ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Tập 17
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Chư vị đồng tu, xin mời mở kinh văn, cuốn Khoa Chú quyển trung, trang mười một. Xin xem kinh văn:
Địa Tạng bạch ngôn: “Nhân Giả, Thiết Vi chi nội hữu như thị đẳng địa ngục kỳ số vô hạn.”
“Như thị đẳng”, như thị là chỉ cho địa ngục Vô Gián, địa ngục A-tỳ và hai mươi hai loại địa ngục nói ở phía trên. Danh xưng của địa ngục quá nhiều, kể không hết, Địa Tạng Bồ-tát ở đây chỉ kể sơ lược mà thôi. Mà số lượng của mỗi loại địa ngục cũng nhiều vô cùng, vì nguyên nhân gì vậy? Chúng ta có thể tưởng tượng được, chính là vì chúng sanh tạo tác tội nghiệp địa ngục ở thế gian này quá nhiều. Thế nên ở đây, chúng ta đặc biệt phải hiểu rõ nghiệp nhân quả báo của địa ngục, quả báo được nói trong kinh điển chúng ta phải hiểu rõ nghiệp nhân của nó, nói nghiệp nhân thì chúng ta phải biết những quả báo tương lai gặp phải là gì. Những việc này đều là chân tướng sự thật, tuyệt đối không phải Phật, Bồ-tát đưa ra những giả thiết như vậy để giáo hóa chúng sanh, khuyên chúng sanh đoạn ác tu thiện, nếu chúng ta nghĩ như vậy thì là hoàn toàn sai lầm, liền trái ngược với chân tướng sự thật. Thế nên, chúng ta phải ghi nhớ, Phật giảng cho chúng ta biết nguyên lý của vũ trụ nhân sanh, đây là đạo lý căn bản. Đạo lý căn bản, trong kinh Hoa Nghiêm nói “duy tâm hiện, duy thức biến”, đây là nói đạo lý căn bản. Lại nói với chúng ta biết “hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh”, vì thế trong tâm bạn nghĩ cái gì thì nó sẽ biến hiện thành cảnh giới đó, hết thảy các tướng của cảnh giới đều không phải chân thật. Tại sao nói không phải chân thật? Từng sát-na, từng sát-na đang thay đổi, vậy thì làm sao chân thật cho được? Tuy không phải là thật, nếu bạn mê trong cảnh giới ấy thì bạn sẽ có cảm thọ khổ, vui, lo, mừng, cứ tưởng đó là thật, không phải là giả.
Sau khi giác ngộ thì những cảm thọ này không còn nữa, họ thật sự hiểu rõ trở lại. Nghiệp nhân quả báo có hay không? Có! Nghiệp nhân quả báo vẫn có, nhưng cảm thọ khổ, vui, lo, mừng không còn nữa, nhà Phật nói đoạn phiền não là ý nghĩa này. Không phải là tướng của phiền não không có, không phải là nghiệp của phiền não không có, mà là cảm thọ của phiền não không có, bạn đã “quán không” rồi. Trong Tâm Kinh nói “Quán Tự Tại Bồ-tát”, đó là trí tuệ cao độ, “hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật-đa thời”, chính là dùng trí tuệ cao độ, “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Ngũ uẩn có hay không? Ngũ uẩn chính là nói thế giới hiện thực của chúng ta, có hay không? Có! Tuy có, “hữu” tức là không, thế nên trong kinh nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc”, sắc tức là hữu, không và hữu tồn tại đồng thời, không và hữu là một việc, không phải hai việc, thế nên nói “tướng có, thể không”. Có thọ dụng nhưng tình chấp không sanh, như vậy thì sẽ được đại tự tại. Không phải là không có thọ dụng, vẫn có thọ dụng; có thọ dụng chính là nói, trong đây nhất định không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không có những thứ này thì thọ dụng của bạn sẽ tự tại. Nếu như bạn vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, trong lúc bạn thọ dụng ắt sẽ có những cảm thọ khổ, vui, lo, mừng, đã tạo nghiệp thì lẽ nào không bị quả báo cho được! Chúng ta hiểu rõ những chân tướng sự thật này thì từ nay về sau sẽ không tạo nghiệp nữa.
Thế nên, bước vào niệm Phật đường thân tâm thế giới thảy đều buông xuống, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, chỉ cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc. Cổ đức nói: “Hễ thấy Di Đà, lo gì không khai ngộ?” Thế gian, xuất thế gian chỉ có việc này là chân thật, những thứ khác đều là hư vọng, chẳng đáng để so đo, chẳng đáng đem nó để ở trong tâm. Nếu như đem những thứ đó để ở trong tâm, vẫn so đo như cũ, nghiệp bạn tạo là nghiệp luân hồi, vì tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, những thứ khổ báo trong lục đạo tam đồ bạn vẫn phải nhận lấy. Việc này nói ra sẽ không bao giờ hết, con người hà tất phải làm những chuyện ngu ngốc này, đây là việc chúng ta nhất định phải biết. Tiếp theo, Địa Tạng Bồ-tát lại nói cho chúng ta về hai mươi hai loại địa ngục. Mời xem kinh văn:
Cánh hữu Khiếu Hoán địa ngục.
Khiếu Hoán là thọ khổ đến tột cùng, gào thét không ngừng.
Bạt Thiệt địa ngục, Phẩn Niệu địa ngục, Ðồng Tỏa địa ngục, Hỏa Tượng địa ngục, Hỏa Cẩu địa ngục, Hỏa Mã địa ngục, Hỏa Ngưu địa ngục, Hỏa Sơn địa ngục, Hỏa Thạch địa ngục, Hỏa Sàng địa ngục, Hỏa Lương địa ngục, Hỏa Ưng địa ngục, Cứ Nha địa ngục, Bác Bì địa ngục, Ẩm Huyết địa ngục, Thiêu Thủ địa ngục, Thiêu Cước địa ngục, Ðảo Thích địa ngục, Hỏa Ốc địa ngục, Thiết Ốc địa ngục, Hỏa Lang địa ngục.
Địa Tạng Bồ-tát một mạch nói ra 22 loại. Địa ngục Khiếu Hoán là 8 đại địa ngục nóng nói trong kinh Trường A-hàm. Địa ngục thứ 4, thứ 5 đều gọi là Khiếu Hoán. Trong kinh nói với chúng ta nghiệp nhân gì đọa vào địa ngục này? Sân hận, tà ác, người giữ tâm như vậy tạo tác nhiều thứ ác nghiệp, đọa vào địa ngục này. Lại nói, bởi vì tập khí tà ác quá nặng, vừa mới gặp một chút duyên thì đã khởi lên, cũng chính là hơi có một chút gì không vừa ý thì nó liền phát tác ngay, tạo tác đủ loại tội ác, đọa vào địa ngục đại Khiếu Hoán. Địa ngục Bạt Thiệt, địa ngục Phẩn Niệu đều là do tạo khẩu nghiệp. Khẩu nghiệp gồm có bốn loại: nói dối, nói lời thô ác, nói lời li gián, nói thêu dệt, tạo những khẩu nghiệp này thì đọa địa ngục Bạt Thiệt, địa ngục Phẩn Niệu, [phẩn niệu là phân và nước tiểu]. Lúc trước, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng kinh khi nói đến địa ngục, Ngài rất cảm khái nói rằng, lúc còn trẻ Ngài rất nghĩa hiệp, “hành hiệp trượng nghĩa” gì cũng không thành vấn đề, dù có đọa địa ngục cũng không sao hết. Về sau, khi xem thấy có địa ngục Phẩn Niệu thì Ngài nói cái này không được, không chịu nổi cái này. Phân và nước tiểu không giống như nước bình thường, mà kiểu như nước được đun sôi vậy, bắt bạn chịu đựng trong đó, như vậy thì khó chịu lắm! Ngài nói núi dao, rừng kiếm gì cũng không sao, ngài xem đến địa ngục này bèn sợ hãi.
Địa ngục Đồng Tỏa, trong kinh Quán Phật Tam-muội cũng gọi là địa ngục Hắc Thằng. Chú giải của Pháp sư Thanh Liên nói được rất rõ ràng, đọa vào địa ngục này một ngày một đêm, những sự thống khổ phải trải qua không thể kể hết. Nghiệp nhân này là do chúng sanh ngu si, chữ “chúng sanh” này bao gồm đệ tử Phật, cũng chính là bao gồm cả chúng ta trong đó. Giới thiệu Phật pháp cho người khác nhưng nói sai ý nghĩa, [chánh] pháp lại nói là phi pháp, phi pháp lại nói là [chánh] pháp, phạm giới tuy không có nặng nhưng không biết sám hối, đọa vào địa ngục này.
