Kinh Vô Lượng Thọ (Phúc Giảng Lần Thứ 2) – tập 2

 

KINH VÔ LƯỢNG THỌ

(PHÚC GIẢNG LẦN 2)

Tập 2

Chủ giảng: Cư sĩ Lưu Tố Vân

Thời gian: 21/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

 

         Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người. A-di-đà Phật!

         Từ hôm nay trở đi, chúng tôi chính thức bắt đầu phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai. Tôi vô cùng vui mừng muốn nói cho mọi người biết, lúc tôi viết bản thảo bài giảng tập 1, lại một lần nữa cảm nhận được sự gia trì từ oai thần của chư Phật Như Lai, cảm nhận được sự thân thiết chân thực này khiến tôi vui mừng phấn khởi, tín tâm tăng gấp bội. Tôi tin chắc có sự từ bi gia trì của mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai, có sự từ bi che chở của thiên long hộ pháp và chư thiện thần hộ pháp, có sự hộ trì mạnh mẽ của đoàn thể hộ pháp nhìn thấy được và không nhìn thấy được ở đạo tràng, có sự ủng hộ và khích lệ của đông đảo đồng tu, lần thứ hai phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ nhất định sẽ thành công viên mãn. Đem công đức giảng kinh này hồi hướng cho sư phụ, cầu nguyện sư phụ trụ thế độ chúng sanh, đây là động lực lớn nhất giúp tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai. Hôm nay bắt đầu giảng đề kinh.

         Lần đầu tiên phúc giảng vào năm 2018 tôi đã giảng qua đề kinh này, lần này tôi vẫn phải giảng, tại sao vậy? Không chỉ kinh văn có vô lượng ý nghĩa, mà đề kinh cũng có vô lượng ý nghĩa. Vô lượng ý nghĩa này có giảng vô lượng kiếp cũng giảng không hết. Lần này chúng ta từ một góc độ khác, từ một cấp bậc khác giải thích đề kinh này, mục đích là giúp cho quý vị đồng tu có sự lý giải và nhận thức càng phong phú, càng sâu sắc hơn đối với đề kinh này. Đối với kinh văn, có giảng sâu, có giảng cạn; đối với đề kinh cũng như vậy, có giảng sâu, có giảng cạn. Như vậy thì chúng sanh căn tánh khác nhau, cấp bậc khác nhau đều có được thu hoạch, có được lợi ích trong đó, chứ không ra về tay trắng. 

 

         “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”

         Đề kinh này “độc cụ đặc sắc”. Độc cụ chính là độc nhất vô nhị, đặc sắc chính là khác biệt với các bộ kinh khác.

         Điểm đặc sắc thứ nhất: đề kinh của bản kinh này là do hội tập mà thành. Kinh văn trong bộ kinh này là hội tập, đề kinh cũng là hội tập, là bản hội tập danh xứng với thực.

         Điểm đặc sắc thứ hai: trình độ hội tập đề kinh này khiến người tán thán chẳng ngớt. Hội tập vô cùng tự nhiên, không chê vào đâu được, thật đúng là bút tích như thần.

         Kinh Vô Lượng Thọ tổng cộng có mười hai bản dịch. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư không lấy đề kinh của bản dịch thời Tống là “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh” mà lấy một đề kinh khác là “Phật Thuyết Đại Thừa vô lượng thọ trang nghiêm”, sau đó lại lấy đề kinh của bản dịch thời Hán là “Thanh tịnh bình đẳng giác kinh”. Kết hợp lại thành “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”, đề mục này đặt hay biết bao! Mười hai bản dịch, bản dịch thời Hán là bản dịch sớm nhất, bản dịch thời Tống là bản sau cùng, hội tập đề kinh của hai bản dịch này thành một, ý nghĩa đề kinh của mười hai bản dịch đều viên mãn hàm nhiếp ở trong đó. Thật sự là quá vi diệu, quá tuyệt vời. Nếu như không phải là người tái lai thì ai có thể hội tập đề kinh cực kì hay như vậy! 

         Điểm đặc sắc thứ ba: y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc đã hiển lộ rất rõ ràng ở trong đề kinh. Điều này thật đáng quý! Nội đề kinh thôi cũng đã thu hút người khác, nơi tốt như vậy ai mà không muốn đi! Đề kinh này chẳng khác nào là thể lệ chiêu sinh của thế giới Tây Phương Cực Lạc.

         Điểm đặc sắc thứ tư: những gì chúng ta học, chúng ta tu, chúng ta hy vọng chứng đắc, toàn bộ đều nằm trong đề kinh này. Khiến chúng ta vừa đọc đề kinh này sẽ thấy một cảm giác rất thân thiết. Đặc biệt là đối với những đồng tu tu học pháp môn Tịnh độ niệm Phật mà nói, quý vị có cảm giác đang trở về nhà không? Tôi sẽ giải thích cụ thể một chút đề kinh này. Có thể chia làm tám đoạn để giải thích:

         Thứ nhất là “Phật”.

