ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Tập 37
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Mời mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang mười ba, mời xem kinh văn:
Cánh năng ư tháp miếu tiền phát hồi hướng tâm, như thị quốc vương nãi cập chư nhân tận thành Phật đạo, dĩ thử quả báo vô lượng vô biên.
Đoạn này là nói về bố thí trong đạo tràng nhà Phật, tu bổ kinh sách cũ và hình tượng Phật, Bồ-tát được những công đức gì. Phía trước nói trồng nhân này sẽ được quả báo làm Chuyển Luân Thánh Vương trong trăm ngàn năm; do đó có thể biết, phước báo của bố thí không thể nghĩ bàn. Trong kinh điển, đức Phật nói cho chúng ta biết, trong nhân gian thì người giàu sang nhất chính là Chuyển Luân Thánh Vương, những nghiệp nhân Chuyển Luân Thánh Vương đã tạo trong kinh này có nói, chỗ này chú giải là trích dẫn lời của cổ đức, trang mười ba, câu cuối cùng hàng thứ nhất: “Diệu Huyền vân”, “diệu” là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, “huyền” là Huyền Nghĩa, quyển này do đại sư Trí Giả soạn. Những lời này của đại sư Trí Giả đều là dẫn từ trong kinh điển, đoạn này nói: “Đều là do tán tâm trì giới, và dùng tâm từ bi khuyên người khác tu phước”, câu này vô cùng quan trọng! Tại sao họ được phước lớn như vậy? Tương đương với Chuyển Luân Thánh Vương trong cõi người chúng ta, giống như những vị lãnh đạo các cường quốc trên thế giới, những vị này giống như Chuyển Luân Vương. Hiện nay, nước Mỹ là nước giàu mạnh nhất trên thế giới, rất nhiều quốc gia tuy người Mỹ không thể thống trị nhưng đều chịu ảnh hưởng của Mỹ, thậm chí chịu sự chi phối bởi thế lực nước Mỹ. Tổng thống Mỹ đích thật có đầy đủ ý nghĩa như Chuyển Luân Vương, nhưng không có phước báo lớn bằng Chuyển Luân Thánh Vương, tại sao? Nhiệm kỳ của họ chỉ có 4 năm, hơn nữa còn phải chịu các sự ràng buộc của Quốc hội, không thể làm theo ý riêng của mình, do đó còn thua xa Chuyển Luân Thánh Vương. Hơn 200 năm trước, ba đời vua Khang Hy, Ung Chánh, Càn Long ở Trung Quốc có thể nói cũng khá giống Chuyển Luân Thánh Vương, lúc đó Trung Quốc vô cùng cường thịnh, các nước nhỏ ở châu Á đều triều cống triều Thanh, đều là nước chư hầu của đế quốc nhà Thanh. Cho nên, chúng ta thử mở bản đồ lúc triều Thanh hùng mạnh nhất mà xem, có lẽ lớn gấp ba lần diện tích Trung Quốc ngày nay, đất đai Trung Quốc hiện nay chỉ bằng 1/3 Trung Quốc dưới triều Càn Long, thế nên quốc vương thời đó khá giống với Chuyển Luân Thánh Vương.
Họ làm sao tu được phước báo ấy? Đây là đại sư Trí Giả trong Huyền Nghĩa Kinh Pháp Hoa nói với chúng ta “tán tâm trì giới”, họ không phải chuyên tâm, họ có trì giới không? Họ có trì giới, “đồng thời dùng tâm từ bi khuyên người khác tu phước”, tâm địa họ lương thiện, chình mình tu phước và còn khuyên nhắc rất nhiều người tu phước, lúc phước báo của họ hiện ra, chính họ làm đế vương, còn những người tu phước với họ đều là đại thần, đều là thuộc cấp của họ, trong đây những người phước lớn sẽ làm tiểu vương. Chế độ thời xưa, tổng đốc chính là tiểu vương, tuần phủ cũng là tiểu vương, tuần phủ tương đương với chức tỉnh trưởng hiện nay, còn tổng đốc thường là [vị quan] cai quản hai tỉnh, [hai chức này] đều là thân phận tiểu vương. Các nước chư hầu phụ thuộc ở vùng xa xôi, tiểu quốc vương của các nước nhỏ đều tu được phước báo như vậy. “Thích Thiêm” nói, phần sau nói về Thích Thiêm, câu cuối hàng thứ hai; Thích Thiêm là “Thích Thiêm Huyền Nghĩa”, Huyền Nghĩa là do đại sư Trí Giả soạn, [Thích Thiêm] là chú giải cho Huyền Nghĩa, do pháp sư Trạm Nhiên soạn. Là ngài giảng, ngài giảng khá cặn kẽ, đều là trích dẫn kinh để nói rõ, ngài nói “làm bảy pháp trước”, đây là nói làm thiện cả đời, họ làm những việc thiện nào? Thứ nhất là “thí cho những người nghèo cùng”, với những người bần cùng họ quan tâm, rất nhiệt tâm chăm sóc, cho nên họ cảm được quả báo có rất nhiều người ủng hộ họ, đây là có ân đức, là báo ân. Thứ hai là “kính trọng người dân biết hiếu dưỡng”, họ tôn kính người có thể hiếu dưỡng. Đặc biệt là có thể hiếu dưỡng cha mẹ, hiếu dưỡng người bề trên, họ tôn kính một cách đặc biệt.
Thứ ba là “bốn mùa, tám tiết cúng tế đầy đủ”, đây chính là cung kính quỷ thần. Hai điều trước là đối với người, điều này là đối với thiên địa quỷ thần, người hiện nay sơ sót việc này. Đời sống con người chúng ta có quan hệ mật thiết đối với thiên địa quỷ thần, quan hệ giữa người với người phải làm cho tốt đẹp, quan hệ giữa người với thiên địa quỷ thần cũng phải làm cho tốt đẹp, người xưa hiểu được đạo lý này; không những người xưa của Trung Quốc hiểu được, chúng ta xem thấy người xưa trên thế giới cũng biết, đều biết cúng tế quỷ thần. Người hiện nay đem chuyện này xem thành mê tín, cực lực bài xích, làm quan hệ với quỷ thần bị phá hỏng. Hay nói cách khác, không được sự giúp đỡ của quỷ thần, nếu quỷ thần lại từ đó làm loạn, lại từ đó phá hoại thì chúng ta phải chịu khổ, chúng ta không có khả năng chống đỡ. Tới lúc nào thế giới này mới có thể khôi phục được an định, phồn vinh, hưng vượng giống như ngày xưa, vậy phải xem mọi người có giác ngộ hay không, chúng ta phải đối xử hài hòa với thiên địa quỷ thần. Trong lễ xưa của Trung Quốc, chư vị xem thử Tam Lễ: “Chu Lễ, Nghi Lễ, Lễ Ký” đều đặt việc cúng tế ở vị trí đầu tiên, cúng tế chính là giao thiệp với thiên địa quỷ thần, giữ mối quan hệ tốt đẹp với họ. Đây là sự thật, không phải giả dối. Không phải nói nếu bạn tin thì có, không tin thì không có, không có đơn giản như vậy; bạn tin thì có sự việc này, không tin thì vẫn có sự việc này, đây là sự thật, chúng ta nhất định phải hiểu. Người thế gian tuy miệng nói rất kiên quyết là họ không tin, sự thực thì họ đều đã từng trải qua, ở trong đời sống đều có thể nghiệm, nghe thấy rất nhiều, có rất nhiều người đích thân trải qua. Chúng ta nhất định phải xem trọng sự thật này, phải cúng tổ tiên, cúng thiên địa quỷ thần. Thứ tư là “thường tu nhẫn nhục”, cho nên họ có thể giữ gìn được phước báo, có thể hưởng thụ trong trăm ngàn đời, nguyên nhân chính là họ có thể nhẫn nhục; nếu không thể nhẫn nhục, dù phước báo lớn đến đâu cũng sẽ hưởng hết trong một đời; nhà Phật nói rất hay, bố thí là tu phước, nhẫn nhục là giữ phước; nếu bạn không thể nhẫn thì bạn không giữ nổi, sẽ đánh mất rất nhanh. Phía sau còn ba điều, nhất định phải đoạn tham, đoạn sân, đoạn si, đây là tam độc phiền não. Đây là lúc còn sống tạo bảy thứ nhân thiện thù thắng, sau đó lại phát tâm phục vụ đại chúng nên mới được cảm ứng thù thắng này, được quả báo tốt như vậy.
