GIÁO DỤC NHÂN QUẢ CỨU VÃN NHÂN TÂM
(Buổi nói chuyện trong pháp hội Thanh Minh Tế Tổ năm 2016)
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 01 tháng 04 năm 2016
Giảng tại: AsiaWorld–Arena, sân bay Hồng Kông
Hòa thượng Pháp Chủ tôn kính, chư vị pháp sư, chư vị đại đức đồng tu, chào mọi người! Hôm nay là ngày đầu tiên của pháp hội Thanh Minh Tế Tổ năm 2016. Các đồng bào đến từ trong và ngoài nước tề tụ về đây cùng nhau tụng kinh, niệm Phật, sám hối, siêu độ lịch đại tổ tiên, tưởng nhớ ân đức tổ tiên, lễ bái tổ tông. Ý nghĩa tế tổ của chúng ta là hoằng dương tinh thần hiếu kính, hiếu kính là gốc rễ của văn hóa Trung Hoa. Có hiếu kính thì vạn thiện mới có gốc rễ. Biểu hiện hiếu kính tốt nhất của chúng ta đối với lão tổ tông chính là truyền thừa giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, tự lợi lợi người, đây gọi là “vì vãng thánh kế tuyệt học, vì vạn thế khai thái bình”.
Tuyệt học của cổ thánh tiên hiền có thể quy nạp thành giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân quả và giáo dục thánh hiền. Ở trong đây, đặc biệt là giáo dục nhân quả, có đủ công hiệu cực lớn đối với việc chấn chỉnh thế đạo nhân tâm, là điều hết sức cấp bách của xã hội thời nay. Cho nên, đại sư Ấn Quang cả đời cực lực đề xướng giáo dục nhân quả là có đạo lý. Đúng như danh sĩ đầu thời nhà Thanh là tiên sinh Chu An Sĩ đã nói: “Người người tin nhân quả, đó là con đường để thiên hạ đại trị. Người người không tin nhân quả, đó là con đường khiến thiên hạ đại loạn”. Câu nói này đã đem căn nguyên của thiên hạ trị hay loạn nói toạc ra, đặc biệt đáng để cảnh giác!
Không tin nhân quả là căn nguyên của xã hội động loạn.
Vì sao xã hội hiện nay lại động loạn như vậy? Nguyên nhân chủ yếu là mọi người không tin nhân quả báo ứng, cho là phong kiến mê tín, do đó mới dám tạo ra đủ loại nghiệp ác, buông thả không kiêng dè. Vì để thỏa mãn dục vọng tự tư tự lợi, không sợ làm ᴠiệc trái ᴠới lương tâm, tổn người lợi mình, làm ra đủ loại việc thương thiên hại lý. Chính bởi vì lòng người đã hư hoại, cho nên xã hội động loạn.
Trong kinh Thư nói: “Làm thiện thì ban tới trăm điều tốt lành, làm bất thiện thì giáng xuống trăm điều tai ương”. Người thường hành thiện thì ông trời sẽ ban cho họ mọi thứ phước báo, người thường tạo ác thì ông trời sẽ giáng xuống cho họ đủ loại tai ương. Lại nói: “Thuận đạo cát tường, nghịch đạo tai ương, như bóng theo hình, âm vang theo tiếng.” Thuận chánh đạo mà làm thì cát tường, trái ngược chánh đạo mà làm thì hung hiểm, điều này giống như bóng theo hình, âm thanh có tiếng vang, tơ hào không sai. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên lại nói: “Họa phước không cửa vào, do người tự cảm đến. Việc báo ứng thiện ác, như bóng đi theo hình.” Họa phước của con người vốn dĩ không có cửa vào nhất định, tất cả đều do tự mình chiêu cảm đến. Bạn khởi một niệm thiện, lời thiện, hạnh thiện thì chiêu cảm đến chính là phước báo; bạn khởi một niệm ác, lời ác, hạnh ác thì chiêu cảm đến chính là ác báo. Báo ứng của thiện ác giống như cái bóng đi theo thân hình, người đi đến đâu thì bóng liền theo đến đó, vĩnh viễn không tách rời! Báo ứng đi theo bạn, bạn không cách nào chạy thoát. Nếu không muốn bị ác báo thì đừng tạo nghiệp ác.
Loại giáo dục nhân quả “thiện có thiện báo, ác có ác báo” là từ xưa đến nay được người Trung Quốc tiếp nhận phổ biến. Người xưa tin tưởng nhân quả báo ứng, biết rằng làm ác sẽ có ác báo, cho nên đại đa số người ta không dám làm ᴠiệc trái lương tâm để tạo ác. Thí dụ người chế biến thực phẩm, nhất định phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, để người ăn được an tâm, không đến nỗi tổn hại sức khỏe. Đối với thức ăn để cho người trong nhà ăn, chất lượng kém một chút cũng không sao; đối với thức ăn bán cho khách hàng thì nhất định phải đảm bảo thật tốt chất lượng. Đây không những là uy tín của thương nghiệp, còn là vì hổ thẹn với lương tâm của mình, không dám làm trái nhân quả.
