BÀN VỀ HIẾU ĐẠO
Người dẫn chương trình: Uông Dụng Hòa
Khách mời phỏng vấn: Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 12 tháng 6 năm 2003
Địa điểm: Đài truyền hình Vĩ Lai, Đài Loan
Tập 2
» File Word: Bàn Về Hiếu Đạo (tập 2) «
MC: A Di Đà Phật. Xin chào chư vị đại đức, cư sĩ! Tôi là Uông Dụng Hòa. Trong chương trình một tiếng đồng hồ vừa rồi, sư phụ Tịnh Không đã khai thị cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa liên quan đến đạo hiếu, một tiếng đồng hồ tiếp theo chúng ta vẫn tiếp tục mời Pháp sư Tịnh Không giải thích và khai thị cho chúng ta nhiều hơn nữa về chủ đề hiếu này, để xã hội chúng ta thật sự có thể làm tròn đạo hiếu.
Thế nhưng nói đến việc làm tròn đạo hiếu, trong xã hội hiện đại ngày nay, e rằng rất nhiều bạn nữ đang làm con dâu muốn mời sư phụ khai thị thêm. Tức là trong gia đình truyền thống trước đây, trách nhiệm của người con dâu là hết sức quan trọng, nhưng xã hội hiện nay e rằng sẽ có rất nhiều người nói trách nhiệm của họ không những không được giảm bớt mà còn tăng thêm, tại sao vậy? Bởi vì rất nhiều người phụ nữ còn phải đi làm, có thể sẽ biến thành cây nến phải đốt cả hai đầu. Trong tình cảnh như vậy, Sư phụ có thể cho biết, rất nhiều bạn nữ đang làm con dâu, rốt cuộc các bạn ấy phải nên làm thế nào để thể hiện lòng hiếu thảo của mình ở ngay trong không gian và thời gian có giới hạn của phàm phu tục tử.
Hòa Thượng: Vấn đề này là một vấn đề rất nghiêm túc của xã hội. Bệnh tình của xã hội đã phát sinh, hơn nữa lại rất nghiêm trọng, cái gốc của nó là giáo dục. Sự giáo dục này, chúng ta thường nói có bốn loại giáo dục, thứ nhất là giáo dục gia đình, người thời xưa hiểu được, giáo dục gia đình phải bắt đầu làm từ khi nào? Bắt đầu làm từ thai giáo. Khi người mẹ mang thai, thì người mẹ phải có trách nhiệm quan tâm đối với thai nhi. Bởi vì trong thời kì mang thai đó, tâm trạng “mừng, giận, buồn, vui” của người mẹ đều có ảnh hưởng đến thai nhi, cho nên trong 10 tháng này, hễ là tất cả những mặt không tốt đều phải cấm kị, đi đứng nằm ngồi đều phải giữ gìn theo lễ, giúp cho tâm của thai nhi, hành vi của thai nhi về sau có thể được chánh trực.
Sau khi em bé ra đời, người làm cha mẹ, người làm trưởng bối, ở trước mặt trẻ nhỏ, vì khi trẻ nhỏ vừa mở mắt nó sẽ biết nhìn, biết nghe, giống như câu tục ngữ: “Tiên nhập vi chủ”. Từng cử chỉ hành động, từng lời nói điệu cười của người lớn đều để lại ấn tượng trong tâm của trẻ nhỏ, mặc dù nó vẫn chưa biết nói, vẫn chưa biết đi nhưng sẽ có ảnh hưởng rất sâu, người bình thường như chúng ta khó mà tưởng tượng được. Do đó mới nói, những điều không nên để cho trẻ nhìn thấy thì đều phải tránh đi, nhất định không thể để xuất hiện trước mặt để cho trẻ nhìn thấy, nghe thấy. Phải để những điều trẻ nhỏ nghe thấy, nhìn thấy đều là mặt thiện, đều là mặt tích cực, phải dùng tâm như vậy để dạy dỗ trẻ nhỏ. Người hiện nay không hiểu được đạo lý này, khi mang thai, ăn uống đi đứng đều không biết chăm sóc cho thai nhi, cho nên gốc của giáo dục là ở chỗ này.
Ngày nay giáo dục gia đình không còn nữa, trưởng bối, thầy cô đều không dạy nữa, đây là một việc mà chúng ta cảm thấy rất đau lòng. Giáo dục đã không còn, các em chắc chắn sẽ bị ô nhiễm bởi hoàn cảnh. Môi trường xã hội hiện nay mọi người đều biết, những mặt tốt có thể nói là không còn thấy, những thứ tiếp xúc được toàn là tiêu cực, lớn lên trong một môi trường như vậy. Các bạn nói xem, các em có thể không rơi vào tà tri tà kiến, không đi vào con đường sai trái, phạm tội được không? Không thể nào! Điều này khiến chúng ta cảm thấy vô cùng lo lắng, hơn nữa cũng không có cách gì để cứu vãn.
Tôi nhớ hình như vào khoảng 5 năm về trước, các đồng học ở Mỹ có gửi cho tôi một quyển tạp chí, trong tạp chí đó có một bài báo nói về tỉ lệ phạm tội của thanh thiếu niên nước Mỹ, tôi xem xong bài báo đó thật sự nổi cả da gà, tỉ lệ phạm tội mỗi ngày của thanh thiếu niên lại cao như vậy, thế thì làm sao chịu nổi! Vì bài báo đó mà tôi đã đặc biệt đến Los Angeles và San Francisco một chuyến, đến đó một tuần lễ, đặc biệt dành thời gian để đến đó. Ở bên đó đài truyền hình có sắp xếp hai lần tọa đàm phỏng vấn.
Lần thứ nhất, có Viện trưởng Viện kiểm sát khu vực Los Angeles, Nghị viên Thành phố Pasadena, Hiệu trưởng trường Đại học Pomona của bang California, bốn người chúng tôi đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề này. Tôi đã hỏi Viện trưởng Viện kiểm sát, tôi nói: “Bài báo cáo này có phải thật không?” Ông ấy nói với tôi đây là thật, đã chứng thực với tôi. Tôi hỏi ông ấy: “Bây giờ có cách gì để kiểm soát tỉ lệ phạm tội này không?” Ông ấy nói: “Không có! Thanh thiếu niên hiện nay đã hình thành tư tưởng phạm tội, hành vi phạm tội, tương lai sau này các em lớn lên rồi sẽ thế nào đây! Nếu sau này các em lớn lên mà phạm tội, thì người trên toàn thế giới sẽ gặp tai họa, tại sao vậy? Những vũ khí hạt nhân có sức sát thương khủng khiếp kia đều ở nước Mỹ, sau này rơi vào tay các em, e rằng ngày tận thế của thế giới đã đến gần”. Họ nghe tôi nói như vậy xong cũng không biết làm sao để trả lời, rất cảm thán, thật sự là tình hình như vậy.
