Kinh Vô Lượng Thọ (Phúc Giảng Lần Thứ 2) – tập 13

 

KINH VÔ LƯỢNG THỌ

(PHÚC GIẢNG LẦN 2)

Tập 13

Chủ giảng: Cư sĩ Lưu Tố Vân

Thời gian: 27/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

 

         Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

         Mời xem kinh văn tiếp theo:

         Giải chư triền phược.

         Triền là quấn quanh, giống như sợi dây thừng vậy, quấn quanh bạn từng vòng từng vòng. Phược là ràng buộc. Triền phược là trói buộc. Tịnh Ảnh Sớ nói “hết thảy Phiền Não Kết đều là triền phược. Bồ-tát hóa hiện mười phương, giáo hóa chúng sanh, đoạn dứt phiền não, gọi là “giải chư triền phược”. Kinh Phật nói có tám triền ba phược.

         Tám triền:

         Thứ nhất là vô tàm: Tàm chính là chúng ta thường nói lương tâm. Người làm việc bất thiện, lương tâm bất an gọi là tàm. Vô tàm tức là làm chuyện xấu mà không cảm thấy lương tâm bất an, thậm chí “lấy sỉ làm vinh”, tục ngữ nói là mặt dày, không biết nhục nhã, thông thường cũng gọi là không có lương tâm.

         Thứ hai là vô quý. Quý là dư luận bên ngoài. Làm việc không tốt sợ người khác phê bình, sợ người khác chỉ trích, bởi vậy mà không dám làm chuyện xấu; Vô quý tức là không hề để ý đến lời phê bình và khiển trách bên ngoài, vẫn làm chuyện xấu, làm theo ý mình.

         Tàm quý chính là liêm sỉ mà người Trung Quốc chúng ta nói đến; vô tàm vô quý tức là không biết liêm sỉ, nói thẳng ra là không biết xấu hổ.

         Thứ ba là đố kỵ. Người kiểu này không chịu được khi người khác tốt hơn mình, giỏi hơn mình, tâm đố kỵ rất nặng. Nói đơn giản tức là muốn trội hơn người khác. Nhìn thấy người khác tốt hơn mình, giỏi hơn mình, trong lòng bất bình, không phục. Người có tâm đố kỵ mạnh thì thường ngạo mạn, coi thường người khác. Người như vậy có hai tính cách: vô cùng tự phụ, cảm thấy ai cũng không bằng mình; vô cùng tự ti, cảm thấy ai cũng giỏi hơn mình. Người như vậy không biết tùy hỷ công đức, sống rất khổ, rất mệt, rất đáng thương.

         Thứ tư là keo kiệt. Ích kỷ, bủn xỉn, mình có nhưng không muốn giúp người khác.

         Thứ năm là làm ác. Chính mình biết rõ là việc bất thiện nhưng vẫn làm, hết thảy hành vi bất thiện, không thuận theo lý đều là làm việc ác.

         Thứ sáu là thùy miên. Tức ngủ quá nhiều, tham ngủ.

         Thứ bảy là trạo cử. Trong lòng nhiều vọng niệm, hồi hộp lo âu, không định được tâm.

         Thứ tám là hôn trầm. Tinh thần ngẩn ngơ, không tỉnh táo, không thể khởi lên tinh thần, đầu óc không có tinh thần, ủ rũ.

         Ba phược tức là ba độc phiền não tham, sân, si, đây là phiền não căn bản. Trọng tâm của tham là tình chấp và ái dục, điều này nghiêm trọng nhất. Trọng tâm của sân là đố kỵ và ngạo mạn. Trọng tâm của si là hoài nghi. Ba phược giống như sợi dây thừng trói chặt lấy chúng ta. Mọi người nghĩ thử xem, chúng ta có tám triền ba phược hay không? E là toàn bộ đều có đủ, không thiếu điều nào, chỉ là khác nhau ít hay nhiều mà thôi. Chúng ta thật may mắn, gặp được Phật pháp, Phật giúp chúng ta thoát khỏi tám triền ba phược.

         “Giải” tức là cởi bỏ sự trói buộc và ràng buộc của tám triền ba phược. Thoát là thoát ly luân hồi, thoát ly sanh tử, thoát ly tam giới lục đạo, thoát ly thập pháp giới. Từ đó thấy được, thứ cần cởi bỏ là nhân duyên của lục đạo luân hồi; thứ cần thoát khỏi là quả báo. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để giải trừ nghiệp duyên của chúng ta, đây là giải quyết vấn đề căn bản. Nếu như bạn không muốn liễu sanh tử, thoát luân hồi vậy thì vẫn như cũ. Nếu như một đời này thực sự muốn cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, nếu không thực sự hạ công phu thì cũng giống như lời lão pháp sư nói, mơ mơ màng màng, vậy thì không có chút tác dụng nào.

