Kinh Vô Lượng Thọ (Phúc Giảng Lần Thứ 2) – tập 16

 

KINH VÔ LƯỢNG THỌ

(PHÚC GIẢNG LẦN 2)

Tập 16

Chủ giảng: Cư sĩ Lưu Tố Vân

Thời gian: 28/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

 

         Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

         Mời xem câu kinh tiếp theo: “Thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng. Hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt”.

         Đây là sự hành trì đại từ bi của Bồ-tát. Bồ-tát làm bạn không mời của chúng sanh, các ngài muốn làm chuyện gì cho chúng sanh? “Thọ” là tiếp nhận, “trì” là duy trì. Thế nào là “Như Lai thậm thâm pháp tạng”? Có vài cách giải thích sau đây cung cấp cho mọi người tham khảo. Cách giải thích thứ nhất: Tịnh Ảnh Sớ nói: “Tu hiểu được rành rẽ Như Lai tạng tánh là pháp tạng rất sâu của Như Lai. Ám chướng đã trừ thì tâm mình hiện rõ”, đây gọi là minh tâm, “nên gọi là thọ trì”. Tịnh Ảnh Sớ và Đại thừa Khởi Tín Luận giải thích như vậy; ai cũng có Như Lai tạng, nếu có thể hiểu rõ học tập Như Lai tạng tánh, đạt được khai giải thù thắng, đó là “Như Lai thậm thâm pháp tạng”. Còn về thọ trì, không phải là dạy bạn đạt được điều gì, chỉ là dạy bạn loại bỏ chướng ngại ngu si, bởi vì bạn vốn đầy đủ, chỉ là bị bụi bặm che phủ. Cũng giống như trời âm u không có mặt trời, mây vừa bay đi thì mặt trời hiện ra. Đây là thọ trì, cho nên thấy rõ tâm mình, nhận biết tâm mình đúng như thật gọi là “thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng”. Cách giải thích này rất cao. Xem minh tâm kiến tánh là “thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng”. Minh tâm kiến tánh là lý nhất tâm bất loạn trong Tịnh độ tông. Mọi người biết, niệm Phật trong Tịnh độ có ba cấp độ.

         Cấp độ thứ nhất là công phu thành phiến. Đây là cảnh giới gì? Mọi lúc mọi nơi, ngày đêm sáu thời, trong tâm chỉ có A-di-đà Phật, ngoài A-di-đà Phật ra thì không có tạp niệm nào khác, đây gọi là công phu thành phiến. Họ dùng một câu Phật hiệu khống chế phiền não, giống như lấy đá đè cỏ vậy, sức nặng của đá lớn, đè bẹp cỏ, khiến chúng không thể mọc lên được.

         Cấp độ thứ hai là sự nhất tâm bất loạn. Đây là cảnh giới nào? Đoạn trừ kiến tư phiền não, chứng đắc quả vị A-la-hán, người ở cấp độ này vãng sanh tới thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư.

         Cấp độ thứ ba là lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm bất loạn chính là minh tâm kiến tánh, không những đoạn trừ kiến tư phiền não, trần sa phiền não, mà còn phá một phần vô minh phiền não, phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, người ở cấp độ này sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm.

         Cách giải thích thứ hai: sách Chân Giải nói “Nghe pháp tạng của hết thảy Như Lai trong ba đời, đây là vạn pháp. Hiển hiện ra vạn pháp quy về một, cũng là câu trăm sông đổ về một biển mà chúng ta thường nói, vạn pháp quy nhất, thu nhiếp đa văn thành nhất văn. Như trong Hoa Nghiêm nói, nhất tức là đa, đa tức là nhất, đa văn có thể quy về nhất văn, nhất văn chính là nghe danh hiệu Phật. Đây là lấy nghe danh hiệu Phật làm “thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng”. Lời này càng hợp với Tịnh tông, nói rất hay, không phải là người từng trải thì không thể nói ra lời này, nói rất hay! Đa văn quy về nhất văn, đa môn quy về nhất môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn quy về một môn, trì danh niệm Phật; môn này chuyên tu Tịnh độ, cầu sanh Tây Phương.

         Hai cách giải thích trên đây, tôi khái quát lại: Cách giải thích thứ nhất là minh tâm. Cách giải thích thứ hai là văn danh. Trên thực tế hai thuyết này là một thuyết. “Một tiếng Phật hiệu một tiếng lòng”. Một tiếng Phật hiệu, tự tâm của bạn đã hiển hiện trong tiếng Phật hiệu này. Tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Thật tuyệt diệu!