Đáng tiếc là hơn 100 năm gần đây, giáo dục nhân quả của truyền thống Trung Quốc đã bị vứt bỏ, một số người với mưu đồ trục lợi, thức ăn để cho người trong nhà mình ăn, chất lượng nhất định phải tốt, còn thức ăn bán cho khách hàng thì mặc kệ không quan tâm, chỉ cần kiếm được tiền thì dù đồ hỏng sao đi nữa cũng dám mang ra bán, hoàn toàn không quan tâm tới sức khỏe và mạng sống của người khác, chân thật gọi là “mưu tài hại mạng”! Họ bán cho bạn, kiếm tiền của bạn, còn muốn mạng của bạn, bạn xem đáng sợ biết bao! Việc này đã tạo ra nghiệp ác rất nặng. Mọi người đều tổn người lợi mình, hãm hại lẫn nhau, xã hội này liền trở nên vô cùng nguy hiểm!
Vấn đề an toàn thực phẩm chỉ là một thí dụ trong việc không tin nhân quả của người thời nay mà thôi. Do vì không tin nhân quả nên người thời nay tạo ác trên nhiều phương diện, khắp nơi đều đang tạo ác. Trong đây điều đáng sợ nhất là giới truyền thông, tuyên truyền nội dung tiêu cực về sắc tình bạo lực v.v.. Toàn bộ người lớn và trẻ con đều bị dạy hư hết. Người hiện nay say mê ở trên mạng, say mê với trò chơi điện tử, say mê với điện thoại di động, không những khiến cho thân tâm của mình bị tổn hại cực lớn, gia đình và công việc cũng bị tổn hại cực lớn, thậm chí có một số kẻ hồ đồ đến mức cầm dao súng đi giết hại người khác! Thủ phạm của những vấn đề này là người tạo ra những tin tức trong điện thoại, trò chơi điện tử, trang mạng bất lương. Họ chỉ cần bản thân có thể kiếm tiền, không quan tâm tới đạo đức xã hội, bất chấp hậu quả để phát triển ra những thứ khiến nhiều người chìm đắm này. Kết quả tạo thành sự nguy hại cực lớn đối với xã hội, so với giết người còn phải nghiêm trọng hơn! Tai hại của giết người là nhất thời mà có tính hạn chế, còn tai hại khiến người mê loạn là lâu dài mà có tính rộng khắp. Những người này khiến xã hội đại chúng bị tổn hại lớn đến như vậy, tất cả những đau khổ này tương lai đều sẽ xảy đến với chính bản thân họ và ảnh hưởng đến gia đình, sự nghiệp của họ v.v… Họa hại về sau vô cùng! Hơn nữa, mức độ đau khổ nghiêm trọng hơn gấp bội! Hiện tại họ không tin tưởng, tương lai lúc gặp phải ác báo thì hối hận đã còn không kịp nữa!
Hiểu rõ quy luật của nhân quả.
Làm sao mới có thể cứu vãn những người tạo nghiệp ác này, cứu vãn xã hội động loạn này đây? Phương pháp hiệu quả nhất không gì hơn là đề xướng giáo dục nhân quả. Đề xướng giáo dục nhân quả thì nhất định phải hiểu rõ quy luật nhân quả cơ bản:
Một, nhân quả không đồng thời, từ nhân đến quả cần trải qua một khoảng thời gian, đạo lý này có thể thấy được từ việc gieo trồng, hôm qua gieo hạt dưa, cần trải qua thời gian mấy tháng mới có thể chín muồi, không thể nào mấy ngày liền có thể thu hoạch. Cùng một đạo lý, hiện giờ bạn làm việc thiện, không thể lập tức được quả thiện của nó ngay, cần phải trải qua một khoảng thời gian thì quả thiện đó mới chín muồi. Nếu như hiện tại bạn làm việc thiện mà lập tức được thiện báo thì đó không phải quả báo của nghiệp thiện hiện tại bạn làm, mà là nghiệp thiện bạn đã làm trong quá khứ, được trợ giúp của nghiệp thiện hiện tại nên kết thành quả báo. Nghiệp thiện trong quá khứ là nhân, nghiệp thiện hiện tại là trợ duyên, thiện báo hiện tại là quả của nhân thiện trong quá khứ.
Trái lại, nếu như hiện tại bạn làm việc thiện nhưng không nhận được thiện báo, ngược lại phải chịu ác báo, đó cũng không phải phản ánh nghiệp thiện của bạn làm không có thiện quả, mà nghiệp ác bạn đã tạo trong quá khứ hiện đã chín muồi rồi, cho nên sinh ra ác báo trước. Đối với nghiệp ác của quá khứ mà nói, nghiệp thiện hiện tại bạn làm là chướng duyên, mặc dù sức mạnh không đủ để ngăn cản nhân ác kết thành quả ác nhưng nhất định sẽ làm suy yếu sức mạnh của nghiệp ác, cho nên ác báo của bạn đã giảm nhẹ. Nếu như không phải vì hiện tại bạn làm việc thiện thì ác báo này của bạn sẽ càng nghiêm trọng hơn! Đây chính là quan hệ đan chéo phức tạp giữa nhân – duyên – quả.