Phẩm kinh này, ở trong cả bộ kinh Địa Tạng thì phẩm kinh này là phẩm quan trọng nhất. Phần sau cùng của kinh Địa Tạng là quy kết về Tam bảo, “Phẩm Danh Hiệu” là Phật bảo, “Phẩm Bố Thí” là Pháp bảo, sau đó “Phẩm Lợi Ích Tồn Vong” là Tăng bảo. Về Tam bảo, hiện nay Phật không còn ở đời, trong Tam bảo thì Pháp bảo là quan trọng nhất, khuyên chúng ta tu bố thí. Định nghĩa của hai chữ “bố thí” này nhất định phải hiểu thật rõ ràng, thật tường tận. Bố thí chính là phục vụ, bố thí hết thảy chúng sanh chính là phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho xã hội, phục vụ cho chúng sanh trong thập pháp giới, đó là Phật đạo, đại Bồ-tát đạo. Do đó, chúng ta không thể nhìn sai việc bố thí, cho rằng quyên tặng một ít tiền tài trong nhà Phật thì gọi là bố thí, vậy thì bạn hiểu việc bố thí một cách quá đơn giản, quá hạn hẹp rồi. Trong hạnh của Bồ-tát, đức Phật đã nói cho chúng ta sáu nguyên tắc, sáu điều, trong kinh điển gọi là Lục độ, Lục ba-la-mật, chính là sáu nguyên tắc hành vi của Bồ-tát. Thứ nhất là bố thí, thứ hai cũng là bố thí, thứ ba vẫn là bố thí. Đức Phật giảng bố thí chia thành ba loại: Thứ nhất là bố thí tài, thứ hai là bố thí pháp, thứ ba là bố thí vô úy; điều thứ nhất trong Lục độ là bố thí, trong bố thí đều bao gồm cả ba thứ: tài, pháp và vô úy. Thứ hai là trì giới, trì giới là tuân thủ pháp luật. Thứ ba là nhẫn nhục, tuân thủ pháp luật và nhẫn nhục đều thuộc về bố thí vô úy; sau đó là “tinh tấn, thiền định, bát-nhã” đều thuộc về bố thí pháp.
Do đó, nếu bạn quy nạp Bồ-tát hạnh thì đó chính là hai chữ “bố thí”; giải thích hai chữ “bố thí” thì chính là phục vụ cho hết thảy đại chúng. Bất luận bạn là thân phận gì, bất luận nghề nghiệp của bạn làm gì, hết thảy vì chúng sanh, hết thảy vì xã hội, hết thảy vì nhân dân thì đó chính là tu bố thí ba-la-mật. Mỗi người chúng ta, lợi sanh là làm một tấm gương tốt cho chúng sanh, đó là tu bố thí ba-la-mật. Một người sống trong thế gian có tâm địa tốt, phẩm đức tốt, hành vi tốt, làm một tấm gương tốt cho xã hội thì đã bố thí “thân” mình, cả thân và tâm đều tu bố thí. Đời sống của chúng ta, bất luận là giàu sang hay nghèo hèn, giàu sang thì làm một tấm gương tốt cho người giàu sang, nghèo hèn thì làm một tấm gương tốt cho người nghèo hèn. Người nghèo hèn giữ đúng bổn phận, an bần lạc đạo, đây chính là bố thí; người giàu sang làm tấm gương tốt cho người người giàu sang, đem những gì trong đời sống của mình còn dư dả chu cấp cho những người nghèo, đó là tấm gương tốt cho người giàu sang, có phước thì cùng hưởng với hết thảy chúng sanh. Bạn làm trong chính phủ là phục vụ nhân dân, bạn buôn bán cũng là phục vụ nhân dân, bạn làm công nhân lao động vẫn là phục vụ nhân dân. Chúng ta là xuất gia, người xuất gia nghiên cứu Phật pháp, kinh giáo cho thấu triệt, giảng giải tường tận cho hết thảy chúng sanh, đó là phục vụ nhân dân, giúp mọi người phá mê khai ngộ, giúp mọi người nâng cao mức sống, người xuất gia cũng là phục vụ nhân dân. Tất cả Phật pháp không có gì khác, nói đến cuối cùng, tổng kết lại chỉ là phục vụ cho hết thảy chúng sanh mà thôi. Bản thân chúng ta phát tâm phục vụ cho chúng sanh, và cũng khuyên hết thảy chúng sanh cũng phải phục vụ chúng sanh, thật sự có thể hy sinh chính mình, xả mình vì người thì người này gọi là Bồ-tát. Niệm niệm nghĩ đến chúng sanh, niệm niệm nghĩ đến toàn thể xã hội, nghĩ đến hết thảy nhân dân, không nghĩ về bản thân, không có nhà của mình; mình và nhà của mình là một phần tử trong đoàn thể này, cả đoàn thể tốt thì có đạo lý nào chính mình không tốt? Cho nên, họ có phước báo lớn như vậy, phước báo có nguồn gốc từ đâu, chúng ta hiểu được. Đoạn kinh văn sau đây nói, nếu bạn lại có thể mở rộng tâm lượng phục vụ thì phước báo của bạn còn lớn hơn nữa.
Cánh năng ư tháp miếu tiền phát hồi hướng tâm.
“Tâm hồi hướng” là tâm gì? Ngày nay chúng ta phục vụ một khu vực, hoặc nhỏ hơn nữa là một đoàn thể, một đoàn thể trong xã hội, một khu vực. Mở rộng ra là một quốc gia, ngày nay nói đến thế giới, đây là ở trên sự chúng ta có thể làm được, như những gì nói phía trước. Tâm hồi hướng, tuy trên mặt sự chúng ta không làm được, nhưng tâm nguyện của chúng ta đã đạt được. Tâm nguyện phục vụ của chúng ta là tận hư không, khắp pháp giới, không hạn chế ở địa cầu này, lời nói này có phải là nói suông hay không? Không phải, khi thật sự có tâm nguyện thì không phải nói suông. Đáng tiếc là hiện nay chúng ta không có khả năng này, nếu một ngày nào đó chúng ta có thần thông, bay đi bay lại, biến hóa tự tại, đích thực chúng ta rất hoan hỷ giúp đỡ hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới, giống như chư Phật, Bồ-tát vậy, ở tận hư không, khắp pháp giới là tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp, đây là tâm hồi hướng. Tâm lượng của bạn đã mở rộng, một khi tâm đã mở rộng thì quả báo của bạn không phải chỉ làm Chuyển Luân Vương trăm ngàn đời mà thôi.
Tại Như thị quốc vương nãi cập chư nhân tận thành Phật đạo, dĩ thử quả báo vô lượng vô biên.
Sao vừa mới hồi hướng thì đã thành Phật? Tâm hồi hướng này là tâm Phật, tâm là tâm Phật thì làm sao không thành Phật đạo cho được? Đương nhiên sẽ thành Phật. Tâm nói ở phía trên không phải tâm Phật, mà là tâm người, trong bốn loại từ bi thì gọi là “chúng sanh duyên từ bi”, cho nên quả báo của họ sẽ là thân Chuyển Luân Vương. Một khi vừa phát nguyện hồi hướng thì tâm này là tâm Phật, từ bi này là đại từ đại bi, không có điều kiện gì cả, “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, cho nên nhất định thành Phật. Bất luận là phát tâm dẫn dắt, khuyên dạy mọi người, hoặc là cùng nhau làm thì đều thành Phật đạo. “Đều thành Phật đạo”, chư vị phải biết, những người này đều phát tâm hồi hướng thì họ mới có thể thành Phật đạo. Trong đó có nhiều người như vậy, nếu có người không phát tâm rộng lớn như vậy thì họ vẫn không thể thành Phật, người chân thật phát tâm rộng lớn thì mới thành Phật. Quả báo thành Phật mới cứu cánh viên mãn, ở trên quả vị Phật nên dùng thân Chuyển Luân Vương mà độ được thì ngài sẽ thị hiện làm thân Chuyển Luân Vương, nên dùng thân thiên vương để độ thì ngài sẽ thị hiện thân thiên vương, bạn xem tự tại biết bao. Nếu không có tâm lượng lớn này, tuy tu phước báo lớn làm thân Chuyển Luân Vương, thân Chuyển Luân Vương vẫn là không tự tại, họ không thể tùy ý đi làm thiên vương, họ cũng không thể tùy ý đi làm quỷ vương, họ không thể làm những gì tâm họ muốn. Nếu như thành Phật, thành Bồ-tát thì mới tùy tâm mong muốn. Bất cứ thân phận gì cũng có thể thị hiện, hơn nữa thị hiện không chỉ thị hiện một thân, cùng lúc cùng nơi có thể hiện vô lượng thân, thị hiện đủ loại thân phận khác nhau, chỉ có quả địa Phật và đại Bồ-tát mới có thể làm được, do đó phát nguyện hồi hướng rất quan trọng.