         Chữ đầu tiên trong đề kinh là “Phật”. “Phật” là dịch âm từ tiếng Phạn của Ấn Độ, là tên gọi tắt của Phật-đà trong tiếng Phạn. Trong chữ Hán của Trung Quốc vốn không có chữ Phật này, sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, phiên dịch kinh Phật, lúc đó văn tự của Trung Quốc không đủ dùng, có rất nhiều ý nghĩa mà trong từ vựng của chúng ta không có, vì thế đã tạo ra không ít chữ mới để phù hợp với nhu cầu phiên dịch kinh điển. Chữ Phật chính là từ mới tạo ra. Chữ Phật không có bộ nhân bên cạnh là chữ thời xưa, trước đó đã có rồi, âm đọc khá giống. Người Ấn Độ gọi Phật là bậc đại giác, cho nên mới mượn chữ Phất này, thêm một chữ nhân bên cạnh thì trở thành chữ “Phật”, trở thành danh từ chuyên dùng cho Phật giáo. “Phật là bậc giác ngộ”, giác là đối với mê mà nói, mê tức là chúng sanh. Ba giác viên mãn thì gọi là Phật-đà. Phật có nghĩa là “trí”, cũng có ý nghĩa là “giác”, trí là thể, giác là dụng. Không có trí tuệ thì không giác, không có trí tuệ thì mê hoặc điên đảo. Thể và dụng không hai, dụng đương nhiên bao hàm thể. Ý nghĩa của Phật chính là bậc giác ngộ, là bậc giác ngộ cứu cánh viên mãn thấu triệt vũ trụ nhân sinh. Đối với bổn thể, hiện tượng, tác dụng, quá khứ, hiện tại, vị lai của nhân sinh không gì không giác, chẳng chút mê hoặc. Người như vậy, mọi người tôn xưng ngài là Phật. Hay nói cách khác, Phật là chúng sanh có đầy đủ viên mãn ba loại giác, chúng sanh là Phật chưa giác. 

         “Giác” có ba loại: thứ nhất là “tự giác”, thứ hai là “giác tha”, thứ ba là “giác mãn”. “Tự giác” là nói phàm phu chưa giác ngộ như chúng ta. Phàm phu mê hoặc điên đảo là chưa giác. Phàm phu trong lục đạo, không chỉ là cõi người, mà bao gồm chư thiên. Kinh Phật nói có 28 tầng trời, chia làm Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới. Thiên nhân trong 28 tầng trời này đều mê mà chưa giác. Quý vị đồng tu, quý vị nhất định không nên cho rằng “tôi giác, tôi không mê”, quý vị làm sao lại không mê? Chỉ dựa vào câu nói này của quý vị cũng đủ thấy quý vị vô cùng mê rồi. Thiên nhân còn mê hoặc điên đảo, những cõi dưới cõi trời thì càng không cần nói tới, càng mê sâu hơn!

         Người như thế nào mới không mê? Phật nói, chứng quả A-la-hán mới được xem là không mê, là tứ quả La-hán của Tiểu thừa. Trong Đại thừa thường nói rằng, thực sự không mê là từ Sơ trụ trở lên. Bồ-tát Sơ trụ phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, thật sự không mê, thật sự giác rồi. Hôm nay chúng ta đặt tiêu chuẩn thấp nhất, đó là Tiểu thừa tứ quả La-hán, đoạn hết kiến tư phiền não mới được xem là tự giác, giác ngộ, không còn mê hoặc. Trong kinh đức Phật nói với chúng ta, nhất định phải chứng đắc tứ quả La-hán mới có thể tin vào tư tưởng, kiến giải của chính mình không có sai lầm. Hay nói cách khác, [người chứng] tam quả không dám nói rằng cách nhìn, cách nói của tôi không sai. Chứng đắc tứ quả La-hán mới có thể nói tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ, hành vi của chính mình không có sai lầm. Có thể thấy tiêu chuẩn này thực sự cao, nếu như chúng ta biết chính mình mê hoặc điên đảo, biết chính mình không giác thì có sự trợ giúp rất lớn đối với tu học. Biết sai là cái gốc để sửa sai, chính mình biết khiêm tốn, biết chính mình chưa được cho nên phải nghiêm túc nỗ lực tu học. Người trên thế gian tại sao lại xem thường Phật pháp? Tại sao lại không muốn học Phật? Chính bởi vì họ cho rằng bản thân rất giỏi rồi, sự thông minh tài trí của họ đã vượt xa mọi người, thậm chí cho rằng trí tuệ năng lực của họ vượt hơn chư Phật Bồ-tát. Tư tưởng kiến giải như vậy thì họ làm sao có thể tiếp nhận thánh giáo của chư Phật Bồ-tát! Đây là sự khác biệt của giác và không giác.

         Kinh Viên Giác nói rằng, hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật, nhưng vì mê mất chính mình mà trở thành phàm phu. Phật thuyết pháp 49 năm, không ngoài dạy chúng ta khôi phục bổn lai diện mục, phá bỏ mê hoặc của chính mình mà thôi. “Viên mãn Bồ-đề rồi, rốt cuộc không có gì đạt được”.

