Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 24)

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 24

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore

 

          Mời mở kinh văn, Khoa Chú quyển trung, trang 56:

 

          Phục thứ Phổ Quảng, nhược vị lai thế trung Diêm-phù-đề nội, Sát-lợi, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ nhất thiết nhân đẳng, cập dị tánh chủng tộc hữu tân sản giả, hoặc nam hoặc nữ thất nhật chi trung, tảo ư độc tụng thử bất tư nghị kinh điển, cánh vi niệm Bồ-tát danh khả mãn vạn biến, thị tân sanh tử hoặc nam hoặc nữ, túc hữu ương báo tiện đắc giải thoát, an lạc dị dưỡng thọ mạng tăng trưởng, nhược thị thừa phước sanh giả chuyển tăng an lạc cập dữ thọ mạng.

          Đây là nói lúc sanh sản nên tu phước như thế nào. Về việc này thì hiện nay vệ sinh, thuốc men phát triển hơn lúc trước, hoàn cảnh tốt hơn lúc trước rất nhiều. Vào thời xưa, đặc biệt là những vùng nông thôn lạc hậu, thực tế sinh con là một việc lớn liên quan đến tánh mạng. Do đó đức Phật ở đây đặc biệt nêu ra, dạy chúng ta làm thế nào tu học, làm sao cho mẹ con được bình yên. Trong kinh, đức Phật nói cho chúng ta biết, quan hệ giữa người trong nhà vô cùng mật thiết, chắc chắn là có nhân duyên sâu dày, không phải ngẫu nhiên mà tụ hợp. Nhân duyên vô cùng phức tạp, đức Phật đã quy nạp những nhân duyên phức tạp này thành bốn loại lớn, đây là như trong kinh thường nói: “Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”, cho nên mới tụ lại thành người một nhà. Cha con, anh em, chị em đều không rời những quan hệ này, do nhân duyên đời trước nên mới thành người một nhà, trong ngạn ngữ thường nói: “Không phải oan gia không gặp mặt”, lời này rất có đạo lý. Nhưng sau khi giác ngộ, người trong nhà của bạn liền trở thành quyến thuộc trong pháp, như vậy rất tốt, rất thù thắng. Không giác ngộ thì người trong nhà là ân oán báo đền lẫn nhau, đó chân thật gọi là khổ không nói nổi. Rốt cuộc thì báo ân rất ít, báo oán lại nhiều, trả nợ thì ít, đòi nợ thì nhiều; cho nên đời người trong thế gian thường có tám, chín phần không như ý, đây là sự thật mà bản thân chúng ta đã từng trải qua, đích thân nhìn thấy. Cho nên con cái sanh ra, nhất định phải hiểu nhân duyên đời trước của nó.

          Quả báo là bình đẳng, bất luận giàu sang, nghèo hèn, trong kinh nêu ra “Sát-lợi”, trước kia ở Ấn Độ là vương tộc, còn Bà-la-môn là nhà tôn giáo có địa vị cao trong xã hội, trưởng giả, cư sĩ đều có phước báo. Phía sau nói, “hết thảy các hạng người và những chủng tộc khác”, phạm vi bao gồm rất rộng, bốn giai cấp của Ấn Độ thảy đều bao gồm ở trong đây. Người Trung Quốc chúng ta gọi là nghèo, giàu, sang, hèn. Bất luận là thân phận nào, bất luận là địa vị nào, khi sanh sản chắc chắn không thể tránh khỏi, hơn nữa sự đau khổ trong lúc sanh sản là giống nhau, nhà người giàu có thì chăm sóc chu đáo hơn một chút, người nghèo hèn thì chăm sóc kém hơn một chút. Nói tóm lại, nỗi khổ này không thể nào tránh khỏi. Phật dạy chúng ta phương pháp, “trong vòng bảy ngày sớm vì đứa trẻ đó mà đọc tụng kinh điển không thể nghĩ bàn này”, phải “sớm đọc”. Tốt nhất là nếu người trong nhà có tín ngưỡng Phật pháp, có thể tiếp nhận giáo huấn của Phật-đà, nên đọc vào lúc nào? Ngay lúc mang thai liền đọc. Mỗi ngày đọc một bộ kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, hoặc niệm 1.000 danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát, phải dùng tâm chân thành, cung kính mà tụng niệm thì phước báo sẽ rất lớn. Cho dù đứa con trong thai là đến để báo oán, là oán gia chủ nợ đến, nếu bạn có thể chăm sóc nó như vậy thì oán kết ấy sẽ được hóa giải. Bạn có ân đối với nó thì nó sẽ không báo oán, nó sẽ đến báo ân, chuyển biến phải từ lúc mới bắt đầu. Ở chỗ này nói, mức độ thấp nhất là phải sớm trong vòng bảy ngày khi mới sanh ra, đương nhiên bạn làm được càng sớm thì càng tốt. Cho nên khi chúng ta hiểu đạo lý này, biết phương pháp này, tốt nhất là khi mang thai liền đọc, liền tu hành theo phương pháp này. Người làm mẹ, tâm bình khí hòa, chân thành cung kính, thanh tịnh bình đẳng, khởi tâm động niệm nhất định sẽ ảnh hưởng đến đứa bé trong thai. Dùng lý luận khoa học hiện nay để nói thì mọi người dễ hiểu hơn, đây thuộc về hiện tượng dao động sóng.

          Ở trong Phật pháp nói, giống như hết thảy vạn pháp ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều phóng quang minh, không những thân người phát sáng, vạn vật cũng phát sáng. Thực ra thế giới Cực Lạc quang minh chiếu khắp, thế gian này của chúng ta không phóng quang hay sao? Nếu như hết thảy người, vật ở thế gian này của chúng ta không có quang minh chiếu khắp giống như thế giới Tây Phương Cực Lạc thì Nhất Chân pháp giới sẽ nói không thông rồi. Đâu có lý nào chỗ này quang minh cực lớn, còn chỗ kia không có quang minh, nói như vậy làm sao mà thông cho được? Nhất định phải biết Nhất Chân pháp giới bao gồm thế giới này của chúng ta, không phải nói rời khỏi thế giới này của chúng ta lại có một Nhất Chân pháp giới khác, không có đạo lý ấy! Trong kinh là nói về sự việc gì? Ở chỗ đó quang minh chiếu khắp, mọi người đều có thể đích thân cảm nhận được, còn quang minh chiếu khắp ở thế gian này của chúng ta, chúng ta không cảm nhận được, chính là đạo lý như vậy chứ không phải là quang minh không chiếu. Tại sao chúng ta không cảm nhận được? Vì tâm không thanh tịnh, tâm quá loạn, vọng niệm quá nhiều, thế nên bạn không nhìn thấy cảnh giới ấy; không phải là không có, cùng với thế giới Cực Lạc và thế giới Hoa Tạng là không hai không khác. Dùng cách nói của vật lý hiện đại thì rất dễ lý giải, quang là gì? Quang là ánh sáng, là hiện tượng dao động sóng. Chỉ cần động thì sẽ có sóng, hiện nay khoa học gia gọi là “sóng”, nhà Phật chúng ta gọi là “quang”, quang chính là dao động sóng. hiện nay đều biết hết thảy vật chất tạo thành như thế nào? Phân tích đến sau cùng là thành nguyên tử, điện tử, lạp tử [1]. Những vật chất cơ bản này ở dưới trạng thái gì? Đều chuyển động. Đức Phật không cần các dụng cụ khoa học, ngài nhìn thấy rất rõ ràng, hiện nay dụng cụ tân tiến nhất còn chưa quan sát thấy, Phật đã nhìn thấy rõ ràng. Đức Phật nói những hiện tượng này cho chúng ta, lời của ngài nói rất khéo léo, uyển chuyển, nói ra chân tướng này, không có người tin tưởng, không có người tiếp nhận. Thế nên, cách nói như vậy rất vi diệu, rất cao minh, chúng ta gọi là phương tiện thiện xảo.

          Phật nói hiện tượng vật chất, nói cho chúng ta bốn nguyên tắc, “địa, thủy, hỏa, phong”. Địa, thủy, hỏa, phong là nói về cái gì? Nói về vật chất căn bản, hiện nay gọi là lạp tử cơ bản, nhất định có bốn hiện tượng này. “Địa” là gì? Là một dạng vật chất mà bạn có thể nhìn thấy được, đây gọi là “địa”. Địa là đại biểu cho vật chất, mắt thịt chúng ta không thể nhìn thấy, dưới kính hiển vi cao cấp phát hiện được, thấy được những thứ này. Phật không cần những dụng cụ này, mắt Phật gọi là “ngũ nhãn viên minh”, ngài có thể nhìn thấy, phàm phu chúng ta không thể nhìn thấy. Thế nên, mắt của ngài nhạy bén hơn chúng ta, ngài nhìn thấy hiện tượng này. Vật chất căn bản hình thành như thế nào? Nó có mang điện. Cho nên “hỏa đại” chính là điện dương, “thủy đại” chính là điện âm, ngày nay chúng ta nói nó có nhiệt độ, có độ ẩm. “Phong đại” là gì? Nó là trạng thái động chứ không phải tĩnh, đây là nói về vật chất căn bản. Hết thảy cả hiện tượng vật chất bao gồm cả những tổ chức tế bào của con người đều có hiện tượng này. Bạn nghĩ xem nó làm sao không động cho được? Các lạp tử căn bản nó cũng đang ở đó chuyển động. Động thì sẽ sanh ra sóng, dao động sóng có phạm vi bao lớn? Nói cho chư vị lý luận và phương pháp đều giống nhau, dao động sóng này biến tận hư không pháp giới. Sau đó bạn nghĩ thử xem, thiên địa vạn vật, nhiều chúng sanh khởi tâm động niệm như vậy thì sóng càng hiện rõ, mức độ dao động sóng càng lớn. “Dao động sóng” của vật chất tương đối vi tế, tương đối nhỏ; do đó bạn mới biết, sóng trong không gian sinh hoạt của chúng ta phức tạp đến mức nào. Trong kinh Phật nói ý thiện, tâm thiện thì dao động sóng sẽ ôn hòa, ổn định, sau khi tiếp xúc bạn sanh tâm hoan hỷ, tiếp xúc cảm thấy rất dễ chịu. Ý ác, tâm ác thì dao động sóng sẽ rất mãnh liệt, bạn tiếp xúc đến cảm thấy toàn thân khó chịu. Hiện nay có người gọi hiện tượng này là “từ trường”, cũng được, gọi là từ trường cũng được. Ở Trung Quốc, người luyện khí công gọi là “khí”, cũng được, đều là một việc này. Bạn gọi là “khí” cũng được, trong Phật pháp gọi là “quang”, gọi là “dao động sóng”, gọi là “từ trường” đều cùng một đạo lý.