         Cách giải thích thứ ba: lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không giải thích câu “thậm thâm pháp tạng” như sau: “thậm thâm pháp tạng” là chỉ bộ kinh này, tức là chỉ câu vạn đức hồng danh này. Còn có cách giải thích nào đơn giản hơn, rõ ràng hơn, thấu triệt hơn không? Không còn nữa, tìm không thấy. Nếu như hai cách giải thích đầu tiên bạn còn có chút không hiểu, vậy thì cách giải thích thứ ba chắc là bạn vừa nghe liền hiểu phải không? Bạn đem kinh Vô Lượng Thọ đọc hiểu rồi, nghe hiểu rồi; bạn đem A-di-đà Phật niệm rõ ràng, “thậm thâm pháp tạng” trong tự tánh của bạn sẽ hoàn toàn hiển lộ rõ ràng. Các đồng tu nhất định phải nhớ kỹ, hết thảy đều là một câu Phật hiệu, không cần bất kì pháp môn nào trợ giúp, chỉ một câu Phật hiệu này niệm đến cùng. Lão hòa thượng Hải Hiền đã làm biểu pháp, ngài đã biểu diễn thành công rồi, cũng đã làm ra tấm gương, chúng ta còn hoài nghi hay sao?

         “Hộ Phật chủng tánh, thường sử bất tuyệt”

         “Hộ” là bảo hộ, giữ gìn, duy trì. “Phật chủng tánh”, trong Hội Sớ có bốn cách giải thích, tôi liệt kê ra ba cách để mọi người tham khảo. “Chúng sanh vốn có Phật tánh, trong tâm chúng sanh vốn có Như Lai tánh, vốn là bất biến, có thể sanh ra công đức vượt hơn cát sông Hằng, nhưng bị vô minh che lấp”, vượt có nghĩa là nhiều hơn, đoạn này có nghĩa là khai phát Phật tánh vốn có của chúng sanh. Chúng sanh ai cũng có Phật tánh, Phật tánh này vốn bất biến, có thể sanh ra công đức nhiều hơn cát sông Hằng. Mặc dù hiện nay là chúng sanh, nhưng Phật tánh vốn có chưa từng thay đổi, chưa từng giảm bớt. Nhưng hiện tại bị vô minh che lấp, giống như mặt trời của ngày âm u bị mây che mất, có cũng như không, nhưng mà công đức vô biên của mặt trời vẫn không hề bị chút tổn thất nào. Giáo hóa của Bồ-tát chính là khai phát Như Lai tạng của chúng sanh, hiện rõ Phật tánh vốn có, đây gọi là “hộ Phật chủng tánh”. Bồ-tát làm hưng khởi sự giáo hóa, khai phát Như Lai tạng vốn có của chúng sanh, gọi là “thiệu long Phật chủng”. Cách nói này có ý nghĩa rất sâu. Học Phật trước tiên phải khẳng định hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, cũng tức là nói hết thảy chúng sanh vốn là Phật. Nền tảng của giáo dục Phật-đà chính là điều này, cũng là nền tảng giáo hóa chúng sanh của Thích-ca Mâu-ni Phật và hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời. Tổ tiên của chúng ta thật sự không tầm thường, các ngài là thánh nhân, không phải là người phàm. Tại sao vậy? Nền tảng của các ngài cũng là điều này, từ đâu mà biết được? Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh, “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, vĩnh viễn là bản tánh vốn thiện. Đã là tánh vốn thiện thì tại sao chúng ta lại trở thành bộ dạng như bây giờ? Đừng quên phía sau vẫn còn một câu “tập tương viễn”. “Tánh tương cận”, Chúng ta và Phật Bồ-tát là giống nhau. là bình đẳng. “tập tương viễn”, tập tánh không giống nhau, chư Phật Bồ-tát không có tập tánh, chúng sanh có tập tánh, hơn nữa còn hoàn toàn tùy thuận theo tập tánh của chính mình, tập tánh che lấp tự tánh, tự tánh không thể hiển lộ, đây là chân tướng sự thật. Làm thế nào giúp chúng sanh nhận biết được chân tướng sự thật này? Dạy học. Dạy như thế nào? Cách dạy trực tiếp nhất, nhanh nhất, ổn thỏa nhất chính là trì danh niệm Phật. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, trong vô lượng pháp môn, đây là pháp môn bậc nhất.

         Bồ-tát giáo hóa chúng sanh, mục đích của giáo hóa là khai phát Phật chủng vốn có trong tự tánh của chúng sanh. Phật chủng là gì? A-di-đà Phật, tự tánh Di-đà. Trong Tam Thời Hệ Niệm, khai thị của thiền sư Trung Phong có nói hai câu: “Tâm ta chính là A-di-đà Phật, A-di-đà Phật chính là tâm ta, nơi này chính là Tịnh độ, Tịnh độ chính là nơi này”. Hai câu này có ý gì? Tự tánh vốn có. Lời này không phải là giả, không phải là ví dụ, không phải là hình dung, mà là chân tướng sự thật. Bạn hiểu rõ ràng chân tướng, sáng tỏ rồi thì bạn sẽ biết học tập Tịnh tông là điều may mắn lớn biết bao, phước báo lớn dường nào, phải trân trọng! Muốn khai phát Như Lai tạng vốn có của chúng sanh, cũng tức là [khai phát] A-di-đà Phật vốn có trong tâm chúng sanh thì phải dẫn dắt, giúp đỡ chúng sanh tin sâu không nghi ngờ đối với trì danh niệm Phật, giúp đỡ chúng sanh nhất tâm quy mạng, trì danh niệm Phật.

         Lấy tâm Bồ-đề làm Phật chủng. Kinh Hoa Nghiêm nói “ví như không có bò”, câu này có nghĩa là lấy tâm Bồ-đề làm Phật chủng, ví như không có bò là ví dụ, không có bò thì không có sữa bò, không có sữa bò thì sao có thể làm ra đề hồ được? Nếu như không có Bồ-tát phát tâm, thì không có Phật chủng; nếu như có Bồ-tát phát tâm, Phật chủng liền chẳng đoạn. Người phát tâm Bồ-đề là Bồ-tát, người không phát tâm Bồ-đề không gọi là Bồ-tát. Tâm Bồ-đề là gì? Đại thừa Khởi Tín Luận nói ba tâm: thứ nhất là trực tâm; thứ hai là thâm tâm; thứ ba là đại bi tâm. Ba tâm là một thể, là một tâm. Chân tâm là thể của tâm Bồ-đề, bản thể, thực ra cũng là chân tâm tự tánh. Thâm tâm là tự thọ dụng, có thể có dụng. Đại bi tâm là tha thọ dụng, cũng tức là chúng ta dùng tâm gì trong cuộc sống của chính mình, dùng tâm gì để đối đãi với hết thảy chúng sanh; đại từ đại bi đối đãi với hết thảy chúng sanh. Từ là ban vui, bi là trừ khổ. Chân tâm là tâm thanh tịnh bình đẳng. Đối với chính mình không mong cầu danh văn lợi dưỡng, ngay cả chút rìa cũng không nên dính. Nhất định phải cầu thanh tịnh bình đẳng giác, quan trọng hơn bất cứ điều gì. Thanh tịnh bình đẳng giác là tánh đức của tự tánh, tánh đức của tự tánh vốn sẵn đầy đủ, sẵn đầy đủ vô lượng trí tuệ, sẵn đầy đủ vô lượng đức năng, năng lực của họ có thể phá phiền não, giúp đỡ chúng sanh lìa khổ được vui. Đây là lấy pháp tánh làm Phật chủng, Phật chủng chẳng đoạn.

         Lấy xưng danh làm Phật chủng. Tuyệt! Quá tuyệt! Niệm một câu A-di-đà Phật, đây là Phật chủng. Trong ba cách giải thích thì cách giải thích thứ ba hay nhất, đều bao hàm hai cách giải thích trên. Hai cách nói trên không bao gồm niệm Phật, niệm Phật bao gồm hai cách nói trên. Ví như trồng cây, phải có hạt giống, gieo hạt giống xuống, chăm sóc tốt, nó sẽ nảy mầm, phát triển thành cây con, sau đó mới thành cây lớn. “Nghe danh hiệu Phật như được hạt giống, tín nguyện trì danh, tức đầy đủ nhân duyên, ắt được thọ ký thành Phật, nên nói trì danh là Phật chủng”. Cách nói này phù hợp với tông chỉ của kinh này. Lời này nói thật hay! Sao lại nghe không hiểu cho được! Một cơn gió nhẹ có thể thổi đổ một vùng, cuốn đi nhiều thứ. Người khác nói gì thì tin đó, nhưng lại không tin A-di-đà Phật, không tin A-di-đà Phật thì làm sao bạn có thể thành Phật?

         Chúng ta tiếp xúc Tịnh độ tông cũng mười năm, hai mươi năm rồi, chúng ta quay đầu nhìn lại xem, mười năm, hai mươi năm trôi qua, chúng ta thu hoạch được gì? Chúng ta chọn học pháp môn niệm Phật của Tịnh độ, đã niệm A-di-đà Phật mười năm, hai muơi năm, công phu thế nào rồi? Kiểm tra một chút xem, không vượt qua được thử thách! Vừa gặp thử thách liền lộ rõ, không phải một lòng một dạ niệm A-di-đà Phật! Nghe vài buổi giới luật liền hoài nghi A-di-đà Phật, mười năm, hai mươi năm nay của bạn là công phu gì, chính mình ngẫm lại liền có thể biết được. Mười năm, hai mươi năm nay học uổng công. Gió nhẹ, sóng nhỏ vừa tới liền không chịu được, Bạn sao có thể vãng sanh? Thật ra mà nói, bạn vẫn đang làm chuyện lục đạo luân hồi. Tại sao vậy? Vì bạn không có tâm xuất ly, bạn không sợ nỗi khổ luân hồi, bạn vẫn còn khá tham luyến luân hồi, khởi tâm động niệm của bạn phân biệt chấp trước, không có thứ nào buông xuống được, vẫn muốn tranh giành danh lợi với chúng sanh trong lục đạo.

         Mười năm, hai mươi năm, mặc dù nghe kinh nhưng nghe không hiểu, một câu cũng không hiểu. Tại sao lại nghe không hiểu? Bởi vì tâm bạn không chuyên, chướng ngại trong tâm bạn chưa được loại bỏ. Sau này, dù có nghe mười năm, hai mươi năm nữa, bạn vẫn mơ mơ hồ hồ như vậy thì xong rồi.