Sở dĩ rất nhiều người không tin nhân quả chính là vì không hiểu rõ quy luật này. Nhất là nhìn thấy người tạo ác không bị ác báo, vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật, tác oai tác quái; người hành thiện không được thiện báo, vẫn bị nghèo cùng khốn đốn như xưa, bị khổ bị nhục, bởi vậy liền phủ định nhân quả báo ứng, cho rằng làm ác không có ác báo, làm thiện không có thiện báo. Vậy thì còn ai dại gì mà đi làm việc thiện nữa? Đích thực xã hội hiện nay đại đa số người cho rằng tự tư tự lợi là chuyện bình thường, người làm việc thiện là kẻ ngốc. Đây là bởi vì tầm nhìn của họ quá ngắn, không hiểu được đạo lý “không phải không báo, mà thời giờ chưa đến”. Người này trong đời quá khứ đã tu đại phước báo, tuy đời này đã tạo rất nhiều nghiệp ác nhưng hiện tại đang hưởng thụ là phước báo của quá khứ, vẫn chưa hưởng hết, tiếp tục đang hưởng thụ. Trải qua mười năm, hai mươi năm, đợi đến lúc phước báo của họ hưởng hết rồi thì ác báo đáng sợ liền hiện tiền. Cho nên nhân quả sẽ không sai lầm.
Hai, nhân quả thông ba đời: ba đời là đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai. Hiện nay nhà khoa học đã dần dần chứng thực sự tồn tại của luân hồi, con người có đời trước, đời này. Đời trước, đời này đều có mối liên hệ nhân quả, đây gọi là “muốn biết nhân đời trước, xem quả nhận đời này”. Nếu bạn muốn biết quá khứ mình đã tạo tác nhân gì, chỉ cần xem thử những gì mà đời này bạn nhận là quả báo gì thì biết ngay. Nhân quả là tương ưng, đời này nếu như những gì mà bạn nhận là quả báo nghèo cùng nhiều bệnh, có thể thấy đời quá khứ của bạn nhất định là đã tạo nghiệp ác keo kiệt, tham lam, sát sanh. Cùng đạo lý, đời này cùng với đời sau cũng có quan hệ nhân quả, đây gọi là “muốn biết quả đời sau, xem nhân tạo đời này”. Nếu bạn muốn biết đời sau sẽ được quả báo gì thì chỉ cần xem thử đời này bạn tạo tác nghiệp gì thì biết ngay. Nếu như đời này bạn tu bố thí tài, dùng tài vật giúp đỡ người khác; bố thí pháp, đem học vấn, kỹ thuật của mình truyền dạy cho người khác; bố thí vô úy, giúp cho người tránh khỏi các thứ bệnh tật, ưu buồn, sợ hãi, vậy thì đời sau bạn sẽ được quả báo tiền của, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu.
Nếu căn cứ vào thời gian sanh ra báo ứng thì quả báo có thể phân thành bốn loại:
Một là hiện báo: Đời này tạo nghiệp, đời này thọ báo, còn gọi là báo ứng hiện đời. Nghiệp thiện ác tạo nặng, hoặc là tạo nhiều thì có thể đời này sanh ra quả báo. Cho nên vận mệnh của con người là có thể dựa vào sự nỗ lực của bản thân mà chuyển đổi. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói rất nhiều những trường hợp này. Người vốn dĩ bần tiện đoản mệnh, sau khi tạo nghiệp thiện lớn thì trở thành phú quý trường thọ; người vốn dĩ phú quý trường thọ, sau khi tạo nghiệp ác lớn thì trở thành bần tiện đoản mệnh. Chúng ta phải biết rằng quả báo hiện đời chỉ là một loại hoa báo, cũng giống như trước khi kết thành quả thì sẽ ra hoa trước. Quả báo thật sự vẫn ở đời sau, mức độ của quả báo còn nặng hơn hoa báo.
Hai là sanh báo: Đời này tạo nghiệp, đời sau thọ báo. Đây là hiện tượng thông thường nhất.
Ba là hậu báo: Đời này tạo nghiệp, qua nhiều đời sau nữa mới thọ báo. Đời này sau khi tạo nghiệp, hiện báo không có thọ, đời thứ hai là sanh báo cũng không thọ, phải đợi đến đời thứ ba, đời thứ tư, thậm chí càng lâu về sau mới thọ báo.
Bốn là bất định báo: Đời này tạo nghiệp, không nhất định thọ báo ở đời nào đó, phải xem gặp duyên gì mà định đoạt. Nếu như đời này duyên đầy đủ thì thọ báo hiện đời; nếu như đời sau duyên mới đủ thì đời sau mới thọ báo.
Ba, nhân nhỏ quả lớn: Nhân tuy nhỏ nhưng có thể tạo thành quả rất lớn. Điều này giống như gieo một hạt dưa nhỏ, vùi ở trong đất, tương lai nó có thể sanh ra rất nhiều quả dưa lớn, bên trong quả dưa lớn lại có nhiều hạt dưa như vậy. Thế nên, cái gọi là xả một được vạn báo đích thực chân thật.