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Thế Tôn giảng cho chúng ta về tâm Bồ-đề, tâm chí thành là thể của tâm Bồ-đề, là bổn thể. Hết thảy pháp đều từ trong tâm này lưu lộ ra, đều là từ trong tâm này xây dựng nên. Tâm người phải chân thành, chân thành đến cực điểm, không những không có tâm riêng tư, ngay cả vọng tưởng cũng không có, đây là nói về thể, chính là bổn thể. Có thể thì đương nhiên sẽ có dụng, trong dụng chia thành hai loại, một là tự thọ dụng, hai là tha thọ dụng. Nếu dùng lời hiện nay mà nói thì bạn dùng tâm như thế nào đối với chính mình thì hãy dùng tâm như thế đó để đối với người khác, đối với mình là tự thọ dụng, đối với người khác là tha thọ dụng. Phật dạy chúng ta, đối với mình là thâm tâm, thâm tâm là tâm hiếu thiện, hiếu đức, chính mình có thể tu thiện, tích đức, đây là đối với bản thân; đối với người khác là tâm phát nguyện hồi hướng. Phát nguyện hồi hướng là đại từ đại bi, phát nguyện hồi hướng chính là phát nguyện phục vụ hết thảy chúng sanh. Bất luận ở lúc nào, bất luận ở nơi đâu, toàn tâm toàn lực phục vụ cho đại chúng, sự phục vụ này hoàn toàn là nghĩa vụ, không có chút tơ hào mong cầu báo đáp. Người thế gian phục vụ là phải nói tới đền đáp, còn chư Phật, Bồ-tát phục vụ thì không có đền đáp, toàn bộ là cho đi, nói theo hiện nay thì gọi là nghĩa vụ, hoàn toàn là nghĩa vụ. Nếu như có quan niệm nghĩa vụ thì cũng chưa phải là Phật, Bồ-tát, tại sao vậy? Tâm thương yêu của họ còn thấp một bậc, chỉ là “pháp duyên từ” chứ không phải là đại từ đại bi. “Đại từ đại bi” thì ngay cả ý niệm nghĩa vụ cũng không có, những gì họ làm thật sự là công việc nghĩa vụ, nhưng tuyệt đối không có ý niệm nghĩa vụ, đây mới là Phật, Bồ-tát chân thật, quả báo đó mới là vô lượng vô biên. Pháp sư Thanh Liên trong chú giải cũng trích dẫn một số câu chuyện, chư vị hãy xem những chuyện này, sau khi chư vị nghe tôi giảng xong thì có thể xem hiểu những chuyện này, vậy thì chúng ta không cần phải nói nhiều nữa. Mời xem phần kinh văn bên dưới, phần này là đoạn thứ tư nói về bố thí, phước báo có được khi “bố thí cho người già, người bệnh, sản phụ”.
Phục thứ,
Trong kinh thêm chữ “phục thứ”, nghĩa là phần mở đầu của một việc khác. Đức Phật giảng cho chúng ta các loại bố thí, đây là loại thứ tư. Gọi là:
Địa Tạng! Vị lai thế trung hữu chư quốc vương cập Bà-la-môn đẳng.
Câu này nói về người có thể bố thí, có nhiều người phát tâm bố thí như vậy, thân phận, địa vị, phước báo của họ đều không bằng nhau, nhưng họ đều có thể phát tâm bố thí, những phước có được từ bố thí hoàn toàn phải xem tâm thái của người bố thí, tuyệt đối không phải địa vị của họ cao hay thấp, được phước báo lớn hay nhỏ không liên quan gì tới địa vị của họ cao hay thấp, cũng không liên quan đến tài lực, vật lực của họ. Quan hệ ở chỗ họ phát tâm, họ có dùng tâm chân thành hay không, tâm có viên mãn hay không, có thật sự tận tâm tận lực hay không, phước báo lớn hay nhỏ là dựa trên những điểm này mà xét. Do đó có thể thấy, tu vô lượng vô biên phước báo là việc mà mỗi người chúng ta đều có phần, mỗi người đều có thể làm được. Phần sau là đối tượng của bố thí.
Kiến chư lão bệnh cập sanh sản phụ nữ, nhược nhất niệm gian cụ tâm đại từ.
Quan trọng ở chỗ “tâm đại từ”, tâm đại từ là tâm Phật, tâm thái của Pháp thân Đại sĩ, đây không phải là người bình thường. [Họ] không có điều kiện, khi gặp thì nhất định sẽ giúp đỡ.
Bố thí y dược, ẩm thực, ngọa cụ sử linh an lạc.
Thấy người ta có khổ nạn thì lập tức ra tay cứu giúp, liền đi giúp đỡ họ. Hiện nay, trong xã hội có rất nhiều người già, người bệnh đáng thương, không có người chăm sóc, tại sao cả xã hội lại trở thành như vậy? Vì chính sách giáo dục sai lầm. Giáo dục hiện nay đều là giáo dục chủ nghĩa công lợi, không giống với Trung Quốc thời xưa, giáo dục thời xưa ở Trung Quốc là giáo dục đạo đức, giáo dục nhân nghĩa, tôn trọng đạo đức nhân nghĩa. Giáo dục hiện nay là công lợi, là giáo dục lợi hại, đối với mình có lợi là bạn bè, đối với mình không có lợi thì là kẻ thù, bạn nói như vậy thì làm sao được! Xã hội này trên dưới tranh giành lợi, Mạnh tử nói quốc gia như vậy thì nguy hiểm. Nguy hiểm này chính là nói rõ sẽ có tai nạn lớn xảy ra, hoặc là thiên tai, hoặc là nhân họa, đều do nghiệp cảm của chúng sanh tạo ra, vì mọi người đều tạo nghiệp bất thiện. Thế nên, tại sao người đời sau tôn kính cổ thánh tiên hiền thời xưa? Tại sao sùng bái họ? Vì họ có trí tuệ, họ dựng nên một đường lối giáo hóa chúng sanh, dạy chúng sanh “đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ”: minh đạo, tu đức, hành nhân, tận nghĩa, thủ lễ, xã hội sẽ an định, nhân dân an vui, biết hợp tác lẫn nhau, chung sống hòa mục, đây là đế vương phục vụ nhân dân, làm một tấm gương rất tốt cho xã hội đại chúng.
Trong xã hội công lợi hiện nay, mỗi người chỉ cầu cho lợi ích của cá nhân mình, gia đình cũng không quan tâm, đúng là vong ân bội nghĩa. Cha mẹ làm sao nuôi bạn trưởng thành? Vậy mà đến lúc cha mẹ già thì không quan tâm, vứt bỏ, cho rằng hiếu dưỡng cha mẹ là một gánh nặng, họ không muốn gánh vác gánh nặng này, họ vứt bỏ, cha mẹ sống chết gì cũng không liên quan tới mình, cha mẹ mắc bệnh không có người chăm sóc, cha mẹ già bỏ xó cũng không có người săn sóc. Hiện nay, ở nước ngoài có chế độ phúc lợi cho người già, quốc gia đứng ra nuôi người già, quốc gia phải có tài lực mới được. Sự nghiệp phúc lợi xã hội là do người Mỹ đề xướng đầu tiên, sau khi đại chiến lần thứ hai kết thúc, nước Mỹ là nước giàu mạnh nhất nên họ khởi xướng chế độ này; rất nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới đều bắt chước. Hiện nay tệ hại đã xuất hiện, gánh nặng quốc gia quá lớn, kéo sụp tài chính quốc gia. Nhưng có ai dám phế trừ chế độ này không? Không ai dám. Quốc gia đó là xã hội dân chủ, nếu bạn muốn phế trừ chế độ này thì dân chúng sẽ không bỏ phiếu cho bạn, bạn sẽ không đắc cử, vì muốn lấy lá phiếu nên vẫn phải cắn chặt răng duy trì chế độ này. Nước Mỹ hiện nay thiếu nợ, hầu như mỗi người trên thế giới đều biết, bốn đời còn chưa trả hết, họ vốn là nước chủ nợ, hiện nay biến thành nước mang nợ, đây đều là do chính sách sai lầm. Cho nên, chính phủ Singapore rất thông minh, thấy được tình trạng không tốt này của xã hội. Singapore có phúc lợi xã hội không? Có, nguồn tiền chủ yếu của phúc lợi xã hội là số tiền dành dụm của nhân dân, họ gọi là “công quỹ”, đây là chính phủ buộc bạn phải dành dụm. Số dành dụm này là để phòng hờ khi bạn sanh bệnh, khi bạn đến tuổi già, bạn có thể chính mình nuôi mình. Thật ra khi có khó khăn, chính phủ sẽ trợ giúp một ít, chế độ này tốt! Ở ngoại quốc vì có chế độ phúc lợi xã hội nên người dân không có quan niệm tiết kiệm, [họ thường nghĩ] già cũng không sao, có nhà nước nuôi. Cho nên tiền thu nhập hằng tháng họ đều đem đi tiêu xài sạch sẽ, đa số mọi người chi tiêu quá đà, đã tạo thành hiện tượng thiếu nợ phổ biến.