Lần tọa đàm thứ hai là nói về tôn giáo, gồm có Cha xứ bên Thiên chúa giáo và Viện trưởng Viện Tu Đạo của Kitô giáo, dẫn theo các học sinh của họ đến phỏng vấn tôi. Cho nên, vấn đề này quan trọng hơn bất kì điều gì khác, khi chúng tôi nói về vấn đề tôn giáo, tôi nói: “Hiện nay sự thật này đã hình thành, giáo dục gia đình không còn nữa. Giáo dục nhà trường, nước Mỹ đã dạy cái này từ nhỏ, dạy các em cạnh tranh, từ nhỏ đã truyền bá tư tưởng cạnh tranh, cạnh tranh nâng cao lên nữa chính là đấu tranh, đấu tranh nâng cao lên nữa chính là chiến tranh, một khi chiến tranh bùng nổ trở lại thì thế giới này cùng đi đến chỗ chết”. Tôi nói: “Tư tưởng giáo dục này là con đường chết, thật sự là một con đường chết”. Tôi nói những điều này họ đều gật đầu và cho là đúng, giáo dục của nước Mỹ là dạy những điều này. Tôi nói: “Giáo dục của phương Đông thì không giống như quý vị, giáo dục của phương Đông là từ nhỏ dạy nhẫn nhường, lễ nhường, khi nghĩ đến mình thì cũng phải nghĩ đến người khác, đây là một con đường sống, là con đường sống sót. Giáo dục khoa học kĩ thuật của phương Tây đã đi đến điểm cuối cùng, điểm cuối cùng chính là ngày tận thế, bây giờ nếu như muốn cứu vãn thì quý vị không thể không đến phương Đông để tìm kiếm phương pháp giải quyết”.
Thí dụ hiện nay mọi người cảm thấy vấn đề của bệnh Sars là đáng sợ nhất, Tây y cũng đành bó tay, nhưng lại không để Trung y nhúng tay vào, đây chính là không đủ khiêm tốn để học hỏi, không phải là một thái độ học hỏi tốt. Nếu bản thân chúng ta không tìm được phương pháp để điều trị thì chúng ta có thể mời người khác, có thể tham khảo những thứ của họ. Bạn nói Trung y không hợp với khoa học, tôi ở nước ngoài, thường mời những vị giáo sư lớn tuổi đến ăn cơm nói chuyện, họ rất thích ăn món Trung Quốc, chỉ cần nghe nói là tôi chiêu đãi thì dù có xa tới đâu họ cũng về nhà đón vợ mình cùng đến, nếu là cô giáo thì nhất định sẽ đưa chồng mình đến, đến ăn món Trung Quốc. Tôi nói: “Trung Quốc là một đất nước cổ xưa, văn hóa này ít nhất cũng được 5000 năm rồi, những thứ cổ xưa 5000 năm tuổi này không hợp với khoa học, nếu không hợp khoa học tại sao quý vị lại thích ăn món Trung Quốc?” Tôi nói: “Cùng một đạo lý như vậy, y học Trung Quốc cũng đã có lịch sử hơn 5000 năm rồi, còn lâu đời hơn lịch sử y học của phương Tây quý vị nhiều, lịch sử y học của phương Tây quý vị cùng lắm là được 300 năm, mọi thứ của quý vị đều nói là phù hợp với khoa học, còn chúng tôi thì không hợp với khoa học, không hợp khoa học nhưng nó lại có thể trị khỏi bệnh”. Cho nên tôi liền nghĩ đến lời nói của ông Đặng Tiểu Bình: “Không cần biết là mèo trắng hay mèo đen, cứ bắt được chuột thì là mèo tốt”. Tôi cũng dùng câu nói tương tự như vậy: “Bất luận là Trung y hay Tây y, cứ trị được bệnh thì là Thầy giỏi”, phải biết khiêm tốn để học hỏi.
Bởi vì thích ăn món Trung Quốc nên tôi mới tiện thể đem những lý luận của Trung y ra giới thiệu sơ lược một chút với họ. Tôi nói: “Quan niệm y học của Trung Quốc không phải là trị bệnh”. Họ liền nói: “Như vậy là sao?” Chính là nói “trường sanh bất tử”. Điều này rất kì lạ, thần kì! Thật sự như vậy. Tôi nói: “Trong lý luận y học của Trung Quốc có nói về thọ mạng của con người, điều này là sự thật, trong phần Linh Khu của “Hoàng Đế Nội Kinh” có nói, thọ mạng của con người phải là 200 năm. Bạn không sống được 200 năm là do bạn không biết dưỡng sinh, tự bạn đã chà đạp chính mình”. Cho nên lý luận y học Trung Quốc không phải là trị bệnh mà là dưỡng sinh, nói về những đạo lý này. Thân thể là một bộ máy, bộ máy này bạn phải biết bảo dưỡng, bạn phải chăm sóc nó thật tốt, khi nó vận hành bình thường thì thọ mạng của nó có lẽ là 200 năm. Cũng giống như việc hiện nay chúng ta sử dụng máy móc vậy, máy móc rất bình thường, như chiếc xe mà các bạn đang lái đó, nếu các bạn biết bảo dưỡng thì tuổi thọ của nó sẽ dài, nếu các bạn không biết bảo dưỡng, còn chà đạp nó thì tuổi thọ của nó sẽ ngắn, cùng một đạo lý như vậy.
Tôi nói: Tiếp theo là chú trọng điều gì? Chú trọng làm sao để phòng ngừa bệnh tật, để không bị bệnh. Điều thứ ba mới là khi bị bệnh rồi thì phải chữa trị thế nào? Phương pháp chữa trị cao minh nhất không phải là dùng thuốc men, dùng phương pháp gì vậy? Dùng cách “xoa bóp”, tức là mat-xa. Bởi vì căn bệnh này của bạn đều là do các kinh mạch, huyệt đạo ở bên trong bị tắc nghẽn không thông, cho nên mới phát sinh bệnh. Dùng phương pháp xoa bóp, vận động giúp cho kinh mạch được lưu thông thì bệnh tình sẽ khỏi. Còn có một cách nữa là dùng âm thanh, âm thanh sẽ sanh ra chấn động đối với nội tạng, bệnh này của bạn ở bộ phận nào thì sẽ dùng âm thanh gì, phát ra âm thanh như vậy sẽ khiến bộ phận đó chấn động, những tắc nghẽn này liền được khai thông. Cho nên trong kinh Phật chúng ta có rất nhiều câu chú chữa bệnh, những câu chú đó không có nghĩa, “chú” đó là gì? “Chú” chính là phát âm. Bệnh tật gì, bộ phận nào, khi bạn niệm câu chú này thì sẽ phát ra âm thanh này, bộ phận này ở trong bị chấn động, điều này không có gì thần kì cả! Các bạn nghĩ xem như vậy có hợp với khoa học hay không? Bạn không hiểu nên cảm thấy không hợp khoa học; nếu như bạn hiểu rồi thì khoa học không phải cũng là như vậy hay sao.
