KINH VÔ LƯỢNG THỌ
(PHÚC GIẢNG LẦN 2)
Tập 1
Chủ giảng: Cư sĩ Lưu Tố Vân
Thời gian: 21/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Hôm nay là ngày 21/11/2020, là một ngày đáng để kỉ niệm. Từ hôm nay trở đi tôi bắt đầu phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, nguyện đem công đức này hồi hướng cho lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không.
Báo đáp ân sư ơn tri ngộ,
Y giáo phụng hành an lòng.
Thầy ân pháp nhũ thật khó báo đáp,
Toàn tâm toàn lực hoằng đại kinh.
Thỉnh cầu ân sư thương xót chúng sanh khổ mà trụ thế độ quần manh! Chúng ta đều làm học trò ngoan biết nghe lời. Hôm nay là ngày 21/11/2020, là ngày kỉ niệm Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc tròn 8 năm, chúng tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, lấy đó biểu đạt sự tưởng nhớ và cảm ân sâu sắc của chúng ta dành cho Bồ-tát Lưu Tố Thanh.
Năm 2018, lần đầu tiên tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, tổng cộng 70 tập. Năm 2019, tôi giảng chuyên đề báo cáo kinh Vô Lượng Thọ tổng cộng 33 tập. Năm nay là năm 2020, là lần thứ hai tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, ý nghĩa càng sâu sắc hơn. Tại sao phải phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai? Dùng một câu khái quát là bộ kinh này quan trọng. Tác dụng, tầm ảnh hưởng, giá trị, địa vị, ý nghĩa sâu xa của bộ kinh này có thể nói là không thể suy tính đo lường được, thật sự là không thể nghĩ bàn. Không một bộ kinh nào có thể thay thế được. Tức là kinh Hoa Nghiêm hay kinh Pháp Hoa cũng không thể thay thế được, sau cùng cũng phải quy về kinh Vô Lượng Thọ.
Sách giáo khoa và kinh điển không giống nhau, sách giáo khoa chỉ có một ý nghĩa, cũng chỉ có một cách nói. Kinh Phật thì không như vậy, hàm nghĩa sâu rộng không gì bằng, có thể giảng sâu, cũng có thể giảng cạn. Mỗi lần giảng đều sẽ có ý mới, bởi vì cảnh giới đã khác, người giảng có cách hiểu mới, người nghe cũng có cách hiểu mới, theo cách nói của sư trưởng, đây gọi là lần sau tốt hơn lần trước.
Mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai cùng nhau tuyên thuyết vô lượng kiếp rồi lại vô lượng kiếp mà vẫn chưa thuyết xong, chúng ta giờ mới bắt đầu, mới nói một chút xíu mà thôi, con đường sau này còn dài, đâu chỉ phúc giảng một lần, hay phúc giảng hai lần, chúng ta phải liên tục phúc giảng không cùng tận, khiến cho gậy tiếp sức phúc giảng này được truyền lại về sau lâu dài, vĩnh viễn không đứt đoạn.
Lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không đã trở thành tấm gương cho chúng ta, ngài đã tuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ mười mấy lần, cho đến hôm nay ngài đã 94 tuổi mà vẫn còn đang giảng, chúng ta còn có lý do gì mà không giảng nữa?
Chúng ta là đệ tử Phật, đã quy y cửa Phật, nếu như đã quy y cửa Phật, thì phải nói lời trong cửa Phật, làm việc trong cửa Phật. Trong cửa Phật thì điều gì quan trọng nhất? Tiếp nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sanh là quan trọng nhất. Chúng ta là đệ tử Phật, có trách nhiệm, có nghĩa vụ gánh vác trọng trách tiếp nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sanh. Gánh vác trọng trách không thể chỉ nói ngoài miệng được, phải áp dụng vào trong hành động thực tế, cách thực hành tốt nhất đó là hoằng dương bộ kinh Vô Lượng Thọ này.
Phúc giảng như thế nào? Nguyên tắc căn bản không thay đổi. Vẫn giữ vững nguyên tắc căn bản là “thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ”, không được mảy may lệch khỏi quỹ đạo, lý niệm căn bản của sư trưởng: không được nghĩ ra cách độc đáo mới lạ, phát minh sáng tạo; không được bằng mặt mà không bằng lòng, làm theo cách khác; tuân theo lời dạy bảo của sư trưởng, không được huênh hoang cao giọng. Phúc giảng lần hai có chỗ nào khác? Chỗ khác biệt thứ nhất là phúc giảng lần này sẽ nói trọng tâm nổi bật của mỗi một phẩm, không nói sơ lược. Phải ở trên nền tảng của lần phúc giảng thứ nhất mà tiến thêm một bước nữa tinh lọc trọng tâm, tức là tôi sẽ hết sức tinh lọc phần cốt lõi trọng tâm của mỗi phẩm, giúp quý vị đồng tu tu học thuận tiện hơn. Chỗ khác biệt thứ hai là dùng phương pháp phân chia thứ lớp, từng bước thâm nhập, trọng tâm giải quyết vấn đề làm sao kết hợp lý luận vào thực tiễn. Hay nói cách khác, tức là làm thế nào áp dụng Phật pháp vào trong cuộc sống, học phải đi đôi với hành. Đây là chỗ vướng mắc mà đợt phúc giảng này chúng ta phải đột phá. Tại sao tôi lại muốn đột phá chỗ vướng mắc này? Là vì đã nhiều năm như vậy, không ít đồng tu đã hỏi tôi một vấn đề giống nhau, đó là tại sao công phu niệm Phật không đắc lực? Đối mặt với vấn đề mà quý đồng tu hỏi, tôi thật sự đang nghiêm túc suy nghĩ tìm tòi, muốn giải đáp cho quý vị đồng tu. Lời giải đáp này không thể nói kiểu trịch thượng, cũng không thể nói khoác lác, không thể nói kiểu cách, không thể nói kiểu thiếu tôn trọng người khác, đáp án này phải thực sự giải quyết vấn đề mới được. Nhưng mà tôi không làm được, tôi trước sau vẫn chưa tìm ra được một đáp án chuẩn xác phù hợp với thực tế. Tôi cảm thấy rất hổ thẹn, đã phụ sự kỳ vọng và tín nhiệm của quý đồng tu dành cho tôi. Cư sĩ Điêu ở bên cạnh tôi chính là ví dụ thực tế rõ ràng của công phu niệm Phật không đắc lực.