Về điểm này, trong kinh Phật có một câu chuyện có thể nói rõ. Khi Phật-đà còn tại thế, có một bà lão làm công cho vị trưởng giả bà-la-môn, từ trong nhà bưng ra một ít thức ăn đã bị thiu, chuẩn bị đổ bỏ, bà bước ra cửa chợt nhìn thấy hình tướng oai nghi trang nghiêm của Phật-đà, bỗng nhiên sanh khởi tâm cung kính. Bà rất muốn cúng dường Phật-đà, nhưng mà trên tay chỉ có thức ăn đã bị thiu, làm sao có thể mang đến cúng dường Phật-đà tôn quý đây? Trong lúc bà đang do dự chưa biết làm sao thì Phật-đà mỉm cười phóng quang, hoan hỉ dùng bát đựng lấy thức ăn thiu trên tay bà lão, sau đó quay đầu qua nói với A-nan: “Bà lão này một lòng thành kính. Bởi do công đức thành kính cúng dường Phật của bà, tương lai bà sẽ có 15 kiếp, thời gian dài như vậy hưởng thọ niềm vui ở thiên đường. Sau 15 kiếp thì sanh xuống nhân gian, đầy đủ nhân duyên xuất gia tu hành.” Lúc đó, chủ của bà lão là trưởng giả bà-la-môn đúng lúc từ trong nhà bước ra, nghe được những lời Phật nói liền cảm thấy rất không thể nghĩ bàn!
Phật liền hỏi vị trưởng giả bà-la-môn này: “Ông đã từng thấy qua việc không thể nghĩ bàn khác chưa?”
Trưởng giả trả lời: “Dạ có, có một lần chúng con có 500 cỗ xe ngựa cùng nhau đi xa, bởi vì thời tiết nóng nực, bèn tìm một gốc cây to để nghỉ mát. Cây to này có thể che mát cho 500 cỗ xe ngựa mà vẫn còn thừa nhiều bóng cây. Độ lớn của cây thật là không thể nghĩ bàn!”
Phật hỏi tiếp: “Ông có biết hạt giống của cây to này bao lớn không?”
Trưởng giả đáp: “Nhỏ như hạt cải vậy.”
Phật nói: “Đúng vậy, đây chính là đạo lý nhân nhỏ quả lớn.”
Mặc dù bà lão cúng dường Phật rất nhỏ, nhưng lại có được quả báo lớn đến như vậy! Nguyên nhân của nhân nhỏ quả lớn chính là mức độ của ý niệm quá nhanh, Bồ-tát Di-lặc nói: “Trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, niệm niệm thành hình, hình đều có thức.” Một khảy móng tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, đơn vị là trăm ngàn, trăm ngàn tức là mười vạn, ba mươi hai ức nhân với mười vạn, chính là 320 triệu, một khảy móng tay này liền có 320 triệu ý niệm. Một giây có thể khảy được bảy lần, 320 triệu lại nhân với 7, có thể tính ra là 2.240 triệu ý niệm. Trong một giây liền có 2.240 triệu ý niệm, mỗi ý niệm đều là độc lập. Ý niệm vi tế này tần suất rất cao, cho nên Bồ-tát Di-lặc nói ý niệm này cực kì vi tế, không cách nào nắm giữ nó, nó quá nhanh! Tốc độ của tâm niệm nhanh như vậy, cho nên trong khoảng thời gian ngắn thì đã trồng xuống rất nhiều hạt giống. Tương lai những hạt giống này, thời gian kết thành quả báo cũng rất dài.
Trong kinh có ghi chép về câu chuyện nhân quả của tôn giả Mục-kiền-liên. Tôn giả Mục-kiền-liên có một kiếp trong quá khứ đã từng mưu đồ giết hại cha mẹ. Khi đó, cha mẹ của ông bị mù lòa hai mắt, vợ ngài không muốn phụng dưỡng cha mẹ chồng mù, liền tìm cách khiến cho chồng sanh lòng oán hận với cha mẹ, lại nói rất nhiều lời xấu, gây ly gián tình cảm của họ, cuối cùng xúi giục chồng giết hại cha mẹ. Người chồng đã bị người vợ mê hoặc, vậy là ông thật sự sanh khởi ác tâm mưu hại cha mẹ! Đúng theo kế hoạch, một ngày nọ ông dẫn cha mẹ ra bên ngoài, phải đi qua một khu rừng. Ở trong rừng, ông giả vờ làm bọn cướp tới, sau đó cầm gậy gỗ lớn vốn được chuẩn bị từ trước, đánh đập cha mẹ tàn nhẫn, muốn đánh chết họ. Không ngờ khi ông đang ra sức đánh cha mẹ, cha mẹ ông không phải gào to để người con đến cứu mình, mà gào to để người con mau chóng chạy thoát thân, đừng bị bọn cướp làm hại. Ông đã bị cảm động bởi lòng yêu thương của cha mẹ, cuối cùng lương tâm ông phát khởi, quỳ xuống thành khẩn nhận lỗi với cha mẹ.
Bởi do nghiệp ác mưu đồ giết hại cha mẹ nên kiếp đó ông bị đoản mệnh, sau khi chết bị đọa vào địa ngục, chịu sự hành hạ đau khổ trong thời gian dài. Khi thoát khỏi địa ngục còn phải chịu khổ trong đường ngạ quỷ, súc sanh. Sau đó chuyển sanh làm người, trong 500 đời, mỗi đời đều bị đánh nát vụn xương cho đến chết. Cho đến sau cùng, đến đời này sanh làm Mục-kiền-liên cũng không ngoại lệ. Tuy ngài đã xuất gia theo Phật-đà tu hành, chứng được quả A-la-hán, trở thành đại đệ tử thần thông bậc nhất của Phật-đà, thế nhưng khi nghiệp lực chín muồi, do vì nghiệp lực lớn mạnh, khiến ngài không cách nào nhập định, chính là không cách nào sanh khởi thần thông. Đây gọi là thần thông không thắng nổi nghiệp lực. Kết quả là ngài bị một nhóm ngoại đạo cầm gậy đánh thê thảm, mãi đến khi toàn bộ xương trên thân thể đều bị đánh nát vụn mới thôi, do vậy nên làm cho ngài nhập Niết-bàn.