         Đời người mấy chục năm trong nháy mắt liền trôi qua. Hai mươi năm này, chúng ta trải qua sóng dữ gió mạnh, trải qua sóng to gió lớn, trải qua không biết bao nhiêu sóng nhỏ, gió nhẹ, giống như lò luyện đan của Lão Quân vậy, luyện cho Tôn Ngộ Không một đôi hỏa nhãn kim tinh. Sóng cồn đãi cát, thứ còn lại nhất định là vàng ròng. Tôi rất kính trọng các vị lão Bồ-tát trong nghịch cảnh vẫn kiên quyết thọ trì kinh Vô Lượng Thọ! Các ngài là tinh anh trong nhà Phật! Cảm ân sâu sắc các vị! Xin được cúi đầu, xin được đảnh lễ các vị!

         Mấy năm trước phong trào bái sám trở nên mạnh mẽ, ảnh hưởng diện lớn, cuốn đi một lượng lớn các vị lão Bồ-tát đã thọ trì kinh Vô Lượng Thọ nhiều năm, các vị đánh mất tín tâm đối với A-di-đà Phật, xây một bếp lửa khác, chôn vùi cơ duyên tốt thành tựu của chính mình trong đời này.

         Là lỗi của ai? Là sai lầm của ai? Là tội của ai? Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì bạn làm lạc lối chúng sanh có căn tánh thành Phật chín muồi, khiến họ đánh mất cơ hội tốt để thành Phật trong đời này. Bỏ lỡ rồi thì mấy ngàn kiếp! Nhân quả này, bạn có thể gánh nổi không? Tôi từng nói nhiều lần, phải y pháp bất y nhân, chọn thầy cũng phải chọn “minh sư”, chứ không phải bảo bạn chọn “danh sư”! Có khi danh tiếng càng lớn càng có hại! Mở đôi mắt trí tuệ của bạn ra, nhìn cho rõ thế giới nhao nhao hỗn loạn này. Phật chủng là gì? A-di-đà Phật là Phật chủng trong Phật chủng, là hạt giống thật sự, không có lời nào có thể nói. Từ A-di-đà Phật sanh ra hết thảy pháp, từ A-di-đà Phật thành tựu hết thảy chư Phật, còn [điều nào] thù thắng hơn không?

         Tam tụ tịnh giới, ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh trong giới luật, toàn bộ đều nằm trong câu Phật hiệu này. Bạn nắm chắc pháp môn đại tổng trì, tổng hết thảy pháp, trì hết thảy nghĩa, pháp môn thù thắng như vậy không nơi nào tìm được. Nếu như không phải nhờ phước báo tu tập tích lũy được trong nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ thì bạn không gặp được, cho dù gặp được cũng bỏ lỡ. Huống chi thế gian hiện nay, có biết bao nhiêu pháp môn đang khuyên bạn đừng niệm A-di-đà Phật, bạn nghe xong, bạn tiếp nhận rồi, bạn liền từ bỏ cơ hội lần này, trôi qua lãng phí. Bây giờ bạn chưa biết hối hận, sau khi bạn chết bạn mới biết hối hận, lúc đó hối hận không còn kịp nữa. Bốn chữ tín nguyện trì danh này thật tuyệt vời. Bốn chữ này do đại sư Ngẫu Ích đề ra, đơn giản vô cùng. Tin sâu nguyện thiết, một câu A-di-đà Phật niệm đến cùng thì đầy đủ nhân duyên, nhất định được Phật thọ ký thành Phật, nên nói trì danh là Phật chủng. Theo Hội Sớ, lấy tâm Bồ-đề và xưng danh hiệu Phật làm Phật chủng tánh, đủ để chứng minh rằng kinh Vô Lượng Thọ lấy phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm làm tông chỉ, đúng là “hộ Phật chủng tánh, thường sử bất tuyệt”.

         Phía trước tôi có nhắc tới tam tụ tịnh giới, sau đây tôi sẽ giới thiệu sơ lược: Tam tụ là chánh định tụ, tà định tụ, bất định tụ. Chánh định tụ là chỉ hạng chúng sanh nhất định có thể chứng ngộ. Tà định tụ chỉ hạng chúng sanh chắc chắn không thể chứng ngộ. Bất định tụ chỉ hạng chúng sanh ở giữa chánh định tụ và tà định tụ, có thể chứng ngộ, cũng có thể không chứng ngộ. Tam tụ nghĩa là chỉ ba hạng chúng sanh. Tam tụ tịnh giới: nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiếp chúng sanh giới. Nhiếp luật nghi giới là tuân theo Phật pháp, không làm các điều ác. Nhiếp thiện pháp giới là vâng làm hết thảy điều thiện. Nhiếp chúng sanh giới là rộng tu hết thảy thiện pháp để lợi ích chúng sanh. Nhiếp luật nghi giới và nhiếp thiện pháp giới là lợi ích chính mình, nhiếp chúng sanh giới là lợi ích người khác, kết hợp lợi mình lợi người gọi là hai lợi ích viên mãn. Người học Phật pháp Đại thừa nên cùng nhau hành trì.

         “Hưng đại bi. Mẫn hữu tình. Diễn từ biện. Thọ pháp nhãn. Đỗ ác thú. Khai thiện môn”.

         Sáu câu kinh văn này là cương lĩnh việc làm lợi ích chúng sanh, là hành động cụ thể của “Vị chư thứ loại, tác bất thỉnh chi hữu”.

         “Hưng đại bi. Mẫn hữu tình”. Bồ-tát sanh tâm đại bi, thương xót hết thảy chúng sanh hữu tình. Đại bi là động lực để Bồ-tát giáo hóa chúng sanh không sợ khổ cực. Không sợ khổ cực chính là bi tâm. Mẫn là thương xót, Bồ-tát thương xót chúng sanh, đây là đại bi bình đẳng. Đối đãi bình đẳng với hết thảy chúng sanh, không phân biệt oan gia hay người thân, yêu hay ghét v.v… Chúng ta yêu ghét rõ ràng, yêu tới mức chết đi sống lại, hận tới mức nghiến răng nghiến lợi. Gần đây tôi lại học được một danh từ mới: gọi là trở mặt.

         “Diễn từ biện. Thọ pháp nhãn”. Đây là phương pháp độ chúng sanh của Bồ-tát. Bồ-tát phát tâm từ bi cứu độ chúng sanh, khiến chúng sanh được vui, thuyết pháp cho chúng sanh, gọi là “diễn từ biện”. Biện là biện tài vô ngại. Bồ-tát giảng kinh thuyết pháp không biết mệt mỏi, khuyên bảo chúng sanh, động lực từ đâu mà có? Động lực đến từ tâm từ bi, không nỡ để chúng sanh khổ, không nỡ khiến thánh giáo suy vi. Bởi vì chư Phật Bồ-tát đã buông xuống hết thảy danh văn lợi dưỡng của thế gian. Là sức mạnh nào thúc đẩy các ngài siêng năng như vậy? Đó là sức mạnh của “đại từ đại bi”. “Diễn từ biện” là phương pháp giáo hóa chúng sanh, phải vì chúng sanh biểu diễn, vì chúng sanh diễn thuyết, phải giải đáp nghi hoặc của chúng sanh.

         “Thọ pháp nhãn” là chư Phật đem pháp nhãn truyền thọ lại cho bạn. Pháp nhãn là trí tuệ. Pháp nhãn không phải là nhục nhãn, có thể nhận thức thật tướng của hết thảy các pháp mới là pháp nhãn. Pháp nhãn là một trong ngũ nhãn, gồm nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn. Pháp nhãn là trí tuệ, có thể chọn lựa hết thảy pháp môn. Hội Sớ nói “sanh khởi chánh kiến đối với Phật đạo gọi là pháp nhãn”. Tịnh Ảnh nói “trí tuệ có thể chiếu soi pháp”, cũng tức là nói trí tuệ có thể phân biệt hết thảy pháp tướng gọi là pháp nhãn. Pháp nhãn tức là có thể chọn phương pháp thiện xảo nhất, thích hợp với hết thảy căn khí của chúng sanh, trí tuệ như vậy gọi là pháp nhãn. Cho nên chúng ta chỉ dạy chúng sanh, sanh chánh tri kiến đối với Phật pháp, cũng giống như chính họ đã có trí tuệ, đạt được pháp nhãn, cho nên gọi là “thọ pháp nhãn”. Đặc biệt là pháp môn Tịnh độ, trí tuệ giúp chúng sanh có thể chọn lựa, coi trọng thật không dễ dàng, phải thật sự đạt được pháp nhãn mới biết được. Nhưng Phật truyền trao pháp nhãn này cho bạn, nói cho bạn biết sự thù thắng của pháp môn Tịnh độ, bạn có thể tin, có thể niệm, có thể làm đúng như pháp thì cũng giống như chính bạn đã có pháp nhãn vậy, nhưng đó là do Phật truyền trao cho bạn, đây là ý nghĩa của “thọ pháp nhãn”.

         “Đỗ ác thú. Khai thiện môn”. “Đỗ ác thú”, đỗ tức là ngăn chặn, ngăn cản, lấp kín, cản trở. Ác thú có hai cách giải thích. Cách giải thích thứ nhất: ác thú chỉ ba đường ác: súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Ba đường ác khổ không kể xiết, một khi trả báo trong ba đường ác là năm ngàn kiếp. Nếu như đọa địa ngục thì sự đau khổ ở đó càng không thể nói hết. Cho nên chư vị đại sĩ chặn lại cánh cửa đọa lạc vào ba đường ác. Trong đại nguyện của A-di-đà Phật nói rằng: “Sanh về cõi ta… chẳng bị đọa vào ba đường ác nữa”. Cách giải thích thứ hai: ngoài Phật ra đều là ác đạo. Thiện và ác có tiêu chuẩn khác nhau, dùng tiêu chuẩn của quả địa Như Lai để so sánh, Đẳng giác Bồ-tát cũng là ác đạo, chỉ có Phật mới là thiện đạo, ngoài Phật ra đều là ác đạo. Tại sao lại nói như vậy? Nếu như Đẳng giác Bồ-tát là thiện đạo, không phải là ác đạo, vậy thì không cần phải phá một phẩm vô minh sau cùng nữa. Tại sao Đẳng giác Bồ-tát vẫn phải đoạn một phẩm vô minh sau cùng? Vì để thành Phật! Trong sáu đường của chúng ta thì địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là ba đường ác; người, trời, a-tu-la là ba đường thiện. Nếu như so với A-la-hán, thì trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng vẫn là ác đạo, sáu đường đều ác, A-la-hán mới là thiện đạo. A-la-hán so với Bồ-tát, A-la-hán là ác đạo, Bồ-tát mới là thiện đạo; nếu như so sánh Bồ-tát với Phật, Bồ-tát là ác đạo, chỉ có Phật mới là thiện đạo. Cho nên câu “đỗ ác thú” trong kinh Vô Lượng Thọ, nhất định phải thành Phật mới có thể đoạn trừ hết ác thú; chưa thành Phật thì ác thú vẫn chưa được đoạn trừ hết. Đây là tiêu chuẩn của thiện và ác mà chúng ta phải biết.

         Chúng ta là người học Tịnh tông, kinh Vô Lượng Thọ, pháp môn niệm Phật của Tịnh độ là Đại thừa trong Đại thừa, nhất thừa trong nhất thừa, viên trong viên, đốn trong đốn, chuyên trong chuyên. Cho nên, tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn tuyệt đối, không phải là tiêu chuẩn thông thường.

         “Khai thiện môn” là mở cánh cửa Bồ-đề Niết-bàn. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Ắt được siêu tuyệt, vãng sanh cõi vô lượng thanh tịnh của A-di-đà Phật”, đây là khai thiện môn. Cửa thiện này của cõi Phật vĩnh viễn rộng mở cho hết thảy chúng sanh khổ nạn trong khắp hư không pháp giới, chỉ cần bạn tiến vào cửa thiện này, bạn liền được tam bất thoái, liền được thọ mạng vô lượng. Cửa thiện lớn như vậy, bạn đâu thể không vào? Bước vào cửa thiện lớn này, bạn đâu thể một đời không thành Phật?

         Khai thiện môn trong kinh Vô Lượng Thọ nói, không phải là chữ thiện trong thiện ác, chữ thiện trong thiện ác vẫn là ác, có một suy nghĩ thiện thì đã là bất thiện rồi. Khai thiện môn trong đây nói tới chính là minh tâm kiến tánh. Đây mới thực sự là cửa thiện. Sau khi tự tánh hiển lộ, trong tự tánh có vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, tự nhiên sẽ hiện tiền, ấy mới là thiện chân chánh. Chìa khóa nào có thể mở cánh cửa thiện lớn minh tâm kiến tánh này? Chính là một câu A-di-đà Phật, đột phá hết, vượt qua hết nhiều cấp độ tiêu chuẩn, thẳng tới điểm cuối cùng. Đây là pháp môn không thể nghĩ bàn, là pháp môn được chư Phật tán thán. Hãy chú ý! Tại sao không nói là pháp môn được chư Phật Bồ-tát tán thán? Bởi vì Bồ-tát, bao gồm Đẳng giác Bồ-tát cũng không biết pháp môn này. Đến biết còn không biết được thì làm sao tán thán! Chỉ có Phật với Phật mới biết được, Phật biết được pháp môn này vi diệu đặc biệt, pháp môn khác không thể sánh bằng. Pháp môn khác đều có cấp bậc, câu A-di-đà Phật của Tịnh tông không có cấp bậc, sơ phát tâm thì có thể viên thành Phật đạo, cho nên đây là pháp khó tin. Nhớ kỹ hai câu này: Ngoài Phật ra đều là ác đạo, cửa thiện thực sự là A-di-đà Phật. Hai câu này có bao nhiêu người chấp nhận? Mấy hôm trước tôi có đọc “Tâm Thanh Lục” của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, trong đó có một bài kệ, gọi là “Thâm Diệu Thiền Kệ”, câu đầu tiên như sau: “có đại phước đức mới niệm Phật”. Câu này giống như tiếng sư tử hống vậy, làm muông thú kinh sợ, nói với hết thảy những người coi thường Tịnh độ, không nên cho rằng ông bà lão trường chay, ngu phu ngu phụ cũng có thể tu Tịnh độ thì coi thường Tịnh độ. Người tu Tịnh độ càng không thể cho rằng căn cơ của chính mình thấp kém, không có trình độ tu các pháp môn khác, không còn cách nào khác, đành phải tu Tịnh độ. Nên biết: chỉ người “có phước đức lớn” mới có thể tin nhận pháp môn niệm Phật, bạn mới biết niệm Phật. Kinh Vô Lượng thọ nói: “Nếu xưa kia chẳng tu phước tuệ thì không thể nghe chánh pháp này”. Nếu như không phải nhiều đời nhiều kiếp đã tu phước tu tuệ, bạn muốn nghe một chút xíu về pháp môn này cũng không có thể, hiện nay bạn có thể gặp được pháp môn này, bạn không cảm thấy mình là người có phước đức lớn hay sao? Phải tin tưởng! Phải trân trọng chính mình, phải trân quý pháp môn này.

