Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú (Phần 3)

 

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú

(Phần 3)

地藏菩薩本願經科注

Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch kinh

唐三藏沙門實叉難陀譯

Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

古鹽匡菴青蓮苾芻靈椉父輯

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

(theo bản in tháng Bảy năm 2017

của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, Đài Loan)

Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang

 

3.2. Chánh Thuyết Phần

 

          Chia thành bốn đoạn:

          – Phẩm Phân Thân Tập Hội, nói về vị hóa chủ.

          – Ba phẩm Nghiệp Duyên, Nghiệp Cảm, Vấn Ngục nói rõ những căn cơ được hóa độ.

          – Ba phẩm Như Lai Tán Thán, Lợi Ích Tồn Vong, và Diêm La Tán Thán nói về duyên độ thoát.

          – Hai phẩm Xưng Danh Hiệu Phật và Giảo Lượng Bố Thí nói về cái nhân thành Phật.

 

3.2.1. Kinh đề (tên gọi của phẩm kinh)

 

          (Kinh) Phân thân tập hội, phẩm đnhị.

          ()分身集會品第二

          (Kinh: Phẩm thứ hai: Phân thân tập hội).

 

3.2.1.1. Phẩm văn (kinh văn trong phẩm này)

3.2.1.1.1. Địa Tạng lai nghi (Địa Tạng Bồ Tát đến dự pháp hội)

3.2.1.1.1.1. Tự phân thân Địa Tạng (trần thuật phân thân của Địa Tạng Bồ Tát)

 

          (Kinh) Nhĩ thời, bách thiên vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng A-tăng-kỳ thế giới, sở hữu địa ngục xứ, phân thân Địa Tạng Bồ Tát, câu lai tập tại Đao Lợi thiên cung.

          ()爾時百千萬億不可思不可議不可量不可說無量阿僧祇世界所有地獄處分身地藏菩薩俱來集在忉利天宮         
(Kinh: Lúc bấy giờ, phân thân của Địa Tạng Bồ Tát ở tất cả các chỗ có địa ngục trong trăm ngàn vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết[1], vô lượng A-tăng-kỳ thế giới, đều nhóm
 đến  cung

trời Đao Lợi).

          “Nhĩ thời” (Lúc bấy giờ) chính là lúc đức Như Lai mỉm cười, phóng quang, mây quang minh phát ra âm thanh, trời, rồng, quỷ, thần cùng tụ tập. Bởi lẽ, phân thân của đức Địa Tạng trong các cõi nước khắp mười phương nhiều như cát, đã trông thấy quang minh và nghe âm thanh, liền cùng đại chúng nhóm đến. Chỉ là không nói rõ ngay, cho nên thành ra nói có trước sau, chẳng phải là [đức Phật và ngài Văn Thù] hỏi đáp xong xuôi mới đến. “Trăm ngàn vạn ức” là số lượng. Theo toán kinh (sách dạy tính toán) của Chấn Đán (Trung Hoa), bắt nguồn từ thời Hoàng Đế, số đếm có đến mười mấy loại: Ức, triệu, kinh, tỷ, cai, nhưỡng, câu, giản, chánh, tải. Nói theo thói quen thì từ ngàn sanh ra vạn (萬), vạn sanh ức (億), ức sanh triệu (兆), triệu sanh kinh (京), kinh sanh tỷ (秭), tỷ sanh cai (垓), cai sanh nhưỡng (壤), nhưỡng sanh câu (溝), câu sanh giản (澗), giản sanh chánh (正), chánh sanh tải. Tải (載) [ngụ ý] “đất chẳng thể chở nổi!” Nay nói rõ về bốn con số đầu tiên. Ức chia thành bốn loại:

          1) Mười vạn là một Ức.

          2) Một trăm vạn là một Ức.

          3) Một ngàn vạn là một Ức.

          4) Một vạn vạn là một Ức.

          Ở đây, Ức được hiểu theo cách thứ tư, [kinh nói là] “bách thiên vạn ức”. Con số như vậy còn khó thể thấu hiểu cùng tận được, huống hồ còn nói là trong “trăm ngàn vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết vô lượng A-tăng-kỳ thế giới, phàm là tất cả các chỗ có địa ngục, phân thân trong mỗi ngục đều đến nhóm hội”, đông đảo lắm thay! Điều này tỏ rõ thế giới khó lường, càng thấy rõ địa ngục rất nhiều! Địa ngục đã nhiều, càng tỏ rõ phân thân khó lường; đấy là cơ sở cho những lời vấn đáp kế tiếp. Đây chính là chuyện chẳng thể nghĩ bàn của bậc đại Bồ Tát, ngay cả Thanh Văn, Duyên Giác còn chẳng thể biết, huống hồ những địa vị thấp hơn và phàm phu mà có thể suy lường, nhận biết nổi ư!

          Như sách Quảng Dư[2] ghi chép, vào niên hiệu Chí Đức (756-758) đời Đường, xứ Tân La (Silla)[3] có một vị Tăng, tên là Kim Địa Tạng, vượt biển tìm đến [Trung Hoa], dừng lại ở núi Cửu Hoa, huyện Thanh Dương, thuộc Trực Lệ[4] Trì Châu Phủ. Sư thường lấy đất trắng giữa vách núi trộn lẫn với cơm mà ăn. Mọi người đều lấy làm lạ. Lúc Ngài chín mươi chín tuổi, bỗng triệu tập đồ chúng cáo biệt, ngồi trong hộp qua đời. Ba năm sau, [đồ chúng] lại mở ra xem, thấy diện mạo như lúc còn sống. Nâng [thi thể của Ngài] lên, các khớp xương vẫn chuyển động được. Đấy cũng là một phân thân của Ngài.

          “Câu tập thiên cung” (Cùng nhóm đến cung trời): Như kinh Tâm Địa Quán nói: “Dĩ thân thường xử ư địa ngục, phi bất thân cận đại từ tôn. Dĩ thân thường xử ư luân hồi, phi bất thân văn vi diệu pháp. Dĩ thị nhân duyên chư Phật tử, hệ tâm thường niệm Thiên Nhân Sư” (Do thân thường ở trong địa ngục, chẳng phải là không thân cận đức đại từ tôn. Do thân thường ở trong luân hồi, chẳng phải là không đích thân nghe pháp vi diệu. Do nhân duyên này, chư Phật tử tâm khăng khăng thường niệm đấng Thiên Nhân Sư). Do vậy, [phân thân của Bồ Tát cùng đại chúng] bèn nhóm họp nhiều như mè, tràn ngập cung trời Đao Lợi; đúng là chuyện hiếm lạ, đặc biệt, xưa nay chưa từng nghe đến!

 

3.2.1.1.1.2. Tự nghiệp đạo chúng cơ (trần thuật căn cơ của chúng sanh trong các nghiệp đạo)

3.2.1.1.1.2.1. Suất chúng đồng lai cúng Phật (dẫn đại chúng cùng đến cúng dường Phật)

 

          (Kinh) Dĩ Như Lai thần lực cố, các dĩ phương diện, dữ chư đắc giải thoát tùng nghiệp đạo xuất giả, diệc các hữu thiên vạn ức na-do-tha số, cộng trì hương hoa, lai cúng dường Phật.

          ()以如來神力故各以方面與諸得解脫從業道出者亦各有千萬億那由他數共持香華來供養佛。

          (Kinh: Do thần lực của Như Lai, mỗi phân thân đều từ mỗi phương, cùng với những người đã được giải thoát từ nghiệp đạo thoát ra, số lượng cũng đều là ngàn vạn ức na-do-tha tại mỗi phương, cùng cầm hương hoa đến cúng dường đức Phật).

 

          [Trong đoạn kinh văn trên đây], chữ Dĩ (以) trước nhằm giới thiệu cái nhân, chữ Dĩ sau nhằm nói đến những người cùng đi theo các phân thân. Do sức thần thông trọn khắp từ các vầng mây âm thanh của đức Phật, cho nên mỗi vị phân thân đều cùng với chúng sanh được Ngài hóa độ từ bốn phương nhóm đến. Giải thoát có lớn và nhỏ sai khác. Theo như trong phần sau là “bất thoái A Nậu Bồ Đề” thì hoàn toàn là đại giải thoát chẳng thể nghĩ bàn! “Trì hương hoa cúng dường” (Cầm hương hoa cúng dường). Chữ Kiện Đạt (Gandha) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Hương. Theo kinh Giới Đức Hương thì có căn hương (hương trích từ rễ cây), chi hương (hương trích từ tinh dầu gỗ hay vỏ của cành cây), và hoa hương (hương phối chế từ tinh dầu của các loại hoa) khác nhau. Chữ Bố Sắt Ba (Puṣpa) trong tiếng Phạn, cõi này dịch là Hoa. Theo kinh Đại Phẩm Bát Nhã, có thiên hoa (hoa trên cõi trời), sanh hoa (hoa trong nhân gian), và tâm hoa (hoa do tâm vận tưởng, hay hoa do giới đức) khác nhau. Nay người cầm [hương, hoa] cúng dường, biểu thị đã trọn đủ Bồ Tát đạo, nguyện thành tựu Như Lai hương, trong sạch, lan xa, ngầm thông, quả và nhân khế hợp nhất trí. Theo kinh Thập Luân, cúng dường có ba thứ:

          1) Một là lợi ích, tức là dùng tứ sự (thức ăn, quần áo, đồ trải nằm, thuốc men) v.v…

          2) Hai là kính tâm (tâm tôn kính), dùng hoa để biểu lộ tâm ý.

          3) Ba là tu hành. Nếu có ai vâng giữ, truyền nói [lời  Phật  dạy] thì

chính là cúng dường.

          [Những điều ấy] đều nhằm biểu lộ lòng thành kính vậy.

 

3.2.1.1.1.2.2. Nhân hóa bất thoái Bồ Đề (do được Bồ Tát giáo hóa mà chẳng thoái chuyển đạo Bồ Đề)

 

          (Kinh) Bỉ chư đồng lai đẳng bối, giai nhân Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa, vĩnh bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

          ()彼諸同來等輩皆因地藏菩薩教化永不退轉於阿耨多羅三藐三菩提。

          (Kinh: Những người cùng đến ấy đều do Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa mà vĩnh viễn chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

 

          Đây là nêu ra ý nghĩa cúng dường. Bởi lẽ, những người cầm hương hoa cúng dường đều do Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa mà được vĩnh viễn chẳng thoái chuyển nơi A Nậu Bồ Đề. Bất Thoái Chuyển sẽ được giải thích trong phần sau. A dịch là Vô, Nậu Đa La dịch là Thượng. Tam Miệu dịch là Chánh. Tam là thiên (thiên vị), hoặc Đẳng (bình đẳng). Bồ Đề dịch là Giác. Ngài Cô Sơn nói: “Do cực quả có cái nhân siêu việt nên nói là Vô Thượng, Chánh là Chánh Quán Trung Đạo. Đẳng là cùng chiếu hai bên; đấy chính là ba trí nơi quả vậy”. Kinh Bi Hoa quyển bốn chép: “Nguyện ngã đắc Thủ Lăng Nghiêm tam-muội. Dĩ tam-muội lực cố, hóa tác địa ngục chi thân, nhập địa ngục trung, dữ địa ngục chúng sanh thuyết vi diệu pháp, khuyến linh phát Bồ Đề tâm. Bỉ chúng văn thị pháp dĩ, tầm phát Bồ Đề chi tâm, tức tiện mạng chung, sanh ư nhân trung. Tùy sở sanh xứ, thường đắc trị Phật, thính pháp, tức đắc bất thoái chuyển địa. Càn Thát Bà, nãi chí nhân phi nhân đẳng, thiên, long, quỷ thần, nãi chí súc sanh, ngạ quỷ đẳng chúng, diệc phục như thị, giai linh phát Bồ Đề tâm” (Nguyện tôi đắc Thủ Lăng Nghiêm tam-muội. Do sức của tam-muội, hóa ra thân địa ngục, vào trong địa ngục để nói pháp vi diệu cho chúng sanh trong địa ngục, khuyên họ phát Bồ Đề tâm. Các chúng sanh ấy nghe pháp đó xong, liền phát Bồ Đề tâm. Họ lập tức mạng chung, sanh trong loài người. Sanh ở bất cứ nơi đâu, thường được gặp Phật, nghe pháp, liền đạt được địa vị Bất Thoái Chuyển. Đối với Càn Thát Bà cho đến nhân, phi nhân v.v… trời, rồng, quỷ thần, cho đến các loài súc sanh, ngạ quỷ v.v… cũng đều như vậy, đều khiến cho họ phát Bồ Đề tâm). Đấy chính là những chúng sanh trong nghiệp đạo do được Địa Tạng Bồ Tát giáo hóa mà chẳng thoái chuyển đạo Bồ Đề.

 

3.2.1.1.1.2.3. Chí thiên, tâm hỷ quán Phật (tới cõi trời, tâm hoan hỷ quán Phật)

         

          (Kinh) Thị chư chúng đẳng, cửu viễn kiếp lai, lưu lãng sanh tử, lục đạo thọ khổ, tạm vô hưu tức.

          ()是諸眾等久遠劫來流浪生死六道受苦暫無休息。

          (Kinh: Các chúng sanh ấy từ kiếp lâu xa đến nay trôi lăn trong sanh tử, chịu khổ trong sáu đường chưa từng được tạm ngơi).

          Kinh văn [trong phần này] được chia thành ba tiểu đoạn:

          [Tiểu đoạn thứ nhất], trước hết, nói về sự lưu chuyển trong lục đạo là do trái nghịch cái giác tâm ấy. Bởi lẽ, giác tâm ấy chính là diệu đạo do chư Phật đã chứng, là cội nguồn mà chúng sanh đã mê hoặc. Phàm phu từ kiếp lâu xa đến nay, trôi giạt trong sanh tử là do chẳng phát cái tâm ấy. Sự lưu chuyển ấy có bốn thứ: Một là Kiến Lưu (kiến chấp về tam giới), hai là Dục Lưu (các Hoặc trong Dục Giới, trừ Kiến và Si), ba là Hữu Lưu (các Hoặc trong hai giới trên, tức Sắc Giới và Vô Sắc Giới, trừ Kiến và Si), bốn là Vô Minh Lưu (Si trong tam giới).

          Từ ngữ Xà Đề Xà (Jātika) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là “sanh tử”. Kinh Thắng Man nói: “Sanh giả tân, chư căn sanh. Tử giả cố, chư căn diệt” (Sanh là mới vì các căn được sanh ra. Chết là cũ vì các căn đã diệt mất). Do sóng gió ấy, trồi hụp mãi trong sanh tử. Vì thế, kinh Niết Bàn nói: “Ngã tích dữ nhữ đẳng, bất kiến Tứ Chân Đế. Thị cố cửu lưu chuyển, sanh tử đại khổ hải” (Xưa kia ta và các ngươi do chẳng thấy bốn Chân Đế, cho nên lưu chuyển đã lâu trong biển khổ sanh tử lớn). Theo Đại Luận, chúng sanh có ba thứ khổ: Một là thân khổ, tức già, bệnh, chết. Hai là tâm khổ, tức tham, sân, si. Ba là hậu khổ (nỗi khổ trong thân đời sau), tức  địa  ngục, quỷ, súc  sanh. Vì  thế, cầu  được  tạm

ngưng dứt trong ba sự khổ ấy, há có được chăng?

 

          (Kinh) Dĩ Địa Tạng Bồ Tát, quảng đại từ bi, thâm thệ nguyện cố, các hoạch quả chứng.

          ()以地藏菩薩廣大慈悲深誓願故各獲果證。

          (Kinh: Do Địa Tạng Bồ Tát từ bi rộng lớn, thệ nguyện sâu xa, cho nên ai nấy đều được chứng quả).

          Kế đó, [trong tiểu đoạn thứ hai, chỉ rõ những người ấy] do Địa Tạng Bồ Tát mà được chứng quả. Đấy là nói chúng sanh trong lục đạo, xưa kia thì muôn loài trầm mê, trôi lăn trong ba đường. Nay thì ngộ giải vượt hẳn Thập Lực, chứng tam thân viên thông. Đó là công sức của ai? Đều là do lòng vô duyên từ bi, sức thệ nguyện vô tác của đức Địa Tạng vậy.

 

          (Kinh) Ký chí Đao Lợi, tâm hoài dũng dược, chiêm ngưỡng Như Lai, mục bất tạm xả.

          ()既至忉利心懷踊躍瞻仰如來目不暫捨。

          (Kinh: Đã tới trời Đao Lợi, ôm lòng hớn hở, chiêm ngưỡng Như Lai, mắt chẳng tạm rời).

          Tiểu đoạn thứ ba, nói rõ [những người ấy] cảm kích ân sâu của đức Phật. Đã được nương vào thần lực của Như Lai, nên được theo ngài Địa Tạng cùng đến. Trong tâm họ hớn hở sâu xa, bộc lộ ra bên ngoài thành dáng vẻ chiêm ngưỡng ân cần. “Chiêm” (瞻) là [ngắm nhìn] tướng hảo vi diệu, xem ngắm chẳng chán! “Ngưỡng” (仰) là đối với trí huệ sâu xa bèn ngưỡng mộ, mong mỏi. Đại Luận nói: “Đức Phật ngồi trên tòa sư tử, hiện thân tối thắng, quang minh, sắc tượng, oai đức vòi vọi, dùng thần lực ấy cảm động chúng sanh. Nếu có ai tin tưởng, sẽ đều đạt tới A Nậu Bồ Đề”. Đấy là “chiêm ngưỡng, chẳng thể tạm rời” vậy!

 

3.2.1.1.2. Thích Ca chiếu cáo (đức Thích Ca truyền dạy, bảo ban)

3.2.1.1.2.1. Như Lai ma đảnh phó chúc (Như Lai xoa đầu giao phó, căn dặn)

3.2.1.1.2.1.1. Kinh gia tự thông (người trùng tuyên kinh tường thuật)

         

          (Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn thư kim sắc tý, ma bách  thiên  vạn  ức

bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng A-tăng-kỳ thế giới, chư phân thân Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh.

          ()爾時世尊舒金色臂摩百千萬億不可思不可議

不可量不可說無量阿僧祇世界諸分身地藏菩薩摩訶薩頂。

          (Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn duỗi cánh tay sắc vàng, xoa đỉnh đầu của các vị phân thân Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát trong trăm ngàn vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng A-tăng-kỳ thế giới).

 

          Đức Phật dùng một cánh tay Mẫu Đà La[5], tay Đâu La Miên mà xoa trọn khắp đỉnh đầu của vô lượng A-tăng-kỳ phân thân Địa Tạng Bồ Tát đã vân tập; đấy chính là thần lực chuyển biến từ Thánh Như Ý Thông. Vì thế, một tay mà có thể xoa trọn khắp vô lượng đỉnh đầu để úy lạo, vỗ về. Đại Luận nói: “Trong tay có chữ Đức, trang nghiêm bằng màng lưới, sẽ dùng cánh tay ấy để an ủi chúng sanh, khiến cho họ chẳng sợ hãi” chính là nói về chuyện này.

 

3.2.1.1.2.1.2. Phát ngôn phó chúc (thốt lời giao phó, căn dặn)

3.2.1.1.2.1.2.1. Minh kỷ sở hóa chúng (nói về chuyện giáo hóa chúng sanh của chính mình)

3.2.1.1.2.1.2.1.1. Tổng thị hóa môn điều cơ (dạy chung về cách giáo hóa, điều phục các căn cơ)

 

          (Kinh) Nhi tác thị ngôn: – Ngô ư Ngũ Trược ác thế, giáo hóa như thị cang cường chúng sanh, linh tâm điều phục, xả tà quy chánh, thập hữu nhất, nhị, thượng ác tập tại.

          ()而作是言吾於五濁惡世教化如是剛強眾生令心調伏捨邪歸正十有一二尚惡習在。

          (Kinh: Mà nói như sau: – Ta ở trong đời ác Ngũ Trược, giáo hóa chúng sanh ương bướng như thế, khiến cho tâm họ điều phục, bỏ tà quy chánh, mười phần thì có một hai phần vẫn còn tập khí ác).

          Đấy là nói đức Phật điều phục các căn cơ trong đời ác trược. Như trong kinh Hiền Ngu, người huấn luyện voi tên Tán Xà đã nói: “Phật Thế Tôn giả, nhị chủng tánh sanh: Nhất giả, trí huệ. Nhị giả, đại bi. Cần hành lục sự, sở vị Lục Ba La Mật. Công đức, trí huệ tất cụ túc dĩ, hiệu chi vi Phật. Ký tự năng điều, diệc điều chúng sanh. Cố vân ngã thị Vô Thượng Điều Ngự Sư, chuyển chánh pháp luân châu thế giới, hóa độ vô lượng chư chúng sanh” (Phật Thế Tôn sanh từ hai chủng tánh: Một là trí huệ, hai là đại bi. Siêng hành sáu sự, tức là sáu Ba La Mật. Công đức và trí huệ đều đã trọn đủ, thì gọi là Phật. Đã có thể tự điều phục, lại còn điều phục chúng sanh. Vì thế nói: “Ta là Vô Thượng Điều Ngự Sư, chuyển chánh pháp luân trọn khắp thế giới, hóa độ vô lượng các chúng sanh”). Hãy nên biết: Do ngộ tâm địa quán, nên có thể điều phục chúng sanh ương ngạnh, tức là dùng Tứ Đế để chỉ, dùng Tam Học để dạy, dùng Giới điều phục thân họ, dùng Định và Huệ điều phục tâm họ. Đã tu Tam Học, tự đoạn hai thứ Hoặc.

          Sách Phụ Hành viết: “Xưa kia do không được lưỡi câu Tín móc lấy, đến nỗi tạo trọng tội. Như voi cuồng không có móc sắt [của người luyện voi], không thể khống chế được. Nay lấy móc câu Hổ Thẹn để móc lấy con voi ‘tâm không hổ thẹn’. Vì thế nói là khiến cho cái tâm điều phục”.

          “Xả tà quy chánh”: Kinh Nhất Thiết Pháp Cao Vương nói: “Đại tỳ-kheo chúng nhất thiên nhị bách ngũ thập nhân, kỳ tiên tất thị biện phát phạm-chí, chư lậu dĩ tận, vô phục phiền não, nhất thiết tâm đắc tự tại, đáo đệ nhất bỉ ngạn” (Một ngàn hai trăm năm mươi vị đại tỳ-kheo trước kia đều là hàng phạm-chí[6] búi tóc, đã hết các lậu, chẳng còn phiền não, hết thảy tâm được tự tại, đạt đến bờ kia bậc nhất). [Những vị theo Địa Tạng Bồ Tát đến dự pháp hội] đều đã xả tà quy chánh, đã được thọ ký làm Phật. Điều này cho thấy những người đã được điều phục thì trong mười phần có đến bảy tám phần. Những kẻ có tập khí ác sâu nặng, khó thể điều phục, trong mười phần chỉ có một hai phần. Như hội Pháp Hoa vừa mới bắt đầu, năm ngàn người đứng lên bỏ đi, và các đệ tử của Điều Đạt (Đề Bà Đạt Đa), phạm vương Loa Kế v.v… “Tập” (習) là tập khí; chánh sử (正使, các phiền não chánh yếu, tức Thập Sử) tuy đã đoạn, vẫn còn sót lại tập khí. Thân tuy đã điều phục, tâm còn chưa điều phục.

 

3.2.1.1.2.1.2.1.2. Biệt minh phân thân độ thoát (nói riêng về sự độ thoát của các phân thân)

3.2.1.1.2.1.2.1.2.1. Lược minh (nêu đại lược)

 

          (Kinh) Ngô diệc phân thân thiên bách ức, quảng thiết phương tiện. Hoặc hữu lợi căn, văn tức tín thọ.

          ()吾亦分身千百億廣設方便。或有利根聞即信受。

          (Kinh: Ta cũng phân thân trăm ngàn ức, rộng lập phương tiện. Nếu có kẻ lợi căn nghe xong liền tin nhận).