         Triền phược trong cuộc sống hiện thực nào chỉ có tám triền ba phược? Thật sự quá nhiều. Chúng ta ở trong đó cảm nhận sâu sắc tai hại của nó, mặc dù phiền não nhưng cũng vô cùng bất lực. Để tôi lấy một ví dụ cụ thể: Theo sự quan sát và thể hội của tôi, điều gì trói buộc con người hiện nay nhất? Nếu như xếp theo thứ tự thì điều gì đứng đầu? Tôi xếp con cái đứng đầu. Con cái là sự trói buộc lớn nhất của phụ huynh. Không biết lời tôi nói có phải là lời trong lòng mọi người không? Bây giờ nuôi một đứa trẻ thật không dễ dàng, để tôi kể chuyện cháu gái tôi, [chuyện người] khác tôi không nói rõ được.

         Lúc con dâu tôi mang thai cháu gái thì bị huyết áp cao, nơm nớp lo sợ chín tháng trời, cũng may là không sao, mẹ tròn con vuông. Vốn là phải sanh mổ, sau đó bác sĩ nói có thể sanh thường. Bồ-tát bảo hộ. Đến thế gian này không tự mang theo lương thực, vừa sanh ra đã không có sữa mẹ uống, hoàn toàn uống sữa bột. Lúc sanh ra bụ bẫm, rất dễ thương. Hơn hai mươi ngày sau trở nên gầy nhom, khóc ngày khóc đêm, không tìm ra nguyên nhân. Sau đó mẹ của bạn con trai tôi tới chơi, vừa nhìn liền nói không phải đứa bé bị đói chứ? Tôi đưa bình sữa bột đã pha cho chị ấy xem, chị ấy nói, ai ya, bà nội khờ quá, một tháng này chị đã cho đứa bé uống nước lọc rồi, không phải muốn đứa bé chết đói sao? Tôi nói, có người bảo tôi không được pha sữa quá đặc, đặc quá sẽ táo bón. Chị ấy nói, nhưng chị pha vậy cũng loãng quá. Pha theo cách mà chị ấy chỉ tôi, ngay hôm đó cháu gái không còn khóc nữa.

         Hết thời gian nghỉ thai sản, con dâu tôi phải đi làm, bà ngoại xin về hưu sớm, chuyên tâm chăm cháu ngoại. Đến lúc đi học mầm non, không thể thua ngay ở vạch xuất phát được, phải học trường mầm non tốt. Cũng may, nhờ tôi từng làm việc ở cơ quan tỉnh, được như ý nguyện cho học ở trường mầm non đứng thứ hai của tỉnh. Tới lúc học tiểu học, phải có nền tảng tốt, phải tìm trường tốt. Giáo viên chủ nhiệm của một trường tiểu học cũng là giáo viên chủ nhiệm thời tiểu học của con trai và con dâu tôi, quen thân với tôi, quan hệ cá nhân cũng khá tốt. Con trai, con dâu năn nỉ tôi tìm người giáo viên đó, giúp đỡ nhận cháu vào trường. Lúc đó tôi từ chối, tôi nói với chúng, không được tăng thêm phiền phức cho giáo viên. Chẳng những mẹ không liên hệ mà hai con cũng không được phép liên hệ. Con dâu tôi nhờ họ hàng giúp đỡ, lòng vòng cũng đưa con vào học được trường đó. Tới lúc vào cấp hai, có một câu khẩu hiệu là “không thể kém cỏi”. Nhiệm vụ của phụ huynh nặng nề, không những phải tìm trường tốt, còn phải tìm giáo viên tốt. Cũng may, lần rút thăm đó, cháu gái tôi may mắn, rút được trường tốt, cũng rút được giáo viên tốt, thành tích học tập đứng đầu, không để phụ huynh lo lắng. Tới lúc học cấp ba, giai đoạn chạy nước rút sau cùng, nhờ thành tích tốt mà cháu tôi vào được trường chuyên cấp ba. Thành tích học tập vẫn luôn khá ổn định. Thi đại học, phát huy thất thường nên thi rớt. Lúc thi xong, cháu gái gọi điện nói với tôi, nội ơi con thi tệ lắm. Tôi hỏi, tệ tới mức độ nào? Cháu gái nói, tệ tới mức không thể tệ hơn. Tôi nói, tệ thì tệ chứ sao, trên trời rơi xuống bánh ngon, cũng không thể cứ rơi mãi trên đầu con được, cũng nên đổi người khác chứ.

         Cháu gái thi rớt, con dâu tôi suy sụp, nó không chuẩn bị tư tưởng, tâm tư luôn nghĩ tới trường đại học danh giá. Kết quả không lý tưởng nên dằn vặt. Không thi đậu trường đại học danh giá là chuyện xấu sao? Chưa chắc. Cháu gái tôi học trường đại học bình thường nhưng có thành tích tốt, năm thứ hai vào Đảng, năm thứ tư tốt nghiệp, nhờ thành tích ưu tú mà thi đậu nghiên cứu sinh trường đại học Melbourne. Nghe nói, cháu gái tôi là sinh viên đầu tiên ở trường đại học này được đại học Melbourne nhận vào. Điều khiến tôi an ủi đó là cháu gái nói rằng, nội yên tâm đi, sau khi học xong con sẽ về nước. Nói là chuyện tốt nhưng cũng phiền phức. Gia đình bình thường sẽ không có năng lực kinh tế lớn như vậy, gắng gượng vay mượn khắp nơi, cũng rất khó khăn. Cũng may cháu gái tôi là đứa hiểu chuyện, nó biết cha mẹ khó khăn, ăn uống chi tiêu tiết kiệm. Toàn bộ tinh lực đều tập trung vào học tập. Lại nhìn con đường tương lai còn rất dài. Tốt nghiệp nghiên cứu sinh xong còn phải tìm việc, còn phải kết hôn sanh con. Mọi người nghĩ xem trói buộc đến bao giờ mới được cởi? Tôi nói những chuyện này, mọi người có tự mình cảm nhận không?