Trong quan niệm giáo dục thời xưa của Trung Quốc, thiếu nợ là nhục nhã, bạn làm sao có thể mượn tiền để sống qua ngày? Ngạn ngữ thường nói “không nợ thân nhẹ nhàng”. Trải qua đời sống nghèo khổ cũng không sợ, không thiếu nợ thì đời sống không có áp lực, đời sống của họ rất thoải mái. Còn những quốc gia tiên tiến ở nước ngoài hầu như là không có ai không thiếu nợ, áp lực đời sống rất lớn. Xã hội như vậy, tôi sống ở bên đó hai mươi mấy năm, tôi nhìn thấy rất khó chịu, con người sống ở trên thế gian là để làm gì? Là để trả nợ, bạn nói đáng thương biết bao, bi ai biết bao! Mỗi ngày nỗ lực làm việc là để trả nợ. Trả tiền nợ của ngân hàng, mượn tiền ngân hàng, đất đai, căn nhà của bạn ở là do mượn tiền mua trả góp, chiếc xe hơi bạn lái cũng do tiền mượn ngân hàng, tất cả những thiết bị điện máy trong nhà cũng là mượn tiền ngân hàng để mua, mượn công ty bảo hiểm để mua trả góp. Số tiền mỗi tháng kiếm được thì trước tiên phải trả ngân hàng, trả công ty bảo hiểm, còn lại một phần nhỏ mới dành để chi dùng cho sinh hoạt. Lúc tôi ở Mỹ, đại đa số người Mỹ kể ra thì thu nhập không tệ, mỗi tháng có thể kiếm được 3.000 đô la Mỹ, khoản 3.000 đồng này họ phải đóng thuế, phải trả góp cho ngân hàng, trả góp cho công ty bảo hiểm, trên thực tế 3.000 đồng này sau khi trả xong đại khái cũng chỉ còn lại tầm 800 đồng, do đó thu nhập 3.000 đồng nhưng trên thực tế họ chỉ còn 800 đồng; 800 đồng tiền chi dùng cho sinh hoạt của họ so với Trung Quốc chúng ta cao hơn rất nhiều, miễn cưỡng lắm thì cũng đủ chi dùng trong một tháng. Người Trung Quốc tốt hơn so với người nước ngoài, vì người Trung Quốc biết tiết kiệm. Mỗi tháng họ có thể dành dụm 200 đồng là điều rất khó khăn, rất hiếm có. Cho nên số tiền thu nhập 3.000 đồng, nếu họ thật sự tiết kiệm thì bất quá cũng chỉ dành dụm được 200 đồng mà thôi, [từ chuyện này chúng ta mới biết] họ sinh sống như thế nào?
Còn người đến tuổi già, mỗi bang ở Mỹ là tài chính độc lập, nước Mỹ là nước liên bang, mỗi một bang cũng giống như một nước nhỏ, có rất nhiều luật lệ độc lập, nhưng không trái nghịch với hiến pháp của liên bang. Vì của cải của mỗi bang không giống nhau nên phúc lợi xã hội cũng khác nhau. Như tiểu bang Cali khá giàu có, người già ở Cali mỗi tháng có thể được lĩnh 500 đồng dưỡng lão, 500 đồng có thể chi dùng cho một tháng, không thành vấn đề. Tôi ở tiểu bang Texas, hoàn cảnh kinh tế của Texas thua Cali, cho nên tiền dưỡng già ở Texas chỉ có hơn 300 đồng, mặt bằng sinh hoạt của Texas so với Cali cũng thấp hơn một chút. Quốc gia này có chế độ dưỡng lão, sau khi người già về hưu thì đời sống vật chất có thể miễn cưỡng sống qua ngày, còn đời sống tinh thần rất đau khổ, thật sự họ là ngồi ăn rồi chờ chết. Họ mỗi ngày ăn no xong rồi ngồi tắm nắng, không có người nói chuyện với họ. Chúng tôi đến thăm viện dưỡng lão, người già nhìn thấy chúng tôi đều thích nói chuyện với chúng tôi, có người nói chuyện với họ thì họ cảm thấy được an ủi.
Thế nên, khi chúng tôi nhìn thấy hiện tượng thê thảm của người già, nên chúng tôi mới có ý định muốn xây làng Di-đà, giúp giải quyết khổ nạn cho họ, tìm cho họ một đời sống tinh thần. Có một số viện dưỡng lão tổ chức rất khá, mỗi tuần có tổ chức một buổi họp mặt có tính chất giúp vui, trong đó có biểu diễn, cũng có ca hát, nhảy múa, do ai tổ chức? Đều do người già tự tổ chức, tự mình làm. Những người trẻ hơn một chút, sức khỏe tốt đứng ra biểu diễn, còn nhiều người lớn tuổi đi đứng không được phải ngồi xe lăn, họ ngồi ở xung quanh làm khán giả, như vậy kể là rất khá rồi. Nhưng chúng tôi cảm thấy như vậy cũng chưa đủ, chúng ta cần phải có người trẻ tuổi đến đó biểu diễn thường xuyên hơn, đặc biệt là khích lệ học sinh trẻ tuổi, các em nhỏ có thể thường xuyên đến làng Di-đà biểu diễn, giúp cho người già cùng với các em nhỏ có thể thường gặp mặt, có thể thường tiếp xúc, khiến tinh thần của họ được an ủi. Rất nhiều đoàn ca múa trên thế giới, các đoàn diễn xiếc Trung Quốc, biểu diễn chuyên nghiệp, chúng ta có thể mời đến làng Di-đà biểu diễn. Cho nên làng Di-đà không chỉ đơn thuần là niệm Phật, trong đó có nhiều hoạt động giúp vui này. Chúng tôi hy vọng có thể giúp người già trải qua thời gian mà họ cảm thấy hạnh phúc nhất trong đời của họ, chúng tôi hướng về mục tiêu này để làm, phục vụ cho người già, người bệnh.
Trong kinh đề cập tới “phụ nữ sanh sản”, hiện nay y dược phát triển, chăm sóc phụ nữ sanh sản không cần chúng ta phải bận tâm. Thời xưa, phụ nữ sanh sản vô cùng khổ sở, không có người chăm sóc. Cho nên lúc sanh sản là lúc liên quan tới tính mạng, là lúc cần người giúp đỡ nhất. Hiện nay trừ khi là những chỗ vô cùng lạc hậu, những chỗ chưa phát triển, còn những chỗ đã phát triển, hoặc những quốc gia đang phát triển đại khái đều không thành vấn đề. Ở đây đức Phật khuyến khích chúng ta phải bố thí thuốc men, thức ăn, chăn chiếu cho những chúng sanh khổ nạn, cần chúng ta giúp đỡ, họ rất cần những vật này, nếu bạn có thể chăm sóc được, mục đích là “khiến được an lạc”, giúp họ được thân tâm bình an, giúp họ lìa khổ được vui. Mời xem tiếp kinh văn bên dưới:
Như thị phúc lợi tối bất tư nghị, nhất bá kiếp trung thường vi Tịnh Cư thiên chủ, nhị bá kiếp trung thường vi Lục Dục thiên chủ, tất cánh thành Phật vĩnh bất đọa ác đạo, nãi chí bá thiên sanh trung nhĩ bất văn khổ thanh.