          Do đó có thể biết, khi thần thức đến đầu thai nó có ý niệm, nó có sóng, thế nên khi người mẹ khởi tâm động niệm, hết thảy cử chỉ liền ảnh hưởng đến bào thai, vì vậy người Trung Quốc thời xưa chú trọng thai giáo, đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta hiểu được “thai giáo” ghi trong sách xưa, trong đó có nói một số nguyên lý, nhưng nói không được rõ ràng, không được thấu triệt như vậy, chúng ta đọc xong thì bán tín bán nghi, không biết tính nghiêm trọng của ảnh hưởng này, không biết được! Ngày nay chúng ta hiểu rõ “dao động sóng”, chân tướng sự thật này, thì biết được khởi tâm động niệm ảnh hưởng đến thai nhi quá lớn, quá lớn đi. Do đó, người làm mẹ trong thời kỳ mang thai, trong giai đoạn này khởi tâm động niệm đều là thiện, đều là thanh tịnh, thì đứa bé trong thai nhận được lợi ích quá lớn, quá lớn! Người ta ai cũng hy vọng con cái của mình tốt lành, con hiếu cháu hiền. Làm thế nào dạy nó? Trong lúc mang thai, chính chúng ta phải hiếu thảo, phải tận hiếu, dao động sóng của lòng hiếu thảo sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ. Chúng ta tu tịnh, tu thanh tịnh, tu phước, vậy mới thật sự trồng xuống hạt giống sâu dày cho nó. Việc này không phải là không có đạo lý, nhất định không phải là mê tín.

          Tại sao đức Phật dạy cho chúng ta đọc bộ kinh này? Bộ kinh này là “Hiếu Kinh”, tinh thần nói trong kinh này quy nạp lại thành bốn chữ “hiếu thân tôn sư”, hiếu thân tôn sư là đại căn đại bản của giáo học thế gian và xuất thế gian. Chúng ta tu học Phật pháp Đại thừa là bắt đầu học từ đâu? Bắt đầu học từ kinh Địa Tạng, địa là tâm địa, tạng là kho báu. Kho báu trong tâm địa là gì? Vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng; “đức” là phước đức, “năng” là năng lực, kỹ thuật; vô lượng tài nghệ là kho báu vốn có trong tự tánh chúng ta, đây gọi là Địa Tạng. Kho báu chôn dưới đất, giống như ngày nay chúng ta gọi là khoáng sản vàng bạc, nếu như không khai thác mà cứ để ở dưới đất, tuy có nhưng chúng ta không được thọ dụng. Bạn phải biết khai thác, dùng phương  pháp gì để khai thác? Khai thác kho báu trong tự tánh nhất định phải dùng tánh đức, phải dùng công cụ này, tương ứng với nó thì mới khai phát được. Trong tánh đức thì thù thắng nhất chính là “hiếu kính”, thế nên hiếu kính mới có thể khai phát kho báu tự tánh. Tu học Phật pháp Đại thừa phải bắt đầu học từ đâu? Trước tiên là học Địa Tạng, hạ thủ từ chỗ này. học hiếu đạo trước, từ trong hiếu đạo xây dựng sư đạo, Phật pháp là sư đạo, sư đạo xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo.

          Trước đây, tôi có gặp một số vị pháp sư đi Mỹ hoằng pháp, khi tôi tiễn họ đi, tôi khuyên họ đến Mỹ không nên xây chùa miếu, tôi khuyên họ xây từ đường, đề xướng hiếu đạo. Tại vì sao? Nếu như không có hiếu đạo thì Phật pháp nhất định sẽ không thể bám rễ, sẽ không thể xây dựng được đạo tràng Phật pháp, vì không có nền tảng, Phật pháp là sư đạo. Xây từ đường tốt hơn, xây từ đường hoằng dương Phật pháp, hiệu quả lớn hơn so với việc xây chùa nhiều. Bởi vì bạn xây chùa xong, người ta vừa nhìn thấy là Phật giáo, người không tin Phật thì sẽ không bước vào, cái duyên ấy bị đoạn tuyệt mất. Tôi xây từ đường mỗi năm cúng tế tổ tiên, người Trung Quốc không kể là tin theo tôn giáo nào, ai cũng không quên tổ tiên, họ phải tới tham gia lễ cúng tổ tiên. Trong lúc cúng tế có thể giảng giải Phật pháp, có thể giảng giải giáo dục truyền thống của Trung Quốc, được vậy thì dần dần có thể cảm hóa hết thảy đại chúng. Do đó, dùng từ đường làm đạo tràng thù thắng hơn chùa miếu rất nhiều. Nhưng những pháp sư này đều không tiếp nhận lời góp ý của tôi. Thế nên, người Nhật Bản, người Trung Quốc xây đạo tràng ở Mỹ rất nhiều, trên thực tế đều là độ cho kiều dân Trung Quốc, rất ít người [Mỹ] ở địa phương ấy bước vào, nguyên nhân là ở chỗ này, chúng ta đã đảo ngược gốc ngọn rồi. Cho nên, tuy đã trải qua hơn một trăm năm, lấy thí dụ như ở Mỹ, Phật pháp được truyền đến hơn một trăm năm, ngày nay không có cách gì bám rễ, không có cách gì hoằng dương, rất nhiều người không biết được nguyên nhân ở chỗ nào.

          Khi giảng kinh ở mỗi một địa phương của Mỹ, tôi thường nhắc nhở mọi người, chính chúng ta không có phước báo, sức lực rất yếu kém, tôi đề xướng hiện đại hóa và bổn thổ hóa. Bạn xây đạo tràng ở Mỹ, hình thức của đạo tràng nhất định phải dùng kiến trúc của Mỹ, nhất định không thể đem kiểu kiến trúc cung điện của Trung Quốc mang đến Mỹ, người Mỹ vừa nhìn thấy là biết đây là từ ngoài đến, văn hóa nước ngoài, lập tức sanh khởi tâm bài xích, sẽ không chịu bước vào. Do đó, tôi khuyên mọi người xây đạo tràng ở Mỹ phải xây như thế nào? Xây giống như nhà Trắng, xây giống nhà Quốc Hội của Mỹ, họ vừa nhìn là thấy văn hóa của nước mình, họ rất tự nhiên mà bước vào. Hình tượng Phật, Bồ-tát ở trong ấy nhất định phải tạo giống gương mặt của người Mỹ, họ vừa nhìn là nhận ra đây là người nước mình, vậy thì mới có thể độ được những người ở nơi đó. Chúng ta phải biết, 2.000 năm trước Phật pháp truyền đến Trung Quốc, phải nói là những cao tăng Ấn Độ rất thông minh, họ tạo những tượng Phật này là gương mặt của người Trung Quốc, xây đạo tràng hình thức của người Trung Quốc. Người Trung Quốc tôn kính nhất là nhà vua, vua sống ở trong cung điện, các ngài mô phỏng theo phương thức đó mà xây đạo tràng, người dân nhìn thấy rất ưa thích. Trong cả một đời, ai có đủ phước mà có thể đi vào trong cung tham quan một lần. Không có cơ duyên này, không có phước báo này thì đến chùa đi vòng quanh cũng giống như vào hoàng cung vậy, do đó họ nhất định sẽ vào chùa. Phải hiểu đạo lý này, đây là cơ sở vật chất.

          Nội dung ở trong [đạo tràng] nhất định phải dạy “hiếu”, phải dạy “kính”, phải bắt đầu từ hiếu kính, người thời xưa biết được. Phật giáo truyền đến Trung Quốc, tại sao lại được triều đình nhiệt liệt hoan nghênh? Chính là lý niệm giáo học cơ bản của Phật giáo cùng với giáo huấn của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc không hẹn mà gặp, giáo học của nhà Nho cũng xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo, Phật pháp cũng như vậy. Hơn nữa, Phật pháp còn giảng tường tận hơn nhà Nho, giảng rõ ràng hơn, triệt để hơn, thế nên vừa truyền đến Trung Quốc liền được triều đình nhiệt liệt hoan nghênh, đạo lý là ở chỗ này. Phật pháp đối với xã hội, đối với quốc gia, với nhân dân, đích thực có lợi ích, có điều tốt đẹp, tuyệt đối không phải là mê tín. Năm xưa người tu học Phật pháp, có thể nhìn thấy trong lịch sử Trung Quốc là những người nào? Đều là giai cấp sĩ đại phu, thời đó gọi là giai cấp sĩ đại phu, ngày nay gọi là phần tử trí thức, không phải người bình thường. Người thật sự có học vấn, có đạo đức lại tu học Phật pháp, tiếp nhận Phật pháp, tin theo Phật pháp, y giáo phụng hành, như vậy mới thật sự đạt được hiệu quả thay đổi phong tục, khơi dậy phong khí xã hội, phong khí ấy là phong khí lành mạnh.

          Hiện nay chùa chiền đã biến chất, không còn dạy học, lúc trước chùa chiền là trường học, là nơi dạy học. Hiện nay đã biến chất, biến thành chỗ siêu độ người chết, đây là hoàn toàn biến chất, biến đổi quá lớn. Chuyện siêu độ này vốn dĩ không có trong Phật giáo, tại sao lại diễn biến thành hiện tượng này? Lúc tôi mới bắt đầu học Phật, tôi thân cận Pháp sư Đạo An, lúc đó chúng tôi cùng nhau lập ra Đại Chuyên Phật Học Giảng Tọa, tôi thỉnh giáo với lão pháp sư ngài: “Phật sự [siêu độ] bắt đầu từ nguyên nhân gì? Tại sao lại biến thành như vậy?” Ngài nói với tôi mấy câu, tôi nghĩ cũng rất có lý. Ngài nói chuyện này có lẽ bắt đầu từ thời nhà Đường, năm Khai Nguyên, thời đại Đường Minh Hoàng, là năm cuối thời Đường Minh Hoàng, bởi vì nhà vua sủng ái Dương Quý Phi nên bị dị nghị trong triều, [sau đó] dẫn đến chuyện An Lộc Sơn tạo phản, gần bị mất nước. May là nhờ có Quách Tử Nghi dẹp yên cuộc động loạn này, số quân dân bị thương vong rất nhiều. Cho nên sau khi bình định xong động loạn này, ở mỗi một chiến trường triều đình liền cho xây một ngôi chùa, các chùa này đều gọi là chùa Khai Nguyên, chùa Khai Nguyên là được xây dựng như vậy. Xây những đạo tràng này là nhằm truy điệu quân lính và nhân dân tử nạn, thỉnh pháp sư tụng kinh làm lễ siêu độ, đó gọi là pháp hội truy điệu, là bắt nguồn như vậy. Triều đình, quốc gia đề xướng truy điệu vong hồn tử nạn, trong dân gian bèn bắt chước làm theo, nên khi người già mất đi cũng mời pháp sư đến để làm Phật sự siêu độ, lúc đó việc siêu độ cũng là việc phụ. Trong đạo tràng vẫn là giảng kinh thuyết pháp, hướng dẫn đại chúng tu hành, [siêu độ chỉ] là chuyện phụ thêm. Hiện nay siêu độ lại trở thành việc chính, còn việc chính thật sự lại không thấy nữa, không còn nữa, đem việc phụ đổi thành việc chính, đây là điên đảo, thế nên dần dần trở thành mê tín. Chúng ta phải biết được những sự thật này đã diễn biến, hình thành như thế nào.