Cho nên những “chú ngữ” đó không có nghĩa, chỉ là dạy quý vị nên phát âm ra sao, nhưng hiện nay những “chú ngữ” chú trong Đại Tạng Kinh chữa bệnh đều không linh nghiệm nữa, tại sao không linh? Bởi vì âm của chúng ta phát ra không chính xác, “chú ngữ” này nhất định là phải truyền lại bằng miệng. Còn văn tự ghi chép lại là chỉ cho bạn cách đọc như thế nào; ở Trung Quốc chúng ta ngôn ngữ của mỗi địa phương không giống nhau, cho nên những âm đó phát ra không chính xác, âm lượng không chính xác, vì thế chúng sẽ bị mất đi hiệu quả. Chúng tôi tin những điều này là rất có lý, dùng âm thanh chấn động chứ không phải dùng thuốc.
Tiếp theo là dùng châm cứu, châm cứu là phương pháp bên ngoài cơ thể, đả thông những kinh mạch đang bị tắc nghẽn của bạn. Hiện nay người nước ngoài cảm thấy cách châm cứu của Trung Quốc có thể tin được, có thể thể tiếp nhận. Tiếp theo chính là dùng thuốc, thuốc là đem bệnh hóa giải, khiến cơ thể khôi phục lại bình thường, việc này có đạo lý chứ không phải không có đạo lý. Chúng ta sơ ý qua loa, không tỉ mỉ đi nghiên cứu, bạn phải đi nghiên cứu thì mới có thể phát hiện được, chắc chắn sẽ có lợi ích cực kỳ lớn đối với việc chữa trị của Tây y.
Tôi nói điều thần kì hơn nữa, đó là một hai năm gần đây, tôi xem thấy Đài Loan xuất bản một cuốn sách tên là “Âm Thanh Hoang Dã”, đây là một bác sĩ người Mỹ ông đến Australia du lịch, sống cùng người bản địa, người bản địa của vùng sa mạc khu vực trung tâm Australia, sống cùng họ ba, bốn tháng. Nhìn thấy cách trị bệnh của người bản địa Australia ông thấy rất thần lạ, không thể tưởng tượng được, suy nghĩ thế nào cũng không hiểu, vì ông chưa được nhận qua kiểu giáo dục như vậy bao giờ. Lịch sử của người bản địa Australia cũng đã mấy vạn năm rồi, mấy vạn năm đó lão tổ tiên đời đời tương truyền, truyền lại một số phương pháp chữa bệnh như vậy, họ cũng không hiểu lý luận gì cả, cũng chẳng hiểu khoa học gì hết.
Trong sách này đã từng ghi lại, có một người từ trên vách núi rơi xuống, khoảng 26 mét, bị gãy xương. Rất may là bên dưới có mấy cái cây nên ông không bị rơi xuống đáy vực, nhưng xương cốt bị gãy, hết sức nghiêm trọng, những người bạn của ông cứu ông lên, để ông nằm ở trên mặt đất, ở Australia đều dùng những phương pháp bản địa này để điều trị. Ông ấy nói, hình như họ đã xoa bóp cho người kia, nhưng tay họ không có đặt lên vết thương, còn cách người ấy khoảng một gang tay, cứ xoa bóp cho người ấy như vậy, miệng thì lẩm bẩm cái gì đó, giống như đang hát vậy, nghe rất hay. Bác sĩ người Mỹ này hỏi họ: “Mọi người đang làm gì vậy?” Những đạo lý mà họ nói, người học Phật như chúng ta có thể hiểu được. Họ nói: “Sau khi ông ấy ngã xuống những tế bào của bộ phận tổn thương này sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi, chúng bị hoảng sợ, khi hoảng sợ thì chúng rời khỏi vị trí làm việc của chúng, cho nên mới nảy sinh vấn đề”. Họ nói: “Bây giờ chúng tôi đang an ủi chúng, an ủi chúng không nên sợ hãi, và còn dạy chúng, các tế bào hãy khôi phục lại vị trí làm việc ban đầu của mình đi”.
Họ cứ hát những lời an ủi như vậy. Ông ấy nói, họ cứ làm như vậy khoảng hai ba tiếng đồng hồ, sau đó quả nhiên phần xương bị gãy của người ấy vốn dĩ đang lộ ra ngoài, bây giờ đều thu lại bên trong, những thổ dân đó làm cho vết thương của người ấy liền trở lại, đều là dùng phương pháp bản địa của họ, hình như là dùng một thứ keo gì đó rất đặc để bôi lên vết thương của người ấy, người ấy liền không đau nữa. Đến ngày hôm sau thì ông ấy hoàn toàn bình phục, có thể cùng với mọi người đi lại trên đường như chẳng có việc gì xảy ra hết. Ông bác sĩ nhìn thấy rất kinh ngạc, phương pháp trị liệu này còn cao minh hơn cả thuốc thang của người Trung Quốc. Tại sao vậy? Họ hiểu được mỗi một tế bào đều có “kiến văn giác tri”. Điều này ở trong Phật pháp cũng có nói đến, trong học thuyết truyền thống của Trung Quốc thì không có nói đến điều này. Mỗi một tế bào đều đang hoạt động, cho nên họ đã dùng phương pháp này để an ủi chúng, tay họ hoàn toàn không chạm vào thân thể người ấy, điều này còn cao minh hơn cả Trung y. Người bản địa Australia! Không thể nói là họ lạc hậu, họ không có văn hóa, những thứ này đã được truyền lại ngàn vạn năm nay, chắc chắn là có đạo lý của nó, phải nên khiêm tốn học hỏi. Vì thế không thể nói rằng, nó quá sức tưởng tượng của mình nên các bạn đã bỏ qua, các bạn không học theo họ thì thật sự rất đáng tiếc!