         Thứ hai là “giác tha”. Giác tha để phân biệt với người tự giác. Thánh giả Tiểu thừa là Tự giác, không chịu giác tha, chỉ lo hoàn thiện bản thân, không quan tâm người khác, tâm lượng nhỏ, tâm từ bi nhỏ, nếu như quý vị có duyên tìm họ, họ cũng chịu dạy quý vị; nếu vô duyên thì họ sẽ không giúp đỡ. Bồ-tát Đại thừa tự giác giác tha, làm người bạn không mời, tâm lượng lớn, chủ động hoằng pháp, không sợ cực khổ. Chính mình giác ngộ, chính mình đạt được lợi ích thật sự của Phật pháp, còn phải giúp đỡ người khác, hi vọng ai cũng có thể đạt được, đây là Bồ-tát Đại thừa. Không giống như Bồ-tát Tiểu thừa, có thể chủ động đi giúp người khác, tuyệt đối không tự tư tự lợi. Bồ-tát Đại thừa giác hạnh còn chưa viên mãn, sau khi viên mãn thì liền thành Phật. 

         Thứ ba là “giác mãn”. Bồ-tát mặc dù tự giác giác tha, nhưng chưa viên mãn, không chỉ giác tha chưa viên mãn mà tự giác cũng chưa viên mãn. Người Tiểu thừa tự giác, chỉ là đoạn trừ kiến tư phiền não; vẫn chưa phá trần sa, vô minh. Bồ-tát mặc dù có thể phá trần sa, có thể đoạn trừ vô minh, nhưng vô minh không thể đoạn trừ tận gốc cho nên chưa viên mãn. Vô minh tổng cộng có 41 phẩm, phá một phẩm chính là Pháp thân Đại sĩ. Cho nên nghiêm túc mà nói, trong pháp Đại thừa, Bồ-tát có 41 giai vị. 41 phẩm vô minh phá được hết thì giác hạnh viên mãn. Giác mãn chính là chứng Phật quả rốt ráo. Cho nên chữ Giác có ba ý nghĩa, chính là ba quả vị tu học trong Phật pháp, ba loại thành tựu. Ví dụ như trường đại học hiện nay có ba học vị, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Tự giác chứng quả vị A-la-hán, cũng giống như cử nhân; giác tha chứng quả vị Bồ-tát, giống như thạc sĩ; giác mãn là đã viên mãn, chứng được quả vị Phật, cũng giống như tiến sĩ, không còn quả vị nào cao hơn nữa, đây là quả vị cao nhất trong nhà Phật. Chữ Phật trong đề kinh chính là Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật. Ngài đã chứng được quả vị cứu cánh, đó là tự giác, giác tha viên mãn, chúng ta tôn xưng ngài là Phật. Thích-ca Mâu-ni Phật là danh hiệu của ngài. Chư Phật Bồ-tát vốn không có danh hiệu. “Tên có thể gọi được không phải là tên thường hằng; Đạo có thể nói được không phải đạo thường hằng”, Bồ-tát làm gì có danh hiệu? Kiến lập danh hiệu của chư Phật Bồ-tát không giống với người thế gian chúng ta đặt tên. Người thế gian đặt tên đều là kì vọng chính mình, hi vọng tương lai danh xứng với thực. Danh hiệu của chư Phật Bồ-tát là đại biểu cho tôn chỉ giáo hóa của các ngài. Cũng giống như dạy học ở trường, bạn dạy ngữ văn, mọi người gọi bạn là giáo viên dạy văn; bạn dạy toán học, mọi người gọi bạn là giáo viên dạy toán. Thêm danh hiệu liền biết bạn dạy môn nào. Đức Phật là hiệu trưởng, Bồ-tát là giáo viên, hiệu trưởng phải đại biểu cho toàn bộ tôn chỉ giáo dục. Thời đại của Thích-ca Mâu-ni Phật cũng là thời đại mà ngài giáo hóa, cũng chính là giai đoạn trước mắt. Chúng sanh hiện nay không có tâm yêu thương, không có tâm đồng cảm, tự tư tự lợi. Cho nên tôn chỉ giáo dục của đức Phật phải dùng chữ “Thích-ca”. Thích-ca là tiếng Phạn, có nghĩa là nhân từ.

         Phật giáo chính là dạy con người coi trọng nhân từ, năng nhân, đối đãi chúng sanh phải nhân từ. Đối với chúng ta mà nói, thói quen xấu lớn nhất chính là tán loạn, từ sáng đến tối nghĩ ngợi lung tung. Đây là nguồn gốc căn bệnh lấy mạng chúng ta! Tôn chỉ giáo dục của đức Phật, đối với chính mình phải “Mâu-ni”. Hai chữ “Mâu-ni” này, dùng lời hiện nay mà nói tức là tâm địa thanh tịnh, dịch thành “tịch tĩnh”. Thích-ca Mâu-ni chính là “nhân từ thanh tịnh”. Có thể thấy tôn chỉ giáo dục của đức Phật hoàn toàn được tỏ rõ ở trong danh hiệu.