Câu chuyện này hiển thị đầy đủ hiện tượng nhân nhỏ quả lớn, ngài chỉ một lần mưu đồ giết cha mẹ, sao lại có thể sanh ra khổ báo cực lớn nhiều đời như vậy? Nguyên nhân chính là tốc độ của tâm niệm quá nhanh, cho nên dù chỉ một lần tạo nghiệp, nhưng những nghiệp nhân đã tạo ra là vô cùng nhiều. Giả sử trong đời quá khứ, thời gian ngài đánh đập cha mẹ mình trong nửa giờ, căn cứ theo cách nói của Di-lặc Bồ-tát, một giây có thể khảy ngón tay 7 lần, trong một giây ngài đã trồng xuống 2.240 triệu ác niệm cực nặng mưu đồ giết hại cha mẹ, nửa giờ thì nhân lên gấp 1.800 lần, cho nên số lượng nghiệp ác cực lớn mà ngài đã tạo ra thật vô cùng khủng khiếp! Những nghiệp ác cực nặng này không những tạo thành quả báo hiện đời là ngay đời đó của ngài nhiều bệnh, đoản mạng, cũng chính là hoa báo, hơn nữa tạo thành quả báo sau khi chết ngài đọa vào địa ngục chịu khổ lâu dài, sau khi thoát khỏi địa ngục thì còn dư báo, bị đọa vào đường ngạ quỷ và đường súc sanh, sau đó 500 đời làm người đều bị đánh nát vụn xương, cũng là dư báo nghiệp ác của lần tạo đó trong đời quá khứ. Từ trong đây cũng để chúng ta thấy được nghiệp cực nặng có thể sinh ra hiện báo ngay đời đó, quả báo của đời sau, cho đến dư báo của đời sau nữa, chân thật là sóng to không ngừng, không dứt! Xem thấy báo ứng tạo ác thê thảm như vậy, bạn còn dám ngỗ nghịch với cha mẹ không? Còn dám tạo những nghiệp ác nữa không?
Hệ từ truyện trong kinh Dịch nói: “Nhà tích điều thiện ắt thừa niềm vui, nhà tích điều bất thiện ắt thừa tai ương”. Ý nói là gia tộc tích lũy việc thiện sẽ có dư nhiều ân trạch, khiến cho thế hệ sau cũng được thừa hưởng phước báo; gia tộc tích lũy việc ác, sẽ có dư nhiều tội nghiệp, khiến cho thế hệ sau gặp phải tai ương. Câu nói này chính là một minh chứng cho nhân nhỏ quả lớn. Đại sư Ấn Quang nói: “Đã có thừa niềm vui, thừa tai ương thì nhất định có niềm vui chính, tai ương chính”.
Niềm vui chính, đó là người tích thiện, chính mình được hưởng quả báo của nghiệp thiện. Thừa niềm vui là nghiệp thiện của họ che chở cho con cháu được phước, đây là dư báo nghiệp thiện của họ; Tai ương chính, đó là người tích ác, chính mình phải chịu quả báo của nghiệp ác. Thừa tai ương là nghiệp ác của họ làm liên lụy đến con cháu chịu khổ, đây là dư báo nghiệp ác của họ.
Chúng ta còn phải biết, không những nhân nhỏ quả lớn, hơn nữa thời gian mà quả báo đến càng dài càng lâu thì mức độ xảy ra càng nghiêm trọng. Việc này giống như thiếu nợ càng lâu thì tiền lãi càng nhiều. Thế nên, sau khi đã tạo nghiệp ác thì phải mau chóng sám hối, mau chóng siêng năng tu nghiệp thiện, để giảm bớt mức độ nghiệp nặng của nghiệp ác, thậm chí báo sớm hơn cho xong, tội nặng báo nhẹ, ngày sau bạn mới không bị khổ báo nghiêm trọng. Nhà Phật có câu: “Bồ-tát sợ nhân, phàm phu sợ quả”. Bồ-tát là người sáng tỏ, hiểu rõ đạo lý nhân nhỏ quả lớn, biết được sau khi tạo nhân ác thì quả báo tương lai vô cùng đáng sợ! Cho nên sẽ hết sức cẩn thận chú ý, không dám tạo nhân ác. Còn về ác báo, Bồ-tát biết được đó là những gì mình tạo tác nghiệp ác trong đời quá khứ sanh ra, sau khi chịu xong thì báo hết, cũng không đáng sợ, cho nên Bồ-tát có thể an tâm tiếp nhận quả báo, sẽ không bởi vậy mà sanh khởi phiền não. Đây chính là “tùy duyên tiêu nghiệp cũ, càng không tạo ương mới”, tùy duyên để nghiệp ác cũ báo hết, không tạo nghiệp ác mới, về sau sẽ khỏi phải chịu ác báo mới nữa.