 

          Điều này cũng giống hệt như phương tiện phân thân độ sanh của Địa Tạng Bồ Tát. Vì thế nói là “cũng”. Kinh Phạm Động nói: “Như Lai tự tri sanh tử dĩ tận, sở dĩ hữu thân, vị dục phước độ chư thiên nhân cố. Nhược kỳ vô thân, tắc chư thiên, thế nhân, vô sở thị hỗ. Do như Đa La thụ, đoạn kỳ đầu giả, tắc bất phục sanh. Phật diệc như thị, dĩ đoạn sanh tử, vĩnh bất phục sanh” (Như Lai tự biết sanh tử đã tận, cho nên có thân là vì muốn tạo phước để độ hàng trời, người. Nếu chẳng có thân thì chư thiên, người đời sẽ không có ai để nương cậy! Ví như cây Đa La, hễ chặt ngọn của nó, nó sẽ chẳng mọc lại được. Phật cũng giống như thế, do đã đoạn sanh tử, vĩnh viễn chẳng sanh nữa). Nay sở dĩ phân thân chính là vì hiển thị Như Lai do pháp mà rủ lòng ứng hiện, ứng với các căn cơ lớn hay nhỏ mà hiện thân thù thắng hay kém cỏi. Từ một thân mà phát xuất thành vô lượng thân; gom Dụng về Thể, chẳng lìa một tánh. Đại Luận quyển ba mươi nói: “Nếu nương theo Thiền Định, đắc Tứ Vô Lượng, Bội Xả, Thắng Xứ, thần thông, biện tài v.v… các công đức rất sâu thảy đều trọn đủ, tùy ý mà hành, không gì chẳng thể làm, hóa thành đủ loại thân cầm thú, nhưng chẳng nhận lấy các pháp của chúng nó. Hoặc có lúc thân đầy chật hư không, hoặc có lúc thân như vi trần, hoặc nhẹ như lông hồng, hoặc nặng như Thái Sơn. Sức thần thông biến hóa như thế đều do Thiền mà đạt được”. Đấy là từ Thân Luân mà hiện thần thông.

          “Quảng thiết phương tiện” (Rộng lập phương tiện) tức là Ý Luân soi xét căn cơ, thực hiện tác dụng hay khéo mà không cần mưu tính, quán tánh và tướng của mười pháp giới, và dùng Khẩu Luân để tuyên nói các thứ pháp, khiến cho người căn cơ đã chín muồi sẽ giải thoát, người [căn cơ] chưa chín muồi sẽ chín muồi, người chưa gieo [thiện căn] sẽ gieo. Vì thế, Đại Luận nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật hóa ra các thứ thân trong một thế giới, dùng đủ mọi phương tiện để độ chúng sanh”.

          Đấy là chỉ bày tổng quát về phương tiện phân thân, dưới đây là nói riêng về chuyện điều phục các căn cơ khó hay dễ. “Căn’“căn tánh” thuộc về quá khứ. Đời này, căn tánh lợi hay độn, nói chung là do túc chướng nặng hay nhẹ. Nếu xét theo tứ sanh để luận định lợi hay độn thì như trong kinh Xử Thai, đức Phật bảo Hỷ Kiến Bồ Tát: “Như ngã kim nhật tại mẫu thai trung, dữ chư thập phương thần thông Bồ Tát, thuyết bất thoái chuyển nan hữu chi pháp, diệc dĩ thần thông, nhập thiên tứ sanh, địa ngục tứ sanh, ngạ quỷ tứ sanh, súc sanh tứ sanh. Ư tứ sanh trung, thai hóa nhị sanh tận lậu đắc tật, thấp noãn nhị sanh tận lậu sảo trì. Hóa sanh, thai sanh thị lợi căn nhân, thấp sanh, noãn sanh thị độn căn nhân” (Như ta ngày nay ở trong thai mẹ, cùng các vị thần thông Bồ Tát trong mười phương nói pháp bất thoái chuyển khó có, cũng dùng thần thông vào trong thiên tứ sanh, địa ngục tứ sanh, ngạ quỷ tứ sanh, và súc sanh tứ sanh. Ở trong tứ sanh, thai sanh và hóa sanh, đạt được Lậu Tận nhanh chóng, thấp sanh và noãn sanh thì Lậu Tận chậm hơn. Hóa sanh và thai sanh là người lợi căn; thấp sanh và noãn sanh là kẻ độn căn). Vì thế, Đại Luận nói: “Chư Phật trước hết đã quan sát, biết có kẻ hết thảy phương tiện đều chẳng thể độ được; hoặc là có kẻ khó độ, hoặc dễ giáo hóa; hoặc lại có kẻ [tiếp nhận sự giáo hóa] chậm chạp hay nhanh chóng. Hoặc dùng quang minh, hoặc dùng thần túc, đủ mọi nhân duyên để độ chúng sanh” chính là nói về điều này. Nếu xét theo bốn châu để luận định lợi độn thì như thiên nhân Phí Thị đã nói: “Châu ở phía Bắc ít có Phật pháp, Phật pháp hoằng dương rộng lớn ở ba châu kia. Đông thiên hạ và Tây thiên hạ ít có kẻ trí huệ sắc sảo, phiền não khó hóa độ. Một châu ở phương Nam (Nam Diêm Phù Đề) tuy có lắm kẻ phạm tội, nhưng [có thể] giáo hóa khiến cho họ tuân theo điều lành, tâm dễ điều phục” là nói về chuyện này. Theo sách Ma Ha Chỉ Quán, lợi căn là căn cơ pháp hạnh, độn căn là căn cơ tín hạnh. Như nghe nói “hết thảy chúng sanh vốn có Phật tánh”, họ bèn tin lập tức. Đã tin, bèn lập tức tu; Tam Huệ (Văn, Tư, Tu) nhanh chóng thành tựu, đó là hạng lợi căn!

 

          (Kinh) Hoặc hữu thiện quả, cần khuyến thành tựu.

          ()或有善果勤勸成就。

          (Kinh: Hoặc là kẻ có thiện quả, bèn siêng gắng khuyên lơn khiến họ thành tựu).

 

          “Hoặc hữu thiện quả, cần khuyến thành tựu” tức là có kẻ  ngưỡng

mộ, tin tưởng lý ấy, tư duy, tu tập, Tam Huệ tiến dần dần thì là phường độn căn. Đại Luận nói: “Nếu chúng sanh toan tạo trọng tội, dạy bảo bằng cách tốt lành họ chẳng nghe theo, bèn dùng lời cay đắng để can gián. Tuy họ khởi sân hận, nhưng về sau sẽ được an ổn. Đấy chính là cách để dạy kẻ độn căn”. “Thiện quả” là nói đến Bồ Đề tâm. Các vị như Thân Tử (Xá Lợi Phất) v.v… là kẻ độn căn tột bậc, trải qua trọn đủ năm thời (Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, và Pháp Hoa) mới nhanh chóng phát khởi ba cái nhân, được thọ ký vậy!

 

          (Kinh) Hoặc hữu ám độn, cửu hóa phương quy; hoặc hữu nghiệp trọng, bất sanh kính ngưỡng.

          ()或有暗鈍久化方歸或有業重不生敬仰。

          (Kinh: Hoặc có kẻ ám độn giáo hóa lâu ngày thì mới quy hướng; hoặc có kẻ nghiệp nặng, chẳng sanh lòng kính ngưỡng).

         

          “Ám độn cửu hóa phương quy” (Ám độn, giáo hóa lâu ngày thì mới quy hướng) là như ngài Sa Già Đà (Sāgata, cõi này dịch là Tiểu Lộ Biên Sanh). “Nghiệp nặng chẳng kính ngưỡng” là như Điều Đạt (Đề Bà Đạt Đa, Devadatta) v.v… Đại Luận, quyển thứ hai mươi sáu nói: “Như người chết thì các thứ trang nghiêm dần dần chuyển thành hư nát, trọn chẳng thể khiến cho sống lại. Đề Bà Đạt Đa cũng như thế; Phật hằng ngày giáo hóa đủ mọi cách, ác tâm [của ông ta] càng chuyển thành dữ dội hơn. Ác bất thiện pháp mỗi ngày một tăng thêm, thậm chí tạo tam nghịch tội”. Lại nói: “Thành Xá Vệ có chín ức nhà, có ba ức nhà mắt thấy Phật, ba ức nhà tai nghe nói có Phật, ba ức nhà chẳng thấy, chẳng nghe!” Đức Phật ở tại Xá Vệ (Śrāvastī) hai mươi lăm năm, mà những chúng sanh ấy chẳng nghe, chẳng thấy, huống hồ kẻ ở xa! Lại như bà lão nghèo không có nhân duyên được hóa độ, chẳng được thấy Phật! Nếu có nhiều lòng tin, lợi ích sẽ vô cùng. Đức Phật giáo hóa, điều phục căn cơ còn như thế, cho nên biết đức Địa Tạng phân thân chẳng dễ dàng! Do vậy, [đức Phật] đặc biệt dùng hành vi của chính mình để hiển thị thần lực khó thể nghĩ tưởng của Bồ Tát!

 

3.2.1.1.2.1.2.1.2.2. Quảng thị (chỉ bày chi tiết)

3.2.1.1.2.1.2.1.2.2.1. Kết tiền khởi hậu (kết lại phần trước để phát khởi phần sau)

 

          Đấy là do căn cơ của chúng sanh  lợi  độn  khác  nhau, tin  tưởng

hay hủy báng chẳng giống như nhau; cho nên ta phân thân độ thoát”, [đức Phật nói những lời ấy] nhằm kết lại đoạn kinh văn trên đây. Cũng do chúng sanh mỗi mỗi sai khác, cho nên ta phân thân hóa hiện thành nam, nữ v.v… nhằm phát khởi đoạn kinh văn tiếp theo.

 

          (Kinh) Như thị đẳng bối chúng sanh, các các sai biệt, phân thân độ thoát.       

()如是等輩眾生各各差別分身度脫。

          (Kinh: Các loại chúng sanh như thế ấy, mỗi mỗi sai biệt, [ta đều] phân thân độ thoát).

 

          “Phân thân độ thoát” là như trong kinh Xử Thai, đức Phật bảo Trí Tích Bồ Tát: “Ngã túc mạng sở hành, giới đức cứu cụ, đắc thành Phật thân, biến hóa tự tại, vô sở bất nhập; diệc nhập ư Kim Xí Điểu, diệc nhập ư long tử, diệc nhập ư ngư miết, ngoan, đà, sở hóa như thị” (Trong đời trước, ta do đã hành giới đức rốt ráo trọn đủ, được thành thân Phật, biến hóa tự tại, không gì chẳng vào, cũng vào trong loài Kim Xí Điểu, cũng vào trong các loài rồng, cũng vào trong các loài cá, ba ba, đồi mồi, cá sấu, những loài được giáo hóa như thế đó). Vì thế, đức Phật hỏi ngài Di Lặc: “Tâm hữu sở niệm, kỷ niệm, kỷ tướng thức da?” (Tâm có ý niệm thì là bao nhiêu niệm, bao nhiêu thức có hình tướng vậy?) Ngài Di Lặc thưa: “Cử thủ đàn chỉ chi khoảnh, tam thập nhị ức bách thiên niệm. Niệm niệm thành hình, hình hình giai hữu thức” (Trong khoảng giơ tay lên khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Mỗi niệm thành hình, mỗi hình đều có thức). Thức niệm tột bậc vi tế, chẳng thể chấp trì. Do oai thần của đức Phật mà vào trong thức ấy, đều khiến cho đắc độ. Do thức ấy mà giáo hóa, chẳng phải là không có thức. Vì thế nói: “Đạo sư xuất hiện trong cõi đời, chẳng có duyên, sẽ không giáng thần (hạ sanh trong nhân gian). Do muốn độ kẻ chưa độ, bèn thị hiện tòa thành vô vi”. Như Lai phân thân có thể nghĩ bàn nổi chăng?

 

3.2.1.1.2.1.2.1.2.2.2. Phổ hiện sắc thân (hiện khắp các sắc thân)

 

          (Kinh) Hoặc hiện nam tử thân, hoặc hiện nữ nhân thân, hoặc hiện thiên long thân, hoặc hiện thần quỷ thân, hoặc hiện sơn, lâm, xuyên, nguyên, hà, trì, tuyền, tỉnh, lợi cập ư nhân, tất giai độ thoát.

          ()或現男子身或現女人身或現天龍身或現神鬼

或現山林川原河池泉井利及於人悉皆度脫。

          (Kinh: Hoặc hiện thân nam tử, hoặc hiện thân nữ nhân, hoặc thân trời, rồng, hoặc hiện thân thần, quỷ, hoặc hiện núi, rừng, sông, đồng bằng, rạch, ao, suối, giếng để lợi lạc cho mọi người đều được độ thoát).

          Đây là nêu ra các căn cơ liên quan đến lòng từ bi của đức Phật. Do sức của Vương tam-muội, tuy pháp tánh bất động mà đến ứng hiện. Như trong kinh Xử Thai, đức Phật bảo những người đến dự hội rằng: “Ngô tùng vô số A-tăng-kỳ kiếp, năng đại, năng tiểu, nhập tế vô ngại, hoặc tại thiên thượng, kiếp số giáo hóa. Hoặc tại nhân trung, đại bỉ thọ khổ. Hoặc tại súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục giáo hóa, vô sở bất nhập” (Ta từ vô số A-tăng-kỳ kiếp, có thể lớn, có thể nhỏ, vào những chỗ nhỏ nhặt vô ngại, hoặc ở trên trời giáo hóa bao kiếp. Hoặc ở trong nhân gian, thay họ chịu khổ. Hoặc ở trong súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục để giáo hóa, không đâu chẳng vào). Điều này đã hiển lộ diệu dụng hóa thân của Như Lai.

          Trước hết là hiện thân nam tử. Nam là đại trượng phu khỏe mạnh, có gia đình. Người sống trên đời chẳng thể không theo đuổi việc gì. Do vậy, ghép Lực (力, sức mạnh) và Điền (田, ruộng) thành chữ Nam (男), hàm ý [đó là] chức phận phải đảm đương [của nam nhân]. “Tử” (子) là cành nhánh thân thiết. Tử có nghĩa là “sanh”, “thiên khai ư Tý” (trời mở mang từ Tý)[7], tĩnh đến tột bậc mà lại động.

          Kế đó là hiện làm trời, rồng. Kinh Bi Hoa nói: “Nhược hữu chúng sanh, sự Ma Hê Thủ La thiên, ngã nguyện hóa thân như Ma Hê Thủ La. Sự bát tý giả, hóa vi bát tý thiên thân. Sự nhật, nguyệt, Phạm Thiên, diệc hóa vi nhật, nguyệt, Phạm Thiên nhi giáo hóa chi, linh trụ thiện pháp” (Nếu có chúng sanh thờ trời Ma Hê Thủ La (Maheśvara), ta nguyện hóa thân như Ma Hê Thủ La. Có kẻ thờ thần tám tay[8], ta bèn hóa thành thân trời tám tay. Đối với kẻ thờ mặt trời, mặt trăng, Phạm Thiên, ta cũng hóa làm mặt trời, mặt trăng, Phạm Thiên để giáo hóa, khiến cho họ trụ trong thiện pháp). Đại Trí Độ Luận nói: “Như đích thân Bồ Tát từng làm đại lực độc long. Lại làm long vương tên là Mã Kiên, là do đại Bồ Tát vì bổn nguyện mà sanh trong loài rồng”.

          Kế đó, hiện thân thần quỷ. Như Uế Tích Đại Quyền Thần Vương (Vajra Krodha Mahābala Ucchuṣma, Ô Sô Sắt Ma Minh Vương), Đại Lực Minh Vương (Mahābala Vidyārāja) v.v… hoặc như hiện làm đại quỷ để hàng phục quỷ Khoáng Dã v.v… Núi, rừng, sông, đồng bằng, rạch, ao, suối, giếng, đấy là hiện làm y báo để độ người. Như kinh Bi Hoa nói: “Phật nhân trung vị cứu Diêm Phù Đề nhân dân cơ ngạ, tư duy xả thân thể huyết nhục. Trung lộ hữu sơn, danh Thủy Ái Hộ, tự đầu kỳ thân, tức thành nhục sơn, cao nhất do-tuần, nãi chí cao thiên do-tuần” (Trong lúc tu nhân, vì cứu nhân dân trong Diêm Phù Đề bị đói kém, Bồ Tát suy nghĩ xả thân thể huyết nhục. Giữa đường có một quả núi tên là Thủy Ái Hộ, Ngài bèn tự gieo mình, liền trở thành một núi thịt, cao một do-tuần cho đến cao một ngàn do-tuần).

 

          (Kinh) Hoặc hiện thiên đế thân, hoặc hiện Phạm vương thân, hoặc hiện Chuyển Luân Vương thân, hoặc hiện cư sĩ thân, hoặc hiện quốc vương thân, hoặc hiện tể phụ thân, hoặc hiện quan thuộc thân.

          ()或現天帝身或現梵王身或現轉輪王身或現居士身或現國王身或現宰輔身或現官屬身。

          (Kinh: Hoặc hiện thân thiên đế, hoặc hiện thân Phạm vương, hoặc hiện thân Chuyển Luân Vương, hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân quốc vương, hoặc hiện thân tể phụ, hoặc hiện thân quan lại).

          “Thiên đế” là như xưa kia Đế Thích cùng với a-tu-la La Ha giao chiến, do sức từ nhẫn mà Đế Thích chiến thắng. Xưa kia [đức Phật] làm Phạm vương ngồi dưới gốc cây Trú Độ (Pāracitra, Ba Lợi Chất Đa La) thành đạo. Từ ngữ Chước Ca La Phạt Lạt Để Hạt La Xà (Chakravartin-rājah) trong tiếng Phạn, được cõi này dịch là Chuyển Luân Vương. Thi Thiết Túc Luận[9] nói phải nên phân biệt có kim, ngân, đồng, thiết luân vương theo thứ tự. Tính ngược theo thứ tự trên đây thì các vua ấy sẽ lần lượt thống lãnh một, hai, ba, bốn đại châu (theo kinh Xử Thai, trong vô số A-tăng-kỳ kiếp, [Bồ Tát] lần lượt làm Đại Phạm Thiên, Đế Thích, Luân Vương, mỗi địa vị là ba mươi sáu lần, độ chúng sanh chẳng đọa vào Nhị Thừa hay đường ác).

          Ca La Việt (Kulapati) [trong tiếng Phạn] được dịch là Cư Sĩ, tức là người thích nói những lời danh ngôn, trụ trong hạnh thanh tịnh. Phàm là người tích chứa nhiều của cải, hàng hóa, sản nghiệp sung túc thì đều được gọi bằng danh xưng này. “Quốc vương” chính là Túc Tán Vương[10]. Đất phong của chư hầu gọi là Quốc, từ chữ Vi (囗) bỏ Hoặc (或) vào trong [thì thành chữ Quốc (國)] nhằm minh thị mỗi vị [chư hầu] có lãnh thổ được phân phong, hãy đời đời gìn giữ, đừng xâm phạm lẫn nhau. “Vương” là người đứng đầu Tam Tài. Từ chữ Cổn (丨) xuyên thấu chữ Tam (三) [thành Vương (王)], lập thành đạo “thiên, địa, nhân”. Như vua Đại Quang Minh xả đầu, vua Nguyệt Quang xả mắt, vua Ca Thi phá ngực moi tim, vua Kiên Ý xả tay v.v…

          “Tể” (宰) là chủ, là nấu nướng. Đó là danh xưng chỉ sự nêm nếm các món ăn ngon. Theo Châu Lễ, Trủng Tể (冢宰)[11] có thể điều hòa các quan, nên gọi là Tể. Phụ (輔) có nghĩa gốc là hai thanh gỗ kẹp hai bên thành xe. Trong triều đình có bốn vị “phụ quan” (quan phù tá) gọi là Tả Phụ, Hữu Bật, Tiền Điện, và Hậu Thừa. Do vậy, vị chủ tể quần tịch (群辟, chư hầu bốn phương và trăm quan), giúp đỡ cho sự giáo hóa của vua, như trong quan chế của nhà Châu, Thái Sư, Thái Phó, và Thái Bảo là Tam Công. Kinh Thư chép: “Duy tư tam công, luận đạo kinh bang” (Chỉ có ba vị thuộc ngôi tam công ấy nghiên cứu đạo trị quốc, giúp cho việc cai trị, phát triển nước nhà). Đức Phật từng làm đại thần Cù Tần, chia Diêm Phù Đề thành bảy phần để chấm dứt sự tranh chấp.

          “Quan” (官) là “hoạn” (宦, [nghĩa gốc là] bầy tôi, tôi tớ trong một gia đình. Người làm quan là tôi tớ của vua nên làm quan gọi là “hoạn”. Thái giám là người hầu phục dịch vua, nên cũng gọi là “hoạn quan”), hoặc là “công” (公). “Thuộc” (屬) là quan liêu, bộ khúc[12]. Chức vị của các chư hầu và trăm quan đều thuộc quyền cai quản của Tam Công. Từ thời Hán – Ngụy đến nay, Tam Sư (Tam Công) đều mở phủ, đặt ra các liêu thuộc. Trên đây đều là những người chưa tiếp nhận đạo. Dưới đây toàn là những địa vị đã tiếp nhận đạo.

 

          (Kinh) Hoặc hiện tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thân, nãi chí Thanh Văn, La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát đẳng thân, nhi dĩ hóa độ.

          ()或現比丘比丘尼優婆塞優婆夷身乃至聲聞羅漢辟支佛菩薩等身而以化度。

          (Kinh: Hoặc hiện thân tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, cho đến thân Thanh Văn, La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát v.v… để hóa độ).

          Tỳ-kheo (Bhikṣu) gọi là Khất Sĩ, sống cuộc đời thanh tịnh. Kinh Tịnh Danh dịch tỳ-kheo thành Trừ Cẩn (除饉, trừ khử đói kém), tức bậc xuất gia có giới hạnh, là ruộng phước tốt, có thể sanh ra vật tốt lành, trừ sự đói kém, thiếu hụt về nhân quả! “Ni” (尼) là nữ. Đại Luận nói: “Ni đắc vô lượng luật nghi, kém hơn tỳ-kheo”.

          “Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di”: Tây Vực Ký[13] phiên âm là Ổ Ba Sách Ca (Upāsaka), dịch sang tiếng Hán là Cận Sự Nam (近事男). Ồ Ba Tư Ca (Upāsikā) là Cận Sự Nữ (近事女), ý nói họ thân cận, thừa sự pháp của chư Phật.

          A La Hán (Arhat) dịch là Sát Tặc, Ứng Cúng, hay Bất Sanh. Như trong kinh A Bạt thì dịch là Ứng Chân (應真), kinh Thụy Ứng dịch là Chân Nhân (真人), toàn là dùng ý nghĩa Vô Sanh để giải thích từ ngữ A La Hán. Thanh Văn là như trong phần trước [đã giải  thích]. Câu “nhi  dĩ

hóa độ” (để hóa độ) xuyên suốt cả những câu kinh văn trước đó.

 

          (Kinh) Phi đản Phật thân, độc hiện kỳ tiền.

          ()非但佛身獨現其前。

          (Kinh: Không chỉ là riêng một thân Phật hiện trước mặt họ).

          Câu “phi đản Phật thân” (chẳng phải chỉ có thân Phật) nhằm chỉ rõ không chỉ có một thân tướng hiển hiện, tức là: Há có phải chỉ hiện riêng một thân Phật hiện trước các căn cơ, mà là thuận theo sự cơ cảm của chúng sanh để hiện khắp các sắc thân. Kinh Bảo Vũ nói: “Như Lai thành tựu vô lượng sắc thân, nhược chư hữu tình ưng dĩ Như Lai sắc thân nhi giáo hóa giả, Như Lai tức năng ư nhất sát-na (danh cực thiểu, thời cực thiểu), hoặc nhất Lạp Phược (tức Ca La, nhất thiên lục bách sát-na danh nhất Ca La), nhất Mâu Hô Lật Đa (lục thập Ca La danh Mâu Hô Lật Đa), các các ư bỉ hữu tình chi sở, thị hiện Như Lai sắc thân chi tướng. Nhược ưng kiến chủng chủng biệt loại hữu tình thân tướng, Như Lai tức ư nhất sát-na, nãi chí thị hiện chủng chủng biệt loại hữu tình sắc thân chi tướng” (Như Lai thành tựu vô lượng sắc thân. Nếu các hữu tình đáng nên dùng sắc thân Như Lai để giáo hóa, Như Lai liền có thể trong một sát-na (kṣaṇa, tức là ít nhất, trong khoảng thời gian ít nhất), hoặc một Lạp Phược (Lava, tức Ca La (Kala), một ngàn sáu trăm sát-na gọi là một Ca La), hoặc một Mâu Hô Lật Đa (Muhūrta, sáu mươi Ca La gọi là Mâu Hô Lật Đa), mỗi mỗi đều ở chỗ hữu tình ấy, thị hiện tướng sắc thân của Như Lai. Nếu đáng nên thấy các thứ thân tướng của các loại hữu tình khác biệt, Như Lai sẽ liền trong một sát-na, cho đến thị hiện đủ mọi tướng sắc thân của các loại hữu tình khác nhau), đấy chính là ý được nói trong đoạn kinh [Địa Tạng Bổn Nguyện] này, đều là do thần trí của chư Phật cảm vời.