         Ý nghĩa của Thích-ca Mâu-ni chúng ta hiểu rồi, phía trước tại sao lại phải thêm vào hai chữ “Bổn sư”? Bởi vì giáo dục Phật giáo trong giai đoạn này là do ngài lập ra, ngài là người thầy hướng dẫn sớm nhất của chúng ta, cho nên chúng ta cũng gọi ngài là “vị thầy căn bản”. Từ trên xưng hô này chúng ta hiểu được, Phật giáo là giáo dục mà Thích-ca Mâu-ni Phật dùng để dạy hết thảy chúng sanh, Phật giáo không phải là tôn giáo. Kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh mà mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai tận thuyết, phải chú ý! Cái gì gọi là tận thuyết? Tức là không có một vị Phật nào mà không tuyên thuyết. Do đó mà chữ Phật trong đề kinh cũng biểu thị mười phương ba đời hết thảy chư Phật [thuyết], chứ không phải chỉ một mình Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết. Chữ Phật này hàm nghĩa sâu rộng vô tận. Chúng ta tạm nói tới đây thôi.

         Thứ hai là chữ “Thuyết”. 

         “Duyệt là vui mừng được như lòng mong mỏi. Phật lấy việc độ sanh làm nguyện, nay chúng sanh cơ duyên chín muồi, có thể tiếp nhận đại pháp Tịnh độ, rốt ráo giải thoát, nên đã thỏa mãn tâm nguyện của ngài”.

         Giải thích cho đoạn này như sau: chữ “thuyết” và chữ “duyệt” trong từ “hỷ duyệt”, vào thời xưa là cùng một chữ, hiện nay gọi là chữ đa âm. “Thuyết” nghĩa là hỷ duyệt. Nếu như ngài không hoan hỷ thì sẽ không nói. Bởi vì ngài hoan hỷ cho nên mới nói với chúng ta, hơn nữa còn nói một cách chi tiết rõ ràng. Không phải có câu nói như thế này hay sao? “Nói chuyện không hợp nửa câu cũng là nhiều”, nhất định là khi vô cùng hoan hỷ mới nói nhiều như vậy. Thuyết pháp có nghĩa là “duyệt sở hoài”. Hoài là nguyện vọng trong lòng. Nguyện vọng sắp được thực hiện, cuối cùng cũng đợi được đến ngày này, làm sao mà không hoan hỷ cho được! Nguyện vọng của Phật là độ hóa chúng sanh, dạy dỗ chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Giáo hóa chúng sanh là nguyện vọng duy nhất của đức Phật, chú ý hai chữ duy nhất này. Thầy muốn dạy nhưng chúng sanh không chịu học, vậy thì hết cách. Đức Phật muốn dạy chúng sanh, ngài có tâm tốt này nhưng chúng sanh không chịu tiếp nhận, cũng là uổng công. Học sinh nhất định phải hoan hỷ tiếp nhận thì thầy cô mới hoan hỷ dạy học, đây gọi là “thầy trò đạo hợp”. Đây là chuyện vui nhất trên đời. Niềm vui này không phải người thông thường có thể hiểu được. Người xưa có câu: “Gặp và được dạy anh tài trong thiên hạ là niềm vui”. Hiện nay đức Phật nhìn thấy cơ duyên của chúng sanh đã chín muồi, hoan hỷ tiếp nhận, đặc biệt là có thể tiếp nhận giáo học Tịnh độ, đức Phật thật sự là hoan hỷ không gì bằng. 

         Trong kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy được, trong cuộc đời của đức Phật, ngài giảng bộ kinh này cảm thấy vui vẻ hơn so với giảng bất kì bộ kinh gì khác, thực sự là niềm vui thù thắng không gì sánh được. Tại sao vậy? Bởi vì bộ kinh này là “hết thảy chúng sanh ngay đời này thành tựu cứu cánh giải thoát”. Câu nói này quá quan trọng, chúng ta chia làm ba đoạn để giảng, hết thảy chúng sanh là phạm vi; đời này thành tựu là thời gian; cứu cánh giải thoát là Phật quả viên mãn. Không so sánh thì không biết, vừa so sánh mới biết được bộ kinh này thật tuyệt diệu, đúng là tuyệt không thể tả! Những kinh điển khác, giải thoát không rốt ráo. Đừng nói đâu xa, kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa là nhất thừa cứu cánh giải thoát, nhưng mà phải có điều kiện, bạn phải là bậc thượng thượng căn mới được, người có căn tánh thông thường không thể tu học.