          Nói thật ra, những lý luận phương pháp, nguyên lý, nguyên tắc của việc siêu độ đó đều nằm trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện. Người [thực hành việc] siêu độ làm thế nào để cho người được siêu độ có thể rời khỏi ác đạo, có thể sanh lên trời hưởng phước trời. Trong kinh giảng được rất rõ ràng, bản thân người siêu độ phải chứng quả mới được; nếu bản thân không thể nâng cao cảnh giới của mình, không thể chứng quả thì người được siêu độ được lợi ích rất có hạn. Giống như thí dụ trong kinh, như cô Quang Mục là người con gái có hiếu, biết mẹ mình lúc còn sống tạo rất nhiều tội nghiệp. Cô hiểu biết Phật pháp, Nếu đúng như những gì Phật nói, thì những hạnh nghiệp của mẹ cô tạo trong cả một đời, tương lai nhất định đọa địa ngục, đọa địa ngục thì sẽ rất khổ, địa ngục dễ vào nhưng rất khó thoát ra. Cô muốn cứu mẹ nên chỉ còn cách cầu Phật. Phật dạy cô phương pháp gì? Dùng phương pháp niệm Phật, [đức Phật] không dạy cô cách gì khác. Cô Bà-la-môn cũng dùng phương pháp niệm Phật, cô Quang Mục cũng dùng phương pháp niệm Phật, họ không dùng cách khác, chỉ niệm Phật.

          Cô Bà-la-môn niệm một ngày một đêm, ngày nay chúng ta gọi là tinh tấn niệm Phật, cô là phàm phu nhưng vì muốn cứu mẹ nên trong vòng một ngày một đêm cô niệm rất chân thành, rất khẩn thiết, rất như pháp, niệm một ngày một đêm liền được nhất tâm bất loạn; trong kinh Di-đà nói: “Nếu một ngày, nếu hai ngày, đến bảy ngày”. Được nhất tâm bất loạn cô liền chứng quả, nên trong định cô có thể đến địa ngục, quỷ vương trong địa ngục thấy cô tới, chắp tay xưng cô là Bồ-tát. Bạn xem, cô từ phàm phu tu hành trong một ngày một đêm liền siêu phàm nhập thánh, đạo lý là ở chỗ này. Quỷ vương hỏi cô: “Bồ-tát, cô đến nơi đây làm gì vậy?” Cô hỏi quỷ vương: “Đây là chỗ nào?” Quỷ vương nói cho cô biết: “Đây là địa ngục”, chỉ có hai hạng người có thể đến địa ngục, một là người tạo nghiệp thọ báo; hai là Bồ-tát, nếu không phải hai hạng người này thì nhìn không thấy địa ngục. Thế nên cô liền hỏi, hỏi xem tung tích của mẹ cô, quỷ vương nói với cô: “Mẹ cô ba ngày trước đã sanh lên trời Đao Lợi, không những mẹ cô được sanh, những người cùng chịu tội với mẹ cô thảy đều được sanh lên trời Đao Lợi rồi. Nghe nói bà có một người con hiếu thuận tu phước cho bà, cúng dường Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, nhờ phước báo này nên bà được sanh lên trời”.

          Bà làm sao có phước báo này? Nếu như không phải mẹ cô tạo tội nghiệp đọa địa ngục, có thể cả đời cô Bà-la-môn cũng không thể đạt đến cảnh giới này, lúc bình thường niệm Phật rất giải đãi thì làm sao có thể niệm đến nhất tâm? Đây là vì cứu mẹ nên phải liều mạng! Thế nên, một ngày một đêm đem cảnh giới của mình chuyển biến, nâng lên cao. Cô có thể chuyển phàm thành thánh là nhờ sức mạnh gì? Là nhờ duyên của mẹ cô giúp cô, mẹ cô được sanh lên trời là đạo lý này. Nếu như cô chỉ làm việc siêu độ trên hình thức thì không có tác dụng, tự mình không được phước, người được siêu độ cũng không được phước. Pháp giới của ác đạo cùng với pháp giới con người chúng ta là không khác nhau. Nếu như nói gia đình của bạn, con cái bạn được giáo dục rất tốt, được mọi người trong xã hội tôn trọng; bạn làm tổng thống, làm bộ trưởng, cha mẹ của bạn đi đến chỗ nào cũng sẽ được người ta tôn kính, đạo lý cũng giống như vậy. Nếu bản thân bạn không có thành tựu, cha mẹ bạn làm sao được quỷ thần cung kính? Cho nên trong kinh nói về siêu độ, bảy phần công đức tự mình được sáu phần, người được siêu độ chỉ được một phần. Tự mình niệm Phật một ngày một đêm, niệm đến nhất tâm bất loạn, đây là công đức của chính cô đạt được, mẹ cô được hưởng ké một chút, được phước của cô nên bà được sanh lên trời Đao Lợi, đây là một phần bảy công đức. Nếu tự mình không thành tựu, thì đối phương sẽ không được phước lớn như vậy.

          Thông thường thì bố thí chỉ là mời họ đến ăn cơm, như “Phóng Diệm Khẩu” là mời khách, mời ăn cơm, giúp họ được ăn no mà thôi, ăn no mặc ấm không thể giúp họ rời khỏi ác đạo. Muốn thật sự rời khỏi ác đạo, thì trong pháp sự siêu độ những pháp sư làm pháp sự ấy phải tùy văn nhập quán, sau khi buổi pháp sự làm xong chính họ thật sự thành Bồ-tát, cảnh giới của họ được nâng cao thì hiệu quả của việc siêu độ mới lớn, hết thảy những người được siêu độ nhất định sẽ được sanh lên trời. Nếu bạn hỏi tại sao được sanh lên trời? Bởi vì trong Phật sự siêu độ, các pháp sư ấy hết lòng nỗ lực, dùng tâm thanh tịnh, bình đẳng để tu học, chính họ siêu phàm nhập thánh, từ địa vị phàm phu nâng cao đến Bồ-tát, là đạo lý như vậy. Nếu như làm xong Phật sự mà bạn vẫn còn là phàm phu thì bạn không có sức mạnh như vậy. Thế nên chúng ta phải hiểu được đạo lý này, làm Phật sự siêu độ phải hết lòng, tụng những kinh văn ấy, tán những bài kệ tụng ấy nhất định phải khế nhập cảnh giới, sau khi nhập cảnh giới rồi phải không thoái chuyển, vậy công đức đó vô lượng vô biên, phước người ấy được sẽ không biết lớn cỡ nào! Không thể nói là làm qua loa, sơ sài cho hết trách nhiệm, không thể như vậy. Việc siêu độ làm sao có thể trả giá được? Nếu làm như giao dịch mua bán, vậy thì công đức gì cũng không có, hoàn toàn rơi vào hình thức, vậy thì sai rồi. Không những là siêu độ vong linh, mà thật sự đang siêu độ cho chính mình, tự mình siêu độ rồi thì vong linh sẽ được siêu độ theo, nếu tự mình không có biện pháp siêu độ thì chắc chắn sẽ không thể siêu độ cho vong linh được. Phật pháp thường nói: “Tự mình chưa độ mà muốn độ người khác, không bao giờ có chuyện ấy”, không có đạo lý như vậy! Trong kinh này chúng ta xem thấy, cô Bà-la-môn thật sự chính mình đã được độ, chính mình được độ xong mới có thể độ người, những vong linh này nương nhờ phước lực của cô để siêu sanh. Siêu sanh cao nhất cũng chỉ đến trời Đao Lợi, lên những cõi cao hơn nữa thì nhất định tự mình phải có công phu tu hành, người ta muốn giúp cũng không giúp được.

          Làm Phật sự siêu độ, thời xưa ở Trung Quốc quy mô lớn nhất là của Lương Võ Đế, Lương Võ Đế siêu độ phi tử của ông, người chủ trì pháp hội siêu độ này là ngài Bảo Chí Công, đây là một cao tăng đương thời. Sau này chúng ta biết Bảo Chí Công là Quán Thế Âm Bồ-tát hóa thân đến. Quán Thế Âm Bồ-tát đích thân chủ trì pháp hội siêu độ, sau đó Lương Hoàng Sám được truyền [cho đến nay]. Quán Thế Âm Bồ-tát chủ trì pháp hội này, siêu độ phi tử của Lương Võ Đế cũng chỉ lên đến trời Đao Lợi, nếu chư Phật Như Lai đến chủ trì thì cũng được vậy mà thôi. Nhờ vào phước báo của người khác chỉ có thể đạt được cảnh giới này, muốn lên trên nữa nhất định phải dựa vào sự tu hành của bản thân, bản thân không có công phu tu hành thì không được! Nhờ vào phước báo của người khác thì cao nhất là đến trời Đao Lợi. Chúng ta đều phải rõ ràng, phải tường tận đạo lý và chân tướng sự thật này. Cho nên, khi chính mình tu hành thật sự chuyển được cảnh giới, thật sự có công phu, thì Phật sự siêu độ có thể không cần hình thức. Chúng ta đọc được trong Ảnh Trần Hồi Ức Lục, là do Lão pháp sư Đàm Hư kể lại, lúc đó các ngài có ba, bốn người bạn cùng nhau nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, trong đó có một đoạn “tám năm gian khổ đọc Lăng Nghiêm”. Đây là những cư sĩ tại gia, mỗi ngày còn phải làm việc, vì cuộc sống nên phải bôn ba, không thể chuyên tâm. Nhưng dùng thời gian tám năm để học một bộ kinh, ít nhiều thì họ cũng có công phu định lực, nếu như tám năm học mười bộ, tám bộ thì sẽ không có hiệu quả. Thời gian tám năm dồn sức vào một bộ kinh, tâm định trên bộ kinh này, oán thân trái chủ của ông tìm ông siêu độ, đến cầu ông. Ban đầu ông nhìn thấy những linh hồn này đến thì sợ hãi, họ đều là oan gia đời trước, sợ họ tìm đến gây phiền phức. Kết quả là những oan gia chủ nợ này đi đến rồi quỳ xuống trước mặt ông cầu xin siêu độ, lúc này ông mới yên tâm, biết họ không phải tới kiếm chuyện. Làm thế nào siêu độ? Chỉ cần ông nhận lời là được. “Không thành vấn đề, tôi đồng ý”. Ông thấy linh hồn ấy đạp lên đầu gối, tiếp đó đạp lên vai ông rồi bay lên trời, nghi thức gì cũng không có. Khi chính bạn đạt đến cảnh giới này, có công phu này thì họ sẽ nhờ phước báo của bạn, chỉ cần bạn đồng ý là được. Cho nên, bạn phải biết việc siêu độ vong linh hoàn toàn dựa vào đức hạnh của chính mình, hoàn toàn dựa vào công phu tu hành của chính mình.