Cho nên, từ những ví dụ này, những quốc gia đang phát triển, những quốc gia tiên tiến trên thế giới nhất định phải sáng tỏ điều này, những dân tộc nghèo khổ, lạc hậu chưa được phát hiện, họ có cách, họ có bảo bối, phải khiêm tốn đi tìm tòi, khiêm tốn đi học hỏi, tìm về, sau đó sẽ giúp cho trình độ y học của bản thân được nâng cao. Không thể nói là họ lạc hậu nên những thứ của họ đều là mê tín, không có giá trị, như vậy thì rất đáng tiếc. Thật sự có đồ quý ở bên trong, so với những thứ của các bạn còn cao minh hơn gấp trăm ngàn lần. Cho nên, phải làm người hiếu học, phải khiêm tốn, phải tỉ mỉ mà quan sát, sau đó mới có thể nâng cao cảnh giới của mình, mới có thể giải quyết vấn đề, tạo phước cho xã hội đại chúng. Bởi vậy, tôi nhân tiện việc họ thích ăn món Trung Quốc mà đem những đạo lý này giới thiệu cho họ, bảo họ đừng tự đánh giá mình quá cao, không nên xem thường người khác. Bất kì người nào cũng có khuyết điểm và cũng có ưu điểm, chúng ta tránh đi những khuyết điểm của họ, học tập ưu điểm của họ mới có thể tăng trưởng trí tuệ của mình, phát triển trình độ kĩ thuật của mình.
Thế nên vấn đề này cũng giống như vậy, ngày nay vấn đề giáo dục này đã cực kỳ nghiêm trọng, chúng ta phải cố gắng tranh thủ cơ hội giáo dục; đặc biệt là những người có học vấn, những người có địa vị, có uy tín trong giới học thuật thì phải tiếp xúc với họ nhiều hơn, giúp họ hiểu được nhiều hơn, giúp họ hiểu rõ vấn đề này. Họ sẽ dạy cho các học sinh của mình, dần dần sẽ có sự ảnh hưởng. Tóm lại mà nói, vấn đề căn bản nhất định phải bắt đầu làm từ bản thân. Hiện nay là tự do dân chủ mở rộng, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, chúng ta không có quyền hạn chế người khác, cho nên chỉ có cách làm từ chính bản thân mình, làm một tấm gương tốt cho người ta xem. Nắm được cơ hội rồi thì chúng ta nhất định không được bỏ qua, nhưng có thể thành tựu hay không thì đó là ý trời, gọi là: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Cho nên ngày nay giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội khó lòng cứu vãn được, bây giờ chỉ còn cái cuối cùng, chính là giáo dục tôn giáo. Nếu như giáo dục tôn giáo có thể giác ngộ, có thể làm cho thật tốt thì dần dần sẽ dẫn dắt được gia đình. Bởi vì tôn giáo đều có tín đồ, quý vị thường xuyên dạy dỗ tín đồ, khuyên bảo tín đồ, từ gia đình, nhà trường cho đến xã hội dần dần được khôi phục. Người thật sự có tâm sẽ đi làm, nếu khôi phục được như vậy thì thế giới sẽ đạt được hòa bình, xã hội an định, tôi ước chừng cần khoảng thời gian 100 năm, ngắn hơn nữa thì không có cách nào, thời gian 100 năm đó chúng ta phải nghiêm túc nỗ lực mà làm.
Hiện nay có một cơ hội, chính là tổ chức Giáo khoa văn Liên hiệp quốc đến tìm tôi, vốn dĩ là tháng 6 có mở một hội nghị tại Nhật Bản, tôi sẽ diễn giảng trong hội nghị đó, bây giờ hội nghị đó vì Sars mà lùi lại đến tháng 1 sang năm. Nhưng tháng 7 ở Thái Lan cũng có một hội nghị, đều là do Liên hiệp quốc tổ chức, tôi cũng sẽ đến đó tham gia. Tôi sẽ đem những quan niệm này giới thiệu cho họ biết. Tôi cũng sẽ kiến nghị với họ, hy vọng Liên hiệp quốc sẽ mở một “đại học tôn giáo thế giới”, mỗi một tôn giáo thành lập một học viện, nhiều học viện nhỏ như vậy hợp thành một đại học, do Liên hiệp quốc tổ chức. Đây là một ý tưởng rất hay, xem thử họ có thể tiếp nhận hay không.
MC: Vâng, sư phụ đã giải thích cho chúng ta về tầm quan trọng của giáo dục, giúp cho chúng ta biết được cho dù là vấn đề hiếu đạo của con dâu khi chung sống với cha mẹ chồng, hay là giữa các con đối với cha mẹ, cho đến rất nhiều hiện tượng hỗn loạn trong xã hội, thật ra đều có liên quan chặt chẽ đến giáo dục. Khi Sư phụ mới bắt đầu khai thị đã đặc biệt nhắc đến, giáo dục kì thật phải bắt đầu từ thai giáo, hy vọng có thể bắt đầu làm từ đó. Thế nhưng thưa sư phụ, có sanh thì sẽ có tử, cho nên khi đối diện với những “tiền nhân” đã qua đời, người xưa thường nói là “thận chung truy viễn”. Nhưng xã hội bây giờ mọi người đều bận rộn, nhất là khi thời đại công nghệ hóa xuất hiện; hiện nay chúng ta cũng đã nhìn thấy, trong xã hội lại xuất hiện hình thức cúng tế qua mạng internet. Lại có người nói “tâm thành ắt linh”, thành tâm là quan trọng nhất, rốt cuộc việc cúng tế qua mạng như vậy có thể bày tỏ tâm thành kính được không? Sau cùng thì mục đích và ý nghĩa thật sự của việc cúng tế là gì? Có thể mời Sư phụ khai thị cho chúng con được không ạ?
Hòa Thượng: Thật ra mà nói, không có gì không phải là giáo dục. Trước đây, rất nhiều năm về trước, tôi có đến thăm Bắc Kinh, tôi đã đi thăm hai trường học, Đại học Bắc Kinh và Đại học Sư phạm Bắc Kinh, hiệu trưởng và các giáo sư trường đại học sư phạm tiếp đón tôi, tôi nhìn thấy ở cửa hội trường của họ có để một tấm biển lớn, bên trên viết là: “Học vi nhân sư, thân vi thế phạm”, thầy hiệu trưởng giới thiệu cho tôi, đó là do tập thể giáo viên trường họ đặt ra. Tôi nói tám chữ này rất hay, tám chữ này chính là nội dung mà “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” đã nói. Họ rất ngạc nhiên, họ hỏi: “Kinh Phật nói về cái này sao?” Đúng vậy! Tôi liền sửa chữ “thân” thành chữ “hành”, tôi sửa lại một chữ, nhà trường cũng chấp nhận, bây giờ câu đó nhà trường viết thành: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, chữ “hành” này có ý nghĩa rộng hơn chữ “thân”. Rất khó được, nhà trường cũng chấp nhận.