Địa ngục Hỏa Tượng, trong kinh nói đây là địa ngục voi lớn, hết thảy những động vật này trong địa ngục đều là tánh thức biến hiện ra, toàn thân những con voi này đều là lửa. Nếu như voi phát điên phát cuồng rồi tấn công người ta, sức của nó rất mạnh, không có cách gì chống cự được. Thế nên, lúc voi điên cuồng nó sẽ giết người. Trong kinh nói đây là nghiệp nhân gì? Do con người ở thế gian thích uống rượu làm thú vui, mỗi lần đều uống đến say mềm, say rồi thì loạn tính, tạo ra sát, đạo, dâm, vọng làm tổn hại chúng sanh, cho nên sau khi chết đọa địa ngục này.
Địa ngục Hỏa Cẩu, phía sau nói đến Hỏa Mã, Hỏa Ngưu tình hình đều rất giống nhau, nghiệp nhân khác nhau. Trong kinh này nói có một số người trong thế gian nuôi tằm luộc kén, nuôi tằm luộc kén sát hại rất nhiều sinh mạng. Thế nên, người xuất gia vì muốn nuôi dưỡng tâm từ bi nên mới không ăn thịt chúng sanh, không nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh. Mặc quần áo cũng là như vậy, nếu bạn mặc áo da thì cũng không khác gì ăn thịt, chính là lấy da chúng sanh để mặc, làm sao nhẫn tâm được? Mùa hè mặc áo tơ lụa, tơ lụa là tơ do tằm nhả ra, một chiếc áo này của bạn, bao nhiêu con tằm phải mất mạng mới làm thành chiếc áo này cho bạn mặc? Thế nên, bốn chúng đệ tử trong nhà Phật, xuất gia, tại gia đều không nhẫn tâm, áo vải đủ để giữ ấm thì tại sao phải dùng tơ lụa? Tại sao phải dùng da và lông? Đức Phật giáo hóa chúng sanh là thông tình đạt lý, không phải không nói đạo lý. Người có cơ thể suy nhược, họ rất sợ lạnh, nếu không mặc áo da thì không đủ ấm, như vậy có khai duyên, có thể mặc. Phần nhiều trong giới kinh nói, thứ nhất là người sanh bệnh, sức khỏe rất suy yếu; ngoài ra là người già, sức đề kháng suy kém. Trên 70 tuổi sức đề kháng suy yếu thì có thể khai duyên, có thể mặc áo da. Chúng ta thân thể còn rất khỏe mạnh, rất cường tráng, còn sức đề kháng, nếu cứ mặc những áo da này thì cùng với ăn thịt không có gì khác nhau. Thường ngày tạo những nghiệp nhân này đều cảm thấy rất bình thường, cũng không có để ý, đâu biết được có quả báo nghiêm trọng như vậy? Không đọc kinh thì không biết, khi đọc xong rồi mới biết được.
Hỏa Mã, Hỏa Ngưu cùng loại với địa ngục này. Toàn thân những con thú này đều là lửa, chịu đựng sự giày vò bởi những con thú có lửa này, bị chúng nó tấn công, họ bị chó cắn, bị ngựa đá, bị trâu húc, toàn thân đều là lửa. Thứ chín là Hỏa Sơn, thứ mười Hỏa Thạch, trong Khởi Thế Kinh gọi là địa ngục Chúng Hợp. Phía trước chúng ta thấy có Giáp Sơn, cùng với ý nghĩa này là giống nhau. Thứ mười một là địa ngục Hỏa Sàng, cũng giống như Thiết Sàng nói ở phía trước, đều là quả báo của dâm dật, quả báo của tà dâm. Thứ mười hai là địa ngục Hỏa Lương, lương tức là cây xà bằng sắt, cột sắt, bắt người ôm ở phía trên, cũng giống như cột sắt trong hình phạt Bào Lạc nói phía trước. Địa ngục Hỏa Ưng, giống như địa ngục Thiết Ưng phía trước, mỏ của chim ưng sắt vô cùng sắc nhọn, chuyên dùng để mổ mắt tội nhân. Toàn thân cũng đều là lửa. Con người sống ở thế gian thọ mạng rất ngắn ngủi, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm không nên cho rằng không có quả báo, nếu bạn nghĩ như vậy thì sai rồi. Khởi tâm động niệm cũng chiêu cảm quả báo, huống hồ là tạo tác của lời nói và việc làm? Thứ mười bốn là địa ngục Cứ Nha, đây cũng là quả báo của ác khẩu cảm vời đến; kéo lưỡi, cưa răng đều là tội báo của khẩu nghiệp.
Thứ mười lăm là địa ngục Bác Bì, cũng có kinh gọi địa ngục này là Đại Quyển, lột da xong đem cuốn lại. Nghiệp nhân này hơn phân nửa là giết hại chúng sanh, lột da chúng sanh, đoạt mạng chúng sanh, chiêu cảm lấy quả báo này. Hay nói cách khác, chúng ta làm gì thì tương lai sẽ bị quả báo ấy. Cổ đức thường khuyên người: “Những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, thường nghĩ đến câu này, mình không muốn bị [như vậy] thì nhất định không thể gây ra cho chúng sanh. Không những là đối với người, tất cả các loài động vật cũng không thể được. Thật ra mà nói thì các loài động vật cùng với con người là giống nhau, nghiệp chướng của chúng nặng nên đọa vào cõi súc sanh, chúng ta tốt hơn chúng nên được thân người. Nếu chúng ta tạo ra những tội nghiệp cực nặng thì tương lai cũng biến thành thân súc sanh, súc sanh và người có khác gì đâu? Con người yêu quý sinh mạng của mình, súc sanh cũng yêu quý sinh mạng của chúng. Kẻ khác giết hại chúng ta, chúng ta có tâm oán hận, báo thù; súc sanh cũng vậy, bạn ức hiếp chúng, gây tổn hại cho chúng, chúng cũng có tâm oán hận, báo thù. Thế nên, hà tất phải kết oán thù với chúng sanh? Sáng tỏ đạo lý này thì tự nhiên sẽ không dám khởi ác tâm, tự nhiên không dám khởi ác ý, không dám tạo ác nghiệp.
Nhưng một người sống ở thế gian, tập khí ác từ vô thỉ kiếp đến nay rất nặng, tự mình không có cách gì khống chế, lại cộng thêm ác duyên bên ngoài, từng giờ từng phút dụ dỗ bạn. Bên ngoài có dụ dỗ, bên trong có phiền não thì làm sao không tạo nghiệp cho được? Do đó, Thế Tôn dạy chúng ta “dùng sức định tuệ để hàng phục ma oán”, câu này quan trọng vô cùng! Tuệ là gì? Đối với nghiệp nhân quả báo nhìn thấy rất rõ ràng, rất minh bạch, đây là trí tuệ. Khi cảnh giới hiện tiền, tâm địa thanh tịnh, như như bất động, đây là định công. Khi bạn có công phu định lực thì bạn có trí tuệ, bạn mới có thể khống chế nổi phiền não, tập khí của mình, không cho nó phát khởi. Chỉ riêng việc khống chế thì cũng tương đối khó rồi, nhất định phải chuyển ý niệm quay lại, cực lực tu thiện, sức chú ý thay đổi, việc này dễ dàng, một lòng một dạ hướng về thiện đạo, thành tựu cho chúng sanh. Thế nên chúng ta nhất định phải nghĩ, thường thường suy nghĩ, chư Phật, Bồ-tát làm như thế nào? Các Ngài làm một tấm gương tốt cho chúng ta xem. Phát tâm học Phật cũng có bi nguyện, phải rộng độ chúng sanh, nguyện này rất tốt! Xây đạo tràng, dựng pháp tràng, độ chúng sanh là sự nghiệp tốt. Nhưng sự nghiệp này nhất định phải nhân duyên trong ngoài đều chín muồi, nếu như duyên chưa chín muồi mà tự mình đi làm sự nghiệp này, nếu có một tơ hào miễn cưỡng vậy thì sai rồi. Trong kinh đức Phật nói với chúng ta: ”Giả sử cúng dường hằng sa Thánh, không bằng kiên dũng cầu Chánh giác”, câu này là gì? Duyên độ chúng sanh chưa chín muồi thì chúng ta phải tự độ trước; khi duyên chín muồi rồi thì có thể xả mình vì người.
Chư Phật Như Lai biểu diễn cho chúng ta xem, thế giới Tây Phương Cực Lạc, A-di-đà Phật đang ở nơi đó xây đạo tràng, dựng pháp tràng, phổ độ hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới bình đẳng thành Phật, thật là khó được. Chư Phật Như Lai ở mười phương có trí tuệ như A-di-đà Phật hay không? Có bi nguyện như A-di-đà Phật hay không? Có thần thông năng lực như A-di-đà Phật hay không? Đều có! Mỗi một đức Phật đều là bình đẳng, Phật Phật đạo đồng. Tại sao hết thảy chư Phật không tự mình xây dựng thế giới Cực Lạc? Đức Phật A-di-đà xây dựng thế giới Cực Lạc, tại sao đức Phật Thích Ca Mâu Ni không xây dựng thế giới Cực Lạc? Đức Phật Thích Ca không kém hơn đức Phật A-di-đà, không thua, không kém hơn. Chúng ta có nghĩ qua hay không, có thể hội được ý nghĩa này hay không? Tất cả chư Phật Như Lai ở mười phương đều không xây dựng, đức Phật A-di-đà đã xây rồi, hết thảy chúng sanh đều về đó thân cận ngài. Một tức là tất cả, tất cả tức là một, đây là chân lý, là chân tướng sự thật. Nếu mỗi đức Phật đều xây một thế giới Cực Lạc, ai nấy đều đánh lộn, đấu tranh lẫn nhau, nhất định sẽ tự khen mình mà chê bai người khác, sẽ xuất hiện căn bệnh này. Chỉ có một đạo tràng, tận hư không khắp pháp giới chỉ có một đạo tràng, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều cho đệ tử của mình, khuyên họ đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Việc này đã có người làm rồi, chúng ta không cần phải làm nữa, Phật thị hiện cho chúng ta xem, ở trong đây chúng ta phải thể hội được.