Đoạn kinh văn này là nói về quả báo đạt được của sự bố thí. Bố thí là nhân của phước đức, ba nghiệp đều phải biết tu học. Trong tâm thường giữ ý niệm bố thí, vừa mới nói chính là phục vụ chúng sanh, chúng ta nói như vậy thì mọi người dễ hiểu, niệm niệm đều có tâm nguyện phục vụ chúng sanh, đây là tâm bố thí của bạn. Lúc thường ngày dùng lời nói để khuyên người, phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, đây là miệng bố thí. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thật sự làm được, ngay trong cương vị công tác của mình, ngay trong phương thức sinh hoạt hằng ngày của mình phải làm việc có lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, đây là thân làm việc bố thí, [làm vậy] bạn nhất định sẽ có phước. “Bố thí tài” gồm có nội tài và ngoại tài, ngoại tài là vật ngoài thân, nội tài là thân thể của mình, mình dùng thân thể của mình, dùng sức lực của mình phục vụ mọi người, đây là “bố thí nội tài”, bố thí tài thì sẽ được giàu sang. “Bố thí pháp” là dùng trí tuệ của mình, dùng kỹ thuật, khả năng của mình để giúp đỡ người khác, quả báo là thông minh trí tuệ. “Bố thí vô úy” là giúp mọi người được thân tâm yên ổn, xa rời lo sợ, xa rời ưu tư phiền não, quả báo là được khỏe mạnh sống lâu. Như vậy thì phước báo của bạn mới viên mãn, trong sinh hoạt cả đời của bạn, đời sống vật chất không thiếu thốn, không cần quá nhiều, không thiếu thốn là tốt rồi, là rất viên mãn. Cái ăn, cái mặc đầy đủ, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu thì phước báo của người đó mới là viên mãn. Ngày nay chúng ta thấy thế gian này có rất nhiều người giàu sang nhưng không có trí tuệ, ngu si, họ thật sự giàu có. Lại thấy có người thông minh, rất có trí tuệ nhưng thân thể không khỏe, nhiều tai nạn, nhiều bệnh, đó là gì? Đời trước họ không có tu bố thí vô úy, thường làm tổn hại hết thảy chúng sanh, [nên họ] bị nhiều tai họa, nhiều bệnh tật. Họ nói: “Tôi đâu có hại chúng sanh gì đâu, không hại ai hết”, mỗi ngày ăn thịt chúng sanh thì chuyện này đã là phiền phức rồi.
Tôi nhớ có một lần, cư sĩ họ Lôi ở Hồng Kông ở đây báo cáo, bà xem thấy quả báo ngay trong đời này, có một người thích ăn đồ biển, lúc chết bị một bệnh giống như con cua, giống cá tôm vậy, quả báo hiện tiền mọi người đều nhìn thấy, làm cho rất nhiều người sợ hãi, những người thích ăn đồ biển đều không dám ăn nữa. Bà ở đây thuật lại chuyện này, chúng tôi có thu hình, cuộn băng thu hình này có thể lưu thông cho mọi người xem, chuyện bà kể là chuyện thật, người thật việc thật. Trong Giới Kinh, tuy đức Phật không cấm mọi người ăn thịt, nhưng đức Phật khuyên người ăn “tam tịnh nhục”. Tam tịnh nhục, thứ nhất là không thấy giết, bạn không xem thấy sát sanh, thứ hai là bạn không nghe thấy tiếng kêu [lúc con vật bị] giết, thứ ba là tuyệt đối không phải vì mình mà giết, đây gọi là tam tịnh nhục. Nhưng có một số người thích ăn thịt sống, tận mắt nhìn thấy con vật bị giết, đích thân kêu người đầu bếp giết con vật ấy, họ muốn ăn đồ tươi, ăn như vậy thì tạo nghiệp nặng lắm. Cho dù bạn tu bố thí được phước, dù bạn tu bố thí pháp được thông minh trí tuệ, quả báo của bạn chính là thân thể bị nhiều tai họa, nhiều bệnh tật. Thông thường mà nói thì thân thể người Trung Quốc không bằng người nước ngoài, người nước ngoài ăn thịt, người nước ngoài thật sự ăn tam tịnh nhục, hơn nữa lúc ăn thịt cũng tương đối đơn thuần. Ở nước ngoài chúng ta thấy họ ăn phổ biến nhất là thịt bò, thịt gà, những động vật khác họ không ăn, rất ít ăn, họ yêu thương động vật. Nếu họ thấy bạn làm tổn hại động vật thì họ không thích, họ sẽ không tha thứ cho bạn. Ở Úc Châu nếu làm tổn thương động vật bừa bãi thì phải bị phạt, phải bị phạt tiền, thậm chí còn phải đi tù, đây là bảo hộ động vật. Gà và bò của họ được nuôi để làm thịt, như vậy thì tạo nghiệp sẽ nhẹ. Hãy xem người Trung Quốc chúng ta, đặc biệt là người miền Nam cái gì cũng ăn, cái gì cũng muốn ăn sống, như vậy thì tạo nghiệp rất nặng, sẽ chịu rất nhiều tai nạn. Do đó, chúng ta phải biết làm cách nào để tu phước.
[Nói đến] đạo khỏe mạnh sống lâu, tất nhiên phương thức sống của chúng ta rất quan trọng, đó đều là duyên. Nguyên nhân thật sự là do trong đời quá khứ tu bố thí vô úy, bố thí vô úy giúp cho hết thảy động vật, các loài hữu tình, những động vật có sinh mạng đều được yên ổn, được sống vui vẻ, không thể sát hại chúng, đây là thuộc về bố thí vô úy, ngày nay gọi là thương yêu, bảo vệ động vật. Chúng tôi ở Mỹ, ở Canada, ở Úc Châu thấy những động vật sống hoang dã không sợ con người. Bạn xem những động vật nhỏ ấy, bạn ngoắc tay thì nó liền đi tới, chim cũng không sợ người, nó bay xuống đậu trên vai bạn, bạn vừa ngoắc tay thì con sóc liền chạy lên tay bạn. Động vật ở Trung Quốc khác ở nước ngoài, vừa thấy người thì nó lập tức chạy mất, động vật cũng thông hiểu tánh người, sống ở chỗ nào mà nó biết con người không hại nó, con người là bạn tốt của nó thì nó mới dám lại gần. Còn ở Trung Quốc hay Đài Loan thì không được như vậy, chim vừa nhìn thấy người thì liền bay đi, nó biết những người này là kẻ thù của nó, là oán gia của nó, chắc chắn sẽ giết hại chúng nên chúng mau mau chạy thoát thân.
Đoạn này dạy chúng ta làm thế nào để tu bố thí, làm sao tu phước, tu bố thí chính là tu phước, nếu bạn có thể tu học như vậy, tu bố thí như vậy, quả báo sẽ là “trong vòng một trăm kiếp thường làm vua trời Tịnh Cư”; trời Tịnh Cư là trời Tứ Thiền, quả vị này cao, họ được quả báo như vậy. Nguồn gốc của quả báo đều ở tại phát tâm, bạn biết phát tâm thì bạn sẽ tin quả báo mà Phật nói đều là chân thật. “Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh”, hết thảy pháp chuyển biến theo tâm niệm của bạn, trong nhân nói phía trước, quan trọng nhất là phải có tâm đại từ thì bạn mới có quả báo này. Nếu bạn chỉ có ái duyên từ, chúng sanh duyên từ thì quả báo sẽ không lớn như vậy, đây là lòng đại từ đại bi giống như chư Phật, Bồ-tát, quả báo không thể nghĩ bàn. Thời gian một trăm kiếp, thời gian dài như vậy bạn sẽ làm Đại Phạm thiên vương, đây là trời Sắc giới. “Trong hai trăm kiếp thường làm vua trời Lục Dục”, Đại Phạm thiên vương, phước báo của vua trời Tịnh Cư hưởng hết, hưởng hết rồi thì sẽ đọa xuống, nhưng họ vẫn còn dư phước. Phước đó tuy không đến trời Sắc giới, nhưng sẽ hưởng phước tiếp ở trời Dục giới. “Nhất định thành Phật, vĩnh viễn không đọa ác đạo”, Nhất định thành Phật là nói hạt giống Kim Cang được trồng xuống trong a-lại-da thức sẽ không hư hoại, nếu như gặp được nhân duyên thù thắng, duyên thù thắng này giống như lời nói của đại sư Thiện Đạo là “gặp duyên không đồng”. Nếu họ gặp được Phật pháp Đại thừa, gặp được pháp môn Tịnh độ, dựa trên thiện căn, phước đức của họ, lại thêm nhân duyên nữa thì họ nhất định sẽ vãng sanh bất thoái thành Phật, vậy thì vĩnh viễn sẽ không đọa ác đạo, sanh đến thế giới Tây Phương thì đương nhiên “không nghe thấy tiếng khổ”. Đoạn này là nói về quả báo của họ.