         Phụ huynh nói chuyện với nhau, chủ đề nói nhiều nhất là con cái, nói tới mức phụ huynh than thở, đau lòng rơi lệ không biết làm sao. Không có người nào khen con mình nghe lời, toàn là [ở trong] thời kỳ phản nghịch, coi cha mẹ như kẻ thù, làm trái ngược ý cha mẹ, nói được ba câu không hợp liền bỏ nhà ra đi, thậm chí còn đánh mắng cha mẹ v.v… Nói tới trói buộc, nghĩ thử xem có ngày nào mà bạn không bị trói buộc? Có giây phút nào không bị trói buộc? Bạn có thể tìm ra lúc nào không bị trói buộc không? Tìm không thấy. Ví dụ như gia đình, hôn nhân, nợ nần, bệnh khổ, danh, sắc, tài, lợi, đố kỵ, ngạo mạn, so sánh, sinh ly tử biệt v.v… Có thứ nào không phải là trói buộc? So với mấy chục năm trước, sự trói buộc hiện nay còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với mấy chục năm trước. Để tôi lấy ví dụ, tấm lưới trói buộc chúng ta mấy chục năm trước còn lọt mắt lưới, tấm lưới bây giờ kín mít không lọt nổi gió, mắt lưới bị dính chặt rồi, con người ở trong đó không thể hô hấp, sẽ chết ngạt trong đó.

         Tại sao tấm lưới hiện nay kín mít không lọt nổi gió? Bởi vì dục vọng của con người càng ngày càng nhiều, vĩnh viễn không được thỏa mãn, thật sự là lòng tham không đáy! Dục vọng càng nhiều thì trói buộc càng chặt, thoát khỏi càng khó. Có phương pháp thoát khỏi lưới ma và giải trừ trói buộc không? Đáp án chắc chắn là có. Chỉ xem bạn tin hay không, chịu dùng hay không? Trước tiên nói phương pháp mà Phật dạy chúng ta. “Có niệm sa lưới ma, không niệm được ra khỏi”, câu này trong Đại Trí Độ Luận nói. Câu này là nói cho người tu hành, đặc biệt là nói cho đệ tử nhà Phật, không niệm liền kiến tánh. Trước tiên chúng ta phải làm cho rõ ràng, tại sao chúng ta lại đọa lưới ma, bị trói buộc? Bởi vì chúng ta có ý niệm, ý niệm càng nhiều, sa vào lưới ma càng sâu, càng bị trói buộc hơn. Đó là “có niệm sa lưới ma”. Làm thế nào để thoát khỏi lưới ma và giải trừ trói buộc? Chỉ một câu “không niệm được ra khỏi”. Câu này là phương pháp thoát khỏi mà đức Phật dạy chúng ta. Người thế nào mới làm được không niệm? Thấp nhất là Thập trụ Bồ-tát trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Có đồng tu vừa nghe Thập trụ Bồ-tát liền nhanh chóng nói: tôi là người phàm, không phải Thập trụ Bồ-tát, tôi không làm được không niệm. Đừng gấp gáp, Phật dạy chúng ta phương pháp, phương pháp này là “chỉ có tịnh niệm tiếp nối, không niệm mà niệm, mới được thoát ly”. “Không niệm mà niệm” là lý nhất tâm bất loạn, đây là công phu cao nhất trong pháp môn niệm Phật vãng sanh Tịnh độ, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc không cần cao như vậy, chỉ cần công phu thành phiến là được, đây là sự nhất tâm bất loạn, là có niệm mà niệm. Niệm này chính là A-di-đà Phật, trừ A-di-đà Phật ra không có niệm nào khác, cũng chính là không tạp niệm, không vọng tưởng.

         Chúng ta phải đi con đường này. Ngoài con đường này ra, không có con đường thứ hai có thể đi. Nếu như có người nói còn có phương pháp xảo diệu hơn thì không được tin, đều là giả. Chúng ta phải đi con đường này, chỉ cần bạn chịu tin tưởng con đường này, chịu đi con đường này, hơn nữa kiên quyết đi tới cùng thì con đường này bạn nhất định sẽ đi được thông. Vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn sẽ cứu cánh viên mãn thoát khỏi lưới ma, bạn cứu cánh viên mãn giải thoát khỏi trói buộc. Con người hiện nay thật khổ, khổ không thể tả. Bị hãm sâu vào lưới Ma Kiến không thể thoát khỏi, đức Phật chỉ cho chúng ta con đường giải thoát, nhưng chúng ta không tin, không đi! Chúng ta nói về hôn nhân mà xem, hôn nhân hiện nay không ổn định, tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng nhanh, đây là sự thật rõ như ban ngày. Hơn 60 năm về trước, lúc đó tôi mười mấy tuổi, chưa từng nghe qua từ ly hôn. Bây giờ từ ly hôn đã trở thành câu cửa miệng.