 

3.2.1.1.2.1.2.2. Phó chúc vị điều chúng sanh (phó chúc [Bồ Tát hãy độ thoát những] chúng sanh chưa được điều phục)

3.2.1.1.2.1.2.2.1. Sắc quán lũy kiếp độ sanh (sắc truyền hãy quán chuyện đức Phật độ sanh trong bao kiếp)

 

          (Kinh) Nhữ quán ngô lũy kiếp cần khổ, độ  thoát  như  thị  đẳng

nan hóa cang cường tội khổ chúng sanh.

          ()汝觀吾累劫勤苦度脫如是等難化剛強罪苦眾生。

          (Kinh: Ông hãy xem ta bao kiếp siêng khổ, độ thoát bọn chúng sanh tội khổ ương ngạnh khó giáo hóa như thế đó).

 

          Đây là đức Phật tự nói khi Ngài còn thuộc địa vị Bồ Tát, trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, đã siêng khổ vô lượng. Đại Kinh nói: “Ngã ư vãng tích chủng chủng khổ hạnh, kim đắc như thị vô thượng phương tiện, vị nhữ đẳng cố, vô lượng kiếp trung xả thân, thủ, túc, đầu, mục, tủy, não” (Ta trong quá khứ đã tu tập đủ mọi khổ hạnh, nay đạt được phương tiện vô thượng như thế, đã vì các ngươi mà trong vô lượng kiếp xả thân, chân, tay, đầu, mắt, tủy, óc). Lời Sớ viết: “Thân mạng thì có ai mà chẳng coi trọng. Ta coi nhẹ sống chết, dẫu so với núi, với đất thì hài cốt [đã thí xả] vẫn nhiều gấp bội. Dẫu so với sông, với biển, thì tủy, não [đã thí xả] chẳng thể sánh ví nổi. Huống hồ vợ, con, quốc thành đã buông bỏ vô số. Ân đức như thế chỉ vì các ngươi buông lung, chẳng thẹn, bị giam chặt trong nhà tù, chẳng được giải thoát!” Há chẳng phải là đã bao kiếp siêng khổ chỉ nhằm độ thoát bọn chúng sanh tội khổ ương ngạnh khó giáo hóa như thế ư? Như Ương Quật Ma La (Angulimala) nghe theo lời dạy của tà sư [mà giết chết bao người, cắt lấy xương ngón tay làm chuỗi đeo], đức Phật bèn dùng thần lực hóa độ, ông ta liền bỏ tà đạo, [theo Phật] xuất gia. Phạm vương tán thán: “Lạ thay, đấng Điều Ngự Thiên Nhân Sư, đức Như Lai khéo điều phục Ương Quật Ma La, ví như rắn độc thấy vị thầy giỏi chú thuật bèn phun khí nhả độc [mà vị thầy giỏi chú thuật] chẳng sợ hãi”.

          Đối với tội khổ, Đại Luận chỉ ra hai thứ:

          – Gậy gộc đánh đập, lạnh, nóng… là thân khổ.

          – Sót thừa, tàn tạ là tâm khổ.

          Các vị thánh nhân do sức trí huệ, chẳng có những nỗi khổ trong tâm như ưu sầu, ganh tỵ, sân hận v.v…, nhưng có những nỗi khổ nơi thân như già, bệnh, đói khát, nóng, lạnh v.v… (ngài Xá Lợi Phất khổ vì bệnh phong nhiệt, ngài Tất Lăng Già Bà Tha (Pilinda-vatsa) khổ vì chứng đau mắt, ngài La Bà Na Bạt Đề (Lakuņţaka Bhaddiya) khổ vì bệnh trĩ). Nhưng nỗi khổ nơi thân cũng nhẹ, ít; như người biết mình mắc nợ người khác thì phải trả, chẳng thấy đó là khổ. Kẻ phàm phu chẳng nhớ đã mang nợ. Vì thế, thân tâm đều chịu nỗi khổ trong hiện tại, thân sau lại có nỗi khổ trong tam đồ. Do vậy nói là “tội khổ chúng sanh”.

 

3.2.1.1.2.1.2.2.2. Linh ức thiên cung phó chúc (dạy hãy nhớ sự phó chúc trên cung trời)

 

          (Kinh) Kỳ hữu vị điều phục giả, tùy nghiệp báo ứng. Nhược đọa ác thú, thọ đại khổ thời.

          ()其有未調伏者隨業報應。若墮惡趣受大苦時。

          (Kinh: Có những kẻ chưa điều phục theo nghiệp báo ứng. Nếu khi họ đọa vào đường ác, chịu khổ to lớn).

          Bốn câu đầu nói đến bọn nghiệp nặng trên đây. “Tùy nghiệp” (Theo nghiệp) là như kinh Ngũ Mẫu Tử nói: “Thế gian nhân bất tri hữu hậu thế sanh, đản ngôn tử nhĩ. Tác thiện tự đắc phước, tác ác tự đắc ương, nhập ác đạo trung, hối vô sở cập, hồn thần không khứ. Tùy kỳ thi hành, nghiệp báo thọ khổ, như ảnh tùy hình” (Người thế gian chẳng biết có đời sau, chỉ nói chết [là hết]. Làm lành tự được phước, làm ác mắc ương họa, vào trong đường ác, hối hận chẳng kịp, hồn thần trơ trọi. Tùy theo những gì mình đã làm mà chịu khổ bởi nghiệp báo như bóng theo hình) là nói về ý này.

 

          (Kinh) Nhữ đương ức niệm ngô tại Đao Lợi thiên cung, ân cần phó chúc, linh Sa Bà thế giới, chí Di Lặc xuất thế dĩ lai chúng sanh, tất sử giải thoát, vĩnh ly chư khổ, ngộ Phật thọ ký.

          ()汝當憶念吾在忉利天宮殷勤付囑令娑婆世界至彌勒出世已來眾生悉使解脫永離諸苦遇佛授記。

          (Kinh: Ông hãy nên nghĩ nhớ ta ở tại cung trời Đao Lợi đã ân cần phó chúc khiến cho chúng sanh trong thế giới Sa Bà cho đến khi Di Lặc xuất thế đều được giải thoát, vĩnh viễn lìa các khổ, gặp Phật thọ ký).

          Từ “nhữ đương” (ông hãy nên) trở đi là đức Phật căn dặn, giao phó: Sau khi ta diệt độ, khi hạng người ấy đọa lạc, chịu khổ, ông hãy nên nghĩ nhớ, tưởng niệm: “Xưa kia, ta ở tại cung trời Đao Lợi, đích thân được đức Thế Tôn ân cần ra rả căn dặn, giao phó: Trong tiểu kiếp thứ mười nơi thế giới Sa Bà, cho đến khi ngài Di Lặc xuất thế thành đạo, trong khoảng ấy, đối với những kẻ đã từng được giáo hóa, hoặc chưa giáo hóa, hãy đều khiến cho họ được giải thoát khỏi ác đạo, vĩnh viễn lìa khỏi các nỗi khổ trong tam đồ, bát nạn. [Đối với những kẻ] cơ duyên chín muồi, gặp Phật thọ ký, hãy [giúp cho họ] tự nên khăng khăng vâng giữ, chẳng để đến nỗi mất đi, đọa lạc”. Sách Tây Vực  Ký  nói  Di  Lặc[14]

[trong tiếng Phạn, chánh âm là] Mai Lý Lệ Da (Maitreya), Hán dịch là Từ Thị. Trong quá khứ, Ngài làm vua tên là Đàm Ma Lưu Chi (Dharmaruci, cõi này dịch là Pháp Hy (法希), cũng dịch là Pháp Lạc), dùng lòng Từ nuôi dưỡng dân trong nước. Từ ấy đến nay, Ngài thường có tên là Từ Thị.

          Kinh Di Lặc Hạ Sanh nói: “Di Lặc thành đạo dĩ (chuẩn Xứ Xứ kinh vân: “Di Lặc vị hạ, nhược đương lai hạ, dư hữu ngũ thập ức thất thiên lục bách vạn tuế”), vô lượng thiên vạn ức chúng sanh kiến thế khổ não, giai ư Phật pháp trung xuất gia. Di Lặc kiến chư đại chúng, tác thị niệm ngôn: ‘Thị chư chúng sanh giai ư Phật pháp trung chủng chư thiện căn, Thích Ca Mâu Ni Phật khiển lai phó ngã, ngã kim thọ chi. Thiện tai Thích Ca Mâu Ni Phật, năng thiện giáo hóa như thị đẳng bách thiên vạn ức chúng sanh, kim chí ngã sở’. Như thị tam xưng tán Thích Ca Mâu Ni Phật, nhiên hậu vị thuyết Tứ Đế, văn giả đồng thời đắc đạo. Thời hoa lâm viên, sơ hội thuyết pháp, cửu thập lục ức nhân đắc A La Hán. Đệ nhị hội thuyết pháp, cửu thập tứ ức nhân đắc A La Hán. Đệ tam hội thuyết pháp, cửu thập nhị ức nhân đắc A La Hán” (Di Lặc đã thành đạo (theo kinh Xứ Xứ nói: “Di Lặc chưa giáng thế. Nếu trong tương lai, Ngài giáng thế thì cách hiện tại năm mươi ức bảy ngàn sáu trăm vạn năm”), vô lượng ngàn vạn ức chúng sanh thấy cõi đời khổ não, đều xuất gia trong Phật pháp. Ngài Di Lặc thấy các đại chúng, bèn nghĩ như thế này: ‘Các chúng sanh này đều gieo các thiện căn trong Phật pháp, Thích Ca Mâu Ni Phật giao phó họ cho ta, ta đều tiếp nhận. Lành thay Thích Ca Mâu Ni Phật! Có thể khéo giáo hóa trăm ngàn vạn ức chúng sanh như thế đó, nay đến chỗ ta’. Ba lượt xưng dương, tán thán Thích Ca Mâu Ni Phật như thế. Sau đó, vì họ nói Tứ Đế, những người đã nghe đều đồng thời đắc đạo. Khi ấy, ở trong vườn Hoa Lâm, hội thuyết pháp đầu tiên, chín mươi sáu ức người đắc A La Hán. Hội thuyết pháp thứ hai, chín mươi bốn ức người đắc A La Hán. Hội thuyết pháp thứ ba, chín mươi hai ức người đắc A La Hán).  

Vì thế, trong kinh Xử Thai, đức Phật bảo ngài Di Lặc rằng: “Nhữ sở tam hội nhân, thị ngô tiên sở hóa. Cửu thập lục ức nhân, thọ ngô Ngũ Giới giả. Thứ thị Tam Quy nhân, cửu thập nhị ức giả, nhất xưng Nam-mô Phật, giai đắc thành Phật đạo” (Người trong ba hội [thuyết pháp] của ông là những người được ta hóa độ trước kia. Chín mươi sáu ức người thọ Ngũ Giới của ta; kế đó là chín mươi hai ức người thọ Tam Quy, xưng Nam-mô Phật một lần, đều được thành Phật đạo) chính là nói về ý này.

          Hòa Già Na (Vyākaraṇa) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Thọ Ký (授記). Ngôn thuyết của bậc thánh là Thọ, quả và tâm phù hợp thì gọi là Ký; tức là được huyền ký sẽ đắc Sơ Trụ vậy. Đấy đều là những người được đức Phật ở tại cung trời phó chúc ngài Địa Tạng [hóa độ] cho đến khi ngài Di Lặc xuất thế.

 

3.2.1.1.2.2. Địa Tạng hợp thân lãnh giáo (ngài Địa Tạng hợp các phân thân lại, vâng nhận lời Phật dạy)

3.2.1.1.2.2.1. Địa Tạng chánh lãnh (Địa Tạng vâng nhận)

3.2.1.1.2.2.1.1. Tự hợp thân tông bổn (trần thuật chuyện hợp các phân thân lại để tỏ rõ cái gốc)

 

          (Kinh) Nhĩ thời, chư thế giới phân thân Địa Tạng Bồ Tát, cộng phục nhất hình, thế lệ ai luyến.

          ()爾時諸世界分身地藏菩薩共復一形涕淚哀戀

          (Kinh: Lúc bấy giờ, phân thân của Địa Tạng Bồ Tát trong các thế giới cùng hợp thành một thân, ứa nước mắt, buồn thương, quyến luyến).

          Kinh Thập Luân nói: “An nhẫn bất động, do như đại địa” (An trụ, nhẫn nhục bất động ví như đại địa). Nay Địa Tạng đại sĩ từ kiếp số xưa kia nhiều như cát, bụi, đã phát nguyện tiếp nhận lời phó chúc cho đến khi ngài Di Lặc thành đạo, sẽ nhẫn nại ở trong chốn trược uế để hóa độ [chúng sanh trong] Nê Lê, [hạnh an nhẫn ấy] khác nào đại địa?

          “Hợp các phân thân làm một thân”, một thân chính là gốc của các

thân. Vì thế, hợp các “ngọn” (phân thân) lại để đề cao cái “gốc” (chân thân). Đấy là do khi ngài Địa Tạng hành Bát Nhã, tu thần thông, Ba La Mật, thọ các chuyện như ý, biến một thân thành vô số thân, vô số thân lại trở thành một thân, ẩn hiển tự tại! Nhưng cũng chẳng chấp trước môn Như Ý Thần Thông ấy, do tự tánh là Không, do lìa, do vô sanh, chẳng có “trụ xứ, trong, ngoài, lớn, nhỏ”. Do sức Thiền Định, nhanh chóng [biến ra] trọn khắp các thân, các thân cũng nhanh chóng trở lại [thành một thân]. Trong kinh Trường A Hàm, quyển thứ mười hai, ngài Xá Lợi Phất nói: “Thần Túc chứng giả, tùy tam-muội tâm, tác vô số thần lực, biến nhất thân vi vô số thân, dĩ vô số thân hợp vi nhất thân. Xưng thị thần lực giả, ty lậu hạ liệt phàm phu sở hành, phi thị hiền thánh chi sở tu tập. Ư chư thế gian, ái sắc, bất ái sắc, nhị câu xả dĩ, tu bình đẳng hộ, chuyên niệm bất vong. Tư nãi danh viết hiền thánh thần túc” (Người chứng Thần Túc do tùy tâm tam-muội mà hiện vô số thần lực, biến một thân thành vô số thân, đem vô số thân hợp thành một thân. Gọi đấy là “thần lực” thì [chuyện ấy chỉ] là chuyện làm của hạng phàm phu thô lậu, hèn kém, chẳng phải là chuyện tu tập của bậc hiền thánh. Ở trong các thế gian, yêu sắc, chẳng yêu sắc, hai đằng đều đã bỏ, tu hộ trì bình đẳng, chuyên niệm chẳng quên. Đấy gọi là Thần Túc của bậc hiền thánh).

Tiểu Thừa còn như thế, huống hồ bậc đại Bồ Tát ư? Một vầng trăng in bóng trong hết thảy các chỗ có nước. Hết thảy bóng trăng trong nước gom về một vầng trăng, đấy chính là ý chỉ “hợp các phân thân thành một thân”.  

          “Ứa lệ, đau buồn, quyến luyến” có bốn ý:

          1) Buồn vì lục đạo tạo nghiệp chẳng hối cải.

          2) Buồn vì chúng sanh ương ngạnh khó giáo hóa.

          3) Buồn vì vầng mặt trời Như Lai trí huệ sắp lặn.

          4) Buồn vì phó chúc trên cung trời là chuyện lớn.

          Do vậy, ứa nước mắt, đau buồn, quyến luyến, quả thật là chuyện không thể nào tránh khỏi!

 

3.2.1.1.2.2.1.2. Thân hóa sự thọ chỉ (thưa trình sự giáo hóa của chính mình, vâng nhận ý chỉ của Phật)

3.2.1.1.2.2.1.2.1. Phật dẫn sử hoạch thông huệ (do được Phật tiếp dẫn mà đạt được thần thông, trí huệ)

 

          (Kinh) Bạch kỳ Phật ngôn: – Ngã tùng cửu viễn kiếp lai, mông Phật tiếp dẫn, sử hoạch bất khả tư nghị thần lực, cụ đại trí huệ.

          ()白其佛言我從久遠劫來蒙佛接引使獲不可思

議神力具大智慧。

          (Kinh: Bạch cùng đức Phật rằng: – Con từ kiếp lâu xa đến nay, được Phật tiếp dẫn, khiến cho con đạt được thần lực chẳng thể nghĩ bàn, trọn đủ đại trí huệ).

 

          Ở đây, ngài Địa Tạng tự thuật chính Ngài đạt được thần thông và trí huệ giống như thần thông và trí huệ của Phật. Ngài nói: “Từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, con được Phật tiếp dẫn, tế độ, giáo dưỡng, khiến cho con đạt được thần thông và trí huệ như Phật. Nay Phật giao phó chúng sanh đời Mạt cho con, con tự biết đáng nên dùng sự tiếp dẫn giống như Phật để tiếp dẫn họ, khiến cho họ cũng đạt được thần thông và trí huệ ấy. Đấy chính là chuyện thuộc về bổn phận của con. Con phải tự nên nắm vững căn cội huyền nhiệm để dìu dắt những kẻ yếu đuối đang chìm đắm vậy!”

 

3.2.1.1.2.2.1.2.2. Hóa thân sa giới lợi sanh (hóa thân trong các cõi nhiều như cát để lợi lạc chúng sanh)

3.2.1.1.2.2.1.2.2.1. Phân thân độ nhân (phân thân độ người khác)

 

          (Kinh) Ngã sở phân thân, biến mãn bách thiên vạn ức Hằng hà sa thế giới. Mỗi nhất thế giới, hóa bách thiên vạn ức thân. Mỗi nhất thân, độ bách thiên vạn ức nhân, linh quy kính Tam Bảo, vĩnh ly sanh tử, chí Niết Bàn lạc.

          ()我所分身遍滿百千萬億恆河沙世界。每一世界化百千萬億身。每一身度百千萬億人令歸敬三寶永離生死至涅槃樂。

          (Kinh: Phân thân của con đầy khắp trăm ngàn vạn ức Hằng hà sa thế giới. Trong mỗi thế giới, hóa hiện trăm ngàn vạn ức thân. Mỗi thân độ trăm ngàn vạn ức người, khiến cho họ quy y, kính ngưỡng Tam Bảo, vĩnh viễn lìa khỏi sanh tử, đạt tới niềm vui Niết Bàn).

          Kinh văn trong đoạn này bao gồm hai ý:

          – Phân thân trong các cõi nhiều như cát, cho thấy thần lực chẳng thể nghĩ bàn.

          – Độ người khác chứng quả, cho thấy trí huệ chẳng thể nghĩ bàn.

          Thần lực và trí huệ là căn bản để phân thân độ người khác. Kinh Thập Luân nói đại lược như sau: “Thử thiện nam tử thành tựu bất khả tư nghị chư công đức pháp, kiên cố thệ nguyện, dũng mãnh, tinh tấn, vị dục thành tựu chư hữu tình cố. Ư thập phương giới, hoặc thời hiện tác Đại Phạm Vương thân, nãi chí hoặc tác địa ngục ngục tốt, chư hữu tình thân. Hiện tác thị đẳng vô lượng vô số dị loại chi thân, vị chư hữu tình như ưng thuyết pháp. Tùy kỳ sở ưng, an trí tam thừa bất thoái chuyển vị” (Vị thiện nam tử này thành tựu các pháp công đức chẳng thể nghĩ bàn, thệ nguyện kiên cố, dũng mãnh, tinh tấn, vì muốn thành tựu các hữu tình. Trong các cõi ở khắp mười phương, [vị thiện nam tử ấy] hoặc có lúc hiện làm thân Đại Phạm Vương, cho đến hoặc làm ngục tốt hay thân các hữu tình trong địa ngục. Hiện làm vô lượng vô số thân dị loại như thế, vì các hữu tình mà thuyết pháp đúng lẽ. Tùy theo căn cơ của họ đáng nên độ như thế nào mà đặt yên họ trong địa vị chẳng thoái chuyển của tam thừa). Vì thế, Đại Luận nói: “Bậc trọn đủ thần thông ở trong các thế giới nhiều như cát sông Hằng khắp mười phương, trong một lúc có thể biến hóa vô lượng thân để cúng dường chư Phật, nghe pháp, thuyết pháp, độ chúng sanh. Những vị như vậy, trừ Phật ra, không ai có thể sánh bằng. Đó là thân cuối cùng của Bồ Tát. Vì thế, có thể rộng độ người ngoài”.   

          “Quy kính Tam Bảo”: Quy (歸) có nghĩa là “quay trở về”; khiến cho họ phản tà quy chánh. “Kính” (敬) có nghĩa là “chuyên thành” (專誠, chuyên ròng chân thành), khiến cho họ bỏ vọng trở về với chân. Tam Bảo chính là trận đầu tiên để trừ ác, là chương đầu tiên để nhập đạo, là tàu thuyền để vượt biển khổ, là đạo trọng yếu để đạt tới Niết Bàn. Vì thế, cần phải quy y. “Vĩnh ly” (永離,vĩnh viễn lìa khỏi) tức là hai thứ sanh tử đều đoạn, ngũ trụ phiền não mất sạch, Tam Đức bí tạng cùng chứng trọn vẹn. Kinh Ngũ Mẫu Tử nói: “Bạt kỳ căn châu, tiện khả đắc thoát. Như nhân bất chủng, đản đương Nê Hoàn, Nê Hoàn khoái lạc” (Nhổ trừ gốc cội, sẽ được giải thoát. Như người chẳng gieo mà đạt được Niết Bàn, hưởng sự vui sướng của Niết Bàn) chính là nói về ý này.

 

3.2.1.1.2.2.1.2.2.2. Tiểu thiện hoạch lợi (do điều lợi nhỏ mà đạt được lợi ích)

 

          (Kinh) Đản ư Phật pháp trung, sở vi thiện sự, nhất mao, nhất đế, nhất sa, nhất trần, hoặc hào phát hứa, ngã tiệm độ thoát, sử hoạch đại lợi.

          ()但於佛法中所為善事一毛一渧一沙一塵

毫髮許我漸度脫使獲大利。

          (Kinh: Chỉ cần là họ ở trong Phật pháp làm thiện sự như một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, hoặc chừng bằng một mảy tóc, con sẽ dần dần độ thoát, khiến cho họ đạt được lợi ích to lớn).

          Làm lành trong Phật pháp có thù thắng và kém cỏi khác nhau. Nay người làm thiện sự kém cỏi, một sợi lông rất nhẹ, một giọt nước cực ít, một hạt cát rất bé, một hạt bụi cực nhỏ, chừng bằng mảy tóc, điều thiện càng ít ỏi hơn. Nhưng con cũng khiến cho [người đã làm điều thiện nhỏ nhoi ấy] thoát khỏi sanh tử, đạt được lợi ích to lớn. Trong kinh Hiền Ngu, đức Phật bảo ngài A Nan: “Nhược hữu chúng sanh, ư Tam Bảo phước điền trung, chủng thiểu thiểu chi thiện, đắc vô cực quả” (Nếu có chúng sanh từ trong ruộng phước Tam Bảo mà gieo chút ít điều thiện, sẽ đạt được cái quả chẳng có cùng cực). Đấy chính là gom những điều lành nhỏ nhoi của trời, người về Nhất Thừa rộng lớn, tức là giống như kinh Pháp Hoa mở rộng khắp sáu đường, [những ai đối trước Tam Bảo mà] cúi đầu, giơ tay, khảy ngón tay, rải hoa [đều tạo là cái nhân để thành Phật]. Vốn là phước thuộc đường trời người, nay mở rộng ra thành duyên nhân[15] Phật chủng, khiến cho họ đạt được lợi ích to lớn, há còn nghi nữa chăng?

 

3.2.1.1.2.2.1.3. Ủy Thế Tôn vật lự (an ủi đức Thế Tôn đừng lo lắng)

 

          (Kinh) “Duy nguyện Thế Tôn, bất dĩ hậu thế ác nghiệp chúng sanh vi lự”. Như thị tam bạch Phật ngôn: “Duy nguyện Thế Tôn, bất dĩ hậu thế ác nghiệp chúng sanh vi lự”.