Đoạn này trong chú giải, pháp sư Thanh Liên chú thích rất nhiều, nói rõ những việc không thể nghĩ bàn. Trong đó ngài trích dẫn kinh luận, nêu ra những vật bố thí gồm có nhà cửa, giường chiếu, đồ ăn, thuốc men, nói rõ những thứ này đều là pháp thế gian, làm sao có thể nói là không thể nghĩ bàn? Sau đó nói: “Đây là do lúc bố thí, một niệm đầy đủ tâm đại từ, liền là căn bản để thành Phật?”, cho nên mấu chốt là ở ba chữ “tâm đại từ”. Nếu thật sự dùng tâm đại từ đại bi, không có phân biệt, không có chấp trước, một ý niệm này liền không thể nghĩ bàn, cho nên được phước cũng không thể nghĩ bàn, quả báo không thể nghĩ bàn. Phần chú thích còn lại chư vị có thể tự xem. Mời xem tiếp kinh văn:
Phục thứ Địa Tạng! Nhược vị lai thế trung, hữu chư quốc vương cập Bà-la-môn đẳng, năng tác như thị bố thí, hoạch phước vô lượng, cánh năng hồi hướng bất vấn đa thiểu, tất cánh thành Phật. Hà huống Thích Phạm Chuyển Luân chi báo.
Đức Phật ở chỗ này tổng kết, một khoa “quy kết về hồi hướng thành Phật”. Đức Phật lại nói với Địa Tạng Bồ-tát, hàng kinh văn này có hai đoạn, đoạn trước là tổng kết phước của bố thí, đoạn sau tổng kết phước của hồi hướng. Tổng kết bố thí đặc biệt nhắc đến “trong đời vị lai”, câu này là chỉ đời hiện tại của chúng ta, năm xưa lúc đức Phật giảng kinh thuyết pháp nói về đời vị lai, “vị lai” bao gồm thời đại chúng ta. “Có các quốc vương và Bà-la-môn, v.v…”, đây là nói về những người có thể bố thí, “v.v…” là bao gồm cả chúng ta, mọi người đều bao gồm trong đó. Khi bạn hiểu được đạo lý này, hiểu rõ được chân tướng sự thật thì phải nên hết lòng nỗ lực phục vụ cho xã hội đại chúng, đây chính là tu bố thí ba-la-mật. Phục vụ xã hội đại chúng quan trọng nhất là phải có tâm chân thành, tâm thanh tịnh, chúng ta làm tròn nghĩa vụ không cầu báo đáp, quần áo và thức ăn trong đời sống của mình đủ là được rồi, tuyệt không tham lam hưởng thụ xa xỉ, nếu như tham các thứ này thì những gì bạn tu được đều sẽ báo hết, liền báo sạch. Nếu bạn không mong cầu phước báo thì phước báo tích lũy ở trong đó, càng tích càng dày, sẽ biến thành đại phước báo không thể nghĩ bàn! Đại phước báo chính mình cũng không nhận lấy, đem đại phước báo này cúng dường hết thảy chúng sanh, thành tựu vô lượng vô biên phước báo cho mình. Có vô lượng vô biên phước báo cũng không hưởng thụ, đem hết thảy phước báo ấy cúng dường hết thảy chúng sanh trong tận hư không, khắp pháp giới, bạn nói xem viên mãn biết bao, vui vẻ biết bao! Việc vui lớn nhất của đời người không gì vượt qua được niềm vui này.
Chúng ta ở nhà nhỏ, trải qua đời sống đơn giản có gì không tốt? Sống rất tự tại, cần gì phải ở trong nhà lộng lẫy, bước ra cửa có rất nhiều người đi trước dẫn đường, đi sau bảo vệ, tôi cảm thấy đời sống như vậy rất bất tiện. Ra ngoài phải dẫn theo nhiều người bảo vệ, đi lại không tự do, giàu sang quá mức. Ở trong nhà thì sợ người ta trộm cướp, phải mướn rất nhiều nhân viên bảo vệ, nói thật ra như vậy là vô hình trung đang giam lỏng chính mình, đời sống không được tự do, tự tại. Hà tất phải như vậy! Bạn có của cải tại sao không bố thí? Sau khi xả rồi thì mới thật sự được tự do tự tại, trong kinh Phật thường gọi là “đời sống giải thoát”, đó là đời sống mỹ mãn nhất, không bị gò bó, tự do thoải mái, vậy mới đúng. Chúng ta học Phật phải rõ lý, phải hiểu rõ chân tướng sự thật, thì mới chịu tu bố thí, chịu phục vụ cho xã hội đại chúng, cống hiến thân tâm của chúng ta, cống hiến trí tuệ, năng lực của chúng ta, tạo phước cho mọi người chứ đừng hưởng phước, vậy thì bạn sẽ có vô lượng phước. Đây là đoạn tổng kết phước của bố thí.
“Còn có thể hồi hướng, không hỏi là nhiều hay ít, rốt cuộc sẽ thành Phật”, sau đó là tổng kết phước của hồi hướng, phước báo của hồi hướng. Có thể hồi hướng, không kể nhiều ít, rốt cuộc sẽ thành Phật, vì nguyên nhân gì? Vì phía trước nói bạn có tâm đại từ, tâm đại từ là tâm Phật, không hỏi công đức bạn tu được nhiều hay ít, bạn đều sẽ thành Phật, vì bạn dùng tâm Phật để phục vụ xã hội đại chúng. “Huống hồ là quả báo Thích, Phạm, Chuyển Luân”, đây là thí dụ ngay cả việc thành Phật bạn còn có thể làm được, huống hồ là những phước báo nhỏ của trời người. Thích là vua trời Dục giới, Phạm là vua trời Sắc giới, Chuyển Luân thánh vương là người có phước báo lớn nhất trong cõi người, bốn chữ này là nói về phước báo lớn trong lục đạo. Thành Phật là phước báo cứu cánh viên mãn trong cả thế gian và xuất thế gian, phước báo cứu cánh viên mãn bạn còn có thể được, huống hồ là phước báo nhỏ trong lục đạo. Trăm đời, ngàn đời là phước báo nhỏ trong lục đạo thì đương nhiên sẽ được. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì mới biết bố thí không thể không tu, đối với chính mình có lợi ích chân thật, hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian, chỉ có pháp này là thật, những thứ khác đều là giả. “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, nhà Phật thường nói “vạn thứ không mang đi, chỉ có nghiệp theo mình”, trong thế gian này có thứ gì bạn có thể mang đi? Lời Phật dạy chúng ta phải ghi nhớ “mạng người vô thường, cõi nước mong manh”, được thân người là đáng quý nhất, ngày nay chúng ta có được thân người, thì việc có ý nghĩa nhất, có giá trị nhất chính là tu phước, vì hết thảy chúng sanh phục vụ, được vậy thì đời này bạn mới có ý nghĩa, có giá trị. Chúng tôi nói có ý nghĩa, có giá trị, nói thật ra là rất trống rỗng, rất trừu tượng, ý nghĩa của nó ở đâu? Giá trị ở đâu? Đoạn kinh văn này giảng rất tường tận, thực tiễn, ý nghĩa và giá trị này là phước báo vĩnh hằng, đời đời kiếp kiếp bạn hưởng phước báo không cùng tận, ý nghĩa và giá trị là ở chỗ này.
Nếu như chúng ta còn một ý niệm tham, còn có ý niệm bỏn xẻn, còn không chịu làm việc phục vụ viên mãn cho mọi người, chính mình còn giữ lại một chút thì phước báo bạn tu được sẽ nhỏ, quả báo của bạn sẽ không thù thắng. Cho nên, một người có phước báo hay không đều ở khoảng một niệm của mình. Một niệm này của chúng ta có phải nghĩ cho người khác hay không, nghĩ cho cả xã hội, nghĩ cho quốc gia, nghĩ cho toàn nhân loại, nếu được vậy thì phước báo của bạn sẽ lớn. So đo tính toán, nghĩ cho đời sống của mình, nghĩ cho gia đình mình của mình thì phước báo của bạn sẽ nhỏ, rất nhỏ, rất nhỏ. Bạn nghĩ cho cá nhân thì phước báo bạn tu được, đời sau bạn được phước báo một mình, vì bản thân mình hoặc vì gia đình của mình thì phước báo của bạn sẽ lớn bấy nhiêu. Bạn vì bản thân mình thì tương lai thân thể bạn khỏe mạnh, cường tráng. Nếu bạn vì một gia đình, bạn là người đứng đầu trong nhà thì cả gia đình bạn được hạnh phúc, đâu có giống như đã nói trong kinh là làm Đại Phạm thiên vương, làm Đao-lợi thiên vương, bạn không có phước phần này, tại sao vậy? Vì tâm lượng quá nhỏ.