          Ngày nay, trong pháp hội siêu độ ở Cư Sĩ Lâm, chúng ta kết hợp giảng đường cùng với niệm Phật đường, sức mạnh này rất lớn! Bên ngoài thì làm theo hình thức Phật sự siêu độ, còn nội dung thật sự bên trong là nương vào niệm Phật đường, do đó việc siêu độ này rất thù thắng. Chắc chắn những sự siêu độ trước đây Không thể sánh bằng, đích thực có chư Phật, Bồ-tát trong đạo tràng, có thiện thần hộ pháp trong đạo tràng. Những pháp sư, đồng tu làm việc siêu độ này dùng tâm chân thành, thanh tịnh nên cảm ứng không thể nghĩ bàn, thật sự là tu vô lượng vô biên phước báo. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu được cảm ứng của “tâm điện”, thật ra mà nói [tâm điện] chính là khởi tâm động niệm, những sóng tư tưởng này, khởi tâm động niệm đều là thiện, thuần thiện. Sức mạnh của sóng tư tưởng này mạnh có thể quấy nhiễu những làn sóng ác niệm của hết thảy chúng sanh, kể cả những quỷ thần trên thế gian; chúng ta làm nhiễu những làn sóng ác niệm của họ, chúng ta quân bình làn sóng ác của họ, như vậy sẽ sinh ra hiệu quả rất lớn, trong đây đích thực có đạo lý.

          Đoạn này là giảng lúc sinh sản tụng bộ kinh này có lợi ích. Khi tụng kinh, nếu như có thể hiểu rõ lý luận, phương pháp, cảnh giới nói trong kinh thì sức mạnh càng thù thắng. Do vì bạn hiểu được, khi bạn đọc sẽ tùy văn nhập quán, lúc bình thường chúng ta không thể chuyển cảnh giới, ít nhất thì lúc đọc tụng có thể chuyển cảnh giới được một chút; bạn có thể chuyển một phần, hai phần cũng sẽ sanh ra hiệu quả, hiệu quả được biểu thị trong các làn sóng. Nếu như thể hội sâu hơn, lúc thường ngày có thể y giáo phụng hành thì sức mạnh ấy không thể nghĩ bàn. Phía sau nói về quả báo, “thì đứa trẻ mới sanh ra đó”, đứa bé vừa mới sanh ra, hoặc là bé trai, hoặc là bé gái, “nếu đời trước có quả báo tai ương gì liền được thoát khỏi”. Nếu trong đời trước nó có tạo tội nghiệp, đời này đến để thọ báo thì tội nghiệp ấy liền tiêu mất. Đích thật là tiêu trừ nghiệp chướng cho đứa bé, vào lúc này mà tiêu trừ nghiệp chướng thì dễ hơn nhiều. Khi đứa bé trưởng thành, mỗi ngày từ sáng đến tối nó suy nghĩ lung tung, khi đó bạn muốn tiêu trừ nghiệp chướng sẽ không giúp được nữa. Vào lúc này nó hoàn toàn nghe lời,  cho nên tiêu trừ nghiệp chướng đều phải làm ngay lúc này. Do đó, chúng ta mới thể hội được điều mà cổ thánh tiên hiền nói về “thai giáo” quan trọng biết dường nào, đây là thai giáo [nói] trong nhà Phật. Sau đó nói: “Lại thêm yên ổn, vui vẻ, dễ nuôi, tăng thêm thọ mạng”, đứa bé này nghiệp chướng tiêu trừ, tai nạn cũng tiêu trừ, rất dễ nuôi, thọ mạng được tăng thêm. Còn nếu như đứa bé này là nương nơi phước lực mà thọ sanh, trong đời quá khứ nó có tu phước, chính là chúng ta có nói nó đến để báo ân, đời quá khứ chịu ân đức của cha mẹ, tự mình cũng tu phước. “Thì càng được an vui hơn và sống lâu hơn”, bạn có thể dạy dỗ nó, giúp đỡ nó như vậy thì phước báo của nó càng lớn, thọ mạng càng dài. Trong chú giải cũng chú được rất hay, chúng ta có thể tham khảo, không cần phải nói nhiều nữa. 

          Xem đoạn kinh văn tiếp theo, quyển trung, trang 59 chín:

 

          Phục thứ Phổ Quảng, nhược vị lai thế chúng sanh, ư nguyệt nhất nhật, bát nhật, thập tứ nhật, thập ngũ nhật, thập bát nhật, nhị thập tam, nhị thập tứ, nhị thập bát, nhị thập cửu nhật, nãi chí tam thập nhật, thị chư nhật đẳng, chư tội kết tập định kỳ khinh trọng.

          Chúng ta xem trước đoạn này. Đoạn này trong khoa đề gọi là “trai tụng cảm báo”, trong kinh nói ngày thập trai, cũng có kinh nói ngày lục trai, những ngày này đều là tính bằng âm lịch, hiện nay càng ngày càng ít dùng âm lịch, cả thế giới hiện nay đều dùng thông dụng dương lịch. Ở đây nói sáu ngày, “ư nguyệt” [nghĩa là] mỗi tháng, mồng một, mồng tám, mười bốn, mười lăm, tháng thiếu có hai mươi chín ngày, tháng đủ có ba mươi ngày. Đức Phật nói cho chúng ta biết, những ngày này đều có các vị thiên địa quỷ thần đi tuần tra trong thế gian, cho nên chúng sanh khởi tâm động niệm, lời nói việc làm có khi làm lành, có khi làm ác, các quỷ thần đều ghi chép lại, họ ở nơi đó điều tra, đây là “các tội kết tập lại để định là nặng hay nhẹ”. Nói thật ra, những việc này dùng lời hiện nay để nói là đưa vào “hồ sơ”. Đến lúc lâm chung, nếu không có phước đức thì khi gặp vua Diêm-la  liền lấy “hồ sơ” này ra để định đoạt quả báo nặng nhẹ. Những chuyện này rốt cuộc có hay không, có phải là mê tín hay không? Nói cho chư vị biết, thật sự là có! Tại vì sao? Thế gian chúng ta cũng như vậy. Bạn xem mỗi ngày cảnh sát đi tuần, nếu khi bạn phạm tội thì cảnh sát hình sự đến điều tra bạn, phải tìm kiếm chứng cứ phạm tội của bạn, sau đó mới phán xử. Người thế gian chúng ta định tội một người, tìm được một chứng cứ rất khó khăn, thật không dễ chút nào, nhưng quỷ thần tìm chứng cứ của bạn, bạn không có cách gì che giấu, chúng ta có thể gạt người nhưng không thể gạt quỷ thần. Hiện nay dùng khoa học để điều tra, dùng khoa học để phát hiện nói dối, đâu biết rằng những quỷ thần này không cần dùng những công cụ khoa học như vậy, họ trực tiếp dựa trên tư liệu sóng điện của bạn phát ra để kết án, khởi tâm động niệm gì họ đều biết, đúng như câu nói “trên đầu ba thước có thần minh”, con người có thể tự gạt mình, gạt người, nhưng không thể gạt được quỷ thần.

          Đặc biệt là chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh đức Phật nói số người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc quá nhiều, không có cách gì tính đếm. Những người đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là người tu pháp môn niệm Phật từ mười phương thế giới của chư Phật vãng sanh đến, không phải chỉ có thế giới này của chúng ta mà thôi; mười phương hết thảy thế giới chư Phật, mỗi ngày số người vãng sanh không biết là có bao nhiêu.  Sanh đến thế giới Cực Lạc, họ có thần thông đạo lực, hầu như gần giống với đức Phật A-di-đà, chúng ta đọc thấy trong kinh. Thiên nhãn, thiên nhĩ của những người này, dùng cách nói hiện nay của chúng ta gọi là lợi hại nhất, tận hư không khắp pháp giới họ đều nhìn thấy, khởi tâm động niệm của hết thảy chúng sanh họ đều biết, họ có tha tâm thông. Thần thông của quỷ thần nhỏ, năng lực rất có hạn, năng lực của quỷ thần chắc chắn không bằng A-la-hán, năng lực của A-la-hán có thể biết 500 đời, trong vòng 500 đời của một người, tình hình trong mỗi đời, mỗi kiếp, A-la-hán đều biết. Những quỷ thần đó không có năng lực này, nói chung là những việc mà bạn làm gần đây, họ biết được. Chuyện một hai năm hay mấy tháng họ biết rất rõ ràng, họ có năng lực này. Năng lực của người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc vô cùng mạnh! Chúng ta ở đây khởi tâm động niệm gì họ đều biết rõ, chúng ta muốn vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, nếu như tâm niệm của bạn không thiện, hành vi không thiện, cho dù cả ngày từ sáng đến tối niệm A-di-đà Phật, một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu không gián đoạn, tương lai cũng không thể vãng sanh. Tại sao niệm Phật không thể vãng sanh? Mỗi ngày bạn chấp trì danh hiệu là khẩu thiện, nhưng tâm bạn không thiện, hành vi không thiện. Điều kiện vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là ba nghiệp thanh tịnh, trong ba nghiệp quan trọng nhất là “tâm”, tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, tâm thiện thì ngôn hạnh của bạn nhất định sẽ thiện, như vậy mới có thể vãng sanh, chúng ta nhất định phải hiểu rõ đạo lý này.

          Cho nên, kinh Vô Lượng Thọ nói về điều kiện vãng sanh, bất luận là bậc thượng, bậc trung, bậc hạ, điều kiện quan trọng nhất là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Nếu như chúng ta chỉ làm được nhất hướng chuyên niệm, không phát Bồ-đề tâm thì không thể vãng sanh. Nói thêm một lời thành thật với bạn, khi thật sự phát Bồ-đề tâm không niệm Phật cũng có thể vãng sanh. Trong kinh nói về một niệm, mười niệm lúc lâm chung đều có thể vãng sanh, tại vì sao? Bồ-đề tâm là tâm thiện, tâm thiện, hạnh thiện cả đời không niệm Phật, đến lúc lâm chung niệm một tiếng, mười tiếng đều chắc chắn vãng sanh. Nếu như không phát Bồ-đề tâm, tâm không thiện, hạnh không thiện, mỗi ngày đều niệm A-di-đà Phật, người xưa nói: “Hét bể cổ họng cũng uổng công!” Thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi những người thượng thiện tụ hội về, chúng ta không thiện thì không hợp với họ, không có cách gì sống chung, họ đều là thượng thiện, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Tại sao mỗi ngày phải dốc sức niệm Phật? Vì sợ lúc lâm chung quên mất. Mỗi ngày niệm Phật giống như huấn luyện vậy, như câu nói: “Luyện binh ngàn ngày, dùng trong một buổi”. Mỗi ngày huấn luyện không ngừng, mỗi giờ mỗi phút đều đề khởi câu Phật hiệu, đề khởi câu Phật hiệu này có dụng ý rất sâu, rất rộng; không những là không để Phật hiệu quên mất, không thể quên mất tâm của Phật, nguyện của Phật, hạnh của Phật, tâm của ta phải giống như tâm Phật. Cho nên nghe đến Phật hiệu, nhìn thấy tượng Phật, thì phải nghĩ đến tâm mình phải giống như vậy, nguyện của mình cũng phải giống như vậy, hạnh của mình cũng phải giống như vậy, như vậy bạn nhất định sẽ được sanh. Tâm, nguyện, hạnh tương ưng chính là phát Bồ-đề tâm, đây là điều kiện nhất định phải đầy đủ để vãng sanh, thật sự có thể làm được tâm, nguyện, giải, hạnh tương ưng với đức Phật A-di-đà, đây chính là Bồ-đề tâm viên mãn.