         Bậc thượng thượng căn tu học có thể đạt được quả vị pháp thân Bồ-tát, [nhưng] không thể thành Phật. Nếu như niệm Phật vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, không bao lâu sau liền có thể viên mãn thành Phật. Cho nên pháp môn niệm Phật mới thực sự giải thoát. Kinh Hoa Nghiêm nếu như không có thập đại nguyện vương ở sau cùng dẫn về Cực Lạc thì Hoa Nghiêm sẽ không cứu cánh. Cho nên, trong hết thảy kinh điển bộ kinh này thù thắng không gì bằng. Hiện nay, đức Phật thấy cơ duyên của chúng sanh đã chín muồi, có thể tiếp nhận pháp môn này, đức Phật vui mừng biết bao! Vô lượng kiếp tới nay, ngài chỉ đợi ngày này, cuối cùng cũng đợi được, ngài vui vẻ biết bao! “Vì thế, nay mới vui vẻ nói ra, thỏa mãn tâm nguyện của mình”, bổn nguyện của ngài đã đạt được.

         Đại sư Ngẫu Ích có chú giải chữ “thuyết” này trong “Yếu Giải”. “Yếu Giải” là chú giải của kinh A-di-đà. Kinh A-di-đà và kinh Vô Lượng Thọ là cùng một bộ kinh, do đó chú giải kinh A-di-đà hoàn toàn có thể dùng cho kinh Vô Lượng Thọ. Ngài giải thích chữ thuyết trong đề kinh “Phật Thuyết A-di-đà Kinh” như thế này, “Phật lấy việc độ sanh làm nguyện vọng, cơ duyên chúng sanh thành Phật đã chín muồi”, so sánh với câu “ngày nay cơ duyên của chúng sanh đã chín muồi” vừa nói phía trước, thì giữa “chúng sanh” và “cơ duyên chín muồi” ngài thêm hai chữ “thành Phật”, thể hiện cơ duyên thành Phật của chúng sanh đã chín muồi. “Vì thuyết pháp môn khó tin, khiến được cứu cánh giải thoát, nên hoan hỷ vậy”. Chân thật cứu cánh viên mãn như đại sư Ngẫu Ích đã nói, trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ nói càng triệt để rõ ràng. Pháp môn niệm Phật là nói cho người cơ duyên thành Phật đã chín muồi, đương nhiên người có thể tin tưởng pháp môn niệm Phật này rất ít, là “pháp khó tin” mà, chúng sanh cơ duyên thành Phật chưa chín muồi sẽ không tin pháp môn này, chuyện này không có gì làm lạ. Thử nhìn những người xung quanh chúng ta, có giống dáng vẻ sắp thành Phật hay không? Không giống, tự nhiên họ sẽ không phải là người có cơ duyên với pháp môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật là nói cho người có cơ duyên thành Phật chín muồi. Chúng ta hỏi lại chính mình, có phải là sắp thành Phật hay không? Quý vị đồng tu, có vị nào giống dáng vẻ sắp thành Phật không? Cho nên đây là pháp môn khó tin, thật sự khó tin! Pháp môn niệm Phật, người tin tưởng ít cũng là chuyện đương nhiên. Người một đời này có thể thành Phật đích thực không nhiều, nhưng mà người có duyên với pháp môn niệm Phật rất nhiều, kết pháp duyên này, đời này không thành tựu thì đợi đời sau. Phải đợi đến khi nào thì cũng khó mà nói được, có thể là vô lượng kiếp về sau mới có cơ hội gặp lại. Trong kinh nói rằng, trong vô lượng kiếp chúng ta từng cúng dường vô lượng vô số chư Phật Như Lai, thiện căn sâu dày như vậy, hiện nay còn phải nhờ Tam bảo âm thầm gia trì mới có cơ duyên gặp được. Nếu không làm sao có thể gặp được? Cho nên chúng ta phải trân trọng cơ duyên này, phải nắm chắc cơ duyên này, quyết định thành tựu ở đời này.

         Từ hôm nay trở đi, chúng ta phải làm Phật! Không làm chuyện khác nữa, chỉ muốn thành Phật. Không phải có câu nói như vậy hay sao? “Tâm tưởng sự thành”, trong tâm chúng ta nghĩ thành Phật, đương nhiên sẽ thành Phật, nghĩ thành Bồ-tát sẽ thành Bồ-tát. Đây chính là câu trong Phật pháp nói “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Vũ trụ vạn pháp từ đâu mà có? Chính là do chúng ta tưởng tượng mà ra. Trong tâm nghĩ cái gì thì sẽ hiện ra cái đó, cho nên nghĩ Phật thì hiện Phật, nghĩ tam ác đạo thì hiện tam ác đạo. Kinh Vô Lượng Thọ là Thích-ca Mâu-ni Phật vì chúng sanh có cơ duyên thành Phật chín muồi mà thuyết. Bạn có phải là người có cơ duyên thành Phật chín muồi không? 

         Ba là “Đại thừa”.

         “Đại thừa là tỉ dụ, thừa là nghĩa chuyên chở. Kinh này nêu ra, tâm có thể niệm, vốn dĩ là Phật, là chủ thể chở vô lượng. Khởi tâm niệm Phật, niệm niệm làm Phật, nên đối tượng chở cũng là vô lượng, do đó miễn cưỡng gọi là Đại thừa”.