Cho nên cùng một sự việc tu bố thí, quả báo lớn hay nhỏ, tên của phẩm này là “so sánh phước báo”, đều ở tại tâm của bạn, đều ở tại lượng của bạn; tâm lượng của bạn lớn, có một tâm niệm đại từ bi, tâm đó là “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, cho nên phước của việc bố thí tuy nhỏ nhưng được tâm lượng phóng lớn lên, rốt cuộc thành Phật, cho nên sự hồi hướng đó sẽ lớn, tâm lượng sẽ lớn. Tại sao chúng ta không dùng tâm lượng lớn? [Chúng ta] phải học dùng tâm lượng lớn thì tất cả đều sẽ lớn, việc thiện nhỏ như lông tóc cũng biến thành quả báo khắp hư không pháp giới. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta đã học mở rộng tâm lượng, trong hội giảng kinh này đức Phật cũng dạy chúng ta mở rộng tâm lượng, cho nên kinh này cùng kinh Hoa Nghiêm là không hai không khác, đều cùng một cảnh giới. Mở rộng tâm lượng vì hết thảy chúng sanh phục vụ, cho dù hy sinh tính mạng cũng không tiếc nuối, cũng vô cùng hoan hỷ, vô cùng vui vẻ, chúng ta vì hết thảy chúng sanh được phước, lìa khổ được vui mà hy sinh thì chúng ta rất vui vẻ, rất đáng làm! Nhất định không chút tơ hào tham dục cho bản thân, đây mới chân thật là đệ tử Phật, đây mới chân thật thực tiễn lời dạy bảo của Phật-đà.
Mời xem tiếp đoạn kinh bên dưới, trang thứ 18, vừa mở đầu trong phần chú thích có vài câu, chúng ta phải ghi nhớ, đây là pháp sư Thanh Liên trích một đoạn trong kinh Ngũ Đạo Tội Báo, chúng ta hãy đọc một lượt. “Người hiền thích bố thí”, chữ “người hiền” ở đây chính là Bồ-tát, người thích bố thí chính là Bồ-tát, “thích bố thí” nói theo hiện nay là thích phục vụ cho nhân dân, nhiệt tâm phục vụ cho nhân dân, toàn tâm toàn lực phục vụ cho nhân dân, đó chính là “người hiền thích bố thí”. “Thiên thần tự nhiên giúp”, tự nhiên đến giúp đỡ, bạn có thể cảm động đến thiên địa quỷ thần giúp đỡ. “Thí một được gấp vạn”, đây là nói về quả báo, quả báo của sự bố thí không thể nghĩ bàn, vượt trội hơn sự bố thí của bạn không chỉ vạn lần thôi đâu. “An vui thọ mạng dài”, đây là bài kệ thứ nhất, nói rõ về phước báo của bố thí. Bài kệ thứ hai: “Ngày nay bố thí lớn, Phước ấy không thể lường, Đều sẽ thành Phật đạo, Độ thoát khắp mười phương”. Ý nghĩa của bài thứ nhất là tổng kết phước của bố thí như chúng ta vừa mới nói, bài thứ hai chính là tổng kết phước của hồi hướng, đây là hai bài kệ. Chúng ta nhất định phải tỉnh ngộ, lúc trước mê hoặc điên đảo, tham lam bỏn xẻn, bây giờ tỉnh ngộ, giác ngộ trở lại, hoàn toàn vứt bỏ những quan niệm, cách nghĩ, cách làm sai lầm lúc trước, chúng ta phải học theo Phật, nghe theo lời dạy của đức Phật, sửa đổi tư tưởng của chúng ta, sửa đổi tác phong của chúng ta. Từ nay về sau, khi chúng ta khởi tâm động niệm phải nghĩ đến sự khổ vui của xã hội đại chúng, phải nghĩ đến họa phước của xã hội đại chúng, tuyệt đối không thể làm những gì bất lợi đối với xã hội; không những không thể làm, ngay cả nghĩ cũng không thể nghĩ, những gì có lợi ích cho xã hội thì chúng ta phải tận tâm tận lực mà làm, phải hiểu rõ đạo lý này. Nếu như chúng ta tham tiền, chiếm tài sản của xã hội đại chúng làm của riêng mình, quả báo nhất định đọa địa ngục, đặc biệt là của cải cứu tế.
Trước kia, lúc tôi mới học Phật, lão cư sĩ Chu Kính Trụ kể cho tôi nghe một câu chuyện, sau này ông chép chuyện này trong sách, ông có mấy cuốn sách hay để lại cho đời sau, hình như trong “Giảng Ký Kinh Bát Đại Nhân Giác” có kể câu chuyện này, Giảng Ký Kinh Bát Đại Nhân Giác là của lão cư sĩ Chu Kính Trụ. Hình như trong cuốn “Ảnh Trần Hồi Ức Lục” cũng có kể chuyện này, là cùng một câu chuyện. “Ảnh Trần Hồi Ức Lục” là tự truyện của pháp sư Đàm Hư, đây là chuyện đời trước, cả hai ngài là cùng một thời đại, tuổi cũng ngang nhau, họ đều đích thân nhìn thấy. Khi đó ở Thượng Hải có một người giàu có, sống ở vùng Tô Giới, đây là năm đầu thời Dân Quốc. Hơn nữa, người này vô cùng giàu có, làm quan đời nhà Thanh, chức quan rất lớn, sau khi chế độ Dân Quốc thành lập, triều nhà Thanh bị lật đổ, ông liền lánh nạn sang Tô Giới, lúc đó vùng này được sự bảo hộ của người nước ngoài. Lúc về già ông học Phật, thường tu bổ cầu đường, cũng tu bố thí cúng dường ở trong nhà Phật, thường hay tu phước không kém ai cả, trong nhà Phật phần nhiều người ta gọi ông là một đại thiện nhân, kính trọng ông như Phật, Bồ-tát.
Qua mấy năm sau ông mất, sau khi mất, ông có mấy bà vợ nhỏ, hình như bà vợ thứ tư, tôi nhớ không rõ lắm. Sau khi ông mất bà vợ này rất nhớ ông. Đúng lúc đó có một người Pháp có năng lực câu thông với người mất, có thể qua lại với người mất. Bà vợ này nghe nói có sự việc như vậy nên đã đi tìm ông người Pháp này. Bà nhờ ông tìm người chồng vừa mới mất về cho bà gặp mặt, nói chuyện. Ông người Pháp này chịu giúp bà nhưng với giá rất mắc, hình như lúc đó ông ra giá 1.000 đồng, nếu không phải là nhà giàu có thì sẽ không trả nổi, vì trong nhà người vợ này có tiền nên đã mời ông tìm giúp. Bà đưa tên họ cho ông ta, giờ sanh, giờ chết lúc nào, sau khi chết chôn ở nơi đâu. Ông ta có khả năng đi tìm, kết quả mời ông tìm nhưng ông tìm không ra. Tìm không ra thì đương nhiên bà vợ này rất tức giận và nói: “Ông có gạt tôi không?” Ông nói: “Tôi tuyệt đối không gạt bà”, ông nói tiếp: “Nếu bà có bạn bè thân thích vừa mới qua đời, tôi sẽ tìm cho bà coi, tôi không gạt bà đâu, tôi sẽ nhận một nửa giá thôi”. Thế rồi bà liền đồng ý để ông tìm thử. Đúng lúc đó con trai lớn của chồng bà cũng vừa mất không lâu, bà liền gọi người con dâu tới, nhờ ông người Pháp tìm với giá phân nửa. Quả nhiên không lâu sau đó, ông ta tìm được hồn của người con trai trưởng này về, sau khi về thì nhập vào một người, bà liền hỏi người con trai này, người này sau khi bị nhập vào có hành động, thái độ y hệt như người con trai vừa chết của chồng bà, ngay cả tiếng nói cũng giống. Bà hỏi người con trai: “Cha con vừa mới mất tại sao lại tìm không ra?” Người con nói: “Cha con mất đi liền đọa địa ngục rồi”, vì thế mà người Pháp này không tìm ra, hồn ở cõi quỷ thì ông còn tìm được chứ địa ngục thì không có cách gì, người mất đó đã đọa địa ngục.