Vấn đề này mặc dù tôi không tìm thấy đáp án nhưng tôi không bỏ cuộc, vẫn luôn quan sát và suy ngẫm, muốn tìm ra chỗ đột phá để giải quyết vấn đề này. Từ tháng 11 năm 2019 đến cuối tháng 3 năm 2020, trong thời gian năm tháng, tôi đã âm thầm làm một chuyện, đồng tu ở xung quanh không ai biết hết. Tôi đang mổ xẻ chim sẻ, con chim sẻ ấy chính là tôi, một con chim sẻ khác là Cư sĩ Điêu. Ở chỗ này tôi cũng không khiêm tốn nữa, có gì nói đó, tôi coi mình là con chim sẻ có công phu niệm Phật khá đắc lực, còn Cư sĩ Điêu là con chim sẻ có công phu niệm Phật không đắc lực. Sau đó từng bước mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân đã giúp công phu niệm Phật của tôi đắc lực, khá đắc lực, cũng không phải mới học Phật là đã đắc lực ngay, mà cần có một quá trình tiến dần từng bước. Nhớ lại công phu niệm Phật của tôi từ chưa đắc lực đã từng bước như thế nào để trở thành đắc lực, quá trình xoay chuyển và biến hóa đó, tôi sắp xếp lại thành mấy điều để cung cấp cho mọi người tham khảo. Tổng cộng tôi liệt kê ra năm nguyên nhân giúp công phu niệm Phật của tôi đắc lực, trong đó có điều thứ tư tôi cho rằng là mấu chốt quan trọng nhất. Điều này là tôi chú trọng thực hành, học hiểu một điều thì thực hành một điều, học kết hợp với hành. Sau đó lấy cư sĩ Điêu làm thí dụ, phân tích một chút nguyên nhân công phu niệm Phật không đắc lực, tổng cộng tôi liệt kê ra sáu điều, nguyên nhân khiến công phu niệm Phật không đắc lực:
Một là không biết sai, không sửa sai.
Hai là tập khí nặng.
Ba là tố chất cơ bản kém, điển hình là không biết cách nói chuyện, không hiểu những thường thức căn bản trong cuộc sống.
Bốn là giỏi ngụy biện, sai mà vẫn cố cãi.
Năm là có tín có nguyện nhưng không nỗ lực thực hành, lý luận và thực tiễn tách rời nhau, không thực tế.
Sáu là không giữ được câu Phật hiệu.
Phân tích mấy nguyên nhân khiến công phu niệm Phật của Cư sĩ Điêu không đắc lực, trong đó có vấn đề riêng của Cư sĩ Điêu, cũng có vấn đề chung của các đồng tu. Tôi cảm thấy hai nguyên nhân: học không nỗ lực thực hành và không giữ được câu Phật hiệu chính là hai vấn đề chung nổi bật nhất. Hai vấn đề chung này chính là chỗ đột phá và vướng mắc mà tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần này.
Chỗ khác biệt thứ ba đó là cố gắng hết sức dùng đủ ví dụ thực tế để giải đáp những vấn đề thuộc về lý, để quý đồng tu có thể thấy được, chạm tới được, nắm vững được. Chỗ khác biệt thứ tư là có thể dành chút thời gian giao lưu với nhau. Chọn ra chỗ thể hội tâm đắc có tính đại biểu khi nghe kinh của các đồng tu giao lưu ở trên mạng, để giúp mọi người học tập lẫn nhau, cùng nhau nâng cao, đây là cách nghĩ có chút non nớt của cá nhân tôi.
Nghe phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần hai như thế nào?
Một là nghe và xem cùng kết hợp, tiến hành đồng thời. Nếu như điều kiện cho phép, đề nghị quý đồng tu thân phải tịnh lại, tâm cũng phải tịnh lại, ngồi xuống vừa nghe vừa xem, như vậy mới có hiệu quả tốt nhất, chuyên tâm nghe, không nên ghi chép. Còn nên nghe mấy lần? Điều này mỗi người mỗi khác, hoàn cảnh của mỗi người khác nhau, không thể áp đặt như nhau, không thể gượng ép phải giống nhau.
Hai là xem văn bản đồng thời đánh dấu trọng điểm.
Ba là áp dụng vào đúng hoàn cảnh, thực hành cụ thể. Thực hành rất quan trọng, lần này trọng tâm của chúng ta là nhấn mạnh thực hành, nghe hiểu được bao nhiêu thì thực hành bấy nhiêu.
Bốn là nắm bắt trọng tâm, không được tham nhiều. Thực hành phải nắm vững trọng tâm, không được tham nhiều, tham nhiều sẽ không tiêu hóa hết. Nhắm vào vấn đề nổi bật của mỗi người, khắc phục khó khăn trọng tâm, thực hành, nhất định phải thực hiện được, không những phải thực hiện mà còn phải thực tế, làm một cái chắc một cái, tránh qua loa cho xong chuyện, chỉ hình thức mà thiếu thực tế.
Năm là kiểm tra thành quả, nghe mọi người nói. Thành quả của việc áp dụng như thế nào, tự mình khoe khoang chính mình thì không tính, phải nghe người thân họ hàng nói như thế nào đó; nghe bạn bè thân thiết nói như thế nào đó; nghe bạn học, đồng nghiệp nói như thế nào đó; nghe hàng xóm láng giềng nói như thế nào đó; nghe bạn đồng tu nói như thế nào đó.
Sáu là tuyệt đối không được một ngày làm, mười ngày không, nếu vậy sẽ không thu được kết quả. Áp dụng Phật pháp vào trong cuộc sống là một việc phải kiên trì lâu dài, không thể một ngày nhiệt tình rồi 10 ngày bỏ mặc. Nếu như có thể kiên trì, đời này ắt có thành tựu. Lần thứ hai phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, đối với cá nhân tôi mà nói cũng không phải là chuyện đơn giản dễ dàng, tuổi tác ngày càng cao, thể lực ngày càng kém, đây là chuyện mà tôi chắc chắn phải đối mặt. Vậy thì tại sao tôi có dũng khí phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai? Có vài nguyên nhân như thế này:
– Nguyên nhân thứ nhất là năm 2018, lần đầu tiên phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ khiến tôi tự mình thể hội được thế nào là Phật lực gia trì không thể nghĩ bàn. Bây giờ, nhớ lại lần phúc giảng đầu tiên đó, có thể là do nhân duyên đặc thù, là chư Phật, Bồ-tát điểm hóa tôi, muốn tôi giảng. Khi bạn bè đồng tu xung quanh khuyên tôi nên giảng, áp lực tư tưởng của tôi rất lớn. Tôi thật sự nơm nớp lo sợ, do dự không quyết định, không phải là tôi lười biếng, mà tôi sợ giảng sai khiến chúng sanh hiểu lầm. Điều thúc đẩy tôi hạ quyết tâm giảng bộ kinh này đó là bốn chữ mà chư Phật, Bồ-tát điểm hóa tôi. Tôi tin rằng chư Phật, Bồ-tát sẽ không lừa tôi, không hại tôi. Thực tế chứng minh rằng, từ năm 1991 sau khi tôi thỉnh đức Quán Âm Bồ-tát, phàm là chuyện gì chư Phật, Bồ-tát điểm hóa tôi đều vô cùng chính xác. Ví dụ như năm 2003 là thời điểm Trương Vinh Trân vãng sanh, năm 2007 là thời điểm chồng của Cư sĩ Điêu là Tề Thụ Kiệt vãng sanh, năm 2012 là thời điểm chị gái tôi là lão Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh, vấn đề hướng đi sau khi tốt nghiệp đại học của con trai của bạn thân tôi, không có một chuyện nào là không chính xác. Những chuyện này tuyệt đối không phải do tôi tự nghĩ ra được.
Sự tin tưởng của tôi đối với chư Phật, Bồ-tát đã thúc đẩy tôi hạ quyết tâm phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ. Lúc viết bản thảo để giảng quả thực là có kỳ tích:
+ Kỳ tích thứ nhất: bản thảo 450 ngàn chữ, viết một mạch là xong, không viết nháp cũng không sửa đổi, viết một lần là xong.
+ Kỳ tích thứ hai: thời gian viết bản thảo là bảy mươi ngày, mỗi ngày viết 8 tiếng đồng hồ, dùng bút viết ra từng chữ từng chữ một. Viết bản thảo bảy mươi ngày mà không biết mệt mỏi, tinh thần lại sung mãn! Đối với một bà lão hơn 70 tuổi mà nói có phải là kỳ tích hay không?
+ Kỳ tích thứ ba: sau khi viết xong bản thảo 450 ngàn chữ, kính lão mà tôi đeo 25 năm nay cũng được tháo xuống, từ đó trở đi không còn cần phải đeo kính lão nữa. Trong quá trình thu âm, ghi hình, giảng kinh liên tục hiện ra tướng lành, đây không phải chuyện mà ai đó có thể bịa đặt ra được, mà là mọi người đều chạm tới được, nhìn thấy được, sự thực quá rõ ràng. Chính bởi vì mọi người tận mắt thấy được cho nên mới pháp hỷ sung mãn, vui mừng phấn khởi, cả đạo tràng trở nên cát tường hài hòa. Gạt bỏ được sự quấy nhiễu, oai thần của đoàn thể hộ pháp hiển hiện. Từ khi tôi bắt đầu viết bản thảo cho tới lúc thu âm, ghi hình, rồi chính thức giảng kinh, sự quấy nhiễu của thế giới bên ngoài vẫn chưa hề dừng lại, khí thế to lớn, phủ rợp như mây đen che đầu. Nhưng mà tà không thể thắng chánh, tầng tầng lớp lớp đoàn thể hộ pháp mà tôi nhìn thấy được hoặc không nhìn thấy được, thật sự là hiển hiện oai thần to lớn, quá mạnh. Sự quấy nhiễu của thế giới phồn hoa bên ngoài lớn như vậy, nhưng vẫn không quấy nhiễu được tôi, thật sự là cho dù mây gió biến đổi thất thường thế nào thì tôi vẫn như như bất động. Đoàn thể hộ pháp cho tôi đã lập đại công. Mọi thứ quấy nhiễu bên ngoài không thể ngăn cản được tôi, ngược lại trở thành động lực đẩy nhanh tôi về phía trước hơn.
Bảy mươi tập bài giảng kinh Vô Lượng Thọ tải lên mạng trên cơ bản là thuận lợi, trong quá trình đó bị một vài trở ngại nhỏ xen vào cũng là chuyện bình thường. Tinh thần cống hiến hết mình cho sự nghiệp của kí giả Vu đáng để chúng ta học tập, ông ấy đã dùng trí tuệ thông minh của mình hóa giải từng bài toán khó một. Những điều tôi nói trên đây là muốn nói cho mọi người biết, Phật lực gia trì không thể nghĩ bàn. Sự gia trì không thể nghĩ bàn này có thể nói từ ba phương diện: người giảng kinh chắc chắn được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai từ bi gia trì; người nghe kinh chắc chắn được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai từ bi gia trì; đạo tràng giảng kinh chắc chắn được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai từ bi gia trì. Đây là cảm nhận chân thực nhất của tôi khi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ nhất. Cho nên, điều đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp tôi có dũng khí phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai.
– Nguyên nhân thứ hai đó là tình hình dịch bệnh nghiêm trọng trên thế giới đã nhắc nhở tôi, tôi nhất định phải làm việc này. Năm 2020 là một năm trôi qua rất khó khăn. Đột nhiên xuất hiện dịch Covid càn quét toàn thế giới, đại thiên nhiên nổi giận, bắt đầu báo thù loài người. Tại sao lại ra như vậy?
Loài người không xử lý tốt mối quan hệ giữa người với người;
Loài người không xử lý tốt mối quan hệ giữa người với đại tự nhiên;
Loài người không xử lý tốt mối quan hệ giữa người với thiên địa quỷ thần.
Bởi vì ba mối quan hệ này chưa được xử lý tốt nên thế giới hỗn loạn, tai nạn kéo đến, báo ứng hiện tiền. Đây là tội ác do chính loài người tạo ra, đương nhiên loài người phải tự mình nếm trải quả báo ác này. Là kết cục thảm hại do chính loài người chiêu cảm lấy, đây gọi là tự làm tự chịu. Loài người đang đi về nơi nào? Đã tới thời khắc mấu chốt hết sức nguy ngập rồi.
Dịch Covid lần này đã lan tới hơn 200 đất nước trên toàn thế giới, đã vén lên bức màn tai họa, dịch bệnh lần này có thể nói là đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại, muốn dẫn dắt nhân loại thức tỉnh, nếu nhân loại còn không chịu thức tỉnh thì tai họa lớn hơn còn chờ ở phía sau. Thời mạt pháp 9.000 năm, chúng sanh khổ nạn dựa vào đâu để được độ? Là dựa vào kinh Vô Lượng Thọ và câu Phật hiệu A-di-đà Phật, thân là đệ tử Phật, chúng ta có thể làm được chút gì để cứu độ chúng sanh khổ nạn? Phải thận trọng suy ngẫm! Chúng ta có thể làm gì cho chúng sanh khổ nạn? Có nền tảng phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần đầu, có chư Phật Như Lai từ bi gia trì, có Thiên Long hộ pháp và chư thiện thần hộ pháp từ bi che chở, được sự ủng hộ khích lệ của đông đảo đồng tu, đây cũng là nguyên nhân thứ hai giúp tôi có dũng khí phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai.
– Nguyên nhân thứ ba: sứ mạng trên vai. Hoằng dương kinh Vô Lượng Thọ và pháp môn niệm Phật của Tịnh độ, đây là một trong ba sứ mạng của tôi, tôi nhất định phải nghiêm túc hoàn thành ba sứ mạng này, để báo đáp ân đức của Phật, ân đức của thầy, ân đức của chúng sanh. Sanh mạng chưa dừng, giảng kinh không ngừng. Sanh mạng của tôi có hạn, tôi phục vụ cho chúng sanh là vô hạn. Tôi phải dùng từng giây từng phút trong sanh mạng có hạn của mình để phục vụ chúng sanh vô hạn. Chỉ có như vậy tôi mới sống không hối hận, chết không hối tiếc, thản nhiên trở về Cực Lạc. Tại sao nhiều năm như vậy mà tôi vẫn không cảm thấy phiền khi nói với quý vị đồng tu nhiều như vậy, có thể nói là đau lòng buốt họng, thực ra tính cách của tôi rất hướng nội, là một người ít nói, tại sao bây giờ lại thay đổi lớn như vậy? Do bị ép thành như vậy. Hơn 20 năm trước, cuộc sống của tôi ở trong vực thẳm đau khổ, không thể tự thoát khỏi, thậm chí là muốn chết đi cho xong. Nghe được Phật pháp, nghe sư trưởng giảng kinh Vô Lượng Thọ, tôi hiểu rõ lý, đã thông suốt, từ trong vực thẳm đau khổ tôi thoát ra ngoài, tôi lìa khổ rồi, tôi được vui rồi, tôi là người nhận được lợi ích chân thật nhất từ kinh Vô Lượng Thọ.
Tôi không phải là người ích kỷ. Tôi từng trải qua đau khổ, khó khăn, bệnh tật, đau đớn không muốn sống nữa, tôi không thể thỏa mãn khi chỉ mình tôi lìa khổ được vui, tôi phải giúp quý vị đồng tu không phải đi qua con đường đau khổ mà tôi từng đi, mà muốn giúp quý vị đi con đường tắt hướng tới hạnh phúc, mỹ mãn, vui vẻ, như vậy thì mọi người mới bớt phải đi đường vòng. Đây là nguyện vọng ban đầu đã khiến tôi vẫn luôn nói nhiều với quý vị trong nhiều năm như vậy. Tôi nghĩ, giải thoát một người thì được một người, giải thoát mười người thì được mười người, đương nhiên tôi hi vọng người được giải thoát càng nhiều càng tốt. Tôi thấy quý vị đồng tu học Phật, có người học tạp, có người học sai lệch, có người học tà, có người học mê muội, có người học tới mức mắc bệnh thần kinh, tư tưởng lời nói hành vi không bình thường, có người học tới mức thần kinh không bình thường, cả ngày cứ thần, tiên, quỷ, không lúc nào dứt, có người thì hôm nay bị nhập xác, ngày mai lại bị nhập xác, khổ không thể tả. Nhìn thấy những chuyện như vậy, tôi thật sự đau đớn trong lòng, khóc không ra nước mắt. Học thành ra như vậy, có phải là lỗi lầm của kinh điển hay không? Không phải, có phải là lỗi lầm của chư Phật Bồ-tát hay không? Không phải. Là lỗi lầm của ai? Là lỗi lầm của chính mình, là do chúng ta hồ đồ học tập lung tung, gặp phải kết quả như vậy vô cùng đáng sợ, cũng vô cùng đáng thương.
Có một bộ kinh tên là “A-nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh”, đây là bộ kinh điển nhập môn vô cùng quan trọng. Câu đầu tiên Phật dạy chúng ta, phải dựa vào “minh sư”. Chữ “minh” này không phải là danh tiếng rất lớn, mà là minh trong câu “tâm địa quang minh”. Có tiếng tăm lớn cũng vô dụng, người hiện đại rất biết cách tạo danh tiếng, phù phiếm mà không thật, chỉ là thủ đoạn lừa người mà thôi. Cho nên có tiếng tăm cũng không cho thấy là người đó có tu có học, người thật sự có tu có học ngược lại không ai biết tới, đó mới là người tu hành chân chánh, đó mới là thiên tri thức thực sự. Tìm một người thầy thực sự có tu, có học, có chánh tri chánh kiến để chỉ dạy bạn, bạn sẽ không đi sai đường. Bạn tìm được thầy rồi thì nhất định phải nghe lời thầy mới được. Nếu như không nghe lời, còn hoài nghi thầy mình, hoài nghi phương pháp tu học dạy bảo của thầy. Thái độ như vậy là chướng ngại lớn nhất trên đường Bồ-đề, kết quả là không học được gì hết. Thế nào gọi là thầy? Thầy chính là người mà trước đây đã đi qua các con đường, đã chịu rất nhiều thiệt thòi, đã trải qua nhiều trở ngại, bây giờ thầy đem mọi kinh nghiệm tu học mà thầy trải qua truyền thụ lại cho bạn, cũng nói cho bạn nghe giáo huấn của thầy, để trong quá trình tu học bạn không phạm phải lỗi lầm giống như vậy, đó mới gọi là “thầy”.
Những năm gần đây, tôi nghe có người nói như thế này, Lưu Tố Vân không biết giảng Phật pháp, chỉ biết nói những chuyện thường ngày trong nhà. Nghe được lời này tôi cũng không để bụng chút nào, người ta nói rất đúng! Bởi vì kinh nghiệm của tôi cũng tốt, giáo huấn cũng tốt nhưng đều là những chuyện thường ngày, không nói những chuyện này mà toàn nói những lý luận to lớn, nói những lời kiểu cách, khoa trương, giả tạo đó sẽ không giải quyết được vấn đề thực tế. Vẫn nên thực tế một chút, cho dù là giảng Phật pháp hay không, miễn có thể áp dụng là được.
Người đi sau ghi nhớ giáo huấn của người đi trước, không phạm phải sai lầm của người đi trước, người đi sau càng cao minh hơn người đi trước. Học trò như vậy nhất định sẽ giỏi hơn thầy, có câu “màu xanh lấy từ cây chàm nhưng đậm hơn cây chàm”, đó là sư đạo. Nhưng phải nhớ kĩ, nếu như có một ngày bạn giỏi hơn thầy thì nhất định không được quên thầy mình, không có thầy thì làm sao có thành tựu của bạn? Tôn kính thầy phải dùng tâm chân thành chứ không phải chỉ nói ngoài miệng, về hình thức thì tôn kính thầy, sau lưng thầy lại lén làm chuyện xấu xa trái đạo đức. Người hiện nay phước mỏng, không biết đạo phụng sự thầy, Đạo phụng sự thầy là phải nhớ lấy con đường vòng mà trước đây thầy từng đi qua, mình sẽ không đi, đó là đạo phụng sự thầy. Nếu như con đường vòng mà thầy từng đi, chúng ta vẫn cứ tiếp tục đi, đó là mê hoặc điên đảo, là ngu ngốc thật sự.
Nhớ lại con đường học Phật 20 năm tôi đã đi qua, trên căn bản đều là tiếp cận đạo phụng sự thầy mà sư trưởng dạy. Cảm ơn mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai từ bi gia trì, giúp tôi lúc mới học Phật đã được nghe chánh pháp, gặp được minh sư, đi trên con đường học Phật đúng đắn. Tôi thật sự rất may mắn, gặp được nhân duyên tốt như vậy. Sư trưởng từng kể qua một chuyện thế này, một hôm có người hỏi ngài: “Pháp sư, ngài học như thế nào, có thể kể cho con biết trải nghiệm của thầy được không?” Người này muốn theo sư trưởng học tập. Sư trưởng nói với người đó, tôi học Phật 38 năm (đây là thời điểm sư trưởng trả lời), con đường mà tôi lần mò tìm tòi đã đi rất vất vả. Nếu anh nghe lời tôi, đi theo con đường tôi dạy thì anh sẽ tiết kiệm được 38 năm; nếu anh đi theo con đường tôi từng đi thì 38 năm sau chưa chắc có được thành tựu giống tôi”. Mọi người có nghe hiểu lời này không, sư trưởng dùng 38 năm thực tiễn, sau cùng mới tìm thấy con đường học Phật đúng đắn, bạn muốn đi con đường nào? Hai con đường: một là con đường mà lão pháp sư từng đi qua 38 năm, bạn đi lại từ đầu một lần nữa, tự mình lần mò tìm tòi; hai là con đường đúng đắn có sẵn mà sư trưởng đã tìm tòi ra. Sư trưởng nói với chúng ta, đức Phật trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, con đường ngài đi quá vất vả, quá oan uổng, chịu rất nhiều khổ cực, cuối cùng mới tìm ra con đường thành Phật. Ngài tìm thấy con đường, đem con đường ấy chỉ lại cho chúng ta nhưng chúng ta không chịu tin tưởng, vẫn muốn đi theo con đường cũ mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã từng đi qua, lại phải trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp mà vẫn tìm không được, bạn nói xem như vậy khờ dại, đáng thương biết bao.
Con đường thành Phật của hết thảy chư Phật là gì? Chính là một câu “A-di-đà Phật”. Sau khi trải qua vô lượng kiếp, đức Phật Thích-Ca Mâu-ni tìm ra con đường thành Phật cũng là câu “A-di-đà Phật” này, Phật Phật đạo đồng. Nếu như chúng ta có thể tiếp nhận thì gọi đó là sư thừa, sư đạo. Bổn sư Thích-Ca Mâu-ni Phật của chúng ta trải qua vô lượng kiếp mới phát hiện ra, lúc này chúng ta tiếp nhận lập tức liền thành công, địa vị bình đẳng với ngài. Ngài thành Phật, chúng ta cũng thành Phật, mà còn thành Phật bình đẳng. Khó tin, thật sự khó tin! Có biết bao người hoài nghi, có thể là thật sao? Làm gì có chuyện tốt đẹp lại dễ dàng như vậy? Thật sự có chuyện tốt như vậy, nguyên lý là gì? Nguyên lý đó là dùng phương pháp niệm Phật để tu tâm thanh tịnh. Kinh văn nói: “tín tâm thanh tịnh, ắt sanh thật tướng”. Vô lượng vô biên kinh điển mà Phật thuyết, toàn bộ là trong tâm thanh tịnh tự nhiên hiển lộ ra. Tâm của chúng ta thanh tịnh rồi thì sẽ giống như tâm của Phật, hết thảy kinh điển cũng giống vậy, sẽ từ trong tự tánh của chúng ta hiển lộ ra, sao có thể không hiểu, không sáng tỏ cho được? Cho nên người xưa nói: “Một kinh thông, hết thảy kinh thông”. Sư trưởng từng nói một đoạn thế này: “Một kinh thông tức là quyết một lòng học một bộ kinh. Hiện nay tôi giảng kinh trên toàn thế giới chỉ giảng bộ kinh Vô Lượng Thọ này, những kinh khác tôi đều không giảng nữa. Tại sao vậy? Những kinh khác đều là hạng hai, hạng ba, hạng bốn. Hiện nay tôi chỉ muốn giảng bộ hạng nhất. Trước đây giảng rất nhiều kinh điển là bởi vì chưa phát hiện ra, chưa biết hàng, chưa tìm được. Bây giờ tìm được rồi, mới biết rằng ngay cả kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa đều là hạng hai, những kinh điển hạng ba tôi không giảng nữa. Bộ kinh này thực sự là kinh đệ nhất mà chư Phật Như Lai tự độ hóa tha”.
Đoạn này bạn nghe hiểu không? Nghe hiểu rồi thì bạn sẽ thể hội được, bạn học tập bộ kinh điển này chính là “trụ chân thật tuệ”, cái bạn có được là lợi ích chân thật. Bạn sẽ cảm nhận được lợi ích viên mãn, thẳng tắt, cứu cánh. “Nhất siêu trực nhập, tối cực viên đốn”, hàm nghĩa của tám chữ này vô cùng sâu rộng. Chúng ta tỉ mỉ thể hội thì mới đạt được lợi ích thật sự. “Nhất siêu”, không chỉ là siêu mà còn phải “trực nhập”, không rẽ quẹo. Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều rẽ quẹo, chỉ có pháp môn này mới trực tiếp đi vào. Đây là bất nhị pháp môn giúp hết thảy chư Phật thành Phật, đương nhiên cũng là bất nhị pháp môn giúp chúng ta thành Phật. Sư trưởng từng nói rằng, người đệ nhất đẳng sẽ đọc một bộ kinh, đây là bậc thượng thượng căn, hết thảy chư Phật đều kính trọng người này, bởi vì thật hiếm có. Một đời đọc một bộ kinh là chuyên tinh. Người đệ nhị đẳng sẽ đọc hai ba bộ kinh. Người đệ tam đẳng sẽ đọc năm sáu bộ kinh, đọc càng nhiều thì thứ hạng càng thấp. Sư trưởng khuyên bảo mọi người như vậy: “Nếu như quý vị là người đệ nhất đẳng, một đời chỉ thọ trì một bộ kinh, kinh Vô Lượng Thọ hoặc kinh A-di-đà. Nếu như là người đệ nhị đẳng thì khuyên quý vị thọ trì Tịnh độ ngũ kinh. Nếu như người đệ tam đẳng thì học thêm Tịnh Độ Thập Yếu, Ấn Quang Đại Sư Văn Sao. Nếu như vẫn cảm thấy chưa đủ thì tôi không nói gì nữa, vì đời này chưa chắc bạn có thể vãng sanh được.
Sư trưởng còn nói: “Nếu như tôi dạy quý vị đi theo con đường mà tôi từng đi, vậy thì tôi có lỗi với quý vị. Tương lai nếu quý vị thực sự giác ngộ thì sẽ mắng tôi, sẽ cảm thấy tôi thật đáng ghét, rõ ràng có con đường gần lại không dạy quý vị, mà lại dạy quý vị đi rất nhiều đường vòng vèo quanh co. Quý vị sẽ hận tôi, là tôi có lỗi với quý vị”. Cũng giống như hết thảy chư Phật tìm ra được con đường thành Phật, hôm nay chư Phật nói cho chúng ta biết, nếu chúng ta lập tức tiếp nhận thì chư Phật Bồ-tát đều khâm phục thiện căn, phước đức, nhân duyên của chúng ta quá tốt! Chư Phật phải dùng vô lượng kiếp, mà chúng ta lại chẳng tốn chút công nào liền có thành tựu ngay lập tức, thành quả lập tức tương đương với các ngài, Phật, Bồ-tát cũng bội phục, đích thực là không thể nghĩ bàn. Sư trưởng vô cùng từ bi, ngài đã nói hết tất cả, nếu như chúng ta còn nghe chưa hiểu, vẫn thờ ơ chẳng chịu làm, vậy thì thật sự là Nhất-xiển-đề. A-di-đà Phật cũng chỉ đành nhìn mà thở dài mà thôi. Trước khi chính thức giảng kinh lại nói nhiều lời thừa với mọi người như vậy, thật sự có chút không đành lòng. Có đồng tu có thể sẽ nói: “Thưa cô, nếu như cô đã biết là lời thừa, tại sao còn nói ra?” Haiz, bất đắc dĩ phải làm như vậy. Nói lời thật thì người ta không tin! Vậy thì phải làm sao? Phải dùng những lời thừa để lót đường, mở đường, dọn dẹp đường xá, quét đi chướng ngại cho lời nói thật phía sau. Hi vọng sau khi phúc giảng viên mãn kinh Vô Lượng Thọ lần hai này, sẽ có càng nhiều đồng tu khai ngộ, chứng quả.
Có mấy bài kệ tụng, xin tặng cho mọi người:
“Cha hiền thức tỉnh con
Chọn đúng cửa nhà mình
Đã có đường về nhà
Đừng đi đường vòng nữa”.
“Đệ nhất kinh Vô Lượng Thọ
Quý vị đồng tu phải nhớ kỹ
Độ chúng sanh chín ngàn năm Mạt pháp
Chính là nhờ vào bộ kinh này”
“Nhân duyên của bạn rất thù thắng
Kiếp này gặp được bộ kinh này
Nhất thiết trân trọng đừng bỏ lỡ
Đời này nhất định tới Cực Lạc”.
Có vài chuyện tôi muốn thông báo với mọi người một chút. Chuyện thứ nhất đó là bản thảo phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, ngày 12/05/2020tôi bắt đầu cầm bút viết. Bây giờ đã nửa năm trôi qua, tôi đã viết xong tập thứ năm mươi, mười bảy phẩm đầu tiên, phía sau còn ba mươi mốt phẩm tôi vẫn chưa viết, thậm chí còn phải viết bao nhiêu tập tôi cũng không biết, hết thảy tùy duyên, tôi tính toán sơ bộ hoàn thành toàn bộ bản thảo thì được khoảng 100 tập. Từ hôm nay trở đi tôi gác lại chuyện viết bản thảo, tập trung tinh lực giảng tốt 50 tập đã viết xong bản thảo. Đợi thu âm, ghi hình xong tôi sẽ tiếp tục viết. Lần thứ hai phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ không định dùng phương thức này để gặp mọi người, vốn là dự định viết xong bản thảo sẽ niêm phong lại đợi có lúc cần dùng. Thậm chí là nhiều năm về sau dùng phương thức như thế nào để gặp mọi người thì đó là chuyện của người kế nhiệm, hết thảy tùy duyên!
Lần này tạm thời quyết định phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần hai là vì muốn hồi hướng cho ân sư thượng Tịnh hạ Không của tôi, thỉnh cầu sư trưởng trụ thế độ chúng sanh. Ân đức dạy bảo Phật pháp của ân sư lúc này không báo đáp thì còn đợi đến lúc nào? Tôi chỉ có hai bàn tay trắng không có gì hết, [nhưng] hai bàn tay trắng này không gì không có, tôi đem thứ tốt nhất mà tôi có, y giáo phụng hành cúng dường sư phụ, tôi tin rằng sư trưởng nhất định sẽ rất vui. Chuyện thứ hai đó là bệnh tim của thầy Vu Thế Kiệt tái phát, bác sĩ dặn dò phải tĩnh dưỡng, nếu không lúc phát bệnh không cứu chữa kịp thời dễ đột tử. Để đảm bảo thầy ấy yên tâm tĩnh dưỡng, điều chỉnh thân tâm, phòng làm việc của Sư Tử Hống tạm thời đóng cửa một thời gian, lúc nào mở cửa lại thì phải xem tình hình sức khỏe của thầy rồi mới quyết định. Thu âm, ghi hình phúc giảng lần thứ hai này là nhờ vào ba bạn trẻ không chuyên nghiệp, là người mới vào nghề, bồi dưỡng thành nhân tài mới, én con sớm muộn rồi cũng bay cao, tôi nói với các bạn ấy rằng, chỉ cần các con nghiêm túc nỗ lực làm, như thế nào thì ghi như thế ấy, thế nào cũng được. Quay xong năm mươi tập rồi, các con sẽ thành chuyên gia. Chuyện thứ ba: Tiểu viện Lục Hòa là đạo tràng trì danh niệm Phật nội tu, nhân viên của sáu mảng tổng cộng là 19 người, nhân viên công ty, nhân viên nông trường thì chiếm khoảng hơn 10 người. Số người không ra nông trường làm việc không quá 5 người, chính là mấy người lớn tuổi như chúng tôi, sức khỏe không tốt. Hiện tại tiểu viện Lục Hòa không có đủ điều kiện tiếp đón người bên ngoài, hiện nay vẫn đang trong giai đoạn vận hành, chúng tôi phải nội tu một thời gian, vừa mới thành lập, hy vọng quý vị đồng tu không nên gấp gáp.
Ngoài ra, cho dù là đạo tràng lớn cũng được, đạo tràng nhỏ cũng được, nhất định phải tuân thủ pháp luật của đất nước và các ngành có liên quan, đệ tử Phật càng phải dẫn đầu tuân thủ quy tắc, không thể muốn làm gì thì làm, mạnh ai nấy làm. Nhớ kỹ: “Không làm quốc tặc, không phạm quốc chế, không báng quốc chủ, không trốn quốc thuế”, làm công dân tốt tuân thủ kỷ cương pháp luật. Tiết học hôm nay giao lưu tới đây, nhưng nhất thời lại tăng thêm một nội dung, sáng sớm nay lúc nhiễu Phật [mọi người] có nói với tôi: hát bài tiểu viện Lục Hòa và bài Tỉnh Thế cho sư trưởng nghe, hát cho bạn bè đồng tu nghe, hát cho hết thảy chúng sanh khổ nạn trong hư không pháp giới nghe. Tôi luôn hát sai nhạc, nếu hôm nay bảo hát thì hi vọng hát không sai nhạc, chỉ cần sư trưởng nghe được cảm thấy vui vẻ thì tôi hát sai cũng không sao.
Sau đây chúng tôi hát cho sư trưởng nghe bài Tỉnh Thế:
“Biển đêm mênh mông một thuyền pháp
Cứu độ chúng sanh lìa khổ nạn
Là ai ngàn tay lại ngàn mắt
Quán Âm Bồ-tát đứng đầu thuyền – đứng đầu thuyền
Là trợ thủ giỏi của A-di-đà Phật
Giúp Phật tiếp dẫn vô lượng vô biên chúng sanh
Nhiều đời nhiều kiếp hiện thân Bồ-tát
Vô lượng kiếp nay không biết mệt mỏi – không biết mệt mỏi
Chúng ta phải học Quán Âm Bồ-tát
Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn
Mở rộng tâm lượng buông xuống tiểu ngã
Đường hoằng – hộ pháp mới thông đạt – mới thông đạt
Đại nạn hiện nay cộng nghiệp chiêu cảm
Tai nạn đều do lòng người bất thiện
Chúng ta mê hoặc mau mau thức tỉnh
Cứu mình cứu người phải phát nguyện lớn – phát nguyện lớn
Chúng sanh mạt pháp khổ lắm thay
Thập phương chư Phật đến cứu độ
Cứu độ chúng sanh dựa vào gì
Chỉ một bộ kinh Vô Lượng Thọ – kinh Vô Lượng Thọ
A-di-đà Phật là vua trong các pháp
Vạn pháp đều trong câu Phật hiệu
Một câu Phật hiệu niệm chín ngàn năm
Chúng sanh đắc độ trở về nhà – trở về nhà
Đừng nhận lầm đường trở về nhà
Một câu Di-đà thật thà niệm
Cha hiền từ bi luôn ngóng đợi
Mong con mau chóng trở về nhà – trở về nhà
Về nhà đi đừng tham luyến nữa
Quay thuyền từ trở lại Ta-bà Ta-bà có huynh đệ tỷ muội của con
Còn đang trôi lăn trong biển khổ – trong biển khổ
Tiểu viện Lục Hòa ta cùng xây
Chúng sanh đều là người tiểu viện
Tiểu viện Lục Hòa pháp giới cùng hưởng
Không phải khẩu hiệu mà trọng thực tiễn – trọng thực tiễn
Con đường Lục hòa không có điểm cuối
Đời này lại truyền cho đời sau
Nhân loại sanh tồn cần hòa hợp
Dù khó cũng phải tiến về phía trước – tiến về phía trước
Tiểu viện Lục Hòa không tầm thường
Bồ-tát sinh sống trong tiểu viện
Liên trì hải hội lại gặp nhau
Trong nước An Dưỡng vui sum vầy – vui sum vầy
Tự sáng tác, tự hát bài ca Tỉnh Thế
Cầu nguyện hết thảy đều thành Phật
Chúng sanh thành Phật là đại nguyện của ta
Chúng sanh thành Phật tâm ta vui vẻ – tâm ta vui vẻ”.
Sau đây là hát bài Tiểu viện Lục Hòa:
“Tiểu viện Lục Hòa hòa thuận vui vẻ
Đồng tâm hiệp lực cùng xây lục hòa
Công bằng công khai người người hoan hỉ
Công chánh công đạo người người xưng tán – người người xưng tán
Người có nơi ở, già có nơi dưỡng
Tâm có nơi tựa, chết có nơi về
Nỗi lo về sau đều được giải trừ
Hiếu thân tôn sư đời đời tương truyền – đời đời tương truyền
Chúng sanh đau khổ không lời nào tả xiết
Mau chóng bước lên thuyền đại pháp
Thuyền pháp đưa về Cực Lạc
Nhìn thấy Di-đà miệng tươi cười – miệng tươi cười
Học Phật phải học sao vui vẻ
Chau mày ủ dột đừng học Phật
Người người đều sanh tâm hoan hỉ
Tiểu viện Lục Hòa thật tường hòa – thật tường hòa
Tiểu viện Lục Hòa là nhà ta
Nhà yêu ta rồi ta yêu nhà
Huynh đệ tỷ muội trong nhà đông
Người nào cũng niệm A-di-đà – niệm A-di-đà
Đến ếch cũng niệm A-di-đà
Chim nhỏ vui hót A-di-đà
Chúng sanh một thể sống hòa hợp
Chúng ta ở đây chính là Cực Lạc – chính là Cực Lạc
Vui vẻ mỹ mãn đại gia đình
Người người trong tâm đều vui vẻ
Chí đồng đạo hợp bạn đạo tốt
Mục đích cuối cùng là về Cực Lạc – về Cực Lạc
Ngày ngày chúng ta niệm Di-đà
Ngày ngày chúng ta ở Cực Lạc
Cực Lạc ở ngay trước mắt ta
Đừng tới nơi khác tìm Cực lạc – tìm Cực lạc
Chúng ta đều là người Cực Lạc
Tương lai đều tới nước Cực Lạc
Tiểu viện Lục Hòa nơi tiếp dẫn
Đưa bạn tới gặp A-di-đà – A-di-đà
Chúng ta đến từ đông tây nam bắc
Tiếng địa phương không sửa mà tâm linh vẫn tương thông
Tiểu viện Lục Hòa pháp giới cùng hưởng
A-di-đà Phật nhớ kĩ ở trong tâm – nhớ kĩ ở trong tâm”.
Tiết học hôm nay giao lưu tới đây. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!