         Thừa là công cụ giao thông vận chuyển. Đại thừa trong kinh là ví dụ. Danh từ “Đại thừa” là bất đắc dĩ miễn cưỡng lập ra, nên mới nói là “miễn cưỡng gọi”. Phật pháp là pháp bình đẳng, không có lớn nhỏ. Đại thừa Tiểu thừa là danh xưng được giả thuyết lập ra từ vô số phân biệt chấp trước của chúng sanh, giúp người sơ học dễ dàng hiểu được. Pháp Đại thừa là đạo pháp mà Bồ-tát tu học. Lấy cứu thế lợi tha làm tôn chỉ, quả vị cao nhất là Phật quả.

         Đại thừa là để thuyết cho Tiểu thừa, người theo Tiểu thừa chỉ cầu lợi ích cho chính mình, mà không có tâm từ bi với người khác. Đại từ đại bi sanh ra từ tâm bình đẳng, tâm Phật là bình đẳng, đức Phật tùy theo căn cơ của chúng sanh mà thuyết pháp, lúc đức Phật còn tại thế, bất kì người nào gặp Phật cũng đều có được lợi ích. Tâm mà có thể niệm của chúng ta vốn là Phật. Phật chính là tâm, tâm chính là Phật. Ý nghĩa của Phật là giác, tâm giác ngộ là Phật, Phật có nghĩa là giác ngộ. Ai giác ngộ? Tâm giác ngộ! Tâm mê là chúng sanh, giác ngộ rồi là Phật, cho nên chúng sanh và Phật bình đẳng, đều là do tâm mà ra. Tâm có giác mê không? Tâm không có giác mê, là người có giác mê. Giác ngộ rồi thì tâm của chúng ta gọi là Phật; mê hoặc thì tâm của chúng ta gọi là chúng sanh. Thực ra trong chân tâm không có Phật, cũng không có chúng sanh, không có giác, cũng không có mê. “Trong Thường Tịch Quang không có một vật”. Chúng ta lắng lòng thể hội, “tâm mà có thể niệm ấy vốn là Phật”, ý nghĩa của câu này rất sâu. Có thể niệm A-di-đà Phật, tâm này chính là tâm giác. Không niệm A-di-đà Phật, tâm này là tâm mê. Quý vị muốn hỏi, tâm của tôi lúc nào mới có thể giác ngộ? Niệm A-di-đà Phật liền giác ngộ. Lúc nào thì mê? Không niệm A-di-đà Phật liền mê. Đây là sự thực vô cùng chính xác.

         Cổ đức nói “khởi tâm niệm Phật” là thỉ giác, bắt đầu giác ngộ; “vị Phật được niệm” chính là A-di-đà Phật mà chúng ta niệm, là bổn giác của chúng ta. Khởi tâm niệm Phật là thỉ giác và bổn giác hợp nhất lại. Thỉ giác và bổn giác không hai, cùng là giác, cho nên nói, “một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”, niệm Phật thì thành Phật! Bạn quên mất Phật thì liền mê hoặc, liền điên đảo. Vì vậy, câu Phật hiệu này ngày đêm sáu thời chắc chắn không được quên. Đại sư giải thích “Đại thừa” theo ý này là viên mãn đến cực điểm. Tâm mà có thể niệm ấy là chủ thể chở vô lượng. Phật mà chúng ta niệm, A-di-đà Phật là cứu cánh giác, đây là đối tượng chở vô lượng. Cho nên cổ đức nói rằng, pháp môn niệm Phật là Đại thừa trong Đại thừa, viên mãn trong viên mãn, chuyên trong chuyên, thật sự không thể nghĩ bàn!

         Bốn là “Vô Lượng Thọ”. 

         “Vô Lượng Thọ” hàm nghĩa vô lượng. Chữ “A” trong tiếng Phạn dịch thành “Vô”, “Di-đà” dịch thành “Lượng”. “Vô Lượng” là chỉ hết thảy vô lượng, trí tuệ, đức năng, tài nghệ, thọ mạng đều là vô lượng, đều vốn có đầy đủ. Lục Tổ khi khai ngộ dưới hội của Ngũ Tổ đã nói rằng: “Nào ngờ tự tánh, vốn tự đầy đủ, nào ngờ tự tánh, có thể sanh vạn pháp”. Vô lượng mà chúng ta cầu mong thì thọ mạng là đứng đầu, nếu như tuổi thọ ngắn thì không thành tựu được việc gì, cho nên chữ thọ trong Vô Lượng Thọ mang tính đại biểu. 

         Phạn ngữ A-di-đà, ba chữ mật ngữ A-di-đà bao hàm vô lượng ý nghĩa. Hiện nay dịch thành Vô Lượng Thọ là dùng một nghĩa trong đó, “đức hiệu này nêu rõ nguyện hạnh khi ở nhân địa của ngài Pháp Tạng cùng với quả địa Phật đức, nêu rõ chủ khách là y báo và chánh báo ở cõi Cực Lạc, khi vừa nói ra liền thâu nhiếp hết tất cả”, toàn bộ đều bao hàm trong đó.