Từ việc này, mỗi một người chúng ta đều phải hiểu được đạo lý này, những gì chúng ta học tập, tại sao phải học? Để làm một tấm gương cho tất cả đại chúng xã hội; ý nghĩ, lời nói và hành vi của chúng ta phải làm tấm gương tốt cho đại chúng xã hội, đây đều là giáo dục. “Thận chung truy viễn” chính là giáo hóa xã hội, chúng ta phải làm cho tốt, để đại chúng xã hội thấy. Thật ra mà nói, trong kinh điển chẳng phải đức Phật cũng thường dạy chúng ta “thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói” đó sao, diễn chính là biểu diễn. Cho nên có người hỏi tôi: “Phật giáo, thường ngày phải làm những gì?” Tôi nói: “Diễn kịch! Mỗi ngày đang diễn kịch”. Chúng ta biểu diễn những nội dung gì? Hoàn toàn là cải đổi xã hội, xã hội không biết “hiếu”, chúng ta biểu diễn hiếu; xã hội không biết “trung”, chúng ta biểu diễn trung; xã hội không biết “nghĩa”, chúng ta biểu diễn nghĩa. Hiện nay người xã hội “vong ơn phụ nghĩa”, chúng ta phải từ những mặt trái đó mà biểu diễn ra sự “tri ân báo ân”, tất cả việc làm ra này đều là đang biểu diễn. Cho nên đối với “tang sự” này, chúng ta biểu diễn ra lòng chân thành để cho người ta xem, nhìn thấy rồi thì người ta sẽ cảm động, những người đã qua đời chúng ta vẫn phải tưởng niệm, không thể quên ơn.
Công ơn cha mẹ, công ơn sư trưởng, tất cả chúng sanh trong xã hội đều có ơn với chúng ta. Quần áo chúng ta mặc, cơm chúng ta ăn là từ đâu mà có? Mồ hôi nước mắt của bao nhiêu người cúng dường cho chúng ta, chúng ta dùng cái gì để báo đáp họ? Loài người cũng là một loài động vật trong xã hội, là một quần thể, mọi người phải cùng nhau hợp tác. Bản thân chúng ta ở trong xã hội này, cho dù làm bất cứ ngành nghề nào thì chúng ta cũng nhất định phải làm cho tốt ngành nghề đó. Tại sao vậy? Phối hợp với những ngành nghề khác. Cũng giống như chiếc đồng hồ vậy, chúng ta nằm ở vị trí nào thì làm công việc ở vị trí đó, chúng ta làm việc phối hợp với toàn thể, phải hiểu cho được đạo lý này. Phải tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, nhất định không được đối lập, nhất định không được bài xích. Phải hiểu rằng nếu cái đồng hồ này thiếu đi một con ốc thì nó sẽ không thể chạy đúng giờ được, thiếu đi một linh kiện quan trọng thì nó sẽ không chạy được nữa.
Cho nên mỗi một người ở trong thế gian này, bất luận bạn trải qua cuộc sống như thế nào, bất luận bạn đang làm công việc gì, ở trong một cỗ máy lớn như vậy, bạn luôn là một bộ phận rất quan trọng. Bạn nhất định phải làm cho tốt công việc thuộc bổn phận của mình, nhất định phải biết phối hợp với tất cả mọi người, chúng ta làm tròn bổn phận của mình, đây chính là “tận trung thủ chức”, luôn giữ cái quan niệm như vậy. Tuy nhiên trong xã hội trước mắt, mâu thuẫn, hiểu lầm là điều khó tránh khỏi, những mâu thuẫn hiểu lầm đó từ đâu mà đến? Là do đôi bên không hiểu rõ nhau nên mới phát sinh. Cho nên Nho giáo và Phật giáo đều dạy chúng ta, phải “thông”. Bạn xem, dạy người làm quan phải “Chính trị thông đạt, nhân dân yên ổn”, cho nên giữa người và người phải qua lại, không thể nào không qua lại.
Ví dụ nói về những mâu thuẫn nảy sinh giữa các tôn giáo, là do nguyên nhân gì? Không qua lại. Hai bên không qua lại với nhau, tôi đoán anh, anh đoán tôi, càng đoán càng sai, đều không phải là chân tướng sự thật, làm gì có chuyện không thể đoàn kết được? Tôi đến Singapore, chín tôn giáo của Singapore, tôi đã có thể đoàn kết chín tôn giáo đó lại trong khoảng thời gian không lâu lắm. Là nguyên nhân gì? Qua lại hỏi thăm, họ không qua lại với tôi, tôi chủ động đến thăm họ. Phương pháp mà Phật giáo dạy cho chúng ta hay vô cùng; trong Phật giáo, Bồ Tát có “tứ nhiếp pháp”, tứ nhiếp pháp đó là gì? Nói như kiểu bây giờ chính là cách quan hệ với mọi người, cách giao tiếp ứng xử. Phật có “cẩm nang” này, dạy chúng ta đối với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật, phải dùng phương pháp gì để qua lại với mọi người?
Trong phương pháp này thì cái đầu tiên là “Bố thí”. Cho nên, bố thí trong tứ nhiếp pháp cùng với bố thí trong lục độ có cách nói không giống nhau, nhưng danh từ dùng như nhau, ý nghĩa không giống nhau. Qua lại giữa người với người, bố thí này chính là hiện nay gọi là thường mời khách, thường tặng quà, có qua có lại vậy. Chúng ta qua lại với những tôn giáo khác nhau, những dân tộc khác nhau, những quốc gia khác nhau là phải biết chiêu đãi, tặng quà, tiếp đón cho tốt. Tình cảm con người từ chỗ này mà được xây dựng, “Ái ngữ”, thật sự quan tâm người khác. “Lợi hành”, tất cả những việc làm của chúng ta nhất định phải có lợi ích cho họ, tuyệt đối không có tổn hại. “Đồng sự”, chúng ta cùng theo đuổi công tác giáo dục xã hội văn hóa đa nguyên, hy vọng mọi người đều có thể tuân theo những giáo huấn của thánh hiền, làm tấm gương tốt nhất cho đại chúng xã hội. Gương mẫu tốt nhất, hiện nay thế giới này đang thiếu đi sự tôn trọng lẫn nhau, thiếu đi sự kính yêu lẫn nhau, thiếu đi sự hợp tác với nhau, vậy chúng ta phải làm việc này nhiều hơn nữa. Chúng ta nhất định phải làm đến được giữa các bên tôn trọng lẫn nhau, phải thật sự quan tâm, phải giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta phải làm ra cho mọi người xem, đó chính là giáo dục! Không có gì không phải là giáo dục, không có gì không phải là biểu diễn.