Ở Trung Quốc thời xưa, có nhiều đạo tràng lớn nhỏ được xây dựng ở khắp nơi trong xã hội, nơi nào cũng có, nguyên nhân là gì? Vì giao thông không phát triển, tu học không thuận tiện, vì muốn đem lại lợi ích cho chúng sanh ở địa phương này nên xây một đạo tràng ở đó; không có phương tiện giao thông nên phải xây dựng đạo tràng ở khắp nơi thì mới rộng độ chúng sanh. Ngày nay có cần làm như vậy hay không? Không cần thiết. Thế nên mấy năm trước, lần đầu tiên tôi đến Bắc Kinh thăm hỏi cụ Triệu Phác Sơ; tôi bàn với cụ, hiện nay trên toàn thế giới chỉ cần xây một đạo tràng. Tôi kiến nghị với cụ, mười tông phái Đại thừa, Tiểu thừa Phật giáo ở Trung Quốc, mỗi tông phái xây một đạo tràng, không cần xây nhiều, nhân lực, tài lực, vật lực đều tập trung, xây một đạo tràng liền có thể độ hết thảy chúng sanh trên toàn thế giới. Ngày nay, đi vòng quanh trái đất chỉ mất hơn hai ngày, người muốn học Tịnh độ thì đến đạo tràng Tịnh độ để tu học, người muốn học Thiền tông thì có đạo tràng Thiền tông để tu học, hết thảy những đại đức Thiền tông trên toàn thế giới đều tập trung ở một chỗ, bạn thân cận [học tập] quá thuận tiện rồi; thời xưa thì không được thuận tiện cho lắm. Đặc biệt là ngày nay nói đến việc hoằng pháp lợi sanh, chúng ta tận dụng công cụ khoa học, sử dụng truyền hình vệ tinh, sử dụng Internet, ở một nơi có thể truyền đi khắp thế giới, mỗi người ở nhà đều có thể tiếp nhận được. Chư vị nghĩ thử xem, xây dựng đạo tràng nhiều như vậy để làm gì? Hao tài tốn của. Tại sao không tập trung sức lực vào một nơi? Bạn muốn làm lãnh đạo, được thôi! Chúng ta sẽ ủng hộ bạn làm lãnh đạo, ai làm lãnh đạo cũng được, tất cả chúng ta đều đảnh lễ, đều ủng hộ bạn, mời bạn đến lãnh đạo. Người làm lãnh đạo phải hy sinh phụng hiến nên rất vất vả, chúng ta là người giúp đỡ nên nhẹ nhàng hơn nhiều, không có trách nhiệm, toàn tâm toàn lực đi theo để giúp đỡ. Thế nên ngày nay, rất nhiều người nói Trái Đất giống như một thôn làng, Trái Đất là một thôn nhỏ, một thôn có một đạo tràng thì đủ rồi, có hai đạo tràng thì là quá nhiều.
Thế nên phải biết, hiện nay là thời đại như thế nào, chúng ta hoằng pháp lợi sanh thì phải làm như thế nào. Nếu như chúng ta thật sự có thể tập trung nhân lực, thí dụ chúng ta ở đây là Tịnh độ tông, những người tu học Tịnh độ tông đều tập trung về một nơi, mỗi ngày mọi người cùng nhau thảo luận kinh giáo, trau dồi dùi mài, hết lòng tu học, không ngừng nâng cao cảnh giới của mình. Giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, tận dụng khoa học kỹ thuật đem giáo học đến tận gia đình của mỗi người, thế giới này chỉ cần một đạo tràng là đủ rồi. Nhân lực phân tán thì chắc chắn không làm nổi chuyện này. Cần phải tập trung nhân lực, tài lực, vật lực thì mới dễ làm được. Xả mình vì người, không vì chính mình thì đời này chúng ta mới có thể được độ. Khởi tâm động niệm [đều nghĩ về] mình, khởi tâm động niệm [đều nghĩ] đạo tràng của mình, khu vực của mình, thì bạn vĩnh viễn không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, tại sao vậy? Chấp trước lục đạo là của mình, chấp trước địa ngục A-tỳ là của mình, bạn làm sao không đọa địa ngục cho được? Thế nào gọi là chấp trước địa ngục A-tỳ? Chấp trước tham, sân, si, mạn chính là [chấp trước] địa ngục A-tỳ, bạn sẽ tạo tội nghiệp. Người như thế nào mới có thể vãng sanh? Xả bỏ thế giới Ta-bà, hết thảy đều buông bỏ, không cần nữa, người như vậy mới có thể thoát ly, mong mỏi sanh về Tịnh độ thì nhất định sẽ được sanh về Tịnh độ, đây là đạo lý nhất định, là chân tướng sự thật. Chúng ta đọc kinh Địa Tạng, hiểu được cái khổ trong tam đồ lục đạo, hiểu được khởi tâm động niệm, tạo tác ác nghiệp sẽ bị những quả báo gì. Quả báo này trong kinh nói thời gian ở mỗi địa ngục đều là vô số kiếp, lúc chúng ta tạo tội thật dễ dàng, thời gian rất ngắn, tương lai quả báo sẽ dài đăng đẳng.
Mỗi câu tôi khuyên mọi người đều là lời chân thật, tôi nói với quý vị, công đức niệm Phật một ngày trong Niệm Phật Đường là vô lượng vô biên. Lý ở trong đó sâu vô cùng, muốn nói rõ về những sự tướng, đạo lý ấy thì một năm, hai năm cũng không cách gì nói hết. Trong kinh Phật thường nói cho dù chư Phật Như Lai cùng nói, nói tới một kiếp cũng không nói hết. Vì thế, chúng ta muôn vàn chớ nên xem thường những cụ già mỗi ngày làm việc thiện nguyện, quét dọn, lau bàn ở Cư Sĩ Lâm, không có ai trên thế gian có thể sánh nổi phước đức của họ đâu. Chúng ta cứ cho là mình đúng, lại còn coi thường họ, khinh thường họ, người ta là Bồ-tát, là Phật đấy. Nếu các bạn không tin, các bạn đọc trong truyện ký sẽ rõ; thời xưa, Phong Can, Hàn Sơn, Thập Đắc ở chùa Quốc Thanh, có ai coi trọng các ngài? Ăn mặc thì rách rưới lôi thôi, điên điên khùng khùng, làm những công việc nặng nhọc nhất. Phong Can thì giã gạo trong nhà kho, đổ rác, Hàn Sơn, Thập Đắc thì nhóm lửa trong nhà bếp, chẻ củi thổi lửa. Ai biết được? Phong Can là A-di-đà Phật tái lai, Hàn Sơn là Văn-thù, Thập Đắc là Phổ Hiền, Văn-thù, Phổ Hiền tái lai. Bạn đừng coi thường những người làm công việc quê mùa này, có rất nhiều Phật, Bồ-tát tái lai trong đó, bạn làm sao biết được? Phàm phu mắt thịt ở đó khinh thường họ, xem thượng họ, là bạn đang tạo tội nghiệp. Bạn đợi đến bao giờ họ vãng sanh có tướng lành hy hữu [thì mới biết] lời tôi nói trên giảng đài này không phải là lời giả dối. Sau khi niệm Phật đường này mở ra, nhất định sẽ có người đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, không có sanh bệnh, biết trước giờ ra đi, không phải là người bình thường mà có thể sánh được, người ta chân thật là Phật, Bồ-tát.
Chúng ta hơi có một chút phước báo nho nhỏ bèn cống cao ngã mạn, cứ cho mình là đúng. Mở kinh Địa Tạng ra, có một tội nghiệp nào mà chẳng tạo? Hiện nay, vẫn tiếp tục tạo không ngừng, vẫn không biết sửa lỗi, vẫn chưa biết quay đầu. Bạn niệm Phật suốt ngày ở niệm Phật đường, cảm thấy vô cùng mỏi mệt, đó là gì? Nghiệp chướng hiện tiền, niệm Phật đường thật sự đang tiêu nghiệp chướng cho bạn. Vài ngày đầu nghiệp chướng khởi lên, nếu bạn có thể nhẫn nại, có thể dũng mãnh tinh tấn thì nghiệp chướng sẽ bị hàng phục. Niệm được ba tháng, nửa năm thì nghiệp chướng tiêu mất, bạn sẽ được thanh tịnh, tự tại, thân tâm an ổn, pháp hỷ sung mãn. Niệm Phật Đường của chúng ta mở chưa được mấy ngày, có ai được pháp hỷ sung mãn không? Có chứ! Không ít. Những người nào? Đều là những ông cụ, bà cụ, họ được pháp hỷ sung mãn. Gặp cư sĩ Lý Mộc Nguyên họ bèn hỏi ông: “Chừng nào tổ chức khóa cộng tu nữa?”. Ông Lý nói: “Mỗi tuần mở một lần”. Họ nói: “Sao lâu quá vậy!”, thế nên các bạn nghĩ xem đây là đạo tràng gì? Không phải do con người tạo dựng, là do Phật, Bồ-tát tạo dựng lên. Nếu chúng ta ở đây tranh giành công lao, nói là do chúng ta tạo dựng, vậy thì hoàn toàn sai lầm. Lấy công đức của Phật, Bồ-tát cho là của mình, vậy thì đáng sợ vô cùng! Chúng ta chẳng qua chỉ làm ít việc cho Phật, Bồ-tát mà thôi, làm việc lặt vặt mà thôi. Chính mình nhất định phải biết, mình ở nơi đây là thân phận gì thì chúng ta mới thật sự được Phật, Bồ-tát gia trì, được thiên long hộ pháp ủng hộ; ủng hộ là giúp đỡ, che chở cho đạo tràng, là bảo vệ những người niệm Phật này, chúng ta chỉ hưởng ké một chút mà thôi. Nếu nói ủng hộ chúng ta vậy thì hoàn toàn sai lầm, chúng ta làm gì có trí tuệ lớn như vậy? Làm gì có phước báo lớn như vậy? Thế nên, đạo tràng được thành lập là do thiện căn, phước đức, nhân duyên của chúng sanh ở nơi đó chín muồi, chúng ta rất may mắn, gặp được vận may này, hưởng ké một chút, câu nào cũng là lời chân thật.
Thứ mười sáu là địa ngục Ẩm Huyết, nghiệp nhân này là trộm cắp tà hạnh, hoặc là ở trong tự viện đạo tràng, hoặc là gần tự viện đạo tràng, tạo tác ác nghiệp, trong đó cũng bao gồm nói dối. Trong mười đại địa ngục có một cái gọi là địa ngục Uống Máu. Máu này rất khó uống, dơ dáy, hôi hám, là một con sông toàn máu, người ta đọa trong ấy. Thứ mười bảy, mười tám là Thiêu Thủ, Thiêu Cước, loại này cũng thuộc 8 địa ngục nóng. Trong kinh nói cho chúng ta biết nghiệp nhân này là lúc còn ở nhân gian giết thịt súc sanh, khi bạn ăn thịt chúng sanh, bạn dùng dao chặt đứt tay, đứt chân của chúng, rồi bỏ chúng vào trong nồi để chiên nấu, người nước ngoài gọi là quay nướng, tương lai đọa địa ngục cũng bị quỷ tốt trong địa ngục quay nướng.
Thứ mười chín là địa ngục Đảo Thích, Đảo Thích, nghiệp nhân hơn phân nửa là phản nghịch, phản nghịch tức là không vâng lời, sẽ bị đọa vào địa ngục này. Nghiệp nhân ở trong đó rất rộng, chống đối cha mẹ, phản nghịch sư trưởng, còn gọi là phản sư nghịch đạo, tạo ra các hành vi phản nghịch, ác nghiệp như vậy phải chịu quả báo ở địa ngục này. Hỏa Ốc, Thiết Ốc, hai địa ngục này giống nhau, lúc tạo nghiệp nhân có nặng nhẹ khác nhau cho nên hai loại khổ báo của địa ngục này cũng có nặng nhẹ khác nhau. Quả báo Nhà Lửa thì nhẹ, còn Nhà Sắt thì rất nặng, Nhà Sắt cũng là một biển lửa. Sau cùng là địa ngục Hỏa Lang. Trong kinh Khởi Thế có nói, đây là làm những nghiệp nhân bất thiện, trong đó quan trọng nhất là tâm tham. Tâm tham của sói nặng, sói là một loại thuộc về mãnh thú trong các loài dã thú. Người thế gian thường gọi “lòng lang dạ sói”, tâm sói độc ác. Chúng ta sống ở thế gian nếu tâm này độc ác, không chừa thủ đoạn, tham lam mọi thứ, quả báo ở trong địa ngục này. Xem đoạn kinh tiếp theo:
Như thị đẳng địa ngục, kỳ trung các các phục hữu chư tiểu địa ngục.
Vô Gián, A-tỳ là địa ngục căn bản, địa ngục của những tội cực nặng. Ngoài Vô Gián, A-tỳ ra là những đại địa ngục nói ở phía trước, trong mỗi địa ngục lớn lại có rất nhiều địa ngục nhỏ.
Hoặc nhất hoặc nhị hoặc tam hoặc tứ nãi chí bá thiên, kỳ trung danh hiệu các các bất đồng.
Câu này chỉ là nói sơ qua mà thôi, Ngài lược bớt, nếu nói rõ thì nói không hết.
Địa Tạng Bồ-tát cáo Phổ Hiền Bồ-tát ngôn: “Nhân Giả, thử giả giai thị Nam Diêm-phù-đề hành ác chúng sanh, nghiệp hoặc như thị”.
Nghiệp địa ngục từ đâu đến? Nghiệp cảm ứng hiện tiền. Thế nên hết thảy hình tướng của cảnh giới, Không phải do người khác tạo ra cho bạn thọ nhận; hay nói cách khác, thiên đường cũng không phải do Thượng đế tạo ra để cho bạn đến hưởng phước, địa ngục cũng không phải do vua Diêm-la tạo thành để cho bạn chịu tội, không phải vậy, hoàn toàn là do nghiệp lực cảm vời đến. Bạn tạo thiện nghiệp thì bạn cảm được thiên đường; bạn tạo ác nghiệp, nó biến hiện ra thành địa ngục. Cảnh giới đó trong từng sát-na đang biến hóa, đây là điều chúng ta thường nói, đều căn cứ vào những lời Phật nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nhân quả bất không là nói từ chỗ nào? Chuyển biến là thật, cảnh giới bên ngoài từng sát-na, từng sát-na đang chuyển biến. Biến như thế nào? Tùy tâm mà biến, tâm chính là ý niệm, ý niệm là năng biến, cảnh giới là sở biến. Tâm mọi người thiện thì hoàn cảnh sẽ thiện, mọi người tạo ác thì hoàn cảnh sẽ ác. Hiện nay hoàn cảnh thế gian chúng ta rất xấu ác, nhiều thiên tai nhân họa; khi chúng ta mở báo chí, bật TV lên xem thì thân tâm bất an, lo lắng trùng trùng, nguyên nhân là gì? Mọi người đều tạo ác nghiệp, như vậy thì làm sao được! Chúng ta hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì phải nên dốc toàn tâm toàn lực làm các công tác khuyến hóa, như vậy cũng chỉ là tận tâm tận phận mà thôi. Người ta nghe hay không, nghe có hiểu không, có chịu quay đầu hay không là chuyện của họ. Chính chúng ta phải giữ tâm thiện, lời thiện, hành vi thiện; ở trong cộng nghiệp có biệt nghiệp, đạo lý này không thể không rõ ràng, không thể không cảnh giác.
Làm sao trong hoàn cảnh tai biến trùng trùng này cứu chính mình, giúp đỡ người nhà, quyến thuộc, thân thích, bạn bè của mình, chỉ cần họ có thể nghe, có thể tin, có thể tiếp nhận, không có một ai không được cứu. Cho dù đã tạo tội nghiệp địa ngục, [chỉ cần] bây giờ bạn còn một hơi thở thì bạn cũng còn được cứu. Chết đi đọa lạc trong địa ngục thì không còn cách gì nữa, Phật, Bồ-tát cũng không giúp được gì. Chỉ cần bạn chưa đọa địa ngục thì bạn có thể được cứu, làm thế nào cứu? Chư Phật Như Lai có diệu pháp, dạy bạn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, niệm Phật là pháp sám hối chân thật. Đem tất cả pháp thế gian và xuất thế gian hết thảy đều buông xuống, buông xuống chính là không tiếp tục tạo tác nữa. Chỉ cần không tạo tác thì là quay đầu rồi, không thêm “tăng thượng duyên” cho những hạt giống ác nghiệp trong a-lại-da thức, tuy có hạt giống ác nghiệp nhưng nó không khởi lên tác dụng được; không khởi lên chính là nói rõ không phải chịu quả báo. Lời Phật dạy cho chúng ta chân thật là có đạo lý, không phải không có đạo lý. Muốn nhân biến thành quả, trong đó phải có duyên, nhân và quả không có phương pháp gì để khống chế, nhưng duyên có phương pháp khống chế được. Thí dụ, hạt dưa là nhân của quả dưa, nhưng duyên của hạt dưa là phải có đất đai, phải có ánh sáng, phải có nước, phải có phân bón, có đầy đủ điều kiện thì hạt giống mới có thể lớn lên thành dưa, mới ra quả dưa, nó cần có duyên. Nếu như chúng ta cắt đứt duyên của nó, bỏ hạt giống vào trong tách trà, để đó một trăm năm nó cũng không thể ra quả, tại sao? Duyên đã bị cắt đứt.
Phật dạy chúng ta tự độ mình chính chính là đạo lý này vậy, nghiệp nhân hạt giống trong a-lại-da thức là vô lượng vô biên, bây giờ tất cả duyên đều cắt đứt, tuy có hạt giống nhưng không tác dụng. Hiện nay chỉ thêm vào một duyên, duyên niệm Phật, trong a-lại-da thức của chúng ta có hạt giống A-di-đà Phật, có hạt giống thế giới Tây Phương Cực Lạc, chỉ cần chăm sóc hạt giống này cho thật tốt, những duyên khác hoàn toàn cắt đứt. [Niệm Phật] trong Niệm Phật Đường chính là làm công việc này, đoạn dứt tất cả duyên của các hạt giống tập khí, toàn lực gia tăng, tất cả các duyên đều tập trung lại để tăng cường duyên niệm Phật, thế nên duyên niệm Phật này rất nhanh sẽ thành tựu, ba năm, năm năm nhất định sẽ thành tựu. Lời Phật nói trong kinh không phải giả, “nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, nhất định thấy Phật”, một khi thấy Phật thì việc gì cũng đều viên mãn. Ngày nay, chúng ta muốn làm công tác hoằng pháp lợi sanh, bạn làm như thế nào? Bạn làm sao mới có thể làm được viên mãn, mới có thể làm được vừa lòng thoả ý? Làm không được, không có trí tuệ, không có phước đức. Chỉ có biện pháp duy nhất là gặp A-di-đà Phật trước, thấy được A-di-đà Phật thì phước tuệ của bạn sẽ đầy đủ, bạn có trí tuệ, có đại phước đức, bất luận bạn làm việc gì “trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng”, bạn còn có chướng ngại gì nữa? Còn có khó khăn gì nữa? Huống hồ sau khi thấy Phật, không gian sinh hoạt của chúng ta được mở rộng ra. Ngày nay chúng ta là phàm phu trong sanh tử, chúng ta sinh sống trong thế gian này, không gian sinh hoạt của chúng ta là địa cầu, không có cách gì ra khỏi địa cầu, đi thế nào chăng nữa cũng chỉ là đi trên bề mặt của địa cầu, hiện nay vẫn không có khả năng đi đến những tinh cầu khác.
Chúng ta cũng thường nghe nói có người ngoài không gian, người hành tinh khác đến thăm Trái Đất, những người ấy đến Trái Đất đích thật [là chúng sanh] thuộc về nhân đạo, không phải là thiên đạo. Tại sao? Thiên đạo không cần phải lái đĩa bay, phương tiện bay, không cần thiết, chỉ có cõi người mới cần. Người cõi trời đi đâu đều không cần những phương tiện này. Những người này còn phải dùng phương tiện để bay đi, khoa học kỹ thuật của họ phát triển hơn chúng ta mà thôi. Cho nên, họ vẫn thuộc về nhân đạo, chắc chắn không phải thiên đạo. Ngay cả Tứ Thiên Vương họ cũng không thể sánh bằng, Tứ Thiên Vương đi lại trong vũ trụ đều không cần phương tiện. Các báo cáo về ngoài không gian hiện nay rất nhiều, những sách loại này rất nhiều, chúng tôi xem thấy đều là người, không phải là người trên Trái Đất chúng ta.
Phạm vi “nhân đạo” trong thế giới Ta-bà rất lớn, không phải chỉ có địa cầu này thôi, rất nhiều tinh cầu khác đều có người. Trí tuệ và năng lực của con người không giống nhau, phước báo không giống nhau, sanh đến địa cầu ấy, sinh hoạt trên tinh cầu ấy, nghiệp báo của mỗi người khác nhau, đều là quả báo. Thế nên, Nam Diêm-phù-đề được Phật, Bồ-tát đặc biệt nhắc đến trong kinh này, Nam Diêm-phù-đề chính là quả địa cầu của chúng ta. Phía trước có nói qua “chúng sanh Diêm-phù-đề, chí tánh vô định, theo tập khí mà tạo ác nghiệp”, tập là tập khí, họ không hay không biết liền tạo ác, cho nên cảm đến khổ báo ở địa ngục. Bốn câu sau quan trọng vô cùng! Chúng ta phải ghi nhớ, không nhớ nổi cả bộ kinh, nhưng phải nhớ mấy câu này. “Chúng sanh trong cõi Nam Diêm-phù-đề làm việc ác nên chiêu cảm ra như vậy”, câu này phải ghi nhớ, từng giờ từng phút nhắc nhở chính mình. Tiếp theo lại nói:
Nghiệp lực thậm đại, năng địch Tu-di, năng thâm cự hải, năng chướng thánh đạo.
Nghiệp lực rất lớn, lớn đến cỡ nào? Sau đó nêu ra ba việc. Tu-di, đây là núi lớn, nghiệp lực có thể dời núi lấp biển, núi lớn biển sâu không chống nổi nghiệp lực. Nghiệp lực có thể ngăn thánh đạo, làm cho đạo nghiệp của bạn trong đời này không thể thành tựu. Bất luận bạn tu hành dũng mãnh tinh tấn cách mấy, bạn cũng không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi được, nguyên nhân là gì? Nghiệp lực. Thế nên, Phật pháp giáo hóa hết thảy chúng sanh, trọng điểm là ở tại tâm, tâm lý. Thiền tông dạy tu hành phải tu từ căn bản, căn bản chính là niệm đầu trong tâm. Tông môn như vậy, Giáo hạ sao không như vậy được? Vẫn như vậy. Hay nói cách khác, tu hành phải thay đổi tâm lý, sửa đổi tư tưởng, sửa đổi quan niệm; trước kia tâm lý, tư tưởng, quan niệm của chúng ta mỗi niệm đều vì chính mình, lấy mình làm trung tâm, đó chính là tạo nghiệp luân hồi, đó là tâm luân hồi. Phật dạy chúng ta chuyển đổi ý niệm này, chuyển thành cái gì? Chúng ta niệm niệm vì chúng sanh, chúng ta khởi tâm động niệm, tư tưởng kiến giải, ngôn ngữ tạo tác hết thảy đều vì chúng sanh, không vì mình nữa, như vậy thì tốt!
Phật dạy cho chúng ta, lục đạo vì sao mà có? Vì chấp trước nên mới có lục đạo; cả ba thứ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều có thì sẽ hiện thành lục đạo; nếu chỉ có vọng tưởng và phân biệt, không có chấp trước thì lục đạo sẽ không còn nữa, trong mười pháp giới [chỉ còn] Tứ thánh pháp giới: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật, [mười pháp giới] biến thành Tứ thánh pháp giới. Nếu phân biệt cũng không còn nữa thì Tứ thánh pháp giới cũng không còn, Thập pháp giới đều không còn nữa, hiện ra Nhất chân pháp giới. Trong Nhất chân pháp giới, trên kinh Hoa Nghiêm nói có 41 giai vị, Bồ-tát có 41 giai vị: Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác. Các cấp bậc này từ đâu mà có? Do chưa đoạn vọng tưởng, là từ vọng tưởng mà ra. Sau khi vọng tưởng đoạn dứt thì cấp bậc không còn nữa, đó chính là Phật quả cứu cánh. Thật sự bình đẳng, Phật Phật đạo đồng, không còn cấp bậc nữa. Đây là nói rõ Nhất chân pháp giới, thập pháp giới, tam đồ lục đạo hình thành như thế nào. Chỉ cần khởi tâm động niệm có ta, đây là sở hữu của ta, bạn có đủ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn có thể thoát ly lục đạo luân hồi ư? Chư vị từ chỗ này thật sự khế nhập, thể hội được thì quý vị đã thật sự giác ngộ, không phải là giác ngộ giả. Giác ngộ xong liền siêu phàm nhập thánh, thánh chính là giác, phàm chính là mê, phàm phu tức là còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Không nói đến vọng tưởng, [khi có] phân biệt, chấp trước thì là phàm phu, xả bỏ phân biệt, chấp trước thì thành thánh nhân, chính là Phật, Bồ-tát. Phật, Bồ-tát và phàm phu chỉ khác nhau ở một niệm mà thôi, bạn chuyển đổi ý niệm trở lại liền siêu phàm nhập thánh. Ai có thể chuyển đổi trở lại? Ở nơi chính mình, mình có chịu chuyển hay không? Bạn chịu chuyển đổi trở lại thì lập tức liền biến đổi. Tôi hiểu được đạo lý này nên tôi chuyển rồi, cư sĩ Lý Mộc Nguyên hiểu đạo lý này nên ông ta đã chuyển. Sau khi chuyển trở lại, chúng tôi phục vụ cho hết thảy chúng sanh, hết thảy chúng sanh là chủ nhân của chúng tôi, là ông chủ của chúng tôi, chúng tôi là người làm công phục vụ cho họ, “vô ngã”. Chúng tôi mới thật sự được thọ dụng của Phật pháp, chuyển nghiệp lực thành trí tuệ, chuyển nghiệp lực thành năng lực, nhà Phật nói về thần thông đạo lực, tức là chuyển ngay nơi niệm đầu, nghiệp lực liền chuyển trở lại. Thông thường chúng tôi nói nguyện lực, chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, nghiệp lực rất lớn có thể ngăn cản thánh đạo, nguyện lực rất lớn có thể thành tựu thánh đạo, tại sao không chịu chuyển? Nếu như không chuyển thì vô lượng kiếp vẫn phải làm chuyện luân hồi sanh tử, dây dưa không dứt. Hà tất phải rước lấy chuyện phiền phức này? Kinh văn tiếp theo còn mấy câu quan trọng:
Thị cố chúng sanh mạc khinh tiểu ác dĩ vi vô tội. Tử hậu hữu báo tiêm hào thọ chi.
Mấy câu này phải ghi nhớ, thường thường nhắc nhở chính mình, đừng cho rằng không có báo ứng, đó là sự sai lầm của bạn. Một niệm ác dù nhỏ cách mấy cũng sẽ cảm thọ quả báo, đúng như câu “không phải là không báo, mà là thời giờ chưa đến”. Thời giờ là gì? Duyên chưa đầy đủ, thời giờ là từ trên duyên mà nói, khi duyên đầy đủ thì quả báo lập tức hiện tiền. Nếu như chư vị bình tĩnh, bình tâm tịnh ý để quan sát thế giới này, hiện tại quả báo này gọi là hiện thế báo, quả báo xảy ra rất nhanh, ở ngay trước mắt. Nếu chúng ta muốn thật sự cứu mình, chư vị nhất định phải biết sinh mạng không quan trọng, không đáng để tiếc, chúng ta ở thế gian có thể sống được mấy năm? Trăm năm sương gió chỉ trong khảy ngón tay mà thôi. Năm tôi 9 tuổi rời khỏi gia đình, [nhà tôi] rất gần Cửu Hoa Sơn, những hình ảnh nơi đó lúc ra đi trong ký ức tôi vẫn còn nhớ rất rõ, giống như ngày hôm qua vậy. Những bậc trưởng bối ở làng quê hồi đó, bạn bè thân thích, bảy tám phần đều không còn nữa, những bạn bè thuở nhỏ đều không còn nữa. Đời người như là một giấc mộng, phải tỉnh giấc mộng này, tỉnh ngộ quay về chính là quay đầu là bờ, phải hạ thủ công phu ở lúc khởi tâm động niệm, không khởi một ác niệm, niệm niệm đều vì phước báo của chúng sanh, chúng ta dốc toàn tâm toàn lực để tạo phước cho chúng sanh hưởng phước, như vậy tốt, tự mình đừng hưởng phước. Người như vậy nhất định sẽ thành tựu, người như vậy sẽ được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, dũng mãnh tinh tấn, siêng năng, không biếng nhác đang tạo phước, giúp đỡ xã hội, giúp đỡ đại chúng. Cuộc sống của chính mình thì rất thanh bần, một chút cũng không lãng phí, biết cần kiệm, mỗi khi dùng một phân tiền đều phải nghĩ đến hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn, mình có tiết kiệm một phần thì họ sẽ có thêm một phần thọ dụng, thường thường có quan niệm này.
Trong kinh đức Phật nói, hết thảy những người tu hành trên thế gian, tại vì sao tu hành không đạt được kết quả? Đều là vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nhiều, một ý niệm lại tiếp nối một ý niệm. Trong kinh nói cho chúng ta một khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, một sát-na có chín trăm sanh diệt, đó là nói về ý niệm vi tế. Còn những ý niệm thô thì dễ sợ lắm, từ sáng tới tối có bao nhiêu niệm sanh diệt? Tự chúng ta có thể cảm giác được. Niệm trước vừa diệt, niệm sau lập tức liền sanh ra, trong ấy đều có nhân quả, một niệm thiện sẽ là quả báo thiện, một niệm ác sẽ là quả báo ác. Hãy khoan nói tới ngôn ngữ tạo tác, quả báo đó còn nghiêm trọng hơn nữa, khởi tâm động thảy đều có quả báo. Cho nên, Bồ-tát ở đây khuyên chúng ta, khích lệ chúng ta, cảnh tỉnh chúng ta “đừng xem thường việc ác nhỏ mà cho rằng không có tội”, đến lúc bạn chịu quả báo rồi thì hối hận cũng không kịp nữa. Những câu sau đây nói được rất rõ ràng:
Phụ tử chí thân kỳ lộ các biệt, túng nhiên tương phùng vô khẳng đại thọ.
Quả báo tự làm tự chịu, ai cũng không có cách gì để thay thế, chư Phật Như Lai đại từ đại bi cũng không có cách gì thọ báo thay cho bạn. Nếu có thể thay thế thì Phật, Bồ-tát đã thay rồi, không có cách chi thay thế, đây là tự làm tự chịu, cảnh giới đều do chính mình biến hiện ra. Giống như cư sĩ Chương Thái Viêm đã nói, tôi nghe lão cư sĩ Chu Kính Trụ kể, cụ Chu viết những chuyện này vào sách, ông ta có viết vài tác phẩm. Chương Thái Viêm là bố vợ của cụ, đây không phải là lời giả dối, lúc còn trẻ cụ vốn là người học khoa học, không tin Phật pháp, bố vợ của cụ có học Phật, kể cho cụ những chuyện này, sau khi cụ nghe xong cho rằng đây là mê tín, là chuyện ngụ ngôn. Tầm trung niên trở về sau, trong thời kỳ kháng chiến cụ sống tại Trùng Khánh, ban đêm đi đường gặp quỷ nên cụ mới tin tưởng, nếu cụ không đích thân nhìn thấy dù người khác nói thế nào cụ cũng không tin. Cụ cùng quỷ đi bộ trên một đoạn đường, đi hơn nửa giờ đồng hồ, thời gian cũng khá dài, không hề ngắn chút nào. Đi hơn nửa giờ cụ mới bỗng nhiên nghĩ, tại sao người đàn bà ấy lại đi một mình trong đêm muộn đến như vậy? Vừa nghĩ đến đó thì lông tóc dựng đứng, nhìn kỹ lại bà đó chỉ có nửa thân phía trên, không có nửa thân dưới, cụ bèn sợ giật cả mình. Khi vừa sợ như vậy thì bóng người phía trước không còn nữa, cụ do vậy mà tin Phật. Nếu như không phải tận mắt nhìn thấy, đích thân trải qua thì những người này sẽ chẳng tin. Cho nên, sau này khi nghĩ đến câu chuyện của bố vợ, cụ nghĩ đây là thật, không phải là giả.
Chương Thái Viêm nói những nỗi khổ trong địa ngục, ông cảm thấy rất tàn nhẫn, vô nhân đạo, rất nhiều địa ngục đáng bị phá hủy. Vua Diêm La nghe thấy những kiến nghị này của ông cũng không nói gì cả, chỉ phái hai tiểu quỷ dẫn ông đi đến chỗ đang xử phạt để xem. Tiểu quỷ dẫn ông đi, đi rất xa mới đến chỗ ấy, chỉ cho ông xem nhưng ông không nhìn thấy gì cả. Lúc đó ông mới vỡ lẽ, trong kinh Phật nói không sai, là do nghiệp lực biến hiện, nếu bạn không có nghiệp lực ấy thì sẽ không nhìn thấy. Trong kinh nói địa ngục chỉ có hai hạng người có thể nhìn thấy: Một là người tạo tội nghiệp, họ thọ báo biến thành những cảnh giới này; ngoài ra là Bồ-tát, Bồ-tát có năng lực vào địa ngục để độ chúng sanh nên ngài có thể nhìn thấy. Nếu không phải hai loại duyên: độ chúng sanh trong địa ngục, hoặc là thọ tội tại địa ngục, thì dù địa ngục ở ngay trước mặt cũng không nhìn thấy. Từ đây mới biết không phải là Diêm Vương tạo ra địa ngục cho những người này chịu tội, không phải, mà là cảnh giới do nghiệp lực của mình biến hiện ra. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi sau đó mới biết được, chí thân như cha với con cũng không có cách gì thay thế cho nhau, chính mình nhất định phải hứng chịu. Xem tiếp kinh văn bên dưới:
Ngã kim thừa Phật oai lực, lược thuyết địa ngục tội báo chi sự, duy nguyện Nhân Giả tạm thính thị ngôn.
Địa Tạng Bồ-tát rất khiêm tốn, nhưng trên thực tế thì Địa Tạng Bồ-tát rất vĩ đại! Bạn xem khi pháp hội bắt đầu, chư Phật Như Lai khắp mười phương đều đến tham dự, còn thù thắng hơn pháp hội Hoa Nghiêm. Trong pháp hội Hoa Nghiêm chúng ta thấy được, tất nhiên là hết thảy chư Phật đều đến, nhưng các Ngài không dùng thân Phật, mà hiện ra rất nhiều thân phận khác nhau đến tham dự. Còn trong pháp hội Địa Tạng thì Phật dùng thân Phật đến thị hiện, hết thảy chư Phật đều tham dự pháp hội này. Địa Tạng Bồ-tát là thầy của chư Phật, Quý vi xem, ở đây ngài rất khiêm tốn “Nay tôi nương oai lực của đức Phật mà nói sơ lược những sự tội báo nơi địa ngục”. Không dám nói tôi biết những việc này. Tôi biết những việc này quá rõ ràng, tôi nói cho bạn nghe thì được rồi, người hiện nay chắc chắn sẽ có thái độ như vậy. Đích thật ngài biết rất rõ ràng, cách nói này của ngài đã dạy chúng ta bất luận lúc nào cũng phải khiêm nhường, phải cung kính, phải nhẫn nhịn, đây là tánh đức. Trong mỗi niệm đều phải hàng phục phiền não tập khí của mình, tham, sân, si, mạn đều là phiền não, là tạo tội. Cho nên chúng ta ở trong kinh xem thấy, lời nói của các ngài, thái độ của các ngài, dụng ý vô cùng sâu xa. Phổ Hiền Bồ-tát là hạng người như thế nào, đều là Như Lai quay chiếc bè từ thị hiện. “Trông mong Nhân giả tạm nghe lời này”, lời này khiêm tốn biết bao, cung kính biết bao, đây là dạy cho chúng ta lúc bình thường khi xử sự, đối người, tiếp vật phải biết khiêm nhường cung kính.
Phổ Hiền đáp ngôn: “Ngô dĩ cửu tri tam ác đạo báo, vọng Nhân giả thuyết lịnh hậu thế Mạt pháp nhất thiết ác hạnh chúng sanh, văn Nhân giả thuyết sử lịnh quy Phật”.
Hai vị Bồ-tát này, một người hỏi, một người đáp, mục đích là dạy chúng ta [và] những chúng sanh đang tạo tội nghiệp, quay đầu là bờ, chân thật quy y Tam bảo. Quy nghĩa là quay về, thật sự quay về, nương vào lời dạy của Phật mà sinh hoạt, nương vào lời dạy của Phật để làm việc, như vậy gọi là quy y. Những lời dạy nào trong kinh có nói thì chúng ta phải làm cho bằng được, hết lòng nỗ lực đi làm. Những việc nào nhất định không được làm thì chúng ta nhất định phải dứt trừ, như vậy mới gọi là quy y Phật.
Địa Tạng bạch ngôn: “Nhân giả địa ngục tội báo kỳ sự như thị”.
Tiếp theo lại lược nói cho chúng ta mười bốn loại.
Hoặc hữu địa ngục thủ tội nhân thiệt sử ngưu canh chi.
Đây tức là địa ngục Kéo Lưỡi.
Hoặc hữu địa ngục thủ tội nhân tâm Dạ Xoa thực chi. Hoặc hữu địa ngục hoạch thang thạnh phất chử tội nhân thân.
Trong dân gian gọi là vạc dầu, vào vạc dầu.
Hoặc hữu địa ngục xích thiêu đồng trụ sử tội nhân bão. Hoặc hữu địa ngục sử chư hỏa thiêu sấn cập tội nhân. Hoặc hữu địa ngục nhất hướng hàn băng. Hoặc hữu địa ngục vô hạn phẩn niệu. Hoặc hữu địa ngục thuần phi tật lê. Hoặc hữu địa ngục đa toàn hỏa thương. Hoặc hữu địa ngục duy chàng hung bối. Hoặc hữu địa ngục đãn thiêu thủ túc. Hoặc hữu địa ngục bàn kiểu thiết xà. Hoặc hữu địa ngục khu trục thiết cẩu. Hoặc hữu địa ngục tận giá thiết la.
Danh hiệu của địa ngục phía trước có nói qua, ở đây là nói về những tội nhân chịu quả báo này, tình trạng chịu quả báo ở trong địa ngục. Câu thứ nhất, quả báo này là do nói lời li gián, nói lời thô ác, nói dối, nói thêu dệt, tạo ra những tội nghiệp này, hủy báng Tam bảo, phá hoại lòng tin của người ta đối với Phật pháp, sau khi chết đọa vào địa ngục này. Gọi là rút lưỡi cho trâu cày, đồng sôi rót vào miệng, lá sắt quấn lấy thân, ở trong các địa ngục này thì cầu sống không được, cầu chết cũng không xong. Trong địa ngục, tuyệt đối không phải chịu tội xong liền chết đi, nếu chết đi thì là siêu sanh rồi, họ không chết. Trong địa ngục có “gió nghiệp”, gió này vừa thổi một cái thì họ bèn sống lại, sống lại để chịu tội tiếp, một ngày một đêm muôn lần chết đi, muôn lần sống lại. Cứ như vậy mãi cho đến khi tội báo của họ thọ hết, thời gian đều là dùng “kiếp” để tính, vô số kiếp chịu những khổ báo này. Tội báo chưa thọ hết thì vĩnh viễn không thể thoát khỏi địa ngục.
Nhưng tội báo đó là chuyện rất phiền phức, thí dụ nói lời hủy báng Tam bảo, đoạn mất lòng tin của người ta, đến khi nào thì nghiệp này mới tiêu hết? Khi nào sức ảnh hưởng lời nói này của bạn hoàn toàn mất hết rồi thì bạn mới có thể thoát ra khỏi địa ngục. Nếu như sức ảnh hưởng này còn tồn tại thì bạn sẽ không có cách gì thoát ra khỏi địa ngục. Mà sức ảnh hưởng này thường kéo dài đến rất nhiều đời, hạt giống của ác duyên khởi tác dụng trong a-lại-da thức của họ, khi gặp Tam bảo thì họ liền hoài nghi, họ không thể sanh khởi lòng tin, sức ảnh hưởng này bao lớn. Giống như hiện nay đang nói đây, lời nói được thu âm lại, lại còn đem băng thâu âm đi phân phát khắp nơi, hoặc giả là mua bán, hoặc giả là tặng kết duyên. Nếu nội dung lời nói của bạn là phá hoại Tam bảo, chỉ cần còn một cuốn băng được lưu lại trên thế gian này thì bạn không có cách gì thoát khỏi địa ngục. Nếu như bạn viết thành văn, nếu thế gian này vẫn còn một cuốn sách thì bạn cũng không có cách gì thoát khỏi địa ngục. Thế mới biết chuyện này rất đáng sợ, chúng ta phải chịu trách nhiệm cho lời nói, văn tự của mình, như đã nói ở phía trước “đừng khinh lỗi nhỏ mà cho là không có tội”.
Câu thứ hai, “Moi tim của tội nhân cho Dạ-xoa ăn”. Nghiệp nhân loại này, Pháp sư Thanh Liên trong chú giải nói cho chúng ta biết: Con người lúc còn ở đời lấy trộm đồ vật của cha mẹ, sư trưởng, tạo ác duyên nên phải hứng chịu quả báo này. Tâm ăn trộm là tâm ác, chư vị nghĩ xem ngay cả đồ vật của cha mẹ, sư trưởng họ vẫn trộm lấy thì còn đồ vật của ai họ không dám trộm? Tâm này không tốt, đọa vào địa ngục, Dạ-xoa ăn tim của họ. Thứ ba, đây là vạc dầu, địa ngục Hoạch Thang, hoạch là chảo, đỉnh cũng là chảo, hiện nay ở Phúc Kiến người ta còn gọi chảo là đỉnh. Thời xưa, khi đó bếp lò còn chưa được phát minh, dùng cái gì để nấu ăn? Dùng đỉnh, là cái chảo có ba chân, phía dưới đốt lửa, nấu một món ăn thì dùng một cái đỉnh. Trong sách xưa có nói bày đỉnh để ăn, có rất nhiều thức ăn, rất phong phú. Có một vài điểm giống như tiệc buffet trong nhà hàng lớn của chúng ta hiện nay vậy, món ăn tự chọn. Đỉnh hiện nay rất đẹp, làm bằng thép không rỉ, nó có bốn cái chân, ở dưới đốt lửa để giữ cho thức ăn luôn được nóng, không bị nguội. Thời xưa đỉnh chỉ có ba chân, sau khi có bếp lò thì không dùng đỉnh nữa, đỉnh bỏ chân bèn trở thành chảo, chảo và đỉnh đều là một. Nghiệp nhân trong ấy là phá giới, sát sanh cúng tế, hoặc ăn thịt, thiêu đốt núi rừng, thiêu nướng chúng sanh nên bị quả báo này.
Câu thứ tư, “Hoặc có địa ngục đốt cột đồng nóng đỏ lên, rồi bắt tội nhân ôm lấy”. Đây cũng giống như hình phạt Bào Lạc nói trong tiểu thuyết. Lúc trước, cư sĩ Chương Thái Viêm cầu xin Đại đế Đông Nhạc phế trừ hình phạt này, sau đó mới biết cảnh giới địa ngục là do nghiệp lực biến hiện thành, không do người tạo ra. Câu tiếp theo “hoặc có địa ngục có các bựng lửa đuổi theo tội nhân”. Đây là một màn lửa lớn, không có chỗ nào để trốn, phải bị lửa thiêu chết. Nhưng gió vừa thổi một cái bèn sống lại, lại bị thiêu đốt, vĩnh viễn không có cách gì thoát khỏi. Trong kinh nói đây là quả báo của rất nhiều nghiệp bất thiện. Câu thứ sáu “toàn là băng giá”, địa ngục hàn băng cũng là quả báo của những ác nghiệp bất thiện. Câu thứ bảy “vô hạn phân tiểu”, phía trước có nói qua với chư vị, nghiệp nhân là đời trước phá trai, phát nguyện trì Bát Quan Trai Giới, phá trai giới cho đến những ác nghiệp không thanh tịnh cảm vời. “Hoặc có địa ngục toàn là tật lê bay”, tật lê là một loại vũ khí thời cổ, hiện nay rất ít thấy, chắc trong viện bảo tàng còn có thể thấy được. Tức là đầu mũi tên rất nhỏ, thông thường gọi là ám khí. Khi người ta không đề phòng, không phòng bị, họ phóng những mũi tên này ra. Hiện nay không còn cái này, bây giờ đổi thành súng, chính là những vũ khí thuộc loại này. Do đó có thể biết, quả báo này của họ chính là dùng các loại ám khí này kết oán thù với chúng sanh, giết hại hết thảy chúng sanh. Đặc biệt là săn bắn, viên đạn của súng săn không giống với súng thường. Bởi vì lúc bạn săn bắn, viên đạn thông thường của bạn không nhất định phải bắn chính xác mục tiêu, bởi vì đạn của súng săn là đạn tỏa, tức là khi bắn thì nhiều viên đạn nhỏ bung ra, sau khi bắn ra thì những viên đạn nhỏ này sẽ bao phủ một diện tích, những động vật nằm trong diện tích này sẽ không thể chạy thoát. Phải chịu loại quả báo này.
“Hỏa thương” là cùng ý nghĩa với “Thông thương” ở phía trước, ở trong đây đa phần là lửa, “chỉ đập ngực, lưng” đây là trong kinh Lăng Nghiêm có nói về cảm ứng của xúc báo, cảm vời quả báo này. Bởi vì bạn đi đánh đập người khác, đặc biệt là ngày nay chúng ta nói ngược đãi động vật, dùng những hành động này đối với động vật, thường thấy rất nhiều, đâu biết rằng sẽ bị quả báo như vậy! Câu thứ mười một “chỉ đốt tay chân”, đây gọi là biệt nghiệp, biệt báo, tay bạn tạo nghiệp thì đốt tay, chân bạn tạo nghiệp thì đốt chân. “Rắn sắt , chó sắt”, phía trước đã nói qua. “Chỉ cưỡi la sắt”, “la” là một loài ngựa, toàn thân cũng đều là lửa. Trong kinh Phật có nói một công án, công án này Pháp sư Thanh Liên cũng dẫn chứng trong chú giải. Nói tỳ-kheo Tăng Hộ nhìn thấy một con la, toàn thân con la này đều bị lửa đốt. Phật nói cho tỳ-kheo Tăng Hộ biết, đó không phải là la, ông ấy thuở trước là một người xuất gia thời đức Phật Ca Diếp. Người xuất gia lúc chia thức ăn đều dành cho mình nhiều một chút, tạo ác nghiệp này nên cảm thọ khổ báo như vậy. Trong kinh này nói “cứ cưỡi la sắt mãi” đại khái là những tội nhân này cưỡi trên la sắt, toàn thân la sắt đều là lửa, tội nhân chịu khổ báo như vậy. Hình phạt, khổ báo trong địa ngục thật ra nói không bao giờ hết. Mời xem tiếp kinh văn:
Nhân giả, như thị đẳng báo, các các ngục trung hữu bá thiên chủng, nghiệp đạo chi khí.
“Nghiệp đạo chi khí” chính là hình cụ, ngày nay chúng ta gọi là dụng cụ tra tấn.
Vô phi thị đồng, thị thiết, thị thạch, thị hỏa. Thử tứ chủng vật chúng nghiệp hành cảm.
Dụng cụ tra tấn trong ấy đều làm bằng đồng, sắt, đá, toàn là một biển lửa, bạn phải chịu đựng những thứ như vậy. Chúng ta thường nói tâm người ấy rất độc, lòng dạ sắt đá nên ở địa ngục biến hiện ra các dụng cụ như vậy, đều là những thứ này. Tâm địa thanh tịnh, nhu nhuyến thì nhất định sẽ không nhìn thấy những hiện tượng này. Thế nên nhất định phải hiểu, tâm này là tâm địa nham hiểm, thủ đoạn độc ác, oai phong này của bạn có thể kéo dài được mấy ngày? Sau mấy ngày oai phong này của bạn hết rồi, sau đó thì phải làm sao? Có suy nghĩ đến hay không? Hậu quả không thể tưởng tượng được, chúng ta nhất định phải hiểu.
Trong Duy Thức Luận có nói, những địa ngục được nói giống như trong kinh, có vua Diêm La trong địa ngục hay không? Có những lính quỷ trong địa ngục hay không? Thật sự không có, đều là do tánh thức của chính mình biến hiện ra. Cũng giống như nằm mộng vậy, phải đến khi tỉnh mộng mới biết đấy là giả, đều không thật. Nhưng lúc bạn đang nằm mộng, bạn cứ cho rằng đó đều là thật. Địa ngục, tam đồ đều là cảnh mộng, cùng một đạo lý, con người chúng ta ở trên thế gian được mấy mươi năm nóng lạnh, lẽ nào không phải là một giấc mộng hay sao? Nói thêm nữa, thì thập pháp giới cũng là cảnh mộng. Trên kinh Kim Cang nói không sai: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, hết thảy pháp hữu vi chính là bao gồm thập pháp giới. Thập pháp giới đều là pháp hữu vi, Nhất chân pháp giới mới là pháp vô vi. Thế nên Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật trong Quyền giáo đều không ra khỏi pháp hữu vi. Hay nói cách khác, y báo và chánh báo của họ đều là mộng, huyễn, bọt, bóng. Tướng có nhưng thể không, sự có nhưng lý không, đó mới là chân tướng sự thật, đều do nghiệp cảm biến hiện ra. Chúng ta xem câu kinh văn cuối:
Nhược quảng thuyết địa ngục tội báo đẳng sự.
Nếu như nói chi tiết, mỗi việc đều nói ra.
Nhất nhất ngục trung cánh hữu bá thiên chủng khổ sở.
Mỗi địa ngục có tới trăm ngàn thứ khổ sở.
Hà huống đa ngục.
Địa ngục nói không cùng tận.
Ngã kim thừa Phật oai thần cập Nhân giả vấn, lược thuyết như thị. Nhược quảng giải thuyết cùng kiếp bất tận.
Lời Bồ-tát nói đều là chân thật, nếu giải thích cặn kẽ cho bạn thì “cùng kiếp” cũng nói không hết, lời này là thật, không phải giả. Thế nên, chúng ta ở đây làm một kết luận chung: Địa ngục nhất quyết không thể vào! Nếu muốn không vào địa ngục thì nhất định đừng tạo tội nghiệp, tội nghiệp cực nhỏ cũng không được tạo. Nguyên nhân là gì? Bởi vì trong a-lại-da thức của chúng ta có rất nhiều hạt giống địa ngục, những tập khí này đã tạo ra trong vô lượng kiếp. Tội nghiệp nhỏ là gì? Chính là duyên. Trong a-lại-da thức của bạn có hạt giống tội nghiệp địa ngục, bạn tạo thêm duyên cho nó, không đoạn dứt duyên của nó, thì rất có thể sẽ tạo ra quả báo này, đây là chuyện chúng ta phải cảnh giác. Thế nên, nhất quyết không được khinh suất, coi thường những tội nghiệp nhỏ, cho rằng không quan trọng, nếu vậy thì bạn sai lầm quá lớn! Tội nghiệp nhỏ là duyên, trong a-lại-da thức có nghiệp nhân của tội nghiệp địa ngục, nhân gặp duyên thì sẽ hiện nên cảnh giới này, cảnh giới hiện ra vô cùng đáng sợ! Muốn thoát ra quá khó, quá khó! Cho nên chân thật hiểu rõ, chân thật giác ngộ thì phải buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ, đây là phương pháp yên ổn nhất, nhanh chóng nhất, và cũng là ổn thỏa tốt đẹp nhất, vĩnh viễn thoát khỏi tam đồ, lục đạo.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.
☆ Xem thêm:
➢ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 14)
➢ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 15)
➢ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 16)
➢ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 18)
➢ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (tập 19)