Ông ấy là một người rất tốt, thường tu bổ cầu đường, mỗi ngày đều lạy Phật, tụng kinh, đã làm rất nhiều chuyện tốt trong nhà Phật, tại sao ông vẫn đọa địa ngục, đâu có đạo lý như vậy? Người con trai đó nói: “Trước đây, cha làm quan trong triều đình nhà Thanh, có một lần vua phái cha đi cứu trợ thiên tai, nói chung là cha đã lấy hết số tiền cứu trợ thiên tai ấy, cho nên rất nhiều người dân trong thiên tai bị chết do không được cứu trợ, tội nghiệp này quá nặng, sau này cho dù cha tu hành như thế nào cũng không có cách gì bù đắp nổi, nên vẫn phải đọa địa ngục. Chuyện này rất kín, không có ai biết, cha có một người bạn còn sống, có thể người bạn ấy biết đôi chút về việc này, mọi người có thể đi hỏi thăm”. Sau đó bà vợ này tìm được người bạn này của chồng, hỏi xem có chuyện như vậy không? Người bạn đó suy nghĩ một hồi rồi đáp: “Đúng là có chuyện như vậy”. Ông ta đã làm quan khâm sai đại thần, đi phát tiền cứu trợ dân chúng trong thiên tai, nhưng khi phát cũng có một số người biết. Ông quan đó đã cướp đoạt số tiền, bao nhiêu tiền thì không ai biết, người bạn này cũng không biết, chỉ nói đích thực có sự việc như vậy. Đây là ông đã gây ra sai lầm to lớn, bạn nghĩ xem chỉ tham một số tiền như vậy, bản thân có thể sống giàu sang được bao lâu? Đến lúc già làm bao nhiêu chuyện tốt cũng không có cách gì bù đắp được, vẫn phải đọa địa ngục. Đọa địa ngục, như chúng ta xem thấy trong kinh này là chịu khổ vô số kiếp.
Cho nên, tiền cứu trợ thiên tai một chút cũng không thể động, việc này quá ghê gớm, tội lỗi này quá khủng khiếp! Số tiền đó là để cứu mạng người ta. Khi thấy tiền tài này mà muốn chiếm đoạt thì quả báo đều ở địa ngục. Chúng ta khi gặp tai nạn lớn này, toàn tâm toàn lực đi giúp đỡ còn không kịp, khi thấy người ta ra sức, ra của để cứu trợ thì phải sanh tâm hoan hỷ, phải tùy hỷ công đức, làm sao có thể ở trong đây khởi tâm tham cho được! Đó là tạo tội cực nặng. Phàm là việc cứu lúc nguy cấp, cứu người nghèo khổ thì công đức đều rất lớn, trong kinh chúng ta thấy được, nếu như trong này lại khởi tâm ác, khởi ý niệm ác gây trở ngại, phá hoại, cướp đoạt thì tội nghiệp này đều ở địa ngục. Bố thí tài đã như vậy thì bố thí pháp cũng như vậy, trong bố thí pháp thì đặc biệt là Phật pháp, Phật pháp là sự giáo dục nhằm cứu độ hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn, chướng ngại lưu thông Phật pháp là cắt đứt Pháp thân huệ mạng của hết thảy chúng sanh, quả báo là ở địa ngục A-tỳ, địa ngục Ngũ Vô Gián.
Nếu chư vị đọc kinh Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo thì sẽ hiểu, kinh này là kinh Đại thừa, là một phần trong kinh Bảo Tích, là một mục lớn trong kinh Bảo Tích, là một mục trong kinh Bảo Tích, kinh Vô Lượng Thọ cũng trong kinh Bảo Tích. Trong kinh này, đức Phật đã nói ra hết những tội nghiệp của người xuất gia tạo trong thời Mạt pháp, nói một cách tường tận cho chúng ta, chúng ta đọc kinh này thấy sởn cả gai ốc. [Tự hỏi] chính mình có phạm tội không, có làm gì sai trái hay không? Nếu như đã làm sai còn không biết sám hối, không biết sửa đổi thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh! Nhất định phải hiểu việc này. Đã tạo tội này cũng không sợ, sám hối liền có thể tiêu trừ nghiệp chướng, sự sám hối này là hoàn toàn chuyển trở lại, tuyệt đối không thể phạm lại sai lầm, phải hết lòng đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, thay đổi những quan niệm, việc làm sai lầm trước kia, làm một chuyển đổi lớn, chuyển đổi một trăm tám mươi độ, như vậy mới có thể cứu chính mình. Do đó [chúng ta] phải lưu thông kinh này rộng rãi, phải giảng nhiều lần, phải hết lòng học tập. Tôi nhớ tôi đã giảng qua ba lần, ở Mỹ giảng qua một lần, ở Đài Loan giảng qua một lần, ở đây cũng giảng qua một lần, có băng thu âm, băng thâu hình lưu thông, hình như hiện nay cũng có đồng tu đem bài giảng chép thành sách. Bản chép thành sách này tôi chưa xem lại, khi tôi xem xong và biết trong đó đích thật không có sai lầm thì mới có thể đăng lên mạng, lưu thông trên mạng, chắc hiện nay đã có băng thu âm và băng thu hình trên mạng rồi.
Cho nên lưu thông Phật pháp, mang Phật pháp tới hết thảy chúng sanh, phước báo này lớn nhất. Chúng ta phải học theo đức Phật Thích-ca Mâu-ni, cả đời bố thí trí tuệ, đây là bố thí pháp, trong bố thí trí tuệ cũng bao gồm bố thí tài, tại sao vậy? Dùng thân thể của chúng ta, dùng sức lực của chúng ta, hoàn toàn là nghĩa vụ dạy học hết lòng, để khuyên xã hội đại chúng khuyến thiện sửa lỗi, dùng thể lực của chúng ta thì đó thuộc về bố thí tài. Chúng ta quan tâm xã hội đại chúng, yêu mến xã hội đại chúng, toàn tâm toàn lực giúp đỡ xã hội đại chúng, giúp họ giác ngộ, giúp họ sửa sai làm mới, giúp họ phát tâm phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ chúng sanh, đây chính là bố thí pháp, cúng dường pháp, phước báo đó lớn nhất. Tuy có phước báo lớn nhưng chúng ta cũng không hưởng thụ, đem phước báo này hồi hướng cho hết thảy chúng sanh, cho hết thảy chúng sanh hưởng thụ. Cả đời đức Phật Thích-ca Mâu-ni đều là trải qua đời sống đơn giản nhất, nhất định không có nói, trong các đệ tử có nhiều đại quốc vương, vua của 16 nước lớn ở Ấn Độ thời bấy giờ đều quy y đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đều làm học trò của đức Phật. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni vẫn là ba y một bát, không thay đổi cách sinh hoạt của ngài, đây là Thế Tôn dạy bảo cho chúng ta, làm thị phạm cho chúng ta, vậy thì mới có thể khiến cho xã hội đại chúng tôn trọng, ngưỡng mộ.
Phàm phu thế gian có ai không tham tiền tài, có ai không tham hưởng thụ? Một khi đọa lạc vào trong tham dục thì sẽ tạo tội nghiệp, gây phiền phức cho chính mình, đức Phật là hiện thân thuyết pháp, làm tấm gương tốt cho chúng ta. Đời người ở thế gian có ba bữa cơm no là được rồi, không cần theo đuổi khẩu vị, ăn no là được rồi. Quần áo vải thô có thể che thân là được rồi. Tối đến có một giường ngủ, ngủ được rất thoải mái, ngủ được rất tự tại là đủ rồi, còn mong cầu gì hơn nữa? Nếu còn dư thì đem cho hết thảy đại chúng hưởng dùng, như vậy gọi là Phật, Bồ-tát, đây gọi là hành Bồ-tát đạo, đây gọi là học Phật. Trong thế gian bất luận chúng ta là thân phận gì, bất luận địa vị gì, bất luận làm ngành nghề nào, bất luận trải qua đời sống như thế nào, chỉ cần niệm niệm vì chúng sanh, niệm niệm vì xã hội, niệm niệm vì nhân dân thì người này chính là Bồ-tát, người này chân thật đang hành Bồ-tát đạo. Tâm họ giữ chính là tâm Bồ-tát, phước báo cũng giống như đã nói trong kinh, không có cùng tận.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng tới đây thôi.
☆ Xem thêm:
➢ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 34)
➢ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 35)
➢ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 36)
➢ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 38)
➢ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 39)