         Trong đề kinh, ba chữ Vô Lượng Thọ là chủ, quan trọng nhất là ba chữ này. Phạn ngữ A-di-đà phiên dịch thành Vô Lượng Thọ. Ba chữ A-di-đà là mật ngữ, cũng là mật chú, là chú trong chú. Có người hỏi, người niệm Phật có cần niệm chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, chú Vãng Sanh v.v… hay không? Nên biết A-di-đà Phật là vua trong các chú, niệm A-di-đà Phật thì không cần niệm những chú kia nữa, đều bao hàm trong câu Chú Vương rồi. Bạn niệm những chú kia không thể bao hàm A-di-đà Phật; nhưng bạn niệm A-di-đà Phật thì đều bao hàm những thần chú kia, là thần chú vô thượng, vô thượng đó! Phần cuối trong Tâm Kinh có câu “là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, có thể trừ hết thảy khổ, chân thật bất hư”, chính là nói A-di-đà Phật, không cần đi tìm cái khác, danh hiệu Di-đà đã là vô thượng thần chú rồi. Danh hiệu bao hàm vô lượng nghĩa.

         “Hiện nay dịch là Vô Lượng Thọ, là dùng một nghĩa chủ yếu trong đó”, trên thực tế, trong danh hiệu A-di-đà Phật bao hàm vô lượng thọ mạng, vô lượng quang minh, vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, hết thảy vô lượng đều được bao gồm bên trong. Thảy đều là vô lượng vô biên. Trong vô lượng vô biên, vô lượng nào quan trọng nhất? Đương nhiên là thọ mạng quan trọng nhất. Nếu như không có thọ mạng, cho dù có vô lượng tài phú thì ai được hưởng? Cho nên, trong hết thảy vô lượng, thọ mạng đứng đầu. Lấy nghĩa đứng đầu này, quan trọng nhất là vô lượng thọ thực sự, vô lượng thọ chính cống. Cũng có đồng tu xem kinh điển rồi nói, tương lai pháp duyên Phật pháp của A-di-đà Phật hết rồi thì ngài cũng nhập Niết-bàn, Quán Thế Âm Bồ-tát tiếp đó thành Phật. Nói như vậy thì thọ mạng của A-di-đà Phật vẫn là có hạn. Làm sao có thể gọi là Vô Lượng Thọ? Đúng vậy, trong kinh điển Phật thực sự có nói như vậy, sau khi Quán Thế Âm Bồ-tát diệt độ, Đại Thế Chí Bồ-tát tiếp đó thành Phật. Nhưng mà thọ mạng của A-di-đà Phật, bạn tính thử mà xem, có thể tính được không? Trong kinh điển Phật nói rằng, nếu như mười phương chúng sanh đều chứng đắc quả vị Bích-chi Phật, thần thông như Mục-kiền-liên đều cùng nhau tính toán, dùng hết thọ mạng cũng chưa tính ra được. Nên chỉ đành nói là Vô Lượng, thật sự là Vô Lượng Thọ.

         A-di-đà Phật có thật sự nhập diệt hay không? Trong kinh nói rằng “đối với hàng trung căn và hạ căn thị hiện diệt độ”. Trong cảm nhận của bậc thượng căn, Phật không hề diệt độ; thị hiện diệt độ là để cho người trung hạ căn thấy mà thôi. Có thể thấy diệt độ là thị hiện, không phải là thật, thật sự là vô lượng thọ. Cho nên chúng ta không nên hoài nghi, không nên vọng tưởng. “Đức hiệu này nêu rõ nguyện hạnh khi ở nhân địa của ngài Pháp Tạng cùng với quả địa Phật đức, nêu rõ chủ khách là y báo và chánh báo ở cõi Cực Lạc, một khi vừa nói ra liền thâu nhiếp hết tất cả”, toàn bộ thế giới Tây Phương Cực Lạc, một câu A-di-đà Phật đều bao gồm hết thảy, không có pháp nào vượt ra ngoài pháp này. Bộ kinh này, câu nào từ nào cũng được hàm nhiếp trong câu A-di-đà Phật, cũng không thể nào thoát ra khỏi phạm vi của câu A-di-đà Phật. Không chỉ là bộ kinh này, Tây Phương, thậm chí là tận hư không khắp pháp giới, hết thảy y chánh trang nghiêm nơi cõi nước của chư Phật, hết thảy vạn pháp đều không ở ngoài phạm vi một câu A-di-đà Phật. Vậy mới biết được, công đức lợi ích của câu danh hiệu này thật không thể nghĩ bàn. 