          Thế nên, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian đương nhiên sẽ buông bỏ, vinh hoa phú quý không thể thường còn, nhất định phải tu đức, phải nhìn cho xa, phải trông cho rộng. Trong một đời này của chúng ta, sinh mạng rất ngắn ngủi, thế gian rất khổ, chúng ta nhìn xa trông rộng thì tiền đồ là một mảng xán lạn. Ngày nay không gian sinh hoạt của chúng ta hạn cuộc ở trên địa cầu này, khoa học kỹ thuật tuy phát triển, giao thông tiện lợi nhanh chóng, chúng ta vẫn không thể rời khỏi địa cầu. Nếu vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, không gian sinh hoạt của chúng ta sẽ rất lớn, tận hư không khắp pháp giới là không gian sinh hoạt của chúng ta, bạn nói như vậy tự tại biết mấy, đó mới gọi là hạnh phúc thật sự! Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì trí tuệ, năng lực đều khôi phục, giống như chư Phật, Bồ-tát tùy loại hóa thân. Giống như kinh Phạm Võng nói: “Trăm ngàn ức hóa thân”, họ có năng lực này, cùng lúc có thể đến hết thảy cõi nước chư Phật nghe Phật giảng kinh thuyết pháp, có khả năng phân thân, trên cúng dường chư Phật, dưới hóa độ chúng sanh, thật sự có khả năng này. Trong kinh này đức Phật đề xướng, nhất định phải đoạn ác tu thiện sáu ngày hoặc mười ngày trong một tháng. Không phải nói bình thường không cần tu, mấy ngày này quỷ thần đến khảo sát nên đặc biệt làm một chút chuyện tốt cho họ thấy, đây là bất đắc dĩ nên mới nói như thế. Nếu mỗi ngày đều làm như vậy thì đương nhiên càng tốt, càng thù thắng. Sợ bạn làm không được, mỗi tháng dạy bạn tu mười ngày, tu ít hơn thì sáu ngày, có tu vẫn tốt hơn không tu. Nếu như có thể mỗi ngày tu thì phước báo của bạn quá thù thắng rồi. Ngày nay, phương pháp tu hành của chúng ta thì niệm Phật tốt nhất. Niệm Phật, trường trai! “Trai”, ý nghĩa ban đầu là tu tâm thanh tịnh, tâm trai là cầu tâm thanh tịnh. Về sau biến thành trì ngọ, không ăn quá ngọ, “ngọ” là hai tiếng đồng hồ, từ mười một giờ đến một giờ, đều là giờ ngọ. Nói một cách chặt chẽ theo Phật pháp thì là quá “trung” (giữa ngày), không ăn quá giữa ngày mới gọi là “trì trai”. Thời điểm “giữa ngày” của mỗi ngày không giống nhau, hơn nữa mỗi địa phương lại có giờ sai khác. Hiện nay nếu thường đi du lịch thì chuyện này càng phiền phức, mỗi nơi mấy giờ, mấy phút, mấy giây mới là “giữa ngày”, bạn nhất định phải biết thật rõ ràng, chuyện này tương đối phiền phức. Lúc trước, cả đời sống ở một đạo tràng thì dễ dàng hơn, thời điểm “giữa ngày” ở nơi đó, thời xưa dùng “nhật quỹ”[2] để đo lường, ngày trời bình thường có thể đo vào thời điểm “giữa ngày”, mỗi ngày sai khác bốn “giây”, nhất định phải hiểu việc này. Ngày nay có thể dùng lịch thiên văn, chỉ cần bạn biết kinh độ, kinh độ ở địa phương đó, dùng lịch thiên văn thì một chút cũng không sai. Do đó chấp trước việc này cũng không thuận tiện, rất phiền phức, đối với đời sống nói thật ra cũng tạo nên áp lực, vậy cũng không bằng chúng ta mỗi ngày như pháp thì tốt nhất. Hiểu rõ những chân tướng sự thật này, tự hành hóa tha nhất định phải có phương tiện khéo léo.

          Tôi thân cận thầy Lý ở Đài Trung, lúc chưa đến Đài Trung tôi cũng trì ngọ, không ăn quá giữa ngày. Lúc đó tôi dùng lịch thiên văn, từ nhỏ tôi rất ưa thích thiên văn, cho nên đến nơi nào, tôi nhất định sẽ liên lạc với đài thiên văn, tôi rất thích quan sát hiện tượng thiên văn. Do đó mỗi năm đài thiên văn nhất định sẽ gởi tặng lịch thiên văn cho tôi. Tôi đến Đài Trung thân cận thầy Lý, thầy Lý thấy tôi chấp trước như vậy nên một ngày nọ thầy răn dạy tôi, thầy nói: “Con một mình tu như vậy thì được, nhưng không thể độ chúng sanh”. Tôi nói: “Tại sao vậy?”. “Vì con quá chấp trước”. Thầy nói, khi bạn đến một địa phương nào đó hoằng pháp, những tín đồ nơi ấy. Đặc biệt là thời đại công nghiệp ngày nay, họ cung kính người xuất gia chúng ta, muốn mời bạn đi ăn cơm, có thể là sau mười hai giờ trưa, nhất định là sẽ quá ngọ, hoặc là mời bạn dùng cơm tối. Nếu bạn không đồng ý, nhất định cố chấp cách tu này của chính bạn, người ta sẽ khởi lên tâm lý gì? “Vị pháp sư này làm giá quá đi, chúng ta muốn cúng dường cầu phước cũng không được”, ngược lại sẽ làm cho người ta thoái tâm, làm cho người ta hủy báng. Thầy nói đây là cách làm của người Tiểu thừa, tuyệt đối không phải là hạnh Bồ-tát. Tôi nói: “Vậy thì phải làm sao?”, thầy nói: “Tùy duyên”. Bản thân thầy Lý cũng là “nhật trung nhất thực”, cả đời thầy mỗi ngày ăn một bữa. Nhưng khi có tín đồ mời thầy dùng cơm, cơm tối thầy cũng ăn, mọi người đều vui vẻ, đều hoan hỷ. Khi tôi ở Đài Trung có cơ hội thì thầy nhất định sẽ dẫn tôi đi theo, kết duyên với mọi người. Những người này nghe nói thầy Lý trì ngọ, mỗi ngày ăn một bữa, [khi được mời] thì buổi tối cũng vui vẻ dùng cơm với họ, lòng cảm kích của họ càng tăng thêm gấp bội, mới biết được thầy từ bi như vậy, có thể nhiếp thọ chúng sanh.

          Bồ-tát làm hết thảy việc đều vì chúng sanh, Địa Tạng Bồ-tát nói: “Chỉ cần chúng sanh được độ thì vào địa ngục tôi cũng cam tâm”, đây là tinh thần của Địa Tạng Bồ-tát. Không chấp trước cứng nhắc vào những chi tiết nhỏ này, làm vậy thì như pháp. Trong Phật pháp, giới luật có quan trọng đến đâu cũng có khai duyên, đó gọi là khai giới, khai trai, không phải phá trai, không phải phá giới. Nếu như chính bạn có tâm tham, bạn tìm một tín đồ nói: “Tôi thật ngại, quý vị hãy mời tôi dùng cơm”, vậy thì bạn đã phá giới, làm sai rồi. Tuyệt đối không phải tự mình có ý làm như vậy, “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Thế nên trong pháp Đại thừa, đây là “phương tiện có nhiều cửa, đường về nguồn không hai”[3], khác với những tư tưởng, kiến giải, hành trì của Tiểu thừa. Đại thừa đích thực rất phóng khoáng, nắm vững được nguyên lý, nguyên tắc, hết thảy lấy lợi ích của chúng sanh đặt lên hàng đầu, lợi ích chúng sanh chân thật là lợi ích chính mình.

          Như những gì trong kinh nói thì hiện nay âm lịch đối với chúng ta không thuận tiện, nhưng phải hiểu được ý nghĩa của nó. Thông thường hiện nay đều tính bằng tuần, nếu như mỗi tuần chúng ta có thể tu trai giới một ngày, hai ngày, thì công đức đó sẽ rất thù thắng. Tuy nhiên không nhất định phải là những ngày này, vì thời gian một tháng không dài, những quỷ thần khảo sát này chắc chắn sẽ nhìn thấy. Người hiện đại phải sống theo cuộc sống hiện đại, chúng ta không cần phải câu nệ vào lời trong kinh điển, nhưng nhất định phải tương ứng với tinh thần nói trong kinh, như vậy thì được. Nhất định phải biết thông quyền đạt biến, [nhằm đem lại] lợi ích cho sinh hoạt người hiện đại, làm cho họ không đến nỗi cảm thấy có áp lực trong đời sống, như vậy mới tốt. 

          Mời xem đoạn kinh  văn kế tiếp, trang 61:

 

          Nam Diêm-phù-đề chúng sanh cử chỉ động niệm, vô bất thị nghiệp, vô bất thị tội, hà huống tứ tình sát hại, thiết đạo, tà dâm, vọng ngữ, bá thiên tội trạng.

          Những câu này vô cùng quan trọng! Không nhớ hết cả bộ kinh, những câu kinh văn quan trọng nhất định phải ghi nhớ, nhất định phải học thuộc lòng, từng giây từng phút nhắc nhở chính mình. “Nam Diêm-phù-đề” chính là chỉ cho địa cầu này của chúng ta. Chúng sanh trên địa cầu này, đích thực là từng “cử chỉ, động niệm” đều là đang tạo nghiệp, đều là đang tạo tội, khởi tâm động niệm đều không thiện, khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi, đó chính là nghiệp, chính là tội. Họ chấp trước cứng nhắc, người thế gian không hiểu, hình như là vì lợi ích của chính mình, vì bảo vệ lợi ích của mình, mọi người đều cho rằng đó là chính đáng, đó là chính xác, đâu có sai lầm? Đây là vọng tưởng, chấp trước của người thế gian. Đức Phật nói đây là sai lầm, hơn nữa là sai lầm hết sức nghiêm trọng. Lục đạo luân hồi hình thành như thế nào? Chính là do tự tư tự lợi, ngã chấp biến hiện ra. Nếu bạn không thể phá trừ, không thể buông bỏ vọng tưởng, chấp trước thì bạn vĩnh viễn trong lục đạo luân hồi. Trong lục đạo, đức Phật đã nói quá nhiều rồi, chắc chắn là thời gian trong tam ác đạo dài, thời gian trong tam thiện đạo ngắn. Tam thiện đạo ví như được nghỉ phép, tham quan du lịch; tam ác đạo là quê nhà, đi ra ngoài vài ngày lại quay trở về nhà. Trong kinh Địa Tạng chúng ta thấy việc này quá rõ ràng, quá tường tận, đức Phật nói như vậy là sai lầm lớn. Vậy thì như thế nào mới đúng? Khởi tâm động niệm đều vì hết thảy chúng sanh, không vì mình, thì bạn sẽ vĩnh viễn thoát ly lục đạo luân hồi, siêu việt tam giới, như vậy mới đúng.