         Trước đây nghe nói ở nông thôn khó lấy vợ, bởi vì phải có sính lễ, không có được sinh lễ thì không thể lấy được vợ. Lại nhìn thành phố hiện nay, lấy vợ cũng rất khó. Gia đình có mức lương bình thường cũng khá khó khăn! Con gái bây giờ tìm đối tượng, thông thường sẽ hỏi bốn vấn đề: “Có nhà chưa, diện tích bao nhiêu? Có xe chưa, hãng nào? Có tiền không, tài khoản tiết kiệm có bao nhiêu? Có ở cùng với cha mẹ không?” Nền tảng của hôn nhân như vậy là gì? Có thể ổn định không? Có thể duy trì được ba đến năm năm cũng khá lắm rồi. Không chịu trách nhiệm với chính mình, không chịu trách nhiệm với đối phương, không chịu trách nhiệm với gia đình hai bên. Đặc biệt là khi có con thì đẩy cho cha mẹ già, đúng là khổ cho con cái và cha mẹ.

         Gia đình tan vỡ, người bị tổn thương nặng nhất là con cái, tâm hồn nhỏ bé của chúng bị tổn thương, có đứa trẻ còn bị ảnh hưởng cả cuộc đời. Tôi quen một cậu thanh niên, năm nay 27, 28 tuổi rồi, em ấy không tìm đối tượng, không kết hôn, muốn ở một mình cả đời. Tôi hỏi em ấy tại sao? Em ấy nói, con có cảm giác sợ hãi đối với hôn nhân, từ nhỏ nhìn thấy cha mẹ cãi nhau, ly hôn, lớn lên lại thấy chị gái anh rể cãi nhau, ly hôn, con cảm thấy hôn nhân thật đáng sợ nên không dám tiến tới. Hôn nhân có thể hạnh phúc mỹ mãn được hay không? Mấu chốt ở quan điểm hôn nhân của bạn. Ví dụ như điều kiện tìm đối tượng của các cô gái là ngoại hình đẹp trai cao ráo, nhà có tiền, quan điểm hôn nhân như vậy nếu như có hôn nhân hạnh phúc mỹ mãn thì thật là chuyện kỳ lạ.

         Thực ra mà nói, lưới ma cũng tốt, hay lưới Tà kiến cũng tốt, không phải do người khác kéo bạn vào, mà là bạn tự mình chui vào. Trói buộc là do ai trói bạn, ai buộc bạn? Không phải người khác, là do chính mình. Cho nên gọi là tự làm tự chịu. Để tôi kể bạn nghe kinh nghiệm và cảm nhận của tôi:

         Thứ nhất: tùy duyên làm việc, liệu sức mà làm. Tôi là người không muốn suy nghĩ mọi việc, nói đại khái là chui vào lưới không sâu, bị trói buộc không nặng, nhưng không phải không có. Tôi cảm nhận sâu sắc nhất đó là vào năm 1991. Năm đó tôi làm hai việc: Việc thứ nhất là tiễn con trai tôi đi học tiếng Nga ở Saint Petersburg; việc thứ hai là quyên tiền giúp năm em nhỏ khó khăn ở Hồ Nam được đi học. Thật tình mà nói trong hai chuyện này, làm một chuyện đối với tôi cũng khó khăn rồi, làm hai chuyện cùng lúc thì không cần nghĩ cũng biết khó khăn nhường nào. Làm hai chuyện này vừa không tùy duyên cũng không liệu sức mà làm. Nếu như hỏi tôi lúc đó nghĩ gì? Hình như tôi chẳng nghĩ gì hết. Nếu như nói không nghĩ một chút nào thì hình như có chút không thực tế, có thể là nghĩ quá đơn giản. Đến khi làm mới thấy thật khó, cũng may lúc đó có con gái tôi giúp đỡ, cuối cùng cũng vượt qua được. Bây giờ nghĩ lại cũng còn sợ, mấy năm đó trôi qua như thế nào. Đó là lần đầu tiên tôi được nếm được mùi vị bị sự việc trói buộc là như thế nào, rất giày vò con người. Đó là khó khăn mang lại khi làm việc không tùy duyên, không liệu sức mà làm.