          ()唯願世尊不以後世惡業眾生為慮。如是三白佛言唯願世尊不以後世惡業眾生為慮。

          (Kinh: “Kính mong đức Thế Tôn chớ nên vì chúng sanh ác nghiệp đời sau mà lo lắng”. Bồ Tát bạch cùng đức Phật ba lần như thế này: “Kính mong đức Thế Tôn chớ nên vì chúng sanh ác nghiệp đời sau mà lo lắng”).

          “Ủy vật lự” (An ủi đừng lo) nhằm nói rõ: Đấy là chuyện thuộc về trách nhiệm của chính mình. Bởi lẽ, những cái gọi là “hết thảy phiền não, sáu mươi hai kiến” v.v… đều là chủng tử của Như Lai, tức là kẻ Nhất Xiển Đề cũng chẳng đoạn tánh thiện. Nếu gặp pháp duyên, thiện căn lại phát khởi. Một điều thiện nếu dấy lên, muôn điều ác sẽ hoàn toàn tiêu! Ví như một đốm lửa đốt rụi củi chất vạn khoảnh, thất độc[16] khiến nhiều người mất mạng! Như kinh Thập Luân nói: “Tùy sở trụ xứ, nhược chư hữu tình, tham, sân, si đẳng giai mãnh lợi cố, tạo tác Thập Ác nghiệp đạo, hữu năng chí tâm xưng danh niệm tụng, quy kính cúng dường Địa Tạng Bồ Tát giả, nhất thiết phiền não tất giai tiêu diệt, viễn ly Thập Ác, thành tựu Thập Thiện. Ư chư chúng sanh, khởi từ bi tâm, cập lợi ích tâm. Thử thiện nam tử thành tựu như thị công đức diệu định oai thần chi lực, dũng mãnh, tinh tấn. Ư nhất thực khoảnh, năng ư vô lượng vô số Phật độ, nhất nhất độ trung, dĩ nhất thực khoảnh, giai năng độ thoát vô lượng vô số Căng Già sa đẳng sở hóa hữu tình, linh ly chúng khổ, giai đắc an lạc. Tùy kỳ sở ưng, an trí sanh thiên Niết Bàn chi đạo” (Ở bất cứ nơi đâu, nếu các hữu tình tham, sân, si v.v… mạnh mẽ, sắc bén, tạo tác Thập Ác nghiệp đạo, mà có kẻ chí tâm xưng danh, niệm tụng, quy y, kính ngưỡng, cúng dường Địa Tạng Bồ Tát thì hết thảy phiền não thảy đều tiêu diệt, xa lìa Thập Ác, thành tựu Thập Thiện. Đối với các chúng sanh, dấy tâm từ bi và tâm lợi ích, thiện nam tử ấy sẽ thành tựu sức công đức diệu định oai thần, dũng mãnh, tinh tấn. Trong khoảng một bữa ăn, có thể trong vô lượng vô số cõi Phật, trong mỗi cõi, dùng khoảng thời gian chừng một bữa ăn, đều có thể độ thoát vô lượng Hằng hà sa các hữu tình đáng hóa độ, khiến cho họ lìa các nỗi khổ, đều được an vui. Tùy theo căn cơ đáng nên độ mà đặt yên họ nơi đường sanh lên trời hoặc Niết Bàn). Vì thế, chẳng còn phải lo sầu cho chúng sanh ác nghiệp trong đời mai sau nữa!

 

3.2.1.1.2.2.2. Như Lai tán hỷ (Như Lai tán thán, hoan hỷ)

 

          (Kinh) Nhĩ thời, Phật tán Địa Tạng Bồ Tát ngôn: “Thiện tai! Thiện tai! Ngô trợ nhữ hỷ. Nhữ năng thành tựu cửu viễn kiếp lai, phát hoằng thệ nguyện, quảng độ tương tất, tức chứng Bồ Đề”.

          ()爾時佛讚地藏菩薩言善哉善哉吾助汝喜。

汝能成就久遠劫來發弘誓願廣度將畢即證菩提。

          (Kinh: Lúc bấy giờ, đức Phật tán thán Địa Tạng Bồ Tát rằng: “Lành thay! Lành thay! Ta giúp cho ông được toại nguyện. Ông có thể từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, đã phát thệ nguyện rộng lớn, khi độ xong tất cả chúng sanh, ông sẽ liền chứng Bồ Đề”).

          Ngài Địa Tạng đã vâng lãnh lời phó chúc và an ủi đức Phật, đức Như Lai liền tán thán, hoan hỷ phụ trợ. Tán thán “thiện tai” hai lượt là vì:

          1) Bồ Tát có thể thấu hiểu Phật tâm, kính cẩn, vâng theo mệnh lệnh nghiêm cẩn.

          2) Bồ Tát dùng phân thân lợi lạc chúng sanh, chẳng bỏ sót mảy may phước nào.

          Vì thế, đức Phật hoan hỷ, “ông khiến cho tâm ta được toại, nguyện của ông được mãn”. Từ hai chữ “quảng độ” trở đi, chính là lời hứa khả của đức Phật, mà cũng là tự biết đúng thời vậy. Như kinh Phổ Diệu nói: “Bất xử sanh tử, bất trụ Nê Hoàn, tiện thọ Bồ Đề quyết” (Chẳng trụ trong sanh tử, chẳng trụ trong Niết Bàn, liền được thọ ký Bồ Đề). Như vậy là ngài Địa Tạng đã chứng đại Bồ Đề từ lâu, cần gì phải chờ rộng độ chúng sanh xong xuôi nữa ư?

 

3.2.2. Minh sở hóa chi cơ (nói rõ căn cơ được Bồ Tát hóa độ)

         

          Nói chung [những căn cơ được hóa độ] là lục đạo, nói riêng thì chỉ có tam đồ, đích xác là nói tới địa ngục. Tức là do ba nghiệp thân, miệng, ý, tạo trọn đủ thượng phẩm Thập Ác, cho nên chuốc lấy nỗi khổ địa ngục! Kinh văn chia làm ba phần:

          1) Chỉ dạy nghiệp duyên sai khác.

          2) Chỉ dạy nghiệp cảm sai khác.

          3) Chỉ dạy nghiệp báo sai khác.

          Đấy là theo thứ tự đối ứng với ba đường Hoặc, Nghiệp, Khổ mà luận định căn cơ được giáo hóa.

 

3.2.2.1. Thị nghiệp duyên sai biệt (dạy về nghiệp duyên sai biệt)

3.2.2.1.1. Phẩm đề (tên gọi của phẩm kinh)

 

(Kinh) Quán chúng sanh nghiệp duyên, phẩm đtam.

()觀眾生業緣品第三

(Kinh: Phẩm thứ ba: Quán chúng sanh nghiệp duyên).

 

3.2.2.1.2. Phẩm văn (kinh văn trong phẩm này)

3.2.2.1.2.1. Thánh mẫu khải vấn (thánh mẫu thưa hỏi)

 

          (Kinh) Nhĩ thời, Phật mẫu Ma Da phu nhân, cung kính hiệp chưởng, vấn Địa Tạng Bồ Tát ngôn: “Thánh giả! Diêm Phù chúng sanh tạo nghiệp sai biệt, sở thọ báo ứng, kỳ sự vân hà?”

          ()爾時佛母摩耶夫人恭敬合掌問地藏菩薩言聖者閻浮眾生造業差別所受報應其事云何

          (Kinh: Lúc bấy giờ, Phật mẫu Ma Da phu nhân chắp tay cung kính, hỏi Địa Tạng Bồ Tát rằng: “Thưa thánh giả! Chúng sanh trong Diêm Phù tạo nghiệp sai khác, hứng chịu báo ứng, chuyện ấy là như thế nào?”)

 

          Thánh mẫu nghe nói “chúng sanh mỗi người mỗi khác, cho nên đức Như Lai phân thân độ thoát”. Lại nghe ngài Địa Tạng thưa “[kính mong Thế Tôn] đừng lo nghĩ vì chúng sanh ác nghiệp đời sau”, cho nên mới thừa cơ thưa hỏi. Nhưng thánh mẫu đứng ra hỏi đầu tiên là vì Như Lai lên cung trời chính là vì thánh mẫu [thuyết pháp]. Huống hồ mẹ của đức Phật thì càng đáng nên đứng đầu đại chúng. Chữ A Ly Dã (Ārya) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Thánh Giả. Không chuyện gì chẳng thông suốt thì gọi là Thánh. Khổng Tử nói với Lỗ Ai Công[17]: “Được gọi là thánh nhân là do trí thông suốt đại đạo, ứng biến không cùng tận, suy lường được tình và tánh của muôn loài”. Nay ngài Địa Tạng dùng phương tiện chẳng thể nghĩ bàn, ứng biến không ngằn mé, cho nên được gọi là “thánh giả”. Từ “Diêm Phù chúng sanh” trở đi chính là lời lẽ trình bày mối nghi: Hết thảy chúng sanh do tự chuyển theo nghiệp mà có thượng, trung, hạ sai khác. Trong kinh Chiêm Sát, Địa Tạng Bồ Tát đã nói: “Sở quán tam thế quả báo thiện ác chi tướng, hữu nhất bách bát thập cửu tướng” (Quán tướng thiện ác của quả báo ba

đời thì có một trăm tám mươi chín tướng). Người tu hãy nên tự tra cứu!

 

3.2.2.1.2.2. Địa Tạng kính đáp (Địa Tạng kính cẩn đáp)

3.2.2.1.2.2.1. Thông thị chư giới nghiệp duyên (chỉ dạy chung về nghiệp duyên của các giới)

 

          (Kinh) Địa Tạng đáp ngôn: “Thiên vạn thế giới, nãi cập quốc độ, hoặc hữu địa ngục, hoặc vô địa ngục. Hoặc hữu nữ nhân, hoặc vô nữ nhân. Hoặc hữu Phật pháp, hoặc vô Phật pháp. Nãi chí Thanh Văn, Bích Chi Phật, diệc phục như thị, phi đản địa ngục tội báo nhất đẳng”.

          ()地藏答言千萬世界乃及國土或有地獄或無地獄。或有女人或無女人。或有佛法或無佛法。乃至聲

辟支佛亦復如是非但地獄罪報一等。

          (Kinh: Địa Tạng đáp rằng: – Ngàn vạn thế giới cho đến quốc độ, hoặc có địa ngục, hoặc không có địa ngục. Hoặc có nữ nhân, hoặc không có nữ nhân. Hoặc có Phật pháp, hoặc không có Phật pháp. Cho đến Thanh Văn, Bích Chi Phật cũng [sai biệt] giống như thế, không chỉ riêng tội báo trong địa ngục sai khác mà thôi).

          Phàm chủ khách xướng họa, như đe và búa đập vào nhau, nay hỏi và đáp chẳng phù hợp, là vì lẽ nào? Ấy là vì lời hỏi của thánh mẫu có chỗ chưa thấu triệt. Bởi lẽ, thế giới vô biên, quốc độ vô lượng, chúng sanh vô tận, nghiệp quả không ngằn mé. Nay chỉ hỏi nghiệp báo sai biệt của chúng sanh trong Diêm Phù, chẳng phải là quá hạn cuộc ư? Trước tiên, Bồ Tát trả lời [bằng cách nói đến] ngàn vạn thế giới, dụng ý ấy suy ra sẽ biết ngay. Có địa ngục là như Sa Bà; không có địa ngục là như Cực Lạc. Cõi A Súc Phật tuy có nữ nhân, nhưng chẳng có ý tưởng tà dục. Quốc độ Cực Lạc và [như các] kinh Bát Dương Thần Chú, kinh Bát Cát Tường, kinh Bát Phật Danh Hiệu, [đều nói trong quốc độ] của tám vị Phật ở phương Đông, trong mỗi cõi đều chẳng có nữ nhân. Trong cõi nước không có nữ nhân, sẽ là thanh tịnh nhất. Đại Trí Độ Luận nói: “Bồ Tát quán dục có đủ mọi thứ bất tịnh. Trong các thứ suy bại, suy bại vì nữ nhân là nặng nhất. [Sánh ví nữ nhân như] dao đánh lửa, sấm chớp, sét đánh, oán gia, rắn độc thì vẫn là tạm gần giống. Nữ nhân keo kiệt, đố kỵ, sân hận, siểm khúc, lẳng lơ, uế ác, tranh chấp, tham  lam, ghen  ghét,

chớ nên thân cận”.

          “Có Phật pháp, không có Phật pháp”: Đại Luận viết: “Hỏi: Vì sao coi trọng thế giới có Phật, coi thường cõi nước không có Phật? Đáp: Phật là trang nghiêm thế giới chủ. Nếu chư Phật chẳng xuất thế, ắt chẳng có đạo tam thừa Niết Bàn. Nếu cõi đời có Phật, chúng sanh thường thoát khỏi lao ngục tam giới. Chúng sanh biết có tội phước, thọ Tam Quy, Ngũ Giới, Bát Trai, và có năm chúng xuất gia v.v… các thứ thiện pháp. Nếu một cõi nước chẳng có Phật, thì ngay cả trời, người cũng chẳng thể tu thiện”.

          “Nãi chí Thanh Văn” (Cho đến Thanh Văn) là từ ngữ nói giản lược. Theo kinh Bi Hoa, hoặc là có thế giới thuần là các Bồ Tát, chẳng có danh xưng Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc là có Thanh Văn và Bích Chi Phật Thừa, hay là có hoặc không có Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc là Ngũ Trược tệ ác, hoặc là thanh tịnh vi diệu, hoặc là hèn tệ, thô lậu, bất tịnh, hoặc trang nghiêm thanh tịnh diệu hảo, hoặc thọ mạng vô lượng, hoặc thọ mạng ngắn ngủi, đủ mọi thứ sai khác. Vì thế nói là “nãi chí”. Do đó, biết lời hỏi của thánh mẫu chưa trọn vẹn cho mấy!

 

3.2.2.1.2.2.2. Đích thị Diêm Phù ác thú (dạy đích xác về đường ác trong Diêm Phù)

3.2.2.1.2.2.2.1. Thánh mẫu trùng bạch (thánh mẫu lại thưa bày)

         

          (Kinh) Ma Da phu nhân trùng bạch Bồ Tát: “Thả nguyện văn ư Diêm Phù tội báo, sở cảm ác thú”.

          ()摩耶夫人重白菩薩且願聞於閻浮罪報所感惡趣。

          (Kinh: Ma Da phu nhân lại thưa cùng Bồ Tát: “Vẫn mong nghe về tội báo trong Diêm Phù chiêu cảm đường ác”).

          “Thả” (且) là từ ngữ diễn tả sự trình bày thô thiển, đại lược, chưa rốt ráo. Ý nói: “Không phải là tôi chẳng muốn nghe chuyện trong các quốc độ. Tôi nay đã nghe về tội báo của chúng sanh trong Diêm Phù, bèn hỏi Nam Châu cảm vời đường ác như thế nào đó thôi!”

 

3.2.2.1.2.2.2.2. Địa Tạng tái đáp (ngài Địa Tạng lại trả lời)

3.2.2.1.2.2.2.2.1. Bỉ thử khiêm cung (đôi bên khiêm cung lẫn nhau)

 

          (Kinh) Địa Tạng đáp ngôn: “Thánh mẫu! Duy nguyện thính thọ, ngã thô thuyết chi”. Phật mẫu bạch ngôn: “Nguyện thánh giả thuyết”.

          ()地藏答言聖母唯願聽受我麤說之。佛母白言願聖者說。

          (Kinh: Ngài Địa Tạng đáp rằng: “Thưa thánh mẫu! Xin hãy nghe nhận, tôi sẽ nói thô thiển về chuyện đó”. Phật mẫu bạch rằng: “Mong thánh giả hãy nói”).

          “Nguyện thính thọ”: Mong thánh mẫu hãy đại diện cho các chúng sanh [mà lắng nghe]. “Thô thuyết” có hai ý:

          1) Một là danh hiệu địa ngục quá nhiều, chuyện khổ vấn vít. Nếu muốn nói cặn kẽ, dẫu suốt một kiếp vẫn chẳng thể hết được.

          2) Hai là nói Không, Vô Tướng v.v… thì gọi là từ ngữ mềm mỏng, dịu dàng; nói những chuyện trong địa ngục thì gọi là từ ngữ thô tháp.

          “Nguyện thuyết”: Vì tôi thật sự mong mỏi Ngài nói về chuyện này, xin đừng cố sức khiêm tốn nữa!

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2. Đáp minh tội báo (đáp rõ về tội báo)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1. Địa Tạng tường thị (ngài Địa Tạng dạy rõ)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.1. Tổng thị (chỉ dạy tổng quát)

         

          (Kinh) Nhĩ thời, Địa Tạng Bồ Tát bạch thánh mẫu ngôn: – Nam Diêm Phù Đề tội báo, danh hiệu như thị.

          ()爾時地藏菩薩白聖母言南閻浮提罪報名號如是。

          (Kinh: Lúc bấy giờ, Địa Tạng Bồ Tát bạch cùng thánh mẫu: – Danh hiệu của tội báo trong Nam Diêm Phù Đề là như thế này).

         

          Ý nghĩa đã rõ.

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2. Biệt minh (nói riêng)  

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.1. Chánh đáp Diêm Phù tội báo (đáp thẳng vào tội báo của Diêm Phù)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.1.1. Biệt minh tội báo (nói riêng từng tội báo)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.1.1.1. Bất hiếu nhị thân (bất hiếu với song thân)

 

          (Kinh) Nhược hữu chúng sanh, bất hiếu phụ mẫu, hoặc chí sát hại, đương đọa Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp, cầu xuất vô kỳ.

          ()若有眾生不孝父母或至殺害當墮無間地獄千萬億劫求出無期。

          (Kinh: Nếu có chúng sanh chẳng hiếu thảo với cha mẹ, hoặc còn đến nỗi giết hại, sẽ đọa trong địa ngục Vô Gián ngàn vạn ức kiếp, chẳng có thuở nào mong thoát ra được).

          Trước tiên, nêu ra tội đã tạo. Từ “đương đọa” (sẽ đọa) trở đi là nói đến quả báo cảm vời. Những đoạn sau đều phỏng theo lệ này. Trước hết, nêu lên tội bất hiếu cha mẹ, vì thấy tội ấy cực lớn, cực nặng. Đó là vì cha mẹ ví như trời đất. Kinh Ân Trọng nói: “Nhân sanh tại thế, phụ mẫu vi thân, phi phụ bất sanh, phi mẫu bất dục” (Người sống trên cõi đời, cha mẹ là chí thân. Không có cha, sẽ chẳng sanh ra ta, không có mẹ, không người nuôi nấng ta). Do vậy, kinh Nan Báo nói: “Tả kiên trì phụ, hữu kiên trì mẫu, kinh lịch thiên niên, tiện lợi bối thượng, do bất năng báo phụ mẫu chi ân” (Vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, trải suốt ngàn năm, cha mẹ tiêu tiểu trên lưng, vẫn chẳng thể báo được ân cha mẹ). Hơn nữa, làm con tận hiếu là thiên lý thường hằng, là cội rễ của nhân luân. Nếu làm con mà bất hiếu, ắt cha mẹ chẳng còn mong đợi gì nơi con được nữa, chẳng bằng loài cầm thú, mọi rợ, sao đáng gọi là người ư? Do đó, kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Hữu tứ chủng ân, thậm vi nan báo! Nhất mẫu, nhị phụ, tam Như Lai, tứ thuyết pháp sư. Nhược hữu cúng dường thử tứ chủng nhân, đắc vô lượng phước. Hiện tại vị nhân tán thán, vị lai năng đắc Bồ Đề” (Có bốn thứ ân khó báo đáp nhất. Một là mẹ, hai là cha, ba là Như Lai, bốn là thầy thuyết pháp. Nếu có người cúng dường bốn loại người ấy, sẽ được vô lượng phước. Hiện tại được người khác tán thán, trong tương lai sẽ đắc Bồ Đề).

          Nay đã chẳng thể cúng dường, báo ân, tức là đã đánh mất trách nhiệm của kẻ làm con, huống hồ dám làm chuyện đại nghịch đến nỗi giết hại ư? Than ôi! Cha mẹ là người như thế nào? Giết hại họ, đáng gọi là gì đây? Sát (殺) là tru diệt. Có tội mà bị hành hình giết chết thì là theo đúng pháp. “Hại” (害) là tổn thương. Có oán ắt báo, xét về tình còn chưa nên! Nay cha mẹ có tội gì, có oán gì, mà đến nỗi giết hại vậy? Theo kinh Vị Sanh Oán, vua A Xà Thế muốn hại cha. Vua cha nói: “Mỗi khi ngươi bị bệnh, ta lo lắng cháy lòng, muốn dùng thân mạng để cứu nguy thay cho ngươi”. Ân nhân từ của cha mẹ, chỉ có trời là hơn! Ngươi ôm cái tâm gì mà nỡ lòng ác nghịch? Những kẻ giết cha mẹ, chết rồi sẽ vào Thái Sơn [chịu tội][18]. Vì thế kinh nói: “Bất hiếu chi tội, chúng tội chi thượng. Tự ưng đọa Vô Gián ngục trung, thọ khổ thiên vạn ức kiếp, cầu xuất vô kỳ dã” (Tội bất hiếu cao hơn các tội, đáng đọa vào địa ngục Vô Giác, chịu khổ ngàn vạn ức kiếp, chẳng mong có thuở thoát ra).

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.1.1.2. Bất kính Tam Bảo

 

          (Kinh) Nhược hữu chúng sanh, xuất Phật thân huyết, hủy báng Tam Bảo, bất kính tôn kinh, diệc đương đọa ư Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp, cầu xuất vô kỳ.

          ()若有眾生出佛身血毀謗三寶不敬尊經亦當墮於無間地獄千萬億劫求出無期。

          (Kinh: Nếu có chúng sanh làm thân Phật chảy máu, hủy báng Tam Bảo, chẳng kính trọng kinh điển, cũng sẽ đọa trong địa ngục Vô Gián ngàn vạn ức kiếp, chẳng mong có thuở thoát ra).

          “Xuất Phật thân huyết” (Làm thân Phật chảy máu) là như Đề Bà Đạt Đa đẩy núi toan đè chết Phật. Kim Cang Lực Sĩ (tức thần núi Kỳ Xà Quật, tên là Tỳ La) dùng chày Kim Cang từ xa quăng tới, đá vỡ nát văng ra, làm tổn thương ngón chân của Phật. Xe bốc lửa đến đón [Đề Bà Đạt Đa] đọa địa ngục ngay trong khi còn sống. Nếu người đời thiêu đốt kinh, tượng, sẽ bị phán cùng một tội. Hủy báng Tam Bảo là do không có lòng tin. Kinh Thập Luân, quyển bốn nói: “Hữu Sát-đế-lợi Chiên Đồ La vương, tể quan, cư sĩ, trưởng giả, sa-môn, Bà-la-môn đẳng, tùy ác hữu hành, thiện căn vi thiểu, siểm khúc, ngu si, hoài thông minh mạn, ư Tam Bảo sở vô thuần tịnh tâm, bất kiến, bất úy hậu thế ác quả. Tự vị thông mẫn, ư ngã sở thuyết Thanh Văn, Duyên Giác, cập Đại Thừa pháp, hủy tư phỉ báng, bất thính chúng sanh thọ trì, độc tụng, hạ chí nhất tụng. Như thị đẳng nhân, danh vi hủy báng Phật chánh pháp giả, khiêu hoại vô lượng chúng sanh pháp nhãn. Thị nhân bất cửu, tiện đương chi thể phế khuyết, kết thiệt bất ngôn, thọ chư khổ độc, thống thiết nan nhẫn. Mạng chung định sanh Vô Gián đại ngục” (Có loại vua Chiên Đồ La trong dòng Sát-đế-lợi, tể quan, cư sĩ, trưởng giả, sa-môn, Bà-la-môn v.v… làm theo bạn ác, thiện căn kém ít, siểm khúc, ngu si, ôm lòng ngạo mạn, tự cho là thông minh, đối với Tam Bảo chẳng có tâm thuần tịnh, chẳng thấy, chẳng sợ ác quả đời sau, tự cho là thông thái, mẫn tiệp, đối với các pháp Thanh Văn, Duyên Giác và Đại Thừa do ta đã nói bèn hủy báng, chê bai, phỉ báng, chẳng cho phép chúng sanh thọ trì, đọc tụng, dẫu chỉ một bài kệ. Hạng người như thế gọi là kẻ hủy báng chánh pháp của Phật, chọc mù pháp nhãn của vô lượng chúng sanh. Kẻ ấy chẳng bao lâu, các chi thể sẽ bị hư hoại, sứt thiếu, cứng lưỡi chẳng nói được, chịu đựng các thứ khổ độc, đau đớn cùng cực, khó thể chịu đựng nổi! Mạng chung nhất định sẽ sanh vào ngục lớn Vô Gián).