          Lời Phật dạy chúng ta là chân thật, thật sự phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui; niềm vui này không phải là niềm vui trong tam giới, trong tam giới không có vui. Siêu việt tam giới mới chân thật được vui. Phật nói tam giới đều khổ. Trên trời cũng có khổ, khổ ít một chút thôi, nhưng vẫn là khổ. Đạo lý và chân tướng sự thật này chúng ta đều phải làm cho rõ ràng, làm cho sáng tỏ, sau đó mới thật sự cảm ân đội đức đối với giáo huấn của Phật-đà. Chúng ta thật may mắn, người thế gian nói vận mạng thật tốt mới gặp được Phật pháp, đức Phật là thiện tri thức chân chánh của chúng ta, chúng ta gặp được thì đời này thật sự được giải thoát. Nếu không gặp được Phật pháp thì như trong kinh đã nói, chúng ta khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp, đều là tạo tội. Sau khi hiểu rồi thì hãy vì Phật pháp, vì chúng sanh, vì Phật pháp thì hy vọng Phật pháp được lưu truyền rộng rãi, hy vọng Phật pháp trụ lâu dài trên thế gian, có thể làm cho hết thảy chúng sanh được lợi ích của Phật pháp, phải phát cái tâm này. Niệm niệm phải nghĩ đến hết thảy chúng sanh, không những con người trên toàn thế giới, còn có súc sanh, còn có ngạ quỷ, còn có chư thiên, hết thảy chúng sanh đều được lợi ích thù thắng của Phật pháp, tâm lượng của chúng ta đã được khai mở. Bồ-tát chính là phục vụ cho hết thảy chúng sanh, phục vụ cho hết thảy chúng sanh thì thù thắng nhất không gì hơn việc xây dựng Phật pháp, xây dựng Phật pháp chính là y giáo phụng hành, chính là xây dựng trong đời sống hằng ngày của chúng ta, xây dựng trong ngành nghề của chúng ta, xây dựng trong công việc của chúng ta, xây dựng trong cách xử sự, đối người, tiếp vật của chúng ta, giúp cho cả xã hội, trong đời sống của mọi người, trong mỗi ngành mỗi nghề thảy đều xây dựng Phật pháp. Thế nên, xây dựng Phật pháp chính là mọi người đều biết phục vụ xã hội, phục vụ đại chúng. Cách nói của người hiện nay là hy sinh, dâng hiến, đó chính là Bồ-tát, chân thật làm được như vậy thì được phước không có cùng tận. Phước báo hiện tiền, Phật dạy chúng ta phải xả, không nên hưởng; một khi hưởng phước liền mê ngay, hồ đồ ngay, Phật dạy chúng ta “xả đắc”. “Xả” là nhân, “đắc” là quả, xả tiền thì được tiền, xả phước thì được phước, xả cái gì thì được cái đó, sau khi được thì phải tiếp tục xả. Cho nên, ý nghĩa tầng thứ hai của “xả đắc” còn sâu hơn, đem những gì bạn đạt được rồi xả tiếp, vậy thì những gì bạn đạt được càng thù thắng, càng viên mãn, tự mình vĩnh viễn không hưởng thụ, có phước báo, phước báo này cho hết thảy chúng sanh hưởng, đây chân thật là Phật, Bồ-tát ứng hóa tại thế gian. Trong thế gian này có [Phật, Bồ-tát] hay không? Có. Người hiểu được Phật pháp, thật sự hiểu được thì họ sẽ y giáo phụng hành, thì họ sẽ làm như vậy, làm được hoàn toàn tương ưng đó chính là Bồ-tát thị hiện.

          Đây là nói hết thảy chúng sanh không có người chỉ dạy, chính là hiện tượng này. Cho nên, giáo dục quan trọng hơn bất cứ thứ gì, thế gian và xuất thế gian đều được xây dựng trên giáo dục. Những đế vương Trung Quốc thời xưa đều là người thông minh, họ cai trị quốc gia, hy vọng củng cố chính quyền, hy vọng quốc gia tồn tại lâu dài, họ bắt đầu làm từ đâu? Giáo học trước tiên, trước hết phải làm giáo dục cho tốt. Trong giáo dục quan trọng nhất là “khuyên hiếu”, làm cho nhân dân biết được hiếu đạo, dạy cho nhân dân biết tôn sư trọng đạo. Mỗi người đều tu dưỡng đức hạnh của mình thì xã hội sẽ an định, thiên hạ sẽ thái bình. Cho nên họ chú trọng giáo dục, đưa giáo dục vào chính sách hàng đầu của quốc gia. Chế độ của quốc gia thời xưa, dưới Thừa tướng có sáu bộ, thời xưa phân công không được chi tiết như ngày nay, chỉ phân thành sáu bộ. Trong sáu bộ ấy, đứng đầu là Bộ Giáo dục, hồi xưa gọi là Lễ Bộ; trong sáu bộ thì Lễ Bộ Thượng Thư là hạng nhất, xếp giáo dục vào hàng đầu, rất xem trọng đối với sự việc này. Còn giáo dục Phật giáo lại lập ra một cơ cấu riêng, càng tôn trọng hơn, do chính Hoàng đế thúc đẩy. Cơ cấu giáo dục này gọi là “tự”, cho nên danh từ “tự” này là như thế nào? Tự là danh từ của cơ quan làm việc dưới quyền hoàng đế. Tại sao lấy danh xưng này? Danh xưng này là xây dựng, kiến lập vĩnh viễn, không bao giờ thay đổi, từng đời, từng đời truyền mãi về sau. Cơ cấu này, cơ quan này được thiết lập vĩnh viễn mới gọi là tự, tuyệt đối không được thay đổi, tuyệt đối không được phế bỏ, dùng danh xưng này. Hoàng đế hy vọng triều đại của mình vĩnh viễn truyền về sau, không bị người ta lật đổ, hy vọng truyền từ đời này qua đời sau, do đó cơ quan này được xây dựng vĩnh viễn.

          Dưới hoàng đế có chín tự, người đứng đầu tự gọi là “Khanh”, [có] chín Khanh, [tức] tam Công, cửu Khanh [4]; tam Công là cố vấn của hoàng đế, ngày nay gọi là người cố vấn chính sách quốc gia, nhà vua có vấn đề khó khăn gì thì đi hỏi những cố vấn này. “Tự”, nói theo cách hiện nay chính là đơn vị cao nhất, trực tiếp do nhà vua quản lý. Cơ cấu Phật giáo cũng gọi là tự, do nhà vua trực tiếp quản lý, nhà vua trực tiếp thúc đẩy giáo dục Phật giáo. Trung Quốc từ triều Hán trở về sau, giáo dục có hai hệ thống, một là giáo dục nhà Phật, hai là giáo dục nhà Nho. Giáo dục nhà Nho do thừa tướng phụ trách thúc đẩy, giáo dục nhà Phật do nhà vua đích thân chỉ đạo, thúc đẩy, cho nên giáo dục nhà Phật phát triển rộng hơn giáo dục nhà Nho. Đây là vì thời xưa người dân tôn kính nhà vua, dùng quyền lực của nhà vua đem giáo dục này mở rộng đến mỗi tỉnh thành, mỗi huyện thành, mỗi thôn làng đều có xây chùa chiền. Còn giáo dục nhà Nho thì cao nhất mỗi huyện mới có một trường, không được đẩy mạnh rộng rãi như nhà Phật, đạo lý là như vậy, coi trọng giáo dục. Còn việc Phật pháp biến chất trở thành tôn giáo, biến thành phục vụ cho người chết, chỉ mới bắt đầu trong thời gian gần đây, đại khái khoảng giữa triều nhà Thanh trở về sau mới trở nên như vậy, thời kỳ đầu nhà Thanh không phải như vậy, thời kỳ đầu vẫn là giáo dục. Chúng ta xem thấy thời đại Khang Hy, Ung Chánh, Càn Long Phật pháp vẫn là giáo dục, là giáo học như cũ, cho nên ngay cả trong cung đình cũng tụng kinh.

          Những đế vương triều nhà Thanh rất cao minh, họ làm như thế nào? Họ là dân tộc thiểu số vào trung nguyên làm chủ, dân tộc thiểu số thống trị dân tộc đa số có thể làm cho người dân cả nước đều phục tùng, kéo dài vương triều hơn 260 năm là có đạo lý của họ. Họ dùng phương pháp gì để cai trị? Họ dùng kinh Vô Lượng Thọ, chiêu này rất cao minh. Hoàng đế nói: Không phải quý vị nghe lời của tôi, hết thảy chúng ta đều nghe lời đức Phật, tôi cũng nghe lời đức Phật, quý vị mọi người đều nghe lời đức Phật, phương pháp này cao minh. Không phải tôi thống trị quý vị, mà là đức Phật thống trị mọi người chúng ta, vậy thì còn gì để nói nữa? Cho nên, người trong cung đình đọc kinh Vô Lượng Thọ, cũng thỉnh pháp sư giảng kinh Vô Lượng Thọ, mọi người đều y giáo phụng hành. Người phế trừ việc đọc kinh trong triều Mãn Thanh chính là Từ Hi Thái Hậu, có lẽ Từ Hi Thái Hậu nghe thấy trong kinh Vô Lượng Thọ đều là nói về tật xấu của bà, chắc nghe xong không thoải mái, không vui lắm nên không đọc nữa. Sau đó bà lại buông lung, làm càn làm bậy, làm loạn cả đất nước. Giả sử bà vẫn noi theo phép tắc của tổ tông, không thay đổi phương pháp cũ, vẫn y giáo phụng hành, có lẽ ngày nay vẫn là đế quốc Đại Thanh, sẽ không thay đổi triều đại, nhân dân sẽ không tạo phản. Đáng tiếc là đã đem những giáo huấn, phép tắc của tổ tông vứt bỏ đi, tự mình làm xằng làm bậy, đánh mất lòng dân, cho nên quân cách mạng khởi lên, mới bị người ta lật đổ. Đây là tội bà đã tạo trong đời. Chúng tôi từng nghe nói, lúc Từ Hi sắp qua đời, bà rất hối hận, biết mình đã làm sai, hình như có nói một câu: “Hy vọng người nữ vĩnh viễn đừng tham gia vào chính sự”, lúc lâm chung mới biết người nữ tham gia vào chính sự tạo ra tai họa lớn đến như vậy, nhưng hối hận đã quá muộn rồi.