Cho nên đời sống chính là đang biểu diễn, biểu diễn đời sống chính là giáo dục; “khởi tâm động niệm, lời nói việc làm” toàn bộ đều là giáo dục. Giáo dục này là giáo dục sống động, xã hội hiện nay đang mắc phải căn bệnh gì thì bạn phải tùy bệnh mà cho thuốc, không thể lấy những thứ của thời xưa để dạy ngày nay, những thứ thời xưa là để trị bệnh thời đó, không trị được bệnh ngày nay. Thế nên, cổ thánh tiên hiền Trung Quốc thường nói: “Thông quyền đạt biến”, bạn nhất định phải giống như thầy thuốc chữa bệnh vậy, bạn không thể dùng phương pháp của người xưa để chữa bệnh cho người hiện nay, chữa như vậy thì không khỏi. Bạn phải xem người thời đại này đang mắc phải bệnh gì rồi bạn mới dùng phương pháp để chữa cho họ. Dạy học cũng là như vậy, bệnh tình của xã hội hiện nay là gì, chúng ta nên dùng phương pháp gì để hướng dẫn, “tùy bệnh cho thuốc, thuốc đến khỏi bệnh”.
Chính mình nhất định phải hiểu rõ, phải sáng tỏ, chính mình phải thật sự phát tâm, cứu khổ cứu nạn, cứu độ tất cả chúng sanh, đây là tâm Bồ Tát; phương pháp chính là từ ý nghĩ, lời nói trong đời sống hằng ngày của chính mình, từ chỗ này mà bắt đầu làm. Chúng ta muốn ảnh hưởng đại chúng, ảnh hưởng xã hội này thì phải có tâm nhẫn nại. Phải biết được căn bệnh này đã rất nặng, thời gian đã rất lâu rồi, nhất định không thể trong thời gian ngắn mà có thể thay đổi được; cho nên, mặc dù gặp phải trắc trở cũng không được nản lòng. Tại sao vậy? Giống như dùng thuốc vậy, bệnh vừa mới chữa, chưa có khỏi thì đã nghi ngờ “tôi làm không được”, vậy thì bệnh đó của họ sẽ càng nặng hơn, công sức trước đó của bạn sẽ là đổ sông đổ bể, cho nên phải có tâm nhẫn nại, phải có lòng kiên trì, phải có trí tuệ, phải có nghị lực, dũng cảm tiến lên, quyết không lùi bước. Bên này gặp phải chướng ngại, bên khác vẫn còn con đường, con đường nào cũng là con đường sống, cho nên chỉ cần tâm của bạn chân thành, vì chánh pháp, vì chúng sanh thì nhất định sẽ đi tới thành công.
MC: Sư phụ đã hết mực khuyên bảo chúng ta về tính quan trọng của giáo dục, nói cho mọi người chúng ta biết rằng, tất thảy mọi việc, thật ra việc nào cũng đều có liên quan đến giáo dục. Sư phụ, xin ngài hãy dạy cho chúng con một chút, giống như lúc nãy ngài đã đặc biệt nói rằng, rất nhiều kinh điển và sách xưa đều có đạo lý của chúng, nhưng dùng trong xã hội bây giờ thì buộc phải tùy cơ ứng biến. Giống như trong Lễ Kí đã từng nói rằng: “Sau khi cha qua đời không thể đọc sách của cha, bởi hơi tay cha vẫn còn đó; sau khi mẹ qua đời không thể dùng cốc của mẹ, vì hơi thở mẹ vẫn còn vương” (Phụ một nhi bất năng độc phụ chi thư, thủ trạch tồn yên nhĩ; mẫu một nhi hoài khuyên bất năng ẩm yên, khẩu trạch chi khí tồn yên nhĩ), đây chính là nói người đời sau luôn nhớ nghĩ tới người đời trước, cũng là biểu hiện tâm hiếu kính của họ. Nếu đặt vào xã hội hiện nay thì có lẽ sẽ có người nói: “Chúng ta đối với di vật của người quá cố, rốt cuộc phải nên có thái độ như thế nào thì mới là cách xử lý đúng đắn?” Lại có người sẽ cho rằng, những đồ này đều là hiện vật của người thân chúng ta, họ đã từng dùng qua, cho nên chúng ta phải đem nó lưu giữ lại đầy đủ. Nhưng có lẽ cũng có người nói, xã hội ngày nay nhà ở rất nhỏ, tấc đất tấc vàng, đồ đạc của mình có lẽ cũng còn không có chỗ để nữa là, nếu cứ đời này qua đời khác tích lũy lại, giữ lại rất nhiều hiện vật của người quá cố thì có phải không gian sinh hoạt của mọi người sẽ càng ngày càng nhỏ còn gì? Cho nên, đối với những di vật đó chúng ta phải nên dùng cách gì để xử lý, dùng tâm thái gì để xử sự mới hợp lý nhất?
Hòa Thượng: Đúng, đây là kỷ niệm, cũng là một sự tôn trọng, thật ra chính là dạy người ta phải tôn trọng người đời trước, kính yêu người đời trước. Biết tôn trọng, biết kính yêu người đời trước thì tất nhiên đối với người hiện tại sẽ không cần phải nói. Cho nên tất cả cũng là vì hiện tiền, việc đó sẽ ảnh hưởng đến xã hội thời nay. Nhưng người nước ngoài không hiểu, họ nói: “Người Trung Hoa các bạn tưởng niệm tổ tiên, tổ tiên các bạn đã mấy ngàn năm rồi, các bạn hoàn toàn không quen biết họ, tại sao các bạn còn phải thờ cúng họ?” Họ không hiểu được. Tổ tiên cách rất xa, chưa từng gặp qua,nhưng chúng ta vẫn nhớ đến họ thì làm gì có chuyện không hiếu thuận với cha mẹ hiện tại, mục đích là vì điều này! Có thể hiếu kính cha mẹ mình, thì cũng có thể hiếu kính cha mẹ người khác, cho nên đây là giáo dục, họ không hiểu được thâm ý ở trong đây, trong Phật pháp gọi là “mật ý”, đạo lý thâm mật.
Vì vậy tất cả đều bắt đầu làm từ chính mình, làm cho người khác xem, cá nhân phải làm tấm gương tốt cho tất cả mọi người, gia đình phải làm tấm gương tốt cho tất cả các gia đình. Điều này trong lúc giảng kinh chúng tôi cũng thường hay khích lệ các đồng học, mình làm trong ngành nghề nào thì nhất định phải làm ra mô phạm, làm ra tấm gương tốt trong ngành nghề đó, vậy là đúng rồi. Trung Quốc thời xưa dạy về “ngũ luân thập nghĩa”, chúng ta là thân phận gì thì phải làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của thân phận này, đây là điều thuộc về giáo dục, điều này trong Phật pháp chính là đại từ đại bi, thị hiện của Phật, Bồ Tát. Tư tưởng quan niệm của người hiện đại không giống với người thời xưa, tất cả lời nói và việc làm cũng không giống, việc này phải có trí tuệ cao độ thì bạn mới có thể tùy cơ ứng biến, bạn mới có thể làm được viên mãn, đây là một việc tương đối không đơn giản.