         Thứ hai: Tâm đố kỵ mạnh hại chính mình, tâm bất bình và phiền não nhiều. Một người đồng nghiệp cũ của tôi, mấy đứa con đều rất ưu tú. Trong đó có một đứa làm ở Bộ nào đó trong nhà nước, là cán bộ cấp trung, điều kiện về mọi phương diện đều tốt. Nhưng mà cô gái này có tâm đố kỵ rất mạnh, chỉ cần trong đơn vị có người được đề bạt thăng chức, trong tâm cô liền bất bình, tức giận, thậm chí là cãi cọ. Dần dà lâu ngày bị bệnh trầm cảm nghiêm trọng. Trạng thái của cô ta trực tiếp ảnh hưởng đến gia đình, dẫn đến gia đình tan vỡ. Chuyện tôi kể là người thật việc thật, không phải là chuyện bịa ra. Nhìn xung quanh chúng ta mà xem, người và việc như vậy còn ít hay sao? Người có tâm đố kỵ mạnh, hại không được người khác mà hại chính mình. Không có vui vẻ, không có bạn bè, không có sức khỏe. Một vị cán bộ trong cơ quan chính phủ, vì muốn được đề bạt thăng chức, tỉ mỉ tính toán, viết một bức thư nặc danh tố cáo đối thủ cạnh tranh của mình, tố cáo tham ô, nhận hối lộ. Bởi vì đang trong thời khắc mấu chốt đề bạt cán bộ, có người tố cáo người này, vậy thì chắc chắn phải tạm thời dừng lại, phải đợi điều tra. Kết quả điều tra cho thấy nội dung bức thư là giả, là vu khống. Người viết thư tố cáo bị điều tra ra, nhân phẩm như vậy liệu có thể được đề bạt không? Bị đì xuống năm sáu năm không ngóc lên được. Là do ai hại? Do chính mình hại, bị tâm đố kỵ hại.

         Thứ ba: Chuyện gì đến cũng bình tĩnh, thản nhiên đối mặt với bệnh khổ. Trải nghiệm của những năm này, cá nhân tôi có thể hội: ải bệnh khổ còn khó qua hơn ải sanh tử. Tại sao có người bình thường công phu niệm Phật xem chừng cũng khá, tới sau cùng lại thối tâm, nguyên nhân là gì? Thứ nhất là không qua được cửa ải bệnh khổ, thứ hai là không qua được cửa ải sanh tử. Hai cửa ải này tôi đều từng trải qua. Hai cửa ải này đích thực khó qua. Rất nhiều người không chịu được sự giày vò của bệnh khổ mà từ bỏ tín niệm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, đánh mất cơ duyên quý báu vãng sanh Tịnh độ. Vô cùng đáng tiếc. Tôi nhớ vào năm 2000 tôi bệnh nặng, bệnh tình nguy kịch, vừa phải đối mặt với sự giày vò của bệnh tật, lại phải lúc nào cũng đối mặt với cái chết cận kề. Lúc đó tôi không có lối thoát, không có đường lùi, chỉ có đường chết. Cũng có thể bởi vì như vậy đã khiến tôi quyết một lòng đối mặt với bệnh khổ và cái chết. Có khi sự việc lại thật sự không thể nghĩ bàn, bạn thật sự buông xuống bệnh tật, thật sự buông xuống sanh tử thì bệnh tật và cái chết lại lui đi. Tôi chính là một ví dụ có thật. Chuyện gì đến cũng bình tĩnh, thản nhiên đối mặt, hết thảy tùy duyên. “Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh”, bạn nghĩ bệnh liền bệnh, nghĩ đau liền đau, nghĩ chết liền chết, tại sao bạn không nghĩ tới A-di-đà Phật? Bạn sợ hãi bệnh khổ, sợ hãi cái chết thì có tác dụng gì đâu? Phát đại tâm, phát đại nguyện, buông xả túi da thối này, cứ kệ nó đau, cứ để nó chết! Chân ngã là vĩnh viễn tồn tại, là không sanh không diệt. Hiểu rõ chân tướng này bạn còn sợ đau, còn sợ chết hay sao? Hiểu rõ nghiệp này thì bạn liền về nhà rồi.

         Thứ tư: Trói buộc khó cởi nhất là tình thân, hoàn toàn ảnh hưởng tới việc lớn vãng sanh là tình thân. Mỗi người chúng ta đều từng đối mặt với sinh ly tử biệt, hoặc là đang đối mặt, hoặc là sắp đối mặt với sinh ly tử biệt. Tình thân khó buông xuống, ái biệt ly khổ, đây là một trong tám khổ. Ngày 21 tháng 5 năm 2019 là ngày chồng tôi vãng sanh, 10 giờ 7 phút sáng tôi đút nước cho chồng tôi, đột nhiên phát hiện ánh mắt chồng tôi nhìn tôi hoàn toàn khác trước, ôn nhu, luyến tiếc, không nỡ, mắt chớp chớp nhìn chằm chằm tôi, hình như còn muốn đưa tay ra sờ khuôn mặt tôi. Tôi vừa thấy liền nghĩ, hỏng rồi, vướng vào tình thân rồi, ngay lúc đó tôi dứt khoát, từ sau lúc 10 giờ 7 phút đút nước xong cho tới lúc 12 giờ 28 phút vãng sanh, tôi không còn xuất hiện bên cạnh ông ấy nữa. Lúc ông ấy ra đi, con trai tôi không ở bên cạnh, con gái cũng không ở bên cạnh, tôi cũng không ở bên cạnh. Theo cách nhìn của thế tục, hình như có chút vô tình vô nghĩa. Nhưng mà tôi không hề hối hận với quyết định của mình. Tôi biết tôi không có năng lực giữ lại tánh mạng cho ông ấy, nhưng mà tôi có năng lực giữ được huệ mạng của ông ấy. Tôi không thể vì chuyện nhỏ là làm mất chuyện lớn, để tình thân chôn vùi pháp thân huệ mạng của ông ấy. Có người không hiểu cách làm của tôi, nói tôi đối xử với chồng vô tình vô nghĩa. Sai rồi! Tất cả những gì tôi làm, đưa ra quyết định có vẻ bất cận nhân tình như vậy, đó là tấm lòng chân tình, thật nghĩa của tôi dành cho chồng mình. Tôi chỉ có một suy nghĩ, đó là chặt đứt sự trói buộc của tình thân, loại trừ hết thảy sự quấy nhiễu, nhất định đảm bảo chồng tôi thuận lợi vãng sanh Tây Phương. Tôi đã làm được.