         Pháp môn niệm Phật, mặc dù nhìn thì rất thuận tiện, rất đơn giản, chỉ cần niệm một câu Phật hiệu A-di-đà Phật, vừa dạy là biết, thường niệm sẽ quen. Nhưng muốn niệm cho tốt, niệm được nhất tâm bất loạn, niệm được Tam-muội thành công thì không hề dễ dàng, cần có một quá trình. Cũng giống như chúng ta cầm một sợi chỉ, xỏ qua 108 hạt chuỗi để gắn chúng lại với nhau, không được để đứt đoạn. Niệm Phật cũng phải như vậy, niệm niệm tiếp nối, không được gián đoạn. Nhà thơ nổi tiếng Bạch Cư Dị thời nhà Đường, mọi người thường rất quen thuộc. Ông ấy tu pháp môn niệm Phật vô cùng thành khẩn, ông ấy nói như thế này, tôi đọc nguyên văn những gì ông ấy nói như sau:

“Tuổi ta bảy mươi hai, thơ phú nghĩ ngâm nga.

Xem kinh mau mỏi mắt, làm phước ngại bôn ba.

Lấy gì độ tâm ta? Một câu A-di-đà.

Đi cũng A-di-đà, đứng cũng A-di-đà. 

Ngồi cũng A-di-đà, nằm cũng A-di-đà. 

Dù gấp như tên bắn, cũng không rời Di-đà.

Trời chiều đường còn xa, đời luống qua vô ích. 

Sớm chiều tâm thanh tịnh, chỉ niệm A-di-đà”.

         Đây chính là một đoạn thoại của đại thi nhân Bạch Cư Dị, ông ấy đã niệm Phật như vậy. Nếu như chúng ta niệm Phật có thể giống như Bạch Cư Dị, thành tâm thành ý buông xuống hết thảy, trì danh niệm Phật thì không ai không thành tựu, đây gọi là niệm niệm không quên, nhất tâm niệm Phật. Tôi từng đọc qua một bài thơ, gọi là “thơ đi đứng nằm ngồi, bốn thời niệm Phật”. Bây giờ chép ra chia sẻ với quý vị đồng tu. Đi đứng nằm ngồi chia làm bốn đoạn:

         Khi đi niệm Phật

“Khi đi nhất tâm niệm Di-đà, mỗi bước là thêm một câu qua,

Dưới chân thời thời dạo Tịnh độ, trong tâm niệm niệm thoát Ta-bà.

Cảnh xuân tươi đẹp phải quay đầu; du sơn ngoạn thủy đừng buông thả

Đợi bạn sanh về nơi Cực Lạc; tùy ý mười phương muốn tới lui”.

         Đây là đi niệm Phật.

         Tiếp theo là đứng Khi đứng niệm Phật 

“Lúc đứng niệm Phật dễ quán thân, nhất chân đó trong thân tứ đại,

Ta cùng Di-đà không sai khác, hình bóng trăng sáng đúng ba người.

Phòng trống sắp mục nên khó ở, Tịnh độ tuy xa sanh nhưng dễ sanh,

Ngày nào mới như ve thoát xác, đầu thai liên hoa đắc kim thân”.

         Đây là đứng niệm Phật.

         Khi ngồi niệm Phật

“Lúc ngồi niệm Phật chân xếp bằng, thân ở đài sen hoa đang nở,

Hào tướng rõ ràng tùy niệm thấy, kim dung ánh hiện hợp với tâm.

Sự như mộng huyễn vốn không tịch, lý được viên dung chẳng có không,

Ngày nào liên trì nâng chân Phật, đề hồ quán đảnh rưới nơi thân”.

         Cuối cùng là bài kệ Nằm:

         Khi nằm niệm Phật

“Khi nằm niệm Phật đừng ra tiếng, niệm theo hơi thở dễ trì danh,

Bên gối gió nhẹ thu vạn dặm, nửa giường trăng sáng đã ba canh.

Tiếc rằng trần lụy tâm khó dứt, duy chỉ liên hoa mộng dễ thành,

Chợp mắt mơ màng chư Phật hiện, tỉnh rồi nhớ lại vẫn phân minh”.

         Lúc tôi đọc bài thơ này cảm thấy [bài thơ] nói thật toàn diện, mỗi một người chúng ta đều có thể đạt được lợi ích trong đó. Pháp môn vô lượng vô biên, không có pháp môn nào có thể so sánh với pháp môn này. Ngày nay, người niệm A-di-đà Phật ngoài miệng rất nhiều, người thật sự hiểu được một chút ý nghĩa của câu Phật hiệu không nhiều, thực sự là quá ít. Nếu như thật sự hiểu được thì họ làm sao dám buông lơi. Không dám buông lơi, niệm niệm không ngừng, đó là người hiểu được một chút hàm nghĩa của câu Phật hiệu. Niệm đó rồi lại quên, niệm đó rồi lại không niệm nữa. Đối với hàm nghĩa của câu Phật hiệu vẫn mơ hồ qua loa, thậm chí là không biết gì cả nên mới có hiện tượng như vậy. Hi vọng quý vị đồng tu ngẫm nghĩ lại đạo lý này, chúng ta mới thực sự có phần nắm chắc, mới thực sự có được lợi ích chân thật, thù thắng vô cùng của pháp môn niệm Phật.

         Tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

Tin liên quan