          Ngày nay chúng ta đọc kinh văn này, “huống hồ là mặc tình giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, trăm ngàn tội lỗi”, cũng giống như nói về xã hội hiện nay của chúng ta. Người thời xưa đọc kinh, đọc đến những điều này nhưng không nhìn thấy hiện tượng này, bây giờ các hiện tượng này đã quá phổ biến trên thế giới. Chúng ta thấy những hiện tượng này không thể không sợ hãi, chúng sanh tạo những tội nghiệp này làm sao nói không có quả báo cho được? Ngày nay những thiên tai này xảy ra trên toàn thế giới, người hiện nay đều đổ lỗi cho tai họa tự nhiên, không cho rằng là do con người tạo nên, suy nghĩ như vậy là sai lầm. Tai họa tự nhiên hình thành như thế nào? Đều do tâm con người tạo thành. Nếu như chúng ta suy nghĩ kỹ càng thì hết thảy vạn vật, phía trước mới nói tất cả đều đang “động”, chỉ cần là một vật thể thì nguyên tử, điện tử của nó đều đang dao động, động thì nó có “sóng”. Khi tâm con người khởi tâm động niệm là giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, những dao động sóng cực ác này, hơn nữa hết thảy chúng sanh đều tạo các sóng này, bạn nghĩ xem sóng ác này bao lớn. Dao động sóng lớn mạnh này thay đổi vật chất, ảnh hưởng vật chất, biến đổi vật chất, làm cho kết cấu bình thường của vật chất bị phá hoại mất. Đây là trong Phật pháp chúng ta thường nói: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”, y báo là sơn hà đại địa, chuyển biến theo tâm con người, tâm người thiện thì hoàn cảnh sẽ tốt, mưa thuận gió hòa; tâm người không thiện thì sẽ sanh lên các thứ tai họa.

          Đáng tiếc là hiện nay phần đông người ta không tin [việc này], cứ cho cách nói này là mê tín. Đợi đến một ngày nào đó họ hiểu rõ ràng, sáng tỏ rồi thì không còn kịp nữa, thế giới đã bị hủy diệt rồi. Không tin tưởng lời dạy chân thật của Phật thì bạn phải hứng chịu quả báo này. Những “sóng” này vô cùng xấu ác, hiện nay gọi là “từ trường”, trong Phật pháp gọi là “quang”, người Trung Quốc gọi là “khí”; [quang này] vô cùng không tốt, cực xấu, khi bạn tiếp xúc đến thì thân tâm bất an, hầu như hiện nay mọi người trên toàn thế giới chúng ta đều có cảm nhận này, có nơi nào đời sống con người được yên ổn? Đều là lo lắng, ưu tư, không biết đến nơi nào mới tốt.  Mọi người đều biết tai nạn sắp xảy ra, nhưng không biết tai họa hình thành như thế nào? Những thứ này đều là ảnh hưởng của dao động sóng. Tại sao thế giới của chư Phật, Bồ-tát tốt đẹp như vậy? Tâm địa của mỗi người đều thanh tịnh, thiện lương, cho nên hoàn cảnh, y báo nơi cư trú thù thắng đến như vậy. Phàm những người vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là người thượng thiện, tâm bạn không thiện thì sẽ không thể đến. Trong Phật pháp nói thế giới Tây Phương Cực Lạc là một thế giới rất mới, đức Phật A-di-đà xây dựng tới nay chỉ mới mười kiếp mà thôi, mười kiếp so với thời gian vô hạn là một thời gian rất ngắn, cho nên nói đó là một thế giới mới thành lập. Người ở đó không phải là người bản xứ, trong đó không có người bản xứ, đều là người từ nơi khác di dân đến. Còn điều kiện di dân, đức Phật A-di-đà rất thông minh, di dân cần điều kiện gì? Tâm địa hiền lương, tâm địa thanh tịnh, ngài tuyển chọn những người như vậy tới; người tâm địa không hiền lương thì không được vào, cho nên thế giới ấy tốt đẹp như vậy.

          Không như thế giới Ta-bà của chúng ta, trong thế giới Ta-bà của chúng ta có người bản xứ, không có cách gì, những người này tâm địa không thiện nên gọi là ngũ trược ác thế. Chúng sanh tạo tội nghiệp nhiều như vậy, chư Phật, Bồ-tát tới khuyên răn, khuyến hóa, khuyên rồi nhưng chưa chắc đã nghe, cũng chưa chắc y giáo phụng hành. Nhưng Phật, Bồ-tát từ bi đến cực điểm, chúng sanh không nghe các ngài cũng tới khuyên, sự khuyên bảo này vĩnh viễn không gián đoạn, vĩnh viễn không ngừng lại, luôn hy vọng có một ngày bạn giác ngộ quay đầu. Cho nên người thật sự hiểu được, người giác ngộ được, hoàn cảnh ở đây không dễ tu hành, đức Phật khuyên chúng ta di dân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta [phương pháp] di dân. Khi chúng ta hiểu rõ đạo lý, biết được phương pháp, chúng ta liền có lòng tin rất sâu, biết được mình di dân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc ngay trong một đời này, nhất định có thể là được; chúng ta thay đổi hoàn cảnh sinh sống, thay đổi hoàn cảnh tu hành. Chúng ta cũng biết tận hư không khắp pháp giới đều là một thể, thế nên di dân đến thế giới Cực Lạc rồi sau đó phải giúp đỡ những chúng sanh trong lục đạo, đều từ bi, có trí tuệ giống chư Phật, Bồ-tát, đến dạy bảo những chúng sanh này. Trong đoạn sau, đức Phật dạy chúng ta phương pháp tu hành:

 

          Năng ư thị thập trai nhật, đối Phật Bồ-tát chư hiền thánh tượng tiền, độc thị kinh nhất biến. Đông Tây Nam Bắc, bá do-tuần nội vô chư tai nạn, đương thử cư gia nhược trưởng nhược ấu, hiện tại vị lai bá thiên tuế trung vĩnh ly ác thú.

          Quả báo này quá thù thắng, cho nên nhiều người thấy trong kinh này nói như vậy liền nghi ngờ. Họ cho rằng lời kinh nói quá khoa trương, không phù hợp với chân tướng sự thật. Cách nói này thật ra là sai lầm, họ không hiểu rõ nghĩa thú nói trong kinh Phật. Kệ khai kinh nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, câu này rất quan trọng, bạn đã giải sai ý nghĩa của Phật rồi, đây là kinh Đại thừa, không phải là kinh Tiểu thừa. Kinh Đại thừa là cho Bồ-tát tu học, phàm phu có thể tu Bồ-tát hạnh được không? Có thể, kinh Hoa Nghiêm thù thắng nhất, người đương cơ nói trong ấy gọi là Đại Tâm Phàm Phu. Phàm phu có thể tu học, phàm phu có thể học pháp của Bồ-tát, có thể học pháp môn của quả địa Như Lai, như vậy thì Phật pháp này mới viên dung vô ngại. Nhưng bạn nhất định phải phát đại tâm, đại tâm chính là không vì mình, mà vì hết thảy chúng sanh, như vậy là đại tâm, có đại tâm thì có thể tu học pháp của Đại thừa Bồ-tát. Do đó có thể biết, chỗ này nói “đọc kinh này một biến”, “đọc” này nhất định không phải nói chúng ta lấy quyển kinh đọc qua một lần, vậy thì quả báo này chắc chắn sẽ không đạt được. Phải đọc như thế nào? Đọc xong phải có thể hiểu rõ ý nghĩa trong đó, hiểu xong phải có thể y giáo phụng hành. Bạn xem, câu cuối của mỗi bộ kinh đều ghi “tín thọ phụng hành”, nếu làm không được bốn chữ này, mỗi ngày bạn đọc một trăm lần cũng không có tác dụng; [như việc] niệm Phật, cổ đức châm biếm người ta, nói “hét bể cổ họng cũng uổng công”, đọc kinh cũng như vậy, cũng là “hét bể cổ họng cũng uổng công”. Đọc kinh phải y giáo phụng hành, niệm Phật cũng phải y giáo phụng hành. Nghe đến câu Phật hiệu, nhìn thấy tượng Phật thì phải nghĩ đến lời răn dạy của Phật trong kinh điển, là mượn những cái này để nhắc nhở chính mình, đừng quên lời giáo huấn của đức Phật, chúng ta phải thực hiện những lời giáo huấn này vào trong đời sống hằng ngày. Không những mình phải làm như vậy, còn phải khuyên người khác cùng làm với mình, vậy mới gọi là “đọc kinh”. Nghĩa là nói một tháng bạn đọc mười lần, bạn sẽ không quên.

          Phật dạy người xuất gia chúng ta trì giới, cứ nửa tháng phải đọc Giới Kinh một lần, tại sao vậy? Vì sợ quên mất. Nửa tháng tụng một lần là ôn lại một lần, phải y giáo phụng hành, không phải niệm cho Phật, Bồ-tát nghe. Hàn Sơn, Thập Đắc châm biếm [chuyện] nửa tháng tụng giới, ý châm biếm là gì? Nửa tháng chỉ đọc một lần, lúc bình thường thì một điều cũng không làm được, vậy thì có lợi ích gì! Phải nên tuân thủ từng điều [trong Giới Kinh], phải làm cho bằng được từng điều mới đúng. Đọc kinh cũng như vậy, trong kinh Địa Tạng dạy chúng ta những lý luận, nguyên tắc, phương pháp này, [chúng ta] phải làm! Việc này còn tốt hơn việc tụng giới mỗi nửa tháng. Giới Kinh mỗi tháng mới tụng hai lần, ở đây dạy bạn mỗi tháng đọc mười lần. Hiện nay, chúng ta không tụng kinh Địa Tạng, chúng ta thay bằng tụng kinh Vô Lượng Thọ có được không? Được chứ. Kinh Vô Lượng Thọ bao gồm kinh Địa Tạng, nói thật ra không có kinh nào mà kinh Vô Lượng Thọ không bao gồm, toàn bộ Phật pháp đều rút gọn trong kinh Vô Lượng Thọ.

          Có một năm tôi giảng đại ý kinh Địa Tạng ở Mỹ, tại một số thành phố bờ Đông nước Mỹ, có vị đồng tu đến hỏi tôi:

          “Thưa pháp sư, không phải thầy chỉ giảng kinh Tịnh độ thôi sao, tại sao thầy lại giảng kinh Địa Tạng? Có phải thầy đã xen tạp hay không?”

          Tôi nói: “Không có, tôi vẫn là giảng kinh Vô Lượng Thọ, giảng pháp môn Tịnh độ”. 

          Vị ấy hỏi: “Làm sao kinh Địa Tạng lại là pháp môn Tịnh độ được?”

          Tôi nói: “Pháp môn Tịnh độ được xây dựng trên nền tảng của Tam phước, bạn thừa nhận hay không?” 

          Vị ấy nói: “Thừa nhận”. 

          Tôi nói: “Tam phước là nội dung của kinh Quán Vô Lượng Thọ, điều đầu tiên trong Tam phước: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, có đúng hay không?”

          Ông nói: “Đúng”. 

          Tôi nói: “Kinh Địa Tạng chính là giảng bốn câu này, kinh này chính là chú giải cho bốn câu đó”. 

          Thế rồi ông ấy mới hiểu. Cho nên, chúng ta giảng bộ kinh này là pháp căn bản của Tịnh độ, mười sáu chữ trong kinh Tịnh độ đều bao gồm trong bộ kinh này, bộ kinh này nói về mười sáu chữ này. Nếu bạn không hiểu kinh Địa Tạng thì bạn không hiểu được ý nghĩa của phước thứ nhất trong Tam phước, bạn cũng không biết cách tu ra làm sao. Thế nên, tôi giảng kinh Địa Tạng là giảng kinh Tịnh độ, là giảng kinh Vãng Sanh, tôi không rời khỏi Tịnh tông, không rời khỏi A-di-đà Phật.

          Chỗ này nói “đọc kinh này một lần”, [chúng ta] nhất định phải hiểu ý nghĩa này. Nếu như khi đọc có thể hiểu nghĩa của kinh, chân thật có thể làm được câu cuối trong kinh, “tín thọ phụng hành”, vậy mới thật sự gọi là “đọc kinh”. Bạn thật sự làm, thật làm được thì sẽ có hiệu quả [như kinh nói]. “Đông tây nam bắc, trong vòng một trăm do-tuần”, do-tuần ở đây không kể là nhiều, kể ra không lớn lắm, là tiểu do-tuần. Thời xưa tiểu do-tuần, một do tuần bằng 40 dặm Trung Quốc, đơn vị đo lường thời xưa ngắn hơn so với ngày nay. Trong kinh chúng ta xem thấy, người xưa thân cao một trượng hai thước, thật ra ngày nay có người nào cao một trượng hai thước hay không? Rất nhiều, quá nhiều. Chúng ta xem trong cuốn Chu Xích Khảo của Đại sư Hoằng Nhất, trong đó có đoạn nói về 31 loại giới luật, chư vị hãy xem. Một thước thời xưa khoảng chừng hơn năm tấc một chút, chưa tới sáu tấc, cứ như vậy mà tính, một trượng[5] hai như ngày nay có lẽ chỉ cao hơn 2 mét, người cao hơn 2 mét rất nhiều. Thế nên phải biết đơn vị đo lường chiều dài thời xưa không giống ngày nay. Nếu tính ra một do-tuần thì hiện nay ít nhất cũng là mười dặm, chắc có lẽ không sai khác nhiều lắm. “Trăm do-tuần” thì lớn, ít nhất cũng phải một vùng khoảng 100 dặm, hoặc là một vùng khoảng 400 dặm, khu vực lớn như vậy không có tai nạn, đây là một người có phước báo. Nếu nói mọi người đều tu phước thì sức mạnh ấy còn lớn hơn nữa.

          Phước của một người như chúng ta tu rất yếu, ngày nay Cư Sĩ Lâm xây niệm Phật đường, mọi người cùng ở trong đây cộng tu, chư vị có thể thấy được. Tôi nghĩ quý vị học Phật chắc cũng đã đi tới nhiều nơi, cũng gặp không ít đạo tràng, ngày nay chúng ta gọi là “khí”, người Trung Quốc gọi là “khí”, khí phần này rất hưng thịnh, có thể ở trong đời bạn xem thấy Cư Sĩ Lâm là hạng nhất. Tại vì sao? Có nhiều người như vậy ở đó thật thà niệm Phật. Họ rời khỏi niệm Phật đường thì không tính, còn khi bước vào Niệm Phật Đường thì họ thật thà niệm, thế nên “từ trường” ấy đặc biệt thù thắng; người vào đạo tràng này có thể sanh tâm thanh tịnh, sanh tâm hoan hỷ, cái sức mạnh ấy sẽ bảo hộ cả vùng đó. Người ở trong vùng đó được “từ trường” lớn này phát ra các làn sóng ảnh hưởng đến khu vực đó. Thế nên niệm Phật đường này, trong tưởng tượng của tôi thì nửa năm sau sẽ ảnh hưởng đến bầu không khí của cả vùng Singapore, làm cho cư dân Singapore ai nấy cũng sanh tâm hoan hỷ. Những người sống ở trong khu vực này, trong tâm sẽ rất an tịnh, rất vui vẻ, rất hoan hỷ. Nhờ vào sức mạnh gì? Sóng điện ở đây phát ra quá lớn, vượt hơn sự suy nghĩ lung tung của con người, sóng đó của bạn, sóng này rất lớn, nó sẽ quân bình những sóng khác, sanh ra hiệu quả lớn như vậy. Ngày nay người thế gian nói về sóng tư tưởng, tư tưởng này của chúng ta là tư tưởng của Phật, tư tưởng của Bồ-tát, làn sóng lớn như vậy, lúc tôi giảng kinh có nói, tần số của chúng ta giống với tần số của đức Phật A-di-đà nên có thể bắt được với nhau, do đó sóng này có thể gộp vào sóng của Phật, Bồ-tát và sanh ra hiệu quả rất lớn, hiệu quả cảm ứng này rất lớn. Ở đây tuy có ba đến bốn triệu người nhưng không sao cả, từ trường này có thể bao trùm hết, có thể làm cho sóng đó của họ sinh ra biến đổi lớn, làm cho tâm tình họ bình lặng, tâm tình an hòa, thật sự đạt được hoan hỷ, cảm giác được khu vực này yên ổn, khu vực này thái bình. Lợi ích của Phật pháp thù thắng như vậy nhưng tiếc là không có người biết, không có người thật sự làm!

          Cho nên, chúng ta phải thật sự cảm kích cư sĩ Lý Mộc Nguyên, nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của ông thì tôi giảng như thế nào, khuyên như thế nào đi nữa cũng khó đạt được hiệu quả, vì khi nói ra người ta không tin. Ở đây cư sĩ Lý Mộc Nguyên tin tưởng, ông chăm lo đầy đủ hết thảy mọi việc, nhiệt tâm đến như vậy, nỗ lực hết lòng làm việc này. Chúng tôi nghĩ có thể làm chừng nửa năm, một năm thì xã hội đại chúng nhìn thấy hiện tượng này tự nhiên sẽ khẳng định, tự nhiên sẽ khởi tâm hoan hỷ. Hiện nay chúng ta thấy người đến Cư Sĩ Lâm càng ngày càng nhiều, hôm qua cư sĩ Lý nói với tôi, số người tham dự buổi lễ siêu độ lần này vượt hơn năm ngoái rất nhiều, người niệm Phật cũng nhiều hơn. Nghe nói có một số người, vốn là tham gia các pháp hội khác, [nhưng sau đó] họ đều đến đây, đây là hiện tượng tốt, cảm ứng không thể nghĩ bàn! Sự thị hiện này đích thực có hiệu quả như vậy, ngày nay chúng ta tận mắt xem thấy nên càng có thể đoạn nghi sanh tín. “Còn nhà người đó ở, tất cả mọi người hoặc già, hoặc trẻ, hiện tại và vị lai”, hiện tại là lợi ích hiện tiền, vị lai “trong trăm ngàn năm vĩnh viễn xa hẳn ác đạo”, đây là nói rõ ảnh hưởng sâu, ảnh hưởng rộng.

          Hôm nay đã hết giờ, chúng ta giảng đến đây thôi.

 

 

    • Chú thích:

[1] Lạp tử là thuật ngữ khoa học để gọi những hạt cơ bản nhỏ hơn nguyên tử. Lạp tử gồm nhiều loại như: Khoa khắc (quark), khinh tử (lepton), dẫn lực tử (graviton), quang tử (photon), giao tử (gluon), phản lạp tử (antiparticle)…

[2] dụng cụ đo bóng mặt trời để tính thời giờ.

[3] phương tiện hữu đa môn, quy nguyên vô nhị lộ.

[4] Tam Công là những quan chức cao cấp nhất chuyên phụ tá nhà vua để xử lý việc nước. Đời Tây Châu, Tam Công là chức Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo, sau đời Bắc Ngụy, Tam Công đổi thành Tam Sư. Đời Tây Hán, Tam Công là chức Thừa Tướng (sau đổi thành Đại Tư Đồ), Thái Úy (sau đổi thành Đại Tư Mã), Ngự Sử Đại Phu (sau đổi thành Đại Tư Không). Đời Đông Hán thì Tam Công là chức Thái Úy, Tư Đồ, Tư Không.

Cửu Khanh là chín quan chức chủ yếu trong chính phủ trung ương vào đời Tần Hán, thông thường cũng dùng để gọi chung cả triều đình, gồm có Phụng Thường, Lang Trung Lịnh, Vệ Úy, Thái Phó, Đình Úy, Điển Khách, Tông Chánh, Trị Túc Nội Sử, Thiếu Phủ.  Từ đời Ngụy Tấn trở đi, vai trò của chức Cửu Khanh nhẹ đi, quyền xử lý triều chánh giao cho các ty sở thuộc Thượng Thư Đài. Từ thời Tùy Đường cho đến đời Tống, chức Cửu Khanh ngạch trật rất cao nhưng không có thực quyền, chỉ có chức Tông Chánh là giữ nguyên quyền hạn, không thay đổi. Triều Minh thì Lục Bộ Thượng Thư, Đô Sát Viện Đô Ngự Sử, Đại Lý Tự Khanh, Thông Chánh Sứ Ty hợp thành “Đại Cửu Khanh”; Thái Thường Tự Khanh, Thái Phó Tự Khanh, Quang Lộc Tự Khanh, Chiêm Sự, Hàn Lâm Học Sĩ, Hồng Lô Tự Khanh, Quốc Tử Giám Tế Tửu, Uyển Mã Tự Khanh, Thượng Bảo Ty Khanh là “Tiểu Cửu Khanh”. Triều Thanh, Cửu Khanh chỉ chung những chức những trưởng quan độc lập ngoài Lục Bộ Thượng Thư, nhưng chẳng có phạm vi rõ ràng. Ngoài ra, còn gọi Tông Nhân Phủ Phủ Thừa, Chiêm Sự, Thái Thường Tự Khanh, Thái Phó Tự Khanh, Quang Lộc Tự Khanh, Hồng Lư Tự Khanh, Quốc Tử Giám Tế Tửu, Thuận Thiên Phủ Phủ Doãn, Tả Hữu Xuân Phường Thứ Tử là “Tiểu Cửu Khanh”.

[5] Một trượng là mười xích, như vậy một trượng hai là mười hai xích. Xích vào đời Châu chỉ có 15,8cm, do vậy một trượng hai khoảng độ một thước bảy, một thước tám hiện thời. Chứ nếu tính theo đời Thanh thì một xích là 32cm đến 35cm. Người trượng hai sẽ cao gần 4m! Điều dễ hiểu lầm là phần trước dùng chữ Xích với ý nghĩa chữ Xích đời Châu (tức 15,8cm), nhưng trong phần sau, khi Hòa Thượng ước tính “một trượng hai bằng bảy, tám xích hiện thời” thì chữ Xích này lại được hiểu theo nghĩa hiện thời, tức là Xích là dịch nghĩa của chữ foot. Như vậy, một trượng hai tương đương với 7,8 ft.

 

 Xem thêm:

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 20)

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 21)

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 22)

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 25)

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 26)

Tin liên quan