         Về vấn đề này nhất định phải xử lý thật nghiêm túc, không được có chút lơ là chủ quan. Bởi vì vãng sanh, một người một đời chỉ có cơ hội một lần, nhất định, nhất định phải nắm chắc. Tuyệt đối không được để tình thân ảnh hưởng việc lớn vãng sanh. Nói tới vãng sanh, nhân cơ hội ngày hôm nay, đem một số kinh nghiệm, bài học, những điều cần lưu ý liên quan đến tiễn người vãng sanh mà tôi từng tham dự ra chia sẻ giao lưu đúng sự thật với các đồng tu, để mọi người tham khảo. Chỉ để tham khảo mà thôi.

         Thứ nhất, nếu như điều kiện cho phép, có thể vãng sanh ở nhà thì đừng đưa tới bệnh viện; nếu như nhất định phải đưa tới bệnh viện, tuyến phòng ngự cuối cùng dù thế nào cũng không thể bị phá vỡ, đó là không thể cấp cứu, không được đưa vào phòng chăm sóc tích cực. Cấp cứu chính là chịu hình phạt địa ngục, thật quá tàn nhẫn. Họ đau khổ vạn phần nhưng không thể nói ra, họ chỉ có thể sân hận, bạn nói xem họ sẽ đi về đâu?

         Thứ hai, mời ban trợ niệm chỉ mời một nhóm, không thể mời hai nhóm. Tại sao vậy? Hai nhóm người thường không phục lẫn nhau, [người mất] ra đi tốt lành thì tranh công; ra đi không tốt thì đổ trách nhiệm cho nhau, nghiêm trọng hơn còn công kích lẫn nhau, bất lợi đối với sự hòa hợp. Ngoài ra phải mời ban trợ niệm tu cùng một pháp môn, bởi vì pháp môn khác nhau, phương pháp phương thức trợ niệm vãng sanh cũng khác nhau. Chọn người tu cùng một pháp môn tới trợ niệm vãng sanh, càng khế cơ, càng tiện lợi hơn.

         Thứ ba, thời gian ban trợ niệm tiến hành phải thích hợp, tốt nhất là ba ngày, năm đến bảy ngày cũng được. Nếu như thời gian dài hơn thì không thích hợp. Nếu như trợ niệm một tháng, hai mươi ngày, người thân và ban trợ niệm đều mệt mỏi không chịu nổi, từ đó sẽ sanh ra tâm lý chán nản. Làm thế nào để nắm bắt được thời gian tiến hành? Đây là một vấn đề khó.

         Có vài tình huống như sau: Thứ nhất là [đối với người] biết trước thời gian, nắm chắc vãng sanh, không cần trợ niệm, đây là tình huống lý tưởng nhất. Lão Bồ-tát Lưu Tố Thanh, lão Bồ-tát Lưu Minh Hoa đều thuộc trường hợp này. Biết trước thời gian, tự tại vãng sanh, không cần trợ niệm. Vậy thì tại sao lại trợ niệm? Câu trả lời của lão Bồ-tát Lưu Tố Thanh là: “Tôi không cần trợ niệm, chớp mắt liền rời đi, đi theo đức Phật. Nhưng vì độ chúng sanh, cho nên nói vẫn phải làm theo hình thức này”, cho nên hai vị lão Bồ-tát, một người trợ niệm năm ngày, một người trợ niệm ba ngày. Hình thức để độ chúng sanh mà thôi! Thứ hai là người không biết trước thời gian, nhưng mà bên cạnh có người biết rõ, biết nhìn, có thể đoán ra đại khái. Ví dụ như một số người lớn tuổi, kinh nghiệm của họ nhiều, cũng có kinh nghiệm về phương diện này thì có thể tham khảo. Thứ ba là người quay trở lại nhiều lần, nhìn thì có vẻ sắp đi rồi nhưng một lát sau thì quay trở lại. Có bốn nguyên nhân, thứ nhất là tham luyến cuộc đời này, không muốn đi; thứ hai là không buông xuống được, có vướng mắc, đặc biệt là bị tình thân trói buộc; thứ ba là oan gia trái chủ tới đòi nợ bám lấy không buông; thứ tư là người thân và ban trợ niệm có ý niệm không tốt, gấp gáp cầu mong thành tựu v.v… nguyên nhân rất nhiều. Tiễn người vãng sanh phải toàn tâm toàn lực, tâm chân thành vô cùng quan trọng. Nếu như ý kiến của người trong gia đình và ban trợ niệm không thống nhất, phải tôn trọng ý kiến của người nhà. Nếu như cho rằng không như lý không như pháp thì ban trợ niệm có thể rời đi.