Chúng ta không những phải đọc sách xưa mà còn phải hiểu được những suy nghĩ, cách nhìn, việc làm, hành vi của người hiện đại. Các bạn “bác cổ” nhưng không “thông kim”, những thứ thời xưa đó không thể lấy dùng cho thời nay. Cho nên nhất định phải biết, bệnh tình, nút thắt của thời bây giờ nằm ở chỗ nào, những nguyên lý nguyên tắc của người xưa phải nên ứng dụng linh hoạt ra sao để tháo gỡ những nút thắt trong hiện tại thì mới sanh ra được hiệu quả chân thật.
Lúc nãy bạn nhắc đến vấn đề này, đây là một vấn đề xã hội ở ngay trước mắt, trước đây thì không có vấn đề này, trước đây là thế nào? trước đây đất rộng người thưa, còn bây giờ thì thật sự đã bùng nổ dân số. Gia tộc của mỗi một người đều rất lớn, trước đây đều có từ đường, di vật của tổ tiên, trong từ đường có thể có cả phòng kỷ niệm. Nhưng kết cấu xã hội bây giờ thì khác với trước kia, những di vật này ắt phải bỏ đi, nhưng bạn phải có tâm lưu lại vài món đồ đáng nhớ nhất mà không chiếm diện tích quá lớn. Tất nhiên nơi lý tưởng nhất là khu tập thể, khu tập thể nếu có thể được, thì nên có một nơi giống như viện bảo tàng, kiểu như phòng kỷ niệm vậy, có một phòng trưng bày, đây là trong tưởng tượng của chúng tôi, cách làm như vậy rất tốt. Tại sao vậy? Dạy các em nhỏ, người trẻ tuổi trong khu tập thể này của bạn, như vậy rất có ý nghĩa giáo dục.
Cho nên việc “tế tổ” hiện nay, việc tế tổ của Trung Quốc đại lục đã bị phế bỏ từ rất lâu rồi, hình như bây giờ cũng dần dần được khôi phục, mấy năm gần đây đang xuất hiện lại. Trong thời kì đại cách mạng văn hóa, hồi đó tôi đang ở Đài Loan, tôi nghe thấy Trung Quốc đại lục đã đem từ đường phá bỏ đi, đốt luôn cả gia phả. Lúc đó, tôi nghe thấy những tin tức này thì rất lo lắng, tôi đã suy nghĩ trong một, hai tuần lễ và cũng nghĩ ra được một cách, từ đường của mỗi dòng họ không còn nữa, hy vọng mỗi một huyện sẽ xây dựng một nhà từ đường trăm họ, tổ tiên của mỗi dòng họ chúng ta đều được thờ cúng trong từ đường đó, như vậy dân tộc của chúng ta sẽ được đoàn kết lại, không giống như từng họ riêng lẻ. Việc cúng tế vào hai mùa xuân thu sẽ do huyện trưởng, thị trưởng làm chủ tế, mỗi dòng họ sẽ cử ra một người đức cao vọng trọng để làm người phụ lễ. Việc cúng tế không được gián đoạn, tổ tiên đều tập trung lại với nhau, tôi đã nghĩ về việc như vậy. Hơn nữa trong lúc giảng kinh tôi cũng có đề cập đến, có khi báo chí, tạp chí cũng có viết một số bài, cũng có người hưởng ứng, nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được.
Tôi đã có suy nghĩ này hơn 20 năm rồi, đến năm nay, cuối cùng cũng đã thành hiện thực, ở Hồng Kông tôi có xây dựng một “Kỷ Niệm Đường Tổ Tiên Vạn Họ Dân Tộc Trung Hoa”, tôi đã thành lập một cơ cấu như vậy. Khi đi tìm kiếm các dòng họ Trung Quốc thì mới phát hiện ra không phải là trăm họ, hiện nay tôi đã tìm được cả hơn 12.000 họ, nghe nói tổng cộng các họ có lẽ vượt hơn 22.000, hiện nay vẫn đang tiếp tục tìm. Bây giờ trong “Kỷ niệm đường” này có hơn 12.000 bài vị, bài vị của tổ tiên mỗi gia tộc. Lúc làm lễ khai mạc, bởi vì chỗ đó không lớn, quý vị cũng biết ở Hồng Kông tấc đất tấc vàng, Trung Quốc đại lục cũng có một số giáo thọ, họ có “Học Hội Khổng Tử”, cũng đã cử người đến tham gia. Có một hậu nhân đời thứ 77 của Khổng Lão Phu Tử tên là Khổng Đức Dung, có lẽ là cùng vai vế với Khổng Đức Thành, cũng đến tham gia, mọi người vô cùng hoan hỉ. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục phát triển từ chỗ này.
Hiện nay ở Australia, trong Tịnh tông học viện Australia cũng có một “Kỷ niệm đường tổ tiên vạn họ”, đến tháng chín thì bài vị tổ tiên đều có thể làm xong, tinh tế hơn Hồng Kông một chút. Cho nên mới đề xướng, hy vọng chúng ta ở hải ngoại, chỉ cần chỗ nào có người Trung Quốc thì chúng ta đều có kỷ niệm đường như vậy, đây là một việc giáo dục cực kì tốt, dạy hiếu. Hy vọng Trung Quốc đại lục sau này ở mỗi huyện cũng đều có kỷ niệm đường tổ tiên vạn họ, chúng tôi đang hết lòng nỗ lực thúc đẩy. Trong khu tập thể, tương lai nhất định sẽ hình thành một phương thức sinh hoạt hiện đại hóa như vậy, tức là mỗi một khu dân cư đều có một khu tập thể, trong khu tập thể đó nên có trung tâm hoạt động, nên có thư viện, nên có phòng trưng bày hiện vật. Vậy thì những đồ vật mà tổ tiên chúng ta để lại đều có thể trưng bày ở đó, có đề rõ chú thích, để cho các bạn trẻ nhìn thấy, bản thân chúng ta cũng phải thường xuyên quan tâm. Phương pháp này có thể làm được, đây đều là cách giải quyết. Cho nên nhất định phải khiến người ta có thể thường xuyên nhớ đến ân đức của tổ tiên.