Phàm phu mê hoặc điên đảo, chỉ biết ác báo rất đáng sợ, cố gắng muốn tránh khỏi ác báo, mà không biết ngừng tạo ác thì mới có thể thật sự tránh khỏi ác báo, đang lúc họ chịu ác báo, nội tâm sanh khởi phiền não; vì muốn thoát khỏi ác báo mà không ngại làm việc tổn người lợi mình, tạo tác đủ loại nghiệp ác. Sau khi họ thấy nghiệp ác mình tạo hiện tại mà không có lập tức bị kết quả xấu ác nào cả, cho nên sẽ không sợ tạo nghiệp ác. Hiện tại họ tiếp tục tạo nghiệp ác, về sau kết quả của họ là vô cùng đáng sợ! Đây chính là những gì mà Phật Bồ-tát thường nói là “kẻ đáng thương xót”. Do vì không rõ nhân quả, phàm phu không ngừng khởi phiền não, tạo nghiệp chịu khổ, sau khi chịu khổ lại khởi phiền não, rồi sau đó lại tạo nghiệp chịu khổ, do vậy mà luân chuyển ở trong biển khổ sanh tử, không có hồi dứt!
Bốn, thiện ác không triệt tiêu nhau: điều mà người thế gian nói là “công tội bù nhau”, trong quy luật nhân quả thì không kiến lập, làm thiện thì trong ruộng tâm của mình trồng xuống hạt giống thiện, là nhân thiện; làm ác thì trong ruộng tâm đã trồng xuống hạt giống ác, là nhân ác, hạt giống thiện và hạt giống ác không thể triệt tiêu lẫn nhau, đến lúc nhân duyên chín muồi thì mỗi cái đều kết quả báo khác nhau, không thể lẫn lộn với nhau. Mặc dù thiện ác không thể triệt tiêu lẫn nhau nhưng mà thiện ác sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Hiện tại tạo tác nghiệp thiện, đối với hạt giống thiện trước đây là trợ duyên, sẽ làm tăng cường sức ảnh hưởng của chúng; đối với hạt giống ác trước đây là chướng duyên, sẽ làm suy yếu sức ảnh hưởng của chúng. Cho nên, sau khi bạn đã làm việc thiện, nếu như vẫn tiếp tục làm thiện thì hạt giống thiện trước đây của bạn sẽ đến trợ duyên càng ngày càng nhiều, sức mạnh sẽ càng ngày càng mạnh, tương lai kết thành thiện báo càng mạnh. Đúng như Hệ từ truyện trong kinh Dịch nói: “Thiện không tích, không đủ thành danh”, không ngừng tích lũy hành thiện mới có thể tạo ra danh thơm tiếng tốt. Tương tự, sau khi bạn làm việc ác, nếu như nỗ lực hành thiện thì sức mạnh hạt giống ác của bạn liền bị suy yếu, tương lai kết thành ác báo sẽ giảm nhẹ, đây chính là tội nặng báo nhẹ. Giống như đại sư Huyền Trang lúc sắp viên tịch bị bệnh rất nặng, ngài hoài nghi rằng có phải mình phiên dịch kinh Phật có vấn đề gì nên mới bị vậy hay không? Kết quả vào buổi tối, Bồ-tát báo mộng cho ngài, nói cho ngài biết đây là tội nặng báo nhẹ, do công đức phiên dịch kinh Phật của ngài rất lớn, nên khiến cho những nghiệp ác cực nặng trong đời quá khứ, qua trận bệnh này mà báo hết.
Ngược lại mà nói, hiện tại tạo tác nghiệp ác, đối với hạt giống ác trước đây là trợ duyên, sẽ tăng cường sức ảnh hưởng của chúng; đối với hạt giống thiện trước đây là chướng duyên, sẽ suy yếu sức ảnh hưởng của chúng. Cho nên sau khi bạn tạo nghiệp ác, nếu như tiếp tục tạo ác thì hạt giống ác trước đây của bạn sẽ đến trợ duyên càng ngày càng nhiều, sức mạnh sẽ càng ngày càng mạnh, gọi là tội ác tràn đầy, tương lai kết thành ác báo càng mạnh. Đúng như Hệ từ truyện trong Kinh Dịch nói: “Ác không tích, không đủ diệt thân”, không ngừng tích lũy ác hạnh thì mới dẫn đến tự hủy diệt bản thân. Tương tự như vậy, sau khi bạn làm việc thiện, nếu tiếp tục tạo rất nhiều nghiệp ác, sức mạnh hạt giống thiện của bạn liền bị suy yếu, tương lai thiện báo kết thành sẽ yếu đi. Quý vị đọc Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ, trong đó có mấy vị đời trước đều là người đại tu hành, sau khi chuyển thế thì không bằng đời trước nữa. Cho nên thăng cấp hướng lên là rất khó, đọa lạc đi xuống thì rất dễ dàng. Từ đây có thể nhìn thấy được sự đáng sợ của lục đạo luân hồi.
Trên đây chỉ là đơn giản nói rõ về tình hình ảnh hưởng lẫn nhau của nghiệp nhân thiện ác, trên thực tế thì sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa nhân duyên và quả báo là vô cùng phức tạp, không phải đôi ba câu mà có thể nói rõ ràng, dù cho Bồ-tát và A-la-hán cũng không có cách nào hiểu rõ triệt để, chỉ có Phật-đà mới hoàn toàn hiểu rõ.
Năm, nhân quả bất không, nghiệp quả bất hoại: Trong kinh nói: “Dẫu đến trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo không mất. Lúc nhân duyên hội ngộ, quả báo vẫn tự thọ.” Những hạt giống nghiệp tập thiện ác mà chúng ta đã tạo lưu lại trong a-lại-da thức, a-lại-da giống như một cái kho lớn, hạt giống nghiệp chứa ở trong đây vĩnh viễn sẽ không mất đi, vĩnh viễn sẽ không biến chất, chuyện này rất phiền phức! Đây là nhân, nghiệp nhân. Dù cho trải qua trăm ngàn kiếp, thời gian lâu dài như vậy, một khi gặp được trợ duyên thích hợp thì những nghiệp nhân này vẫn sẽ kết thành quả báo, nhất định bạn phải chịu quả báo này. Cần phải đợi kết thành quả báo xong, những nghiệp nhân này mới tiêu mất. Vì vậy, chỉ cần vẫn ở trong lục đạo luân hồi thì bạn không thoát khỏi nhân quả báo ứng. Cho nên, người mê hoặc hồ đồ mới dám tạo nghiệp, Bồ-tát giác ngộ nhất định không dám tạo nghiệp. Nhân quả báo ứng tơ hào không sai, cho dù thành Phật rồi thì vẫn phải nhận chịu quả báo nghiệp ác. Thích-ca Mâu-ni Phật lúc về già bị đau lưng dữ dội, nguyên nhân là trong đời quá khứ lâu xa, có một đời ngài từng là tuyển thủ đấu vật, do hai lần bị đối thủ lừa gạt nên ôm hận trong lòng, lúc thi đấu liền bẻ gãy xương sống của đối thủ dẫn đến chết. Nghiệp ác mãnh liệt này khiến ngài kiếp đó đoản mệnh chết sớm, sau khi chết đọa vào địa ngục chịu quả báo khổ cùng cực; sau khi ra khỏi địa ngục, còn trải qua đủ thứ dư báo thống khổ trong đường ác khác, khi tái sanh làm người, đời đời kiếp kiếp đều chịu dư báo bị đau lưng. Ngay cả khi trải qua nhiều kiếp lâu xa, cho đến đời này thành Phật mà dư báo cũng chưa hết, vẫn sanh ra khổ báo đau lưng.
Phật-đà còn thị hiện bị những ác báo khác, có một lần chân của Phật-đà bị thanh gỗ nhọn đâm bị thương, đó là dư báo của ngài trong đời quá khứ dùng cây giáo đâm bị thương chân người khác.
Còn có một lần Phật-đà trong ba tháng an cư kết hạ bị hết lương thực, chỉ có thể ăn thức ăn dành cho ngựa. Đó là vì ngài trong đời quá khứ, thời của đức Phật Tỳ-bà-thi, ngài làm thủ lĩnh ngoại đạo, do vì ganh ghét đức Phật Tỳ-bà-thi nhận được nhiều người cúng dường, cho nên phê bình nói Phật chỉ xứng đáng ăn thức ăn dành cho ngựa. Dư báo của khẩu nghiệp ấy làm cho đời này của đức Phật Thích-ca Mâu-ni phải ăn thức ăn dành cho ngựa trong ba tháng.
Lúc vua Tỳ-lưu-ly của nước Kiều-tát-la tấn công tộc Thích-ca, Phật-đà ba lần ngăn cản mà vẫn không cách nào tránh khỏi kiếp nạn của tộc Thích-ca. Lúc đó Phật-đà đã bị đau đầu ba ngày. Đây là vì trong kiếp quá khứ, do ngài đã dùng gậy đập vào đầu một con cá lớn ba lần.
Do đây có thể biết nhân quả bất hư, dù cho sau khi thành Phật cũng không thể tránh khỏi. Vậy thì người tu hành pháp môn Tịnh độ vãng sanh thế giới Cực Lạc thì sao? Có phải sau khi vãng sanh Tịnh độ, trước kia giết người thì có thể không cần đền mạng, trước kia thiếu nợ thì có thể không cần trả tiền phải không? Không phải vậy! Tội nặng có thể báo nhẹ, nhưng mà không thể không báo. Thế giới Cực Lạc chỉ là cung cấp cho chúng ta một hoàn cảnh tu hành rất tốt mà thôi, giúp chúng ta có được thời gian dài vô hạn, có thể một mạch tu hành đến khi thành Phật. A-di-đà Phật giúp chúng ta tạm thời không cần phải trả nghiệp ác, thế nhưng không có nói đem nghiệp ác của chúng ta tiêu mất, đó là điều không thể. Tương lai sau khi chúng ta thành Phật ở thế giới Cực Lạc, đến thế giới khác để độ chúng sanh, khi những nghiệp ác đã tạo trong quá khứ chín muồi thì vẫn phải chịu ác báo của nghiệp ác mang tới. Chỉ là sau khi bạn đã thành Phật rồi thì đối với hết thảy nhân quả báo ứng trong tâm đã sáng tỏ, cho nên nội tâm là như như bất động, giải thoát tự tại, sẽ không do đây mà cảm thấy sầu khổ. Cho nên, người tu Tịnh độ cũng phải nỗ lực đoạn ác tu thiện, đừng cho rằng có thế giới Cực Lạc, A-di-đà Phật làm chỗ dựa nên không sợ gì, phóng túng không kiêng dè. Nếu bạn buông lung tạo nghiệp, sau này phải chịu thiệt thòi lớn!
Quy luật nhân quả là chân lý, là chân tướng sự thật của vận hành thế gian. Những chân tướng sự thật này không ở đâu xa, mà xảy ra ngay xung quanh chúng ta. Người không tin nhân quả, nhìn không nhìn thấy hiện tượng nhân quả đang xảy ra xung quanh mình. Một khi họ hiểu rõ quy luật nhân quả thì họ sẽ phát hiện nhân quả báo ứng xảy ra ngay trong tất cả người, việc và vật ở xung quanh chính mình. Có thể nói tất cả đều không rời nhân quả.
Nói tóm lại, giáo dục nhân quả cứu vãn nhân tâm.
Đạo lý của nhân quả báo ứng vô cùng sâu rộng. Những gì nêu ở trên chỉ là giới thiệu đơn giản để mọi người có được nhận thức cơ bản. Nếu như muốn tiến thêm một bước để hiểu rõ hơn, tôi đề xuất với mọi người học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, Liễu Phàm Tứ Huấn, Du Tịnh Ý Công Ngộ Táo Thần Ký, Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ, An Sĩ Toàn Thư, những bộ sách này đều là đại sư Ấn Quang năm xưa cực lực đề xướng. Trong đó Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ là từ trong Nhị Thập Tứ Sử, thu thập những chuyện có thật về nhân quả báo ứng, đều là những sự thật được ghi chép trong sách sử, rất đáng để tham khảo. An Sĩ Toàn Thư là một bộ sách được đại sư Ấn Quang tôn sùng nhất. Ấn tổ tán thán bộ sách này là “kỳ thư khuyến thiện bậc nhất trong thiên hạ”, bên trong An Sĩ Toàn Thư toàn nói về nhân quả.
Ngọc Lịch Bảo Sao của Đạo giáo cũng là tài liệu giáo dục nhân quả, cư sĩ Giang Dật Tử căn cứ vào Ngọc Lịch Bảo Sao vẽ ra Địa Ngục Biến Tướng Đồ, thật sự có tác dụng cảnh tỉnh người đời rất tốt. Mấy năm trước, chúng tôi từ trong Đại tạng kinh thu thập được những kinh văn mà Phật-đà nói về nhân quả địa ngục, soạn thành “Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Tập Yếu”, tường tận hơn so với Ngọc Lịch Bảo Sao, đọc xong khiến người giật mình kinh sợ, không dám tạo ác. Gần đây chúng tôi đã giúp in ấn 10.000 bộ Đạo Đức Tùng Thư mà đại sư Ấn Quang đã từng đề xướng, bộ sách này dùng văn ngôn văn đơn giản viết thành, đã tỉ mỉ thu thập rất nhiều câu chuyện của các nhân vật lịch sử, nhằm trình bày đạo lý của nhân quả báo ứng, là tài liệu dạy về nhân quả vô cùng hay, cũng là sách học văn ngôn văn rất tốt. Phiên bản điện tử của quyển sách này có thể tải xuống từ trên mạng.
Gần đây có một số giảng đường đạo đức làm được rất thành công, trong vòng bảy ngày có đem người ác chuyển thành người thiện, biến tham quan thành liêm khiết, khiến nghịch tử trở thành hiếu tử, khiến người ly hôn tái hợp, khiến người nghiện ngập thoát nghiện. Xác suất thành công đạt trên 90%. Vì sao lại có thể thành công như vậy? Nguyên nhân chủ yếu chính là nhấn mạnh giáo dục nhân quả, để mọi người hiểu được con người sau khi chết vẫn còn luân hồi, tất cả những gì đã tạo đều có báo ứng. Người hiểu rõ đạo lý này thì sẽ biết cảnh giác bản thân, nỗ lực đoạn ác tu thiện. Giáo dục luân lý đạo đức khiến cho người thấy xấu hổ khi làm ác, giáo dục nhân quả khiến cho người không dám làm ác, công hiệu của cách sau so với cách trước càng rõ rệt nhanh chóng hơn.
Lão tổ tông để lại cho chúng ta giáo dục nhân quả thật sự quá tốt! Đây là phương thuốc tốt để cứu mạng thời đại hiện nay. Muốn thật sự cứu vãn thế đạo nhân tâm đã bị trầm luân thời nay thì chỉ có dựa vào giáo dục nhân quả, không có phương pháp nào tốt hơn cách này. Cho nên, mỗi người chúng ta đều cần phải học tập giáo dục nhân quả, hiểu rõ quy luật của nhân quả. Bắt đầu làm từ bản thân, tin sâu nhân quả, cải ác hướng thiện, cải tà quy chánh. Hơn nữa phải khuyên bảo những người có duyên với chúng ta cùng tiếp nhận giáo dục nhân quả, để họ cũng có thể chuyển mê thành ngộ, lìa khổ được vui. Được vậy thì xã hội của chúng ta sẽ càng ngày càng an định, thế giới sẽ càng ngày càng hòa bình.
Sau cùng, chúc phúc mọi người, sáu thời cát tường, đạo nghiệp tăng tiến, tịnh mãn viên thành, quang thọ vô lượng! Chúc phúc thánh giáo, phục hưng quang đại, toàn cầu hoằng dương, thiên thu vạn thế, lợi ích vô biên! Chúc phúc tổ quốc, quốc thái dân an, quốc vận hưng thịnh! Chúc phúc thế giới, an định hòa bình, mãi luôn đại đồng! Cảm ơn mọi người!