         Thứ tư là lúc lâm chung, bất kỳ nghi thức gì cũng không dùng đến, đạo lý lớn thường đơn giản. Nếu như tu Tịnh độ thì không tụng kinh, không trì chú, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, hơn nữa phải niệm bốn chữ. Càng đơn giản thì sức mạnh càng lớn, thọ dụng càng lớn. Không trọng hình thức, chỉ trọng thực chất, tâm tịnh tức cõi Phật tịnh. Muốn tụng kinh Địa Tạng, kinh A-di-đà thì đợi sau khi vãng sanh bảy ngày hãy tụng. Nếu như thật sự vãng sanh, tụng kinh Địa Tạng có thể tăng phước cho họ, nâng cao phẩm vị của họ; nếu như không vãng sanh có thể giúp họ tiêu trừ đau khổ.

         Thứ năm là bệnh nặng, bệnh nguy cấp, lúc lâm chung người thân quyến thuộc, bạn bè thân thích không được thăm hỏi, sau khi vãng sanh 14 tiếng đồng hồ thì cho phép thăm hỏi. Trong 14 tiếng đồng hồ này không được khóc lóc, không được phép chạm vào thân thể người mất, đến giường cũng không được phép chạm vào. Có thể nhìn tình hình cụ thể lúc đó, sau 14 tiếng mới tắm rửa, thay quần áo xong có thể đưa tới nhà tang lễ. Nếu như điều kiện cho phép thì ở nhà niệm Phật ba ngày cũng được. Tiễn người vãng sanh phải tiến hành có thứ tự, do người chủ pháp thống nhất chỉ đạo, không được nhiều người chỉ đạo. Trong ban trợ niệm có một người thật sự tu hành đắc đạo, thì người mất được lợi ích thật sự. Không khai thị, nếu nhất định phải khai thị thì nói ngắn gọn đơn giản, không được rườm rà dài dòng văn chương. Không khai quang, không cần khai quang quang tự khai, ai có thể khai quang cho Phật đây. Điên đảo gốc ngọn bao nhiêu kiếp, ngày nay hiểu lý phải sửa đổi. Không thăm dò thân thể, nếu nhất định phải thăm dò thì đợi 14 tiếng sau.

         Thứ sáu, lúc nào thì phải nhịn ăn? Phải thuận theo tự nhiên, không thể gượng ép sắp xếp. Nhịn ăn là quá trình thanh lọc cơ thể cuối cùng, thông thường đều có quá trình này, cũng có một số trường hợp đặc biệt ngoại lệ, tình huống khác nhau. Ví dụ như chồng của cư sĩ Điêu, lão Tề nhịn ăn 13 ngày, chỉ uống nước lọc; chị gái Lưu Tố Thanh của tôi nhịn ăn 4 ngày, chỉ uống nước lọc; lão Bồ-tát Đổng Thụ Trân nhịn ăn 40 ngày, chỉ uống nước lọc, thật đúng là kỳ tích; chồng của tôi Lưu Minh Hoa, trước hôm vãng sanh một ngày buổi trưa chỉ ăn nửa chén cháo, ông ấy cũng coi như không nhịn ăn. Sau khi mấy vị này vãng sanh đều rất sạch sẽ, gọn gàng, không tiêu tiểu gì nữa.

         Thứ bảy, trợ niệm sau khi vãng sanh, không thể ít hơn 8 tiếng đồng hồ, niệm 12 tiếng, 14 tiếng thì tương đối bảo đảm. Thần thức đã rời khỏi thân thể; nếu như niệm 24 tiếng, niệm ba ngày, đương nhiên càng tốt. Chuyện này phải căn cứ theo tình hình thực tế. Lúc trợ niệm tốt nhất là che mặt người mất lại, mục đích là không để người trợ niệm bị phân tán sự chú ý.