          “Bất kính tôn kinh” là như kinh Vấn Sự Phật Cát Hung đã nói: “Hữu nhân sự Phật, bất kính Phật kinh, trì trước tệ khiếp, y phục bất tịnh chi trung, hoặc trước thê tử sàng thượng, bất tịnh chi xứ, hoặc trì quải bích thượng, vô hữu tòa tịch cung kính chi tâm, dữ thế gian phàm thư vô dị” (Có kẻ thờ Phật mà chẳng tôn kính kinh Phật, để kinh trong rương nát, quần áo chẳng sạch, hoặc bỏ trên giường của vợ con là chỗ bất tịnh, hoặc treo móc trên vách, chẳng tôn trọng, cung kính, chẳng khác sách vở tầm thường trong thế gian). A Nan Thỉnh Giới Luật Luận nói: “Hàng tăng ni, bạch y (tại gia cư sĩ) v.v… đọc kinh, luật, luận, đang trong lúc đi và nói mà tay cầm [quyển kinh] lật mở, sẽ tính theo số năm trên trời Đao Lợi [để kết tội kẻ ấy] phạm tội Đột Cát La[19], bàng báo (báo ứng kèm theo) là hai ức năm, đọa làm loài cheo, nai, luôn bị cong gập xương sống, đau khổ khó thể chịu đựng nổi. Vô tâm nói đùa, cầm nắm kinh luật luận [để đùa bỡn], cũng chuốc lấy báo ứng như trên. Hoặc để kinh, tượng ở dưới mái thềm nhà cửa hoặc điện đường, tính theo kiếp số nơi trời Đao Lợi, phạm trọng tội Đột Cát La tám trăm năm, bàng báo hai ức năm, đọa trong loài lợn, chó. Nếu được làm thân người, trong một ức năm, sẽ làm thân ăn nhờ ở đậu lênh đênh, chẳng được tự tại”. Do vậy, nói là “cũng sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián” v.v…

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.1.1.3. Xâm tổn dâm ô

 

          (Kinh) Nhược hữu chúng sanh, xâm tổn thường trụ, điểm ô tăng ni. Hoặc già lam nội, tứ hành dâm dục, hoặc sát, hoặc hại. Như thị đẳng bối, đương đọa Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp, cầu xuất vô kỳ.

          ()若有眾生侵損常住點污僧尼。或伽藍內恣行婬欲或殺或害。如是等輩當墮無間地獄千萬億劫求出無期。

          (Kinh: Nếu có chúng sanh xâm phạm, tổn hại thường trụ, làm ô uế tăng ni. Hoặc ở trong chốn chùa chiền, phóng túng làm chuyện dâm dục, hoặc giết, hoặc hại. Hạng người như thế sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn vạn ức kiếp, chẳng mong có thuở thoát ra).

 

          “Thường trụ”: Tiếng Phạn là Tăng-kỳ (Sāṃghika), cõi này dịch là Tứ Phương Tăng Vật (vật dụng của tăng chúng bốn phương). Luật Sao[20] nói có bốn loại Thường Trụ:

          1) Thường trụ thường trụ (tức là tự xá, cây cối, ruộng, vườn, nô bộc, thú nuôi của tăng chúng, chỉ hạn cuộc trong chỗ chùa chiền ấy, chẳng thông với những nơi khác. [Tăng chúng ở ngôi già-lam ấy] chỉ được thọ dụng, không được chia chác để bán đi. Vì thế, nói trịnh trọng là “thường trụ”).

          2) Thập phương thường trụ (những thứ thường ăn để dâng cho chúng tăng trong nhà chùa, áp dụng chung cho mười phương, [quyền sở hữu] chỉ hạn cuộc nơi ấy). Hai thứ này được gọi là Tăng Kỳ Vật.

          3) Hiện tiền hiện tiền (những vật được bố thí, chỉ thí cho những tăng chúng đang hiện tiền ở nơi ấy).

          4) Thập phương hiện tiền (vật dụng của năm loại tăng chúng đã mất. Nếu chưa bạch Yết Ma [mà tự tiện chiếm dụng] thì mắc tội với thập phương Tăng; đã bạch Yết Ma thì [tự tiện chiếm dụng], sẽ mắc tội với hiện tiền Tăng).

          Hai thứ này được gọi là Hiện Tiền Tăng Vật. Kinh Thập Luân nói: “Nhược hữu tứ phương Tăng vật, tư sanh, tạp vật đẳng, trì giới, phá giới, như thị nhân đẳng tất bất dữ chi, mạng chung dĩ hậu, giai đọa A Tỳ địa ngục” (Nếu có vật dụng, đồ dùng cần cho cuộc sống, các vật dụng thông thường v.v… thuộc về tăng chúng bốn phương mà đối với người trì giới hay phá giới đều không chia cho họ, sẽ đều đọa vào địa ngục A Tỳ).

          “Điểm ô tăng ni”: Chữ Điểm (點) ở đây giống như Điếm (玷), tức là bôi đen. Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na (học pháp nữ), sa-di-ni chính là hậu duệ của di mẫu đức Phật, kẻ tham dục chẳng biết tội phước, cưỡng bức họ làm chuyện ô nhục, dẫu ngàn đức Phật ra đời, cũng chẳng thể sám hối được!

          “Tăng-già-lam” (Sam̐ghārāma) trong tiếng Phạn được dịch là Chúng Viên (眾園, vườn của đại chúng). Tăng Sử Lược[21] nói: “Làm chỗ vườn tược cho mọi người, là chỗ gieo trồng”. Đệ tử Phật chính là [những người đang] gieo trồng mầm đạo, thánh quả. Luật Tứ Phần nói: “Vân hà ư thanh tịnh pháp trung, hành bất tịnh da? Thân hoại, mạng chung, đọa tam ác đạo” (Vì lẽ nào mà ở trong pháp thanh tịnh lại làm chuyện bất tịnh? Thân hư, mạng chết, đọa trong ba đường ác). Trong kinh Ngạ Quỷ Báo Ứng, một con quỷ hỏi ngài Mục Liên rằng: “Nam căn của tôi thường bị lở loét, hư nát, do tội gì mà đến nỗi ấy?” Ngài đáp: “Khi ngươi làm người, đã hành dâm nơi chỗ tháp miếu. Nay chịu hoa báo, quả báo là trong địa ngục”. Xem đó, há nên phóng túng làm ác ư?

          “Hoặc là sát hại”: Hoặc là do tham đắm dâm dục mà đến nỗi giết người, hại mạng, sát hại sanh linh. Như vào đời Đường, tại chùa Cảnh Đức ở Lạc Châu, tỳ-kheo-ni Nhậm Ngũ Nương chết đi, em bà ta thường nghe nơi linh tòa (chỗ thờ vong linh bà ta) có tiếng rên siết, bèn hỏi han. Hồn ma nói: “Lúc ta còn sống, đã làm chuyện sai trái trong nhà, ham ăn thịt, sát hại chúng sanh. Lại còn bắt cá sống làm chả, do những chúng sanh bị sát hại đòi mạng, phải thọ thân trong địa ngục Đao Kiếm. Trên thân có bảy chiếc đao gãy, đau thấu xương tủy. Mong em hãy đem bán sạch đồ đạc trong nhà [mà ta sở hữu] khi còn sống, để cầu đại sư Bảo Hiến chùa Tịnh Độ chép bảy quyển kinh Kim Cang, đối trước Phật sám hối”. Em bà ta vâng lời, bán đồ đạc, chép một quyển kinh, đao bèn rút bớt một chiếc. Chép kinh viên mãn, đao bèn rút hết, các sanh linh [bị Ngũ Nương sát hại] bèn thoát sanh vào thiện đạo, Ngũ Nương cũng lìa địa ngục. Xem chuyện này, há có nên vì dâm dục mà sát hại ư? Trong phần sau là nói về quả báo.

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.1.1.4. Phá giới cuống nhân (phá giới, lừa gạt người khác)

 

          (Kinh) Nhược hữu chúng sanh, ngụy tác sa-môn, tâm phi sa-môn, phá dụng thường trụ, khi cuống bạch y, vi bội giới luật, chủng chủng tạo ác. Như thị đẳng bối, đương đọa Vô Gián địa ngục thiên vạn ức kiếp, cầu xuất vô kỳ.

          ()若有眾生偽作沙門心非沙門破用常住欺誑白衣違背戒律種種造惡。如是等輩當墮無間地獄千萬億劫求出無期

          (Kinh: Nếu có chúng sanh giả vờ làm sa-môn, tâm chẳng phải là sa-môn, tiêu xài phung phí của thường trụ, gạt gẫm hàng tại gia, trái nghịch giới luật, làm ác đủ thứ. Hạng người như thế sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn vạn ức kiếp, chẳng mong có thuở thoát ra).

          Sa-môn (Śramaṇa), theo Du Già Sư Địa Luận, có bốn loại: Một thắng đạo sa-môn, tức Phật v.v… Hai là thuyết đạo sa-môn, tức là người nói chánh pháp. Ba là hoạt đạo sa-môn, tức người tu các thiện phẩm. Bốn là ô đạo sa-môn, tức là kẻ có hành vi bất chánh.

          “Ngụy” (偽) là quỷ quyệt, dối trá. Bề ngoài ra vẻ tu hành, trong tâm chất chứa những ý tưởng nhơ nhuốc, tức hạng ô đạo sa-môn vậy. Bốn câu kế đó nhằm giải thích “ngụy” là như thế nào: Lạm dụng vật dụng của thường trụ v.v… Đấy là luật nghi giới. Đại Luận nói: “Luật nghi giới có thể khiến cho các ác chẳng được tự tại, vì dùng giới cấm để ước thúc”.

          Tỳ Ni (Vinaya) dịch là Luật Luật (律律), tức là khuôn phép. Phán quyết nặng, nhẹ, khai, giá, trì, phạm, phi pháp, bất định. [Giới luật] là chỗ nương tựa của hết thảy người xuất gia, là nhân duyên đầu tiên để đạt đến Niết Bàn. Vì thế, đức Phật bảo tỳ-kheo Tăng Hộ rằng: “Trì giới tối vi lạc, thân bất thọ chư não, thùy miên đắc an ổn, ngụ tắc tâm hoan hỷ” (Trì giới vui sướng nhất, thân chẳng chịu các não, ngủ nghê được an ổn, tỉnh giấc, tâm hoan hỷ). Nay đã trái nghịch, ắt con đường nhân thiên chấm dứt, cửa địa ngục mở ra, vì thế nói là “sẽ vào trong Vô Gián” v.v… Nhưng thiên nhân Phí Thị nói: “Một châu ở phương Nam tuy có nhiều kẻ phạm tội, nhưng theo thiện, dễ điều phục”. Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, [Địa Tạng Bồ Tát] đích thân nhận lãnh phó chúc, lại còn thủ hộ, chẳng để cho ma quấy nhiễu [các đệ tử Phật]. Nếu chẳng thủ hộ kẻ phá giới như thế, có ai hành giáo pháp của ta? Tuy thấy [những kẻ ấy] hủy hoại giới cấm, vẫn xót thương, bảo vệ. Thấy họ có một điều thiện, bèn đối với muôn điều lầm lỗi của họ chẳng quở trách, coi như quên mất tỳ vết, chẳng nghĩ đến lỗi đã qua. Trong ba mươi hai vị tướng [của Tứ Thiên Vương], Vi Tướng Quân (ngài Vi Đà Hộ Pháp) hoằng dương, hộ trì nhiều nhất. Có nhiều ma tử và ma nữ khinh giỡn hàng tỳ-kheo, những người đạo lực yếu ớt hoàn toàn bị chúng nó rối loạn, mê hoặc. Tướng quân (ngài Vi Đà) hoảng hốt xông tới, ứng theo căn cơ mà trừ dẹp, dùng hạnh Đồng Chân bảo vệ chánh pháp.

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.1.1.5. Thâu thường trụ vật (ăn cắp đồ đạc của thường trụ)

 

          (Kinh) Nhược hữu chúng sanh, thâu thiết thường trụ tài vật, cốc mễ, ẩm thực, y phục, nãi chí nhất vật bất dữ thủ giả, đương đọa Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp, cầu xuất vô kỳ.

          ()若有眾生偷竊常住財物穀米飲食衣服。乃至一物不與取者當墮無間地獄千萬億劫求出無期。

          (Kinh: Nếu có chúng sanh trộm cắp tài vật, thóc gạo, thức ăn, quần áo của thường trụ. Cho đến một vật chẳng cho mà lấy, sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn vạn ức năm chẳng mong có thuở thoát ra).

          “Thâu” (偷) và “thiết” (竊) đều là trộm cắp (Chữ Đạo (盜, trộm cắp) là do chữ Thứ (次, thời cổ có nghĩa là nước miếng) và chữ Mãnh (皿, bát đựng) ghép lại, thể hiện ý nghĩa “con chuột chảy nước rãi trên đồ đựng”), ý nói: Không cho mà lấy. Công khai không cho mà lấy thì gọi là Kiếp (劫, cướp), không cho mà cứ ngấm ngầm trộm lấy thì gọi là Đạo (盜). “Vật” (物) là các đồ dùng cần thiết cho cuộc sống, các món vật dụng thông thường. Phàm sống trong vòng trời đất, có hình mạo, thanh sắc thì đều là “vật”. Nay tài vật là những món để cho Tăng sử dụng. Thóc gạo, đồ ăn thức uống chính là thứ để nuôi sống Tăng. Y phục là để cho Tăng che phủ thân thể. Hoặc là công khai cướp đoạt, hoặc ngấm ngầm lấy trộm, tội này nặng lắm!

          Theo kinh Quán Phật Tam Muội, trộm đồ vật của Tăng Kỳ (thường trụ) còn nặng hơn giết tám vạn bốn ngàn cha mẹ! Hoa Tụ Bồ Tát nói: “Ngũ Nghịch, Tứ Trọng, ngã diệc năng cứu. Đạo tăng vật giả, ngã bất năng cứu” (Tội Ngũ Nghịch, Tứ Trọng ta vẫn có thể cứu được; nhưng trộm cắp vật dụng của Tăng, ta chẳng thể cứu được). Bởi lẽ, lấy trộm bất cứ vật nào đều là [trộm cắp] của mười phương phàm thánh, thuận theo cảnh mà thành vô biên, kết thành tội lỗi vô biên. Đối với những thứ vi tế như vi trần còn biết nổi số, chứ tội này chẳng thể đo lường, suy tính nổi! Cho nên đặc biệt nặng nề!

          Phần kế tiếp là chỉ dạy về quả báo. Như trong phẩm Tế Long (phẩm Cứu Rồng của kinh Quán Phật Tam Muội), các con rồng tự nghĩ đến nghiệp của chính mình trong quá khứ: Ở trong Phật pháp, hoặc làm kẻ thế tục, hoặc do nhân duyên nghe pháp mà lui tới [tự viện], đối với tất cả các thứ hoa, quả, thức ăn do người có tín tâm xả thí dâng cho các vị tỳ-kheo, [những con rồng ấy tuy là thân phận tại gia] cứ theo thứ tự mà ăn, ăn hoa, quả, thức ăn của tăng chúng bốn phương v.v… Do nhân duyên của nghiệp ấy, trải vô lượng kiếp trong địa ngục, bị lửa dữ nung đốt, uống nước đồng nung, nuốt hòn sắt. Từ địa ngục thoát ra, đọa vào súc sanh hay ngạ quỷ. Do ác nghiệp chưa hết, sanh vào loài rồng, thường hứng chịu khổ não.  

Đức Phật bảo các con rồng: “Ác nghiệp ấy chẳng khác gì ác nghiệp trộm cắp đồ vật của Phật”. Than ôi! Cơn sóng cuồng này cuồn cuộn quá đỗi, ai có thể chế ngự được nổi!

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.1.2. Kết hiển đọa khổ (kết lại để chỉ rõ nỗi khổ vì đọa lạc)

 

          (Kinh) Địa Tạng bạch ngôn: – Thánh mẫu! Nhược hữu chúng sanh tác như thị tội, đương đọa Ngũ Vô Gián địa ngục, cầu tạm đình khổ, nhất niệm bất đắc.

          ()地藏白言聖母若有眾生作如是罪當墮五無間地獄求暫停苦一念不得。

          (Kinh: Địa Tạng bạch rằng: “Thánh mẫu! Nếu có chúng sanh tạo tội như thế, sẽ đọa vào địa ngục Ngũ Vô Gián cầu tạm ngưng khổ trong một niệm cũng chẳng được”).

          Năm thứ nghiệp trên đây nói chung là thượng phẩm Thập Ác! Vì thế, kinh Địa Trì nói rộng về nghiệp Thập Ác, ắt đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Được sanh trong loài người, ai nấy đều có quả báo của hai thứ dư nghiệp. Đối với mỗi điều ác, kinh đều nói rõ năm thứ báo. Vì thế, Địa Tạng Bồ Tát trả lời thánh mẫu rằng: “Nếu có chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề mà tạo những tội như đã nói trên đây, sẽ đều đọa vào địa ngục Vô Gián. Trong ngàn vạn kiếp, cầu mong tạm ngưng nỗi chua xót, khổ sở, dẫu chỉ trong một niệm tột bậc ngắn ngủi, há có được hay chăng?” Đại Luận dẫn lời đức Phật dạy: “Ngã thế thế tằng tác tiểu trùng, ác nhân, tiệm tiệm tập chư thiện bổn, đắc đại trí huệ. Kim tự trí tác Phật, thần lực vô lượng, tối thượng, tối đại. Nhất thiết chúng sanh diệc khả đắc nhĩ, vân hà không thọ cần khổ nhi đọa tiểu xứ, tự ưng nỗ lực cần tu, các cầu xuất ly dã” (Ta đã đời đời từng làm tiểu trùng, kẻ ác, dần dần gom góp các cội lành, đạt được đại trí huệ. Nay tự đạt đến mức làm Phật, thần lực vô lượng, tối thượng, tối đại. Hết thảy chúng sanh cũng có thể đạt được, sao lại uổng công siêng khổ để rồi đọa trong chỗ nhỏ hẹp. Hãy tự nên nỗ lực siêng tu, ai nấy cầu xuất ly).

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2. Trùng vấn Vô Gián ngục danh (hỏi lại tên của địa ngục Vô Gián)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.1. Thánh mẫu vấn (thánh mẫu thưa hỏi)

 

          (Kinh) Ma Da phu nhân trùng bạch Địa Tạng Bồ Tát ngôn: “Vân hà danh vi Vô Gián địa ngục?”

          ()摩耶夫人重白地藏菩薩言云何名為無間地獄

          (Kinh: Ma Da phu nhân lại bạch cùng Địa Tạng Bồ Tát rằng: – Vì sao gọi là địa ngục Vô Gián?)

          Do trong các đoạn kinh văn trên đây nhiều lần nói “sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián”, chẳng biết tên gọi Vô Gián do dựa theo nghĩa nào mà thành lập?

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2. Địa Tạng thích (đức Địa Tạng giải thích)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.1. Tổng thị chư ngục (dạy chung về các ngục)

 

          (Kinh) Địa Tạng bạch ngôn: – Thánh mẫu! Chư hữu địa ngục tại Đại Thiết Vi sơn chi nội. Kỳ đại địa ngục, hữu nhất thập bát sở. Thứ hữu ngũ bách, danh hiệu các biệt. Thứ hữu thiên bách, danh hiệu diệc biệt.

          ()地藏白言聖母諸有地獄在大鐵圍山之內。其大地獄有一十八所。次有五百名號各別。次有千百名號亦別。

          (Kinh: Đức Địa Tạng bạch rằng: – Thưa thánh mẫu! Địa ngục trong các Hữu thì đều ở trong núi Đại Thiết Vi. Đại địa ngục thì có mười tám chỗ. Kế đó là có năm trăm chỗ, danh hiệu mỗi ngục mỗi khác. Kế đó có ngàn trăm ngục, danh hiệu cũng khác).

 

          “Chư hữu” là nói chung tất cả các Hữu, nói đích xác là hai mươi lăm Hữu, nhân quả chẳng mất! Kinh Pháp Cú nói: “Sở tác thiện ác, giai hữu nhân quả, kinh cửu bất vong” (Thiện ác đã làm, đều có nhân quả, lâu ngày chẳng mất). Có bài tụng [để dễ ghi nhớ] hai mươi lăm Hữu như sau: “Tứ châu, tứ ác thú, lục dục tịnh Phạm Thiên, Tứ Thiền, Tứ Không Xứ, Vô Tưởng, Ngũ Na Hàm” (Bốn châu, bốn đường ác, lục dục và Phạm Thiên, Tứ Thiền, Tứ Không Xứ, Vô Tưởng, Ngũ Bất Hoàn). Vì thế, trong phần sau có nói: “Bất vấn nam tử nữ nhân, nãi chí tội hạnh nghiệp cảm, tất đồng thọ chi” (Chẳng cần biết là đàn ông hay đàn bà, cho đến do tội hạnh nghiệp cảm, ắt sẽ cùng hứng chịu [giống như nhau]). Vì thế, trong hai mươi lăm Hữu, hễ tạo tội liền có địa ngục, [địa ngục] đều ở trong núi Thiết Vi. Những điều khác như đã giải thích trong phần trên.

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2. Biệt minh Vô Gián (nói riêng về Vô Gián)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1. Chánh minh nghiệp báo (nói thẳng vào nghiệp báo)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1. Chánh khai (nói thẳng vào vấn đề)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.1. Thị ngục thành danh xuất (dạy về thành quách trong địa ngục, nêu ra danh hiệu)

         

          (Kinh) Vô Gián ngục giả, kỳ ngục thành châu táp bát vạn dư lý. Kỳ thành thuần thiết, cao nhất vạn lý. Thành thượng hỏa tụ, thiểu hữu không khuyết. Kỳ ngục thành trung, chư ngục tương liên, danh hiệu các biệt. Độc hữu nhất ngục, danh viết Vô Gián.

          ()無間獄者其獄城周匝八萬餘里。其城純鐵高一

萬里。城上火聚少有空缺。其獄城中諸獄相連名號各別。獨有一獄名曰無間。

          (Kinh: Địa ngục Vô Gián, thành ngục giáp vòng hơn tám vạn dặm. Thành ấy thuần bằng sắt, cao một vạn dặm. Lửa trùm trên thành ít có chỗ nào chừa sót. Trong thành địa ngục, các ngục kề nhau, danh hiệu mỗi ngục mỗi khác. Chỉ có một ngục tên là Vô Gián).

          Theo kinh Vấn Địa Ngục, bốn phía thành của vua Diêm La đặt các địa ngục. Khi một người mạng chung, đã bỏ Tử Ấm (thân trước khi chết), chưa có Sanh Ấm (thân trong đời sau), mang thân Trung Ấm vào thành Nê Lê (Hán dịch là Ký Điều Thành (寄條城), còn gọi là Bế Thành, 閉城). Trong khi chưa thọ tội, [Trung Ấm thân] cùng tụ tập tại chỗ ấy. Xảo phong thổi qua, tùy theo nghiệp nhẹ hay nặng mà thọ thân lớn hay nhỏ. Gió thối thổi qua, thành tựu hình dạng tội nhân thô kệch, xấu xí. Gió thơm thổi qua, thành tựu thân thể vi tế của của người có phước. Dựa theo đó, kẻ chịu khổ trong thành đều có hình tướng thô kệch, xấu xí. Kẻ sanh lên trời, thân thể đều thanh tịnh vi tế.

          “Chư ngục tương liên” (Các ngục liên tiếp) tức là bảy ngục lớn như Đẳng Hoạt v.v… và ngục thứ tám là ngục Vô Gián, được gọi là “tám địa ngục nóng”. Mỗi ngục đều có những ngục phụ thuộc liên tiếp. “Độc hữu nhất ngục” (Chỉ có một ngục) là nói thẳng vào ngục Vô Gián. Do vậy, luận Câu Xá nói: “Do ở trong ấy thọ khổ chẳng gián đoạn, chẳng giống như bảy đại Nại Lạc Ca[22] kia không luôn luôn thọ khổ. Vì thế, gọi là Vô Gián”. Do vậy, dùng “độc hữu nhất ngục” để chỉ bày.

         

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2. Minh ngục tướng, hiển báo (nói rõ tướng địa ngục, hiển thị quả báo)  

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.1. Thị Tướng (chỉ bày tướng trạng)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.1.1. Thị (chỉ bày)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.1.1.1. Ngục hỏa tướng (tướng lửa trong ngục)

 

          (Kinh) Kỳ ngục châu táp vạn bát thiên lý, ngục tường cao nhất thiên lý, tất thị thiết vi. Thượng hỏa triệt hạ, hạ hỏa triệt thượng. Thiết xà, thiết cẩu, thổ hỏa trì  trục, ngục  tường  chi  thượng, đông  tây  nhi

tẩu.

          ()其獄周匝萬八千里獄牆高一千里悉是鐵為。上火徹下下火徹上。鐵蛇鐵狗吐火馳逐獄牆之上東西而走。

          (Kinh: Ngục ấy giáp vòng một vạn tám ngàn dặm, tường ngục cao một ngàn dặm, đều là bằng sắt. Lửa từ trên lan xuống dưới, lửa từ dưới bốc lên trên. Rắn sắt, chó sắt phun lửa chạy đuổi nhau trên tường ngục, rảo chạy đông tây).

          Sắt được gọi là “hắc kim”, tánh chất cứng mà lạnh, biểu thị kẻ ác tàn nhẫn, tánh cứng cỏi, tâm lạnh lùng. Cho nên chỗ cảm báo đều thuần bằng sắt. “Lửa bốc lên cao, lan xuống thấp”: Kinh Khởi Thế nói: “Dĩ bất thiện báo cố, Đông phương hữu đại hỏa tụ xuất sanh. Nam, Tây, Bắc phương, tứ duy, thượng, hạ, các các như thị. Tùng Đông bích xuất đại hỏa diễm, trực xạ Tây bích, đáo dĩ nhi trụ. Tây bích xuất hỏa, xạ Bắc bích. Bắc bích xuất hỏa, xạ Nam bích. Tùng hạ ư thượng, tự thượng ư hạ, tung hoành tương tiếp, thượng hạ giao xạ. Cố triệt hạ, triệt thượng dã” (Do quả báo bất thiện, phương Đông sanh ra đống lửa. Phương Nam, Tây, Bắc, bốn phương, trên, dưới, mỗi phương đều như thế. Từ vách phía Đông sanh ra ngọn lửa lớn bắn thẳng vào vách phía Tây, bắn đến nơi, bèn ngưng ở đó. Vách phía Tây xẹt lửa, bắn vào vách phía Bắc. Vách phía Bắc xẹt lửa, bắn vào vách phía Nam. Từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, ngang dọc tiếp giáp, trên dưới bắn lẫn nhau. Vì thế, lửa từ trên lan xuống dưới, từ dưới bốc lên trên).

          “Rắn sắt, chó sắt”: Kinh Quán Phật Tam Muội Hải nói: “Thiết thành nhị cách gian, hữu bát vạn tứ thiên thiết mãng đại xà, thổ độc hỏa trung, thân mãn thành nội. Kỳ xà hào hống, như thiên chấn lôi, vũ đại thiết hoàn. Tứ giác hữu tứ đại đồng cẩu, quảng trường tứ thập do-tuần. Mục như xế điện, nha như kiếm thụ, xỉ như đao sơn, thiệt như thiết thích. Nhất thiết thân mao giai nhiên mãnh hỏa, kỳ yên xú ác. Ký thổ độc hỏa, phục tranh trì tương trục ư ngục tường chi thượng, Đông Tây cấp tẩu, sử chư tội nhân, úy tỵ vô sở” (Thành sắt có hai ngăn, có tám vạn bốn ngàn đại mãng xà sắt, phun lửa độc, thân đầy chật cả thành. Những con rắn ấy gào thét như tiếng trời nổi sấm, tuôn ra những hòn sắt to. Bốn góc thành có bốn con chó lớn bằng đồng, cao rộng bốn mươi do-tuần. Mắt như chớp xẹt, nanh như cây cối đầy gươm, răng như núi đao, lưỡi như dùi sắt. Hết thảy lông trên thân đều cháy bừng lửa mạnh, mùi khói hôi thối. Đã phun ra lửa độc, lại còn giành nhau đuổi chạy trên tường ngục, rảo chạy đông tây, khiến cho các tội nhân sợ hãi mà không có chỗ tránh né).

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.1.1.2. Ngục sàng tướng (tướng trạng của giường trong địa ngục)

 

          (Kinh) Ngục trung hữu sàng, biến mãn vạn lý. Nhất nhân thọ tội, tự kiến kỳ thân, biến ngọa mãn sàng. Thiên vạn nhân thọ tội, diệc các tự kiến, thân mãn sàng thượng.

          ()獄中有牀遍滿萬里。一人受罪自見其身遍臥

滿牀。千萬人受罪亦各自見身滿牀上。

          (Kinh: Trong ngục có giường trọn khắp vạn dặm. Một người chịu tội tự thấy thân mình nằm chật cả giường. Ngàn vạn người chịu tội, ai nấy cũng tự thấy thân chật cả giường).

          Như trong phần Thiết Sàng ở đoạn sau sẽ nói.

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.1.2. Kết (tiểu kết)

 

          (Kinh) Chúng nghiệp sở cảm, hoạch báo như thị.

          ()眾業所感獲報如是。

          (Kinh: Do các nghiệp cảm vời mà đạt được báo như thế).

          Kinh Thập Luân nói: “Hữu Ngũ Nghịch tội, vi tối cực ác. Cố tâm sát phụ mẫu, sát A La Hán, phá hoại Thanh Văn hòa hợp tăng sự, nãi chí ác tâm xuất Phật thân huyết, thị danh Ngũ Nghịch. Phục hữu tứ chủng đại tội, đồng ư Tứ Nghịch, phạm căn bản tội. Sát Bích Chi Phật, thị danh sát sanh, phạm căn bản tội. Dâm A La Hán tỳ-kheo-ni, thị danh tà dâm, phạm căn bản tội. Nhược nhân xả tài dữ Phật, Pháp, Tăng, chủ chưởng thử vật nhi triếp dụng chi, thị danh đạo, phạm căn bản tội. Nhược nhân đảo kiến, phá hoại tỳ-kheo tăng, thị danh phá tăng, phạm căn bản tội. Kỳ nhân ký phạm nghịch tội, hựu phạm căn bản tội, thí như thiết hoàn, tuy trịch không trung, chung bất tạm trụ, tốc tật đầu địa. Như thị Ngũ Nghịch, phạm tứ trọng cấm, cập nhị chủng chúng sanh, hủy hoại chánh pháp, phỉ báng hiền thánh. Như thị đẳng thập nhất chủng nhân, phạm nhất nhất tội giả, thân hoại mạng chung, giai đọa Vô Gián ngục trung” (Có tội Ngũ Nghịch là nặng nề nhất. Cố ý giết cha mẹ, giết A La Hán, phá hoại sự hòa hợp của Thanh Văn Tăng, cho đến ác tâm làm thân Phật chảy máu, thì gọi là tội Ngũ Nghịch. Lại có bốn loại đại tội, giống như Tứ Nghịch, phạm căn bản tội: Giết Bích Chi Phật, thì gọi là sát sanh, phạm căn bản tội. Dâm ô A La Hán, tỳ-kheo-ni thì gọi là tà dâm, phạm căn bản tội. Nếu có người xả tiền của để cúng cho Phật, Pháp, Tăng, những kẻ trông nom những vật ấy bèn tùy tiện sử dụng, thì gọi là Trộm, phạm căn bản tội. Nếu kẻ nào kiến giải điên đảo, phá hoại tỳ-kheo tăng, thì gọi là phá tăng, phạm căn bản tội. Kẻ ấy đã phạm tội nghịch, lại phạm tội căn bản, ví như hòn sắt, dẫu quăng lên không trung, trọn chẳng ngừng chút nào mà sẽ nhanh chóng rơi xuống đất. Phạm Ngũ Nghịch, bốn trọng cấm, và hai loại chúng sanh hủy hoại chánh pháp, phỉ báng hết thảy hiền thánh như thế. Mười một loại người như thế đó, phạm mỗi một tội thì khi thân hoại, mạng chung, đều đọa vào địa ngục Vô Gián). Há chẳng phải là do các nghiệp cảm vời mà mắc phải quả báo như thế hay chăng?

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.2. Hiển báo

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.2.1. Tiêu (nêu ra)

 

          (Kinh) Hựu chư tội nhân, bị thọ chúng khổ.

          ()又諸罪人備受眾苦。

          (Kinh: Lại nữa, các tội nhân chịu đủ các nỗi khổ).

          Kinh Trường A Hàm nói: “Kỳ trung tội nhân, cử mục sở kiến, đản kiến ác sắc, nhĩ văn ác thanh, tỵ văn xú khí, thiệt thường ác vị, thân xúc khổ thống, ý niệm ác pháp, đàn chỉ chi khoảnh, vô bất khổ thời, danh Vô Gián địa ngục” (Tội nhân trong ấy, ngước mắt mà nhìn, chỉ thấy sắc ác, tai nghe tiếng ác, mũi ngửi mùi hôi thối, lưỡi nếm vị xấu ác, thân tiếp xúc đau khổ, ý nghĩ đến pháp ác, trong khoảng khảy ngón tay, không có lúc nào chẳng khổ, gọi là địa ngục Vô Gián). Vì thế, tội nhân đến đó, chẳng ai không vướng vào đủ các nỗi khổ!

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.2.2. Thích (giải thích)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.2.2.1. Dạ Xoa ác quỷ báo khổ (khổ báo vì Dạ Xoa, ác quỷ)

 

          (Kinh) Thiên bách Dạ Xoa, cập dĩ ác quỷ, khẩu  nha  như  kiếm,

nhãn như điện quang, thủ phục đồng trảo, đà duệ tội nhân. Phục hữu Dạ Xoa, chấp đại thiết kích, trúng tội nhân thân, hoặc trúng khẩu, tỵ, hoặc trúng phúc bối, phao không phiên tiếp, hoặc trí sàng thượng.

          ()千百夜叉及以惡鬼口牙如劍眼如電光手復銅爪拖拽罪人。復有夜叉執大鐵戟中罪人身或中口鼻或中腹背拋空翻接或置牀上。

          (Kinh: Ngàn trăm Dạ Xoa cùng với ác quỷ, miệng nhe nanh như kiếm, mắt như tia chớp, tay lại có móng đồng, lôi tóm tội nhân. Lại có Dạ Xoa cầm kích sắt lớn đâm vào thân tội nhân, hoặc trúng vào miệng, mũi, hoặc trúng bụng, lưng, quăng nhồi trên không rồi đỡ lấy, hoặc đặt lên giường).

          Dạ Xoa chính là quỷ, lại nói đến Ác Quỷ là vì những con quỷ càng ác hơn Dạ Xoa quá đỗi. Kinh Nê Lê gọi [những con quỷ ấy] là Thú Quỷ (獸鬼). Sách Ngũ Khổ Chương Cú gọi chúng là A Bàng (阿旁), đầu trâu, tay người, hai chân có móng trâu, có sức mạnh lật núi, cầm chĩa ba bằng thép. Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Ngục tốt bát đầu, lục thập tứ giác, giác đầu hỏa nhiên, hóa thành đao luân, tại hỏa diễm gian, mãn A Tỳ thành” (Ngục tốt tám đầu, sáu mươi bốn sừng, chót sừng bốc lửa, hóa thành vầng đao ở trong các ngọn lửa đầy khắp thành A Tỳ). “Miệng nhe nanh”: Miêu tả tướng trạng hung ác. “Móng tay bằng đồng” là nói thân lực mạnh mẽ. Do nghiệp lực mà sanh ra điều này. Đại đức Pháp Thiện Hiện nói: “Thường ôm lòng phẫn nộ, độc ác, quen thói thích làm các ác nghiệp, thấy kẻ khác khổ sở liền sanh lòng vui sướng, chết đi sẽ là ngục tốt của Diêm Ma”. Luận Tân Tỳ Bà Sa nói: “Hỏi: Các ngục trong địa ngục thuộc về hữu tình hay là vô tình? Đáp: Nếu dùng xiềng sắt để trói buộc, mới sanh vào địa ngục, đến chỗ Diêm Ma thì thuộc loài hữu tình. Nếu dùng đủ mọi dụng cụ hành hình, ở trong địa ngục hại các hữu tình thì là chẳng thuộc về hữu tình”. Diệu Lạc nói: “Hữu tình và phi tình đều là do cộng nghiệp cảm vời, do tâm biến ra”. Đấy chính là như kinh Lăng Nghiêm nói: “Xúc báo chiêu cảm, dẫn khởi ác quả”. Thần thức tự thấy ngục tốt đầu trâu, La Sát đầu ngựa, tay cầm giáo, mác, lùa [tội nhân] vào Vô Gián.

          “Móng tay đồng lôi, tóm”: Móng tay bằng đồng lôi tóm chưa đủ làm khổ tội nhân; lại lấy kích bằng sắt đâm vào thân khiến họ chịu khổ cùng cực. “Kích” là một thứ binh khí. [Vũ khí cán dài có] một nhánh thì gọi là Qua (戈, giáo), hai nhánh thì gọi là Kích (戟). “Kích” [nghĩa gốc] là “có nhánh”, vì hai bên [lưỡi Kích] có phân nhánh (hai bên đầu cây kích có lưỡi nhọn bè ngang ra, dài sáu tấc. Lưỡi nhọn chính giữa dài bảy tấc rưỡi. Lưỡi kích bè ngang, chỗ giáp với cán kích dài bốn tấc rưỡi, rộng một tấc rưỡi). Ở đây là nói tới cái kích sắt lớn, to, dài, nung đỏ, kích trong thế gian chẳng thể sánh bằng! Chỗ bị kích đâm trúng, đau đớn khó chịu đựng nổi. Lại đem tội nhân quăng ném lên không trung, lật tay đón lấy, bỏ lên giường sắt. Theo kinh Lăng Nghiêm, “do ư oán tập giao hiềm, phát ư hàm hận, nhị tập tương thôn, cố hữu đầu trịch cầm tróc kích xạ phao toát chư sự, tuần nghiệp phát hiện nhĩ” (do tập khí oán hận hiện hành, giao xen với tập khí trong hiện tại, tạo thành sự ghét bỏ, phát sanh thành hận thù trong nội tâm. Do hai thứ tập khí ấy va chạm nhau, cho nên có các chuyện quăng, ném, nắm bắt, đập, bắn, tung, chụp, theo nghiệp mà phát khởi)[23].

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.2.2.2. Thiết ưng, thiết xà báo khổ (quả báo khổ sở vì chim ưng sắt, rắn sắt)

 

          (Kinh) Phục hữu thiết ưng, đạm tội nhân mục. Phục hữu thiết xà, kiểu tội nhân cảnh. Bách chi tiết nội, tất hạ trường đinh. Bạt thiệt canh lê, trừu trường tỏa trảm. Dương đồng quán khẩu, nhiệt thiết triền thân.

          ()復有鐵鷹啗罪人目。復有鐵蛇繳罪人頸。百肢節內悉下長釘。拔舌耕犂抽腸剉斬。烊銅灌口熱鐵纏身。

          (Kinh: Lại có chim ưng sắt, ăn mắt tội nhân. Lại có rắn sắt, xiết cổ tội nhân. Nơi các đốt xương đều đóng đinh dài. Kéo lưỡi ra để cày bừa. Rút ruột bằm chặt. Nước đồng sôi rót vào miệng, sắt nóng quấn thân).

          “Ưng” (鷹) là một loài chim dữ; tên gọi khác là Sảng Cưu (鷞鳩). Kinh Nê Lê nói: “Nê Lê hữu điểu, uế như thiết sanh, trác nhân đầu, đạm nhân não, độc thống bất khả nhẫn” (Trong Nê Lê có chim mỏ bằng sắt, mổ đầu người để ăn óc người, đau đớn chẳng thể chịu đựng nổi). “Rắn sắt” như đã nói trong phần trước. Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Thử do ngu si chúng sanh, hủy nhục bố thí, ngôn thí vô báo, khuyến nhân tàng tích; hướng quốc vương, đại thần, nhất thiết chúng sanh, thuyết thí vô nhân, diệc vô quả báo. Cố cảm sanh thử ngục” (Đấy là do chúng sanh, hủy báng, nhục mạ chuyện bố thí, khuyên người khác tom góp, chất chứa, hướng về quốc vương, đại thần, và hết thảy chúng sanh nói bố thí chẳng có nhân [sanh quả lành], mà cũng chẳng có quả báo, cho nên cảm vời sanh trong ngục này).

          Như Minh Báo Ký[24] chép, đời Đường, tại thành Tào Châu, một binh sĩ tên là Phương Sơn Khai thuở trẻ thích săn bắn, giết chóc vô số. Năm Trinh Quán thứ mười một (637), chết qua một đêm. Lúc sống lại, ông ta nói: “Lúc mới chết, có hai người dẫn lên một quả núi, trèo từng bậc lên tới đỉnh. Chợt có một con chim ưng trắng lớn, mỏ và vuốt bằng sắt, bay tới quặp sứt má trái [của ông ta] bay đi. Lại có một con chim ưng đen, quặp sứt vai phải bay đi. Hai người ấy liền dẫn ông ta đi về phương Nam, tới một cái thành, hết sức hiểm trở, chênh vênh. Hai người gõ cửa thành, cửa Bắc liền mở. Trong thành luôn có lửa cháy dữ dội. Bên cửa có mấy con rắn độc, đều dài mười mấy trượng, đầu to bằng năm cái đấu, trong miệng phun lửa bắn vào người. Sơn Khai hoảng sợ, chỉ dập đầu niệm Phật, cửa liền tự đóng lại. Thấy có một vị quan toan bắt ông ta chịu tội. Người hầu can gián: ‘Gã này chưa đáng chết, chỉ sợ hễ vào thành này, chẳng thể ra được! Chẳng bằng thả ra, cho hắn tu công đức’. Viên quan thả đi, trong khoảnh khắc, bèn sống lại”. [Trên thân ông ta còn hằn] dấu vuốt chim rất sâu, suốt đời chẳng mất. Về sau, ông ta bỏ vợ con xuất gia, biến nhà thành chùa, thường xuyên đọc tụng.

          Nhưng ưng mổ, rắn quấn, chịu khổ cùng cực. Tiếp đó, các nỗi khổ đua nhau tụ tập, bức bách khó kham! “Nơi các đốt xương đều đóng đinh dài”: Kinh Trường A Hàm nói: “Thiết đinh địa ngục, ngục tốt phác chi, yển nhiệt thiết thượng, thư quyển kỳ thân, dĩ đinh đinh thủ túc, châu biến thân thể, tận ngũ bách đinh, khổ độc hào ngâm, do bất phục tử” (Địa ngục đinh sắt: Ngục tốt quăng tội nhân đè lên sắt nóng, kéo giãn, cuộn tròn thân họ. Dùng đinh đóng xuống chân, tay, trọn khắp thân thể đóng hết năm trăm cây đinh. [Tội nhân] đau đớn khổ sở rên xiết mà vẫn chẳng chết).

          “Bạt thiệt canh lê” (Kéo lưỡi ra để cày bừa trên đó) như trong phần sau [sẽ nói].  

“Trừu trường tỏa trảm” (Rút ruột bằm chặt): Đấy chính là địa ngục Rút Ruột Rứt Phổi, đó gọi là “chĩa ba dài đè xương sườn, nghiền giã tim, gan, xé mật, rút ruột, xẻ thân, bằm thịt, băm vằm, [khiến cho] hình dạng [của tội nhân] nát vụn như bột”. Đấy đều là do vọng ngữ gây ra, và do các ác nghiệp khác cảm vời.

“Dương đồng quán khẩu” (Nước đồng sôi rót vào miệng) như trong phần sau [sẽ giải thích].

“Nhiệt thiết triền thân” (Sắt nóng quấn thân) tức Thiết Bề địa ngục (địa ngục lược sắt). Lược sắt nung đỏ trong ngoài xuyên thấu, ghim chặt thân tội nhân. Trong thì rót nước đồng sôi, ngoài thì là sắt nóng, các nghiệp khác chưa hết thì vẫn chưa chết được!

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.2.3.1. Sanh tử vạn thiên (ngàn muôn lần sống chết)

 

          (Kinh) Vạn tử thiên sanh, nghiệp cảm như thị.

          ()萬死千生業感如是。

          (Kinh: Vạn lần sống, ngàn lần chết, nghiệp cảm như thế đó).

          Tội nhân trong địa ngục hoặc bị ác quỷ nung nấu, chặt, chém mà chết, hoặc tội nhân tự sanh móng tay bằng sắt cấu xé thịt lẫn nhau cho rơi rớt mà chết. Hoặc ngục tốt gọi “sống lại”, hoặc gió lạnh thổi qua mà sống lại. Sanh tử như thế, ngàn vạn lần chẳng cùng tận. Vì thế, kinh Khởi Thế nói: “Nhược nhân thân, khẩu, ý tạo nghiệp, tác dĩ nhập ư ác đạo trung, kinh lịch vô số thiên ức tuế. Tử dĩ, tu du hoàn phục hoạt. Oán thù các các tương báo đối, do thử chúng sanh cánh tương sát. Nhiên kỳ trung thọ khổ giả, tùy kỳ tác nghiệp, các hữu khinh trọng, kinh kiếp số đẳng. Kỳ tối trọng xứ, nhất nhật, nhất dạ, bát vạn tứ thiên sanh tử, kinh kiếp vô lượng. Tác thượng phẩm Ngũ Nghịch Thập Ác giả, cảm thử đạo thân” (Nếu kẻ nào do thân, miệng, ý tạo nghiệp, đã tạo rồi, sẽ vào trong đường ác, trải qua vô số ngàn ức năm. Chết rồi, trong khoảnh khắc sống lại. Mỗi kẻ oán thù đều báo trả nhau. Do vậy, chúng sanh giết chóc lẫn nhau. Nhưng kẻ chịu khổ trong ấy tùy theo tạo nghiệp nặng hay nhẹ mà trải qua kiếp số tương ứng. Chỗ nặng nề nhất thì trong một ngày một đêm, tám vạn bốn ngàn lần sống chết, trải qua vô lượng kiếp. Kẻ tạo Ngũ Nghịch Thập Ác thượng phẩm sẽ cảm thân trong đường này).

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.1.2.2.3.2. Khổ báo ức kiếp (khổ báo ức kiếp)

 

          (Kinh) Động kinh ức kiếp, cầu xuất vô kỳ. Thử giới hoại thời, ký sanh tha giới. Tha giới thứ hoại, chuyển ký tha phương. Tha phương hoại thời, triển chuyển tương ký. Thử giới thành hậu, hoàn phục nhi lai.

          ()動經億劫求出無期。此界壞時寄生他界。他界次壞轉寄他方。他方壞時展轉相寄。此界成後還復而來。

          (Kinh: Trải qua ức kiếp, chẳng mong có thuở thoát ra. Khi cõi này hoại, gởi nhờ sang cõi khác. Đến phiên cõi khác hoại, lại gởi nhờ sang cõi khác. Khi cõi khác hoại, sẽ lần lượt gởi nhờ những cõi khác. Sau khi cõi này hình thành, bèn quay trở lại).

          Động đối lập với tĩnh; tâm thể vốn tĩnh, người tự lay động. Luận Khởi Tín nói: “Chẳng biết pháp Chân Như là một, nên động. Hễ động bèn có khổ, do quả chẳng lìa nhân. Nghiệp tướng vừa động, sẽ dần dần dẫn đến khởi Hoặc, tạo nghiệp, thọ báo”. Tự Thư[25] nói: “Lực nặng là động. Phàm phu nghiệp lực quá sâu, cho nên động thành tuổi thọ ức kiếp trong địa ngục!” Trong kinh Khởi Thế, đức Phật dạy: “Như Kiều Tát La quốc hộc lượng hồ ma, mãn nhị thập hộc, cao thịnh bất khái. Hữu nhất trượng phu, mãn bách nhiên dĩ, thủ nhất hồ ma. Như thị thứ đệ, mãn bách niên dĩ, phục thủ nhất lạp, trịch trước dư xứ. Trịch mãn nhị thập hộc hồ ma, tận dĩ, ngã thuyết kỳ thọ do vị tất tận. Như thị nhị thập ngạch phù đà thọ, vi nhất nê la phù đà thọ, nãi chí nhị thập tam ba đầu ma thọ, vi nhất trung kiếp” (Như dùng cái hộc của nước Kiều Tát La để đong mè đen, trọn hai mươi hộc, [số lượng mè chứa lại] cao và nhiều chẳng thể ước lượng được. Có một trượng phu cứ hết một trăm năm, lấy một hạt mè. Theo thứ tự như thế, cứ đủ một trăm năm, lại lấy một hạt, quăng sang chỗ khác. Quăng hết sạch hai mươi hộc mè đen, đã hết rồi, ta nói tuổi thọ của kẻ ấy vẫn còn chưa hết. Tuổi thọ trải qua hai mươi địa ngục Ngạch Phù Đà (Arbuda) như thế là một thọ mạng trong địa ngục Nê La Phù Đà (Nirarbuda), cho đến tuổi thọ trong hai mươi ba ngục Bát Đầu Ma (Padma) là một trung kiếp).

          Từ chữ “thử giới” (cõi này) trở đi nhằm giải trừ nghi hoặc, ý nói: Địa ngục đã ở phía dưới châu Diêm Phù, khi kiếp hỏa cháy tan trời Sơ Thiền, địa ngục bị hoại trước, lại chứa tội nhân ở nơi đâu? Giải rằng: Khi hỏa tai xảy ra, kẻ chưa hết tội nghiệp sẽ gởi thân chịu tội trong cõi khác. Lại nghi: Cõi khác cũng có hỏa tai dấy lên, chẳng biết lại đặt [những kẻ ấy] nơi đâu? Lại giải thích: Nếu cõi khác theo thứ tự mà hoại, lại lần lượt gởi họ sang địa ngục trong cõi chưa hoại. Lại nữa, cõi họ được gởi sang đó lại bị hỏa tai dấy lên, sẽ gởi nơi đâu? Lại giải thích: Nếu phương khác hỏa tai cũng dấy lên, thì vẫn giống như trên mà gởi họ sang cõi chưa hư hoại. Lại vặn hỏi ngược lại: Nếu thế giới ở phương này lại hình thành, những tội nhân đã được gởi đi có trở lại thế gian này hay không? Lại giải thích: Thế giới này đã hình thành, tự nhiên [những tội nhân ấy] trở lại địa ngục to lớn trong cõi này để chịu khổ. Đấy là nói theo phía những kẻ chưa thọ hết tội.

          Còn như kinh Trường A Hàm nói: “Hỏa tai khởi thời, tùng địa ngục tử, giai sanh nhân trung, tu đệ nhị Thiền. Tùng nhân trung tử, giai sanh Quang Âm Thiên. Thủy phong nhị tai diệc nhiên” (Khi hỏa tai dấy lên, từ địa ngục chết đi, đều sanh trong loài người, tu đệ nhị Thiền. Từ trong loài người chết đi, đều sanh vào Quang Âm Thiên. Thủy tai và phong tai cũng thế). Đấy là nói theo phía những người đã chịu tội xong. Vì thế, kinh Đại Phẩm Bát Nhã nói: “Thị nhân hủy tư tam thế chư Phật Nhất Thiết Trí, khởi phá pháp nghiệp nhân duyên cố, tập vô lượng bách thiên vạn ức tuế, đọa đại địa ngục trung, tùng nhất đại địa ngục, chí nhất đại địa ngục. Nhược hỏa kiếp khởi thời, chí tha phương đại địa ngục trung. Như thị biến thập phương ngục, nãi chí hoàn lai thị gian đại địa ngục trung” (Người ấy do hủy báng, chê bai Nhất Thiết Trí của ba đời chư Phật, dấy lên nhân duyên tạo nghiệp phá pháp, tích tập vô lượng trăm ngàn vạn ức năm, đọa trong đại địa ngục, từ một đại địa ngục này sang một đại địa ngục khác. Nếu khi hỏa kiếp dấy lên, sẽ đến đại địa ngục ở phương khác. Trọn khắp các ngục trong mười phương như thế, cho đến trở lại đại địa ngục trong thế gian này). Do từ một đại địa ngục này đến một đại địa ngục khác, cho nên nói là “động kinh ức kiếp”. Dẫu mong thoát khỏi, chỉ sợ chẳng có thuở nào được ân xá!

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1.2. Kết thị (kết lại lời dạy)

 

          (Kinh) Vô Gián tội báo, kỳ sự như thị.

          ()無間罪報其事如是。

          (Kinh: Tội báo trong Vô Gián là như thế đó).

          Hai chữ “như thị” (như thế) diễn tả ý thảm đạm! Cho nên kết lại lời dạy, mong sao mọi người sẽ sớm sợ hãi mà tu thiện.

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2. Trùng thị nghiệp cảm (lại dạy về nghiệp cảm)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2.1. Tiêu cử (nêu bày)

 

          (Kinh) Hựu ngũ sự nghiệp cảm, cố xưng Vô Gián.

          ()又五事業感故稱無間。

          (Kinh: Lại do có năm sự nghiệp cảm, nên gọi là Vô Gián).

          “Ngũ Vô Gián nghiệp” như đã nói trong phần trước. Vô Gián ở tầng thấp nhất trong tám ngục nóng. Theo Tát Bà Đa Bộ (Sarvāsti-vāda, Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ) có tám đại địa ngục. Một là Đẳng Hoạt (等活, Sañjīva, chết đi sống lại), hai là Hắc Thằng (黑繩, Kālasūtra, dây đen), ba là Chúng Hợp (眾合, Saṃghāta, các thứ ép lại), bốn là Khiếu Hoán (叫喚, Raurava, kêu gào), năm là Đại Khiếu Hoán (大叫喚, Mahāraurava, gào to), sáu là Nhiệt (熱, Tapana, nóng), bảy là Chúng Nhiệt (眾熱, Pratāpana, các thứ nóng bức), tám là Vô Trạch (無擇, Avīci, không chọn lựa), còn gọi là Vô Gián. Hễ gieo mình vào lửa khổ, vĩnh viễn chẳng có lúc nào an vui. Đã khổ sở chẳng gián đoạn, có chỗ nào để có thể chọn lựa? Tám địa ngục này ở phía dưới châu Diêm Phù, chồng chất lên nhau mà trụ. Theo Tam Pháp Độ Luận, hai ngục đầu tiên có người chưởng quản, ba ngục kế đó có ít người chưởng quản, ba ngục cuối không có người chưởng quản.

          Theo Tân Tỳ Bà Sa Luận: “Hỏi: Ngục lớn ở dưới cùng vì sao gọi là Vô Gián? Đáp: Trong chỗ ấy luôn chịu Khổ Thọ, chẳng có lúc nào hỷ lạc, nên gọi là Vô Gián. Hỏi: Trong các địa ngục khác, há có ca, múa, ăn uống, tiếp nhận sự hỷ lạc dị thục gián ư? Đáp: Trong các địa ngục khác, tuy chẳng có dị thục hỷ lạc, nhưng có đẳng lưu hỷ lạc. Như trong địa ngục Đẳng Hoạt, có lúc gió mát thổi qua, huyết nhục bèn sanh trở lại. Có lúc [ngục tốt] xướng “sống lại”, [tội nhân đã chết] bèn sống lại. Khi huyết nhục sanh trở lại và lúc được sống lại, sẽ là tạm thời hỷ lạc trong khi đang hứng chịu Khổ Thọ, cho nên chẳng gọi là Vô Gián”.

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2.2. Trưng thích (gạn hỏi và giải thích)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2.2.1. Trưng (gạn hỏi)

 

          (Kinh) Hà đẳng vi ngũ?

          ()何等為五

          (Kinh: Những gì là năm?)

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2.2.2. Thích (giải thích)

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2.2.2.1. Thời   gián (thời  gian  chẳng  gián đoạn)

 

          (Kinh) Nhất giả, nhật dạ thọ tội dĩ chí kiếp số, vô thời gián tuyệt, cố xưng Vô Gián.

          ()一者日夜受罪以至劫數無時間絕故稱無間。

          (Kinh: Một là ngày đêm chịu tội cho đến nhiều kiếp, chẳng có lúc nào gián đoạn, chấm dứt, nên gọi là Vô Gián).

 

          Chịu khổ luôn trọn khắp, chẳng hề có lúc tạm vui. Cựa quậy chẳng được, quấn trói rất nghiêm ngặt. Đông, Tây chằng chéo, cao thấp thông thấu. Trải qua vô lượng kiếp như thế, cho nên gọi là Thời Vô Gián.

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2.2.2.2. Hình vô gián (hình hài chẳng gián đoạn)

 

          (Kinh) Nhị giả, nhất nhân diệc mãn, đa nhân diệc mãn, cố xưng Vô Gián.

          ()二者一人亦滿多人亦滿故稱無間。

          (Kinh: Hai là một người cũng chật cả ngục, nhiều người cũng chật cả ngục, vì thế gọi là Vô Gián).

 

          Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Phục hữu chúng sanh, phạm tứ trọng cấm, hư thực tín thí, phỉ báng, tà kiến, bất thức nhân quả, đoạn học Bát Nhã, hủy thập phương Phật, thâu Tăng-kỳ vật, dâm dật vô đạo, bức lược tịnh giới ni, tỷ, muội, thân thích, tạo chúng ác sự. Thử nhân tội báo, kinh bát vạn tứ thiên đại kiếp. Phục nhập Đông phương thập bát cách trung, như tiền thọ khổ. Nam, Tây, Bắc phương, diệc phục như thị. Thân mãn A Tỳ ngục, tứ chi phục mãn thập bát cách trung. Địa ngục bất đại, thử thân bất tiểu” (Lại có chúng sanh phạm bốn trọng cấm, luống ăn của tín thí, phỉ báng, tà kiến, chẳng biết nhân quả, không học Bát Nhã, hủy báng mười phương Phật, trộm cắp vật dụng của thường trụ, dâm dật vô đạo, cưỡng bức tỳ-kheo giữ giới thanh tịnh và chị, em, thân thích, gây tạo các chuyện ác. Tội báo của người ấy trải qua tám vạn bốn ngàn đại kiếp. Lại vào trong mười tám ngục[26] ở phương Đông chịu khổ như trên. Phương Nam, Tây, Bắc cũng giống như thế. Thân đầy chật trong ngục A Tỳ, tứ chi cũng đầy ắp trong mười tám ngục. Địa ngục chẳng lớn, thân ấy chẳng nhỏ).

          Theo kinh Chánh Pháp Niệm Xứ: “Kỳ thân trường đại, ngũ bách do-tuần, tạo tứ nghịch nhân, tứ bách do-tuần. Nãi chí tạo nhất nghịch nhân, nhất bách do-tuần. Nhất nhân ký nhĩ, đa nhân diệc nhiên, các kiến thân hình vô gián đoạn xứ, danh hình vô gián dã” (Thân [của người tạo tội Ngũ Nghịch] cao to năm trăm do-tuần. Kẻ tạo bốn tội nghịch [cao to] bốn trăm do-tuần. Cho đến kẻ tạo một tội nghịch [thân hình cao] một trăm do-tuần. Một người đã là như vậy, nhiều người cũng thế, mỗi người đều thấy thân hình chẳng có chỗ gián đoạn, cho nên gọi là “hình vô gián”).

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2.2.2.3. Khổ vô gián (khổ sở chẳng gián đoạn)

 

          (Kinh) Tam giả, tội khí xoa, bổng, ưng, xà, lang, khuyển, đối, ma, cứ, tạc, tỏa chước, hoạch thang, thiết võng, thiết thằng, thiết lư, thiết mã.

          ()三者罪器叉鋸鑿剉斫鑊湯鐵網鐵繩鐵驢鐵馬。

          (Kinh: Ba là dụng cụ để trị tội như chĩa ba, gậy, chim ưng, rắn, sói, chó, cối giã, cối xay, cưa, đục, chém, chặt, vạc nấu sôi, lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt).

          Đây là nói đến những món dụng cụ dùng để hành hình, không vật gì chẳng sẵn đủ. Vì thế, Nê Lê được dịch là Khổ Cụ (苦具, dụng cụ để trị tội, hành hình). Kinh Lăng Nghiêm nói: “Trá tập giao dụ, phát ư tương điều, dẫn khởi bất trụ. Cố hữu nữu, giới, già, tỏa, tiên, trượng, trá, bổng chư sự” (Do tập khí gian trá trong quá khứ nay lại phát khởi hiện hành, giao xen dẫn dụ tập khí trong hiện tại mà phát khởi. Cho nên có các chuyện gông, cùm, xiềng, xích, roi, trượng, đòn vọt). Chim ưng, sói, chó, lừa sắt, ngựa sắt, những thứ ấy do xúc báo chiêu cảm, dẫn khởi như trong phần trước và phần sau có giải thích.

          Giã, xay, cưa, đục là do tập khí gây oan uổng và tập khí sân hận cảm vời. “Đối” (碓, cối giã) tức địa ngục Đảo Đối (搗碓, nghiền giã). Lập Thế A Tỳ Đàm Luận nói: “Khi ấy, ngục tốt nói với đồng bạn: ‘Ta nay cùng với ngươi, trong một cái khảy ngón tay, giã, nghiền tội nhân’. Liền bắt các tội nhân, bỏ vào trong thuyền sắt nóng, dùng chày sắt nóng nghiền nát thân họ trong khoảng một cái khảy ngón tay. Người ấy thọ năm trăm năm”. Xay, cưa, chặt, chém đều như trong phần sau [sẽ giải thích]. Trong kinh Tội Nghiệp Báo Ứng, Tín Tướng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Kim hữu thọ tội chúng sanh, vị chư ngục tốt tỏa chước trảm thân, tùng đầu chí túc, nãi chí kỳ đảnh. Trảm chi dĩ ngật, xảo phong xuy hoạt, nhi phục trảm chi, hà tội sở trí? Phật ngôn: – Dĩ tiền thế thời, sanh bất tín tam tôn, bất hiếu phụ mẫu, đồ nhi khôi khoái, trảm tiệt chúng sanh, cố hoạch tư tội” (“Nay có chúng sanh thọ tội, bị các ngục tốt băm, vằm, chém thân, từ đầu đến chân, cho đến đỉnh đầu. Chém xong rồi, xảo phong thổi cho sống lại, rồi lại bị chém. Do tội gì mà đến nỗi như thế?” Đức Phật dạy: “Do trong đời trước, lúc sống chẳng tin Tam Bảo, chẳng hiếu thảo với cha mẹ, làm đồ tể, đao phủ cắt, chặt chúng sanh, cho nên mắc phải tội ấy”).

          “Hoạch thang” (鑊湯, vạc sôi) sẽ giải thích trong phần sau. “Thiết

võng” (鐵網, lưới sắt): Trong ngục có bảy tầng lưới sắt giăng phủ bên trên. Ngục tốt lấy lưới sắt nóng quấn chặt thân tội nhân, đốt nóng [khiến cho thân thể tội nhân] bị đốt cháy tan nát. “Thiết thằng” (鐵繩, dây sắt): Kinh Trường A Hàm nói: “Ngục tốt tróc bỉ tội nhân, phác nhiệt thiết thượng, dĩ nhiệt thiết thằng, bính chi sử trực. Dĩ nhiệt thiết phủ, trục thằng đạo, chước tội nhân tác bách thiên đoạn. Phục dĩ thiết thằng, bính cứ cứ chi. Phục huyền nhiệt thiết thằng, giao hoành vô số, khu bách tội nhân, sử hành thằng gian. Ác phong bạo khởi, xuy chư thiết thằng lịch lạc kỳ thân, thiêu bì, triệt nhục, tiêu cốt, phí tủy” (Ngục tốt bắt tội nhân, quăng lên sắt nóng, dùng dây sắt nóng buộc cho thẳng. Dùng búa sắt nóng, căn theo đường dây mà chặt tội nhân làm trăm ngàn khúc. Lại dùng dây sắt, buộc vào cưa để cưa. Lại treo dây sắt nóng, giăng ngang dọc vô số, xua ép tội nhân chạy vào khoảng giữa các dây. Gió dữ nổi lốc, thổi các dây sắt chằng néo thân họ, đốt da, thấu thịt, tiêu xương, sôi tủy).

 

          (Kinh) Sanh cách lạc thủ, nhiệt thiết kiêu thân. Cơ thôn thiết hoàn, khát ẩm thiết trấp. Tùng niên cánh kiếp, số na-do-tha. Khổ sở tương liên, cánh vô gián đoạn, cố xưng Vô Gián.

          ()生革絡首熱鐵澆身。饑吞鐵丸渴飲鐵汁。從年竟劫數那由他。苦楚相連更無間斷故稱無間。

          (Kinh: Da sống niềng đầu, sắt nóng rưới thân. Đói nuốt hòn sắt, khát uống nước sắt. Từ năm đến kiếp, số đến na-do-tha. Khổ sở liên tiếp, trọn chẳng gián đoạn, vì thế gọi là Vô Gián).

          “Sanh cách lạc thủ” (Da sống niềng đầu): Kinh Trường A Hàm nói: “Ngục tốt tróc tội nhân, bác thủ kỳ bì, triền tội nhân thân, trước hỏa xa thượng, luân triển nhiệt địa, châu hồi vãng phản. Thân thể toái lạn, bì nhục đọa lạc. Ký dĩ sanh cách lạc thủ, phục dĩ thiết trấp kiêu thân, sử linh tật trì” (Ngục tốt bắt tội nhân, lột lấy da họ để bó chặt thân họ, bỏ lên xe bốc lửa, bánh xe nghiền họ trên đất nóng, xoay vần qua lại. Thân thể tan nát, da thịt rơi rụng. Đã dùng da sống niềng đầu, lại dùng nước sắt nung chảy để rưới lên thân khiến cho họ rảo chạy).

          “Đói nuốt hoàn sắt”: Theo như kinh Khởi Thế nói: “Tùng Ngũ Xoa tiểu địa ngục xuất, nghệ hướng Cơ Ngạ địa ngục trung. Thủ ngục giả tức vấn: ‘Nhữ đẳng hà dục?’ Đáp ngôn: ‘Ngã đẳng cơ ngạ’. Thủ ngục giả tức tiện thủ địa ngục chúng sanh, phác trước xí nhiên nhiệt thiết địa thượng, linh kỳ ngưỡng ngọa. Tiện dĩ thiết kiềm, khai trương kỳ khẩu. Dụng nhiệt thiết hoàn, trịch trước khẩu trung, thần khẩu ứng thời thiêu nhiên. Thứ đệ thiêu thiệt, thiêu ngạc, nãi chí kinh quá tiểu tràng, hướng hạ nhi xuất, kỳ hoàn thượng xích. Tùng Cơ Ngạ địa ngục xuất, nghệ hướng Tiêu Khát địa ngục trung, thủ ngục giả vấn ngôn: ‘Nhữ đẳng kim hà sở tu?’ Đáp ngôn: ‘Ngã kim thậm khát’, tức thủ phác trước nhiệt thiết địa thượng, tại mãnh diễm trung, ngưỡng nhi ngọa chi, tiện thủ thiết kiềm, khai trương kỳ khẩu, dung xích đồng trấp, quán kỳ khẩu trung. Thần khẩu tức tiện tiêu lạn. Nãi chí thiêu tràng, thiêu vị, trực phá tiểu tràng, hướng hạ nhi xuất. Do vãng tích sở tạo nhược nhân phi nhân thân trung nhất thiết ác nghiệp, ư ngục trung thứ đệ nhi thọ, độc thống bất khả nhẫn. Nê Lê trung như thị cần khổ, kinh na-do-tha kiếp, lược vô ty hào lạc gian, danh Vô Gián dã” (Từ tiểu địa ngục Ngũ Xoa thoát ra, đi vào trong địa ngục Cơ Ngạ (đói). Kẻ giữ ngục liền hỏi: “Các ngươi muốn gì?” Đáp: “Chúng tôi đói bụng”. Kẻ giữ ngục bèn bắt lấy chúng sanh trong địa ngục, quăng lên chỗ đất bằng sắt nóng đang cháy bừng bừng, ép họ nằm ngửa, liền dùng kìm sắt banh miệng họ ra. Dùng hòn sắt nóng, quăng vào trong miệng, miệng, môi ngay lập tức cháy xém. Lần lượt đốt lưỡi, đốt vòm họng, cho đến đi qua ruột non, theo phía dưới thoát ra, hòn sắt ấy vẫn còn nóng đỏ. Từ địa ngục Cơ Ngạ thoát ra, đi vào trong địa ngục Tiêu Khát (khát khô cổ), kẻ giữ ngục hỏi: “Nay các ngươi cần gì?” Đáp rằng: “Chúng tôi khát quá!” [Ngục tốt] liền bắt họ quăng lên chỗ đất bằng sắt nóng, ở trong lửa dữ, nằm ngửa ra, liền lấy kìm sắt banh miệng họ ra, nước đồng chảy nóng đỏ rót vào trong miệng họ. Môi, miệng liền cháy nát, cho đến đốt trụi ruột, đốt dạ dày, phá toang ruột non, theo phía dưới thoát ra. Do hết thảy các ác nghiệp đã tạo trước kia khi làm thân người hoặc chẳng phải người mà lần lượt thọ tội trong các ngục, đau đớn chẳng thể chịu đựng được. Ở trong Nê Lê khổ sở như thế, trọn chẳng có mảy may vui sướng nào, nên gọi là Vô Gián).

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2.2.2.4. Quả vô gián (quả báo chẳng gián đoạn)

 

          (Kinh) Tứ giả, bất vấn nam tử, nữ nhân, khương, hồ, di, địch, lão, ấu, quý, tiện, hoặc long, hoặc thần, hoặc thiên, hoặc quỷ, tội hạnh nghiệp cảm, tất đồng thọ chi, cố xưng Vô Gián.

          ()四者不問男子女人羌胡夷狄老幼貴賤或龍

或神或天或鬼罪行業感悉同受之故稱無間。

          (Kinh: Bốn là chẳng cần biết là nam, nữ, khương, hồ, di, địch[27], già, trẻ, sang, hèn, hoặc rồng, hoặc thần, hoặc trời, hoặc quỷ, do hạnh nghiệp tội lỗi chiêu cảm, đều cùng thọ tội, vì thế gọi là Vô Gián).

 

          “Lão” là người tuổi cao, suy yếu. Bảy mươi thì gọi là Lão; [dùng chữ này làm] cái gốc để chế chữ [diễn tả lòng] yêu thương cha mẹ. Vì thế, [chữ Lão (老)] dùng chữ Hiếu (孝) và Chủy (匕, đây là chữ Hóa thời cổ) để tạo thành. Đã lo vì [cha mẹ] suy yếu, lại lo họ bị chết, thật sự tiếc nuối ngày tháng, há có nguôi lòng? “Ấu” (幼) là đã trẻ lại càng non nớt hơn. Huyết khí chưa đầy đủ, vì thế [chữ Ấu] do Lực (力) và Yêu (幺, ít ỏi) ghép lại, [diễn tả] ý “đã nhỏ lại còn non nớt”. Mười năm đầu trong đời người là Ấu, chính là lúc được cha mẹ yêu thương nhất. “Quý” (貴) là địa vị cao, được tôn trọng. “Tiện” (賤, hèn), tương phản với Quý. [Cả hai chữ Quý và Tiện] đều có bộ Bối (貝, vỏ sò, được dùng làm tiền trong thời cổ) là thứ mọi người đều coi là quý. Chữ Quý do Trung (中) [và Bối ghép lại], lại có chữ Nhất (一) ở chính giữa, như hình dạng người đang gồng gánh, [thể hiện ý] nắm giữ, gồng gánh tiền, mọi người đều tôn trọng; cho nên tôn quý, cao vời. Nếu phải cầm Giáo (tức chữ Qua, 戈) để tranh Bối (tiền bạc) [tức là chữ Tiện (賤) gồm Bối và hai chữ Qua ghép lại] thì mọi người đều ghét, cho nên bị coi rẻ.

          “Long, quỷ, thần” vốn thuộc bốn đường, đọa vào địa ngục chẳng có gì là lạ! Thiên cũng đọa là vì lẽ nào? Đại Luận nói: “Chư thiên từ Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên chết đi, sẽ đọa vào trong địa ngục A Tỳ”. Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Đế Thích phục quán nghiệp quả ư điện trung, Khiếu Hoán đại địa ngục thập bát cách xứ, sát sanh, thâu đạo, tà dâm, vọng ngữ nghiệp, đọa thử địa ngục, cụ thọ chúng khổ” (Đế Thích lại quán nghiệp quả [sau khi mất của chư thiên] trong cung điện, [thấy tội nhân trong] mười tám ngục thuộc đại địa ngục là do các nghiệp sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối mà đọa vào địa ngục ấy, thọ đủ các khổ). Vì thế, [địa ngục] chẳng bỏ sót chư thiên! Thành Thật Luận viết: “Hỏi: Người sanh lên trời lìa ác, tích thiện, sau khi báo hết, sao lại vào ngay trong tam đồ? Đáp: Phàm phu từ vô thỉ đến nay, ác nghiệp vô cùng. Một ngày tham, sân, còn chịu tội nơi ngàn thân. Huống hồ ác đã nhiều, tạm chế phục nghiệp kết mà sanh [trong đường lành]. Khi phước do thiện báo đã hết, nghiệp cũ đã đến lúc chín muồi, vẫn đọa vào tam đồ, có gì đáng ngờ?” Kinh Niết Bàn dạy: “Tuy phục đắc Phạm Thiên chi thân, nãi chí Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, mạng chung chi hậu, hoàn đọa tam ác đạo trung” (Tuy được làm thân Phạm Thiên, thậm chí Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, sau khi mạng chung, vẫn đọa trong ba ác đạo). Do quả báo chẳng gián đoạn, cho nên gọi là Vô Gián.

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2.2.2.5. Mạng vô gián (mạng chẳng gián đoạn)

 

          (Kinh) Ngũ giả, nhược đọa thử ngục, tùng sơ nhập thời chí bách thiên kiếp, nhất nhật, nhất dạ, vạn tử, vạn sanh, cầu nhất niệm gian, tạm trụ bất đắc, trừ phi nghiệp tận, phương đắc thọ sanh, dĩ thử liên miên, cố xưng Vô Gián.

          ()五者若墮此獄從初入時至百千劫一日一夜萬死萬生求一念間暫住不得除非業盡方得受生以此連綿故稱無間。

          (Kinh: Năm là nếu đọa vào ngục này, từ lúc mới vào cho tới trăm ngàn kiếp, một ngày, một đêm, vạn lần chết, vạn lần sống, cầu tạm ngừng trong một niệm chẳng được, trừ phi nghiệp hết mới được thọ sanh, do thọ khổ liên miên, nên gọi là Vô Gián).

          Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Địa ngục nhất nhật nhất dạ thọ tội, như Diêm Phù Đề lục thập tiểu kiếp, như thị nhất đại kiếp. Thử đẳng tội nhân, kinh bát vạn tứ thiên đại kiếp” (Thọ tội trong địa ngục một ngày một đêm giống như sáu mươi tiểu kiếp trong Diêm Phù Đề, tức là một đại kiếp như thế. Những tội nhân ấy [chịu tội] trải qua tám vạn bốn ngàn đại kiếp). Kinh Trường A Hàm nói: “Cửu thọ khổ dĩ, tùng Vô Gián xuất, nãi chí Hàn Băng địa ngục, nhĩ nãi mạng chung. Vi trọng tội hành, sanh ác thú nghiệp, cố đọa Vô Gián địa ngục, thọ khổ bất khả xưng kế” (Chịu khổ đã lâu, từ Vô Gián thoát ra, [sanh vào địa ngục khác, lần lượt như thế] cho đến [sanh vào] địa ngục Hàn Băng thì mới mạng chung. Do đã gây tội nặng, tạo nghiệp sanh vào đường ác, cho nên đọa vào địa ngục Vô Gián, chịu khổ chẳng thể tính kể).

          Theo kinh Lăng Nghiêm: “Do tư báo chiêu dẫn ác quả, kết xúc, tắc vi nhất nhật trung vạn tử, vạn sanh. Ư nhất thiết thời, vô hữu tu du tạm thọ an lạc như đàn chỉ khoảnh” (Do ý thức tạo nghiệp, chiêu cảm, dẫn khởi ác quả, kết thành Xúc báo, cho nên trong một ngày vạn lần sống, vạn lần chết. Trong hết thảy các thời, chẳng hề được tạm hưởng an vui trong khoảnh khắc chừng bằng một cái khảy ngón tay). Vì thế mới nói: “Nhất niệm tạm trụ bất đắc” (Chẳng tạm ngưng trong một niệm được).

          “Nghiệp tận thọ sanh” là từ ngữ nói theo thời gian xa xôi. Theo kinh Thiết Thành Nê Lê, từ Nê Lê thứ nhất thoát ra, cho đến lần lượt vào trong Nê Lê thứ tám. Lại từ Nê Lê thứ tám, trở ngược lại Nê Lê thứ bảy, cho đến ngục thứ nhất là A Tỳ Ma Nê Lê. Đến đó, người ta thấy thành sắt từ xa, đều hoan hỷ hô to “vạn tuế”. Vua Diêm La liền gọi tội nhân đến trước mặt, [phán quyết] “nếu chẳng có oán đối, sẽ cho ngươi đi”. [Người ấy] sẽ lại sanh làm người, sẽ hiếu thuận, sẽ phụng sự lâu năm, sẽ sợ điều răn cấm của đế vương, sẽ thừa sự sa-môn đạo nhân, tâm, miệng, thân đều đoan chánh. Người đắc A La Hán thì các đường Nê Lê đều đóng lấp. Do vậy, từ Nê Lê thoát ra, đều sanh trong đường lành. Vì thế nói là “nghiệp tận thọ sanh”. Do từ thuở đầu cho đến khi nghiệp hết sạch, cứ sanh tử liên miên, cho nên gọi là Vô Gián.

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.3. Quảng thuyết bất tận (nói chi tiết thì sẽ chẳng thể nói trọn hết được)

 

          (Kinh) Địa Tạng Bồ Tát bạch thánh mẫu ngôn: “Vô Gián địa ngục thô thuyết như thị. Nhược quảng thuyết địa ngục tội khí đẳng danh, cập chư khổ sự, nhất kiếp chi trung, cầu thuyết bất tận.

          ()地藏菩薩白聖母言無間地獄麤說如是。若廣說地獄罪器等名及諸苦事一劫之中求說不盡。

          (Kinh: Địa Tạng Bồ Tát bạch thánh mẫu rằng: “Nói thô thiển về địa ngục Vô Gián như thế đó. Nếu nói cặn kẽ về tên gọi của những dụng cụ hành tội và các sự khổ trong địa ngục thì suốt cả một kiếp, chẳng mong nói trọn hết được”).

 

          Vì sao những chuyện như tên gọi của các dụng cụ hành tội nói suốt một kiếp chẳng tận? Do các tội nhân lúc sống, ác tâm trọn khắp, ngày đêm liên tục, đến nỗi đọa vào địa ngục, sẽ theo nghiệp mà [các chuyện đày đọa] hiện ra, tự nhiên những dụng cụ để hành tội và các chuyện khổ sẽ rộng nhiều, khó thể trọn hết được! Than ôi! Người sa vào Nê Lê, khổ sở, cay đắng muôn mối. Ai nấy hãy tự suy nghĩ, cũng đều nên làm lành vậy thay!

 

3.2.2.1.2.2.2.2.2.2. Thánh mẫu lễ thoái (thánh mẫu làm lễ, lui ra)

 

          (Kinh) Ma Da phu nhân văn dĩ, sầu ưu hiệp chưởng, đảnh lễ nhi thoái.

()摩耶夫人聞已愁憂合掌頂禮而退。

          (Kinh: Ma Da phu nhân nghe xong, lo sầu, chắp tay, đảnh lễ, lui ra).

          Đây là người trùng tuyên kinh điển trần thuật thánh mẫu nghe xong, lui ra, buồn vì tội nhân chịu khổ chẳng cùng tận, lo vì sức mình cứu giúp chẳng xuể. “Chắp tay” biểu thị tự tâm chẳng tán loạn. “Đảnh lễ” là bái tạ Địa Tạng Bồ Tát [là đấng] có thể tuyên thuyết. Lại còn lui khỏi chỗ ngồi để âm thầm suy nghĩ, vẫn mong do duyên sau sẽ lại diễn nói.

 

Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú

(Phần 3)

Hết

 

» Chú thích:

[1] Đây đều là những con số lớn. Theo phẩm A Tăng Kỳ trong kinh Hoa Nghiêm, một

trăm lạc-xoa (một trăm ngàn) là một câu-chi. Câu-chi lần câu-chi là một A-du-đa. A-du-đa lần A-du-đa là một Na-do-tha, lần lượt như thế cho đến Chí lần Chí là một A Tăng Kỳ. A Tăng Kỳ lần A Tăng Kỳ là một A Tăng Kỳ Chuyển. A Tăng Kỳ Chuyển lần A Tăng Kỳ Chuyển là một Vô Lượng. Vô Lượng lần Vô Lượng là một Vô Lượng Chuyển. Vô Lượng Chuyển lần Vô Lượng Chuyển là một Vô Biên. Vô Biên lần Vô Biên là một Vô Biên Chuyển, Vô Biên Chuyển lần Vô Biên Chuyển là một Vô Đẳng. Vô Đẳng lần Vô Đẳng là một Vô Đẳng Chuyển. Vô Đẳng Chuyển lần Vô Đẳng Chuyển là một Bất Khả Số. Bất Khả Số lần Bất Khả Số là một Bất Khả Số Chuyển. Bất Khả Số Chuyển lần Bất Khả Số Chuyển là một Bất Khả Xưng. Lần lượt tính lên như vậy, ta có các con số Bất Khả Xưng Chuyển, Bất Khả Tư Chuyển, Bất Khả Tư, Bất Khả Tư Chuyển, Bất Khả Lượng, Bất Khả Lượng Chuyển, Bất Khả Thuyết, Bất Khả Thuyết Chuyển.

[2] Sách này có tên gọi đầy đủ là Quảng Dư Ký do Thái Phương Bỉnh biên soạn dưới đời Thanh, hoàn tất bản cảo vào năm Khang Hy 25 (1686), nội dung ghi chép ranh giới, địa hình, sông núi, thổ sản, chùa miếu, các bậc danh thần, nhân vật, liệt nữ v.v… của mười lăm tỉnh và đặc khu: Trực Lệ, Giang Nam, Chiết Giang, Giang Tây, Phước Kiến v.v… Chí Đức là niên hiệu của Đường Túc Tông (Lý Tự Thăng) từ năm 756 đến năm 758.

[3] Tân La là một vương triều tồn tại từ năm 57 trước Công Nguyên cho đến năm 950 công nguyên, có địa bàn thuộc miền Nam và Trung phần của bán đảo Đại Hàn. Cùng với Bách Tế (Baekje) và Cao Câu Ly (Goguryeo), hình thành Tam Hàn (Tam Quốc) trong cổ sử Đại Hàn. Vương triều này do Phác Hách Cư Thế (Park Hyeokgeose) sáng lập. Phật giáo được truyền vào Tân La vào năm 528. Cho đến thế kỷ thứ bảy, tại Tân La đã có các tông phái Niết Bàn, Pháp Tướng, Hoa Nghiêm, Pháp Tánh. Cuối thế kỷ thứ chín, Thiền Tông Tân La đã hình thành chín phái (thường gọi là Cửu Sơn). Ngài Kim Kiều Giác (696-794) thuộc hoàng thất Tân La.

[4] Trực Lệ là một đơn vị hành chánh đặc biệt đặt ra dưới đời Minh, có ý nghĩa “trực thuộc quyền quản trị trực tiếp của trung ương”, không thiết lập chức Thừa Tuyên Bố Chánh Sứ Ty như các tỉnh khác. Dưới thời Minh, Trực Lệ Trì Châu Phủ có phạm vi bao gồm các huyện Trì Châu, Đồng Lăng, Thanh Dương, Thạch Đài, Đông Chí…

[5] Mẫu Đà La (Mudra) là thủ ấn. “Cánh tay Mẫu Đà La” là cánh tay kết ấn. Đâu La Miên là sợi tơ từ Đâu La (Tūla), tức Dương Hoa, hoặc sợi tơ mịn của một loại tằm. Cả hai từ ngữ đều nhằm ca ngợi cánh tay đẹp đẽ luôn ban bố ân đức, mềm mịn của đức Phật.

[6] Phạm Chí (梵志, Brahmacharin) thường được giải thích là “chí hướng Phạm Thiên” tức là những người tu theo đạo Bà La Môn, mong sanh lên trời Phạm Thiên. Đây cũng là từ ngữ chỉ chung các ngoại đạo.

[7] Tử (con) và Tý trong Thiên Can (Tý, Sửu, Dần…) là cùng một chữ “子”.

[8] Bát Tý Thiên (Nārāyaṇa) còn gọi là Na La Diên, hoặc Đại Lực Thiên Thần, là một danh xưng khác của Tỳ Nữu Thiên (Vishnu).

[9] Thi Thiết Túc Luận (施設足論) là một bộ luận do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường, chia thành bảy quyển. Tương truyền tác giả của bộ luận này là tôn giả Ca Chiên Diên, nhưng lại có thuyết khác cho rằng tác giả phải là tôn giả Mục Kiền Liên. Bộ luận này chú thích kinh Lâu Thán trong Trường A Hàm.

[10] Túc Tán Vương (粟散王) là những vị vua hay hoàng đế không phải là Chuyển Luân Vương. Do thế gian có nhiều quốc gia, thậm chí tù trưởng một số bộ tộc hay thị tộc cũng xưng vương. Nhất là trong các quốc gia như Ấn Độ hay Trung Hoa, số lượng vương gia, thân vương, tiểu vương quá nhiều, giống như gạo rải rắc khắp nơi, nên được gọi là Túc Tán Vương.

[11] Trủng Tể là chức quan được đặt ra từ thời Tây Châu, thấp hơn Tam Công (Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo), đứng đầu Lục Khanh (Thái Tể, Thái Tông, Thái Sử, Thái Chúc, Thái Sĩ, Thái Bốc), tức là người đứng đầu các quan. Nói cách khác, đây là người thay thiên tử xử lý thường vụ mọi việc triều chính. Về sau, danh xưng này chuyên chỉ Lại Bộ Thượng Thư và vai trò của Lại Bộ Thượng Thư hoàn toàn chỉ giới hạn trong việc bổ nhiệm, thăng thưởng, cách chức các quan…

[12] Bộ Khúc (部曲) là danh từ có từ thời Ngụy Tấn, còn gọi là Khách, để chỉ những thuộc hạ, chủ yếu là gia binh (binh lính riêng, dũng sĩ hộ vệ riêng của các đại quan, đại gia).

[13] Sách này có tên là Đại Đường Tây Vực Ký gồm mười hai quyển do ngài Huyền Trang biên soạn. Sách được hoàn thành vào năm Trinh Quán 20 (646), ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc thỉnh kinh kéo dài mười chín năm của ngài Huyền Trang, bao gồm địa lý, khí hậu, sản vật, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán v.v… của hơn một trăm bốn mươi quốc gia từ Tân Cương cho đến Nam Ấn Độ. Tương truyền, do Đường Thái Tông thường đến đạo tràng dịch kinh của Ngài hỏi han đủ thứ về phong tục Tây Vực, khiến Ngài không thể chuyên tâm dịch kinh được, nên Ngài bèn soạn sách này để nhà vua đọc. Đây là một sử liệu hết sức giá trị đã được các triều đại khắc in rất nhiều lần và đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Nhật.

[14] Theo tiên sinh Quý Dĩ Lâm, chữ Di  Lặc (彌勒) được  phiên  âm  dựa  theo  từ  ngữ

Metrak trong ngôn ngữ Tocharian, tức là cách đọc trại chữ Maitreya. Tocharian (Tokharian, Thổ Hỏa La ngữ) là ngôn ngữ chánh yếu của các xứ thuộc Tây Vực quanh bồn địa (vùng đất trũng) Tháp Lý Mộc (Tarim Basin thuộc Tân Cương) như Cao Sương (Turpan, Thổ Lỗ Phồn), Quy Tư (Kuche, quê hương của ngài Cưu Ma La Thập) v.v… Đa số các vị cao tăng dịch kinh thời đầu xuất phát từ những xứ này, cho nên mới hình thành cách phiên âm như thế. Sau khi người Uighurs (Duy Ngô Nhĩ, thuộc hệ ngôn ngữ Turkic) và các sắc dân theo Hồi giáo tiến nhập vùng Tân Cương, cùng với sự diệt vong của các quốc gia tại Tây Vực, cũng như dưới sự xâm lấn mạnh mẽ của các sắc dân Hồi giáo, những kẻ thống trị mới cưỡng ép không khoan nhượng dân chúng địa phương cải đạo sang Hồi giáo, ngôn ngữ Tocharian dần dần suy vi và hoàn toàn mất hẳn.

[15] “Duyên nhân” là cái nhân để giúp cho cái nhân chủ yếu (chánh nhân) được thành tựu. Như hạt lúa giống là chánh nhân để sinh ra cây lúa mới, các yếu tố phụ trợ như đất, nước, phân bón, ánh sáng mặt trời, công sức của nông dân v.v… là duyên nhân.

[16] “Thất độc” là bảy thứ phiền não, tức tham, sân, si, mạn, nghi, tật đố (ganh ghét), và dâm dục.

[17] Lỗ Ai Công (508-468) tên thật là Cơ Tương, là vua thứ hai mươi sáu của nước Lỗ (quê hương Khổng Tử). Trong giai đoạn này, nhà vua chỉ có hư vị vì quyền cai trị nước Lỗ nằm trong ba dòng quý tộc (Sử gọi là Tam Hoàn, tức là hậu duệ của ba con trai Lỗ Hoàn Công). Nhà vua cố gắng khôi phục quyền lực, nhưng bị họ tấn công đến nỗi phải lưu vong sang nước Triệu, rồi cuối trốn sang nước Việt rồi chết tại đó.

[18] Theo niềm tin truyền thống của Trung Hoa, Đông Nhạc Đại Đế là thần núi Thái Sơn chưởng quản sanh tử. Tất cả các thành hoàng đều trực thuộc quyền cai quản của Đông Nhạc Đại Đế.

[19] Đột Cát La (Duṣkṛta), còn phiên âm là Đột Sắt Nhi Lý Đa, hoặc Đột Thắng Kiết Lật Đa, hoặc Độc Kha Đa, tức là các tội nhẹ thuộc về làm ác và nói lời ác ngoài Tứ Trọng (giết, trộm, dâm, dối).

[20] Luật Sao là gọi tắt của bộ Tứ Phần Luật Hành Sự Sao do sơ tổ của Nam Sơn Luật Tông là đại sư Đạo Tuyên biên soạn, nhằm giải thích bộ luật Tứ Phần. Bộ sách này lại được rất nhiều người chú thích như Tứ Phần Luật Sao Phê của Đại Giác soạn vào đời Đường, Tứ Phần Luật Hành Sự Sao Sưu Huyền Lục của Chí Hồng soạn vào đời Đường, Tứ Phần Luật Hành Sự Sao Giản Chánh Ký của Cảnh Tiêu soạn, Tứ Phần Luật Hành Sự Sao Tư Trì Ký do Nguyên Chiếu soạn dưới đời Tống…

[21] Bộ sách này có tên gọi đầy đủ là Đại Tống Tăng Sử Lược, do ngài Tán Ninh (930-1001) biên soạn vào đời Tống trong niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc thời Tống Thái Tông, nay được đưa vào tập năm mươi ba của bộ Đại Chánh Đại Tạng Kinh. Theo lời tựa, do ngài Tán Ninh không tán đồng cách biên soạn của các bộ sử Phật giáo như Hoằng Minh Tập và Cao Tăng Truyện, nên đã soạn ra bộ sách này, nhằm ghi chép rõ ràng chế độ giáo đoàn, tăng lễ, giới luật, sám pháp, cũng như các chi tiết lịch sử về việc truyền trì Phật giáo từ Thiên Trúc sang Đông Độ, việc phiên dịch kinh luận, quy chế xuất gia, các thể chế cai quản tăng đoàn tại Trung Hoa, tăng phục, quy củ giới đàn, kết xã (các hình thức hiệp hội cộng tu)…

[22] Nại Lạc Ca là phiên âm khác của chữ Nê Lê (Nāraka).

[23] Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của pháp sư Viên Anh trong bộ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa.

[24] Minh Báo Ký là tác phẩm ghi lại những câu chuyện thật về tội phước báo ứng do Đường Lâm biên soạn trong niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông.

[25] Tự Thư ở đây chính là bộ Can Lộc Tự Thư do Nhan Nguyên Tôn soạn vào đời Đường. Đây là một loại tiểu tự điển nhằm giúp các sĩ tử nhận biết chữ viết như thế nào là đúng quy cách trong các văn bản chính thức của triều đình và học viện. Do trong đời Đường, mỗi chữ viết thường có ba loại: Chánh (chữ viết đúng quy cách, mẫu mực, dùng cho chiếu, biểu, thông cáo, sắc phong, gia phả, sử liệu, bài thi), Thông (chữ viết theo lối thông dụng để tiện ghi chép, không dùng cho các văn bản chính thức. Đôi khi được sử dụng khi ghi chép, thư từ cho những người cùng hàng, hoặc các bằng khoán, giấy nợ), và Tục (những chữ chỉ dùng trong dân gian, không được phép dùng trong sách vở, ghi chép chính thức). Can Lộc Tự Thư được hình thành nhằm tiêu chuẩn hóa cách viết cho các chữ thông dụng thời bấy giờ.

[26] Mười tám ngục là tám địa ngục nóng (như đã nói trong phần trên, tức Đẳng Hoạt, Hắc Thằng v.v…) và mười địa ngục lạnh: Cụ Pháo (Arbuda, Át Phụ Đà, Ngạch Phù Đà, Hậu Vân), Pháo Liệt (Nirarbuda, Nê La Phù Đà, Vô Vân), A Tra Tra (Aṭaṭa), A Ba Ba (Apapa hoặc Hahava), A Hầu Hầu (Huhuva, hoặc Hahadhara), Thanh Liên (Utpala, Ưu Bát La), Hồng Liên (Padma, Ba Đầu Ma), Đại Hồng Liên (Mahapadma), Bạch Liên (Pundarīka), và Tô Kiện Đà Cố (Soghandhika). Kinh Thập Bát Nê Lê nêu tên mười ngục lạnh hơi khác, tức là Ô Cánh Đô, Nê Lô Đô, Ô Lược, Ô Mãn, Ô Tạ, Ô Hô, Tu Kiện Cù, Mạt Đầu Càn Trực Hộ, Âu Bô Đồ, Thẩm Mạc. Có kinh, luận lại cho rằng chỉ có tám địa ngục nóng và tám địa ngục lạnh. Ngu ý cho rằng do nói tách ra, hay gộp vào bèn có sai khác, tức là như trong phần trước đã nói, có thể kể gộp chung các loại du tăng địa ngục và cô độc địa ngục vào đó mà thành ra mười tám, năm trăm, hoặc trăm ngàn địa ngục.

[27] Khương, Hồ, Di, Địch là các sắc dân thiểu số. Khương (còn gọi là Nhĩ Mã) là sắc dân thiểu số sống ở vùng Tây Nam Trung Hoa. Ngôn ngữ của họ thuộc hệ Hán – Tạng, nhưng văn tự đã thất truyền. Họ theo ngả Tây Bắc di cư vào Trung Hoa dưới đời Tần. Trong lịch sử, một lãnh tụ người Khương là Diêu Trành đã sáng lập vương triều Hậu Tần (sử thường gọi là nhà Diêu Tần). Hồ là tiếng chỉ chung các sắc dân ngoại lai tại Trung Á và Tây Á. Do vậy, trong lịch sử, các sử gia Trung Hoa đã phân biệt người Hồ thành Sơn Nhung, Khuyển Nhung, Đông Hồ, Nhục Chi, Ô Hoàn, Tiên Ty, Hung Nô, Đê, Yết, Đột Quyết, Hồi Hột v.v… Di là những người thiểu số ở phía Đông Trung Hoa. Vua khai sáng nhà Châu là Châu Văn Vương thuộc tộc Đông Di. Từ đời Hán trở đi, chữ Di dùng để chỉ người Đại Hàn, Oa nhân (người Nhật), Ốc Thư (Okjeo, một sắc dân tại Đại Hàn), dân cư trên đảo Lưu Cầu (Ryukyu), và thổ dân tại Đài Loan. Địch là từ ngữ chỉ các sắc dân sống ở phía Bắc Trung Hoa mà không phải là người Hán. Thời Xuân Thu, người Địch chia thành Bạch Địch, Xích Định, và Trường Địch.

File đính kèm

STT Tên File Tải xuống
1 File Word: Địa Tạng Khoa Chú (Toàn Tập) Xem File

Tin liên quan