Việc truyền thừa, phát dương quang đại văn hóa đang đặt trên đôi vai của chính chúng ta, những thế hệ hậu bối. Cho nên tôi cũng thường nói, không cần biết sự nghiệp của bản thân bạn huy hoàng đến đâu đi nữa, nếu như không có người kế thừa thì thành tựu của bạn cũng là con số không, bên dưới nhất định phải có người kế thừa. Gia đình có người kế thừa thì gia nghiệp mới không bị đứt đoạn, sự nghiệp cũng là như vậy, quốc gia trước đây cũng là như vậy, cho nên sau đại lễ lên ngôi của hoàng đế thì việc lớn đầu tiên chính là lập Thái tử, chọn ra người kế thừa, đời đời truyền thừa, đó là sự nghiệp của họ. Nếu như không có một người kế thừa tốt thì sự nghiệp họ liền bị diệt mất, thành tựu đó của họ sẽ về số không, điều này vô cùng, vô cùng quan trọng.
MC: Sư phụ, ngài đã nhắc đến vấn đề kế thừa, ở đây chúng con cũng có một vấn đề liên quan muốn thỉnh giáo ngài, người Trung Quốc chúng ta thường nói: “Bất hiếu có ba điều, không con nối dõi là lớn nhất” (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại), nhưng hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng không có con, nhờ vào việc phát triển của khoa học mà họ đã dùng đến phương pháp thụ tinh nhân tạo. Theo như ngài thấy thì cách làm như vậy có trái với tự nhiên không? Có trái với nhân quả không? Ngoài ra còn nói, giả sử có một số cặp vợ chồng, thậm chí khi họ đã nhờ đến khoa học rồi nhưng vẫn không cách nào thụ thai được, thì lúc này họ phải nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Có thể mời ngài khai thị cho mọi người, để giúp cho mọi người hiểu rõ được vấn đề không ạ?
Hòa Thượng: Đúng. Con người không thể làm trái với tự nhiên. Trái nghịch tự nhiên, người bây giờ nói là “nhân định thắng thiên”, chiến thắng tự nhiên, không sai, biểu hiện bên ngoài thì hình như các bạn đã chiến thắng tự nhiên, nhưng tai họa mà tự nhiên sẽ mang đến cho bạn, đó là hủy hoại tất cả mọi thứ. Cho nên đến sau cùng, khi tổng kết lại thì vẫn là tự nhiên chiến thắng, chúng ta vẫn không có cách gì chiến thắng, vẫn phải thất bại hoàn toàn trước tự nhiên. Thế nên cổ thánh tiên hiền dạy chúng ta phải tùy thuận tự nhiên. Lấy ví dụ đơn giản nhất chính là việc ăn uống, tại sao người bây giờ lại nhiều bệnh tật như vậy? Trái nghịch với tự nhiên, cho nên họ mới sinh bệnh. Lão tổ tiên Trung Quốc thời xưa của chúng ta, đã dạy cho chúng ta cách sống, ăn uống thì phải nên ăn những thứ gì? Tháng này nên ăn cái gì? Các bạn xem thời vụ trong Lễ Kí, nói cho chúng ta biết, tháng nào sẽ có những loại nông sản nào sanh trưởng, bạn chỉ nên ăn những nông sản trong tháng đó. Rau củ quả nhất định phải ăn những loại trong tháng đó, hơn nữa phải ăn như thế nào? Ăn những loại trong vùng đó, trong vùng nó có giới hạn, không được vượt quá 30 km, ăn trong vòng 30 km, trong vòng 30 km là tính từ nơi mình sống, cùng với nông sản trong tháng để nuôi dưỡng con người là tốt nhất, người Trung Quốc hiểu được. Trong “Lã Thị Xuân Thu” cũng nói được rất rõ ràng, không phải không có đạo lý, không phải là mê tín. Người bây giờ cứ thích ăn ngon, không chú trọng dưỡng sinh, ra ngoài mua những đồ nhập khẩu, cứ ăn những thứ bên ngoài, không phải những loại trồng ở địa phương mình, cũng không phải ăn theo mùa, làm sao không bị bệnh cho được! Những kiến thức phổ thông này hiện nay không có người nói, mọi người thật sự là mơ hồ không biết, những điều này các thầy thuốc Trung y đều biết, họ đều hiểu được.
Hiện nay chúng tôi ở nước ngoài, khi ở nước ngoài, nhất là Australia, Australia đất rộng người thưa, diện tích của nó cũng lớn khoảng bằng nước Mỹ, ngoài Alaska ra thì cũng lớn như nước Mỹ vậy, có lẽ dân số chỉ tầm 19 triệu người, không đông bằng Đài Loan, cho nên đất đai ở đó không đắt đỏ, rất dễ mua được đất đai. Chúng tôi đến Australia thì cảm thấy vùng đất này thật sự là một vùng Tịnh độ còn sót lại sau cùng trên trái đất hiện nay. Australia, New Zealand thật sự là một vùng Tịnh độ, môi trường thiên nhiên ở đó hoàn toàn chưa bị phá hoại. Chúng tôi ở đó tự mình trồng trọt, chúng tôi đã trồng khoảng mười mấy loại, gần hai chục loại, cho nên có thể nói là 2/3 thực phẩm mà chúng tôi ăn đều là do chúng tôi tự trồng, số thực phẩm mua từ bên ngoài càng ngày càng ít. Hiện tại chúng tôi còn nghĩ đến việc trồng lương thực, lương thực chủ yếu là gạo, Australia là quốc gia nông nghiệp, đất nước trồng trọt chăn nuôi, việc này rất dễ làm được. Bản thân chúng tôi muốn trồng, có thể trồng ngô để làm thực phẩm chính, trồng khoai tây, khoai lang, những thứ này đều có thể dùng làm thực phẩm chính. Đất đai của chúng tôi cũng rất là lớn, cho nên có ba vườn rau, hy vọng sau này có thể tự cung tự cấp. Đó cũng là làm ra tấm gương tốt cho mọi người xem, những thứ chúng tôi ăn là lành mạnh nhất, bây giờ gọi là thực phẩm hữu cơ, chúng tôi không dùng phân hóa học, chúng tôi không dùng thuốc sâu, những loài côn trùng có hại, chúng tôi chung sống với chúng rất tốt, chúng tôi yêu thương chúng, chúng cũng yêu thương chúng tôi, nhất định không làm hại lẫn nhau.
MC: Vâng, hôm nay Sư phụ đã nói với chúng ta rất nhiều về tầm quan trọng của việc giáo dục, và ngài cũng đã nói cho chúng ta biết ý nghĩa thật sự của hiếu đạo. Hy vọng quý vị đại đức, cư sĩ hôm nay sau khi nghe xong khai thị của Sư phụ thì đều có thể vui vẻ bình an, mọi việc tốt đẹp. Chúng con lại một lần nữa cảm ơn Sư phụ đã khai thị cho chúng con. Xin cảm ơn Sư phụ!
Hòa Thượng: Cảm ơn mọi người.
☆ Xem thêm: