thế giới Cực Lạc là được vui, mà còn được niềm vui cứu cánh. Chỉ dựa vào hai câu trên, có thể không tới thế giới Cực Lạc được sao?
“Ai mẫn” là “tâm bi trừ khổ”, “lợi lạc” là “tâm từ ban vui”, đây là tâm đại từ bi. Vãng sanh thế giới Cực Lạc là ban vui, rời khỏi lục đạo luân hồi là trừ khổ. Đây là sự nghiệp của Bồ-tát. “Phật khen A-nan: Nay con nguyện trừ khổ của hết thảy chúng sanh, ban vui cho hết thảy chúng sanh nên mới hỏi nghĩa như vậy”. Câu hỏi của A-nan hôm nay, ý nghĩa này thật quá lớn, quá sâu, cũng là một việc thiện lớn từ vô lượng kiếp đến nay, A-nan gặp được rồi, nắm bắt được cơ hội, không uổng một đời. Hôm nay A-nan hỏi một câu, hỏi ra một bộ kinh Vô Lượng Thọ có thể trừ nỗi khổ cứu cánh của chúng sanh, có thể ban niềm vui cứu cánh cho chúng sanh, công đức vô lượng. Nghĩa của bộ kinh Vô Lượng Thọ này, sự thâm sâu huyền diệu chẳng thể dùng ngôn ngữ, sự phân biệt mà biết được! Điều này không nói ra được, chỉ có chứng đắc mới biết được. Đối với điều này, chư Phật Như Lai đã rõ ràng thấu triệt, nhưng các ngài cũng không nói ra được, bạn nhất định phải tự mình chứng đắc. Làm thể nào để chứng đắc? Niệm Phật vãng sanh thế giới Cực Lạc liền chứng đắc. Vãng sanh thế giới Cực Lạc, gặp được A-di-đà Phật, thể dụng vi diệu này hoàn toàn thông đạt sáng tỏ, vì vậy gọi là vi diệu!
Ý nghĩa thứ sáu: Công đức thỉnh pháp của A-nan lớn thế nào?
Một, “hơn hẳn công đức cúng dường A-la-hán, Bích-chi Phật trong một thiên hạ trăm ngàn vạn lần”. Một thiên hạ là một trong bốn thiên hạ, bốn thiên hạ chính là bốn châu lớn ở bốn phía núi Tu-di: Nam Thiệm Bộ Châu tức là trái đất, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Uất Đan Châu. Nên biết được một thiên hạ là một châu lớn. Một thiên hạ được nói tới ở đây chính là trái đất. Trái đất là cõi phàm thánh đồng cư. Trên trái đất này, có không ít A-la-hán, Bích-chi Phật sinh sống, đa phần các ngài sống trên núi cao, hải đảo, hoặc nơi không có người. Các ngài lui tới tự do, không có chướng ngại, đầy đủ sáu loại thần thông, các ngài không cần phương tiện giao thông, các ngài có thần túc thông.
Các vị A-la-hán, Bích-chi Phật này sống trên thế gian này, nếu như không có các vị thánh hiền này sống trên thế gian này, người trên trái đất tạo tội nghiệp nặng như vậy, trái đất này sớm đã hủy diệt rồi. Chúng ta nhờ vào ánh hào quang của các vị A-la-hán, Bích-chi Phật nên trái đất này vẫn tồn tại. Cúng dường một vị A-la-hán, Bích-chi Phật, quả báo đạt được đều nói không hết. Vô lượng kiếp trước, tôn giả Ca-diếp đã từng cúng dường một vị Bích-chi Phật, được quả báo 90 ức kiếp không bị nghèo khổ, bạn cúng dường hết thảy A-la-hán, Bích-chi Phật đang sống trên trái đất, công đức này thật không thể nghĩ bàn!
Hai, hơn hẳn “công đức bố thí lũy kiếp cho chư thiên, nhân dân, các loài trùng bò, bay gấp trăm ngàn vạn lần”. Nói đơn giản một chút, câu hỏi của A-nan có công đức gấp trăm ngàn vạn lần công đức bố thí cho chúng sanh lục đạo trong lũy kiếp.
Ba, hôm nay chúng ta thọ trì bộ kinh Vô Lượng Thọ này, nhận được lợi ích, chúng ta giới thiệu bộ kinh này cho hết thảy chúng sanh hữu duyên, giúp cho càng nhiều chúng sanh cùng nhận được lợi ích của pháp. Đây cũng là công đức của A-nan! Không có A-nan thỉnh pháp, chúng ta sẽ không biết kinh Vô Lượng Thọ, không biết thế giới Tây Phương Cực Lạc, không biết A-di-đà Phật, chúng ta không thoát khỏi được lục đạo luân hồi. Chúng ta thọ trì bộ kinh này, tu học pháp môn này, lại giới thiệu cho hết thảy chúng sanh có duyên. Công đức của chúng ta lớn bằng công đức thỉnh pháp của tôn giả A-nan.
Ý nghĩa thứ bảy: tại sao tôn giả A-nan hỏi một câu lại có công đức lớn như vậy? “Vì chư thiên, nhân dân, hết thảy hàm linh trong tương lai đều nhờ câu hỏi của con mà được độ thoát”. Đây chính là câu trả lời. “Tương lai” là từ nay về sau, bắt đầu từ lúc Thích-ca Mâu-ni Phật giảng bộ kinh này, tất cả thính chúng, bao gồm cả chúng ta, đều là “chư thiên, nhân dân”. Chư thiên là cõi Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, hàm linh tức là chúng sanh. Bởi vì A-nan hỏi một câu như vậy, hỏi được pháp môn Tịnh độ. Hết thảy chúng sanh đều nhờ tín nguyện niệm Phật, mới có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc bất thoái thành Phật. Đây mới thực sự là độ thoát. Từ cõi địa ngục siêu sanh đến cõi quỷ, từ cõi quỷ siêu sanh đến cõi súc sanh, từ cõi súc sanh siêu sanh đến cõi người, từ cõi người siêu sanh đến cõi trời, như vậy cũng coi là độ thoát, nhưng không có cách nào thoát khỏi lục đạo luân hồi. Cho nên sự độ thoát đó không phải là độ thoát cứu cánh. Ngày nay chúng ta tụng kinh siêu độ, cho rằng có thể siêu độ vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, chuyện này chỉ do chúng ta đơn phương tình nguyện. Có được hay không? Không thể được! Bạn có sức mạnh bao lớn mà có thể làm được chuyện như vậy?
Chúng ta phải ghi nhớ: Một, “đương lai nhất thiết hàm linh”, bao gồm hết thảy chúng sanh hiện tại, đương nhiên bao gồm cả bạn, tôi và họ đều nương vào pháp môn Tịnh độ mà được độ thoát; hai, hết thảy đều nhờ pháp môn Tịnh độ do tôn giả A-nan thỉnh hỏi mà được độ thoát, có thể thấy được trong vô lượng pháp môn, pháp môn mà chúng ta có thể nương theo để độ thoát sanh tử, thẳng bước lên bờ Niết-bàn bên kia, chỉ có pháp môn niệm Phật Tịnh độ.
Mời xem đoạn kinh tiếp theo: “A-nan! Như Lai dĩ vô tận đại bi, căng ai tam giới, sở dĩ xuất hưng ư thế, quang xiển đạo giáo, dục chửng quần manh, huệ dĩ chân thật chi lợi”.
Đoạn kinh này có ba nghĩa như sau:
Một, nguyên nhân chư Phật Như Lai xuất hiện trên thế gian là gì? “Như Lai dùng tâm đại bi vô tận, xót thương tam giới, nên xuất hiện trên thế gian”. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: Chư Phật lấy tâm đại bi làm bản thể, phải dùng nước đại bi làm lợi ích cho chúng sanh, mới có thể đơm bông kết trái trí huệ của chư Phật Bồ-tát. “Vô tận” chính là “không cùng tận” trong Phẩm Hạnh Nguyện. Tâm đại bi vô tận là đức đầu tiên của tự tánh. Đức đầu tiên của tự tánh là bi, đức thứ hai là từ. Bi là trừ khổ, từ là ban vui. Tâm từ bi chính là tâm yêu thương của thần thánh mà trong các tôn giáo nói. Chúa yêu thương người đời, Thượng Đế yêu thương người đời, thánh Allah yêu thương người đời. Tình yêu thương đó, Đức Phật giảng rất tường tận, trong tình yêu thương này có từ có bi. Không nỡ nhìn chúng sanh chịu khổ nạn, là tâm bi; mong chúng sanh có thể lìa khổ được vui, là tâm từ. Nhà Phật nói từ bi, không nói yêu thương, sợ người nghe hiểu lầm. Bởi vì trong yêu thương luôn có tình chấp trong đó, vậy thì không tốt. Tâm từ bi dựa trên trí huệ, không dựa trên tình thức, ý nghĩa sâu rộng hơn so với yêu thương. Chư Phật Bồ-tát dùng tâm từ bi vô tận “căng ai tam giới”, “căng ai” là thương xót, thương xót hết thảy chúng sanh trong tam giới. “Sở dĩ xuất hưng ư thế” nghĩa là xuất hiện trên thế gian này. Kinh Pháp Hoa nói: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trên thế gian”, đại sự nhân duyên đó là khai thị ngộ nhập tri kiến Phật. Pháp môn Tịnh độ chính là tri kiến của Phật.
Hai, Phật xuất hiện trên thế gian là vì “quang xiển đạo giáo, dục chửng quần manh”. Quang là rộng lớn, xiển là khai diễn, chửng là cứu độ. Quần manh, manh là mới nảy sanh, quần manh chính là chúng sanh. Chữ “dục” này có nghĩa là bằng lòng, muốn, có nghĩa là nguyện vọng, cũng có nghĩa là bổn hoài. Bổn hoài của Phật, cũng tức là nguyện vọng trong lòng là giúp đỡ chúng sanh lìa khổ cứu cánh, được vui cứu cánh. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều từ bổn hoài này mà lưu xuất ra. Nhưng trong những pháp môn này, có một pháp môn đặc biệt, chính là “tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh độ”, pháp môn này là pháp môn đặc biệt. Trên đến Đẳng Giác Bồ-tát, dưới tận chúng sanh trong địa ngục, chỉ cần bạn tín nguyện trì danh thì không ai không thành tựu, pháp môn này quá đặc thù, quá vi diệu, vi diệu đến tột cùng, thâm sâu. Người như thế nào mới hiểu rõ ràng, hiểu thấu suốt? Trong kinh điển Thế Tôn nói: “Chỉ có Phật với Phật mới có thể hiểu được cứu cánh”.
Muốn hiểu rõ ràng, tường tận lý luận của Tịnh tông thì phải thế nào? Phải thành Phật. Thành Phật thì biết rõ, Đẳng Giác Bồ-tát vẫn chưa được, đối với chuyện này Đẳng Giác Bồ-tát giống như cách lụa soi gương. Muốn giảng rõ ràng tường tận lý luận này, chân tướng sự thật này, Phật chỉ có thể nói với Phật thì được; Phật giảng cho Bồ-tát thì không giảng rõ được; Phật giảng cho A-la-hán càng không giảng rõ được; vậy thì càng không cần nói tới hết thảy chúng sanh. Làm sao đây? Chỉ còn cách giảng rõ ràng khổ vui cho bạn biết, thế giới này có những nỗi khổ nào, thế giới Cực Lạc có những niềm vui nào, đây là những điều đơn giản dễ hiểu, chỉ giảng những điều này, bạn có thể nghe hiểu được, đích thân cảm nhận, sanh lão bệnh tử không ai tránh khỏi. Người trên 60 tuổi có già khổ, bệnh khổ, dần dần sẽ nghĩ tới chết khổ, đối mặt với cái chết. Mấy ngày hôm trước chúng tôi đưa tiễn Đổng lão Bồ-tát vãng sanh, không phải ông đang biểu diễn già khổ, bệnh khổ, chết khổ cho chúng ta xem sao? Ông ấy thật từ bi, dùng thân của chính mình biểu diễn cho chúng ta xem, chúng ta đã xem hiểu chưa? Phải nhìn thấu thế giới này, thế giới này là giả, không phải là thật. Chỉ có kinh Phật mới có thể giảng rõ ràng, giảng tường tận về thế giới này.
Nhà cơ học lượng tử hiện nay, có một số người nói tới vấn đề trong kinh Phật. Ví dụ như, vật chất rốt cuộc là gì? Tinh thần rốt cuộc là gì? Truy tìm nguồn gốc, bí ẩn về vật chất đã được tiết lộ. Tinh thần là ý niệm, ý niệm là gì? Hiện nay vẫn chưa biết. Vật chất thì biết rồi, vật chất là giả, nghiên cứu tới sau cùng mới biết vật chất là không. Từ đâu mà có? Sanh ra từ ý niệm. Hiện tượng vật chất sanh ra từ ý niệm, giống như trong kinh Phật nói. Sắc do tâm sanh, tướng do tâm sanh, hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh. Bạn xem, Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói ra lời này từ ba ngàn năm trước. Hai mươi, ba mươi năm gần đây, các nhà cơ học lượng tử mới phát hiện ra, giống hệt như lời Phật nói cách đây ba ngàn năm, họ không thể không khâm phục đức Phật.
Kinh Pháp Hoa nói: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trên thế gian”, đại sự nhân duyên này là gì? “Những việc Thế Tôn làm chính là đại sự nhân duyên, tức là tuyên thuyết biển nguyện của Phật Di-đà, rộng độ chúng sanh”. Câu này do lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói ra, nói quá hay, thực sự là vì điều này. Hôm nay chúng ta có thể quả quyết nói rằng, tất cả pháp môn đều độ không nổi chúng sanh, chỉ có pháp môn này mới có thể độ chúng sanh thành Phật đạo. Nếu bạn không tin pháp môn này thì không còn đường nào để đi. Lời nói này của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là thật, không hề giả dối, không hề nói quá, mà là chân tướng sự thật.
Ba, “huệ dĩ chân thật chi lợi”. Có vài cách giải thích về “chân thật chi lợi” như sau để các đồng tu học tập tham khảo.
Cách giải thích thứ nhất: “Như Lai sở dĩ xuất hiện trên thế gian chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật Di-đà”. Hai câu này là do đại sư Thiện Đạo tổ sư đời thứ hai của Tịnh độ tông nói ra. Ngài nói với chúng ta, chư Phật trong mười phương thế giới xuất hiện trên thế gian này là vì điều gì? Chính là vì muốn giới thiệu biển bổn nguyện của A-di-đà Phật, cũng tức là giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc, giới thiệu A-di-đà Phật cho chúng sanh. Đây là lợi ích chân thật, chân thật trong chân thật, không còn lợi ích nào chân thật hơn nữa. Sách Chân Giải tán thán rằng: “Chỉ riêng Kim Gia giải thích tuyệt diệu về điều này, những vị khác chưa từng nói đến”. Người Nhật Bản gọi đại sư Thiện Đạo là “Kim Gia”. Đại sư Thiện Đạo giải thích quá hay về nghĩa của hai câu này rồi, trước đại sư Thiện Đạo thì chưa từng nghe ai nói đến. Hôm nay chúng ta gặp được rồi, sanh vào thời đại này, tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn nào cũng là đạo khó thực hành, không dễ gì thành tựu, chỉ có pháp môn này là đạo dễ thực hành. Tại sao đạo dễ thực hành lại khó như vậy? Vì khó tin, không phải điều gì khác. Khó tin này cũng là mười phương chư Phật đều nói pháp môn này khó tin, pháp môn này rất dễ thành tựu. “Thuận theo cách giải thích của Tổ sư”, chúng ta thuận theo cách giải thích của đại sư Thiện Đạo, “lấy bổn nguyện Di-đà làm lợi ích chân thật, thì có thể dùng tám vạn bốn ngàn pháp môn để rộng tuyên kinh pháp của Như Lai, nghĩa này đã sáng tỏ”. Tám vạn bốn ngàn pháp môn đến sau cùng thì thế nào? Sau cùng đều quy về Tịnh độ. Không có pháp môn nào không quy về Tịnh độ. Người tu tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu thành tựu rồi, tu vô lượng kiếp, vãng sanh tới nơi nào? Vãng sanh tới thế giới Hoa Tạng. Sau khi tới thế giới Hoa Tạng thì sẽ gặp được Văn-thù Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát. Phổ Hiền Bồ-tát dùng mười đại nguyện vương dẫn dắt về Cực Lạc, tới thế giới Cực Lạc mới gọi là chứng đắc cứu cánh viên mãn. Bạn xem, đi một đường vòng rất lớn, vẫn phải quay về thế giới Cực Lạc. Cho nên người thật sự tin tưởng, có đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên, người này đáng được tôn kính. “Lợi ích chân thật, theo ý của đại sư Thiện Đạo, chỉ thệ nguyện Di-đà là lợi ích chân thật”. Thệ nguyện Di-đà chính là bốn mươi tám nguyện, bốn mươi tám nguyện dung hợp với nhau, nguyện nào cũng là vì chúng sanh.
Cách giải thích thứ hai: “Lợi ích chân thật là chỉ danh hiệu này, tức là Phật trí”. Lợi ích chân thật là lợi ích lớn của danh hiệu. Sự viên mãn triệt để của lợi ích lớn chính là diệu quả Niết-bàn vô thượng. Bởi vì lợi ích cứu cánh của một câu danh hiệu này chính là diệu quả Niết-bàn vô thượng. Đại sư Ngẫu Ích nói, câu Nam-mô A-di-đà Phật này là pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề mà Thích-ca Mâu-ni Phật chứng đắc trong ngũ trược ác thế. Phật truyền trao cho chúng sanh toàn bộ pháp chân thật mà chính mình chứng đắc, chỉ vì muốn chúng sanh đạt được lợi ích chân thật, bởi vì chỉ có pháp này mới là chân thật nhất. Sách Chân Giải nói: “Nay bàn về lợi ích”, chúng ta lấy gì làm tiêu chuẩn? Lấy lợi ích làm tiêu chuẩn, pháp môn nào mang lại lợi ích nhất cho chúng ta thì đó là thật; pháp môn có tốt hơn, nhưng ta không làm được, ta không đạt được lợi ích, vậy thì đối với ta là giả. “Pháp kia giả, pháp này thật”, pháp kia giả là chỉ Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, tại sao vậy? Vì chúng ta không đạt được lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật của kinh Vô Lượng Thọ thì chúng ta có thể đạt được ngay lập tức, đây là thật. Pháp Hoa, Hoa Nghiêm nói rất hay nhưng ta không làm được, một đời này ta tu theo nhưng không thể thành tựu, ta nhất định phải từ bỏ thôi.
Cách giải thích thứ ba: Niệm Phật vãng sanh. Pháp Hoa, Hoa Nghiêm “mặc dù nói có con đường nhanh chóng thành Phật, nhưng chẳng thấy có người tu trì theo pháp mà thành Phật trong thời đại này”. Sau cùng, Hoa Nghiêm giúp chúng sanh một đời thành tựu, vẫn là nguyện thứ mười tám của kinh Vô Lượng Thọ. Nếu như không tu theo pháp môn này, chưa từng nghe nói có người nào thành Phật trong thời đại này. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói, “nếu nói về thể của pháp”, các kinh đều nói từ thể, đó đều là chân thật, không giả dối. Hiện nay chúng ta không nói từ thể của pháp, chúng ta nói từ việc có thể đạt được lợi ích, vậy thì tất cả kinh khác đều là giả, chỉ có bộ kinh này, chỉ có nguyện thứ mười tám nguyện là chân thật.
Chúng ta phải ghi nhớ:
* Thứ nhất: “Vãng sanh nhất định chứng Bồ-đề”, tức là nhất định thành Phật.
* Thứ hai: “Khi pháp diệt rồi chỉ còn kinh này độ chúng sanh”. Tương lai Phật pháp sẽ diệt, toàn bộ Phật pháp đều bị diệt, kinh Vô Lượng Thọ vẫn trụ thế, pháp của Thích-ca Mâu-ni Phật vào chín ngàn năm sau, trên thế giới chỉ còn lại kinh Vô Lượng Thọ, không còn kinh điển nào khác.
* Thứ ba: “Phàm thánh niệm Phật đều bình đẳng”. Sách Sớ Sao nói rất hay: “Ngang bằng với chư thánh nhờ một câu”, “nên nói lợi ích chân thật không lợi ích nào hơn được pháp này”. Chúng ta nhất định phải chú ý, nhớ kĩ pháp môn niệm Phật thật sự không thể nghĩ bàn này. Chỉ dựa vào câu Phật hiệu này thì đạt được lợi ích chân thật, chỉ dựa vào câu Phật hiệu này thì có thể vãng sanh. A-di-đà Phật từ bi đến tột cùng!
Pháp môn Tịnh độ là từ chân như bản tánh mà khai hóa hiển thị, chân như bản tánh là chỗ cứu cánh của pháp thân vô vi, thật tướng các pháp. Sách Di-đà Yếu Giải nói: Tịnh tông “năng thuyết sở thuyết, năng độ sở độ, năng tín sở tín, năng nguyện sở nguyện, năng trì sở trì, năng sanh sở sanh, năng tán sở tán, không điều gì chẳng do thật tướng chánh ấn in vào”. Vì vậy, Pháp môn Tịnh độ, bạn có thể nói pháp này và nội dung trong đó, bạn ở đây độ hóa mọi người và những người bạn độ, bạn có thể tin và nội dung bạn tin, năng nguyện sở nguyện, năng trì sở trì, năng sanh sở sanh, năng tán sở tán đều là thật tướng chánh ấn sở ấn. Có thể thấy vào pháp môn này thì mỗi việc đều là vào thật tướng, vì vậy trong những lợi ích chân thật được ban phát thì không gì hơn được pháp này. Tổng kết lại: lợi ích chân thật chính là biển bổn nguyện Di-đà, danh hiệu Di-đà, niệm Phật vãng sanh.
Chư Phật Phật Phật niệm nhau,
Không Phật nào không niệm nhau.
Chư Phật hào quang soi chiếu nhau,
Không Phật nào không soi chiếu nhau.
Chư Phật tâm tâm ấn chứng nhau,
Không Phật nào không ấn chứng nhau.
Chư Phật Phật Phật đạo đồng,
Không Phật nào không đạo đồng.
Chư Phật Phật Phật tán thán lẫn nhau,
Không Phật nào không tán thán nhau.
Một vị Phật thuyết diệu pháp,
Chư Phật đều cùng gia trì.
Một vị Phật xuất thế, ngàn vị Phật ủng hộ.
Thích-ca Như Lai, Di-đà Như Lai.
Hào quang soi chiếu lẫn nhau,
Tâm tâm ấn chứng cho nhau.
Cùng tuyên diệu pháp độ chúng sanh,
Bậc thầy mô phạm trời người kính.
Tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!