         Thứ tám, nhớ kỹ ba điều tốt nhất. Điều thứ nhất là 49 ngày sau khi vãng sanh là khoảng thời gian chúng ta giúp đỡ vong linh tốt nhất, nhất định phải nắm chắc khoảng thời gian tốt nhất này, chỉ có 49 ngày! Không được đánh mất cơ hội, mất rồi sẽ không gặp lại nữa. Điều thứ hai là 49 ngày sau khi vãng sanh, niệm Phật hồi hướng cho vong linh là phương pháp tốt nhất để chúng ta giúp đỡ người mất. Đặc biệt là trong bảy ngày đầu tiên, nhất định không được xen tạp chuyện gì khác, chỉ thật thà niệm bốn chữ A-di-đà Phật thì công lực mạnh nhất, nhận được lợi ích lớn nhất. Tụng kinh, trì chú hay những việc khác đều kém hơn câu Phật hiệu A-di-đà Phật. Có người thích đi nghe ngóng hỏi han xem người mất vãng sanh về nơi nào? Đây là cách làm ngu ngốc, không thích hợp nhất, đúng là không lo việc chính. Cách làm như vậy không giúp người vãng sanh chút nào. Chỉ có những người con, người cháu bất hiếu mới làm như vậy! Nếu là con hiền cháu thảo thật sự thì nhất định trong 49 ngày này phải thành thật niệm Phật, giúp đỡ người vãng sanh được nâng cao phẩm vị, hoặc là giúp người vãng sanh tiêu trừ nghiệp chướng, tăng phước sanh vào cõi lành. Đây là việc chính. Điều thứ ba là niệm Phật 49 ngày hồi hướng cho người mất cũng là cơ duyên tốt nhất để chúng ta tu phước tu tuệ, tích lũy công đức. Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính mình, cả vũ trụ này là một thể.

         Thứ chín, một niệm vãng sanh lúc lâm chung cần phải có những điều kiện nào? Đại đức xưa giảng rất rõ ràng, một niệm vãng sanh lúc lâm chung ít nhất phải cần ba điều kiện. Thứ nhất là lúc lâm chung phải rõ ràng, không được mê hoặc. Lúc lâm chung mà mê hoặc thì sẽ không niệm Phật, có người nhắc nhở cũng rất khó tiếp nhận. Thứ hai là thời khắc mấu chốt có thể gặp được thiện tri thức nhắc nhở hay không, mau chóng niệm A-di-đà Phật, cầu sanh Tịnh độ, buông xuống vạn duyên. Thứ ba, có người vừa được nhắc nhở ngay lập tức tiếp nhận, ngay lập tức xoay chuyển nghĩ, đối với thế giới Ta-bà này không còn chút tham luyến nào, nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh độ. Chắc chắn nhất đó là công phu niệm Phật của chính mình thành phiến, đạt được sự nhất tâm bất loạn, có thể làm chủ chính mình, nắm chắc niệm Phật vãng sanh, không cần trợ niệm. Không phải lão hòa thượng Hải Hiền là tấm gương tốt nhất đó sao? Chính mình không làm chủ được, dựa vào ai cũng không dựa được.

         Thứ mười, sau khi người mất vãng sanh mọi việc nên làm đơn giản, không nên bày vẽ rình rang, không phô trương lãng phí, không làm hoành tráng. Nhớ kỹ: nhất định không được sát sanh, phải dùng đồ chay hoặc đồ chay là chính; nhất định không được nhân cơ hội này để vơ vét, thu nhận tiền bạc, khiến người vãng sanh phải mang nợ, thật sự là hành vi đại bất hiếu.

         Mười một, làm thế nào để ấn chứng người mất thật sự vãng sanh thế giới Cực Lạc? Điều đầu tiên chắc chắn nhất là biết trước thời gian ra đi, tự mình nói ra: Phật đến đón tôi rồi, tôi phải đi theo Phật. Có người không nói ra nổi nhưng thể hiện bằng động tác. Như vậy chắc chắn không sai, nhất định vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Những điều khác như thân thể mềm mại, đỉnh đầu ấm, có tướng lành, hỏa thiêu có xá lợi v.v… thì cho thấy qua đời rất tốt, tới ba đường thiện, có vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không? Có thể có, nhưng chúng ta cũng không thể dựa vào đó để xác nhận vãng sanh thế giới Cực Lạc. Sáng sớm hôm nay lúc xem tài liệu tôi nghĩ ra hai mươi câu thế này chia sẻ với mọi người một chút:

“Trên mạng truyền nhiều lời

Bạn phải biết lựa chọn

Thế nào là tiêu chuẩn

Lợi ích với hòa hợp

Y pháp bất y nhân

Nhất định phải nhớ kỹ

Cẩn ngôn lại thận hành

Đừng xen tạp lung tung

Giữ gìn thân khẩu ý

Nhất định đừng phạm lỗi

Nhân quả phải tự gánh

Tam đồ đang đợi mình

Địa ngục không dễ thoát

Đừng nên nhảy vào đó

Tự làm phải tự chịu

Phật cũng không giúp được

Đều là lời nói thật

Bạn nên nghe khuyên bảo

Vách núi mau ghìm ngựa

Cứu lấy chính mình đi!”

         Hai mươi câu này không nằm trong nội dung giảng bài hôm nay của tôi, mà là vào tám giờ mười lăm phút sáng nay lúc tôi xem tài liệu thì nảy ra hai mươi câu như vậy, tôi cảm thấy có thể mang lại gợi ý và giúp đỡ cho các đồng tu nên mang ra chia sẻ cùng mọi người.

         Tiết học hôm nay giao lưu tới đây, Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

Tin liên quan