         “Phật thuyết vô thượng thâm diệu thiền, thiển nhân đương tác thiển pháp khán”. Phật nói niệm A-di-đà Phật là vô thượng thâm diệu thiền, chúng ta phân tích câu này một chút: Phật nói niệm A-di-đà Phật là thiền; Phật nói niệm A-di-đà Phật là diệu thiền; Phật nói niệm A-di-đà Phật là thâm diệu thiền; Phật nói niệm A-di-đà Phật là vô thượng thâm diệu thiền. Bạn đã xem rõ chưa? Bạn đã nghe rõ chưa? Phật nói niệm A-di-đà Phật là thâm diệu thiền, phía trước còn có hai chữ vô thượng. Vậy mà có một số người lại hoàn toàn trái ngược với Phật, vẫn cứ nói niệm Phật là pháp cạn cợt, coi thường pháp môn niệm Phật, thậm chí còn bài xích pháp môn niệm Phật, hủy báng người niệm Phật, tạo vô biên tội nghiệp.

         Pháp môn niệm Phật là pháp môn cạn cợt sao? Tuyệt đối không phải, vậy thế nào là cạn cợt? Chính là người cho rằng pháp môn niệm Phật cạn cợt, họ là người nông cạn, tự nhiên tầm nhìn cũng cạn cợt. Không phải có một câu nói thế này sao? Người sâu sắc tầm nhìn cũng sâu sắc, người cạn cợt tầm nhìn cũng cạn cợt. Rốt cuộc là ai cạn cợt? Không phải vừa nhìn liền biết sao? Chúng ta phải dùng lý lẽ để thuyết phục người khác. Chỉ đưa vài ví dụ để nói rõ: Thích-ca Mâu-ni Phật là niệm Phật thành Phật. Kinh Phật Thuyết A-di-đà nói cho chúng ta biết chân tướng sự thật này. Thích-ca Mâu-ni Phật khuyên cha ngài niệm A-di-đà Phật, nếu như pháp môn niệm Phật là pháp môn cạn cợt, tại sao Thế Tôn lại khuyên cha ngài niệm Phật? Pháp môn ngài giới thiệu cho cha mình nhất định là pháp môn thù thắng nhất. Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát, Văn-thù Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát đều là niệm Phật thành Phật, các ngài sớm đã thành tựu quả vị Phật, vì trợ giúp Phật giáo hóa chúng sanh nên vẫn còn ở quả vị Bồ-tát. Bồ-tát Mã Minh, tác giả của Đại thừa Khởi Tín Luận, chương cuối cùng khuyên người cầu sanh Tịnh độ, ngài nói: nên biết đức Phật có pháp môn thù thắng nhất, có thể nhiếp thọ hộ niệm tín tâm của chúng sanh đối với đạo Bồ-đề. Đó là nhờ vào nhân duyên nhất tâm nhớ Phật niệm Phật, nên có thể tùy nguyện vãng sanh cõi nước Phật ấy. Có thể thường gặp được chư Phật Như Lai, vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ của ác đạo.

         Bồ-tát Long Thọ viết cuốn Đại Trí Độ Luận, khai thị về việc tu hành pháp môn niệm Phật: Niệm Phật tam-muội, có thể trừ bỏ hết thảy phiền não và tội nghiệp đời quá khứ, những loại tam-muội khác, có loại có thể trừ bỏ dâm dục nhưng không thể trừ bỏ sân hận; có loại có thể trừ bỏ sân hận nhưng không thể trừ bỏ dâm dục; có loại có thể trừ bỏ ngu si nhưng không thể trừ bỏ dâm dục và sân hận; có loại dù có thể trừ bỏ cùng lúc ba độc tham sân si nhưng không thể trừ bỏ tội nghiệp trong đời quá khứ. Mà niệm Phật tam-muội này có thể trừ bỏ hết thảy phiền não và tội nghiệp đời quá khứ. Kế đó, niệm Phật tam-muội có thiện căn và phước đức lớn, có thể độ thoát chúng sanh. Nếu có Bồ-tát muốn cứu độ chúng sanh, các loại tam-muội khác không có thiện căn phước đức giống như niệm Phật tam-muội, có thể mau chóng tiêu diệt hết thảy tội ác. Lại nữa, đức Phật là pháp vương, Bồ-tát là pháp tướng, Bồ-tát kính ngưỡng tôn trọng nhất chỉ có chư Phật Thế Tôn, cho nên phải luôn niệm Phật. Có người hỏi: Bồ-tát gánh vác trách nhiệm độ hóa chúng sanh, tại sao còn phải thường thân cận chư Phật vậy? Đó là vì có một số chúng sanh chưa tiến vào quả vị Bồ-tát, chưa đạt được địa vị bất thoái chuyển, chưa gặp duyên thọ ký thành Phật, cho nên sức mạnh tự thân vẫn chưa đủ, nếu như rời xa chư Phật thì sẽ tổn hoại hết thảy thiện căn phước đức, đắm chìm trong biển lớn của phiền não.

         Không thể tự độ, làm sao độ người khác? Một chút nước nóng muốn làm tan đá, ngược lại càng mau thành đá. Bồ-tát chưa bước vào quả vị bất thoái chuyển của Phật pháp, chưa ngộ nhập thật tướng các pháp, nếu như muốn rời xa chư Phật, dựa vào chút ít công đức của chính mình, lại không có sức phương tiện của trí tuệ, muốn độ hóa chúng sanh, mặc dù có chút lợi ích nhỏ, nhưng ngược lại càng mau đọa lạc. Voi lớn chìm trong bùn lầy, những động vật nhỏ khác không thể cứu được. Nếu như Bồ-tát đi sai đường, chỉ có chư Phật Như Lai mới có thể cứu các ngài, chỉ có chư Phật. Mới cùng Bồ-đề đại đạo với Bồ-tát. Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh tùy theo căn cơ chúng sanh mà thuyết pháp, khai thị tuyên dương pháp môn Tịnh độ: Pháp yếu thâm sâu của chư Phật, vi diệu thâm mật không thể nghĩ bàn, chỗ cứu cánh của Phật pháp không cách nào dùng tâm phân biệt mà suy lường được, không thể dùng lời nói để bàn luận, do đó mà ngoài đức Phật ra thì không ai có thể tuyên dương rõ ràng đến cùng tận. Thích-ca Mâu-ni Phật là đại từ phụ của hết thảy chúng sanh, bởi vì tâm đại bi thương xót hết thảy chúng sanh khổ nạn, tuyên thuyết đại pháp mà tất cả mọi người không ai có thể nói được, dẫn dắt giáo hóa chúng sanh đời này và đời sau hướng tới đạo Bồ-đề Niết-bàn. Lại dùng pháp môn phương tiện thù thắng đặc biệt nhất, xưng dương và khai thị Tịnh độ an lạc của thế giới Cực Lạc, khiến hết thảy chúng sanh phát nguyện vãng sanh thế giới Tây Phương, mà vượt ngang qua mọi thứ đau khổ nơi ác đạo trong tam giới.

         Phía trước tôi có nói rất nhiều chư Phật, Bồ-tát tán thán pháp môn niệm Phật của Tịnh độ, là để quý vị đồng tu dùng sự thật kiểm chứng, pháp môn niệm Phật có thật là pháp cạn cợt không? Nếu nói là pháp cạn cợt, vậy thì cạn cợt ở chỗ nào? Nếu không phải pháp cạn cợt, vậy thì không cạn cợt ở chỗ nào? Chúng ta phải nhìn thẳng vào hiện thực, dùng lý phục người. Từ khi giáo pháp vô thượng của đức Phật truyền từ Đông độ tới Hoa hạ, ngoài Thiền tông đơn truyền trực chỉ, kiến tánh thành Phật, số người nhờ vào pháp môn niệm Phật mà vãng sanh Tịnh độ thoát khỏi sanh tử, bất kể là xuất gia hay tại gia, đều nhiều tới mức khó mà tính được, đây là sự thật không cần bàn cãi. Tịnh Độ Thánh Hiền Lục chính là minh chứng. Pháp môn niệm Phật thù thắng không gì sánh bằng, đây là cửa thượng thiện chân chánh. Cửa thiện này phải rộng mở ra, khiến vô lượng vô biên chúng sanh có duyên, thông qua cửa thiện này mà vãng sanh tới thế giới Tây Phương Cực Lạc để làm Bồ-tát, làm Phật. Tôi có ghi chép lại một đoạn trong [bài giảng] “Nghe sư phụ nói” để chia sẻ với mọi người!

         “Buông xuống tốt biết bao, buông xuống tự tại biết bao! Chỉ có người thật sự buông xuống đạt đại tự tại, không còn vướng bận. Nếu như họ phát nguyện, còn có tâm từ bi, mang theo vài người tới thế giới Cực Lạc, đạo tràng nhỏ, niệm Phật đường nhỏ, cùng nhau cộng tu là được rồi. Nhỏ thì dễ thành tựu, lớn thì không dễ thành tựu, trong đạo tràng lớn tranh đấu gay gắt, vẫn là chiến trường, vẫn tạo nghiệp luân hồi, vậy thì sai rồi! Chiến trường, pháp thế gian thì có thể, chạy tới Phật pháp mà tạo thành chiến trường, vậy thì không còn là chuyện đơn giản nữa”. Lão pháp sư nói những lời này, ngài muốn biểu đạt điều gì? Ngài nhàn rỗi không chuyện gì làm nên nói chuyện phiếm hay sao? Tuyệt đối không phải! Ngài có thể nói ra những lời này, là thực sự không thể chịu được. Cả đời ngài có được mấy lần ngài nói ra những lời như vậy?

         Tôi thật sự không hiểu, đã đến lúc nào rồi mà vẫn còn tranh, còn đấu, tranh cũng được, đấu cũng được, rốt cuộc mọi người muốn điều gì? Tôi không biết ai đang tranh, ai đang đấu? Tôi nói lời này, không nhắm vào bất kỳ ai. Tôi chỉ muốn nói với mọi người, bất kể bạn tranh gì, đấu gì, thì từ lò thiêu ra đều là một đống xương trắng, đều bình đẳng.

“Hết thảy đều là giả,

Chỉ có niệm Phật thật,

Còn tạo nghiệp luân hồi,

Thật sự có chút ngu,

Buông xuống thật tự tại,

Mau chóng trở về nhà,

Thuyền chạy không đợi khách,

Bạn bị bỏ lại rồi!”

         Tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

Tin liên quan